Phòng ngừa và ứng phó với bệnh cúm H1N1 (cúm lợn)

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bệnh cúm H1N1, thường gọi là "cúm lợn", được phát hiện ở Mỹ vào tháng tư năm 2009. Đến tháng sáu năm 2009, tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố dịch H1N1 đang lưu hành. Virus H1N1 vốn được cho là xuất phát từ lợn, tuy nhiên chúng ta cũng biết rằng virus này có các mối liên hệ về gen không chỉ với virus cúm ở lợn mà còn với virus cúm ở chim và người.[1] Bệnh cúm lợn chỉ xảy ra một lần trong thế kỷ 20 (năm 1918), và từ đó đến nay chỉ xuất hiện một lần trong thế kỷ 21 (năm 2009 -2010). Đợt dịch tiếp theo có thể xảy ra với bất cứ chủng virus cúm nào, do đó việc tập trung cụ thể vào các biện pháp phòng ngừa và chuẩn bị ứng phó với cúm H1N1 được coi là quá sớm để đảm bảo dịch bệnh không xảy ra lần nữa trong thế kỷ này. Tuy nhiên có nhiều khuyến nghị về việc tiêm phòng, giữ gìn sức khỏe và vệ sinh tốt có thể áp dụng để chống lại bất cứ bệnh cúm mùa nào.

Các bước[sửa]

Duy trì sức khỏe tốt[sửa]

  1. Nghỉ ngơi đầy đủ. Để duy trì một thể trạng sung mãn nhất, bạn nên đảm bảo ngủ đủ giấc. Thời gian và chất lượng của giấc ngủ thực sự gắn liền với sức khỏe tinh thần và thể chất của chúng ta. Giấc ngủ đem lại hiệu quả phục hồi cần thiết cho cơ thể, và thực tế cho thấy việc thiếu ngủ có liên quan tới tình trạng suy giảm chức năng miễn dịch. Trong giai đoạn thứ ba của chu kỳ giấc ngủ, các tế bào lymphocyte T và B tự nhiên của cơ thể (một dạng tế bào bạch cầu) sản xuất ra “cytokine”, các hóa chất nhằm tiêu diệt virus và vi khuẩn.[2][3]
    • Nghiên cứu cho thấy tốt nhất là nên ngủ từ bảy đến tám tiếng liên tục mỗi đêm. Những người ngủ ít hoặc nhiều hơn thời gian này có rủi ro mắc bệnh cao hơn hoặc có thể ở trong tình trạng sức khỏe bất lợi.[4]
  2. Tập thể dục. Các chuyên gia y tế và các nhà nghiên cứu khuyến nghị tập các bài tập aerobic (bài tập làm tăng nhịp tim và giúp đổ mồ hôi) ít nhất 3 lần mỗi tuần với thời gian 30 phút mỗi lần tập. Aerobic nghĩa là tập luyện nhằm đạt được chỉ tiêu nhịp tim trong thời gian tập. Một số bài tập aerobic tốt và thú vị nhất là chạy, đạp xe, và bơi lội.[5]
    • Để tính chỉ tiêu nhịp tim cho bài tập aerobic, bạn hãy lấy 220 trừ đi số tuổi của bạn, sau đó nhân với 0,7.[6] Ví dụ, nếu bạn 20 tuổi, chỉ tiêu nhịp tim của bạn sẽ là 140. Trong khi tập, bạn có thể kiểm tra bằng cách đặt ngón tay trỏ và ngón giữa lên hõm cổ, sờ vào động mạch cảnh và đếm số nhịp đập trong một phút.
    • Chọn một bài tập mà bạn yêu thích. Khi cảm thấy hứng thú, bạn sẽ có nhiều khả năng tiếp tục duy trì chế độ tập luyện hơn.
  3. Ăn đầy đủ. Càng ngày người ta càng phát hiện ra giá trị của các dưỡng chất thực vật trong việc phòng ngừa bệnh tật, từ việc ngăn chặn các gốc tự do làm tổn thương tế bào đến việc nâng cao hệ miễn dịch thông qua các cơ chế miễn dịch và việc sản xuất cytokine giúp đẩy lùi sự xâm nhập của virus và vi khuẩn. Mỗi ngày nên ăn ba bữa với thực đơn cân bằng, bao gồm nhiều hoa quả và rau, tinh bột dạng phức và đạm. Bạn có thể xem hướng dẫn tại Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ để đảm bảo nạp đủ các vitamin, dưỡng chất và khoáng chất thiết yếu mà cơ thể và trí não cần để duy trì sức khỏe và sự tỉnh táo, đồng thời giúp củng cố hệ miễn dịch. Chế độ ăn giàu hoa quả và rau tươi chứa vitamin A, vitamin C và kẽm được cho là giúp chống các bệnh nhiễm virus như bệnh cúm.[3]
    • Ăn bữa sáng lành mạnh. Thực ra bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày, do đó bạn hãy dành thời gian chuẩn bị bữa sáng với các loại tinh bột tốt cho sức khỏe như bột yến mạch, chất đạm như gà tây hoặc thịt nạc, cộng thêm một khẩu phần hoa quả và rau.
    • Dành thời gian cho các bữa ăn nhẹ lành mạnh để giúp duy trì năng lượng ở mức cao trong cả ngày. Đem theo mình các món ăn nhẹ như táo, chuối hoặc một gói hạnh nhân. Tránh các món ăn vặt khiến bạn cảm thấy không vui và uể oải như các món có đường hoặc nước soda.
    • Hạn chế caffeine và đường. Caffeine và đường có thể giúp bạn hưng phấn tạm trời, nhưng sau đó lại khiến mức năng lượng và tâm trạng của bạn sụt xuống rất nhanh.
  4. Duy trì cơ thể ở mức cân nặng khỏe mạnh. Béo phì là một yếu số nguy cơ lây nhiễm virus H1N1.[7][8] Việc một người có bị béo phì hay không được xác định bằng chỉ số khối cơ thể (BMI), con số chỉ lượng mỡ trong cơ thể. BMI của một người là số cân nặng của người đó tính theo kilogram (kg) chia cho bình phương chiều cao tính theo mét (m). Chỉ số BMI từ 25 – 29,9 được coi là thừa cân, và BMI vượt quá 30 được coi là béo phì.[9]
    • Để giảm cân, bạn cần giảm lượng calorie nạp vào và tăng khối lượng bài tập. Đây là cách tốt nhất để giảm cân. Đảm bảo tham khảo bác sĩ và có thể cả chuyên gia dinh dưỡng trước khi bắt đầu bất cứ chương trình giảm cân hoặc ăn kiêng và tập luyện nào.
    • Bạn cũng nên có kế hoạch tính toán lượng khẩu phần ăn, ăn chậm và ngừng ăn khi đã no.
    • Lưu ý rằng nếu bạn đã áp dụng chế độ ăn lành mạnh và tập thể dục nhưng vẫn lên cân, có lẽ tốt hơn là bạn nên đi khám sức khỏe để loại trừ tình trạng bất thường về nội tiết ảnh hưởng đến sự trao đổi chất trong cơ thể.
  5. Uống thực phẩm bổ sung. Cân nhắc uống một số thực phẩm bổ sung vitamin và khoáng chất để nâng cao hệ miễn dịch, đặc biệt trong mùa đông là thời gian cao điểm của bệnh cúm mùa. Các lựa chọn tốt bao gồm:
    • Vitamin D - Vitamin D giữ vai trò quan trọng trong chức năng miễn dịch. Uống vitamin D với liều lượng là 2.000 mg mỗi ngày. Điều này đặc biệt cần thiết đối với những người sống ở vùng lạnh, nơi có những ngày tuyết giá và âm u khiến họ không nhận đủ vitamin D từ ánh nắng mặt trời.
    • Vitamin C - Vitamin C đã được chứng minh là đóng vai trò then chốt trong khả năng chống lây nhiễm của cơ thể. Các nguồn vitamin C từ thực phẩm như hoa quả và rau củ là lý tưởng nhất, tuy rằng một số vùng khó tìm được các sản phẩm tươi trong mùa đông. Bạn có thể uống thực phẩm bổ sung với liều dùng 1.000 mg mỗi ngày; đây là liều lượng thấp nhất được khuyến nghị. Nếu cảm thấy như sắp bị cảm cúm, bạn hãy lưu ý rằng nghiên cứu đã cho thấy 2.000 mg vitamin C mỗi ngày không những giúp giảm thời gian bệnh mà còn giảm nhẹ các triệu chứng.[10]
    • Kẽm - Kẽm là một nguyên tố vi lượng thiết yếu có tác dụng hỗ trợ cơ thể chống lại tình trạng lây nhiễm. Trong một nghiên cứu đã được tiến hành, kẽm được bổ sung vào chế độ ăn của nhóm đối tượng nghiên cứu, và kết quả là tỷ lệ viêm phổi giảm xuống đáng kể.[11] Bạn có thể khó thu nạp kẽm từ nguồn thực phẩm, tuy nhiên có một số thức ăn cung cấp kẽm như hàu, tôm hùm, thịt bò, phôi lúa mì, cải bó xôi và hạt điều. Ngoài ra, bạn có thể cân nhắc uống thực phẩm bổ sung kẽm với liều dùng 50 mg mỗi ngày để giúp duy trì sức khỏe và chống bệnh tật. Khi bị bệnh, bạn có thể uống liều cao hơn, khoảng 150 đến 175 mg.
    • Đảm bảo nhờ bác sĩ tư vấn trước khi dùng thực phẩm bổ sung, vì đôi khi chúng có thể tương tác với các loại thuốc khác.
  6. Giữ gìn vệ sinh tốt. Khi hắt xì, bạn cần che khăn giấy trước miệng và vứt đi ngay sau khi hắt xì hoặc xì mũi. Nếu không có sẵn khăn giấy, bạn có thể hắt xì vào khuỷu tay, tránh hắt xì vào bàn tay do nguy cơ lây lan vi trùng. Nguyên tắc chung là tránh chạm vào mắt, mũi và miệng; điều này sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan của vi trùng.[12]
    • Thường xuyên rửa tay, nhất là sau khi xì mũi hoặc hắt xì, trước khi ăn và khi ra ngoài (ví dụ như khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng, chạm vào tay nắm cửa, v.v…). Dùng dung dịch sát trùng khi có thể hoặc chỉ cần dùng xà phòng và nước.
    • Không dùng chung vật dụng và ly uống nước. Điều này có thể góp phần làm bệnh lây lan, nhất là khi người kia đang bị bệnh.

Ngăn ngừa cúm lợn trong mùa cúm[sửa]

  1. Tiêm phòng bệnh. Chiến lược tiêm phòng cụ thể khá hạn chế vì Trung tâm Kiểm soát Bệnh (CDC) không thể dự báo quá 6 tháng trước mùa cúm (từ tháng mười đến tháng tư hoặc tháng năm) về chủng cúm mùa sẽ lưu hành tiếp theo. Tuy nhiên CDC có khuyến cáo nên tiêm phòng như một biện pháp ngăn ngừa trước trong mùa cúm. CDC khuyên tất cả mọi người trên 6 tháng tuổi đi tiêm phòng. Người trên 65 tuổi, người bị bệnh kinh niên, phụ nữ mang thai và người béo phì là những đối tượng có nguy cơ cao nhất mắc bệnh cúm và xảy ra biến chứng.[13][12]
    • H1N1 là một trong những chủng virus có vắc-xin tiêm phòng.
    • Trước đây bạn đã từng được tiêm phòng cúm lợn hay không là không quan trọng. Bạn cần phải tiêm phòng hàng năm. Virus biến đổi rất nhanh, do đó tuy miễn dịch với chủng virus năm ngoái, bạn vẫn không miễn dịch với chủng virus đã biến đổi năm nay.
  2. Tăng cường giữ vệ sinh hơn. Bệnh cúm lây lan qua “các giọt hô hấp” hoặc tiếp xúc với dịch tiết hô hấp của người bệnh. Điều này có nghĩa là khi một người nhiễm bệnh ho hoặc hắt xì, dịch tiết đó sẽ tiếp xúc với những người khác. Virus H1N1 không xâm nhập qua da, nhưng chúng ta thường xuyên chạm vào mũi hoặc miệng, do đó có thể bị lây nhiễm. Tăng cường rửa tay trong mùa cúm. Rửa thường xuyên bằng xà phòng và nước, nhất là sau khi tiếp xúc với những người khác ở nơi công cộng. Rửa tay ngay sau khi gặp một người bị cúm.[13]
    • Tránh bị lây hoặc lây cho người khác bằng cách hạn chế chạm vào tay nhau hoặc các hình thức tiếp xúc khác có thể lây truyền vi trùng (ho vào không khí hoặc tình cờ vào người khác, dùng chung vật dụng hoặc ly uống nước, v.v…)
    • Bạn cũng có thể dùng nước rửa tay gốc cồn để rửa tay sau khi chạm vào cửa ra vào, xe đẩy mua hàng, trao đổi tiền, hoặc ở các tình huống khác mà các đồ vật hoặc không gian bị lây nhiễm bởi dịch tiết. Các nghiên cứu đã chứng minh dung dịch rửa tay có hiệu quả giúp giảm lây lan H1N1.[14]
  3. Cân nhắc đeo khẩu trang. Khẩu trang và mặt nạ có thể giúp ngăn chặn một phần tình trạng phơi nhiễm virus cúm. Tuy nhiên, biện pháp đeo khẩu trang nên kèm theo các biện pháp phòng ngừa khác như rửa tay thường xuyên.[15][13]
    • Khẩu trang đặc biệt hữu ích khi bạn đến phòng khám bác sĩ trong mùa cúm để khám bệnh không liên quan đến cảm cúm, nơi có nhiều bệnh nhân ho và hắt xì. Khẩu trang cũng là vật dụng hữu ích nếu bạn đang mắc căn bệnh kinh niên nghiêm trọng khiến hệ miễn dịch suy yếu, ví dụ như bệnh ung thư.
  4. Liên hệ với bác sĩ. Nếu bạn cảm thấy có các triệu chứng của bệnh cúm trong mùa cúm, tốt nhất là bạn nên đến bác sĩ để được điều trị đúng cách trong vòng 48 giờ. Thuốc Relenza hoặc Tamiflu đều có tác dụng giúp giảm thời gian và mức độ nặng của các triệu chứng nếu được sử dụng trong vòng 48 giờ đầu tiên khi các triệu chứng xuất hiện.

Chuẩn bị ứng phó với dịch bệnh[sửa]

  1. Biết các triệu chứng của bệnh cúm lợn ở người. Các triệu chứng của bệnh cúm H1N1 rất giống với các triệu chứng của bệnh cúm thường, bao gồm sốt (trên 37,8°C), ho, đau họng, đau mình, đau đầu, lạnh và yếu mệt. Tiêu chảy và nôn cũng có thể là các triệu chứng của bệnh cúm H1N1. Không có cách nào để biết liệu có phải bạn mắc bệnh cúm lợn hay không, trừ khi mẫu bệnh phẩm được lấy trong vòng bốn hoặc năm ngày đầu mắc bệnh và gửi tới Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (hoặc những cơ quan tương đương).[13]
    • Lưu ý rằng hiện tượng nôn thường xảy ra ở trẻ em, và chỉ 17% số bệnh nhân có biểu hiện tiêu chảy.
  2. Biết về điều có thể xảy ra. Bệnh dịch có thể gây hoảng loạn, do đó điều quan trọng là cần biết thông tin cơ bản về điều có thể xảy ra và cách ứng phó.[13]
    • Vắc-xin đưa ra trong mùa dịch thường có số lượng hạn chế, do đó bạn có thể phải chờ rất lâu mới được tiêm phòng. Đó là lý do tại sao bạn nên đi tiêm phòng sớm nếu có thể, khi vắc-xin đang sẵn có.
    • Con người không có hoặc có rất ít khả năng miễn dịch với dịch cúm H1N1, vì đây là loại virus mới đối với người. Đối với bệnh cúm mùa, con người có một số khả năng miễn dịch được phát triển từ việc phơi nhiễm với các loại virus trước đó.
    • Nếu dịch cúm lây lan nhanh, việc ở trong nhà sẽ giúp làm chậm sự lan truyền của virus vì bạn hạn chế sự phơi nhiễm với nguồn bệnh (và hạn chế người khác bị phơi nhiễm từ bạn, nếu bạn mắc bệnh).[13]
  3. Tích trữ thực phẩm và các vật dụng cần thiết. Bạn cần tích trữ thực phẩm không dễ hỏng, nước đóng chai, các loại thuốc thông thường không kê toa, dụng cụ y tế và các vật dụng cần thiết khác. Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ khuyến cáo nên dự trữ cho hai tuần. Những đồ dự trữ này cũng hữu dụng trong các trường hợp khẩn cấp khác, chẳng hạn như mất điện. Bạn nên mua các dụng cụ y tế cơ bản không kê toa như nhiệt kế, khẩu trang, khăn giấy, xà phòng, dung dịch rửa tay, thuốc giảm sốt và thuốc cảm.[16]
  4. Lên kế hoạch trước. Suy nghĩ, dự tính và lên kế hoạch các hành động sẽ thực hiện nếu xảy ra các trường hợp sau:[16]
    • Trường học tạm nghỉ: Cân nhắc về việc chăm sóc trẻ em. Lên kế hoạch cho các hoạt động học tập và tập thể dục. Chuẩn bị sẵn tài liệu như sách vở. Nếu là học sinh sinh viên, bạn cần lấy các món đồ quý giá như iPod và sách giáo khoa ra khỏi ngăn tủ ở trường. Có lẽ bạn không muốn để lại các món đồ của bạn ở lại đó nếu trường đóng cửa.
    • Bạn hoặc người nhà của bạn mắc bệnh và cần được chăm sóc: Chuẩn bị nghỉ ở nhà ít nhất 10 ngày khi mắc dịch cúm. Nghỉ ở nhà sẽ khiến bạn không lây cho người khác. Đảm bảo những thành viên khác trong nhà cũng phải ở nhà khi bị bệnh. Nếu có người trong nhà bạn bị mắc dịch cúm, bạn cũng cần ở nhà trong thời gian dịch cúm hoành hành, ngay cả khi không bị nhiễm bệnh. Lên kế hoạch chăm sóc cho những người có nhu cầu đặc biệt trong trường hợp các dịch vụ họ vẫn thường sử dụng không hoạt động.
    • Mạng lưới giao thông bị gián đoạn: Suy nghĩ làm cách nào để bớt lệ thuộc vào phương tiện giao thông công cộng trong suốt thời gian dịch bệnh, vì thông thường đó là lúc bạn tiếp xúc nhiều với các bề mặt và những người có khả năng nhiễm bệnh, và do vậy có rủi ro lây nhiễm. Ví dụ như bạn có thể tích trữ thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác để bớt phải đi mua sắm. Cân nhắc dùng phương tiện khác để đi làm nếu có thể.
  5. Nói chuyện với chủ lao động. Hỏi chủ của bạn về công việc sẽ tiếp tục như thế nào trong thời gian dịch bệnh. Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ đưa ra một bản liệt kê cần kiểm tra về kế hoạch làm việc trong thời gian có dịch cúm; hoặc bạn có thể lên một kế hoạch kiểm soát rủi ro, dự tính trước cho khả năng có dịch cúm. Tìm hiểu xem bạn có thể ở nhà và làm việc từ xa không, hoặc liệu chủ lao động có cân nhắc ảo hóa nhân lực không. Dự tính cho việc giảm hoặc mất thu nhập nếu bạn không thể đi làm hoặc nơi bạn làm việc tạm nghỉ. Kiểm tra với chủ lao động hoặc nghiệp đoàn về chính sách nghỉ.
    • Giảm sự phơi nhiễm nơi làm việc bằng cách sử dụng công nghệ ảo hóa. Dùng email, hội thảo qua web và các tài liệu sử dụng Pixetell để duy trì tương tác trong công việc một cách hiệu quả mà không cần phải gặp gỡ quá nhiều người.
  6. Cập nhật thông tin. Xác định các nguồn đáng tin cậy để bạn có được thông tin chính xác. Việc tìm hiểu nhiều thông tin từ các nguồn uy tín là điều rất quan trọng nếu bệnh dịch xảy ra. Thông tin chính xác, kịp thời và đáng tin cậy có tại PandemicFlu.gov và tại trang web về cúm lợn của Tổ chức Y tế Thế giới.
    • Nếu ở Mỹ, bạn có thể tham khảo nguồn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đường dây nóng số 1-800-CDC-INFO (1-800-232-4636). Đường dây này cũng có ở Anh và Tây Ban Nha, 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần. TTY: 1-888-232-6348. Nếu không sống ở Mỹ, bạn hãy kiểm tra xem ở nơi bạn ở có đường dây nóng tương đương không.
    • Tìm thông tin trên các trang web của chính phủ và địa phương. Xem lại các nỗ lực của chính phủ và của các quan chức y tế công cộng và ứng phó khẩn cấp.
    • Nghe đài quốc gia và địa phương, xem tường thuật tin tức trên ti vi, đọc báo và các nguồn tin khác trên mạng.
  7. Biết khi nào cần tìm sự chăm sóc y tế. Không đến bệnh viện hoặc phòng khám bác sĩ, bằng không bạn có thể lây bệnh cho những người khác. Bạn cần gọi điện trước cho bác sĩ, nói rằng bạn nghĩ mình có thể đã mắc bệnh cúm lợn, và làm theo mọi hướng dẫn. Đọc hướng dẫn cách chăm sóc của CDC; trong hầu hết trường hợp, bệnh cúm sẽ khỏi trong khoảng 10 ngày. Tuy nhiên có một số trường hợp mà người bị nhiễm bệnh cần sự chăm sóc y tế càng sớm càng tốt, nếu họ có biểu hiện:[17]
    • Yếu mệt bất thường với các triệu chứng giống cảm cúm
    • Cực kỳ yếu
    • Bị ức chế miễn dịch
    • Người già hoặc trẻ quá nhỏ (dưới 2 tuổi)
  8. Chú ý các triệu chứng nghiêm trọng đe dọa tính mạng. Các triệu chứng nghiêm trọng này biểu thị các biến chứng của bệnh cúm. Nếu có bất cứ biểu hiện nào sau đây, bạn nên tìm sự chăm sóc y tế khẩn cấp:[1]
    • Khó thở hoặc hơi thở ngắn
    • Đau hoặc tức ở ngực hoặc bụng
    • Chóng mặt đột ngột
    • Lú lẫn
    • Nôn ói nhiều hoặc liên tục
    • Lưu ý rằng các dấu hiệu cảnh báo cấp cứu ở trẻ em có thể khác, bao gồm: thở nhanh hoặc khó thở, da xanh tái, không uống đủ chất lỏng, lờ đờ, không thức giấc hoặc tương tác, bứt rứt nhiều, sốt kèm phát ban.

Lời khuyên[sửa]

  • Không nhầm lẫn cúm lợn với cúm gà. Không như cúm gà, khả năng lây truyền từ người sang người của cúm lợn là rất cao.

Cảnh báo[sửa]

  • Việc tiêm phòng ngừa có phần hạn chế vì Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh không thể dự báo trước quá 6 tháng về chủng cúm mùa nào sẽ lưu hành trong năm đó.
  • Đừng hoảng loạn. Mặc dù việc chuẩn bị là cần thiết, nhưng bạn không cần phản ứng thái quá. Với hầu hết mọi người, mọi việc cần làm là các biện pháp phòng ngừa và vắc-xin tiêm phòng.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 http://www.cdc.gov/flu/
  2. Freda DeKeyser, Ganz RN, PhD, Critical Care Nurse, Sleep and Immune Function, April 2012 volume 32 (2) e 19-e-25
  3. 3,0 3,1 http://www.health.harvard.edu/staying-healthy/how-to-boost-your-immune-system
  4. Freda DeKeyser, Ganz RN, PhD, Critical Care Nurse, Sleep and Immune Function, April 2012 volume 32 (2) e 19-e-25)
  5. https://www.acsm.org/docs/current-comments/exerciseandcommoncold.pdf
  6. http://www.hanford.gov/health/?page=112
  7. Michael Jhung MD, David Swerdlow MD, Sonja J Olson et al Epidemiology of the 2009 Pandemic Influenza A HINI in the United States, Oxford Journal of Clinical Infectious Disease 2011, 52 Supp 1 S13-S26
  8. R Huttenen, S Syrjanen, Obesity and the Risk and Outcome of Infection, Clinical Journal of Obesity, 201337, 333-340
  9. http://www.cdc.gov/healthyweight/assessing/bmi/adult_bmi/index.html
  10. Hemilia, H Vitamin C Supplementation and the common cold: Factors Affecting the Magnitude of the Benefit, Medical Hypotheses, 2012, 52 (2) 171-178.) Magini, S, Beverly S, Suter M, Combination High Dose Vitamin C plus Zinc, Journal of Internal Medicine Residency 2012 40 1-28-42.
  11. Michael Hambridge, Human Zinc Deficiency,Journal of Nutrition, May 1 2000, Vol 130 No 5 s13445-s13949.
  12. 12,0 12,1 http://www.cdc.gov/flu/consumer/prevention.htm
  13. 13,0 13,1 13,2 13,3 13,4 13,5 http://www.cdc.gov/cdctv/diseaseandconditions/influenza/ir-dont-spread-influenza-2010.html
  14. Grayson ML, Melvani S, Druce J, Efficacy of soap and water and alcohol based hand sanitizer, and hand rub preparations against live HINI human volunteers, Clinical Infectious Disease 2009 Feb 1 48 (3) 285-291.
  15. http://www.cdc.gov/swineflu/masks.htm
  16. 16,0 16,1 https://fedweb-assets.s3.amazonaws.com/137/268/PanFlu_Campaign_Toolkit_5_2_SCN.pdf
  17. http://http://www.cdc.gov/flu/