Nhận biết triệu chứng của bệnh sốt chikungunya

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Sốt chikungunya là bệnh do vi rút gây ra, loại vi rút này được truyền từ muỗi nhiễm vi rút sang người thông qua vết đốt. Hai loại muỗi chịu trách nhiệm cho sự lây lan của loại vi rút này là “aedes aegypti” và “aedes albopictus”. Dù bệnh sốt chikungunya phổ biến hơn nhiều ở châu Phi, châu Á và một số vùng ở Ấn Độ, các ca nhiễm bệnh vẫn được báo cáo ở Tây Bán Cầu trong vài năm gần đây. Loại vi rút này gây sốt cao và hạ dần đến những cơn đau khớp dữ dội trong khoảng từ ba đến bảy ngày sau khi nhiễm bệnh. Hiện tại vẫn chưa có cách chữa trị bệnh sốt Chikungunya và cách duy nhất để ngăn chặn loại bệnh này là phòng tránh muỗi. Dù vậy, loại vi rút gây bệnh này thường không nguy hiểm và hiếm khi gây chết người.[1]

Các bước[sửa]

Nhận dạng các Triệu chứng[sửa]

  1. Sốt cao. Triệu chứng đầu tiên của bệnh sốt Chikungunya là bị sốt cao. Người bệnh thường bị sốt ở nhiệt độ khoảng 40°C. Cơn sốt thường kéo dài hơn một tuần. [2]
  2. Đau khớp. Các cơn đau thường dữ dội và làm người bệnh không cử động được. Cả hai bên cơ thể đều bị ảnh hưởng và nặng nhất là ở bàn tay và bàn chân. Phần chi dưới (từ hông đến bàn chân) và lưng thường ít bị đau hơn. Những cơn đau khớp có thể kéo dài hàng tuần, thậm chí cả năm hoặc hơn trong một số ít trường hợp. Từ “chikungunya” trong tiếng địa phương Makonde ở Tanzania có nghĩa là “đi khom lưng”, miêu tả dáng dấp cơ thể theo những đặc điểm lâm sàng của người mắc bệnh này.
    • Ở phần lớn người bệnh, cơn đau khớp sẽ kéo dài từ bảy đến mười ngày, tuy nhiên đối với bệnh nhân lớn tuổi cơn đau có thể dai dẳng hơn. [3]
    • Một vài người bệnh có thể bị sưng khớp.
  3. Phát ban. Người bệnh thường phát ban sau khi cơn sốt bắt đầu và thường là ban dát sần, loại ban với hình dạng là một vùng đỏ, phẳng và phủ bởi những nốt phồng nhỏ. Nơi bị nặng nhất là ở các phần cơ thể xa tim nhất, như các đầu ngón chân, ngón tay, đầu và mũi. Ở hai lòng bàn tay, lòng bàn chân, và trên mặt cũng có thể bị phát ban.[2]
  4. Kiểm tra các triệu trứng khác có thể đi kèm. Nếu bạn bị sốt chikungunya, bạn có thể sẽ thấy đau đầu, nhức mỏi cơ, viêm kết mạc (mắt đỏ), cảm giác buồn nôn và nôn mửa.

Điều trị và Phòng tránh Vi rút[sửa]

  1. Gọi bác sỹ nếu bạn nghi ngờ mình bị bệnh sốt chikungunya. Khi thấy bị sốt, đau khớp, và phát ban, hãy hỏi ý kiến bác sĩ. Vì sốt chikungunya rất khó để chẩn đoán (và thường bị chẩn đoán nhầm với bệnh sốt dengue), bác sĩ sẽ làm một chẩn đoán dựa trên các triệu chứng của bạn, những nơi mà bạn lui tới gần đây, và bằng cách lấy mẫu máu để kiểm tra vi rút. Cách duy nhất để xác nhận chính xác sự hiện diện của sốt chikungunya là thông qua xét nghiệm huyết thanh, hay dịch não tủy.
    • Xét nghiệm máu để xác định vi rút có thể được thực hiện tại Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh và một vài cơ sở y tế thuộc nhà nước. Các xét nghiệm thường được thực hiện trong khoảng 4-14 ngày, lúc đó, cơ thể của bạn đã bắt đầu kháng lại vi rút chikungunya. [1]
  2. Điều trị các triệu chứng của vi rút. Vẫn chưa có các loại thuốc chống vi rút để chữa trị bệnh sốt chikungunya, tuy nhiên bác sĩ có thể kê đơn thuốc giúp giảm bớt các triệu chứng. Bạn cũng sẽ được khuyên là nên nghỉ ngơi nhiều trên giường và uống thật nhiều nước để tránh mất nước.[4]
    • Ví dụ, các loại thuốc acetaminophen (Tylenol), ibuprofen (Advil), hay naproxen (Aleve) có thể giúp hạ sốt và giảm đau khớp.[5]
    • Không sử dụng aspirin vì làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Reye - một bệnh hiếm gặp nhưng nguy hiểm và là nguyên nhân gây sưng tấy gan và não, đặc biệt là ở trẻ em và thanh thiếu niên.[6]
  3. Phòng tránh bệnh sốt chikungunya bằng cách tránh bị muỗi đốt. Ở thời điểm hiện tại, không có bất kỳ loại vắc-xin nào cho bệnh sốt chikungunya. Vì thế cách duy nhất để phòng tránh vi rút là tránh bị muỗi đốt, đặc biệt là khi đi du lịch đến những vùng có nguy cơ nhiễm bệnh cao như châu Phi, châu Á, và các vùng thuộc tiểu lục địa Ấn Độ (hay Nam Á). [1] Nếu bạn thuộc đối tượng dễ mắc các biến chứng nguy hiểm vì đang mang thai hay có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác, nên cố gắng tránh đi đến những vùng bùng phát dịch nếu có thể. Cách để phòng tránh bị muỗi đốt:
    • Mặc áo sơ mi dài tay và quần dài khi đi lại trong vùng có nguy cơ mắc bệnh cao. Nếu có thể, hãy xử lý hay tẩm quần áo của bạn qua thuốc diệt muỗi permethrin (một dạng thuốc diệt côn trùng, sâu bọ) để đẩy lùi muỗi.
    • Bôi hoặc xịt thuốc chống muỗi trên vùng da hở. Các loại thuốc hiệu quả và có tác dụng lâu nhất được ưa dùng thường chứa DEET, picaridin, IR3535, tinh dầu bạch đàn chanh (khuynh diệp chanh) hay paramenthane-diol (PMD).
    • Hãy chắc chắn là nơi ở của bạn có lưới chắn muỗi đóng khít trên cửa sổ và cửa ra vào. Hãy ngủ trong màn được tẩm thuốc chống muỗi vào buổi tối và sử dụng màn để bảo vệ trẻ em, người cao tuổi nếu ngủ ban ngày. [7]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây