Phục hồi sau phẫu thuật cắt ống dẫn tinh

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Sau khi phẫu thuật cắt ống dẫn tinh bệnh nhân có thể ra viện ngay, nhưng vết thương vẫn còn đau trong vài ngày đầu tiên. Ngoài ra phương pháp ngừa thai này cũng chỉ hiệu quả sau khi phẫu thuật vài tháng, vì vậy bạn phải thận trọng khi quan hệ trong thời gian đó. Để đẩy nhanh tốc độ hồi phục bạn nên làm theo hướng dẫn của bác sĩ và chăm sóc bản thân chu đáo.

Các bước[sửa]

Giảm đau sau phẫu thuật cắt ống dẫn tinh[sửa]

  1. Sưng và đau nhẹ. Bìu tinh hoàn sẽ đau và sưng nhẹ sau khi phẫu thuật, đồng thời có dịch tiết ra từ vết mổ. Điều này hoàn toàn bình thường và sẽ cải thiện dần trong vòng vài ngày. Bạn có thể sử dụng gạc và/hoặc băng tùy nhu cầu và theo hướng dẫn của bác sĩ.[1]
    • Quan sát quá trình lành tại bìu tinh hoàn bằng gương cầm tay 1-2 lần mỗi ngày. Bạn nên gặp bác sĩ để đánh giá tình hình nếu sưng ngày càng nặng hơn, đỏ hay bầm nhiều nhưng không cải thiện.
    • Quá trình lành thường diễn ra mà không kèm theo biến chứng nào, và bề ngoài bìu tinh hoàn sẽ hồi phục vài ngày sau.
  2. Uống thuốc giảm đau nếu cần. Thông thường bạn chỉ cần uống thuốc giảm đau không kê toa là đủ, chẳng hạn Panadol (acetaminophen). Nếu đau nhiều bạn nên đi khám bệnh để bác sĩ kê thuốc giảm đau mạnh hơn. Tuy nhiên, đa số đàn ông đều cảm thấy ổn với thuốc giảm đau không kê toa, không cần dùng đến loại mạnh hơn.
    • Tránh uống ibuprofen và aspirin để giảm đau vì chúng tác động xấu đến quá trình lành của vết thương.
  3. Chườm lạnh để giảm đau và sưng. Hai ngày đầu sau phẫu thuật, bạn nên chườm nước đá vào bìu tinh hoàn khoảng 20 phút mỗi giờ. Sau thời gian này bạn vẫn có thể chườm lạnh tùy theo nhu cầu.[2]
    • Chườm lạnh giúp giảm viêm và sưng trong tinh hoàn, do đó bạn sẽ bớt đau và khó chịu.
    • Quá trình phục hồi cũng diễn ra nhanh hơn nếu bạn bắt đầu chườm sớm ngay sau phẫu thuật cắt ống dẫn tinh.
  4. Nâng đỡ tinh hoàn. Trong 24-48 giờ sau phẫu thuật bạn không được tháo băng trên tình hoàn do bác sĩ sử dụng.[2] Mặc quần lót bó sát hoặc quần lót thể thao để không gây khó chịu và bảo vệ tinh hoàn tốt hơn.
  5. Cố gắng kiên nhẫn. Sau một tuần hầu hết những triệu chứng phiền toái như sưng và đau sẽ hết. Bạn phải gọi điện cho bác sĩ ngay nếu triệu chứng vẫn còn, hoặc khi có dấu hiệu biến chứng như nhiễm trùng.
    • Những triệu chứng điển hình có liên quan đến nhiễm trùng hậu phẫu thuật bao gồm sốt, máu hay mủ chảy từ vết mổ, và/hoặc đau và sưng nặng hơn.[3]
    • Các biến chứng khác mà bạn nên chú ý là chảy máu liên tục quá 48 giờ sau phẫu thuật (hoặc hình thành vết bầm lớn gọi là "tụ máu" trên bìu tinh hoàn); "u hạt do tinh trùng" (cơ bản là khối u vô hại hình thành trong tinh hoàn từ phản ứng của hệ miễn dịch); và/hoặc đau kéo dài.[4]

Điều chỉnh lối sống sau phẫu thuật cắt ống dẫn tinh[sửa]

  1. Tránh uống thuốc chống đông máu trong vài ngày. Bạn không nên uống bất kì loại thuốc chống đông máu nào trong ít nhất vài ngày sau phẫu thuật. Nhờ bác sĩ tư vấn về việc này nếu đang sử dụng thuốc chống đông máu, vì nó làm tăng nguy cơ chảy máu hậu phẫu thuật.
    • Tùy vào mỗi người thời gian cần ngừng uống thuốc chống đông máu sẽ khác nhau (thứ nhất là phụ thuộc vào lý do vì sao bạn phải dùng loại thuốc này). Nhờ bác sĩ hướng dẫn khi nào có thể uống thuốc trở lại bình thường.
  2. Nghỉ ngơi nhiều. Nghỉ ngơi là một trong những yếu tố quan trọng nhất để phục hồi sau phẫu thuật cắt ống dẫn tinh. Bạn nên nghỉ phép vài ngày hoặc hạn chế làm các công việc thường nhật để vết thương lành nhanh hơn. Trừ khi công việc đòi hỏi phải hoạt động nhiều hoặc nâng nặng, bạn có thể đi làm lại khá nhanh, khoảng 2-3 ngày sau.[2] Nếu phải làm việc nặng bạn nên hỏi bác sĩ khi nào an toàn để đi làm lại.
    • Cố gắng không làm việc quá nhiều trong 2-3 ngày đầu tiên sau phẫu thuật, và không ngại nhờ người khác giúp đỡ để có thời gian nghỉ ngơi phục hồi tốt hơn.
    • Khuyến cáo hoạt động thể chất ở mức tối thiểu trong khoảng năm ngày sau phẫu thuật, và không nâng vật nặng trong ít nhất một tuần. [4]
    • Nâng nặng khiến vết mổ bị kéo căng nên ảnh hưởng xấu đến quá trình lành. Sau năm ngày bạn có thể tập thể dục trở lại, bắt đầu nhẹ nhàng và từ từ khôi phục cường độ bình thường sau vài tuần.
  3. Tránh tất cả hoạt động tình dục trong bảy ngày. Phóng tinh sẽ gây đau và đôi khi dẫn tới chảy máu trong giai đoạn đầu sau phẫu thuật. Vì vậy bạn không thể tham gia hoạt động tình dục trong 7 ngày sau đó.[4]
    • Nếu muốn quan hệ tình dục (sau khi hết một tuần và cảm thấy đủ tự tin), bạn phải sử dụng biện pháp ngừa thai cho đến khi hoàn thành các buổi tái khám để bác sĩ xác nhận không còn tinh trùng trong tinh dịch. Sau khi phẫu thuật bạn thường phải phóng tinh 20 lần trước khi tinh trùng hết hoàn toàn.
    • Nói chung phẫu thuật cắt ống dẫn tinh không ảnh hưởng đến chức năng tình dục của người đàn ông. Nhiều người lo việc này sẽ ảnh hưởng đến ham muốn, sự cương cứng và/hoặc khoái cảm, nhưng nhiều nghiên cứu đã xác nhận rằng thủ thuật cắt ống dẫn tinh hoàn toàn không có tác động tiêu cực như vậy. [5]
    • Người ta còn chứng minh phụ nữ cảm thấy thỏa mãn hơn sau khi bạn đời của họ trải qua phẫu thuật này,[5] có lẽ vì họ an tâm khi không còn khả năng mang thai ngoài ý muốn.
    • Lưu ý, rủi ro mang thai vẫn còn dù rất nhỏ (0,1% mỗi năm) sau khi phẫu thuật cắt ống dẫn tinh.[6] Lý do là mặc dù hai đầu ống dẫn tinh đã được "tách rời" nhau nhưng tinh trùng vẫn có cơ hội băng qua đó và dẫn đến thụ thai. Tuy nhiên khả năng này rất hiếm và phẫu thuật cắt ống dẫn tinh (hay "thắt ống dẫn trứng", một thủ thuật tương đương ở phụ nữ) được xem là phương pháp ngừa thai hiệu quả nhất đối với những cặp vợ chồng quyết định không sinh con nữa.
  4. Không bơi hay tắm trong vòng 24-48 giờ sau khi phẫu thuật. Tùy vào kỹ thuật áp dụng mà bác sĩ có thể phải khâu bìu tinh hoàn. Để ngăn chặn nhiễm trùng, tốt nhất bạn nên giữ vết khâu khô ráo, nghĩa là không bơi hay tắm trong vài ngày đầu tiên.[2]
    • Hỏi bác sĩ khi nào an toàn để tắm hay bơi.

Lời khuyên[sửa]

  • Không ngại nhờ người khác giúp đỡ trong những ngày đầu tiên sau phẫu thuật. Việc nghỉ ngơi và vận động nhẹ trong giai đoạn phục hồi ban đầu rất quan trọng, vì vậy bạn không nên ngại nhờ bạn bè hay gia đình giúp đỡ.

Cảnh báo[sửa]

  • Nếu bạn cần uống thuốc giảm đau thì Panadol (acetaminophen) là sự lựa chọn an toàn nhất. Ibuprofen và aspirin không tốt vì chúng tác động xấu đến quá trình lành của vết mổ.
  • Để quá trình phục hồi diễn ra tốt đẹp bạn phải làm theo lời khuyên hạn chế vận động của bác sĩ, nếu không có thể dẫn đến xuất huyết trong bìu tinh hoàn và gây đau nhiều hơn.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]