Sống cùng bệnh giời leo (zona)

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bệnh giời leo (zona) là tình trạng nhiễm trùng da và có thể hình thành vết phát ban phồng rộp. Bệnh do virus có tên gọi varicella zoster gây nên, loại virus này cũng là thủ phạm gây bệnh thủy đậu. Nếu bạn đã từng bị thủy đậu, bạn sẽ dễ mắc phải bệnh giời leo sau này. Không có bất kỳ biện pháp nào có thể chữa trị dứt đểm căn bệnh giời leo, nhưng bạn có thể tiến hành điều trị bằng thuốc và chăm sóc thường xuyên từ bác sĩ.

Các bước[sửa]

Quản lý Sự bùng phát của Bệnh[sửa]

  1. Nhận thức triệu chứng. Giời leo thường bắt đầu với cơn đau nhức, ngứa ngáy, phỏng rát, tê, và/hoặc ngứa ran trong khoảng từ 1 – 5 ngày.[1] Sau đó, người bệnh sẽ phát ban. Đối với người có hệ miễn dịch bình thường, vết phát ban thường sẽ chỉ xuất hiện dưới dạng duy nhất một vệt đỏ dài tại một bên của cơ thể hoặc trên mặt. Người có hệ miễn dịch yếu có thể sẽ bị phát ban tại khắp nơi trên cơ thể.[2]
    • Các triệu chứng khác bao gồm sốt, đau đầu, nhạy cảm với ánh sáng và sự va chạm, kiệt sức, và đau bụng.[1]
    • Vết phát ban trở nên phồng rộp và đóng vảy trong khoảng từ 7 – 10 ngày. Giời leo sẽ kéo dài từ 2 – 6 tuần.[2]
  2. Tìm kiếm biện pháp chữa trị y tế ngay lập tức. Bạn nên đi khám bệnh ngay khi vết phát ban vừa mới xuất hiện. Tốt nhất là bạn nên đi khám trong vòng 3 ngày (sớm hơn nếu bạn bị phát ban trên mặt). Bác sĩ có thể chẩn đoán và lên kế hoạch điều trị kịp thời. Chữa trị sớm có thể khiến mụn nước khô nhanh hơn và giảm thiểu cơn đau.[3]
    • Bạn có thể điều trị bệnh giời leo tại nhà. Bạn không cần thiết phải nhập viện.[3]
    • Hầu hết mọi người đều sẽ chỉ bị giời leo một lần duy nhất, nhưng cũng có khả năng bạn sẽ gặp phải căn bệnh này thêm 2 hoặc 3 lần trong tương lai.[4]
  3. Sử dụng bài thuốc tại nhà. Trong thời kỳ nhiễm bệnh, bạn nên mặc quần áo rộng rãi được làm từ chất vải tự nhiên, nghỉ ngơi nhiều, và ăn uống lành mạnh. Bạn cũng có thể ngâm mình trong bồn tắm với một chút yến mạch hoặc sử dụng sản phẩm dưỡng da calamine để xoa dịu da của bạn.[3]
    • Mặc quần áo vải lụa hoặc cotton thay vì len hoặc acrylic.
    • Cho thêm một nắm yến mạch tươi hoặc dưới dạng keo vào nước tắm để làm dịu da. Bạn cũng có thể tìm mua sữa tắm có chứa yến mạch để hòa vào bồn tắm của bạn.[5]
    • Bôi sữa dưỡng da calimne sau khi tắm, khi da vẫn còn ẩm.[6]
  4. Giảm thiểu căng thẳng. Căng thẳng có thể khiến bạn cảm thấy đau đớn nhiều hơn khi bị giời leo. Cố gắng ngừng suy nghĩ về cơn đau bằng cách thực hiện những hoạt động khác mà bạn yêu thích như đọc sách, nghe nhạc, hoặc trò chuyện cùng bạn bè hoặc gia đình.[3] Căng thẳng cũng sẽ kích hoạt cơn bùng phát của bệnh, vì vậy, bạn nên cố gắng thực hiện mọi thứ có thể để tránh gây căng thẳng cho bản thân.
    • Thiền kỹ thuật hít thở sâu sẽ giúp bạn giảm thiểu căng thẳng trong quá trình bị bệnh, và giúp làm giảm cơn đau.[7]
    • Bạn có thể thiền bằng cách lặp lại suy nghĩ hoặc từ ngữ xoa dịu trong tâm trí để tránh bị sao nhãng.[8]
    • Bạn cũng nên sử dụng phương pháp tưởng tượng có hướng dẫn khi thiền, trong biện pháp này, bạn sẽ tập trung suy nghĩ về hình ảnh hoặc địa điểm đem lại cảm giác thư giãn cho bạn. Trong quá trình tưởng tượng, hãy kết hợp thêm mùi hương, cảnh tượng và âm thanh. Nhờ người khác hướng dẫn bạn trong quá trình này cũng sẽ khá hữu ích.[8]
    • Thái cực quyền và yoga cũng là cách giúp bạn giảm căng thẳng. Cả hai loại hoạt động này đều đòi hỏi sự kết hợp của dáng điệu cụ thể và bài tập hít thở sâu.[8]
  5. Uống thuốc kháng virus. Bác sĩ thường sẽ kê toa thuốc valacyclovir (Valtrex), acyclovir (Zovirax), famciclovir (Famciclovir STADA), hoặc loại thuốc tương tự khác để điều trị bệnh zona. Uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ và dược sĩ, và tham khảo về tác dụng phụ hoặc phản ứng có thể xảy ra đối với các loại thuốc khác mà bạn đang sử dụng. [5]
    • Bạn nên uống thuốc càng sớm càng tốt để chúng phát huy hiệu lực. Đây cũng là lý do vì sao bạn nên đi khám bệnh ngay khi vết phát ban vừa mới xuất hiện.[5]
  6. Uống thuốc giảm đau. Cơn đau mà bạn trải nghiệm khi nhiễm bệnh có thể sẽ khá ngắn, nhưng lại khá nặng nề. Tùy thuộc vào mức độ đau đớn và tiền sử y tế của bạn, bác sĩ sẽ kê toa một vài loại thuốc có chứa codeine cho bạn, hoặc loại thuốc giúp kiểm soát cơn đau lâu dài chẳng hạn như thuốc chống co giật.[4]
    • Hoặc bác sĩ sẽ chỉ định bạn dùng một vài loại thuốc như lidocaine. Thuốc có thể được sử dụng dưới dạng kem, gel, thuốc xịt, hoặc miếng dán ngoài da.[4]
    • Bác sĩ cũng có thể tiêm thuốc corticosteroid hoặc thuốc gây tê tại chỗ để kiểm soát cơn đau.[4]
    • Kem bôi capsaicin được kê toa, có chứa hoạt chất của ớt, cũng sẽ giúp kiểm soát cơn đau khi bạn bôi vào vết phát ban.[4]
  7. Giữ cho da luôn sạch sẽ và mát mẻ. Bạn có thể tắm nước lạnh khi đang bị giời leo hoặc chườm lạnh trên vết phồng rộp và mụn nước.[6] Giữ da sạch sẽ bằng cách sử dụng nước lạnh và xà phòng dịu nhẹ để ngăn ngừa kích ứng hoặc viêm nhiễm nhiều hơn.[3]
    • Bạn nên tắm với xà phòng dịu nhẹ như Dove, Olay, Johnson’s, v.v.[9]
    • Bạn có thể hòa 2 thìa uống trà muối vào 1 lít nước mát và dùng khăn mặt để bôi dung dịch này lên vết phồng rộp hoặc phát ban. Phương pháp này sẽ giúp xoa dịu bất kỳ cơn ngứa nào mà bạn đang gặp phải.[9]

Đối phó với Biến chứng của Bệnh giời leo[sửa]

  1. Nhận biết chứng đau dây thần kinh sau zona. Một trong số năm người bị giời leo sẽ phát triển chứng bệnh đau dây thần kinh sau zona (PHN). Bạn cũng có thể đang mắc phải căn bệnh này nếu bạn cảm thấy đau đớn cùng cực tại cùng vị trí mà bạn đã từng bị giời leo trước đây.[10] PHN sẽ kéo dài trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Nhiều người có thể sẽ phải chịu đựng triệu chứng bệnh trong nhiều năm.[10]
    • Bạn càng lớn tuổi bao nhiêu thì khả năng mắc bệnh PHN của bạn càng cao bấy nhiêu.[10]
    • Nếu bạn cảm thấy đau khi một thứ nào đó chạm vào da (ví dụ: quần áo, gió, con người), bạn có thể đang mắc phải chứng PHN.[11]
    • Nếu bạn không chữa trị sớm, bạn cũng có thể sẽ dễ dàng gặp phải chứng bệnh PHN.
  2. Cẩn thận trước biến chứng. Mặc dù PHN là biến chứng phổ biến nhất, bạn cũng có khả năng mắc phải những loại bệnh khác như viêm phổi, thính giác có vấn đề, mù lòa, viêm não, hoặc tử vong.[10] Sẹo, nhiễm trùng da, và suy cơ cũng có thể là biến chứng của bệnh giời leo.[11]
  3. Tìm kiếm chữa trị y tế. Nếu bạn nghĩ rằng bạn đang gặp phải căn bệnh PHN hoặc các loại biến chứng khác của bệnh giời leo, bạn nên đi khám bệnh. Bác sĩ có thể thiết lập kế hoạch điều trị phù hợp để giúp bạn kiểm soát biến chứng. Kế hoạch điều trị sẽ tập trung vào việc quản lý cơn đau mãn tính của bạn.[11]
    • Quá trình điều trị sẽ bao gồm thuốc bôi ngoài da như lidocaine, thuốc gây tê như oxycodone, thuốc chống co giật như gabapentin (Neurontin) hoặc pregabalin (Lyrica), hoặc sử dụng phương pháp can thiệp tâm lý.[11]
    • Nhiều người có khả năng bị trầm cảm hoặc mắc phải các vấn đề sức khỏe tâm thần khác khi đối phó với cơn đau mãn tính. Bác sĩ sẽ kê toa thuốc chống trầm cảm hoặc yêu cầu bạn nên tiến hành điều trị bằng liệu pháp nhận thức hành vi. Liệu pháp này sẽ bao gồm kỹ thuật thư giãn hoặc thôi miên. Cả hai loại kỹ thuật này đều sẽ đem lại hiệu quả trong việc quản lý cơn đau mãn tính.[11]
  4. Tiêm vắc-xin ngừa bệnh giời leo. Nếu bạn ngoài 60 tuổi, bạn nên tiêm loại vắc-xin này. Ngay cả khi bạn đã từng mắc bệnh trước đây, bạn vẫn nên tiêm chủng để phòng ngừa.[3] Bạn có thể tiêm ngừa tại phòng mạch bác sĩ hoặc bệnh viện.
    • Vắc-xin phòng bệnh giời leo thường sẽ được bảo hiểm y tế chi trả nếu bạn có bảo hiểm.[3]
    • Bạn nên chờ cho đến khi vết phát ban đã biến mất trước khi tiêm chủng. Tham khảo ý kiến bác sĩ để xác định thời điểm phù hợp nhất để tiến hành tiêm vắc-xin.[12]
  5. Chăm sóc sức khỏe tổng thể của bạn. Sống cùng bệnh giời leo có nghĩa là bất kỳ tác nhân nào cũng có thể khiến bệnh bùng phát, bao gồm căng thẳng, hệ miễn dịch suy yếu, chế độ dinh dưỡng không đầy đủ, và kiệt sức.[13] Mặc dù tiêm chủng phòng bệnh là cách duy nhất để ngăn ngừa bệnh, sở hữu sự khỏe mạnh tổng thế có thể giúp bạn tránh nhiễm bệnh và hồi phục nhanh chóng hơn.[14]
    • Ăn uống lành mạnh và cung cấp đủ vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa cho cơ thể.
    • Thường xuyên tập thể dục và nghỉ ngơi đầy đủ.

Lời khuyên[sửa]

  • Tìm kiếm sự hỗ trợ từ phía những người đã từng bị giời leo. Hằng năm, khoảng 1 triệu người mắc bệnh giời leo tại Hoa Kỳ, theo ước tính của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC). Khoảng gần 50% ca bệnh là người đang trong độ tuổi ít nhất là 60. Tại Việt Nam, số người nhiễm bệnh zona tăng từ 1,5% - 3% mỗi năm. Bạn có thể tham khảo thêm danh sách nhóm hỗ trợ tại cộng đồng hoặc trực tuyến trong thành phố bạn sinh sống.
  • Không nên gãi vết phồng rộp hoặc gãi da trong suốt quá trình bị bệnh bởi chỉ khiến cơn đau và tình trạng giời leo trở nên tồi tệ hơn.
  • Tránh tiếp xúc với người chưa từng bị bệnh thủy đậu hoặc chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh thủy đậu. Giời leo không lây lan, nhưng trong suốt quá trình nhiễm bệnh, bạn có thể sẽ lây truyền mầm bệnh thủy đậu sang trẻ em hoặc người trưởng thành chưa từng bị nhiễm bệnh hoặc chưa được tiêm chủng phòng ngừa virus varicella.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây