Nhận biết và phòng ngừa sốt thương hàn

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Sốt thương hàn là căn bệnh đe dọa tính mạng do vi khuẩn Salmonella Typhi gây ra. Vi khuẩn Salmonella Typhi sẽ lây lan qua thực phẩm bị nhiễm phân và nước tiểu của người nhiễm bệnh thương hàn. Bệnh thương hàn rất phổ biến ở các nước đang phát triển, nơi có điều kiện vệ sinh kém (ít rửa tay) và thiếu nguồn nước sạch.[1] Hầu hết các trường hợp thương hàn xảy ra khi di chuyển từ nước này sang nước khác. Cụ thể, trong 10 năm gần đây, mọi người du lịch đến châu Á, châu Mỹ La-tinh và châu Phi là những nơi có nguy cơ mắc bệnh thương hàn đặc biệt cao.[2]

Các bước[sửa]

Nhận biết triệu chứng sốt thương hàn[sửa]

  1. Kiểm tra dấu hiệu sốt. Dấu hiệu chính của bệnh thương hàn là sốt cao và dai dẳng từ 39°C-40°C.[1] Nói chung, triệu chứng sốt sẽ xuất hiện trong vòng 1-3 tuần sau khi bị nhiễm bệnh.[3]
  2. Kiểm tra triệu chứng tiếp theo. Bệnh thương hàn còn biểu hiện thêm các triệu chứng khác như đau đầu, khó chịu, mệt mỏi, đau dạ dày, táo bón hoặc tiêu chảy, nôn mửa và chán ăn.[3]
    • Một số người còn bị phát ban, nổi mẩn màu hồng nhạt và nhịp tim chậm bất thường (dưới 60 nhịp/phút).
  3. Đi khám bác sĩ. Nếu bị sốt cao và mệt trong người, bạn nên đi khám bác sĩ ngay. Lưu ý rằng, nếu không được điều trị, sốt thương hàn có thể gây tử vong. Khoảng 20% người bị nhiễm thương hàn có thể chết do các biến chứng liên quan.[1]
    • Nếu bị ốm và nghi ngờ mình bị sốt thương hàn, bạn nên tránh tiếp xúc với người khác. Ngoài ra, không nên chuẩn bị hoặc phục vụ thức ăn cho người khác. [4]
    • Nếu đang đi du lịch, bạn hãy liên lạc với lãnh sự quán để nhận danh sách các bác sĩ được giới thiệu.
    • Bác sĩ sẽ chẩn đoán thông qua phân tích lâm sàng mẫu phân hoặc xét nghiệm máu để kiểm tra bạn có bị nhiễm vi khuẩn Salmonella Typhi hay không.
    • Tại khu vực không có phòng thí nghiệm hoặc lâu có kết quả xét nghiệm, bác sĩ có thể đánh giá kích thước của gan và lá lách bằng cách nhấn xuống và gõ nhẹ lên các cơ quan. Gan và lá lách to thường là dấu hiệu "dương tính" với sốt thương hàn.[5]
    • Phải chẩn đoán chính xác sốt thương hàn vì sốt cùng các triệu chứng kèm theo cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh khác như sốt Dengue, sốt rét và dịch tả.

Ngăn ngừa sốt thương hàn[sửa]

  1. Tránh ăn thực phẩm có nguy cơ gây bệnh. Khi du lịch đến vùng có nguy cơ lây nhiễm sốt thương hàn, một trong những cách quan trọng nhất để bảo vệ chính mình là tránh một số thực phẩm cũng như cách chuẩn bị thực phẩm nhất định. Áp dụng các cách phòng ngừa sau để không ăn phải thực phẩm chứa mầm bệnh:[1]
    • Ăn thực phẩm đã được nấu chín và khi còn nóng. Nhiệt độ cao giúp tiêu diệt vi khuẩn.
    • Tránh ăn rau và hoa quả sống chưa được gọt vỏ. Ví dụ, rau xà lách là một trong các loại rau dễ bị nhiễm bẩn vì khó rửa sạch và vi khuẩn có thể ẩn náu tại bề mặt khuất và vết nứt trên lá rau.
    • Nếu muốn ăn nông sản tươi, bạn nên gọt vỏ và rửa sạch trái cây và rau củ. Rửa tay bằng nước ấm xà phòng trước và không được ăn vỏ.
  2. Cẩn thận với đồ uống. Nguồn nước uống phải sạch sẽ và tươi mát. Thực hiện theo các hướng dẫn sau: [1]
    • Uống nước có nắp đậy kín hoặc nấu sôi nước 1 phút trước khi uống. Nói chung, nước cacbonat và nước đóng chai an toàn hơn nước không chứa cacbonat.
    • Đá viên cũng có thể mang mầm bệnh, do đó, tránh sử dụng hoặc chỉ sử dụng đá viên được làm từ nước đóng chai hoặc nước đã được đun sôi. Cố gắng tránh sử dụng sản phẩm từ nước, như kem que hoặc kem có hương vị vì những sản phẩm này có thể được làm từ nước nhiễm mầm bệnh.
  3. Tránh thực phẩm và đồ uống bán ngoài lề đường. Thực phẩm bán ngoài đường rất dễ nhiễm bẩn. Thực tế, nhiều du khách cho biết họ bị nhiễm bệnh sau khi tiêu thụ thực phẩm bán ngoài lề đường. [1]
  4. Vệ sinh sạch sẽ. Bạn nên rửa tay thường xuyên. Nếu không có sẵn nước và xà phòng, bạn có thể sử dụng nước rửa tay nồng độ cồn 60% để sát khuẩn tay. Không chạm tay lên mặt nếu chưa rửa tay sạch. Bạn cũng nên tránh tiếp xúc thân mật (dùng chung dụng cụ ăn/cốc nước uống hoặc ôm/hôn) với người bị bệnh. [4]
  5. Ghi nhớ câu thần chú hữu ích. Nên thuộc lòng câu “thần chú”: "Ăn chín, uống sôi". Một khi phân vân không biết có nên ăn một thực phẩm hay không, hãy suy nghĩ về câu thần chú trên để không gặp hậu quả khiến bạn phải hối tiếc.[1]
  6. Tiêm vắc-xin phòng ngừa trước khi đi du lịch. Nếu du lịch hoặc đi ngang qua các nước đang phát triển, đặc biệt là ở châu Á, châu Mỹ La-tin và châu Phi, bạn nên có kế hoạch tiêm vắc-xin phòng ngừa bệnh thương hàn trước khi đi. Đến bệnh viện hoặc phòng khám gần nhất để được tiêm ngừa cũng như trao đổi với bác sĩ liệu thuốc ngừa có thích hợp với bạn hay không. Ghi nhớ rằng dù đã tiêm ngừa trước đó, bạn vẫn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để biết mình có cần phải chích ngừa thêm hay không. Thông thường, vắc-xin thương hàn sẽ giảm hiệu quả sau vài năm. [1]
    • Ở một số quốc gia như Mỹ, hai dạng vắc-xin có sẵn là dạng viên nang, yêu cầu bạn uống 4 viên trong vòng 8 ngày (cách 2 ngày uống 1 viên) và dạng tiêm một lần.[1]
    • Cả hai loại vắc-xin trên đều có hiệu quả ngăn ngừa sốt thương hàn như nhau. Tuy nhiên, viên nang có khả năng bảo vệ bạn trong vòng 5 năm, còn tiêm ngừa chỉ có hiệu quả trong 2 năm. [1]
    • Lưu ý rằng phải uống viên nang 1 tuần hoặc tiêm ngừa 2 tuần trước khi tiếp xúc với nguy cơ lây nhiễm.[1]
  7. Nắm rõ điểm hạn chế của từng loại vắc xin. Đối với dạng tiêm, không nên tiêm cho trẻ em dưới 2 tuổi, người bị bệnh trong thời gian dự định tiêm vắc xin và người bị dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc tiêm. Trao đổi với bác sĩ để biết mình có bị dị ứng hay không.
    • Đối với viên nang uống, trẻ em dưới 6 tuổi, người có hệ miễn dịch kém, người mới ốm dậy hoặc đang bị ốm, người bị HIV/AIDS, người bị ung thư hoặc đang xạ trị, người uống thuốc kháng sinh 3 ngày trước đó, người đang sử dụng Steroid và người dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc không nên sử dụng viên nang. Trao đổi với bác sĩ để biết mình có bị dị ứng hay không.
  8. Không chủ quan sau khi đã sử dụng vắc-xin. Vắc-xin chỉ ngăn ngừa được 50-80% nguy cơ sốt thương hàn, do đó phải áp dụng càng nhiều biện pháp phòng ngừa càng tốt, đặc biệt là chú ý đến thực phẩm và đồ uống.
    • Thận trọng với đồ ăn và thức uống cũng giúp bảo vệ bạn khỏi các bệnh lây truyền qua thực phẩm khác như viêm gan A, tiêu chảy ở khách du lịch, dịch tả và kiết lỵ. [1]

Lời khuyên[sửa]

  • Tìm hiểu xem khu vực bạn sinh sống hoặc nơi bạn định ghé thăm có nguy cơ lây nhiễm sốt thương hàn hay không càng sớm càng tốt. Đừng chờ cho đến phút chót mới tiêm ngừa vì vắc-xin phải mất 1-2 tuần mới phát huy hiệu quả, tùy thuộc vào loại thuốc ngừa (dạng tiêm hoặc viên nang).
  • Bệnh sốt thương hàn có thể phòng ngừa được. Nếu bị nhiễm bệnh, bạn có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,00 1,01 1,02 1,03 1,04 1,05 1,06 1,07 1,08 1,09 1,10 1,11 http://www.cdc.gov/nczved/divisions/dfbmd/diseases/typhoid_fever/
  2. John A Crump, Eric Munz, James Hughes et al Global Trends in Typhoid and Paratyphoid Fever, Clinical Infectious Diseases 2010, Volume 50 (2) Pp 241-246.
  3. 3,0 3,1 http://www.who.int/topics/typhoid_fever/en/
  4. 4,0 4,1 http://wwwnc.cdc.gov/travel/diseases/typhoid
  5. Zulfiger A Bhattta, Husen, Lajii Current Concepts in the Diagnosis and Treatment of Typhoid Fever, British Medical Journal July 8 Vol 333 (7558)