Nhận biết triệu chứng viêm ruột thừa

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Nếu cảm thấy đau râm ran ở vùng bụng dưới, rất có thể bạn đang bị viêm ruột thừa. Tình trạng này phổ biến nhất ở những người trong độ tuổi từ 10 tới 30 tuổi, còn đối với trẻ em dưới 10 tuổi và phụ nữ trên 50 tuổi, việc xác định các triệu chứng thông thường có vẻ mất thời gian hơn. Nếu bị chẩn đoán viêm ruột thừa, có thể bạn sẽ cần phải phẫu thuật để loại bỏ ruột thừa - là một túi nhỏ, đoạn mở rộng của ruột non. Mổ ruột thừa được coi là một tình trạng y tế khẩn cấp, vì vậy quan trọng là bạn cần biết cách nhận biết các dấu hiệu và được hỗ trợ càng sớm càng tốt.

Triệu chứng Cấp cứu[sửa]

Liên lạc với bác sĩ hoặc đến phòng cấp cứu ngay lập tức nếu bạn có một vài triệu chứng sau đây:

  • Sốt trên 38°C
  • Đau lưng
  • Chán ăn
  • Buồn nôn và ói mửa
  • Tiêu chảy hoặc táo bón
  • Đi tiểu buốt
  • Đau ở trực tràng, lưng hoặc bụng dưới

Các bước[sửa]

Tự kiểm tra các Triệu chứng[sửa]

  1. Để ý các triệu chứng thường gặp của viêm ruột thừa. Triệu chứng phổ biến nhất là đau bụng âm ỉ gần rốn và lan ra gần vùng bụng dưới bên phải. Ngoài ra cũng có một số triệu chứng không phổ biến khác. Nếu nhận thấy một vài trong số những triệu chứng đó, bạn nên liên hệ với bác sĩ hoặc tới bệnh viện. Bạn cần liên hệ với bác sĩ hoặc đến bệnh viện ngay khi xác định được những triệu chứng này của mình. Việc chậm trễ có thể làm tăng nguy cơ vỡ ruột thừa và gây nguy hiểm tới tính mạng.[1] Các triệu chứng thường sẽ diễn ra trong vòng 12 tới 18 giờ, nhưng cũng có thể kéo dài đến một tuần và ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.[2] Các triệu chứng bao gồm:
    • Chán ăn
    • Các vấn đề về dạ dày – như buồn nôn, tiêu chảy, táo bón, đặc biệt là nếu kết hợp với nôn mửa thường xuyên.[3]
    • Sốt - Nếu nhiệt độ cơ thể bằng hoặc hơn 40°C, bạn phải đến bệnh viện ngay lập tức. Nếu nhiệt độ là 38°C nhưng bạn đang gặp một số triệu chứng khác, hãy đi đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Sốt nhẹ khoảng 37,5°C cũng là một triệu chứng đáng lưu tâm.
    • Ớn lạnh và run rẩy.
    • Đau lưng.
    • Không trung tiện được.
    • Mót rặn - cảm thấy đi tiêu sẽ làm giảm khó chịu
    Nhiều triệu chứng trong số này tương tự với triệu chứng viêm dạ dày ruột do virus. Điểm khác biệt là cảm giác đau rất chung chung và không cụ thể.[4]
  2. Chú ý tới những triệu chứng ít phổ biến hơn của viêm ruột thừa. Ngoài các triệu chứng trên, bạn cũng có thể gặp các triệu chứng khác ít phổ biến có liên quan tới viêm ruột thừa. Dưới đây là một số triệu chứng ít gặp hơn mà bạn có thể nhận thấy:[5]
    • Tiểu buốt
    • Nôn ói trước khi cơn đau bụng bắt đầu
    • Đau nhói hoặc hay âm ỉ ở phần trực tràng, lưng, vùng thượng vị hoặc vùng bụng dưới
  3. Chú ý tới cơn đau bụng. Ở đại đa số người lớn, ruột thừa ở vị trí bụng dưới bên phải, thường nằm ở vị trí một phần ba đường giữa rốn và xương hông. Lưu ý rằng vị trí này có thể không giống đối với phụ nữ mang thai. Hãy xem xét "đường" của cơn đau. Các cơn đau nhói có thể di chuyển từ rốn đến khu vực ngay trên ruột thừa trong 12-24 giờ sau khi bạn bắt đầu có các triệu chứng. Nếu bạn đã nhận thấy có sự thay đổi rõ rệt như vậy, hãy tới thẳng phòng cấp cứu.
    • Ở người lớn, các triệu chứng viêm ruột thừa có thể trở nên nghiêm trọng hơn trong vòng 4-48 giờ. Nếu được chẩn đoán mắc viêm ruột thừa, bạn sẽ được cấp cứu y tế.[6]
  4. Ấn lên vùng bụng. Nếu bạn cảm thấy bụng rất đau, thậm chí khi chỉ chạm nhẹ vào, đặc biệt là ở phần bụng dưới bên phải, hãy cân nhắc đến phòng cấp cứu. Bạn cũng có thể cảm thấy bụng dưới hơi mềm khi ấn vào.[7]
    • Chú ý tới phản ứng dữ dội. Nếu bạn ấn lên vùng bụng dưới bên phải và cảm thấy đau buốt khi nhanh chóng bỏ tay ra, bạn có thể có viêm ruột thừa và cần được hỗ trợ y tế.
  5. Chú ý bất kỳ phần cứng nào ở bụng. Ngón tay của bạn có thể lún xuống một chút khi bạn ấn lên vùng bụng không? Hay bạn cảm thấy bụng của mình cứng một cách bất thường? Nếu là triệu chứng sau, có thể bạn bị chướng bụng, và đó cũng là một triệu chứng khác của viêm ruột thừa.
    • Nếu bạn bị đau bụng, nhưng không buồn nôn hoặc chán ăn, có lẽ bạn không bị viêm ruột thừa. Có rất nhiều lý do đau bụng mà không cần phải đi cấp cứu. Nếu bị đau bụng kéo dài hơn 3 ngày, hãy gọi điện thoại hoặc đến gặp bác sĩ riêng của bạn.
  6. Cố gắng đứng thẳng và đi bộ. Nếu bạn cảm thấy rất đau khi thực hiện việc này, có thể bạn đang bị viêm ruột thừa. Đồng thời với việc tìm kiếm người chăm sóc khẩn cấp ngay lập tức, bạn có thể giảm đau tại chỗ bằng cách nằm nghiêng và cuộn người như tư thế của thai nhi.
    • Xem cơn đau của bạn có tồi tệ hơn nếu bạn bị co thắt hoặc ho dữ dội không.
  7. Chú ý triệu chứng ở phụ nữ mang thai và trẻ em. Ở phụ nữ mang thai, cơn đau có thể ở vị trí khác vì ruột thừa ở vị trí cao hơn khi mang thai. Ở trẻ em dưới 2 tuổi, cơn đau thường ở vị trí bụng thấp hơn kèm theo nôn mửa và chướng bụng. Trẻ nhỏ bị viêm ruột thừa đôi khi gặp khó khăn lúc ăn và có vẻ buồn ngủ một cách bất thường. Trẻ có thể từ chối ăn cả những đồ ăn vặt yêu thích.
    • Đối với những đứa trẻ lớn hơn, cơn đau khá giống người trưởng thành, bắt đầu từ rốn và di chuyển đến góc phần tư bên phải bụng dưới. Cơn đau không hề giảm đi khi trẻ nằm xuống, nhưng sẽ tệ hơn nếu trẻ di chuyển.
    • Nếu ruột thừa bị vỡ, bạn có thể nhận thấy sốt cao ở trẻ.

Tìm kiếm Chăm sóc Y tế[sửa]

  1. Tránh sử dụng bất kỳ loại thuốc nào cho đến khi bạn được điều trị. Nếu cảm thấy mình có các triệu chứng của viêm ruột thừa, điều quan trọng là bạn không làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn trong khi nằm chờ để được điều trị tại phòng cấp cứu. Dưới đây là những điều bạn nên tránh trong khi chờ điều trị:
    • Không sử dụng thuốc nhuận tràng hoặc thuốc giảm đau. Thuốc nhuận tràng có thể gây kích ứng đường ruột của bạn, trong khi thuốc giảm đau có thể khiến cho bạn khó kiểm soát các biến chứng trong cơn đau bụng.[8]
    • Không dùng thuốc kháng axít. Chúng có thể làm cho cơn đau do viêm ruột thừa trở nên nghiêm trọng hơn.[1]
    • Tuyệt đối không sử dụng miếng dán giữ nhiệt vì miếng dán có thể khiến ruột thừa bị nóng và dễ vỡ.[5]
    • Không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì cho đến khi bạn được bác sĩ khám bởi thức ăn có thể khiến bạn có nguy cơ khó thở trong quá trình phẫu thuật.[9]
  2. Nhanh chóng đến phòng cấp cứu. Nếu bạn có đủ lý do để tin rằng mình bị viêm ruột thừa, đừng chỉ gọi điện thoại và đặt lịch hẹn với bác sĩ vào tuần tới. Hãy đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Viêm ruột thừa là một bệnh có nguy cơ đe dọa tính mạng cao.
    • Mang theo một số đồ dùng cá nhân như một bộ đồ ngủ sạch và bàn chải đánh răng. Nếu bạn bị viêm ruột thừa, bạn sẽ phải phẫu thuật và ở lại qua đêm.
  3. Mô tả các triệu chứng của bạn tại phòng cấp cứu. Bạn sẽ được khám phân loại dựa trên mức độ bệnh, vì vậy hãy nói với y tá chuyên trách rằng bạn nghi mình bị viêm ruột thừa. Sau đó bạn sẽ được sắp xếp trong danh sách bệnh nhân, dựa theo mức độ khẩn cấp của từng người bệnh. Điều đó có nghĩa là nếu có bệnh nhân bị thương ở đầu đến cấp cứu, bạn có thể phải chờ một chút.
    • Đừng hoảng sợ nếu bạn phải chờ đợi. Một khi ở trong bệnh viện, bạn sẽ an toàn hơn so với ở nhà rất nhiều. Thậm chí nếu ruột thừa có bị vỡ khi bạn ở phòng chờ, các bác sĩ cũng có thể làm phẫu thuật cho bạn một cách nhanh chóng. Hãy cố gắng kiên nhẫn và tạm thời quên đi cơn đau.
  4. Biết cần phải làm gì trong khi khám. Khi bác sĩ khám, bạn sẽ cần phải mô tả các triệu chứng một lần nữa. Hãy lưu ý những dấu hiệu bất thường về tiêu hóa (như táo bón hoặc nôn), và cố gắng nói với bác sĩ thời điểm lần đầu tiên bạn bị đau. Bác sĩ sẽ kiểm tra các dấu hiệu của viêm ruột thừa.
    • Chuẩn bị tinh thần về việc bị ấn. Bác sĩ sẽ ấn mạnh vào bụng dưới của bạn. Bác sĩ đang kiểm tra xem liệu bạn có bị viêm phúc mạc, hay nhiễm trùng – hệ quả của việc vỡ ruột thừa hay không. Nếu bạn bị viêm phúc mạc, cơ bụng của bạn sẽ co thắt khi ép. Các bác sĩ cũng có thể thực hiện kiểm tra nhanh trực tràng.
  5. Bạn cũng có thể phải làm các kiểm tra bổ sung. Xét nghiệm và kiểm tra hình ảnh rất quan trọng cho việc chẩn đoán chính thức viêm ruột thừa. Các loại kiểm tra có thể bao gồm:[10]
    • Thử máu – Thử máu sẽ xác định số lượng tế bào bạch cầu cao, cho thấy dấu hiệu nhiễm trùng thậm chí trước khi ghi nhận nhiệt độ cơ thể hạ. Các xét nghiệm máu cũng sẽ cho thấy cơ thể bị mất cân bằng các chất điện giải và mất nước, đây cũng là một nguyên nhân gây đau. Các bác sĩ cũng có thể làm xét nghiệm thử thai để loại trừ khả năng có thai đối với phụ nữ.
    • Xét nghiệm nước tiểu - Nước tiểu có thể phát hiện viêm đường tiết niệu hay sỏi thận – hai chứng bệnh mà đôi khi cũng có thể gây đau bụng.
    • Siêu âm - Siêu âm bụng sẽ cho thấy ruột thừa có bị tắc, vỡ, sưng hoặc có nguyên nhân nào khác gây đau bụng hay không. Sóng siêu âm là loại sóng bức xạ an toàn nhất và thường là lựa chọn đầu tiên trong chẩn đoán hình ảnh.
    • CHT - CHT (Cộng hưởng từ) được sử dụng để cho ra các hình ảnh chi tiết hơn của các cơ quan nội tạng mà không sử dụng tia X-quang. Bạn có thể sẽ cảm thấy hơi ngột ngạt khi chạy máy CHT. Đó là một không gian chật hẹp. Nhiều bác sĩ có thể sử dụng một chút thuốc an thần để giúp bạn giảm bớt lo lắng. Hình ảnh chụp CHT sẽ hiển thị các dấu hiệu giống như siêu âm, nhưng ảnh chụp gần hơn.
    • Chụp CT – Chụp CT sử dụng tia X-quang với công nghệ máy tính để hiển thị hình ảnh. Bạn sẽ phải uống một hỗn dịch. Nếu không bị nôn ra hỗn dịch, bạn có thể nằm trên bàn để kiểm tra. Quá trình chụp CT diễn ra khá nhanh và và không ngột ngạt như với máy CHT. Quá trình này cũng sẽ hiển thị các dấu hiệu như viêm, vỡ, hoặc tắc nghẽn ruột thừa. Đây là phương thức được sử dụng phổ biến nhất.
  6. Cắt ruột thừa. Bác sĩ có thể kết luận rằng bạn bị viêm ruột thừa. Cách chữa trị duy nhất đối với viêm ruột thừa là cắt bỏ đoạn ruột thừa thông qua một phẫu thuật gọi là phẫu thuật cắt ruột thừa. Hầu hết các bác sĩ phẫu thuật nghiêng về phẫu thuật nội soi vì ít để lại sẹo, không giống như phương pháp mở ổ bụng.
    • Nếu bác sĩ cho rằng bạn không cần phải phẫu thuật, bạn có thể được cho về nhà để theo dõi trong vòng 12-24 giờ. Trong khoảng thời gian đó, bạn không nên dùng thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, hoặc thuốc nhuận tràng. Trong trường hợp này, bạn nên liên hệ với bác sĩ điều trị nếu diễn biến cơn đau trở nên tồi tệ hơn. Đừng chờ đợi cho đến khi các triệu chứng của bạn trở nên quá nghiêm trọng. Bạn có thể mang theo một mẫu nước tiểu. Khi bạn quay lại để tiến hành các xét nghiệm khác, bạn cần phải đảm bảo rằng không ăn hay uống bất cứ thứ gì trước đó bởi điều này có thể gây phức tạp cho ca phẫu thuật.
  7. Hồi phục dần dần. Kỹ thuật phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa hiện đại đã giảm thiểu can thiệp trong cơ thể và bạn sẽ có thể trở lại cuộc sống bình thường mà hầu như không có hoặc có rất ít biến chứng. Tuy nhiên, đây vẫn là một phẫu thuật – vì vậy bạn nên chăm sóc bản thân cho phù hợp. Dưới đây là những gì bạn nên làm để có thể nhanh chóng hồi phục sau phẫu thuật:[11]
    • Ăn đặc trở lại một cách từ từ. Vì bạn vừa được phẫu thuật đường tiêu hóa, hãy chờ 24 giờ trước khi ăn hoặc uống bất cứ thứ gì. Bác sĩ hoặc y tá sẽ cho bạn biết khi nào bạn được phép ăn một lượng nhỏ thức ăn lỏng, sau đó tới thức ăn đặc, và tất cả nên ăn riêng biệt. Dần dần, bạn sẽ có thể được ăn uống như bình thường.
    • Đừng gắng sức trong ngày đầu tiên. Hãy coi đây là dịp để nghỉ ngơi và hồi phục. Cố gắng di chuyển và hoạt động nhẹ nhàng trong vài ngày tiếp theo bởi cơ thể của bạn cũng sẽ bắt đầu hồi phục thông qua việc di chuyển.
    • Gọi bác sĩ nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào. Đau, nôn mửa, chóng mặt, cảm giác muốn ngất, sốt, tiêu chảy, nước tiểu hoặc phân có máu, táo bón, vấn đề với ống dẫn lưu hoặc sưng quanh chỗ bị rạch, tất cả đều là dấu hiệu bạn nên gọi tới bệnh viện. Bất kỳ triệu chứng của viêm ruột thừa sau khi bạn đã cắt bỏ ruột thừa đều là lý do chính đáng để bạn gọi cho bác sĩ.

Lời khuyên[sửa]

  • Những người có thể trạng đặc biệt có thể không gặp các triệu chứng điển hình của viêm ruột thừa và chỉ có một cảm giác chung của việc bị ốm hoặc không khỏe. Những điều kiện đặc biệt bao gồm:
    • Béo phì
    • Bệnh tiểu đường
    • Bệnh nhân H.I.V
    • Bệnh nhân ung thư và/hoặc hóa trị liệu
    • Bệnh nhân được cấy ghép nội tạng
    • Thai phụ (nguy cơ cao nhất trong tam cá nguyệt thứ ba)
    • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
    • Người già
  • Ngoài ra còn có một tình trạng gọi là cơn đau quặn ruột thừa. Sự co thắt nghiêm trọng ở bụng gây ra bởi những cơn co thắt ở ruột thừa. Điều này có thể bị gây ra bởi sự tắc nghẽn, khối u, vết sẹo hay vấn đề bên ngoài khác. Trước đây, các bác sĩ không chấp nhận việc viêm ruột thừa có thể “dai dẳng”. Tuy nhiên, cơn đau có thể xảy ra trong một quãng thời gian dài và có thể đến rồi đi. Tình trạng này có thể khó chẩn đoán, nhưng lại có thể dẫn đến viêm ruột thừa cấp tính.[12]

Cảnh báo[sửa]

  • Trì hoãn điều trị y tế đối với viêm ruột thừa có thể khiến bạn phải đeo túi hậu môn giả trong vài tháng hoặc cả đời.
  • Đừng bao giờ trì hoãn việc chăm sóc y tế nếu bạn nghi ngờ bị viêm ruột thừa. Ruột thừa vỡ có thể gây tử vong. Nếu bạn đến phòng cấp cứu và được cho về nhà mà không cần điều trị, bạn phải quay lại để kiểm tra nếu các triệu chứng xấu đi. Không có gì là bất thường khi các triệu chứng có thể diễn biến phức tạp hơn theo thời gian cho đến khi bạn phải tiến hành phẫu thuật.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây