Nhận diện dấu hiệu của chứng khó đọc

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Chứng khó đọc là một tật bẩm sinh có đặc điểm chính là khiến người bệnh khó đọc. Có khoảng 20% dân số Hoa Kỳ mắc phải và hàng triệu người khác chưa được chẩn đoán, chứng khó đọc có liên quan đến cách vận hành của não bộ và không phải là hậu quả do ít học, trí thông minh hay thị lực kém.[1] Những người mắc tật này thường gặp khó khăn khi phải đọc riêng rẽ từng từ, cũng như kết hợp các âm để viết hay phát âm thành từ hoàn chỉnh. Nói một cách khác, người bị khó đọc phải cố gắng chuyển ngôn ngữ thành suy nghĩ (nghe hoặc đọc) và chuyển suy nghĩ thành ngôn ngữ (viết hoặc nói),[2] vì vậy họ không thể đọc chính xác, trôi chảy hay cùng tốc độ với người bình thường.[3] Mặc dù là tật bẩm sinh nhưng bạn có thể điều trị và vượt qua chứng khó đọc một khi đã được chẩn đoán. Triệu chứng chính là gặp khó khăn khi đọc hay đọc chậm, nhưng thật ra có một số cách để nhận diện chứng khó đọc ở trẻ em lứa tuổi mẫu giáo, trẻ đã đi học và cả người lớn.

Các bước[sửa]

Nhận diện chứng khó đọc ở trẻ em lứa tuổi mẫu giáo (3-6 tuổi)[sửa]

  1. Tìm những khó khăn khi nói và nghe. Người bị khó đọc thường gặp khó khăn khi giải mã và xử lý ngôn ngữ, vì vậy triệu chứng sẽ xuất hiện ở một số kỹ năng khác ngoài kỹ năng đọc.[4] Một hoặc hai triệu chứng không nhất thiết là dấu hiệu của chứng khó đọc, nhưng nếu con bạn gặp nhiều triệu chứng sau đây thì bạn nên đem bé đến gặp bác sĩ khoa nhi.
    • Nói chậm (mặc dù có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này). Nhờ bác sĩ tư vấn nếu bạn lo lắng về mức độ phát triển kỹ năng nói ở trẻ. [5]
    • Khó khăn khi phát âm từ, chẳng hạn đọc chệch các ký tự - “con cớn” thay vì “con kiến”.[6]
    • Khó khăn khi phân chia các từ thành âm riêng rẽ và ngược lại, khả năng hòa trộn các âm để tạo thành từ khi nói bị hạn chế.[6]
    • Khó khăn khi tạo thành vần giữa các từ.[2]
  2. Tìm những khó khăn trong việc học. Vì trẻ em bị khó đọc thường gặp khó khăn với âm vị (khả năng vận dụng các âm) và tốc độ phản hồi chậm giữa hình ảnh với lời nói,[7] do đó bé cũng gặp khó khăn khi học các kiến thức cơ bản, bao gồm:[6]
    • Chậm xây dựng kho từ vựng. Trẻ bị khó đọc ở lứa tuổi mẫu giáo thường chỉ nói được một số ít từ.[2]
    • Chậm nhớ ra các âm, ký tự, màu sắc và con số. Trẻ cũng chậm khi muốn gọi tên những vật rất thân thuộc với mình.[2]
    • Khó khăn nhận ra tên của chính mình.[2][3]
    • Khó khăn khi tạo nhịp điệu hoặc đọc theo các bài thơ mẫu giáo.
    • Khó ghi nhớ nội dung các đoạn phim, thậm chí phim yêu thích.
    • Lưu ý rằng các sai sót khi viết không nhất thiết là dấu hiệu của chứng khó đọc ở trẻ lứa tuổi mẫu giáo. Nhiều trẻ mẫu giáo và học sinh lớp một đảo ngược ký tự và chữ số khi chúng đang học viết. Tuy nhiên, đây có thể là dấu hiệu của chứng khó đọc đối với trẻ lớn hơn, và nếu tình trạng đảo ngược ký tự và số tiếp tục kéo dài thì bạn nên cho bé kiểm tra chứng khó đọc.[2]
  3. Tìm những khó khăn về thể chất. Vì chứng khó đọc cũng gây ra một số vấn đề về tổ chức không gian và kỹ năng vận động tinh nên trẻ nhỏ có thể biểu hiện các dấu hiệu về thể chất như:[8]
    • Chậm phát triển kỹ năng vận động tinh như cầm bút, sách vở, sử dụng nút bấm và khóa dây kéo, hoặc đánh răng.[6][2]
    • Khó phân biệt trái phải.[9]
    • Khó hòa nhịp vào giai điệu âm nhạc.[9]
  4. Trao đổi với bác sĩ khoa nhi. Nếu nghi ngờ con mình bị khó đọc thì tốt nhất bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ. Chẩn đoán sớm luôn là yếu tố quan trọng giúp trẻ đối phó với tật bẩm sinh này.
    • Chuyên gia thường sử dụng một nhóm các bài kiểm tra để chẩn đoán chứng khó đọc ở trẻ em, với độ tuổi nhỏ nhất có thể chẩn đoán được là 5.[1]

Nhận diện chứng khó đọc ở trẻ em lứa tuổi đến trường (6-18 tuổi)[sửa]

  1. Tìm dấu hiệu khó khăn khi đọc. Chứng khó đọc ở trẻ em và thiếu niên thường được phát hiện lần đầu khi họ không theo kịp các bạn cùng lớp trong giờ học đọc hay có kỹ năng đọc kém hơn bạn cùng độ tuổi. Đây là dấu hiệu chính để phát hiện chứng khó đọc.[10] Các vấn đề về kỹ năng đọc bao gồm:[9]
    • Chậm học mối liên hệ giữa các ký tự và cách phát âm tương ứng.[2]
    • Hay nhầm lẫn giữa các từ ngắn như “cô” và “tô” hoặc “cơm” và “tơm”.
    • Liên tục mắc lỗi khi đọc, đánh vần và viết, thậm chí sau khi được sửa lỗi sai.[6] Các lỗi phổ biến bao gồm đọc sót chữ (“đắng” – “đắn”), sót từ (“cái ca”– “cái”), đọc thêm chữ cái (“cái ca”– “cái can”), đọc thêm từ (“cái” – “cái ca”), đọc chệch từ (“quả cam”– “quả com”), đọc thế chữ cái (“con” – “chon”), đọc đảo lộn chữ cái (“con” – “non”).[11]
    • Cần phải đọc đi đọc lại một đoạn văn để hiểu được nội dung.[10][11]
    • Khó hiểu các khái niệm mà lẽ ra lứa tuổi đó phải hiểu.[10]
    • Không biết dự đoán điều gì sẽ xảy ra tiếp theo trong một câu chuyện hay chuỗi sự kiện.[12]
  2. Tìm các vấn đề ở kỹ năng nghe và nói. Nguyên nhân gốc rễ của chứng khó đọc là do có vấn đề trong quá trình xử lý âm vị , khả năng nhìn và nghe từ, phân chia từ thành âm riêng rẽ và sau đó kết hợp từng âm với ký tự để tạo thành từ hoàn chỉnh.[13] Mặc dù điều này đặc biệt gây khó khăn cho kỹ năng đọc nhưng nó cũng tác động đến khả năng nghe, nói rõ ràng và chính xác.[9] Các dấu hiệu bao gồm:
    • Khó hiểu những hướng dẫn nhanh hoặc không thể nhớ lại chuỗi mệnh lệnh.
    • Khó nhớ đã nghe điều gì.
    • Khó khăn khi chuyển suy nghĩ thành lời nói.[11] Trẻ thường nói chuyện một cách ngập ngừng và bỏ dở câu nói không hoàn chỉnh.[11]
    • Nói lộn xộn: sử dụng sai từ hoặc từ tương tự cho ý định mình muốn nói.
    • Khó tạo ra hay hiểu được vần điệu.[14]
  3. Tìm những triệu chứng về thể chất. Vì chứng khó đọc cũng gây ra vấn đề về tổ chức không gian nên trẻ mắc tật khó đọc cũng gặp khó khăn với kỹ năng vận động. Dấu hiệu phổ biến cho thấy kỹ năng vận động có vấn đề là:[11]
    • Khó khăn khi viết hoặc sao chép bài. Chữ viết khó đọc.
    • Thường xuyên nhầm lẫn giữa bên trái và bên phải, trên và dưới.
  4. Tìm dấu hiệu về cảm xúc hoặc hành vi. Trẻ em bị khó đọc thường rất nỗ lực ở trường học, đặc biệt khi chúng thấy các bạn có thể đọc và viết tương đối dễ dàng. Kết quả là các bé thường cảm thấy mình kém thông minh hoặc giống như đã thất bại.[15] Có một số dấu hiệu về cảm xúc và hành vi cho thấy con bạn đang mắc chứng khó đọc nhưng không được chẩn đoán và điều trị:
    • Thể hiện lòng tự trọng thấp.[10][2]
    • Thu mình hoặc trầm cảm, không hứng thú với việc giao lưu hay đi cùng nhóm bạn.[15]
    • Cảm thấy lo âu. Một số chuyên gia xem lo âu là triệu chứng về cảm xúc thường biểu hiện nhất ở trẻ em bị khó đọc.[10]
    • Thể hiện bức xúc cực độ, biểu hiện ra ngoài dưới dạng tức giận.[10] Trẻ cũng có thể thực hiện hành vi gây rối như "nghịch ngợm" để lôi kéo sự chú ý khỏi khả năng học tập hạn chế của mình.[9]
    • Gặp khó khăn khi cố gắng tập trung và dường như "dễ xúc động" hoặc "mơ màng".[11]
  5. Chú ý dấu hiệu lảng tránh. Trẻ em và thanh niên mới lớn mắc chứng khó đọc thường cố ý lảng tránh các tình huống mà họ buộc phải đọc, viết hay nói chuyện trước đám đông các bạn, giáo viên và phụ huynh. Đặc biệt đối với trẻ em lớn vì chúng thường sử dụng chiến lược lảng tránh này. Lối sống bừa bộn hoặc thậm chí lười nhác có thể là cách để tránh những khó khăn liên quan đến chứng khó đọc.[16]
    • Trẻ em và thanh niên mới lớn có thể giả vờ ốm để tránh phải đọc hay nói chuyện trước đám đông vì sợ xấu hổ.
    • Họ cũng thường lưỡng lự làm các bài bập đọc và viết chừng nào còn trì hoãn được vì không muốn phải cố gắng.
  6. Trao đổi với giáo viên và bác sĩ của trẻ. Nếu cho rằng con mình mắc chứng khó đọc dựa trên các dấu hiệu vừa nói, bạn phải làm việc với những người cũng đang đầu tư vào con bạn như giáo viên và bác sĩ của bé. Họ sẽ hướng dẫn bạn đến một chuyên gia tâm lý thích hợp để bé được chẩn đoán chính thức. Chẩn đoán sớm đóng vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ đối phó với chứng khó đọc.
    • Đối với trẻ em bị khó đọc, nếu không đáp ứng các nhu cầu cần thiết của chúng, hậu quả khủng khiếp có thể xảy ra sau này.[1] Nghiên cứu cho thấy hơn một phần ba số học sinh mắc chứng khó đọc đã bỏ học khi lên đến phổ thông, chiếm hơn một phần tư số học sinh phổ thông bỏ học.[10]
    • Không một bài kiểm tra đơn lẻ nào chẩn đoán được chứng khó đọc. Nhóm bài kiểm tra tiêu chuẩn bao gồm 16 bài đánh giá riêng biệt, nhằm xem xét mọi khía cạnh của quá trình đọc để phát hiện khó khăn xảy ra ở giai đoạn nào, so sánh trình độ đọc với khả năng đọc tiềm tàng dựa trên trí thông minh, và kiểm tra xem học sinh tiếp thu và sản sinh thông tin bằng cách nào là dễ dàng nhất (nghe, nhìn hay bằng động tác).[17]
    • Các bài kiểm tra thường được xây dựng để thực hiện tại trường học, nhưng nếu đang sống tại Mỹ thì bạn có thể tìm một danh sách các trung tâm và chuyên gia về chứng khó đọc tại đây.

Nhận biết người lớn mắc chứng khó đọc[sửa]

  1. Tìm các vấn đề liên quan đến đọc và viết. Người lớn đã bị khó đọc trong thời gian dài thường phải vật lộn với các vấn đề tương tự với trẻ em. Dấu hiệu phổ biến cho thấy khó khăn khi đọc và viết ở người lớn bao gồm:[16]
    • Đọc chậm và sai nhiều từ.
    • Đánh vần kém. Người bị khó đọc thường đánh vần một từ theo nhiều cách khác nhau.
    • Sử dụng từ vựng không phù hợp.
    • Khó khăn khi tổ chức và lên kế hoạch, bao gồm việc sắp xếp và tổng hợp thông tin.
    • Kỹ năng ghi nhớ kém và gặp vấn đề về lưu trữ thông tin sau khi đọc.
  2. Chú ý các chiến lược đối phó. Nhiều người phải tìm và xây dựng một số chiến lược đối phó nhằm bù cho tật khó đọc.[3][18] Các chiến lược bao gồm:[16]
    • Tránh đọc và viết.
    • Phụ thuộc vào người khác khi muốn đánh vần.
    • Lưỡng lự đối với các công việc đọc và viết.
    • Lệ thuộc vào trí nhớ để khỏi phải đọc.
  3. Chú ý một số kỹ năng trên mức bình thường. Mặc dù người mắc tật này gặp khó khăn khi đọc nhưng đó không phải là dấu hiệu của trí thông minh kém.[19] Thật ra họ thường có những kỹ năng vượt trội, có trực giác tốt và khả năng đọc suy nghĩ của người khác chính xác. Họ có khuynh hướng sở hữu kỹ năng tư duy không gian tốt và có thể làm việc trong những lĩnh vực đòi hỏi kiến thức về kỹ thuật và kiến trúc.[16]
  4. Kiểm tra chẩn đoán. Một khi được xác định là mắc chứng khó đọc, người lớn có thể học một số chiến thuật sao cho đọc và viết hiệu quả hơn, như vậy lòng tự trọng ở họ cũng sẽ tăng lên.[2][1] Nhờ bác sĩ giới thiệu một chuyên gia (thường là nhà tâm lý học) để tiến hành các bài kiểm tra phù hợp.

Lời khuyên[sửa]

  • Nhiều người mắc chứng khó đọc đã có cuộc sống rất viên mãn trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Thomas Edison, Albert Einstein, George Washington, Charles Schwab, Andrew Jackson và Alexander Graham Bell là những người đứng đầu danh sách các chính trị gia, doanh nhân, lãnh đạo quân đội và nhà khoa học mắc tật khó đọc, họ đã vươn lên và đóng góp rất lớn cho thế giới. Ngoài ra còn có Steven Spielberg, Orlando Bloom, Jay Leno, Tommy Hilfiger, Leonardo da Vinci và Ansel Adams cũng là những diễn viên, nghệ sĩ và nhà thiết kế mắc tật này.[20]
  • Nếu bạn hay người thân bị khó đọc thì không nên lo lắng vì đã có cách điều trị và tương lai rộng mở phía trước.

Cảnh báo[sửa]

  • Có rất nhiều nhận thức sai lầm về chứng khó đọc và người mắc tật này. Ví dụ, tật khó đọc không liên quan gì đến trí thông minh, và vấn đề khó khăn khi đọc không phản ánh sự thiếu thông minh hay kém nỗ lực trong học tập. Nghiên cứu cho thấy cả trẻ em có chỉ số IQ cao lẫn thấp đều phải vật lộn với việc phối hợp âm vị - là quá trình phân tách từ thành các âm riêng rẽ và ngược lại, nghĩa là kết hợp các âm để viết hay nói một từ hoàn chỉnh.[14] Vì vậy quan trọng là bạn phải hiểu về chứng khó đọc trước khi cố gắng xác định liệu bạn hay người mình quen có bị khó đọc hay không.
  • Nhận diện chứng khó đọc không đơn giản vì triệu chứng và mức độ khuyết tật thể hiện không giống nhau ở mỗi người.[10] Ngoài ra sự xuất hiện của các khiếm khuyết khác có thể làm phức tạp vấn đề, ranh giới giữa chúng trở nên mờ nhạt và/hoặc nguyên nhân và tác động của những khiếm khuyết này cũng dễ gây nhầm lẫn.[3]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 1,2 1,3 http://www.thelearningsolutionswf.com/misconceptions.aspx
  2. 2,0 2,1 2,2 2,3 2,4 2,5 2,6 2,7 2,8 2,9 http://www.med.umich.edu/yourchild/topics/dyslexia.htm
  3. 3,0 3,1 3,2 3,3 Annual Research Review: The Nature and Classification of Reading Disorders--A Commentary on Proposals for DSM-5 (Margaret J Snowling & Charles Hulme) in Journal of Child Psychology and Psychiatry 53(5), May 2012, pp. 593-607.
  4. http://eida.org/definition-of-dyslexia/
  5. http://www.nhs.uk/Conditions/Dyslexia/Pages/Symptoms.aspx
  6. 6,0 6,1 6,2 6,3 6,4 http://www.webmd.com/children/tc/dyslexia-symptoms
  7. http://www.ninds.nih.gov/disorders/dyslexia/dyslexia.htm
  8. http://www.adhd.com.au/Visual_Processing_Disorders.htm
  9. 9,0 9,1 9,2 9,3 9,4 http://www.medicinenet.com/dyslexia/page2.htm#what_are_the_signs_and_symptoms_of_dyslexia
  10. 10,0 10,1 10,2 10,3 10,4 10,5 10,6 10,7 Dyslexia: Its Impact of the Individual, Parents and Society (Lamk Al-Lamki) in Sultan Qaboos University Medical Journal 12(3), August 2012, pp. 269-272.
  11. 11,0 11,1 11,2 11,3 11,4 11,5 http://www.dyslexia.com/library/symptoms.htm
  12. http://www.dyslexiavictoriaonline.com/inofdy.html#.VVzNXOcZfBI
  13. http://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/j.1467-9817.1995.tb00079.x/abstract
  14. 14,0 14,1 http://www.nih.gov/news/health/nov2011/nichd-03.htm
  15. 15,0 15,1 http://www.ldonline.org/article/19296/
  16. 16,0 16,1 16,2 16,3 http://www.webmd.com/children/tc/dyslexia-symptoms?page=2
  17. http://www.medicinenet.com/dyslexia/page4.htm
  18. A New Self-Report Inventory of Dyslexia For Students: Criterion and Construct Validity (P. Tamboer, H.S. Vorst) in Dyslexia 21(1), February 2015, pp. 1-34.
  19. http://www.yalescientific.org/2011/04/the-paradox-of-dyslexia-slow-reading-fast-thinking/
  20. http://www.dyslexia.com/famous.htm