Nhận biết lên cơn suyễn ở trẻ em

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Suyễn là bệnh mãn tính phổ biến nhất ở trẻ em lứa tuổi đến trường, tác động đến khoảng 7 triệu trẻ em tại Hoa Kỳ.[1] Đây là tình trạng viêm khiến đường thở bị thu hẹp và người bệnh cảm thấy khó thở, họ thường gặp các “cơn suyễn” xảy ra theo định kỳ với triệu trứng nặng dần. Nếu không được điều trị đúng cách cơn suyễn có thể tiến triển và dẫn đến chấn thương nghiêm trọng hay tử vong. Vì vậy bạn phải phát hiện được cơn suyễn ở trẻ em thật nhanh và chính xác.

Các bước[sửa]

Lắng nghe lời trẻ nhỏ[sửa]

  1. Chú ý xem bé có nhắc gì đến việc khó thở không. Một đứa trẻ đủ lớn mà trước đây đã từng lên cơn suyễn thì có thể cảm nhận khi nào sắp lên cơn. Nếu bé nói với bạn là “con không thở được” hoặc đang khó thở, bạn không được bỏ qua lời nói đó! Trong giai đoạn nhẹ của cơn suyễn, bé thường thở khò khè, mặc dù vậy tình trạng này không xuất hiện trong giai đoạn nặng.
  2. Nghiêm túc xem xét lời than đau ngực. Trẻ bị suyễn cũng có thể than phiền đau ngực hoặc cảm thấy thắt trong lồng ngực. Đau ngực là hiện tượng khá phổ biến khi lên cơn suyễn vì không khí mắc kẹt trong đường thở bị thu hẹp, dẫn đến áp suất trong lồng ngực tăng. Cũng vì đường thở bị thu hẹp nên âm thanh hơi thở sẽ nhỏ hơn.
  3. Nhận biết những hạn chế của trẻ em. Trẻ còn nhỏ hay chưa bao giờ lên cơn suyễn trước đây có thể không mô tả được hoặc không nhắc đến chuyện khó thở hay đau ngực. Thay vào đó bé thường sợ hãi và mô tả triệu chứng một cách mơ hồ: "Con cảm thấy lạ" hoặc "Con bị ốm". Quan sát kỹ trẻ bị suyễn để tìm các dấu hiệu lên cơn như thở nông hay thở khò khè. Không nên cho rằng trẻ không bị suyễn chỉ vì bé không than phiền là khó thở hay đau ngực.
  4. Đánh giá nhịp thở. Trẻ sơ sinh và trẻ còn rất nhỏ (mới sinh đến 6 tuổi) có tốc độ trao đổi chất cao, vì vậy nhịp thở cũng nhanh hơn. Trẻ nhỏ ở tuổi này không thể mô tả chính xác triệu chứng bệnh nên bạn phải quan sát kỹ nhịp thở của chúng. Chỉ cần hơi nghi ngờ về nhịp thở của bé bạn cũng phải kiểm tra thêm các triệu chứng khác. Nhịp thở trung bình ở độ tuổi này thay đổi trên phạm vi rất rộng, nhưng thông số chung để tham khảo như sau:[2]
    • Trẻ sơ sinh (dưới 1 năm tuổi) 30-60 nhịp/phút
    • Trẻ mới biết đi (1-3 tuổi) 24-40 nhịp
    • Trẻ học mẫu giáo (3-6 tuổi) 22-34 nhịp
  5. Để ý tác nhân từ môi trường. Đa số trẻ em bị suyễn thường bắt đầu biểu lộ dấu hiệu khi lên 5 tuổi, là lúc chúng bắt đầu phản ứng tiêu cực với các tác nhân gây suyễn.[3] Tác nhân gây suyễn là bất kì thứ gì khiến triệu chứng bùng phát.[4] Tác nhân không giống nhau ở mỗi bé, vì vậy bạn phải để ý những thứ có thể khiến bé lên cơn, đặc biệt khi bạn nghi ngờ cơn suyễn sắp đến. Một số tác nhân (như mạt bụi và lông thú) có thể loại bỏ được nhưng những tác nhân khác (như ô nhiễm không khí) cần được giám sát thật kỹ. Các tác nhân phổ biến là:[5]
    • Lông thú: hút bụi hoặc lau nhà thường xuyên để loại bỏ sạch lông.
    • Mạt bụi: sử dụng bọc nệm và áo gối để bảo vệ bé khỏi mạt bụi, giặt đồ giường thường xuyên, tránh để thú nhồi bông trong phòng bé và không sử dụng gối hay chăn nhồi lông tơ.
    • Gián: gián và phân của chúng là tác nhân gây suyễn phổ biến. Để xua đuổi gián khỏi nhà, bạn đậy kín thức ăn và nguồn nước. Quét sạch thực phẩm vương vãi sau khi ăn và lau nhà thường xuyên. Tham khảo mua thiết bị kiểm soát côn trùng.
    • Mốc: mốc do ẩm gây ra, vì vậy bạn có thể sử dụng máy đo kiểm tra độ ẩm trong nhà. Sử dụng máy tách ẩm trong không khí để tránh ẩm mốc.
    • Khói: bất kể là khói thuốc lá hay khói từ củi đốt cũng có thể kích thích người bệnh lên cơn suyễn. Cho dù bạn ra ngoài hút thuốc nhưng lượng khói còn đọng lại trên quần áo và tóc sẽ khiến trẻ gặp nguy hiểm.
    • Một số loại thực phẩm: Trứng, sữa, đậu phộng, sản phẩm đậu nành, bột mì, cá, thủy sản có vỏ, xà-lách và hoa quả tươi là những thực phẩm có thể khiến cơn suyễn bộc phát nếu trẻ bị dị ứng với chúng.[6]
    • Ô nhiễm không khí và thay đổi thời tiết khắc nghiệt.
  6. Quan sát hành vi của trẻ. Giữ môi trường sạch sẽ không có tác nhân gây suyễn có thể vẫn chưa đủ. Khi trẻ có cảm xúc mạnh như buồn, vui, sợ hãi và v.v..., rủi ro lên cơn suyễn cũng cao hơn. Tương tự, vận động quá nhiều cũng khiến trẻ hết hơi và phải thở nhanh, sâu, dễ dẫn đến lên cơn suyễn.
  7. Điều trị nhiễm trùng đường hô hấp đúng cách. Nhiễm trùng virus hay vi khuẩn ở đường hô hấp trên hay đường hô hấp dưới đều có thể kích thích lên cơn suyễn. Phải mang bé đi khám ở khoa nhi nếu bé có biểu hiện nhiễm trùng hô hấp. Có thể bé phải uống thuốc để khống chế nhiễm trùng hoặc để bệnh khỏi nhanh hơn.
    • Nhớ rằng thuốc kháng sinh chỉ chữa được nhiễm trùng vi khuẩn. Nhiễm trùng virus đường hô hấp cần được tiếp cận ở góc độ kiểm soát thay vì góc độ điều trị.

Đánh giá hơi thở của trẻ[sửa]

  1. Để ý dấu hiệu thở nhanh. Thông thường nhịp thở của người lớn không nhanh hơn 20 nhịp mỗi phút. Tùy vào độ tuổi mà trẻ em có thể có nhịp hô hấp lúc nghỉ nhanh hơn. Tốt nhất bạn nên chú ý bất kì dấu hiệu nào cho thấy bé thở nhanh bất thường.[7]
    • Trẻ em từ 6-12 tuổi thường thở 18-30 nhịp mỗi phút.
    • Trẻ em từ 12-18 tuổi thường thở 12-20 nhịp mỗi phút.
  2. Để ý xem bé có đang cố gắng thở không. Khi thở bình thường trẻ nhỏ chủ yếu sử dụng cơ hoành để thở. Tuy nhiên với những bé mắc bệnh suyễn thì chúng phải sử dụng các cơ khác để hỗ trợ lấy thêm không khí. Tìm những dấu hiệu cho thấy cơ cổ, cơ ngực và cơ bụng của bé phải làm việc nhiều hơn bình thường.
    • Một đứa trẻ đang cố thở thường sẽ cúi người xuống với tay chống lên đầu gối hay mặt bàn.[8] Nếu bạn thấy tư thế này thì có khả năng bé đang lên cơn suyễn.
  3. Lắng nghe tiếng thở khò khè. Trẻ em mắc bệnh suyễn khi thở thường tạo ra tiếng rít nhỏ hơi rung, cụ thể khi bé thở ra vì không khí bị ép đi qua khe dẫn hẹp.[9]
    • Bạn có thể nghe thấy tiếng thở khò khè cả lúc hít vào và thở ra, và lưu ý là khi trẻ lên cơn suyễn nhẹ hoặc lúc mới khởi đầu của cơn suyễn nặng bạn chỉ nghe thấy tiếng khò khè khi trẻ thở ra.
  4. Để ý tiếng ho. Suyễn là nguyên nhân phổ biến nhất của chứng ho mãn tính ở trẻ em. Ho khiến áp suất trong đường thở tăng và buộc đường dẫn này phải giãn ra nên tạm thời dòng không khí được lưu thông tốt hơn. Vì vậy mặc dù trẻ thở dễ hơn khi ho nhưng đó lại là triệu chứng của một vấn đề lớn hơn. Trẻ em thường ho khi cơ thể đang cố đẩy các tác nhân môi trường ra ngoài, là nguyên nhân gây ra cơn suyễn.[10]
    • Tuy nhiên ho cũng là dấu hiệu nhiễm trùng đường hô hấp, vốn có thể kích thích lên cơn suyễn.
    • Ho dai dẳng vào ban đêm là triệu chứng phổ biến cho thấy trẻ em đang bị suyễn nhẹ đến trung bình, nhưng nếu ho liên tục trong thời gian dài thì có khả năng bé đang lên cơn suyễn.
  5. Tìm dấu hiệu co bóp. Co bóp là hiện tượng “thóp vào” thấy được ở giữa hay ngay dưới xương sườn hoặc xương đòn khi đứa trẻ đang thở. Tình trạng này xảy ra khi cơ bắp phải làm việc mạnh mẽ hơn để kéo không khí vào, nhưng không khí không kịp điền đầy không gian bên trong vì đường thở bị nghẹt.
    • Nếu sự co bóp giữa các xương sườn diễn ra nhẹ, bạn nên đem bé đi khám bệnh càng sớm càng tốt. Nếu tình trạng ở mức trung bình đến nặng, bạn phải đưa bé đi cấp cứu ngay.[11]
  6. Tìm dấu hiệu lỗ mũi nở ra. Khi trẻ đang cố sức thở, bạn thường nhận thấy hai lỗ mũi bé nở to hơn. Đây là dấu hiệu hữu ích để nhận biết cơn suyễn đang xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ còn rất nhỏ. Ở lứa tuổi này trẻ không thể nói ra các triệu chứng hay biểu hiện tư thế cúi người giống như ở trẻ lớn hơn.
  7. Để ý dấu hiệu “ngực đứng yên”. Nếu trẻ dường như biểu lộ sự khó chịu nhưng bạn không nghe thấy tiếng thở khò khè, có thể đang xảy ra hiện tượng "ngực đứng yên". Đây là dấu hiệu ở các ca nặng khi đường thở quá nghẹt đến độ không có đủ không khí để tạo ra tiếng khò khè. Bạn phải mang bé đi cấp cứu ngay lập tức.[12] Trẻ có thể bị đuối sức sau khi cố gắng thở và không còn đủ lực để đẩy khí cacbon điôxít ra ngoài, cũng có nghĩa không lấy đủ ôxi cho cơ thể.
    • Còn một dấu hiệu khác cho thấy trẻ không nhận đủ ôxi và cần được cấp cứu ngay là khi bé không thể nói tròn câu.
  8. Sử dụng lưu lượng đỉnh kế xác định độ nặng cơn suyễn. Lưu lượng đỉnh kế là một thiết bị đơn giản được sử dụng để đo "lưu lượng thở ra đỉnh" (PEFR). Bạn nên đo lưu lượng này hằng ngày để tìm ra chỉ số PEFR bình thường của con mình. Số đọc bất thường sẽ là dấu hiệu cảnh báo sớm giúp bạn dự đoán cơn suyễn. Giới hạn bình thường của chỉ số PEFR tùy thuộc vào độ tuổi và chiều cao của trẻ; bạn nên nhờ bác sĩ hướng dẫn về giá trị của từng "vùng" và cần hành động thế nào nếu con mình nằm trong vùng đỏ hay vàng. Theo nguyên tắc chung thì:[13]
    • Chỉ số PEFR đo được bằng 80-100% thang PEFR yêu cầu cho cá nhân nghĩa là sức khỏe ở trong "vùng xanh" (nguy cơ bị suyễn thấp).
    • Chỉ số PEFR bằng 50-80% thang PEFR yêu cầu cho cá nhân nghĩa là sức khỏe ở trong "vùng vàng" (nguy cơ trung bình, tiếp tục theo dõi và chăm sóc trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ).
    • Dưới 50% thang PEFR yêu cầu cho cá nhân nghĩa là có rủi ro lên cơn suyễn cao. Cho bé uống thuốc điều trị tức thời và đến bệnh viện sau đó.

Đánh giá bề ngoài của trẻ[sửa]

  1. Xem xét tổng thể bề ngoài. Trẻ lên cơn suyễn thường phải cố gắng thở nên bạn có thể nhận thấy từ vẻ bên ngoài. Nếu nhận thấy bé đang cố sức thở hoặc “có gì đó không ổn”, hãy tin vào trực giác của bạn. Cho bé sử dụng thuốc hít hoặc các thuốc điều trị tức thời khác được bác sĩ kê và đến bệnh viện ngay nếu được.
  2. Chú ý dấu hiệu da xanh xao, lạnh và ẩm ướt. Khi lên cơn suyễn cơ thể trẻ phải cố gắng nhiều hơn chỉ để thở, do đó da thường sẽ tiết mồ hôi hoặc ẩm ướt. Thay vì có màu ửng đỏ hay hồng do quá trình vận động, da trông xanh xao hoặc trắng trong lúc lên cơn suyễn. Máu có màu đỏ khi nó tiếp xúc với ôxi, vì vậy nếu một đứa trẻ không nhận đủ ôxi bạn sẽ không thấy được màu ửng hồng của máu.[14]
  3. Chú ý sắc xanh trên da. Nếu bạn thấy da có sắc xanh hoặc môi và móng tay trở nên xanh, bé đang lên cơn suyễn rất nặng. Đó là dấu hiệu bé đang thiếu ôxi trầm trọng và phải cấp cứu ngay.[14]

Chăm sóc trẻ khi lên cơn suyễn[sửa]

  1. Cung cấp thuốc trị suyễn. Nếu con bạn đã từng bị suyễn trước đây thì có thể trong nhà đã có thuốc trị suyễn do bác sĩ kê, thường ở dạng thuốc xịt. Nếu vậy bạn cần phải cho bé hít thuốc ngay khi cơn suyễn xảy ra. Cách sử dụng thuốc xịt khá đơn giản nhưng hiệu quả sẽ giảm nếu bạn sử dụng không đúng cách. Sử dụng ống xịt đúng cách như sau:
    • Tháo nắp và lắc mạnh ống.
    • Xịt ra ngoài không khí một ít nếu cần. Nếu là ống thuốc mới hoặc đã lâu không dùng, bạn nên xịt một ít thuốc ra ngoài trước khi sử dụng.
    • Yêu cầu bé thở ra hoàn toàn, sau đó hít vào khi bạn xịt một hơi thuốc.
    • Tiếp tục yêu cầu bé hít vào chậm và sâu trong 10 giây.
    • Luôn luôn sử dụng buồng đệm để thuốc đi vào phổi thay vì đi vào sau cổ họng khi sử dụng ống xịt cho trẻ em. Hỏi bác sĩ về cách sử dụng ống xịt với buồng đệm.
  2. Kiểm tra nhãn dán trên ống thuốc trước khi xịt liều thứ hai, để biết bạn có phải chờ một lúc hay không. Nếu dùng thuốc thuộc nhóm β2-agonist như albuterol, bạn phải chờ đủ một phút trước khi xịt liều nữa cho bé. Nhưng nếu không phải là thuốc thuộc nhóm β2-agonist thì bạn có thể không phải chờ.
  3. Quan sát xem thuốc có hiệu quả không. Thông thường thuốc sẽ phát huy tác dụng sau khi xịt vài phút, nếu không bạn nên cho trẻ dùng thêm thuốc. Tuân theo thông tin khuyến nghị về liều lượng trên nhãn thuốc hoặc theo lời khuyên của bác sĩ vì có khi họ đề nghị xịt thêm ngay lúc đó. Nếu triệu chứng không thuyên giảm bạn nên mang bé đến bệnh viện.
  4. Liên hệ với bác sĩ nếu bạn thấy triệu chứng nhẹ nhưng kéo dài. Các triệu chứng nhẹ có thể là ho, thở khò khè hay hơi gắng sức lúc thở.[15] Liên hệ với bác sĩ khoa nhi nếu cơn suyễn diễn ra nhẹ nhưng triệu chứng không cải thiện sau khi dùng thuốc. Có trường hợp bác sĩ cần trực tiếp điều trị cho trẻ trong phòng khám hoặc hướng dẫn bạn cụ thể hơn.
  5. Đến phòng cấp cứu đối với triệu chứng rất nặng và kéo dài. Hiện tượng "ngực đứng yên" hoặc môi và móng tay xanh cho thấy trẻ không nhận đủ ôxi. Khi gặp những triệu chứng này bạn cần phải có cách điều trị ngay để tránh nguy cơ tổn thương não hoặc tử vong.[16]
    • Nếu có sẵn thuốc trị suyễn bạn nên cho bé sử dụng trên đường đến bệnh viện cấp cứu, và không bao giờ trì hoãn mang bé đi cấp cứu.
    • Điều trị chậm trễ khi bệnh nhân lên cơn suyễn nặng có thể gây ra tổn thương não vĩnh viễn hoặc thậm chí tử vong.
    • Gọi cho số cấp cứu nếu con bạn tái xanh mà không hết sau khi dùng thuốc, hoặc khi dấu hiệu tái xanh lan ra ngoài môi và móng tay.
    • Gọi cấp cứu nếu con bạn bất tỉnh hoặc khó có thể đánh thức.
  6. Gọi cấp cứu đối với các cơn suyễn xảy ra do phản ứng dị ứng. Nếu cơn suyễn ở trẻ khởi phát do dị ứng thực phẩm, côn trùng cắn hoặc do sử dụng thuốc, đem bé đi cấp cứu ngay. Những kiểu dị ứng này có thể tiến triển nhanh và dẫn đến tắc đường thở.
  7. Họ sẽ làm gì trong phòng cấp cứu? Đầu tiên bác sĩ xác nhận dấu hiệu và triệu chứng của bệnh suyễn. Sau khi đến phòng cấp cứu, nhân viên y tế sẽ cho trẻ thở ôxi nếu cần và cho dùng thêm thuốc, nhưng nếu cơn suyễn quá nặng họ có thể phải tiêm corticosteroid vào tĩnh mạch. Đa số bệnh nhân đều phục hồi sức khỏe khi được chuyên gia chăm sóc và bạn có thể mang con mình về nhà sớm. Tuy nhiên họ phải cho bé nằm viện qua đêm nếu tình trạng không cải thiện sau nhiều giờ.
    • Có thể bác sĩ yêu cầu chụp x-quang ngực, đo nồng độ ôxi qua mạch đập hay lấy mẫu máu.

Lời khuyên[sửa]

  • Nhận biết những tình huống có thể khởi phát hay làm cơn suyễn thêm trầm trọng, chẳng hạn như tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng, hoạt động thể chất kéo dài, hút thuốc bị động, nhiễm trùng đường hô hấp và xúc động mạnh.

Cảnh báo[sửa]

  • Suyễn là bệnh nguy hiểm và có tiềm năng gây tử vong. Luôn luôn tìm biện pháp điều trị ngay đối với trẻ có triệu chứng nặng, bao gồm khó thở, tái xanh, mạch đập nhanh, ra mồ hôi nhiều, đột ngột cảm thấy bứt rứt hoặc rơi vào trạng thái lơ mơ.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]