Nhận biết thoát vị bẹn

Từ VLOS
(đổi hướng từ Nhận biết Thoát vị Bẹn)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Nếu bị thoát vị bẹn thì một trong những dấu hiệu bạn sẽ để ý thấy là chỗ phình ra ở bụng hay háng. Chỗ phình này chính là ruột hay một phần ruột đẩy qua cơ trong ổ bụng. Thoát vị bẹn được chẩn đoán khá đơn giản và phẫu thuật là cách chữa trị chính. Bệnh thoát vị thường không nguy hiểm đến tính mạng nhưng xuất hiện biến chứng nếu bạn không chữa trị. Thoát vị bẹn có thể gây ra các mối nguy hiểm như thắt ruột, là khi một phần ruột xoắn lại và đứt rời ra do hình thành túi thoát vị của ruột. Tình trạng này dẫn tới nghẹt ruột, đau bụng và sốt nếu không được điều trị, cuối cùng phải cấp cứu. Bạn nên học cách nhận biết dấu hiệu và cách điều trị thoát vị bẹn, nhưng tốt nhất vẫn là phòng bệnh hơn chữa bệnh.

Các bước[sửa]

Tìm Dấu hiệu của Thoát vị Bẹn[sửa]

  1. Tìm hiểu về các loại thoát vị bẹn. Người ta phân biệt thoát vị bẹn dựa trên vị trí và nguyên nhân gây bệnh. Có các loại thoát vị bẹn sau:[1]
    • Thoát vị bẹn gián tiếp: Đây là một khiếm khuyết bẩm sinh khiến ruột và/hay thành ruột trượt vào vị trí nơi hai tinh hoàn của thai nhi nam hạ xuống đó trước khi sinh. Trong đa phần các trường hợp là do khu vực này không đóng kín sau khi thai nhi ra đời và ruột trượt vào đó.
    • Thoát vị bẹn trực tiếp: Loại thoát vị này xảy ra khi bị sang chấn vào khu vực đó, giống như có lực ép tác động liên tục khi nâng vật nặng, ho nhiều, rặn trong khi đi vệ sinh hoặc mang thai. Ruột, thành ruột hay mỡ ruột trượt qua các cơ yếu gần vùng háng và bộ phận sinh dục, nhưng không đi vào bìu dái hay bao tinh hoàn.
    • Thoát vị đùi: Bệnh này thường xảy ra trong thời kỳ mang thai hay lúc sinh con. Các thành phần của ruột trượt qua điểm yếu trong vùng dưới của háng, nơi các mạch máu đi qua để cung cấp máu cho đùi và chân.
  2. Soi gương tìm dấu hiệu thoát vị. Cởi trang phục từ eo trở xuống và soi gương. Đặt 2 ngón tay lên khu vực bạn cho là có ảnh hưởng. Cố gắng ho và để ý xem bạn có cảm thấy hay nhìn thấy có chỗ phình ra khỏi khu vực này. Bạn cũng có thể nín thở và hóp bụng lại giống như đang đi vệ sinh. Dùng ngón tay để cảm nhận xem chỗ đó có phình ra không. Bệnh thoát vị trở nên nặng hơn mỗi khi bạn làm những việc tạo áp lực đè lên bụng. Bạn cũng nên tìm:[2]
    • Chỗ phình ở vùng háng: Nếu có hiện tượng này thì bạn bị thoát vị trực tiếp hay gián tiếp.
    • Chỗ phình trên đùi và dưới háng: Dấu hiệu gần như chắc chắn của thoát vị đùi.
    • Một tinh hoàn lớn hơn bên còn lại hoặc sưng to hơn: Đây có thể là dấu hiệu của thoát vị gián tiếp.
    • Nóng, nhức hoặc rất đau ở háng: Các triệu chứng này chứng tỏ có thoát vị vì ruột đã mắc kẹt và thắt lại nên gây đau.
  3. Kiểm tra xem có thể đẩy ngược khối thoát vị trở lại không. Dùng tay sờ xem có thể thu lại hay đẩy ngược khối thoát vị trở về vị trí. Nằm xuống để trọng lực giúp thả lỏng sức căng ở chỗ thoát vị. Từ từ dùng ngón trỏ ép vào chỗ phình và cố gắng đẩy phần chứa trong đó lùi lại. Không mạnh tay vì có thể làm vỡ thành phần bị thoát vị hay làm rách miệng hố bẹn. Nếu bạn không thể thu khối thoát vị lại thì phải đi khám bệnh ngay.
    • Cho bác sĩ biết nếu bạn cảm thấy buồn nôn ngoài việc không thể đẩy lùi chỗ phình vào trong, đó có thể là biến chứng của bệnh thoát vị, hiện tượng thắt nghẹt.
    • Gặp bác sĩ ngay nếu đau bụng hoặc sốt.
    • Hiện tượng thắt nghẹt ruột khiến mạch máu không thể cung cấp đủ chất dinh dưỡng tới ruột, làm chết mô tế bào và suy chức năng ruột. Bạn cần phải phẫu thuật loại bỏ tế bào chết để sản phẩm đã tiêu hóa có thể thẩm thấu qua đó.[3]
  4. Kiểm tra y khoa. Người bệnh cần phải đi khám bất kể đang bị thoát vị loại nào. Tại phòng khám bạn phải cởi hết trang phục từ eo trở xuống, bác sĩ và phụ tá của họ sẽ khám bụng và cơ quan sinh dục để tìm điểm mất cân đối và chỗ phình. Họ yêu cầu bạn ép bụng xuống giống như khi ho, hoặc thóp bụng lại trong khi nín thở, nếu có chỗ phình thì chứng tỏ có thoát vị. Bác sĩ cũng kiểm tra xem có thể thu khối thoát vị lại không bằng cách dùng ngón trỏ sờ vào khu vực đó.
    • Họ dùng ống nghe để nghe âm thanh do ruột bên trong chỗ phình phát ra. Nếu không có âm thanh gì thì chứng tỏ mô tế bào đã chết hoặc bị thắt nghẹt.[4]

Điều trị Thoát vị Bẹn và Hồi phục[sửa]

  1. Thảo luận lựa chọn điều trị với bác sĩ. Phẫu thuật là cách điều trị được công nhận và sử dụng rộng rãi nhất đối với bệnh thoát vị. Nhưng nếu chưa có triệu chứng nào xuất hiện và khối thoát vị có thể đẩy lùi lại thì nhiều khi bạn vẫn muốn chờ. Dù có phẫu thuật hay không thì bạn cũng phải hẹn gặp bác sĩ để nghe ý kiến chuyên gia. Nếu bạn muốn phẫu thuật nhưng bác sĩ lại khuyên không nên vì chưa có triệu chứng gì, khi đó bạn vẫn có quyền chọn phẫu thuật vì lý do thẩm mỹ. Sau khi quyết định, bạn phải hẹn gặp bác sĩ phẫu thuật.[5]
    • Công việc tiếp theo là thực hiện các bước xét nghiệm, bao gồm: xét nghiệm các chỉ số của máu (PT, PTT, INR, và CBC),[6] hàm lượng các chất điện phân như natri, kali và glucô, và ghi điện tâm đồ (ECG) để phát hiện bất thường ở tim. Hẹn gặp bác sĩ để sắp xếp thực hiện xét nghiệm, sau đó mang kết quả gửi cho bác sĩ phẫu thuật.
  2. Phẫu thuật nội soi. Với phương pháp này bạn cần phải uống thuốc gây mê để giảm đau và khó chịu. Bác sĩ phẫu thuật sẽ thổi khí vào bụng để các mô nở rộng ra trước khi tiến hành công việc. Tiếp theo họ đưa một đầu dò camera vào trong để hướng dẫn cho các thiết bị khác khi cắt và khâu. Họ dùng thiết bị đẩy bộ phận thoát vị vào lại vị trí đúng, đồng thời chêm vào đó một tấm lưới nhân tạo để tăng cường cho chỗ cơ yếu trên thành ổ bụng. Thủ thuật này ngăn ngừa thoát vị trong tương lai. Sau cùng bác sĩ khâu vết cắt chỗ đưa đầu dò vào.[5]
    • Vì là hình thức phẫu thuật ít xâm phạm nên chỉ để lại vết sẹo nhỏ sau này, không làm mất nhiều máu nên cũng không gây đau nhiều sau phẫu thuật.
    • Phẫu thuật nội soi ổ bụng được ưa chuộng hơn phẫu thuật mổ hở nếu thoát vị xảy ra cả hai bên, tái đi tái lại hoặc thoát vị đùi.
  3. Phẫu thuật mổ hở. Nếu chọn kiểu phẫu thuật này thì bác sĩ sẽ rạch một đường dọc theo háng để mở khu vực đó ra. Sau đó họ dùng tay đẩy bộ phận thoát vị vào lại ổ bụng và tìm chỗ rò khí từ ruột. Cuối cùng bác sĩ chèn một tấm lưới xung quanh chỗ cơ yếu trong ổ bụng hoặc thắt các cơ đó lại với nhau, như vậy có thể ngăn ngừa thoát vị trong tương lai. Vết cắt sẽ được khâu lại sau khi hoàn tất.[5]
    • Nếu bạn bị thoát vị nặng và muốn tìm một phương pháp phẫu thuật tương đối rẻ thì có thể cân nhắc mổ hở.
    • Phẫu thuật mổ hở được chuộng hơn phẫu thuật nội soi nếu vị trí đó đã từng được mổ, nếu đây là lần đầu bạn bị thoát vị bẹn, nếu khối thoát vị lớn hoặc khi bạn lo ngại về vấn đề nhiễm trùng.
  4. Chăm sóc sau phẫu thuật. Vì cơn đau có thể kéo dài vài tuần sau phẫu thuật nên bạn phải uống bất kì loại thuốc giảm đau nào bác sĩ đã kê. Bạn nhớ ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ hoặc uống 2 thìa canh sữa magiê hai lần mỗi ngày sau khi phẫu thuật. Khoảng 1-5 ngày sau phẫu thuật bạn mới đi cầu lại và chế độ ăn giàu chất xơ sẽ giúp bạn đi cầu dễ hơn.[7]
    • Muốn giảm đau thì bạn chườm túi nước đá xung quanh khu vực mổ 20 phút mỗi lần (nhớ bọc khăn bên ngoài túi nước đá).
  5. Vệ sinh vết thương. Để yên băng trên vết thương trong 2 ngày. Bạn có thể thấy ít máu hoặc dịch tiết từ vết thương, điều này là bình thường. Sau 36 giờ bạn được phép tắm,[7] tuy nhiên nhớ tháo gạc ra và chỉ thoa nhẹ xà phòng lên đó. Khi đã tắm xong bạn phải lau khô vết thương nhẹ nhàng và thay gạc mới sau mỗi lần tắm.
    • Tránh tắm hay nhúng ướt vết thương trong hồ bơi hoặc bể tắm nước nóng công cộng tối thiểu 2 tuần.[8]
  6. Nhẹ nhàng vận động trở lại. Sau phẫu thuật không có bất kì giới hạn nào về hoạt động thể chất nhưng khu vực đó vẫn còn khá yếu, do đó bạn nên tránh các hoạt động gây nhiều áp lực lên bụng trong một tuần. Ví dụ như tập thể dục, chạy bộ hay bơi lội.
    • Bạn cũng không được nâng vật nặng hơn 5 kg trong 6 tuần đầu, hoặc chờ tới khi bác sĩ cho phép. Nâng vật nặng có thể gây ra thoát vị mới tại cùng vị trí đó.[9]
  7. Để ý các biến chứng. Thông báo cho bác sĩ biết nếu bạn gặp bất kì biến chứng nào dưới đây sau phẫu thuật:
    • Sốt (38,3 C) và ớn lạnh: Vi khuẩn có thể đã xâm nhập vào vết thương.
    • Chảy dịch từ vết thương có mùi và màu giống như mủ (thường hơi nâu hoặc xanh): Nhiễm trùng vi khuẩn tạo ra dịch nhầy có mùi hôi.
    • Chảy máu liên tục từ vết thương: có thể một mạch máu bị vỡ và không được làm kín trong khi phẫu thuật.
    • Gặp vấn đề khi tiểu: Có dịch và bị viêm sau phẫu thuật là bình thường, nhưng nếu quá nhiều dịch sẽ dẫn tới chèn bàng quang hay niệu đạo và gây khó khăn khi tiểu.
    • Sưng hay đau ngày càng trầm trọng hơn ở hai tinh hoàn.

Ngăn ngừa Thoát vị Bẹn[sửa]

  1. Giảm cân. Nếu bạn quá cân hay béo phì thì nên giảm cân bằng cách ăn ít calo hơn và tập thể dục vừa phải. Thừa cân khiến các khu vực vốn đã yếu trong ổ bụng phải chịu nhiều sức nặng hơn bình thường, từ đó dẫn tới tăng khả năng thoát vị tại các điểm yếu này.
    • Nhớ chọn cách tập thể dục không tạo nhiều áp lực lên thành bụng.[10] Bạn thử thực hiện các bài tập vừa phải như đi bộ, chạy bộ, bơi lội và đạp xe.
  2. Ăn nhiều chất xơ hơn. Chất xơ giúp cải thiện tiêu hóa và làm trống ruột, chế độ ăn giàu chất xơ cũng làm mềm phân hơn và bạn bớt phải rặn khi đi vệ sinh. Ăn các thực phẩm nhiều chất xơ như bánh mì, hoa quả và rau. Bạn cũng nên uống nhiều nước xuyên suốt ngày để giữ chức năng ruột hoạt động tốt hơn.[10]
    • Chất xơ đặc biệt quan trọng nếu bạn vừa phẫu thuật trị thoát vị xong, vì bản thân việc phẫu thuật và sử dụng thuốc giảm đau làm ruột chuyển động chậm lại. Điều này dẫn tới táo bón và tạo áp lực lên ổ bụng.
  3. Học cách nâng đồ vật. Tránh hoặc phải cẩn thận khi nâng vật nặng. Bạn có thể bắt đầu nâng vật nặng trên 5 kg khoảng 6 tuần sau phẫu thuật. Muốn nâng đúng cách thì bạn phải cong tại đầu gối để hạ thấp người trước, nắm kéo vật lại gần và nâng lên, dùng đầu gối nâng thay vì dùng eo. Cách nâng này giảm khối lượng và áp lực đè lên bụng khi cong người.[11]
    • Bạn có thể mang trang phục hỗ trợ vận động quanh eo, nó giúp nâng đỡ cơ bụng đặc biệt khi nâng.

Lời khuyên[sửa]

  • Không loại trừ khả năng thoát vị cho dù bạn không thấy đau vì thoát vị bẹn có thể không đau.
  • Các yếu tố rủi ro mắc thoát vị bẹn ở người lớn bao gồm: đã bị bệnh này khi còn nhỏ, tuổi già, nam giới, ho mãn tính, táo bón mãn tính, chấn thương thành ổ bụng, hút thuốc hoặc gia đình có tiền sử bệnh này.
  • Nếu bạn chọn phẫu thuật thì không ăn hay uống bất kì thứ gì sau nửa đêm vào ngày trước phẫu thuật. Mục đích nhằm ngăn không cho hít thực phẩm từ trong dạ dày vào phổi trong khi mê.
  • Cai hút thuốc để tránh ho vì ho làm cơ bụng co lại.[12]

Cảnh báo[sửa]

  • Nếu bạn đã từng bị thoát vị thì phải tuyệt đối tuân theo các phương pháp ngăn ngừa trên đây.
  • Thắt nghẹt ruột và nghẽn ruột có thể xảy ra nếu bạn không chữa thoát vị bẹn. Các biến chứng này rất nguy hiểm, có thể dẫn tới tử vong.
  • Nếu bạn cảm thấy đau nhói khi tự mình kiểm tra thì phải tới gặp bác sĩ ngay. Đó có thể là dấu hiệu xoắn mạch máu dẫn tới hai tinh hoàn, làm giảm lưu lượng máu vận chuyển tới đây. Nếu không kịp thời can thiệp, tình trạng thiếu máu tới hai tinh hoàn sẽ gây tổn thương và thậm chí phải cắt bỏ tinh hoàn.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://www.herniasolutions.com/about-hernias/types-of-hernias
  2. http://www.pottsmerc.com/article/MP/20120213/LIFE01/120219844
  3. Inguinal Hernia. National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases. June 25, 2015. http://www.niddk.nih.gov/health-information/health-topics/digestive-diseases/inguinal-hernia/Pages/facts.aspx
  4. Bickley L S. Chapter 13 - Male genitalia and Hernias. Bates guide to physical examination and history taking. 10th edition. 2009 Walters Kluwer Health/Lippincott Williams & Wilkins. p 503; 509-511.
  5. 5,0 5,1 5,2 http://effectivehealthcare.ahrq.gov/index.cfm/search-for-guides-reviews-and-reports/?productid=1589&pageaction=displayproduct
  6. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3488956/
  7. 7,0 7,1 Open Inguinal Hernia Surgery care instructions. University Hospitals Case Medical Center. 2015. http://www.uhhospitals.org/case/services/surgery/our-divisions/general-and-gastrointestinal-surgery/comprehensive-hernia-center/postoperative-instructions/groin-inguinal-hernias/open-inguinal-hernia-surgery-care-instructions
  8. http://www.uhhospitals.org/case/services/surgery/our-divisions/general-and-gastrointestinal-surgery/comprehensive-hernia-center/postoperative-instructions/groin-inguinal-hernias/open-inguinal-hernia-surgery-care-instructions
  9. Inguinal Hernia Discharge. Medline Plus. Feb 7, 2013. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/patientinstructions/000274.htm
  10. 10,0 10,1 http://www.drweil.com/drw/u/ART03083/Inguinal-Hernia.html
  11. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/inguinal-hernia/basics/prevention/con-20021456
  12. Inguinal Hernia Prevention. Mayoclinic. March 20, 2013. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/inguinal-hernia/basics/prevention/con-20021456

Liên kết đến đây