Về vấn đề dạy học ngoại ngữ ở trường Đại học Bách Khoa Hà Nội

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Tóm tắt[sửa]

Bài viết đề cập vấn đề về dạy học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh hiện nay ở trường Đại học Bách Khoa Hà Nội nói riêng. Cần xác lập được những quan điểm và nguyên tắc phù hợp với điều kiện dạy học ở trường đại học kĩ thuật để sinh viên có thể đạt được trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu cho công việc sau khi tốt nghiệp.

Abstract[sửa]

This article is written about studying foreign languages in general, about teaching and learning English in particular at Hanoi University of Technology nowadays. There are needed methods of teaching and learning foreign languages for technical students requiring special level of knowing foreign languages in order to be able to use it at work after University.

Nội dung[sửa]

Nghị quyết TW2 về giáo dục và đào tạo khoa học và công nghệ đã nêu rõ nhiệm vụ cấp bách của nghành giáo dục trong việc đào tạo nhân tài, tạo nguồn nhân lực cho đất nước, phục vụ tốt sự nghiệp Công nghiệp hóa và Hiện đại hóa. Do vậy, trong giai đoạn hiện nay, quá trình dạy học trong đó có dạy học ngoại ngữ ở các trường đại học kĩ thuật có vị trí và nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có tác dụng góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập của Việt Nam vào cộng đồng các nước tiên tiến trong khu vực và trên toàn thế giới. Tác động của chính sách mở cửa, của cuộc cách mạng xã hội, cách mạng khoa học và công nghệ đối với giáo dục nói chung, đối với nhà trường nói riêng đòi hỏi phải xác định tiêu chuẩn dạy học có chất lượng và hiệu quả theo quan điểm công nghệ dạy học.

Theo UNESCO, công nghệ dạy học là một khoa học về giáo dục, xác lập các nguyên tắc hợp lí nhất để tổ chức quá trình dạy học nhằm đạt chất lượng và hiệu quả cao dựa trên cơ sở kế thừa toàn bộ thành tựu của nhân loại. Dạy học có chất lượng là thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ dạy học của nhà trường. Dạy học có hiệu quả là đáp ứng đúng và kịp thời các yêu cầu của nền kinh tế xã hội. Dạy học ngoại ngữ trong môi trường không chuyên như ở trường Đại học Bách Khoa Hà Nội là một ví dụ. Ở đây, trong quá trình giảng dạy ngoại ngữ, giảng viên giúp sinh viên nắm vững những tri thức và kĩ năng kĩ xảo về công nghệ học ngoại ngữ trong môi trường kĩ thuật và ngoài môi trường tiếng đang học. Những tri thức đó phải cơ bản, hiện đại và sát thực tế Việt Nam nhất. Chúng không những giúp sinh viên hình dung được bức tranh khái quát về phương pháp học ngoại ngữ nói chung, mà còn nắm bắt được các phương pháp học ngoại ngữ chuyên ngành nói riêng để phục vụ cho công việc sau này. Cần thiết phải làm cho sinh viên yêu thích môn học mình phụ trách, cảm nhận được niềm vui trong học tập và nghiên cứu khoa học.

Cuộc cách mạng xã hội, cách mạng khoa học và công nghệ đòi hỏi giáo dục có hiệu quả, tức là đáp ứng kịp thời các yêu cầu của nền kinh tế xã hội với sự chi phí tối ưu thời gian, sức lực, tiền của của Nhà nước, nhân dân, của thầy và trò trong quá trình dạy và học. Chúng ta thấy rất rõ rằng dạy và học luôn nằm trong quá trình liên kết hữu cơ. Quá trình dạy và học là quá trình nhận thức độc đáo của sinh viên dưới sự điều khiển của giảng viên, là quá trình hai mặt (dạy và học) nhằm đạt được các nhiệm vụ dạy học, đạt được chất lượng và hiệu quả dạy học.

Dạy là quá trình tổ chức sử dụng các thủ pháp thích hợp dẫn dắt người học thâm nhập vào môi trường ngôn ngữ, nhận thức các hiện tượng và hành vi ngôn ngữ để từ đó hình thành các kĩ năng nói, nghe, đọc, viết và dịch. Trong quá trình này, sinh viên phải luôn hoạt động tích cực, phải được tăng cường, củng cố và xác nhận đúng, sai ngay. Học là quá trình hoạt động tự giác, tích cực của sinh viên nhằm phát triển trí tuệ, thể chất và hình thành nhân cách của bản thân. Như vậy, học là hoạt động nhằm thay đổi, phát triển bản thân mình cho phù hợp với yêu cầu của xã hội. Nói cách khác, học là nhằm biến những yêu cầu của xã hội thành những phẩm chất và năng lực của cá nhân.

Quá trình dạy và học là một hệ thống cân bằng động gồm nhiều nhân tố tác động qua lại lẫn nhau theo những qui luật và nguyên tắc nhất định nhằm thực hiện các nhiệm vụ dạy và học, đạt chất lượng và hiệu quả dạy học. Ở đây, cần chú ý đến các nguyên tắc cơ bản như nguyên tắc dạy học phải xuất phát từ đầu vào, học sinh là trung tâm; nguyên tắc hoạt động; nguyên tắc học theo các đoạn ngắt; nguyên tắc xác nhận ngay.

Về bản chất, giảng dạy là quá trình thiết kế và góp phần thi công của giảng viên, học tập là quá trình tự thiết kế và trực tiếp thi công của sinh viên với sự hướng dẫn và hỗ trợ của giảng viên nhằm đạt được chất lượng và hiệu quả.

Trong quá trình dạy và học, việc xây dựng động cơ học tập đúng đắn cho sinh viên là rất cần thiết. Chúng tôi cho rằng mục đích dạy và học theo lối trung bình chủ nghĩa cần được xóa bỏ, sinh viên cần hiểu học là để chuẩn bị hành trang vào đời trước hết là cho chính bản thân mình, sau đó là cho gia đình và cho xã hội. Sinh viên cần học tốt để sau này làm việc tốt, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam và hội nhập vào cộng đồng quốc tế. Việc xác định rõ trình độ ban đầu của người học là cần thiết trong quá trình dạy và học. Giảng viên có thể tác động đến người học một cách trực tiếp bằng nhân cách của mình qua cư xử và trường sinh học. Năng lực kiến thức ngoại ngữ và khả năng truyền đạt có tác động rất mạnh đến sinh viên. Giảng viên có khả năng nghe, nói, đọc, viết và dịch tốt, truyền đạt hấp dẫn sẽ làm cho sinh viên say mê môn học và đạt chất lượng, hiệu quả trong học tập. Việc dạy và học ngoại ngữ tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cần được xác định như một môn học trong môi trường không chuyên và rất cần các kiến thức về giao tiếp nói chung cũng như thực hành chuyên ngành bằng ngoại ngữ đang nói nói riêng. Nhu cầu xã hội đối với việc đào tạo sinh viên Bách Khoa là rất lớn. Vì vậy, ngoại ngữ đối với sinh viên trường đại học kĩ thuật như Bách Khoa cần được phát triển toàn diện, đồng thời chú ý nâng cao kiến thức ngoại ngữ chuyên ngành cho sinh viên ở giai đoạn cuối.

Với tính chất và đặc điểm điều kiện trường Đại học Bách Khoa Hà Nội như hiện nay, cần xác định rõ mục tiêu, nội dung, phương pháp và việc tổ chức lớp sinh viên hệ chính qui, hệ tại chức và cao đẳng sao cho phù hợp với từng đối tượng học và đạt được trình độ cần thiết cho sinh viên khi tốt nghiệp ra trường. Theo quan điểm của người viết bài này thì vấn đề bồi dưỡng kiến thức sư phạm cho những người bắt đầu thực hiện giờ giảng trên lớp cho sinh viên, vấn đề giáo trình và vấn đề thi, kiểm tra là các vấn đề bức xúc hàng đầu cần phải giải quyết ngay, có thử nghiệm và kết luận một cách khoa học, chặt chẽ nhằm đẩy mạnh tiến độ học ngoại ngữ của sinh viên trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Để thực hiện được những điều kiện trên cần nắm vững và lựa chọn nội dung dạy và học một cách phù hợp. Với số giờ học và trình độ ban đầu của sinh viên các hệ Đại học Bách Khoa rất khác nhau như hiện nay cần xem xét lại các giáo trình và nội dung của chúng sao cho sinh viên trường đại học kĩ thuật như Bách Khoa tiếp thu được tối đa lượng kiến thức học trên lớp và đáp ứng được nhu cầu thực tế của các chuyên ngành kĩ thuật sau khi tốt nghiệp. Cần khai thác tốt các động lực bên ngoài và bên trong của quá trình dạy học nhắm kích thích sinh viên tích cực học tập như tạo điều kiện cho sinh viên tham gia vào các buổi tiếp xúc với chuyên gia nước ngoài, đặc biệt là tham gia các buổi hội thảo khoa học quốc tế đối với các sinh viên năm cuối, tổ chức các kì thi Olempic đối với sinh viên trường đại học kĩ thuật theo các chủ đề nhất định, khuyến khích vật chất cho sinh viên học giỏi, vượt khó học tốt.

Trong quá trình dạy và học cần thủ tiêu hoặc hạn chế các nhiễu tác động đến sinh viên, các yếu tố tiêu cực, các phản động lực làm hại đến việc học tập như dư luận không đúng về môn học, các nhiễu của đời sống và xã hội tràn vào sinh viên. Ở trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, sinh viên thường coi môn ngoại ngữ là môn phụ trong toàn bộ quá trình học tập, mặc dù số giờ dành cho môn học là 300 đến 360 giờ trên lớp. Những năm gần đây, sinh viên đã quan tâm hơn đến việc học ngoại ngữ. Tuy nhiên, đối với sinh viên trường Đại học Bách Khoa Hà Nội ngoại ngữ vẫn cứ là môn học phụ nên sinh viên nào có nhu cầu về ngoại ngữ để sử dụng cho công việc của mình thì đều ra ngoài trường học thêm tại các trường khác, các trung tâm v.v. trong khi lực lượng cán bộ giảng dạy ngoại ngữ trong trường nếu biết tổ chức thì vẫn đủ khả năng đảm bảo tốt các khóa học nâng cao trình độ ngoại ngữ cho sinh viên. Vấn đề ở đây là cần giải quyết cách nhìn nhận không đúng về môn học ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Anh trong trường đại học kĩ thuật.

Trong quá trình dạy và học ngoại ngữ ở trường đại học kĩ thuật như Đại học Bách Khoa Hà Nội cần tuân thủ đầy đủ các qui luật và nguyên tắc dạy học. Giảng viên hướng dẫn sinh viên học tập tích cực và logic theo các điểm cơ bản sau:

• Học từng bước theo sự hướng dẫn của giảng viên, theo chương trình, các algorit tiến tới học có nề nếp và nhịp điệu;

• Học đúng, nắm trúng, chắc, tinh túy, then chốt, theo chủ điểm một cuốn sách nhất định;

• Học nhanh, giữ vững và tăng dần tốc độ nắm bắt thông tin khi học nghe, nói, đọc, viết, dịch;

• Học kết hợp có ý thức và ngẫu nhiên, kết hợp học lí thuyết và thực hành, học mọi nơi, mọi lúc, trong mọi điều kiện. Học ngoại ngữ theo phương châm "mưa dầm ngấm lâu", mỗi ngày dành cho ngoại ngữ 10 phút để thực hành. Học tự kiểm tra và làm việc theo nhóm.

Như vậy, việc kiểm tra của giảng viên để biết trình độ sinh viên đã đạt kết quả nào được tiến hành sau một quá trình học tập nhất định nhằm so sánh kết quả đánh giá được với mục tiêu đề ra. Từ đây có thể điều chỉnh hoặc cải tiến phương pháp dạy học của mình, kích thích sinh viên tự làm một liện hệ ngược trong để cải tiến phương pháp học ngoại ngữ. Đặc biệt chú ý đến cách tiếp nhận kiến thức về dịch thuật trong ngoại ngữ chuyên ngành. Sinh viên cần được hướng dẫn và kích thích vận dụng những tri thức nắm được vào thực tiễn sản xuất và nghiên cứu khoa học, vào hoạt động xã hội và hoạt động ngoại khóa.

Trong toàn bộ quá trình giảng dạy, giảng viên thực hiện cải tiến phương pháp dạy học ngoại ngữ và hướng dẫn sinh viên dịch sách chuyên ngành một cách có hiệu quả. Nhiệm vụ của giảng viên ngoại ngữ là nắm vững tiêu chuẩn dạy tốt và học tốt ngoại ngữ chuyên ngành ở các trình độ, nắm vững bản chất, động lực, logic của quá trình dạy học và vận dụng sáng tạo các phương pháp, thủ pháp khi thực hiện các bài giảng trên lớp nhằm đem lại chất lượng và hiệu quả cao.

Tài liệu tham khảo[sửa]

1. Lê Khánh Bằng, Lê Quang Long. Phương pháp dạy học ở đại học. Hà Nội, 1995.

2. Đào Hồng Thu. Nâng cao chất lượng giảng dạy ngoại ngữ ngoài môi trường tiếng / Báo cáo Hội nghị Khoa học các trường đại học. Hà Nội, 1986.

3. Đào Hồng Thu. Về vấn đề "Dạy học lấy học sinh làm trung tâm". Tuyển tập công trình khoa học 40 năm trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, 1996.

Bản quyền[sửa]

Đào Hồng Thu

Tạp chí Khoa học và Công nghệ. Số 14, 1997.