Uống thuốc

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Nhiều người trưởng thành và trẻ em thường gặp khó khăn trong việc uống thuốc cho dù nghe thì có vẻ như đây là một nhiệm vụ khá dễ dàng. Nỗi sợ bị nghẹn khiến cổ họng thắt chặt để giữ viên thuốc trong miệng cho đến khi bạn nhổ nó ra. May mắn thay, có khá nhiều phương pháp giúp bạn giải quyết vấn đề để bạn có thể thư giãn, vượt qua nỗi sợ nghẹn, và uống thuốc dễ dàng hơn.

Các bước[sửa]

Uống Thuốc kèm Thức ăn[sửa]

  1. Ăn bánh mì. Nếu bạn dự định uống thuốc và viên thuốc dường như không thể trôi xuống cổ họng bạn, hãy ăn một mẩu bánh mì. Xé một mẩu bánh mì nhỏ và nhai trong miệng cho đến khi bạn sắp phải nuốt nó. Trước khi nuốt, hãy đặt viên thuốc vào lượng bánh mì trong miệng. Sau đó ngậm miệng và nuốt thức ăn kèm theo viên thuốc. Viên thuốc sẽ dễ dàng trôi xuống cổ họng bạn.[1]
    • Bạn cũng có thể sử dụng bánh vòng, bánh quy giòn hoặc bánh quy thông thường. Chúng cũng có kết cấu tương tự như bánh mì và có thể giúp bạn dễ dàng nuốt thuốc và thức ăn.
    • Bạn cũng có thể uống thêm một cốc nước ngay sau đó để thuốc dễ dàng di chuyển xuống dạ dày hơn.
    • Một vài loại thuốc cần phải được uống trước khi ăn. Hãy kiểm tra hướng dẫn sử dụng của loại thuốc mà bạn đang dùng để xem liệu bạn có cần phải uống thuốc khi chưa ăn gì hay không.
  2. Cắt một viên kẹo dẻo hình gấu. Để có thể uống thuốc dễ dàng hơn, bạn có thể đặt viên thuốc vào bên trong một viên kẹo dẻo hình gấu. Hãy cắt một đường nhỏ trên phần bụng của chú gấu kẹo dẻo. Sau đó nhét thuốc vào bên trong. Ăn kẹo dẻo, nhưng nhớ đừng nhai; một vài loại thuốc có thể thay đổi thời gian phát huy tác dụng nếu bạn nhai nó. Bạn chỉ cần nuốt nó, sau đó nhanh chóng uống nước.[2]
    • Phương pháp này có thể gây khó khăn cho bạn nếu bạn không thể nuốt viên kẹo dẻo. Bạn có thể sẽ cần phải luyện tập nhiều lần.
    • Biện pháp này đặc biệt hiệu quả đối với trẻ em. Giấu viên thuốc vào viên kẹo dẻo hình gấu sẽ giúp trẻ có thể yên tâm uống thuốc.
  3. Đặt thuốc trong mật ong hoặc bơ lạc. Bạn có thể uống thuốc kèm mật ong hoặc bơ lạc vì chúng giúp viên thuốc có thể dễ dàng trượt xuống cổ họng của bạn. Hãy sử dụng một thìa đầy mật ong hoặc bơ lạc. Sau đó cho viên thuốc vào giữa hỗn hợp trên thìa. Hãy chắn chắn rằng bạn nhấn chìm thuốc trong hỗn hợp. Sau đó, nuốt trọn thìa mật ong hoặc bơ lạc kèm theo viên thuốc. Cuối cùng, hãy uống thêm nước.[1]
    • Bạn cần phải uống nước trước và sau khi sử dụng phương pháp này. Mật ong và bơ lạc thường khá sệt và chúng có thể sẽ di chuyển khá chậm xuống cổ họng bạn. Cung cấp độ ẩm cho cổ họng trước và sau khi sử dụng biện pháp này có thể giúp bạn nuốt hỗn hợp nhanh hơn và không gây nghẹn.
  4. Sử dụng thức ăn mềm. Nếu bạn không thể uống thuốc kèm bánh mì, hãy thử cho thuốc vào các loại thực phẩm mềm chẳng hạn như nước sốt táo, sữa chua, kem, bánh pudding, hoặc rau câu. Đây là phương pháp phổ biến thường được bệnh viện sử dụng cho bệnh nhân gặp khó khăn trong vấn đề nuốt. Hãy chuẩn bị một đĩa thức ăn nhỏ. Cho viên thuốc vào thức ăn. Ăn một ít thức ăn trước khi bạn tiến đến mẩu thức ăn có chứa viên thuốc. Sau đó hãy ăn mẩu thức ăn đó. Bạn sẽ có thể dễ dàng nuốt thuốc hơn.[1]
    • Nên nhớ đừng nhai viên thuốc.
  5. Luyện tập trước với một viên kẹo nhỏ. Một trong những lý do chủ yếu khiến mọi người gặp khó khăn trong việc uống thuốc chính là cổ họng của họ phản kháng trước sự hiện diện của thuốc khiến cho các cơ trong cổ họng căng lên. Để vượt qua tình trạng này, bạn có thể luyện tập nuốt một viên kẹo nhỏ để cổ họng của bạn quen dần với việc nuốt trọn một thứ gì đó mà không bị nghẹn hoặc bị thương. Sử dụng một viên kẹo nhỏ chẳng hạn những loại kẹo màu nhỏ, kẹo sôcôla M&M nhỏ, hoặc kẹo Nerd. Cho kẹo vào miệng như khi bạn thực hiện với viên thuốc và uống chúng với nước. Lặp lại cho đến khi bạn cảm thấy thoải mái với kích cỡ của chúng.
    • Tiếp theo, hãy chuyển sang loại kẹo có kích thước to hơn chẳng hạn như kẹo Skittle, kẹo M&M cỡ thông thường, kẹo dẻo Jelly Belly, hoặc Tic Tac. Lặp lại kỹ thuật tương tự cho đến khi bạn cảm thấy thoải mái với kích cỡ của kẹo.[3]
    • Luyện tập mỗi ngày trong khoảng 10 phút cho đến khi bạn có thể nuốt trọn một viên kẹo có kích cỡ và hình dạng tương tự như viên thuốc mà bạn phải uống.
    • Phương pháp này cũng sẽ giúp trẻ nhỏ uống thuốc. Nhưng bạn cần nhớ giải thích cho lũ trẻ hiểu rằng uống thuốc là một hành động rất quan trọng và không nên nghĩ rằng thuốc cũng giống như kẹo.
  6. Ăn quýt. Hãy cố gắng nuốt trọn một múi quýt. Sau khi bạn đã quen với nó, hãy nhét viên thuốc vào bên trong múi quýt và nuốt trọn. Kết cấu trơn mượt của quýt sẽ giúp thuốc dễ dàng di chuyển xuống cổ họng.[4]
    • Uống nước sau khi thực hiện biện pháp này để bảo đảm rằng thuốc hoàn toàn có thể trượt xuống dạ dày một cách dễ dàng.

Uống Thuốc với Chất lỏng[sửa]

  1. Uống một hớp nước mát. Khi bạn uống thuốc, bạn cần phải chắc chắn rằng cổ họng của bạn được cung cấp càng nhiều độ ẩm càng tốt để thuốc có thể dễ dàng di chuyển. Uống một vài hớp nước lọc trước khi uống thuốc. Đặt thuốc gần phía cuống lưỡi, sau đó uống nước cho đến khi bạn có thể nuốt trọn thuốc.
    • Uống thêm một vài ngụm nước sau khi thuốc đã trượt xuống cổ họng để thuốc có thể dễ dàng di chuyển đến dạ dày.
    • Bạn nên sử dụng nước mát hoặc nước có nhiệt độ tương tự với nhiệt độ phòng, nhưng không quá lạnh hoặc quá nóng.[3]
  2. Uống thuốc với một ngụm nước. Đặt viên thuốc trên lưỡi. Hớp một ngụm nước to và nuốt nước, nhưng không nuốt viên thuốc. Tiếp theo, hớp một ngụm nước thứ hai và nuốt nước kèm theo thuốc. Sau đó, uống một ngụm nước cuối cùng để giúp thuốc có thể dễ dàng di chuyển.
    • Sau ngụm nước đầu tiên, cổ họng của bạn sẽ mở to, giúp thuốc có thể trượt xuống cổ họng của bạn, và ngụm nước thứ hai sẽ không khiến cổ họng của bạn mở rộng hơn.[5]
  3. Sử dụng ống hút. Đối với nhiều người, sử dụng ống hút để uống nước lọc hoặc nước giải khát sẽ giúp viên thuốc có thể dễ dàng di chuyển xuống cổ họng. Đặt thuốc tại vị trí gần cuống lưỡi. Sử dụng ống hút để uống một loại nước nào đó và nuốt nó kèm theo viên thuốc của bạn. Tiếp tục uống thêm một vài ngụm nước sau khi bạn đã nuốt thuốc để giúp thuốc có thể trôi xuống dạ dày.
    • Hành động hút nước vào miệng thông qua một chiếc ống hút sẽ giúp bạn có thể dễ dàng nuốt thuốc hơn.[3][5]
  4. Uống nhiều nước trước khi uống thuốc. Nhiều người cảm thấy rằng uống nhiều nước giúp viên thuốc có thể dễ dàng di chuyển hơn. Ngậm một ngụm nước đầy. Mở hé khóe môi của bạn đủ để có thể đưa thuốc vào bên trong miệng. Tiếp theo, hãy nuốt trọn ngụm nước đầy và thuốc cùng một lúc.
    • Nếu bạn có cảm giác rằng thuốc bị mắc kẹt trong cổ họng, bạn có thể uống thêm nước sau khi nuốt thuốc.
    • Lắp đầy khoang miệng với khoảng 80% nước. Nếu bạn ngậm quá nhiều nước, bạn sẽ khó có thể nuốt toàn bộ nước cùng một lúc và như vậy thì phương pháp này sẽ kém hiệu quả hơn.
    • Bạn có thể sẽ cảm nhận được nước hoặc viên thuốc trong cổ họng của bạn. Trạng thái này sẽ không kích thích phản ứng nôn mửa của bạn và hoàn toàn vô hại.
    • Bạn có thể sử dụng nước giải khát thay cho nước lọc.[3]
  5. Giúp trẻ nhỏ uống thuốc. Trẻ 3 tuổi có thể uống thuốc viên. Ở độ tuổi này, con của bạn sẽ khó có thể hiểu rõ hành động nuốt thuốc hoặc sẽ sợ bị nghẹn. Nếu bạn gặp phải trường hợp này, hãy hướng dẫn cho trẻ hiểu rõ chuyện gì đang xảy ra. Một phương pháp đơn giản mà bạn có thể sử dụng để giúp trẻ uống thuốc đó là đưa cho trẻ một cốc nước và bảo trẻ ngậm nước trong miệng trong tư thế nhìn lên trần nhà. Đút gọn viên thuốc vào miệng trẻ và chờ cho đến khi viên thuốc di chuyển đến vị trí cuống họng. Sau một ít phút, hãy bảo trẻ nuốt, và viên thuốc kèm theo nước sẽ di chuyển xuống cổ họng của trẻ.[6]
    • Bạn có thể sử dụng phương pháp uống thuốc kèm đồ ăn hoặc nước giải khát để giúp trẻ uống thuốc trừ khi biện pháp này không phù hợp.

Sử dụng Kỹ thuật Thay thế[sửa]

  1. Sử dụng phương pháp “tu chai” (pop-bottle). Cho nước vào một chai nhựa. Đặt thuốc trên lưỡi. Tiếp theo, ngậm chặt môi trên miệng chai nước. Ngả đầu về phía sau và uống nước. Duy trì trạng thái ngậm chặt môi trên miệng chai và sử dụng động tác hút để uống nước. Nước và thuốc sẽ di chuyển xuống cổ họng của bạn.
    • Không để không khí lọt vào bên trong chai khi bạn uống nước.
    • Phương pháp này sẽ đem lại hiệu quả cao hơn khi bạn sử dụng để nuốt thuốc viên loại lớn.[7][8]
    • Hành động hút nước sẽ khiến cổ họng mở rộng hơn và giúp bạn dễ dàng nuốt thuốc hơn.
    • Phương pháp này chỉ dành cho người trưởng thành, không nên sử dụng cho trẻ nhỏ.
  2. Thực hiện phương pháp “cúi đầu”. Đối với phương pháp này, trước hết bạn cần đặt viên thuốc trên lưỡi. Tiếp theo, ngậm một ngụm nước nhưng đừng nuốt. Cúi đầu về phía trước. Hãy để viên thuốc con nhộng (viên nang) trôi về phía cuống họng và sau đó hãy nuốt thuốc.
    • Phương pháp này sẽ đem lại hiệu quả cao khi sử dụng cho loại thuốc con nhộng.[7][8]
    • Bạn cũng có thể sử dụng phương pháp này cho con của bạn. Sau khi trẻ đã ngậm một ngụm nước trong miệng, hãy bảo trẻ nhìn xuống sàn nhà trong khi bạn đút nhanh thuốc con nhộng vào miệng của trẻ. Thuốc sẽ nổi trên mặt nước trong miệng trẻ và trẻ sẽ có thể nuốt trọn cả nước lẫn thuốc.[6]
  3. Thư giãn. Lo lắng cũng là nhân tố quan trọng ngăn cản bạn nuốt thuốc. Thư giãn rất cần thiết. Nếu bạn lo lắng, cơ thể của bạn sẽ lâm vào tình trạng căng cơ và bạn sẽ khó có thể uống thuốc. Để ngăn ngừa tình trạng này, bạn cần phải thư giãn. Ngồi xuống, cầm lấy một cốc nước và thực hiện bất kỳ điều gì khiến bạn có thể giải tỏa lo lắng. Tìm nơi yên tĩnh, lắng nghe loại nhạc giúp bạn bình tĩnh lại, hoặc ngồi thiền.
    • Biện pháp này sẽ giúp xoa dịu dây thần kinh của bạn và phá vỡ mối liên kết giữa việc uống thuốc với tình trạng căng thẳng để bạn không buồn nôn.
    • Nếu bạn gặp khó khăn, bạn có thể trò chuyện với bác sĩ tâm lý để bác sĩ có thể giúp bạn vượt qua sự lo lắng khi phải uống thuốc.[3]
    • Nếu bạn đang cố gắng giúp con của bạn uống thuốc, hãy xoa dịu tinh thần của trẻ bằng cách làm trẻ phân tâm trước khi yêu cầu trẻ uống thuốc. Hãy đọc truyện cho trẻ, chơi trò chơi cùng trẻ, hoặc tìm hoạt động giúp trẻ thư giãn trước khi yêu cầu trẻ uống thuốc. Trẻ càng bình tĩnh bao nhiêu thì sẽ càng dễ dàng uống thuốc bấy nhiêu.
  4. Xoa dịu nỗi sợ hãi của bạn. Có thể bạn sợ rằng viên thuốc sẽ không vừa với cổ họng của bạn, đặc biệt nếu viên thuốc đó khá to. Để có thể loại bỏ nỗi sợ hãi này, hãy đứng trước một chiếc gương. Mở miệng và nói "ahhhhh." Cách này sẽ giúp bạn nhận thức được cổ họng của bạn to đến mức nào và giúp bạn biết rằng viên thuốc sẽ hoàn toàn có thể chui lọt qua nó.[3]
    • Bạn cũng có thể sử dụng gương để đặt thuốc trên lưỡi. Bạn càng đặt viên thuốc gần cuống lưỡi bao nhiêu thì quãng đường mà thuốc phải di chuyển trước khi bạn nuốt thuốc sẽ ngắn đi bấy nhiêu.
    • Bạn cũng có thể sử dụng phương pháp này cho con của bạn nếu trẻ sợ bị nghẹn khi uống thuốc. Hãy cùng trẻ thực hiện để cho trẻ biết rằng bạn hiểu rõ nỗi sợ hãi của trẻ, nhưng hãy nhớ cố gắng thuyết phục trẻ rằng không có gì phải sợ.
  5. Tìm các loại thuốc thay thế khác. Nhiều loại thuốc được bào chế dưới nhiều dạng khác nhau. Bạn có thể sẽ tìm được loại thuốc mà bạn đang sử dụng dưới dạng chất lỏng, miếng dán, kem, thuốc hít, thuốc đạn, hoặc thuốc dạng hòa tan trong nước. Tham khảo ý kiến của bác sĩ để có thể lựa chọn các dạng thuốc khác, đặc biệt nếu bạn gặp khó khăn trong việc uống thuốc viên, cho dù bạn đã thử qua mọi phương pháp.[9]
    • Không nên sử dụng một loại thuốc khác hoặc tìm một cách khác để uống thuốc trừ khi bác sĩ của bạn cho phép. Không nên nghiền thuốc để chúng có thể hòa tan trong nước hoặc sử dụng thuốc viên theo kiểu thuốc đạn. Luôn nhớ tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi bạn tiến hành thay đối cách uống thuốc.

Lời khuyên[sửa]

  • Tìm mua thuốc viên có một lớp phủ bên ngoài. Loại thuốc này dễ dàng di chuyển xuống cổ họng hơn và chúng thường có mùi vị khá tệ nếu bạn để chúng trên lưỡi quá lâu.
  • Thử uống thuốc với nước ngọt hoặc loại nước có mùi vị khác. Chúng sẽ giúp loại bỏ mùi vị của thuốc. Tuy nhiên một vài loại thuốc chữa bệnh không được dùng chung với nước ngọt hoặc nước trái cây. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu bạn quan tâm đến phương pháp này.
  • Tất cả mọi phương pháp được liệt kê trong bài viết này có thể được dùng để giúp trẻ nhỏ uống thuốc trừ những phương pháp đã được ghi chú là không nên sử dụng cho trẻ nhỏ. Hãy chắc chắn rằng bạn nhận thức rõ về kích cỡ của thực phẩm mà trẻ sẽ ăn.
  • Giảm thiểu thời gian giữ thuốc trên lưỡi. Bạn nên hình thành thói quen đặt thuốc trên lưỡi và nhanh chóng uống nước.
  • Bạn cũng có thể sử dụng một quả chuối đã được nhai trong miệng để thay thế nước.
  • Sử dụng thuốc dạng lỏng hoặc dạng thạch để có thể dễ dàng nuốt thuốc hơn.
  • Không được nghiền nhỏ thuốc trừ khi bác sĩ hoặc dược sĩ cho phép. Một vài loại thuốc có thể mất tác dụng nếu chúng bị nghiền nhỏ hoặc bị phóng thích quá sớm.[7]

Cảnh báo[sửa]

  • Không nên sử dụng thuốc chữa bệnh thật sự để luyện tập hoặc để đùa nghịch.
  • Giữ thuốc tránh xa khỏi tầm tay của trẻ em. Nhiều loại thuốc được bào chế với hương vị đặc biệt để thuốc có mùi vị ngon hơn. Trẻ nhỏ thường thích những mùi vị này, dẫn đến tiêu thụ chúng quá liều. Không bao giờ được nói với trẻ nhỏ rằng thuốc là kẹo.
  • Luôn nhớ tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ khi bạn muốn sử dụng bất kỳ một loại chất lỏng nào không phải là nước lọc để uống thuốc. Nhiều loại thuốc có thể mất tác dụng, hoặc thậm chí tạo nên tác dụng phụ không mong muốn khi được hòa trộn với các loại nước giải khát hoặc thực phẩm cụ thể. Ví dụ, một vài loại thuốc kháng sinh không bao giờ được dùng chung với các sản phẩm được chế biến từ sữa.
  • Nếu bạn vẫn gặp khó khăn trong việc uống thuốc, có thể bạn đang mắc phải tình trạng nuốt khó, rối loạn nuốt. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ về tình trạng này. Tuy nhiên, điều quan trọng mà bạn nên nhớ đó là người mắc bệnh khó nuốt thường cũng sẽ gặp khó khăn trong việc nuốt thức ăn chứ không chỉ riêng đối với thuốc viên.
  • Không nên uống thuốc khi đang nằm. Hãy ngồi hoặc đứng lên.[3]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây