Sống với bệnh lồi đĩa đệm

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Lồi đĩa đệm xảy ra khi bạn gặp chấn thương, cơ bị kéo căng quá mức hoặc do quá trình lão hóa. Đĩa đệm trong cột sống đóng vai trò là lớp đệm tự nhiên giữa các đốt sống, theo thời gian chúng dần bị dẹt và mất tính đàn hồi. Mặc dù lồi đĩa đệm có thể khiến bạn rất đau nhưng bệnh thường xảy ra mà không biểu hiện triệu chứng nào. Đa số các trường hợp lồi đĩa đệm sẽ tự lành sau thời gian ngắn. Tuy nhiên khi bệnh gây đau thì việc chờ đợi để khu vực đó tự lành là rất khó khăn.

Các bước[sửa]

Đối phó với lồi đĩa đệm bằng biện pháp y khoa[sửa]

  1. Giữ liên lạc với bác sĩ. Để biết mình bị lồi đĩa đệm thì có lẽ bạn phải thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán như MRI. Bác sĩ là nguồn hỗ trợ chính và quan trọng đối với bạn trong giai đoạn khó khăn này.
    • Họ sẽ giúp bạn điều phối kỹ thuật chăm sóc và rèn luyện, như tập vật lý trị liệu hoặc nắn bóp, kê thuốc nếu cần và kiểm soát tình trạng của bạn để chắc chắn không cần dùng đến thủ thuật y khoa.
  2. Tập vật lý trị liệu. Bác sĩ thường đề nghị tập vật lý trị liệu để giải phóng áp lực trên đĩa đệm, giúp dây thần kinh ở khu vực này phục hồi và giảm đau.[1]
    • Vật lý trị liệu có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn trong điều trị triệu chứng, cải thiện sức mạnh cơ trung tâm, tăng cường độ linh hoạt và tránh bị chấn thương hay đau trong tương lai. Chuyên gia trị liệu sẽ hướng dẫn bạn các bài tập quan trọng để tự mình thực hiện ở nhà.[1]
  3. Uống thuốc theo chỉ định điều trị đau, viêm và thả lỏng cơ. Trong một số trường hợp lồi đĩa đệm khiến người bệnh rất đau, khi đó bác sĩ sẽ kê thuốc giảm đau uống trong thời gian ngắn để tạo cảm giác dễ chịu hơn.[2]
    • Ví dụ họ có thể kê thuốc giảm đau nhóm opioid như hydrocodone hoặc oxycodone, miếng dán giảm đau như lidocaine hay fentanyl, những thuốc kháng viêm có dược lực mạnh như ibuprofen liều cao, và thuốc giãn cơ như cyclobenzaprine hoặc metaxalone.
  4. Cân nhắc tiêm thuốc. Nếu triệu chứng phản ứng chậm với thuốc và cơn đau trở nên dữ dội, khi đó bạn nên cân nhắc tiêm thuốc. Cách tiêm thuốc phổ biến nhất để điều trị lồi đĩa đệm là tiêm vào cột sống, còn gọi là tiêm phong bế thần kinh hay gây tê thần kinh ngoại vi. Cách tiêm này sử dụng thuốc giống như steroid tiêm trực tiếp vào khu vực đau để giảm đau và viêm.[1]
  5. Cân nhắc phẫu thuật ít xâm lấn. Trong một số trường hợp phẫu thuật là lựa chọn duy nhất để điều trị lồi đĩa đệm và giảm đau. Thủ thuật ít xâm lấn thường thành công khi áp dụng xử lý các vấn đề liên quan đến đĩa đệm, trong khi đó giảm được rủi ro thường xảy ra với phẫu thuật mở lưng.[2]
    • Các thủ thuật thường thực hiện là phẫu thuật mở ống sống, phẫu thuật mở lá đốt sống và phẫu thuật loại bỏ nhân đệm. Mỗi thủ thuật áp dụng các phương pháp hơi khác nhau để điều chỉnh vấn đề của đĩa đệm, tùy thuộc vào vị trí và mức độ tổn thương.[2]
  6. Hỏi bác sĩ về phẫu thuật thay đĩa đệm. Với một số trường hợp, phẫu thuật cắt bỏ đĩa đệm tỏ ra hiệu quả, sau đó người ta sẽ lồng một đĩa đệm nhân tạo vào ví trí vừa mới cắt bỏ. Loại phẫu thuật này khôi phục lại chiều cao khoảng không gian giữa các đốt sống, và cho phép bạn cử động bình thường.[3]

Tự mình đối phó với lồi đĩa đệm[sửa]

  1. Uống thuốc không kê toa. Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu uống bất kì loại thuốc mới nào. Những thuốc không kê toa thường được khuyên dùng bao gồm thuốc kháng viêm như ibuprofen, naproxen và aspirin. Acetaminophen cũng có tác dụng giảm đau hữu hiệu. Uống thuốc đúng theo chỉ định và cho bác sĩ biết nếu bạn gặp tác dụng phụ.[4]
    • Không tiếp tục uống thuốc không kê toa kèm với thuốc kê toa trừ khi bác sĩ có yêu cầu cụ thể như vậy. Việc uống kết hợp thuốc không kê toa với thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm và thuốc giãn cơ theo chỉ định của bác sĩ có thể gây nguy hiểm.
  2. Nghỉ ngơi. Dành thời gian cho bệnh tự lành bằng cách nghỉ ngơi đầy đủ trong quá trình thực hiện chế độ chăm sóc. Chế độ chăm sóc phù hợp bao gồm các khoảng thời gian nghỉ ngơi ngắn, chẳng hạn 30 phút mỗi lần, sau đó đi bộ hoặc hoạt động nhẹ theo khuyến nghị của bác sĩ hay chuyên gia trị liệu.[2]
    • Tránh các hoạt động làm tình trạng thêm trầm trọng, đặc biệt là cúi cong người, nâng vật nặng hoặc oằn lưng. Cử động chậm và ngừng bất kì hoạt động nào khiến bạn đau. Theo đuổi chương trình tập vật lý trị liệu bao gồm các bài tập cụ thể giúp cải thiện tình trạng bệnh.[2]
  3. Chườm lạnh. Ban đầu vị trí đau thường sẽ sưng và viêm, khi đó bạn nên chườm lạnh thay vì chườm nóng để giảm sưng và viêm, giải trừ cơn đau.[5]
    • Chườm đá vào vị trí đau trong năm phút mỗi giờ. Đến giờ thứ ba hay thứ tư là bạn sẽ cảm thấy bớt đau. Tiếp tục chườm đá vào vị trí bị lồi đĩa đệm trước tiên, sau đó bạn có thể chườm vào các khu vực bị ảnh hưởng như chỗ có dây thần kinh đau ở dưới chân. Tuân theo hướng dẫn của bác sĩ hay chuyên gia trị liệu về thời gian và tần suất chườm đá.[5]
  4. Chườm nóng. Chườm nóng có thể làm dịu vùng cơ bị căng và đau, cải thiện tuần hoàn máu đến khu vực bị ảnh hưởng. Tuần hoàn máu tốt dẫn nhiều ôxi hơn đến cơ bắp và dẫn chất dinh dưỡng đến đĩa đệm bị tổn thương. Nhờ bác sĩ hay chuyên gia trị liệu xác định tần suất luân phiên giữa chườm nóng và lạnh sao cho phù hợp với tình trạng của bạn.[3]

Ngăn ngừa các vấn đề nảy sinh[sửa]

  1. Duy trì cân nặng lành mạnh. Hiển nhiên quá cân sẽ gây nhiều áp lực lên từng đĩa đệm. Việc giảm cân không phải đơn giản, đặc biệt khi bạn đang bị đau, tuy nhiên các biện pháp kiểm soát cân nặng có thể tạo ra nhiều lợi ích đối với việc giảm đau và ngăn ngừa vấn đề khác nảy sinh.[4]
  2. Uống bổ sung canxi và vitamin D. Cột sống cần có đủ canxi và vitamin D mỗi ngày để duy trì sự cứng cáp và tránh bị loãng xương. Đa số người lớn đều nhận đủ canxi và vitamin D từ chế độ ăn. Hỏi bác sĩ về lượng canxi và vitamin D bạn nên tiêu thụ mỗi ngày bên cạnh chế độ ăn bình thường.[3]
    • Nguồn cung cấp thiên nhiên của những chất này bao gồm sản phẩm từ sữa, rau có lá và nước ép cam được bổ sung thêm canxi và vitamin D. Cơ thể cũng có khả năng hấp thu thêm vitamin D từ ánh nắng mặt trời.[3]
  3. Ngủ trên mệm cứng. Tránh ngủ ở tư thế úp mặt vì áp lực đè lên đĩa đệm lớn hơn. Bạn nên ngủ trên nệm cứng và nằm tựa trên một bên hông, đệm thêm gối nếu cần.[1]
  4. Sử dụng kỹ thuật nâng đồ vật đúng cách. Tránh nâng vật nặng nếu được, tuy nhiên nếu phải nâng thì bạn nên cong đầu gối về tư thế ngồi xổm, sau đó sử dụng chân nâng vật.[4] Sáng sớm khi mới thức dậy bạn cũng phải tránh động tác nâng hoặc vặn đi vặn lại cơ thể.
  5. Chú ý tư thế sinh hoạt. Tư thế đứng và ngồi đúng là phải giữ lưng thẳng đứng với hai vai ngả ra sau. Sử dụng cơ bụng hỗ trợ lưng khi vận động và duy trì lưng dưới ở hình dạng phẳng hoặc hơi cong.[6]
    • Để cải thiện sự cân đối của cơ thể, bạn đứng ở lối đi, nâng cao một chân, cong đầu gối của chân đang nâng sao cho đùi song song với sàn nhà. Giữ yên tư thế này trong 20 giây rồi lập lại với chân bên kia. Bám vào tường hoặc lối đi nếu cần, nhưng cuối cùng bạn phải duy trì được tư thế đó mà không cần bám vào vị trí nào.[6]
    • Cải thiện độ thẳng của cơ thể bằng cách đứng cách tường một bàn chân, sau đó tựa ra sau cho đến khi mông và lưng chạm tường. Giữ đầu cân bằng và đẩy về sau cho đến khi phía sau đầu chạm tường. Đa số mọi người đều phải nâng cằm lên để đầu có thể chạm tường, đây là tư thế sai. Bạn phải đẩy đầu về sau tối đa trong khi vẫn giữ đầu cân bằng. Giữ tư thế này trong 20 giây. Cuối cùng đầu bạn phải chạm được tường mà không nghiêng.[6]
  6. Chọn loại ghế ngồi phù hợp. Thường xuyên ngồi với xương chậu nghiêng sẽ tạo áp lực lên đĩa đệm. Sau một thời gian dài tư thế ngồi này có thể góp phần gây ra các vấn đề về lưng như lồi đĩa đệm. Ngày nay nhiều chuyên gia khuyến nghị lựa chọn loại “ghế chủ động”. Ghế chủ động được thiết kế để duy trì sự toàn vẹn của cột sống và lôi kéo các cơ tham gia vào tư thế ngồi.[7]
    • Hiện nay trên thị trường có một số loại ghế chủ động, ví dụ như Zenergy Ball Chair, Swopper Stool, Wobble Stool và Rockin’ Roller Desk Chair.[7]
    • Những chiếc ghế này thật sự hữu ích nhưng bạn nên nhớ thỉnh thoảng cũng phải đứng dậy đi lại. Cài đồng hồ báo thức để nhắc mình đứng dậy đi lại vài phút sau mỗi giờ ngồi.
  7. Bật người trên bóng trị liệu. Hỏi ý kiến bác sĩ hay chuyên gia trị liệu để chắc chắn việc này an toàn với tình trạng của bạn. Bóng trị liệu tương tự với quả bóng lớn mà bạn thường thấy trong phòng tập hay phòng điều trị vật lý trị liệu.[8]
    • Bật nhẹ trong khoảng 5 phút mỗi ngày sẽ giúp cải thiện tuần hoàn máu đến đĩa đệm, mang theo chất dinh dưỡng và ôxi đến khu vực này. Khi đó viêm và đau cũng giảm, ngoài ra còn giúp ngăn ngừa các vấn đề khác.[8]
  8. Tập thể dục an toàn và đều đặn. Một số bài tập cụ thể nhằm khắc phục các vấn đề liên quan đến đau lưng bao gồm tập uốn, duỗi, kéo giãn và thể dục nhịp điệu. Trao đổi với bác sĩ về việc phát triển một chế độ tập luyện an toàn và hiệu quả với tình trạng của bạn.[3]
    • Nên nhớ mỗi người mỗi khác, một số phản ứng tốt với bài tập uốn lưng, trong khi những người khác lại phù hợp hơn với cách tập duỗi lưng. Nếu bạn thấy lưng đau hơn trong thời gian tập bất kì bài tập nào, ngừng ngay lập tức và đi gặp bác sĩ hay chuyên gia trị liệu.
  9. Tham gia các bài tập ít va chạm. Ví dụ về bài tập ít va chạm là đi bộ, bơi lội, đạp xe đạp nằm, thiền hay yoga (được điều chỉnh cho phù hợp với tình trạng bệnh). Tùy vào vị trí bị lồi đĩa đệm trên cột sống, tuổi tác, cân nặng, khả năng vận động và các tình trạng y khoa khác mà bạn đang có, bác sĩ và chuyên gia trị liệu có thể thiết kế chương trình tập luyện phù hợp với bạn.[3]
  10. Áp dụng liệu pháp giảm áp hay còn gọi là kéo giãn. Kéo giãn bằng tay hay bằng điện là cách rất tốt để duy trì đĩa đệm khỏe mạnh. Kéo giãn giúp giảm áp lực trên đĩa đệm, đồng thời cho phép chất dinh dưỡng dẫn đến đĩa đệm nhiều hơn.[9]
    • Bạn có thể thực hiện liệu pháp giảm áp tại văn phòng của chuyên gia xương khớp hay phòng tập vật lý trị liệu, hoặc sử dụng máy kéo giãn đảo ngược dùng cho hộ gia đình. Để thực hiện trị liệu tại nhà một cách tiết kiệm bạn nên chọn loại máy kéo lưng đơn giản có ba cấp độ điều chỉnh.
  11. Tìm kiếm mạng lưới hỗ trợ. Đau dai dẳng thường dẫn đến tâm trạng bứt rứt, căng thẳng và trầm cảm, tất cả đều ảnh hưởng đến khả năng hồi phục của cơ thể. Vì vậy bạn nên tìm biện pháp hỗ trợ trong thời gian vượt qua khó khăn này. Tìm hiểu về các nhóm hỗ trợ người bị đau mãn tính ở khu vực bạn sống. Nên nhớ đây là cách hữu ích với bạn nhưng cũng có nhiều người khác đang cần bạn giúp đỡ tương tự.
  12. Xây dựng thói quen xả stress. Tham gia các hoạt động như mát xa, châm cứu, tắm, đi bộ và thiền để giúp bạn đối phó với các vấn đề về tâm thần và thể chất khi phải đương đầu với cơn đau cấp tính hay mãn tính. Thiền chánh niệm có thể cải thiện đau lưng mãn tính, tương tự như các cách điều trị truyền thống.[10]

Biết khi nào phải đi khám bệnh[sửa]

  1. Đi khám bệnh nếu cơn đau khiến bạn không thể cử động. Nhiều người cảm thấy đau dữ dội khi bị lồi đĩa đệm. Nếu cơn đau khiến bạn không thể thực hiện các hoạt động hằng ngày, bạn nên đi khám bệnh càng sớm càng tốt để được điều trị.[11]
  2. Liên lạc với bác sĩ nếu bạn thấy rất đau và đau dai dẳng. Khi tình trạng này kéo dài quá 7 ngày, trở nên nghiêm trọng hơn hoặc có cải thiện chút ít nhưng không hết sau 3 tuần, lúc đó bạn buộc phải tìm biện pháp điều trị y khoa.[11]
  3. Liên hệ với bác sĩ ngay khi triệu chứng thay đổi. Tình trạng bệnh có thể đang tiến triển, được thể hiển qua sự thay đổi của triệu chứng, chẳng hạn như xuất hiện các khu vực đau mới hay tê cứng là dấu hiệu cho thấy các dây thần kinh khác dọc theo cột sống và gần đĩa đệm lồi đã bị tác động.[11]
  4. Tìm các triệu chứng mới ở chân. Thông báo cho bác sĩ càng sớm càng tốt khi xuất hiện triệu chứng ở chi, đặc biệt là ở chân. Nếu bạn nhận thấy cảm giác yếu ớt xuất hiện đột ngột hay liên tục, tê cứng, ngứa ran hoặc đau nhói ở chân mỗi khi ho, hắt hơi hay gắng sức, liên hệ với bác sĩ càng sớm càng tốt.[11]
  5. Chú ý đến chức năng bàng quang và đại tràng. Một số trường hợp dây thần kinh chịu tác động bởi đĩa đệm lồi có thể thay đổi chức năng đại tràng và bàng quang. Liên hệ với bác sĩ ngay nếu điều này xảy ra.[11]
    • Đau lưng khi đi tiểu, đau dữ dội và chuột rút sâu trong lưng, mất kiểm soát chức năng bàng quang hay đại tràng là các dấu hiệu cần được điều trị y khoa ngay.[11]

Lời khuyên[sửa]

  • Chữa lành lồi đĩa đệm cần có thời gian. Hỏi bác sĩ về tình trạng bệnh và cần thời gian bao lâu để bạn có thể thực hiện tất cả các hoạt động bình thường.
  • Lồi đĩa đệm cũng tương tự nhưng khác chút ít so với thoát vị đĩa đệm. Lớp vỏ bảo vệ bên ngoài của đĩa đệm bị lồi vẫn bình thường, nhưng với trường hợp thoát vị thì có vết nứt nên khiến một phần vật liệu bảo vệ bên trong rò ra ngoài. Thoát vị đĩa đệm thường nghiêm trọng hơn lồi đĩa đệm.
  • Cân nhắc tìm một chuyên gia vật lý trị liệu đã qua đào tạo về trị liệu bệnh nghề nghiệp. Chuyên gia trị liệu nghề nghiệp có thể giúp bạn thay đổi cách làm việc và giải quyết những điểm bất hợp lý trong môi trường làm việc hằng ngày.
  • Nghỉ ngơi là chìa khóa để quá trình lành diễn ra, nhưng nghỉ ngơi quá nhiều cũng không tốt. Bắt đầu đi lại ngay khi có thể và cố gắng khôi phục các hoạt động hằng ngày, như vậy quá trình lành sẽ diễn ra nhanh hơn.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]