Phát hiện viêm ruột thừa khi mang thai

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Viêm ruột thừa là tình trạng đòi hỏi phải phẫu thuật phổ biến nhất trong thai kỳ.[1] Căn bệnh này xảy ra trong 1/1000 trường hợp mang thai. Thông thường phụ nữ mang thai bị viêm ruột thừa ở hai giai đoạn đầu của thai kỳ; tuy nhiên cũng có trường hợp xảy ra ở giai đoạn cuối của thai kỳ. Bạn cần ngay lập tức đến bác sĩ nếu đang mang thai mà nghi ngờ bị viêm ruột thừa.

Các bước[sửa]

Nhận biết các triệu chứng viêm ruột thừa[sửa]

  1. Biết về các triệu chứng viêm ruột thừa.[2] Các triệu chứng này bao gồm:
    • cơn đau bụng thường bắt đầu từ vùng gần rốn, dần dần chuyển sang bên phải trong vài giờ sau (đây là dấu hiệu đáng ngờ nhất của bệnh viêm ruột thừa)
    • buồn nôn và/hoặc nôn (không giống hiện tượng nôn có liên quan đến thai nghén mà bạn từng trải qua)
    • sốt
    • không muốn ăn. [3]
  2. Theo dõi mọi dấu hiệu đau. Đau là dấu hiệu rõ rệt nhất của bệnh viêm ruột thừa. Cơn đau bắt đầu âm ỉ từ vùng rốn, sau đó vài giờ chuyển sang bên phải và đau dữ dội hơn.[2]
    • Cơn đau viêm ruột thừa “điển hình” khu trú ở vị trí hai phần ba khoảng cách từ rốn đến xương hông (điểm này còn gọi là dấu McBurney).[4]
    • Nếu nằm nghiêng bên phải khi bị viêm ruột thừa, bạn sẽ cảm thấy cơn đau tăng thêm. Bạn cũng có thể thấy đau khi đứng hoặc chuyển động.
    • Một số thai phụ cảm thấy đau khi đứng, do dây chằng tròn bị giãn quá mức (hiện tượng có thể xảy ra trong thai kỳ). Tuy nhiên kiểu đau này sẽ nhanh chóng biến mất. Trái lại, cơn đau viêm ruột thừa không biến mất, đó là dấu hiệu giúp bạn phân biệt giữa hai hiện tượng.
  3. Lưu ý rằng cơn đau có thể ở vị trí cao hơn nếu bạn đang ở giai đoạn thứ ba của thai kỳ. Phụ nữ mang thai từ 28 tuần trở lên sẽ cảm thấy đau ở ngay dưới sườn phải. Đó là do khi thai nhi lớn lên trong tử cung, ruột thừa bị di chuyển sang chỗ khác. Thay vì nằm ở đoạn giữa rốn và xương hông bên phải (ở điểm McBurney), ruột thừa di chuyển lên trên và bị đẩy vào vị trí ngay dưới khung xương sườn bên phải.[2]
  4. Chú ý nếu sau cơn đau là hiện tượng nôn và buồn nôn. Có lẽ bạn cũng biết rằng chứng nôn thường xảy ra khi mang thai. Tuy nhiên trong trường hợp viêm ruột thừa, cơn đau xảy ra trước, sau đó là nôn (hoặc hiện tượng buồn nôn và nôn nặng hơn so với trước kia).[5]
    • Hơn nữa, nếu bạn đang ở giai đoạn sau của thai kỳ (khi giai đoạn nôn đã qua), hiện tượng nôn và buồn nôn có nhiều khả năng là dấu hiệu của vấn đề khác, ví dụ như viêm ruột thừa.[2]
  5. Lưu ý nếu bạn đột ngột bị sốt. Viêm ruột thừa thường kèm theo sốt nhẹ. Chỉ riêng hiện tượng sốt nhẹ không phải là dấu hiệu cảnh báo. Tuy nhiên, sự kết hợp các hiện tượng sốt, đau và nôn là điều đáng lo ngại. Bạn nên đến bác sĩ nếu cả ba triệu chứng trên xuất hiện cùng một lúc.[6]
  6. Theo dõi hiện tượng đổ mồ hôi, nhợt nhạt hoặc không muốn ăn. Da nhợt nhạt và đổ mồ hôi có thể là do sốt và buồn nôn khi ruột thừa bị viêm. Bạn cũng có thể mất cảm giác ngon miệng – điều này xảy ra ở mọi trường hợp viêm ruột thừa, dù mang thai hay không.

Chuẩn bị cho việc khám lâm sàng[sửa]

  1. Giữ bình tĩnh và chuẩn bị đến bác sĩ. Việc đi khám bệnh, nhất là trong những trường hợp căng thẳng như thế này có thể khiến bạn lo âu và hồi hộp. Do đó tốt nhất là bạn nên biết quá trình thăm khám mà bạn có thể sẽ trải qua. Việc thăm khám được mô tả trong các bước sau.
    • Tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ ở phòng cấp cứu. Viêm ruột thừa phải được xử lý khẩn cấp, do đó bạn nên đến bệnh viện, nơi có đủ điều kiện xét nghiệm nhanh chóng.
  2. Không uống thuốc giảm đau trước khi đến bác sĩ. Hiện tượng đau là một trong số ít những dấu hiệu để bác sĩ chẩn đoán viêm ruột thừa ở thai phụ, do đó việc uống thuốc giảm đau có thể gây bất lợi.
  3. Không ăn, uống hoặc dùng thuốc nhuận tràng trước khi đến bác sĩ. Khi bị viêm ruột thừa, hầu như mọi người đều đến phòng cấp cứu, do đó bạn sẽ không phải chờ lâu.
    • Việc nhịn ăn uống là quan trọng vì một số kỹ thuật thăm khám của bác sĩ đòi hỏi dạ dày rỗng. Hơn nữa việc nhịn ăn cũng giúp làm nhẹ đường tiêu hóa và giảm nguy cơ vỡ ruột thừa nếu thực sự bạn bị viêm ruột thừa.
  4. Biết rằng bác sĩ sẽ sờ xung quanh bụng để kiểm tra tình trạng đau. Bác sĩ có thể thực hiện nhiều kỹ thuật thăm khám để xác định nguyên nhân đau bụng và liệu có phải viêm ruột thừa hay không. Các kỹ thuật này có thể bao gồm ấn xung quanh bụng để đoán ra các vùng đau, gõ và thử hiện tượng “nhạy cảm dội ngược”(đau khi bác sĩ thôi ấn).[5]
    • Cuộc thăm khám có vẻ rườm rà và mất thời gian, nhưng bạn cần biết rằng các thao tác đó là cần thiết để bác sĩ đoán được chính xác điều gì đang xảy ra.
  5. Sẵn sàng cho thao tác xoay hông. Thao tác này để tìm “dấu hiệu cơ bịt” là hiện tượng đau xuất hiện khi xương hông bị xoay. Bác sĩ sẽ giữ đầu gối và mắt cá bên phải, sau đó gập hông và đầu gối trong khi xoay chân của bạn vào trong và ra ngoài. Chú ý bất cứ dấu hiệu đau nào ở vị trí một phần tư bụng dưới bên phải. Báo với bác sĩ nếu bạn thấy đau ở vùng này vì đó có thể là do cơ bịt bị kích thích, một dấu hiệu của bệnh viêm ruột thừa.[6]
  6. Chuẩn bị cho thao tác kéo duỗi chân. Bạn có thể được yêu cầu nằm nghiêng, trong khi đó bác sĩ kéo giãn chân bạn và hỏi xem bạn có đau không. Động tác này còn gọi là “test cơ thắt lưng”, và nếu cơn đau tăng thì đó có thể là dấu hiệu khác của bệnh viêm ruột thừa.[2]
  7. Săn sàng cho việc thăm khám trực tràng. Mặc dù việc thăm khám trực tràng không liên quan trực tiếp đến việc chẩn đoán bệnh viêm ruột thừa, nhưng nhiều bác sĩ thực hiện việc thăm khám này để loại trừ các tình trạng khác có thể xảy ra. Do đó bạn không nên ngạc nhiên khi bác sĩ thăm khám trực tràng.[2]

Sử dụng các xét nghiệm y khoa để xác nhận chẩn đoán[sửa]

  1. Chuẩn bị lấy máu xét nghiệm. Số lượng bạch cầu thường gia tăng trong trường hợp viêm ruột thừa. Tuy nhiên xét nghiệm này thường ít hiệu quả trong trường hợp mang thai do số lượng bạch cầu đã tăng sẵn trong suốt thai kỳ, vì vậy hiện tượng này không hẳn là dấu hiệu của bệnh viêm ruột thừa.[3]
  2. Hỏi bác sĩ về phương pháp siêu âm. Siêu âm là một “tiêu chuẩn vàng” (được khuyến nghị sử dụng nhiều nhất) trong việc chẩn đoán viêm ruột thừa ở phụ nữ mang thai.[1] Kỹ thuật này dùng âm dội của sóng âm để tạo ra hình ảnh giúp bác sĩ xác định bạn có bị viêm ruột thừa hay không.[7]
    • Thông thường những bệnh nhân đến phòng cấp cứu vì nghi ngờ viêm ruột thừa thường được chụp cắt lớp vi tinh (CT scan). Tuy nhiên hầu hết bác sĩ đều chọn siêu âm để chẩn đoán cho thai phụ vì kỹ thuật này không tổn hại cho thai nhi.[8]
    • Phương pháp siêu âm thường phát hiện thành công hầu hết các trường hợp viêm ruột thừa.[1]
  3. Chuẩn bị cho những xét nghiệm hình ảnh khác. Sau tuần thứ 35 của thai kỳ, mọi test hình ảnh sẽ phức tạp do sự phát triển của bào thai khiến cho việc quan sát ruột thừa trở nên khó khăn.[2]
    • Trong trường hợp này, bác sĩ có thể đề nghị chụp CT hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) để quan sát rõ hơn hiện tượng viêm ruột thừa nếu có.[2]

Lời khuyên[sửa]

  • Mọi hiện tượng đau hoặc sốt bất thường trong suốt thai kỳ cần được thăm khám, hoặc ít nhất là trao đổi với bác sĩ. Hầu hết các phòng khám sản khoa đều có bác sĩ hoặc nữ hộ sinh trực 24/7 để trả lời các câu hỏi như vậy.
  • Theo dõi các triệu chứng trong một thời gian, vì dấu hiệu đáng ngờ nhất của bệnh viêm ruột thừa là cơn đau bắt đầu từ vùng rốn và dần dần di chuyển về bên phải.[3]
  • Giữ bình tĩnh và đi cùng người thân để bạn bớt lo âu trong khi chờ được khám.

Cảnh báo[sửa]

  • Việc chẩn đoán viêm ruột thừa ở thai phụ có thể phức tạp, vì cơn đau không ở vị trí thông thường.
  • Nếu bạn bị vỡ ruột thừa trong giai đoạn thứ 3 của thai kỳ, có thể bác sĩ sẽ cho bạn sinh mổ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con. Em bé đến thời điểm này đã đủ lớn để chào đời và sống ở thế giới bên ngoài.
  • Đến phòng cấp cứu ngay khi bạn cảm thấy cơn đau buốt nhói và không bớt. Cách tốt nhất vẫn là hỏi bác sĩ có kinh nghiệm để biết chuyện gì đang xảy ra.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 1,2 http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/10535336
  2. 2,0 2,1 2,2 2,3 2,4 2,5 2,6 2,7 http://emedicine.medscape.com/article/773895-clinical#b1
  3. 3,0 3,1 3,2 http://www.uptodate.com/contents/acute-appendicitis-in-pregnancy
  4. Kumar, P., & Clark, M. (2009). Kumar & Clark's Clinical Medicine 7th Edition. Philadelphia: Elsevier Limited.
  5. 5,0 5,1 D.C. Dutta’s Textbook of Obstetrics, 7th edition. Jaypee publishers. India
  6. 6,0 6,1 Sabaratnam Arulkumaran , Essentials of Obstetrics, 2nd edition. Jaypee publishers. India
  7. http://radiology.ucsf.edu/patient-care/patient-safety/ct-mri-pregnancy/appendicitis
  8. Schwartz ‘s, Principles of Surgery, 9th edition. Mc graw hill. New-york