Phòng ngừa vi rút Norovirus

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Theo thống kê ở Mỹ, mỗi năm có hơn 21 triệu ca nhiễm vi-rút Norovirus.[1] Norovirus là mầm bệnh thường gặp nhất gây nhiễm trùng đường tiêu hóa hay hệ tiêu hóa.[2] Norovirus có khả năng lây nhiễm cao từ người này qua người khác. Vi-rút chỉ có thể tồn tại 1-3 ngày nhưng triệu chứng có thể kéo dài đến hàng tuần.[3] Nếu lo lắng về loại vi-rút, bạn có thể giảm nguy cơ lây nhiễm bằng nhiều cách.

Các bước[sửa]

Ngăn chặn vi-rút Norovirus lây truyền[sửa]

  1. Tập thói quen rửa tay sạch. Rửa tay sạch là bước quan trọng để phòng ngừa sự lây lan của vi-rút. Norovirus lây qua đường phân-miệng nên rửa tay sau khi đi vệ sinh hoặc thay tã là một trong những cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh. Ngoài ra, bạn nên rửa tay sạch trước khi chuẩn bị hoặc chạm vào thức ăn.
    • Để rửa tay đúng cách, đầu tiên, bạn cho xà phòng vào lòng bàn tay và xoa đều. Sau đó, rửa sạch xà phòng bằng nước ấm hoặc nước hơi nóng (ít nhất 60 độ C) trong vòng 20 giây hoặc hơn.
    • Nếu không có nước và xà phòng, bạn có thể dùng dung dịch nước rửa tay hoặc miếng bông tẩm cồn đóng gói sẵn. Mặc dù vậy, nên nhớ rằng nước rửa tay và miếng bông chứa cồn cũng không hiệu quả trong việc tiêu diệt vi-rút Norovirus.[4]
  2. Không chạm tay lên mặt. Con đường lây nhiễm vi-rút phổ biến nhất là nuốt phải vi-rút. Bằng cách hạn chế chạm tay lên mặt hoặc gần miệng, bạn có thể tránh được nguy cơ nhiễm vi-rút.
    • Nên nhớ rằng chạm tay vào mắt hoặc mũi cũng có thể lây nhiễm vi-rút nên bạn cần tránh chạm tay vào những vị trí này.[5]
  3. Chuẩn bị và chế biến thức ăn đúng cách. Khi chuẩn bị thức ăn, bạn nên rửa sạch rau củ quả. Vì vi-rút lây truyền qua nước nhiễm bẩn nên bạn cần chế biến chín hàu cùng các loài động vật có vỏ khác trước khi ăn. Nên chế biến thức ăn ở nhiệt độ cao hơn 60 độ C.
    • Ngoài ra, không nên chế biến thức ăn nếu đang nhiễm vi-rút Norovirus hoặc trong vòng ít nhất 2 ngày sau khi triệu chứng thuyên giảm. [4]
    • Không thay tã cho trẻ ở khu vực chế biến thức ăn như nhà bếp. Thay tã cho trẻ ở phòng riêng, rửa tay sạch sau khi thay tã và trước khi chế biến thức ăn.
  4. Dọn dẹp sạch những bề mặt thường sử dụng. Có nhiều nơi trong nhà mà mọi thành viên trong gia đình đều thường xuyên chạm vào. Tay nắm cửa, bàn bếp, bàn phím máy tính, thiết bị điện tử cầm tay và các bề mặt trong nhà tắm, nhà bếp đều là khu vực mà Norovirus có thể trú ẩn. Bạn nên dọn sạch những khu vực này bằng dung dịch vệ sinh nhà cửa chứa chất tẩy hoặc các sản phẩm diệt khuẩn như Lysol.
    • Bạn có thể đặt sản phẩm diệt khuẩn Lysol hoặc nước tẩy ở vị trí thuận tiện để dọn dẹp các bề mặt mỗi ngày. Nhờ đó, bạn có thể giảm khả năng lây nhiễm vi-rút cho các thành viên trong gia đình hoặc khách đến chơi nhà.[5]
  5. Chỉ mua thực phẩm từ nhà cung cấp thực phẩm an toàn. Mua thực phẩm từ các xe tải hoặc xe đẩy ven đường sẽ có khả năng lây nhiễm vi-rút cao hơn nên bạn cần thận trọng. Tiệc đứng cũng là khu vực cần cẩn thận vì dụng cụ gắp/lấy thức ăn sẽ bị nhiều người chạm vào. Thận trọng khi đến những khu vực này, đặc biệt là nếu thấy có người xử lý thức ăn bằng tay không/không đeo găng tay.
    • Nhà hàng thức ăn nhanh cũng được biết đến là một ngành dịch vụ nhanh chóng nên vấn đề vệ sinh tay có thể không được chú trọng. Tốt nhất bạn nên tự chuẩn bị thức ăn ở nhà để kiểm soát quá trình chế biến một cách tốt nhất.[6]
    • Có một số loại thực phẩm bạn nên tránh khi ăn ở ngoài vì chúng dễ nhiễm bẩn. Ví dụ như động vật có vỏ, salad, bánh mì kẹp, kem, hoa quả, bánh quy là những thực phẩm dễ mang vi-rút Norovirus.[7]
  6. Hạn chế đến nơi đông người. Vi-rút Norovirus dễ lây nên bạn cần tránh đến những nơi đông người. Ở những nơi không thể tránh khỏi, bạn cần cẩn trọng hơn. Ví dụ, nên đeo khẩu trang hoặc rửa tay ngay sau khi đi mua sắm. Nên nhớ rằng khả năng lây nhiễm vi-rút ở những khu vực này có thể không cao nhưng nếu lo lắng, bạn cần thận trọng hơn.[8] Nên hạn chế đến:
    • Siêu thị
    • Trung tâm mua sắm
    • Công viên đông người
    • Rạp chiếu phim

Ngăn vi-rút lây lan[sửa]

  1. Vệ sinh những bề mặt nhiễm bẩn. Khi bạn hoặc thành viên trong gia đình nhiễm vi-rút Norovirus, bạn cần nhanh chóng tiến hành vệ sinh những bề mặt nhiễm bẩn. Sau khi người bệnh nôn mửa hoặc đi tiêu (tiêu chảy), dọn sạch phòng hoặc khu vực diễn ra sự việc. Nôn mửa có thể tạo ra những giọt khí dung bắn ra khắp bề mặt. Do đó, bạn cần sử dụng dung dịch vệ sinh chứa chất tẩy để dọn sạch tất cả các bề mặt tiếp xúc với chất thải do nôn mửa hoặc tiêu chảy.
    • Bạn cũng có thể tự pha dung dịch tẩy rửa bằng cách pha 5 thìa hoặc 1 1/2 cốc nước tẩy với 3800 ml nước.[4]
  2. Giặt quần áo. Trong thời gian triệu chứng phát tác, bạn cần giặt sạch quần áo và chăn ga gối nệm. Giặt thật sạch quần áo/chăn ga gối nệm chạm vào người bệnh bằng chất tẩy rửa và bật máy giặt ở chế độ lâu nhất. Ngoài ra, nên phơi/sấy thật khô.
    • Nên mang găng tay cao su khi xử lý quần áo dính chất thải sau khi nôn mửa hoặc phân. Nhặt quần áo/chăn ga gối nệm cẩn thận và cầm chặt để chất thải không vương vãi và vi-rút không thể lây lan. Cẩn thận khi mang quần áo đến máy giặt hoặc nơi giặt giũ.
    • Dù mang găng tay hay không bạn cũng phải rửa tay sạch sau khi giặt quần áo của người bệnh.[9]
  3. Cho người bệnh ở nhà. Người bệnh mang vi-rút Norovirus cần được cách ly. Đến nơi công cộng có thể làm lây lan vi-rút cho người khác. Vì vậy, người bệnh cần nghỉ học/nghỉ làm ở nhà khi đang mang vi-rút Norovirus.
    • Không cho trẻ đi học để tránh lây vi-rút cho các trẻ khác.
    • Không đi học/đi làm khi đang bị bệnh. Như vậy, bạn có thể tránh được nguy cơ lây vi-rút cho mọi người xung quanh.[10]
  4. Giảm nguy cơ lây nhiễm qua đường không khí. Vi-rút Norovirus có thể lây truyền qua không khí nếu bạn tiếp xúc thân mật với người bệnh. Ngoài ra, bạn nên đóng nắp bồn toilet trước khi xả nước để tránh vi-rút bay trong không khí. Nếu chăm sóc người bệnh đang nôn mửa, bạn cần quay mặt đi khi người bệnh đang nôn.
    • Sau khi vệ sinh khu vực của người bệnh, bạn không nên ở gần khu vực này. Vi-rút có thể vẫn còn trong không khí. Do đó, sau khi dọn dẹp, bạn nên đi đến khu vực khác trong nhà mà người bệnh chưa đến.[11]
    • Nếu có thể, nên cho người bệnh ở trong một phòng riêng trong nhà. Cách này giúp giảm tiếp xúc với người bệnh với các thành viên trong nhà và giảm nguy cơ lây truyền vi-rút.
  5. Xét nghiệm vi-rút Norovirus. Kỹ thuật mới đã cải tiến và bạn có thể xét nghiệm cho người bệnh cũng như kiểm tra thực phẩm nghi ngờ nhiễm vi-rút thông qua các xét nghiệm nhanh chóng, ít tốn kém. Bác sĩ có thể xét nghiệm mẫu phân xem bạn hoặc thành viên trong gia đình có mang vi-rút hay không. [12] Bác sĩ cũng có thể tiến hành xét nghiệm phản ứng chuỗi thời gian thực RT-PCR, hoặc kỹ thuật miễn dịch gắn enzym (Enzyme Immunoassays) để xét nghiệm mẫu phân của người bệnh. Các xét nghiệm này cũng có thể kiểm tra nguồn thực phẩm mà bạn nghi ngờ nhiễm vi-rút. Mẫu phân/mẫu thực phẩm sẽ được đưa đến phòng thí nghiệm và kết quả xét nghiệm thường có trong ngày.
    • Những hình thức thương mại khác của các xét nghiệm trên chưa được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ chấp thuận.[13]
    • Các xét nghiệm này đã được áp dụng ở nhiều trung tâm y tế như bệnh viện để kiểm tra khả năng bùng phát của vi-rút. Mặt khác, xét nghiệm vẫn chưa được sử dụng rộng rãi tại các cơ sở y tế tư nhân và cơ sở y tế chăm sóc sức khỏe cho công nhân trong ngành chế biến thực phẩm.[14]

Tìm hiểu về vi-rút Norovirus[sửa]

  1. Nhận biết triệu chứng. Sau khi nhiễm vi-rút, triệu chứng sẽ xuất hiện trọng vòng 24-48 tiếng. Vi-rút sẽ tấn công đường ruột, gây buồn nôn, nôn mửa nghiêm trọng và tiêu chảy. Vi-rút cũng sẽ khiến bạn cảm thấy đau nhức người, co thắt bụng, đau đầu và sốt. Trẻ nhỏ thường nôn mửa nghiêm trọng.[15] Tiêu chảy là triệu chứng dễ nhận thấy hơn ở người lớn.
    • Triệu chứng thường kéo dài trong khoảng thời gian ngắn, khoảng 48-72 tiếng. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể lây bệnh trong vòng 3 tuần sau khi nhiễm vi-rút.[2] Ví dụ, một gram phân chứa 100 tỉ bản sao vi-rút của vi-rút Norovirus.[1][16]
    • Sau khi triệu chứng trên thuyên giảm, bạn sẽ gặp các triệu chứng khác như đau bụng, táo bón và trào ngược axit.
  2. Nhận thức biến chứng. Biến chứng thường gặp nhất khi mắc vi-rút Norovirus là mất nước. Tình trạng này đặc biệt phổ biến ở trẻ nhỏ và người lớn tuổi. Bạn cần theo dõi mức độ bù nước của bệnh nhân để đảm bảo cung cấp đủ nước. Tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay khi nghi ngờ có dấu hiệu mất nước. Mặt khác, vi-rút thường không gây vấn đề lâu dài ở phần lớn người bệnh.
    • Biến chứng do vi-rút có thể trở nên nghiêm trọng hơn ở trẻ nhỏ, người lớn tuổi và người có hệ miễn dịch kém. Trong một số ít trường hợp, vi-rút có thể dẫn đến mất nước nghiêm trọng, khiến người bệnh phải nhập viện và thậm chí tử vong.[16]
  3. Nhận biết cách thức lây lan của vi-rút. Vi-rút có thể lây lan từ người này sang người sang theo nhiều cách. Vi-rút lây qua đường phân-miệng, tức tiếp xúc với phân nhiễm vi-rút sẽ có thể bị nhiễm vi-rút. Nếu không rửa tay đúng cách, tay bạn sẽ rất bẩn và có thể lây truyền vi-rút cho các đồ vật khác. Nghiên cứu chỉ ra rằng vi-rút có thể sống sót một thời gian tương đối trên các bề mặt trong nhà hoặc đồ vật như bàn chải hoặc cốc.
    • Vi-rút có thể tiếp tục sống sót trong môi trường nước như nhà vệ sinh hoặc vũng nước đã bị nhiễm nước thải. Nói cách khác, tiếp xúc với nước nhiễm bẩn cũng có thể bị lây nhiễm vi-rút. Ngoài ra, bạn cũng có thể nhiễm vi-rút từ khí dung khi nôn mửa còn sót lại trên các bề mặt, khí dung lan truyền lên da và đến miệng thông qua tiếp xúc.[2][16]
    • Không phải ai tiếp xúc với vi-rút cũng có triệu chứng. Tuy nhiên, người tiếp xúc có thể mang vi-rút và lây cho người khác.[16]
  4. Nhận biết yếu tố nguy cơ. Những người chuyên xử lý thực phẩm có nguy cơ cao lây nhiễm vi-rút do vi-rút có tính dễ lây lan và dễ gây bệnh. Người xử lý thực phẩm nếu nhiễm vi-rút có thể lây nhiễm cho hàng nghìn người khác. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) ước tính ở Mỹ, 50% ca nhiễm vi-rút là qua những người xử lý thực phẩm nhiễm vi-rút.
    • Điều này là do nhiều yếu tố. Bệnh có thời gian xuất hiện triệu chứng tương đối ngắn, chỉ kéo dài vài ngày nên nhiều công nhân trong ngành thực phẩm thường chờ đến khi tự khỏi mà không đi khám bác sĩ. Chi phí điều trị cao còn lương của công nhân chế biến thực phẩm lại thấp. Do đó, công nhân thường vẫn đi làm khi khả năng lây nhiễm còn cao.
    • Ngoài việc lây nhiễm thông qua người xử lý thực phẩm, vi-rút có thể lây nhiễm qua các thành viên trong gia đình và tiếp xúc thân mật nhưng thường không đạt đến mức bùng phát mạnh mẽ.[7][2]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]