Nhận biết triệu chứng nhiễm khuẩn E. Coli

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Escherichia coli hay E. coli là một nhóm các vi khuẩn thường sống trong đường ruột của người và động vật mà không gây ra bất kỳ vấn đề nào. Thực tế, vi khuẩn đường ruột là một yếu tố quan trọng trong sức khỏe con người. Tuy nhiên, một số loại khuẩn E. coli có thể gây ra bệnh và dẫn đến đau dạ dày, tiêu chảy ra máu. Vi khuẩn E. coli gây bệnh có thể lây truyền qua nước hoặc thực phẩm nhiễm bẩn hoặc do vệ sinh cá nhân kém.[1] Nhiễm khuẩn E. coli có thể có triệu chứng giống như nhiều bệnh khác. Mặt khác, việc xác định đúng nguyên nhân dẫn đến triệu chứng là rất quan trọng vì một số bệnh nhiễm khuẩn E. coli (đặc biệt là chủng khuẩn O157:H7) có thể gây chết người nếu triệu chứng hoặc biến chứng không được điều trị.

Các bước[sửa]

Nhận biết triệu chứng phổ biến nhất[sửa]

  1. Triệu chứng tiêu chảy ra máu. Hầu hết các khuẩn E. coli đều hoàn toàn vô hại và một số khác gây ra những cơn tiêu chảy nhẹ trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, một số chủng khuẩn gây bệnh mạnh hơn như E. coli O157:H7 có thể gây đau dạ dày nghiêm trọng và tiêu chảy ra máu.[2] Chủng khuẩn E. coli thường gây bệnh nhất, bao gồm O157:H7, tạo ra một loại độc tố mạnh gây tổn thương niêm mạc dạ dày, dẫn đến sự xuất hiện của máu đỏ tươi trong phân khi tiêu chảy. Độc tố này được gọi là Shiga và vi khuẩn sản sinh ra nó được gọi là E. coli sản sinh độc tố Shiga hay STEC. Một chủng STEC khác khá phổ biến ở các nước châu Âu là chủng 0104:H4.
    • Tiêu chảy ra máu do nhiễm khuẩn E. coli O157:H7 thường bắt đầu 3-4 ngày sau khi tiếp xúc hoặc có thể xuất hiện trong vòng 24 tiếng hoặc sau một tuần.
    • Việc chẩn đoán nhiễm khuẩn E. coli nghiêm trọng khá đơn giản, bao gồm việc gửi mẫu phân đến phòng thí nghiệm để xét nghiệm và nuôi cấy. Chuyên viên sẽ tìm kiếm dấu hiệu của độc tố và chủng STEC.
    • Khác với các vi khuẩn gây bệnh khác, chủng khuẩn STEC có thể gây nhiễm khuẩn nghiêm trọng ngay cả khi bạn chỉ nuốt phải một lượng tương đối nhỏ.
  2. Triệu chứng đau dạ dày. Bạn sẽ có triệu chứng đau bụng do độc tố Shiga kích ứng, cuối cùng sẽ xói mòn và gây loét niêm mạc ruột già. [1] Cơn đau thường là những cơn co thắt nghiêm trọng kết hợp với cảm giác đau rát. Cảm giác khó chịu có thể đến mức khiến người bệnh phải gập người lại và không thể ra khỏi nhà hoặc thậm chí là đi lại quanh nhà. Tuy nhiên, khác với các nguyên nhân phổ biến khác gây đau bụng, nhiễm khuẩn STEC không gây chướng bụng hay đầy hơi nghiêm trọng.
    • Cơn co thắt và đau bụng khởi phát đột ngột thường xuất hiện 24 tiếng sau triệu chứng tiêu chảy ra máu.
    • Nhiễm khuẩn E. coli có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi, phổ biến nhất là ở trẻ em, người già và người có hệ miễn dịch kém.
    • Ở Mỹ, có khoảng 265.000 ca nhiễm khuẩn STEC hàng năm, trong đó nhiễm khuẩn do chủng O157:H7 chiếm khoảng 36%. [1]
  3. Lưu ý rằng một số bệnh nhiễm khuẩn có thể gây nôn mửa. Bên cạnh cơn co thắt vùng bụng và tiêu chảy ra máu, người bị nhiễm khuẩn E. coli có thể có triệu chứng buồn nôn và nôn mửa.[3] Mặc dù chưa rõ nguyên nhân nhưng độc tố Shiga không phải là nguyên nhân trực tiếp gây buồn nôn, nôn mửa mà là do cơn đau dữ dội gây ra bởi vi khuẩn xâm lấn chui sâu vào niêm mạc ruột. Cơn đau kích thích sản sinh hormone adrenaline và các hormone khác dẫn đến buồn nôn và nôn mửa. Do đó, bạn nên cung cấp đủ nước cho cơ thể khi chống lại nhiễm khuẩn E. coli, đồng thời tránh thức ăn béo, nhiều dầu mỡ gây cảm giác buồn nôn.
    • Các triệu chứng khác do nhiễm khuẩn E. coli gồm có sốt nhẹ (thấp hơn 38 độ C) và mệt mỏi. [1]
    • Con đường lây truyền nhiễm khuẩn E. coli phổ biến nhất là thông qua thực phẩm nhiễm khuẩn như thịt bò xay nhiễm bẩn, sữa chưa tiệt trùng và rau củ chưa rửa sạch.
  4. Nhận thức các biến chứng nghiêm trọng ở thận. Khác với chủng khuẩn E. coli gây bệnh khác bám trên màng ruột, chủng khuẩn STEC sẽ xâm lấn. Sau khi sinh sôi nhanh chóng, chúng sẽ bám chặt vào niêm mạc ruột và xâm lấn niêm mạc, từ đó tạo điều kiện cho quá trình hấp thu độc tố thông qua thành ruột.[4] Trong hệ tuần hoàn, độc tố Shiga sẽ bám vào tế bào bạch cầu và được đưa đến thận, gây viêm cấp tính và suy cơ quan (được gọi là hội chứng tán huyết tăng ure máu hay HUS). Triệu chứng thường gặp của hội chứng HUS gồm có đi tiểu ra máu, giảm tiểu tiện, da tái, bầm tím không rõ nguyên nhân, lú lẫn và khó chịu, sưng khắp cơ thể. Người mắc hội chứng HUS cần nhập viện cho đến khi thận hồi phục.
    • Đa số người mắc hội chứng HUS đều hồi phục nhưng cũng có một số ít trường hợp bị tổn thương thận vĩnh viễn hoặc tử vong do bệnh.
    • Nhiễm khuẩn STEC được nhận định là nguyên nhân gây suy thận phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
    • Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu tiến hành xét nghiệm máu toàn bộ (CBC) và xét nghiệm thận nếu bạn có dấu hiệu của hội chứng HUS.

Xác định những vấn đề sức khỏe có thể gây triệu chứng tương tự[sửa]

  1. Tìm hiểu về các nguyên nhân khác gây tiêu chảy ra máu. Có nhiều nguyên nhân khác dẫn đến tiêu chảy ra máu, và không như nhiễm khuẩn STEC nghiêm trọng, hầu hết những nguyên nhân này đều ít đe dọa đến tính mạng. Có nhiều loại vi khuẩn có thể gây tiêu chảy ra máu, bao gồm Salmonella và Shigella. Các bệnh khác có thể khiến phân có máu bao gồm: nứt hậu môn, trĩ, mạch máu đứt do lau quá mạnh, viêm túi thừa, viêm loét đại tràng, loét dạ dày, nhiễm ký sinh trùng, ung thư đại trực tràng, uống thuốc làm loãng máu như Warfarin và nghiện rượu mãn tính. [5] Mặt khác, nhiễm khuẩn E. coli thường khởi phát đột ngột và chứng tiêu chảy ra máu đỏ tươi thường xuất hiện 24 tiếng sau cơn co thắt bụng dữ dội.
    • Máu đỏ tươi trong phân là dấu hiệu của vấn đề đường tiêu hóa dưới (như ruột già). Ngược lại, máu từ dạ dày hoặc ruột non thường khiến phân có màu đen hoặc màu như hắc ín.
    • Vấn đề sức khỏe có triệu chứng giống với nhiễm khuẩn STEC nhất là viêm loét đại tràng (một loại bệnh viêm ruột) nhưng bệnh có thể được chẩn đoán bằng cách quan sát ruột thông qua ống nội soi nhỏ.
  2. Tìm hiểu các nguyên nhân khác gây co thắt dữ dội. Hầu hết nguyên nhân gây co thắt và/hoặc đau bụng đều lành tính và không đáng lo ngại mà chỉ gây cảm giác khó chịu. Ví dụ, các nguyên nhân ít nghiêm trọng hơn bao gồm khó tiêu, táo bón, không dung nạp lactose, dị ứng thực phẩm, hội chứng ruột kích thích, viêm dạ dày - ruột, sỏi thận và kinh nguyệt. [6] Các nguyên nhân nghiêm trọng hơn gây co thắt và/hoặc đầy bụng gồm có: viêm ruột thừa, phình động mạch chủ bụng, tắc ruột, ung thư dạ dày hoặc ung thư đại tràng, viêm túi mật, viêm túi thừa, bệnh Crohn, viêm loét đại tràng, viêm tụy và loét bao tử (dạ dày). Trong những bệnh trên, chỉ có ung thư đại tràng, viêm túi thừa và viêm loét đại tràng có triệu chứng tiêu chảy ra máu giống với nhiễm khuẩn STEC nhất nhưng nhiễm khuẩn E. coli xảy ra đột ngột và không có triệu chứng báo trước.
    • Thực phẩm có nguy cơ cao gây ngộ độc khuẩn E. coli gồm có bánh mì kẹp thịt tái, phô mai mềm làm từ sữa chưa tiệt trùng, sữa chưa tiệt trùng, nước ép táo và giấm chưa tiệt trùng.[7]
    • Mặc dù chưa rõ nguyên nhân nhưng người ta nhận thấy ở Mỹ, đa số các ca nhiễm khuẩn E. coli là xảy ra giữa tháng Sáu và tháng Chín, tức thời gian vào mùa hè.
  3. Cẩn trọng với các loại thuốc làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn E. coli. Mặc dù thuốc chữa bệnh không gây nhiễm khuẩn E. coli nhưng một số thuốc có thể tạo điều kiện nhất định khiến cơ thể khó chống lại vi khuẩn gây bệnh (vi khuẩn mà bạn tiếp xúc nhiều hơn bạn nghĩ). Ví dụ, người trải qua hóa trị hoặc uống thuốc ngừa thải ghép cơ quan nội tạng hoặc dùng thuốc kháng vi-rút thời gian dài (để ngừa AIDS hoặc suy gan do viêm gan) có nguy cơ cao nhiễm khuẩn E. coli và nhiều bệnh nhiễm khuẩn khác do hệ miễn dịch suy yếu.[7] Ngoài ra, người uống thuốc hạ axit dạ dày cũng có nguy cơ cao nhiễm khuẩn E. coli do axit hydrocloric giúp bảo vệ dạ dày khỏi vi khuẩn.
    • Tránh uống thuốc chữa tiêu chảy trong giai đoạn nhiễm khuẩn E. coli vì thuốc sẽ làm chậm quá trình tiêu hóa và ngăn cơ thể loại bỏ độc tố.
    • Tránh uống các thuốc Salicylate như Aspirin và Ibuprofen vì thuốc có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết ruột.

Lời khuyên[sửa]

  • Đi khám bác sĩ nếu bị tiêu chảy hơn 3 ngày, sốt cao, đau bụng hoặc co thắt vùng bụng dữ dội, có máu trong phân, nôn mửa thường xuyên hoặc đi tiểu ít hơn bình thường.
  • Để giảm nguy cơ ngộ độc do khuẩn E. coli, bạn nên xử lý kỹ và chế biến chín thịt, rửa sạch rau củ quả và tránh uống sữa, nước hoa quả chưa tiệt trùng.
  • Luôn rửa tay sạch sau khi đi vệ sinh, thay tã và trước khi ăn hoặc chế biến thức ăn.
  • Tránh nuốt phải nước ở hồ bơi, sông, hồ và suối.
  • Nếu dịch nhiễm khuẩn E. coli được cảnh báo, bạn cần tuân thủ hướng dẫn của chuyên viên y tế đối với loại thực phẩm/nước uống nên tránh tiêu thụ để bảo vệ bản thân và gia đình khỏi nhiễm khuẩn.

Cảnh báo[sửa]

  • Đi khám bác sĩ ngay nếu đột ngột có triệu chứng tiêu chảy ra máu đi kèm với cơn đau bụng.
  • Không dùng kháng sinh để điều trị nhiễm khuẩn E. coli vì không có bằng chứng nào cho thấy kháng sinh hữu ích và uống kháng sinh có thể làm tăng nguy cơ suy thận.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]