Nhận biết viêm họng liên cầu khuẩn

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Viêm họng liên cầu khuẩn là bệnh nhiễm trùng vi khuẩn ở cổ họng và có thể lây truyền, ước chừng có khoảng 30 triệu ca bệnh này mỗi năm. Trẻ em và người có hệ miễn dịch yếu dễ mắc liên cầu khuẩn hơn người khỏe mạnh, nhưng ở lứa tuổi nào bạn cũng có thể lây bệnh. Cách duy nhất để biết chắc chắn mình có bị viêm họng liên cầu khuẩn hay không là phải đi khám bệnh và làm xét nghiệm y khoa. Tuy nhiên, có những triệu chứng đặc thù của bệnh mà bạn có thể nhận ra trước khi tới gặp bác sĩ.

Các bước[sửa]

Đánh giá Triệu chứng ở Miệng và Cổ họng[sửa]

  1. Xác định mức độ đau cổ họng.[1] Đau cổ họng nặng là dấu hiệu đầu tiên của bệnh viêm họng liên cầu khuẩn. Bạn vẫn có thể đã mắc bệnh nếu cổ họng chỉ đau vừa phải, nhưng nếu là đau nhẹ và dễ dàng chữa khỏi hay làm dịu thì gần như không thể do bệnh này gây ra.
    • Với điều kiện chứng đau cổ họng này phải xuất hiện một cách độc lập, không phải nói hay nuốt mới đau.
    • Các chứng đau có thể làm dịu bớt bằng cách uống thuốc hoặc dùng đồ ăn, thức uống lạnh vẫn có khả năng liên quan tới liên cầu khuẩn, nhưng bạn rất khó trị hết đau hoàn toàn mà không phải dùng tới thuốc bác sĩ kê.
  2. Thử nuốt nước bọt. Nếu cổ họng chỉ đau vừa phải nhưng trở nên rất đau mỗi khi nuốt, thì khả năng bạn đã nhiễm liên cầu khuẩn. Đau cổ họng khiến người bệnh khó có thể nuốt trôi là dấu hiệu đặc biệt phổ biến ở những người bị viêm họng liên cầu khuẩn.
  3. Ngửi hơi thở. Nhiễm trùng liên cầu khuẩn thường khiến hơi thở có mùi hôi thấy rõ, dù không phải bệnh nhân nào cũng bị. Sở dĩ có hiện tượng này là do sự sinh sôi của vi khuẩn trong miệng.
    • Hơi thở có mùi nặng nhưng lại rất khó mô tả, một số người nói rằng nó có mùi giống như kim loại hay mùi bệnh viện, số khác thấy giống mùi thịt thối. Nhưng không quan trọng là mùi gì, "hơi thở khi nhiễm liên cầu khuẩn" sẽ nặng mùi và hôi hơn hơi thở bình thường.
    • Chính vì “hơi thở hôi” phụ thuộc vào đánh giá chủ quan của mỗi người nên đây không thực sự là cách chẩn đoán bệnh, chỉ là dấu hiệu có liên quan thường thấy.[2]
  4. Sờ vào các tuyến ở cổ. Hạch bạch huyết là nơi bắt giữ và tiêu diệt mầm bệnh. Hạch bạch huyết thường sưng lên và đau khi sờ nếu bạn mắc viêm họng liên cầu khuẩn.
    • Mặc dù hạch bạch huyết nằm ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể nhưng những hạch nằm gần với nơi nhiễm trùng nhất sẽ sưng đầu tiên. Do đó với bệnh viêm họng liên cầu khuẩn, hạch bạch huyết nằm tại cổ họng hay ở khu vực xung quanh sẽ sưng.[3]
    • Bạn dùng đầu ngón tay nhẹ nhàng sờ vào khu vực nằm ngay trước tai, rồi di chuyển ngón tay theo chuyển động vòng tròn phía sau tai.[4]
    • Bạn cũng cần kiểm tra khu vực cổ họng ngay dưới cằm. Với bệnh này, nơi hạch bạch huyết thường sưng nhất là dưới xương hàm, đâu đó ở vị trí giữa cằm và tai. Di chuyển đầu ngón tay lùi lại và hướng lên tai, sau đó hướng xuống dọc theo bên cổ ở dưới tai.
    • Kết thúc kiểm tra ở xương đòn và lập lại tương tự ở phía bên kia.
    • Nếu bạn sờ thấy chỗ phồng hay sưng đáng kể ở nhưng nơi vừa kiểm tra thì đó có thể là hạch bạch huyết bị sưng do liên cầu khuẩn.[5]
  5. Kiểm tra lưỡi. Người mắc viêm họng liên cầu khuẩn thường có nhiều hạt nhỏ li ti màu đỏ phủ dọc theo lưỡi, đặc biệt ở khu vực trong cổ họng.[6] Nhiều người mô tả lớp hạt nhỏ li ti gây đau này giống với vỏ ngoài quả dâu tây.
    • Chúng có màu đỏ tươi hay đỏ thẫm, tổng thể nhìn như bị sưng.
  6. Kiểm tra phía sau cổ họng. Bệnh nhân viêm họng liên cầu khuẩn phát triển các đốm xuất huyết màu đỏ trên ngạc mềm và ngạc cứng (trên vòm họng, nằm gần phía sau).
  7. Kiểm tra amidan nếu bạn chưa cắt amidan. Loại bệnh viêm họng này khiến amidan sưng lên, có màu đỏ tươi hay đỏ đậm hơn bình thường và lớn hơn thấy rõ. Ngoài ra bạn cũng để ý thấy amidan có phủ một lớp màu trắng, lớp phủ này có thể nằm trực tiếp trên amidan hoặc đơn giản nằm sâu trong cổ họng, nó cũng có khả năng mang màu vàng thay vì màu trắng.[7]
    • Không hẳn chỉ xuất hiện dưới dạng lớp phủ màu trắng, bạn có thể thấy những vệt mủ dài màu trắng phủ lấy amidan.[5] Đây chính là triệu chứng của viêm họng liên cầu khuẩn.

Đánh giá các Triệu chứng Phổ biến khác[sửa]

  1. Để ý xem bạn đã ở gần ai bị viêm họng liên cầu khuẩn. Đây là căn bệnh nhiễm trùng có thể lây qua đường tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn gây bệnh. Khó có khả năng bạn mắc bệnh mà trước đó chưa từng tiếp xúc trực tiếp với ai mang vi khuẩn.
    • Rất khó để biết được người nào đang mang liên cầu khuẩn. Trừ khi trước đó bạn bị cô lập hoàn toàn, nếu không thì chỉ có khả năng bạn đã tiếp xúc với ai đó mang bệnh.
    • Nhiều người có thể mang mầm bệnh và lây sang người khác dù bản thân họ không xuất hiện triệu chứng gì.
  2. Xem xét tốc độ tiến triển của bệnh. Đau cổ họng do liên cầu khuẩn thường phát triển rất nhanh mà không có dấu hiệu cảnh báo trước. Nếu đau cổ họng tiến triển trong nhiều ngày thì rất có khả năng do một nguyên nhân khác.
    • Nhưng chỉ một mình dấu hiệu này cũng không đủ loại trừ do liên cầu khuẩn.
  3. Kiểm tra thân nhiệt. Viêm họng do liên cầu khuẩn thường kèm theo sốt cao (38,3 độ C) hoặc cao hơn. Sốt thấp hơn vẫn có thể do liên cầu khuẩn gây ra, nhưng nhiều khả năng đó là triệu chứng nhiễm trùng virus.
  4. Chú ý triệu chứng nhức đầu. Nhức đầu là một triệu chứng thường gặp khác ở bệnh viêm họng liên cầu khuẩn. Mức độ từ nhẹ cho tới rất đau.
  5. Quan sát hệ tiêu hóa. Nếu bạn ăn không thấy ngon miệng hoặc có cảm giác buồn nôn thì có thể xem đó là một triệu chứng khác của viêm họng liên cầu khuẩn. Tệ nhất là căn bệnh này có thể gây nôn và đau bụng.
  6. Để ý tình trạng mệt mỏi. Cũng như bất kì bệnh nhiễm trùng nào khác, viêm họng liên cầu khuẩn khiến bạn ngày càng mệt mỏi. Tình trạng đó khiến bạn không muốn thức dậy vào buổi sáng, khó có đủ sức lực cho hoạt động thường ngày.
  7. Tìm dấu hiệu nổi mề đay. Nhiễm trùng liên cầu khuẩn nặng có thể dẫn tới tình trạng tinh hồng nhiệt hay thường gọi là sốt ban đỏ.[8] Triệu chứng ban đỏ nhìn và sờ rất giống như mặt giấy nhám.
    • Sốt ban đỏ thường xảy ra khoảng từ 12 tới 48 giờ sau khi triệu chứng đầu tiên của viêm họng liên cầu khuẩn xuất hiện.
    • Ban bắt đầu nổi xung quanh cổ trước khi phát triển lan xuống ngực, thậm chí lan xuống tới bụng và vùng bẹn. Trong một số ít trường hợp ban nổi ở lưng, cánh tay, chân hay mặt.
    • Khi bạn uống thuốc kháng sinh sốt ban đỏ nhanh chóng hết. Do đó nếu tình trạng phát ban có đặc điểm này thì bạn nên đi khám bệnh càng sớm càng tốt, bất kể các triệu chứng nhiễm liên cầu khuẩn khác có xuất hiện hay không.
  8. Để ý những triệu chứng không xuất hiện. Dù bệnh cảm lạnh và viêm họng liên cầu khuẩn có nhiều đặc điểm chung, nhưng có những triệu chứng giống như cảm lạnh mà người nhiễm liên cầu khuẩn không có. Khi các triệu chứng đó không xuất hiện, bạn có thêm một dấu hiệu nữa để khẳng định mình bị viêm họng liên cầu khuẩn thay vì cảm lạnh.
    • Viêm họng không thường gây ra các triệu chứng ở mũi. Điều này có nghĩa bạn sẽ không ho, chảy mũi, nghẹt mũi, hay đỏ và ngứa mắt.[9]
    • Ngoài ra viêm họng khiến bạn đau bụng nhưng không làm tiêu chảy.

Đánh giá Bệnh sử Gần đây và Yếu tố Rủi ro[sửa]

  1. Xem xét tiền sử bệnh. Một số người dường như dễ nhiễm liên cầu khuẩn hơn những người khác. Nếu bạn đã từng nhiễm liên cầu khuẩn thì khả năng đợt nhiễm trùng mới cũng do liên cầu khuẩn.
  2. Đánh giá xem có phải tuổi tác là nguyên nhân khiến bạn dễ nhiễm liên cầu khuẩn. Trong khi có tới 20%-30% các ca đau họng ở trẻ em là do liên cầu khuẩn, nhưng ở người lớn chỉ có 5%-15% số ca đau họng do loại vi khuẩn này gây ra.[10]
    • Bệnh nhân lớn tuổi và những người đang mắc một căn bệnh khác (như cúm) dễ bị nhiễm trùng cơ hội hơn.
  3. Xác định xem có phải hoàn cảnh sống làm tăng rủi ro nhiễm liên cầu khuẩn. Khả năng mắc viêm họng liên cầu khuẩn cao hơn khi trong nhà có người đã mắc bệnh này trong hai tuần qua.[11] Sống hay sinh hoạt ở những nơi tập thể như trường học, nhà trẻ, ký túc xá, doanh trại quân đội là điều kiện để vi khuẩn sinh sôi và phát tán rộng rãi.
    • Mặc dù trẻ em có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn nhưng trẻ sơ sinh dưới 2 tuổi lại rất ít có khả năng lây bệnh này. Tuy nhiên, chúng không có những triệu chứng thường thấy như ở trẻ em và người lớn. Trẻ sơ sinh có thể sốt, chảy mũi, ho và biếng ăn. Hỏi ý kiến bác sĩ về khả năng bé mắc viêm họng liên cầu khuẩn khi bé sốt hay có các triệu khác và trước đó đã tiếp xúc gần gũi với bạn hay người nào đó nhiễm liên cầu khuẩn.
  4. Đánh giá các yếu tố rủi ro khác về sức khỏe khiến bạn dễ nhiễm liên cầu khuẩn. Những người bị suy giảm hệ miễn dịch, tức là khả năng chống lại nhiễm trùng kém, có rủi ro nhiễm loại vi khuẩn này cao hơn. Các trường hợp bệnh hay nhiễm trùng khác cũng làm tăng nguy cơ viêm họng liên cầu khuẩn.
    • Hệ miễn dịch của bạn có thể suy giảm đơn giản vì cơ thể mệt mỏi. Tình trạng gắng sức hay luyện tập quá mức (như chạy đua đường dài) cũng khiến cơ thể mất sức rất nhiều. Khi đó cơ thể bạn chỉ tập trung vào quá trình phục hồi sức nên khả năng chống nhiễm trùng sẽ suy giảm. Nói một cách đơn giản, cơ thể chủ yếu chỉ tập trung phục hồi thể lực nên nó không thể bảo vệ chính mình một cách hiệu quả.
    • Hút thuốc lá cũng làm tổn thương niêm mạc bảo vệ trong miệng và tạo điều kiện cho vi khuẩn định cư dễ dàng hơn.
    • Quan hệ tình dục bằng miệng tạo điều kiện tiếp xúc trực tiếp của khoang miệng với vi khuẩn nhiều hơn.
    • Bệnh tiểu đường làm giảm khả năng chống nhiễm trùng.

Đi Khám bệnh[sửa]

  1. Biết khi nào phải đi khám bệnh. Mặc dù không nhất thiết phải đi khám bệnh mỗi lần đau cổ họng, nhưng bạn nên hẹn gặp bác sĩ ngay nếu xuất hiện những triệu chứng điển hình của viêm họng liên cầu khuẩn. Nếu đau họng có kèm theo hạch bạch huyết sưng, phát ban, khó nuốt hay thở, sốt cao hoặc sốt kéo dài hơn 48 giờ, bạn nên đi khám bệnh.[5]
    • Bạn cũng nên nhờ bác sĩ tư vấn nếu đau họng kéo dài hơn 48 giờ.
  2. Cho bác sĩ biết về lo lắng của bạn. Cho họ biết đầy đủ các triệu chứng bạn gặp phải và bạn nghi ngờ nguyên nhân do liên cầu khuẩn. Thông thường bác sĩ sẽ tìm những dấu hiệu điển hình nhất của căn bệnh này.
    • Họ đo thân nhiệt của bạn.
    • Sau đó bác sĩ rọi đèn nhìn vào cổ họng, chắc chắn họ cần kiểm tra amidan có sưng hay không, các hạt đỏ li ti trên lưỡi, hoặc tìm vệt màu trắng hay vàng trong sâu cổ họng.
  3. Bác sĩ duyệt qua một quy trình chẩn đoán lâm sàng. Về cơ bản quy trình này là cách để bác sĩ đánh giá các triệu chứng bệnh một cách có tổ chức. Đối với người lớn, họ sử dụng Nguyên tắc Dự đoán Lâm sàng, một nguyên tắc xây dựng dựa trên kinh nghiệm để xác định khả năng bạn có bị nhiễm trùng liên cầu khuẩn nhóm A không. Đơn giản đó chỉ là một danh sách các tiêu chuẩn để xác định có cần phải áp dụng điều trị đối với bệnh viêm họng liên cầu khuẩn, và điều trị thế nào.[12]
    • Bác sĩ tính điểm (dương hay âm) cho các dấu hiệu và triệu chứng như sau: +1 điểm cho hạt màu trắng sữa trên amidan (dịch rỉ từ amidan), +1 điểm cho hạch bạch huyết sưng, đau (sưng hạch phía trước cổ), +1 điểm nếu bị sốt gần đây, +1 điểm cho bệnh nhân dưới 15 tuổi, +0 điểm cho độ tuổi từ 15-45, -1 điểm cho bệnh nhân lớn hơn 45 tuổi, và -1 điểm nếu có ho.
    • Nếu bạn có từ 3-4 điểm thì nhận được giá trị dự đoán dương (PPV) xấp xỉ 80% bạn nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A. Cơ bản nghĩa là bạn dương tính với liên cầu khuẩn. Trường hợp nhiễm trùng này phải điều trị bằng thuốc kháng sinh, bác sĩ sẽ kê đúng liều thuốc bạn cần uống.[13]
  4. Yêu cầu bác sĩ xét nghiệm liên cầu khuẩn nhanh.[14] Các tiêu chuẩn của Nguyên tắc Dự đoán Lâm sàng cho thấy không hiệu quả khi dự đoán trường hợp nhiễm trùng cần điều trị bằng kháng sinh ở trẻ em. Xét nghiệm kháng nguyên liên cầu nhanh có thể tiến hành ngay tại phòng khám và chỉ mất vài phút.[5]
    • Bác sĩ dùng tăm bông (tương tự tăm bông hiệu Niva) lấy mẫu dịch lỏng phía trong cổ họng để xét nghiệm vi khuẩn. Bạn nhận được kết quả sau 5 tới 10 phút khi dịch lỏng được xét nghiệm xong.
  5. Yêu cầu bác sĩ cấy khuẩn cổ họng. Nếu xét nghiệm liên cầu khuẩn nhanh cho kết quả âm tính nhưng bạn vẫn còn các triệu chứng khác của căn bệnh này, lúc đó bác sĩ có thể làm một xét nghiệm khác lâu hơn, gọi là cấy khuẩn cổ họng. Cấy vi khuẩn cổ họng là việc cho vi khuẩn sinh sôi bên ngoài môi trường cổ họng, trong một chiếc đĩa. Khi quần thể vi khuẩn phát triển nhiều hơn thì xét nghiệm dễ dàng tìm ra liên cầu khuẩn nhóm A. Có khả năng bác sĩ sẽ sử dụng kết hợp Nguyên tắc Dự đoán Lâm sàng với xét nghiệm liên cầu khuẩn nhanh hoặc cấy khuẩn cổ họng, tùy vào đánh giá lầm sàng của họ.[5]
    • Dù bình thường chỉ cần xét nghiệm liên cầu khuẩn nhanh cũng đủ xác định có nhiễm liên cầu khuẩn hay không, nhưng đã từng có một số trường hợp cho kết quả âm tính sai. Nếu so sánh thì cấy khuẩn cổ họng cho kết quả chính xác hơn.
    • Không cần cấy khuẩn cổ họng nếu xét nghiệm liên cầu khuẩn cho kết quả dương tính, vì xét nghiệm này trực tiếp kiểm tra kháng nguyên của vi khuẩn và chỉ cho kết quả dương tính nếu tồn tại một ngưỡng vi khuẩn nào đó. Kết quả cho thấy phải điều trị ngay bằng kháng sinh.[5]
    • Bác sĩ dùng một cây tăm bông lấy mẫu dịch lỏng phía trong cổ họng, sau đó chuyển tăm bông tới phòng thí nghiệm. Tại đây người ta cấy mẫu vào một chiếc đĩa chứa thạch trắng, vi khuẩn được ủ từ 18-48 giờ tùy vào phương pháp của mỗi phòng thí nghiệm. Nếu bạn có bệnh thì liên cầu khuẩn beta nhóm A sẽ sinh sôi trong đĩa.[15]
  6. Tìm hiểu về các lựa chọn xét nghiệm khác. Một số bác sĩ thích xét nghiệm khuếch đại axít nucleic (NAAT) thay cho phương pháp cấy khuẩn cổ họng sau khi có kết quả âm tính từ xét nghiệm liên cầu nhanh. Xét nghiệm này chính xác và cho kết quả trong vòng vài giờ, không cần tới 1-2 ngày như cách cấy khuẩn.[16]
  7. Uống thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ. Viêm họng liên cầu khuẩn là bệnh nhiễm trùng vi khuẩn, vì vậy bệnh chỉ được điều trị hiệu quả bằng kháng sinh.[17] Nếu bạn dị ứng với bất kì loại kháng sinh nào (như penicillin) thì phải cho bác sĩ biết để họ kê thuốc thay thế phù hợp hơn.
    • Một đợt điều trị bằng kháng sinh thường kéo dài tới 10 ngày (tùy vào loại kháng sinh do bác sĩ quyết định). Bạn phải uống kháng sinh cho đủ đợt điều trị, ngay cả khi đã cảm thấy khỏe trước khi hết đợt điều trị đó.
    • Penicillin, amoxicillin, cephalosporins, và azithromycin là các kháng sinh phổ biến dùng để trị nhiễm trùng. Penicillin thường được sử dụng và hiệu quả với bệnh viêm họng liên cầu khuẩn. Tuy nhiên một số người dị ứng với loại thuốc này, do đó bạn nên cho bác sĩ biết nếu nhận thức được mình có khả năng bị tác dụng phụ. Amoxicillin cũng là một lựa chọn tốt đối với loại bệnh viêm họng này. Về hiệu quả nó tương tự như penicillin nhưng có khả năng chịu được axít tiết ra từ dạ dày trước khi hấp thu vào cơ thể. Ngoài ra amoxicillin có phổ hoạt động rộng hơn penicillin.
    • Azithromycin, erythromycin, hay cephalosporins là các thuốc thay thế cho penicillin khi bệnh nhân dị ứng với penicillin. Lưu ý rằng thuốc erythromycin có nguy cơ gây ra tác dụng phụ ở đường tiêu hóa cao hơn.[17]
  8. Nghỉ ngơi trong thời gian dùng thuốc kháng sinh. Thời gian phục hồi thường tương đương với thời gian của đợt điều trị bằng kháng sinh (lên tới 10 ngày), và bạn nên tạo cơ hội cho cơ thể phục hồi nhanh hơn.
    • Ngủ nhiều, uống trà thảo mộc và nhiều nước để giảm đau họng.
    • Bên cạnh đó, đôi khi bạn cũng nên tiêu thụ các thức uống lạnh, kem và kem cây để làm dịu cổ họng.[3]
  9. Tái khám nếu cần. Bạn sẽ cảm thấy khỏe hơn trong vòng 2-3 ngày, nếu tình trạng không khá hơn hoặc vẫn còn sốt thì bạn nên đi khám bệnh lại. Nếu có bất kì dấu hiệu dị ứng nào với kháng sinh thì bạn phải liên hệ với bác sĩ ngay. Dấu hiệu dị ứng bao gồm nổi mẩn, phát ban, hoặc sưng sau khi uống thuốc.

Lời khuyên[sửa]

  • Ở nhà nghỉ ngơi ít nhất 24 giờ sau khi bắt đầu đợt điều trị nhiễm trùng liên cầu khuẩn.
  • Không dùng chung cốc, dụng cụ ăn uống hay tiếp xúc với dịch tiết của người mắc bệnh. Giữ đồ dùng cá nhân riêng rẽ nếu bạn đã nhiễm trùng.

Cảnh báo[sửa]

  • Đi khám bệnh ngay nếu bạn không thể nuốt cả chất lỏng, có dấu hiệu mất nước, không thể nuốt nước bọt, đau cổ nặng hay căng cứng cổ.
  • Nên nhớ bệnh bạch cầu đơn nhân cũng có những triệu chứng tương tự như nhiễm trùng liên cầu khuẩn, hoặc cả hai bệnh xảy ra cùng lúc. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính với liên cầu khuẩn, nhưng triệu chứng vẫn còn và cơ thể rất mệt mỏi, bạn nên yêu cầu bác sĩ xét nghiệm bệnh bạch cầu đơn nhân.
  • Viêm họng liên cầu khuẩn phải điều trị bằng kháng sinh, nếu không nó sẽ phát triển thành bệnh sốt thấp khớp, là căn bệnh cực kỳ nguy hiểm vì ảnh hưởng tới tim và các khớp xương. Quá trình này diễn biến trong thời gian 9-10 ngày sau khi triệu chứng đầu tiên của viêm họng liên cầu khuẩn xuất hiện, vì vậy bạn phải hành động nhanh chóng.
  • Nếu trong khi điều trị nhiễm trùng liên cầu khuẩn mà xuất hiện nước tiểu có màu như nước côla hay lượng nước tiểu giảm xuống, bạn cần liên hệ với bác sĩ ngay. Đó có khả năng là dấu hiệu của viêm thận, là một biến chứng của viêm họng liên cầu khuẩn.[18]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://www.webmd.com/oral-health/guide/sore-throat-cold-strep-throat-tonsillitis?page=2
  2. Domino, F. (n.d.). The 5-minute clinical consult standard 2015 (23rd ed.).
  3. 3,0 3,1 http://www.webmd.com/cold-and-flu/ss/slideshow-anatomy-of-a-sore-throat
  4. http://www.plymouthhospitals.nhs.uk/OURSERVICES/CANCERSERVICES/SKIN/Pages/HowtoCheckYourLymphNodes.aspx
  5. 5,0 5,1 5,2 5,3 5,4 5,5 Domino, F. (n.d.). The 5-minute clinical consult standard 2015 (23rd ed.).
  6. http://www.cdc.gov/features/StrepThroat/
  7. http://www.nationwidechildrens.org/strep-throat
  8. http://www.webmd.com/oral-health/tc/strep-throat-symptoms
  9. http://www.uaf.edu/chc/say-ah-articles/Strep-throat-4-12.pdf
  10. http://cid.oxfordjournals.org/content/early/2012/09/06/cid.cis629.full
  11. http://www.aafp.org/afp/2004/0315/p1465.html
  12. McIsaac WJ, Kellner JD, Aufricht P, et al. Empirical validation of guidelines for the management of pharyngitis in children and adults.JAMA. 2004;291:1587–1595.
  13. McIsaac WJ, Kellner JD, Aufricht P, et al. Empirical validation of guidelines for the management of pharyngitis in children and adults.JAMA. 2004;291:1587–1595.
  14. http://kidshealth.org/teen/infections/bacterial_viral/strep_throat.html#
  15. http://www.webmd.com/oral-health/throat-culture
  16. https://www.genomeweb.com/pcrsample-prep/meridian-bioscience-naat-group-strep-shines-multicenter-clinical-study
  17. 17,0 17,1 http://www.webmd.com/oral-health/antibiotics-for-strep-throat
  18. http://www.childrensdayton.org/cms/resource_library/nephrology_files/8473d3ae4f1f545a/psgn.pdf

Liên kết đến đây