Sự giống và khác nhau giữa hành vi sai lạc, các giấc mơ và tư duy sáng tạo

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Hành vi của con người và nhiều loài động vật được điều khiển bởi hệ thần kinh. Các giấc mơ và tư duy tuy không phải loài động vật nào cũng có nhưng chúng cũng được thực hiện bởi hệ thần kinh. Điều này có nghĩa là điều khiển hành vi, hình thành các giấc mơ và tư duy đều là những hoạt động của hệ thần kinh. Các hoạt động của hệ thần kinh là đối tượng nghiên cứu của khoa học. đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về hoạt động của hệ thần kinh về từng dạng của nó. Sigmund Freud đã có những nghiên cứu sâu về các hành vi sai lạc và các giấc mơ và đã có những mô tả ti mỉ về các hành vi sai lạc và các giấc mơ. Tuy nhiên những kết luận của Freud về các hành vi sai lạc và các giấc mơ là những điều phải xem xét cẩn thận. Hoạt động điều khiển hành vi dẫn đến các hành vi sai lạc, các giấc mơ trong giấc ngủ ( và cả trong lúc thức), tư duy sáng tạo đều diễn ra trong bộ não và đều là các hoạt động của hệ thần kinh, vậy giữa chúng có gì giống và khác nhau không và đó là những gì? Bài viết này chưa làm sáng tỏ toàn bộ vấn đề nhưng cũng cố gắng đưa ra một số điểm chính.

Hành vi sai lạc, giấc mơ và tư duy sáng tạo[sửa]

Hành vi sai lạc là một bộ phận cấu thành các hành vi của một cá nhân. Chúng xuất hiện không bình thường hoặc được cho là không bình thường. Sự xuất hiện bình thường là sự xuất hiện đúng lúc, đúng chỗ và phù hợp với hoàn cảnh, đúng với mong muốn hoặc suy nghĩ mà mọi người đáng hướng tới. Hành vi sai lạc được xét đối với những người bình thường chứ không xét đối với những người bênh nhân thần kinh hoặc tâm thần, trong một số trường hợp người bị ốm cũng có thể không được xét. Theo Freud, những hành vi sai lạc là những hành vi “ của người nói hay người viết, dù có biết như thế hay không, một chữ hay một tiếng khác hẳn tiếng định dùng( nói lỡ lời); của những người đọc sách lại đọc lầm sang chữ khác(đọc sai); của những người nghe người khác nói mà lại nghe lầm sang tiếng khác trong khi các cơ quan về thính giác không hệ bị trục trặc ( nghe sai) (1)”. Như vậy theo Freud, hành vi sai lạc không chỉ thể hiện bằng các hành vi, mà còn biểu hiện ở sự tiếp nhận các tác động từ bên ngoài tới hệ thần kinh qua các cơ quan cảm giác của nó. Freud nghiên cứu hành vi sai lạc của lời nói trên hệ thống ngôn ngữ Đức - Phổ nên những biểu hiện sai lạc có thể có những điểm giống hoặc khác với các hệ thống ngôn ngữ khác. Những điểm chung, điểm giống nhau trong mọi hệ thống ngôn ngữ trong sự sai lạc câu nói là sử dụng các từ phát âm gần với từ định dùng hoặc nghe các từ đồng âm khác nghĩa. Sự tiếp nhận không đầy đủ các ký tự khi đọc trong một từ đa âm có thể dẫn đến đọc sai, còn trong các hệ thống ngôn ngữ đơn âm thì hành vi sai lạc còn có biểu hiện là đọc đảo từ trước ra sau, điều này dễ xảy ra trong việc đọc các chữ số, ví dụ 68 có thể đọc là tám sáu hoặc đọc và nghe đúng nhưng viết lộn, đọc là 68 nhưng viết thành 86. Thực ra, việc xếp sự nghe sai vào các hành vi sai lạc trên đây như Freud là không đúng bởi hành vi là sự thể hiện ra bên ngoài của hoạt động thần kinh thông qua lời nói và hành động, còn nghe sai là biểu hiện của sự tiếp nhận sai lạc các tác động bên ngoài lên hệ thần kinh. Freud cũng chỉ mới tìm thấy hiện tượng nghe sai, còn trong thực tế không chỉ có hệ thụ cảm thính giác là tiếp nhận sai lệch thông tin mà tất cả các cơ quan cảm giác đều có thể chuyển về bộ não các thông tin sai khác với các thông tin mà nó nhận được hoặc chúng chuyển đúng nhưng bị bộ não đánh giá sai lệch các thông tin đó. Với một mức độ sai lệch đủ lớn thì sự đánh giá này cũng được coi là ảo giác mặc dù chúng không phải là sự sai lệch thông tin do chính các cơ quan cảm giác tạo ra. Điều này có nghĩa là khi xem xét về ảo giác cần phân biệt là ảo giác do các cơ quan cảm giác hay ảo giác do sự đánh giá thông tin của bộ não. Một yếu tố nữa cũng làm gia tăng khả năng dẫn tới các hành vi sai lạc là sự hình thành các thói quen. Các thói quen là các câu nói, các từ hay dùng ( gọi là câu cửa miệng), các động tác cơ thể. Các thói quen này tự động thêm vào các câu nói, các việc làm khác của người đang thực hiện hành vi mà họ không nhận ra điều đó hoặc chỉ biết khi họ nghe được lời nói, động tác đó từ chính họ. Tiếng Việt có một từ dành riêng để chỉ những sai lạc trong lời nói là nói nhịu. Nói lắp không thuộc những hành vi sai lạc bởi nó là một tật của hệ thần kinh khi nó tạo ra sự lặp lại việc phát một âm nhiều lần, người nói có thể biết trước là mình nói lắp nhưng vẫn để xảy ra tình trạng này và họ phải khổ công rèn luyện mới hạn chế được.

Giấc mơ là sự xuất hiện các hình ảnh, âm thanh, lời nói trong não mà không do kích thích thần kinh đến từ các cơ quan cảm giác hoặc có các kích thích đó nhưng bộ não lại phản ánh hoàn toàn sai khác về các tác nhân đã tạo ra các kích thích ( điều này giống với sự nghe sai mà Freud đã mô tả nhưng chúng được hình thành trong giấc ngủ). Giấc mơ thường đến với mọi người trong giấc ngủ. Nhưng trong thực tế, sự tưởng tượng trong lúc thức cũng có thể được coi là giấc mơ bởi trong trạng thái đó các cơ quan cảm giác ( hoặc các cơ quan truyền dẫn kích thích cảm giác) bị ức chế nên chúng không tiếp nhận các kích thích thực tại, còn các tế bào thần kinh trung ương vẫn hoạt động để liên kết các hình ảnh, các lời nói đã được ghi nhớ để tạo ra các hình ảnh mới, câu nói mới. Sự tưởng tượng chỉ được coi là mơ trong lúc thức khi chúng thỏa mãn được định nghĩa trên đây.

Giấc mơ là một hoạt động của hệ thần kinh. Nhưng hoạt động này không được bộ não huy động các tế bào thần kinh cần thiết hoạt động theo những mục đích xác định. Chúng là sự hoạt động của các tế bào thần kinh không bị ức chế hoặc đã thoát khỏi trạng thái ức chế. Sự thiết lập các liên kết và các đường dẫn truyền kích thích thần kinh có thể là trước đó hoặc hoàn toàn mới. Các giấc mơ dựa trên các thiết lập liên kết thần kinh cũ giúp cho người mơ có thế nhớ lại được những gì mình đã mơ, còn sự thiết lập mới có thể mất đi ngay khi giấc mơ kết thúc và khiến cho người mơ không thể nhớ được nội dung của giấc mơ nếu khả năng hình thành các ghi nhớ mới của họ kém ( để ghi lại được các giấc mơ).

Các giấc mơ có thể có khởi đầu từ bên ngoài hệ thần kinh, nhưng phần lớn trong đó khởi đầu từ ngay bên trong hệ thần kinh. Sự khởi đầu từ bên ngoài đến từ các kích thích cảm giác hoặc do tác động của các chất dẫn truyền thần kinh, các hóa chất do máu đưa tới. Các kích thích đến từ hệ thống cảm giác là các kích thích tạo nên sự khởi đầu cho các giấc mơ khi chúng đảm bảo được yêu cầu là không đột ngột, kích thích liên tục trong một quãng thời gian dài, cường độ kích thích tăng dần theo thời gian. Thuộc dạng này thường là các kích thích nội cảm giác và tạo nên các giấc mơ đòi hỏi thỏa mãn nhu cầu sinh lý như tiểu, đại tiện…Kết thúc các giấc mơ thường là sự thực hiện các hành vi do giấc mơ dẫn đến ( hành vi có thể được thực hiện hoặc không và người mơ có thể thấy có những sự cản trở trong việc thực hiện hành vi). Các hóa chất tạo nên các giấc mơ gián đoạn và không có biểu hiện trực tiếp liên qua đến các sự việc thực đã xảy ra. Các hóa chất có thể có nguồn gốc từ các chất nội tiết trong cơ thể tạo ra hoặc do cơ thể hấp thụ qua hô hấp hoặc ăn uống được máu đưa đến não. Sự khởi đầu từ bên trong hệ thần kinh có các dạng tái hiện lại sự ghi nhớ về các tác động mà người mơ đã tiếp nhận trước đó hoặc là tiếp tục một quá trình tư duy đang dang dở mà vì một lý do nào đó phải tạm dừng hoặc chuyển vào trạng thái tư duy ẩn. Các giấc mơ đang diễn ra có thể chịu sự tác động của các kích thích thần kinh đến từ hệ thống ngoại cảm giác khi các kích thích này xảy ra đột ngột và cường độ đủ mạnh. Sự tác động này có thể làm chuyển hướng giấc mơ và làm xuất hiện sự đánh giá nguồn gốc tác động không đúng với thực tế. Freud đã nêu thí nghiệm của Hildebrant về sự tiếp nhận tiếng chuông báo thức của đồng hồ của ba người đang ngủ trong cuốn “Phân tâm học nhập môn”. Với cùng một tiếng chuông mà một người nghe là tiếng chuông nhà thờ, một người nghe tiếng đĩa vỡ trong giấc mơ giống như tiếng nhạc, còn một người là tiếng nhạc với một khung cảnh trong giấc mơ của họ.

Freud cho rằng nguyên nhân của các hành vi sai lạc, các giấc mơ là sự “dồn nén tính dục” có nghĩa tính dục bị dồn nén đến một mức độ nào đó sẽ tự động biểu hiện thành các hành vi sai lạc hoặc các giấc mơ. Đây là một kết luận không đúng mặc dù nếu xét theo nghĩa hẹp chúng thể hiện sự hoạt động của các tế bào thần kinh có mức hưng phấn cao. Những lý giải tiếp sau trong bài này sẽ thể hiện điều này.

Tư duy sáng tạo là hoạt động của hệ thần kinh nhằm làm rõ các đối tượng được hệ thần kinh tiếp nhận mà thông tin do đối tượng cung cấp không đủ. Hệ thần kinh sẽ tìm kiếm các thông tin khác về đối tượng hoặc của các đối tượng khác có thể gán cho đối tượng đã ghi nhớ trước đó để bổ xung thêm vào lượng thông tin mà đối tượng cung cấp. Với lượng thông tin được bổ xung thêm này đối tượng sẽ được hiểu rõ hơn hoặc được mang thêm các đặc điểm, tính chất mới. Đây là tư duy sáng tạo trong hoạt động nhận thức và có thể gọi bằng cái tên là sự nhận thức sáng tạo. Còn trong lĩnh vực hành động thì tư duy sáng tạo tìm ra các phương pháp mới, các giải pháp mới trong việc giải quyết các vấn đề cũ trong hiện tại. Biểu hiện của tư duy sáng tạo dễ nhận thấy là tạo ra các sản phẩm với các đặc điểm, tính năng, hình thức mới trên cơ sở các sản phẩm đã có. Đây là sự sáng tạo trong ý thức.

Các hành vi sai lạc, các giấc mơ và tư duy sáng tạo là biểu hiện và hoạt động của hệ thần kinh, Các hành vi sai lạc là biểu hiện của sự điều khiển sai lạc của hệ thần kinh nên trong bài này cũng được coi là hoạt động thần kinh. Sở dĩ các hành vi sai lạc cũng được đưa vào bài này và so sánh với tư duy sáng tạo là giữa chúng có những điểm giống nhau trong khi chúng là những biểu hiện cần hạn chế còn tư duy sáng tạo lại là thứ cần phát huy. Đây là điểm thú vị trong hoạt động của hệ thần kinh.

Các cách thức hoạt động của hệ thần kinh[sửa]

Một quá trình hoạt động thần kinh được bắt đầu bằng một kích thích lên hệ thần kinh hoặc do một tế bào thần kinh tự kích hoạt. Điều này giống như việc bấm vào một lệnh nào đó tên màn hình máy tính. Nhưng các quá trình diễn ra sau khi bấm vào lệnh trên màn hình máy tính với kích thích thần kinh ban đầu là khác nhau. Quá trình làm việc của máy tính là theo những chương trình đã được định sẵn, còn với bộ não thì có hai khả năng xảy ra: một là các kích thích đó sẽ cưỡng bức các tế bào thần kinh tiếp nhận kích thích hoạt động, hai là các kích thích đó kích hoạt sự hoạt động của các tế bào thần kinh theo kiểu “ hô- ứng”, nghĩa là kích thích thần kinh mang nghĩa “kêu gọi”sự hoạt động tự nguyện của các tế bào thần kinh, nếu các tế bào thần kinh đáp ứng sự “ kêu gọi” đó thì quá trình hoạt động thần kinh sẽ diễn ra, còn trong trường hợp không có sự đáp ứng thì quá trình hoạt động thần kinh sẽ không có. Cách thức thứ nhất thường được hệ thần kinh sử dụng trong các hoạt động mang tính bản năng. Chúng ta thường rụt tay lại khi các ngón tay chạm vào cốc nước nóng. Tuy vậy khi các đường liên kết và dẫn truyền thần kinh được thiết lập chắc chắn và cường độ của kích thích thần kinh khá mạnh thì các hoạt động thần kinh mới cũng có thể diễn ra với hình thức cưỡng bức này. Với cách thức thứ hai thì đây là nguyên nhân của rất nhiều vấn đề trong hoạt động thần kinh. Các khả năng sau đây có thể xảy ra trong quan hệ “hô-ứng” giữa các tế bào thần kinh:

  • Không có tế bào thần kinh nào đáp ứng tiếng hô, trong đó bao gồm cả các tế bào nằm trong liên kết với kích thích thần kinh, có nghĩa là các tế bào này có khả năng tiếp nhận kích thích nhưng nó không hoạt động, chúng có thế hoạt động trở lại với các kích thích đó nhưng vào những thời điểm khác. Nguyên nhân là do các tế bào thần kinh đang ở trong trạng thái ức chế hoặc không có năng lượng để hoạt động. Quá trình hoạt động thần kinh không diễn ra trong trường hợp này.
  • Có các tế bào nằm trong cùng một liên kết thần kinh được kích hoạt theo trình tự liên kết. Quá trình hoạt động thần kinh diễn ra mang tính tái hiện lại sự ghi nhớ theo trình tự thông tin được hệ thần kinh tiếp nhận và tạo liên kết ghi nhớ. Điều này gần giống như cách làm việc của máy tính điện tử và nó tương ứng với phương thức phản xạ có điều kiện hoặc phản ứng thần kinh.
  • Có nhiều tế bào thần kinh cùng đáp ứng tiếng hô, trong đó bao gồm các tế bào cùng nằm trong liên kết với kích thích thần kinh và có những tế bào không nằm trong liên kết và đường dẫn truyền với kích thích thần kinh. Sự hoạt động trong trường hợp có nhiều tế bào thần kinh cùng đáp ứng tiếng hô sẽ được thệ thần kinh thực hiện theo phương thức “ưu tiên những kẻ to mồm và nhanh chân”, nghĩa là các tế bào, các nhóm tế bào nào phát ra kích thích thần kinh thứ cấp mạnh hơn hoặc nhanh hơn thì hướng hoạt động thần kinh sẽ được chuyển theo kích thích của các tế bào thần kinh này, còn các hướng hoạt động khác sẽ bị đóng lại hoặc có hoạt động với cường độ yếu nên không được thể hiện rõ đủ mức có thể nhận ra chúng.

Để độc giả có thể hình dung được cách làm việc này, tôi xin đưa ra một ví dụ so sánh: Trong một đám đông gồm rất nhiều người thuộc các quốc gia khác nhau, có một người hô: “ Ai là người Việt nam?”, gần đó chỉ có một người Việt nam nghe thấy và người đó hô tiếp :Ai là người Hà nội?”, tiếp tục chỉ có một người Hà nội nghe thấy và hô: “Ai là người ở quận Ba đình?’’, v.v...Quá trình này tiếp tục ( với mỗi lần chỉ có một người nghe thấy tiếng hô) sẽ là trường hợp thứ hai trên đây. Nếu sau tiếng hô của người đầu tiên có nhiều người nghe thấy và cùng cất tiếng hô như “ai là người Hà nội”, “ Ai là người thành phố Hồ Chí Minh” hoặc “ Ai là người quận Thanh Xuân”... thì nhiều khả năng tiếp theo có thể diễn ra. Nếu quá trình mong muốn là từ người Việt nam đến người Hà nội, đến người quận Ba đình, đến đường Hùng Vương và cuối cùng là tiếng hô “ Nhà hùng biện hãy lên tiếng” ( Cái miệng hãy nói) thì quá trình từ người Việt nam đến người quận Thanh xuân và tiếng hô cuối là “ ca sỹ hãy cất lên tiếng hát” ( cái miệng hãy hát ) sẽ là hành vi sai lạc. Còn quá trình từ người Việt nam đến quận Tân bình rồi đến tiếng hô cuối “ Nhà hùng biện hay lên tiếng” là sự sáng tạo. Sự sáng tạo bao gồm tư duy sáng tạo và hành vi được thực hiện bởi tư duy sáng tạo đó. Sự sai lạc thể hiện bằng các hành vi không mong muốn nhưng chúng vẫn được thực hiện bởi quá trình hoạt động của thần kinh dẫn đến chúng có thể là ngắn hơn hoặc cường độ kích thích thần kinh mạnh hơn, chúng được ưu tiên thực hiện trong khi quá trình hoạt động mong muốn vẫn diễn ra nhưng trong trạng thái ẩn. Còn tư duy sáng tạo là một sự tìm tòi mới tốt hơn cho việc tìm ra các kết quả mong muốn. Sự sáng tạo còn được thực hiện nếu người ở quận Thanh xuân cất tiếng hô “ Nhà hùng biện hãy lên tiếng” thay cho “ ca sỹ hãy cất lên tiếng hát”. Điều kiện để có hành vi sai lạc hoặc tư duy sáng tạo là kích thích thần kinh phải đến được với rất nhiều các phần tử ghi nhớ khác nhau và có nhiều tế bào thần kinh có thể được kích hoạt bởi kích thích đó. Điều kiện thứ nhất liên quan đến liên kết thần kinh. Số lượng các liên kết thần kinh càng lớn thì cơ hội cho các kích thích thần kinh đến được với các tế bào thần kinh khác nhau càng nhiều. Nếu trong quá trình di chuyển trong các đường dẫn truyền thần kinh, các kích thích thần kinh ( mà bản chất là các dòng điện sinh học) còn tạo ra sóng điện từ với tần số nào đó thì chúng còn có thể kích hoạt được các tế bào thần kinh không nằm trong các liên kết thần kinh đã có. Điều kiện thứ hai liên quan đến phổ tiếp nhận kích thích thần kinh. Phổ rộng giúp cho tế bào có thể hoạt động bởi nhiều kích thích khác nhau, còn phổ hẹp thì số lượng các kích thích có thể làm cho chúng hoạt động là rất ít hoặc chỉ có một. Trong ví dụ trên đây, khi tiếng hô “ ai là người Việt nam” cất lên thì người ở quận Thanh xuân đã lên tiếng trước và dẫn đến hành vi sai lạc. Điều này xảy ra bởi người ở quận Thanh xuân không chỉ lên tiếng khi nghe thấy tiếng hô “ Ai là người quận Thanh xuân” mà còn có thể lên tiếng khi nghe thấy “ Ai là người Việt nam?”và “Ai là người Hà nội”... Phổ tiếp nhận của người này là rộng. Nếu phổ tiếp nhận kích thích thần kinh hẹp và trong trường hợp chỉ tiếp nhận được một kích thích duy nhất thì không có hành vi sai lạc và tư duy sáng tạo. Điều đáng buồn hơn ứng với khả năng thứ nhất trên đây là sau khi tiếng hô “Ai là người Việt nam” cất lên mà không có một lời đáp ứng nào, có nghĩa là một người bất chợt ngửng đầu lên và phát hiện có một cành cây đang rơi xuống đầu mình nhưng không có một phản xạ tự vệ nào được thi hành, cành cây cứ thản nhiên rơi xuống đầu người đó.

Cách thức kích hoạt quá trình hoạt động thần kinh theo kiểu “ hô- ứng” đem đến cho hệ thần kinh nhiều ưu điểm:

  • Phản ứng thần kinh diễn ra nhanh và đa dạng do hệ thần kinh không cần phải lục tìm trong kho lưu trữ các phương thức phản ứng đã được ghi nhớ. Khi hệ thần kinh tích luỹ được nhiều kinh nghiệm thì nó sẽ có nhiều phương án xử lý khác nhau với cùng một tác động, và trong từng tình huống cụ thể nó có thể tiến hành lựa chọn giữa các phương án ( khi không cần phản ứng nhanh) hoặc sử dụng phương án xuất hiện đầu tiên trong tình thế cấp bách mà không thực hiện việc đánh giá tình thế hiện tại tương ứng với cách xử lý nào.
  • Bộ não chỉ ghi nhớ những cái chưa được ghi nhớ, còn những cái đã được ghi nhớ và đang được kích hoạt sẽ được bộ não sử dụng vào ghi nhớ cái mới bằng cách thiết lập các đường liên kết thần kinh. Điều này giúp cho bộ não tăng được dung lượng nhớ mà không tốn nhiều các phần tử ghi nhớ, đồng thời tạo ra sự liên hệ giữa các đối tượng ghi nhớ khác nhau và do đó bộ não hình thành khả năng tư duy sáng tạo ( và các hành vi sai lạc). Các đối tượng được ghi nhớ liên hệ với nhau thông qua các điểm ghi nhớ chung. Trong những trường hợp đã có sự ghi nhớ nhưng chúng không được kích hoạt thì bộ não có thể tạo nên một phần tử ghi nhớ để ghi nhớ đối tượng mới và có thể dẫn đến sự kích hoạt đồng thời nhiều phần tử ghi nhớ sau đó.
  • Thiết lập con đường ngắn nhất cho các phản ứng thần kinh. Đây là phương thức tạo ra các liên kết thần kinh giữa các tế bào hoặc nhóm tế bào thần kinh đang hoạt động. Các liên kết này được tạo ra giữa các tế bào thần kinh đầu và cuối của một quá trình hoạt động thần kinh. Trong ví dụ so sánh trên đây, mối liên kết sẽ được thiết lập giữa người hô “ Ai là người Việt nam” với người ở đường Hùng Vương để tiếng hô “ Nhà hùng biện hãy lên tiếng” mà không phải trải qua lần lượt các liên kết đã có. Đây là phương pháp của tư duy sáng tạo. Nó khác với phương pháp của tư duy kinh nghiệm là làm cho các liên kết đã có bền vững hơn. Quá trình tư duy kinh nghiệm phải trải qua toàn bộ các phần tử đã ghi nhớ còn tư duy sáng tạo sẽ tìm con đường tắt để đi đến cùng một kết quả như tư duy kinh nghiệm. Cách thiết lập liên kết thần kinh giữa các tế bào thần kinh đang hoạt động còn được thực hiện giữa các tế bào thần kinh thuộc các khu vực ghi nhớ tiếp nhận các kích thích cảm giác khác nhau của cùng đối tượng. Điều này giúp cho hệ thần kinh chuyển đổi được cách tư duy. Khi một người nhìn thấy một vật thể và nghe người khác gọi đó là ô tô thì lần sau chỉ cần nghe thấy hai tiếng ô tô là người đó có thể tưởng tượng thấy chiếc ô tô.
  • Tạo khả năng cho bộ não có thể bổ xung, điều chỉnh, thay thế, chọn lọc các thông tin về đối tượng đang được xem xét và tạo nên các hiệu quả đặc biệt trong hoạt động thần kinh như:
    • Giúp nhận rõ đối tượng.. Trong thực tế có rất ít đối tượng cung cấp đủ thông tin để hệ thần kinh nhận ra chúng, đối tượng càng phức tạp thì lượng thông tin về đối tượng càng khó được tiếp nhận đầy đủ và điều này còn khó khăn hơn khi các đối tượng áp dụng các biện pháp nguỵ trang, ẩn khuất...Hiệu ứng “ hô-ứng” sẽ kích hoạt các thông tin về đối tượng đã được ghi nhớ trước đó nhưng không được tiếp nhận trong hiện tại hoặc những thông tin giống các thông tin đó để làm rõ đối tượng. Nếu điều này không xảy ra thì đối tượng không được nhận diện hoặc nhận diện sai. Điều này lý giải tại sao nhiều loài côn trùng dùng biện pháp nguỵ trang có thể thoát khỏi tầm mắt của các loài động vật ăn thịt nhưng không thoát khỏi sự nhận diện của mắt người.
    • Sự chọn lọc các thông tin chủ yếu, đặc trưng giúp cho việc tóm tắt, khái quát hoá, xây dựng cái nhìn tổng thể, bao quát về đối tượng giúp cho việc nhận diện đối tượng dễ dàng hơn mà không cần phải huy động toàn bộ các thông tin về đối tượng cho việc nhận diện đối tượng.
    • Sự thay thế, điều chỉnh thông tin là cơ sở của sự sáng tạo trong hoạt động thần kinh. Trong ví dụ trên, sự sáng tạo được thể hiện bằng sự thay thế quá trình từ “ Ai là người Hà nội?” bằng quá trình “Ai là người thành phố Hồ Chí Minh?” để đi đến cùng một kết quả. Đây là sự thay thế, còn sự điều chỉnh là trong quá trình tư duy, một sự tác động thêm sẽ dẫn đến một kết quả khác tốt hơn.

Tuy vậy, cách thức “hô - ứng”cũng đem đến nhiều phiền toái. Cái phiền toái đầu tiên là các hành vi sai lạc. Phiền toái thứ hai tạo ra sự nhận thức nhầm lẫn. Điều này có nghĩa là những ưu điểm đồng thời cũng thường đi kèm với các nhược điểm. Sự nhận thức sáng tạo có thể giúp cho bộ não nhận thức đối tượng đầy đủ hơn, rõ ràng hơn so với thông tin mà nó nhận được từ đối tượng qua các cơ quan cảm giác. Nhưng cũng với cách bổ xung thông tin mà đối tượng có thể bị thêm những cái không phải của nó. ( Có nhiều tác giả cho rằng sự xuất hiện thêm thông tin này là sự ghi nhớ tinh thần). Khi trong não hình thành những điểm ghi nhớ về một đối tượng, một vấn đề gì đó mà các điểm này dễ được kích hoạt với nhiều kích thích khác nhau và kích thích thứ cấp do chúng tạo ra mạnh đến mức có thể kìm hãm mọi sự kích hoạt khác – chúng là những kẻ nhanh chân và to mồm- thì mọi quá trình hoạt động thần kinh đều bị hướng theo sự hoạt động của các điểm ghi nhớ này mà không thể đi đến những kết quả mong muốn, mọi con đường đều đến thành Rôm, còn mọi ý nghĩ trong trường hợp này đều rơi vào một hố. Trong một số trường hợp, quá trình hoạt động thần kinh này có thể tạo nên sự chống đối, sự phản kháng những quá trình hoạt động đúng đắn và cần thiết. Quá trình hoạt động thần kinh có thể không xảy ra sự sai lạc, nhưng kết quả là một sự sai lạc.

Sự giống và khác nhau giữa hành vi sai lạc, giấc mơ và tư duy sáng tạo[sửa]

So sánh sự giống và khác nhau giữa hành vi sai lạc, các giấc mơ và tư duy sáng tạo ở đây không giống với cách so sánh bình thường bởi có ba đối tượng cùng được đưa ra so sánh. Có những điểm giống hoặc khác nhau cho cả ba, nhưng cũng có những điểm giống và khác nhau trong từng cặp. Vì vậy tác giả bài viết không phân tích vấn đề theo các đề mục mà chỉ nêu vấn đề, bạn đọc tự phân tích, sắp xếp. Điều này sẽ giúp cho bạn đọc nắm chắc vấn đề hơn. Chúng ta dễ dàng thấy điểm chung nhất của ba đối tượng đang được xem xét trên đây là chúng diễn ra trong hệ thần kinh ( xin bạn đọc lưu ý đến quy ước đã nêu ở trên kia là chúng ta coi hành vì sai lạc là một hoạt động thần kinh, còn trong thực tế thì không phải như vậy, quy ước này đặt ra theo cách gọi của Freud và nó giúp cho việc hiểu vấn đề dễ hơn). Vì chúng diễn ra trong hệ thần kinh nên chúng hoạt động theo phương thức hoạt động của hệ thần kinh đã làm cho chúng hoạt động. Có nghĩa là tính chất của chúng chịu ảnh hưởng của các phương thức hoạt động của hệ thần kinh hay chịu ánh hưởng của bộ não nơi chúng diễn ra. Chúng vận động không phải do cưỡng bức mà vận động theo kiểu “ Hô-ứng”. Cường độ hoạt động, thời gian hoạt động, quy mô hoạt động của chúng phụ thuộc vào các yếu tố như số lượng các đối tượng được ghi nhớ, số lượng và tính chất của các liên kết thần kinh, các kích thích thần kinh hiện tại, trạng thái của hệ thần kinh của từng nhóm, từng tế bào thần kinh, môi trường của hệ thần kinh. Sự khác nhau giữa hành vi sai lạc và giấc mơ và tư duy sáng tạo là hành vi sai lạc chỉ xảy ra khi hệ thần kinh đang ở trong trạng thái hưng phấn cao, và do đó nó không xảy ra trong giấc ngủ. Sự khác biệt giữa tư duy sáng tạo với hai đối tượng còn lại là tư duy sáng tạo hoạt động trong sự kiểm soát của hệ thần kinh, vì vậy các kết quả hoạt động thần kinh mang lại kết quả tốt. Kết qủa của hành vi sai lạc chỉ được nhận ra sau khi hành vi đã được thực hiện. Kết quả tốt của giấc mơ thường chứa tính may mắn. Sự giống nhau giữa hành vi sai lạc và tư duy sáng tạo là chúng cần có kích thích ban đầu và có nhiều quá trình hoạt động kinh cùng diễn ra, còn giấc mơ thì chỉ có một quá trình. Sự giống nhau giữa tư duy sáng tạo và giấc mơ là chúng có thể tiếp nhận các kích thích mới tham gia vào quá trình hoạt động của chúng. Sự tham gia này có thể làm chuyển hướng, thay đổi diến biến và kết quả hoạt động. Vì dụ về điều này cho giấc mơ đẫ nêu trên đây. Còn với tư duy sáng tạo là quá trình diễn ra chủ yếu trong trạng thái hưng phấn của hệ thần kinh, các cơ quan cảm giác đang hoạt động nên điều này rất dễ xảy ra và cách để phát huy tốt nhất là sự làm việc, sáng tạo tập thể. Nhiều sáng tạo mới ra đời nhờ sự góp ý của người khác. Hành vi sai lạc là kết quả của một quá trình hoạt động thần kinh không mong muốn, chúng được kích hoạt bởi một kích thích của một quá trình hoạt động khác, chúng giống như một nhánh cây bị bệnh mọc cùng với nhánh cây chính nhưng cho ra hoa kết quả trước, còn tư duy sáng tạo được kích hoạt bởi một yêu cầu sáng tạo và cũng gồm nhiều nhánh cây như hành vi sai lạc, chỉ có điểm khác là nhánh tốt nhất sẽ được chọn. Nguồn kích hoạt các giấc mơ là đa dạng và khó xác định ( trong một số trường hợp có thể xác định được). Sự thể hiện của hành vi sai lạc là các hành vi không phù hợp với hoàn cảnh hiện tại và ý muốn của người thực hiện hành vi, sự thể hiện của tư duy sáng tạo có thể là các hình ảnh hoặc lời nói,âm thanh trong não của người tư duy, còn thể hiện chủ yếu của giấc mơ là hình ảnh, đôi khi giấc mơ mơ được thể hiện ra bên ngoài bằng hành vi mà mộng du là một trường hợp. Tư duy sáng tạo nhằm tìm ra cách thể hiện, cách trình bày một nội dung đã có bằng một hình thức tốt nhất, một cách làm mới hiệu quả nhất, tạo ra các tính năng, phẩm chất mới cho các sản phẩm đang sử dụng…cho nên quá trình tư duy diễn ra trong thời gian dài, còn hành vi sai lạc mang tính bột phát và diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn. Thời lượng của giấc mơ không xác định nhưng cũng không dài.

Trong suy nghĩ của nhiều người ( và có thể là phần lớn), tư duy sáng tạo được coi là một thứ cao quý, còn hành vi sai lạc là một thứ tầm thường, còn giấc mơ vừa bí hiểm vừa vô bổ. Freud cho rằng nguyên nhân của hành vi sai lạc và các giấc mơ là sự dồn nén tính dục và ông không nghiên cứu về tư duy sáng tạo. Sự nhìn nhận như vậy sẽ dễ dẫn đến sự đánh giá không đúng. Việc quá coi trọng tư duy sáng tạo sẽ làm cho nhiều người không dám thực hiện tư duy sáng tạo hoặc bỏ qua những sáng tạo nhỏ. Sự tầm thường hóa hành vi sai lạc dẫn đến việc cứ để chúng xảy ra tạo nên các thói quen khó bỏ. Mặt khác, có một số đặc điểm của hành vi sai lạc giống với tư duy sáng tạo, vì vậy hành vi sai lạc cũng biểu hiện cho khả năng sáng tạo, còn giấc mơ thì tùy theo tính chất gần gũi hay xa là mà chúng biểu hiện cho năng lực phản ứng thần kinh, năng lực sáng tạo hay năng lực trí tuệ. Những giấc mơ về tình trạng cơ thể còn có ý nghĩa phản ánh về sức khỏe hiện tại. Không biết Freud sẽ nghĩ gì khi có người nói rằng khát vọng khám phá và sự sáng tạo của ông về phân tâm học cũng là sự “dồn nén tính dục” ?

Liên kết đến đây