Vitamin D có thực sự ngăn ngừa và chữa trị được bệnh ung thư?

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Vitamin D được một số trang xem như là một thần dược tự nhiên để phòng và chống ung thư, nhưng đa số đều nói rất chung chung và chưa có dẫn chứng khoa học cụ thể. Bài viết dưới đây sẽ xem xét tất cả các bằng chứng khoa học hiện có để đưa ra một góc nhìn khách quan và đúng đắn hơn.

Ảnh minh họa

Vitamin D là gì?[sửa]

Vitamin D đóng vai trò thiết yếu trong việc nội cân bằng canxi trong máu, sức khoẻ của xương, và gần đây nhất là tác dụng đối với bệnh ung thư (theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới – WHO) [1]. Thiếu hụt vitamin D có thể dẫn đến bệnh còi xương ở trẻ em và nhuyễn xương ở người lớn.

Vitamin D được chia làm 2 loại: Vitamin D2 (hay ergocalciferol) từ thực vật và Vitamin D3 (hay cholecalciferol) chủ yếu được tổng hợp từ da dưới tác động tia sáng UVB. Để 2 loại này hoạt động thì phải trải qua quá trình chuyển hoá ở gan và thận thành 1,25(OH)2 vitamin D (hay calcitriol).

Vitamin D hoà tan được trong chất béo. Điều này có nghĩa là nó hấp thu được trong đường ruột, và sau khi hấp thu sẽ được dự trữ trong cơ thể, nhất là các mô mỡ. Thế nên đây là một loại vitamin rất cần được chú ý đến liều lượng hợp lý để tránh trường hợp đạt ngưỡng độc tính (đau bụng, buồn nôn, tăng canxi trong máu dẫn đến nhồi máu cơ tim, suy thận…).

Làm sao để đảm bảo lượng vitamin D cần thiết cho cơ thể?[sửa]

Về hàm lượng, đúng như tên gọi của nó, vitamin – sự kết hợp của vital và minimum, vitamin D là chất thiết yếu nhưng chỉ cần với lượng rất nhỏ.

Theo Viện Ung Bướu Quốc Gia tại Hoa Kì (NCI), liều lượng khuyên dùng hằng ngày dành cho:

- Trẻ sơ sinh < 1 tuổi: 400 IU (International Units – đơn vị quốc tế) (10 mcg (microgram), hay 0.000010 gram)

- Người 1-70 tuổi: 600 IU (15 mcg)

- Người >70 tuổi: 800 IU (20 mcg)

Thực phẩm chứa vitamin D bao gồm sữa bột, cá (đặc biệt là cá hồi và cá thu) và trứng, nhưng hầu hết vitamin D trong cơ thể được tổng hợp từ da dưới tác động của ánh sáng mặt trời [2]. Người từ 1-70 tuổi nếu tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hằng ngày và ăn uống đầy đủ chất có thể không cần bổ sung thêm vitamin D.

Theo Hiệp Hội Lawson Wilkins Chuyên Khoa Nội Tiết Nhi ở Mỹ, trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi, nếu sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng chính và duy nhất, trẻ nên được bổ sung thêm 400 IU mỗi ngày kể từ ngày sinh vì sữa mẹ chứa hàm lượng vitamin D rất thấp [3]. Còn nếu trẻ uống sữa bột, bạn nên chọn sữa có chứa vitamin D 40-100IU cho mỗi 100kcal.

Phụ nữ mãn kinh và người từ 70 tuổi trở lên nên bổ sung thêm vitamin D mỗi ngày (800 IU) ngay cả khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hằng ngày và chế độ ăn uống cân bằng vì nguy cơ loãng xương cao hơn so với nhóm người khác. Nhóm này và những bệnh nhân suy thận có thể được bác sĩ

Nên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời bao lâu[sửa]

Nên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời bao lâu để vừa đủ tổng hợp vitamin D mà không tăng nguy cơ ung thư da?

Theo WHO, khi da tiếp xúc với tia UVB, quá trình tổng hợp vitamin D luôn đi song song với nguy cơ cháy da, ung thư, và những tổn hại da liễu khác [1]. Điều cần ghi nhớ là sự tổng hợp vitamin D giảm dần sau 5-10 phút tiếp xúc trực tiếp với UVB (da không sử dụng kem chống nắng hay được che phủ). Lượng thời gian đó còn tuỳ thuộc vào những yếu tố khác:

- Lượng 7-dehydrocholesterol có sẵn dưới da, đây là một chất tiền vitamin D3.

- Màu da: người có làn da sáng màu có thể tổng hợp vitamin D nhiều hơn người có làn da tối màu.

- Lượng UVB trong ánh sáng mặt trời, phụ thuộc vào:

  • Mùa trong năm: lượng UVB thường lên đỉnh điểm vào mùa hè.
  • Giờ trong ngày: đỉnh điểm UVB là từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều.
  • Vĩ độ: vĩ độ càng tăng (từ xích đạo đến cực) thì lượng UVB càng giảm.
  • Mức độ mây che phủ và mức độ ô nhiễm không khí.

Vì vậy, Việt Nam với lượng UVB cao, 5-10 phút ở ngoài nắng mỗi ngày có thể xem là đủ để tổng hợp vitamin D cần thiết cho cơ thể. Còn những bạn đang sống ở vùng xa xích đạo, thời gian tắm nắng nên kéo dài hơn 10 phút hoặc bổ sung thuốc bổ vitamin D, đặc biệt vào mùa đông.

Vitamin D ngăn ngừa bệnh và chữa bệnh ung thư?[sửa]

Theo Viện Ung Bướu Quốc Gia tại Hoa Kì (NCI), ngành dịch tễ học quan sát được rằng những khu vực gần xích đạo hơn, với thời gian và lượng ánh sáng mặt trời cao có tỷ lệ mắc bệnh và tử vong vì bệnh ung thư thấp hơn so với những vùng gần cực bắc và cực nam [2]. Từ quan sát đó, một số thí nghiệm nghiên cứu về tác dụng của vitamin D đối với ung thư được thực hiện trên chuột và tế bào ung thư của người trong ống nghiệm có được những khám phá sau:

- Tế bào ung thư có rất nhiều cổng nhận tín hiệu vitamin D (Vitamin D Receptor, hay VDR), và nếu những cổng VDR đó bị kích liên tục, sự phát triển tế bào ung thư có thể bị chậm lại [4].

- VDR còn được tìm thấy ở bạch cầu T và B. Bạch cầu giữ vai trò điều khiển quá trình viêm trong cơ thể và thường thúc đẩy sự phát triển tế bào ung thư ở gan, đường ruột và tuyến tiền liệt, nên vitamin D có thể được sử dụng để điều hoà hoạt động của bạch cầu và kìm hãm ung thư[5].

- Vitamin D có thể làm chậm hoặc ngăn quá trình phát triển mạch máu cung cấp chất dinh dưỡng cho chúng [2].

Cũng đã có rất nhiều nghiên cứu được thực hiện trên người, nhưng kết quả không thống nhất với nhau. Vì vậy chưa thể đưa ra kết luận được rằng vitamin D ngăn ngừa và chữa bệnh ung thư, nhưng có thể xem đây là một khả năng.

Các nghiên cứu trong tương lai[sửa]

Hiện tại, có rất nhiều dự án nghiên cứu đang tiếp diễn, trong đó có 3 dự án đáng chú ý nhất:

  1. Quy mô lớn nhất là VITAL với khoảng 20,000 người tham gia với mục đích trả lời câu hỏi liệu vitamin D và omega 3 có ngăn ngừa được ung thư [6] [7].
  2. Dự án nghiên cứu khả năng ngăn ngừa ung thư đường ruột của vitamin D và canxi cũng vừa quy tụ được 2,200 người tham gia[8].
  3. Dự án nghiên cứu khả năng ngăn ngừa ung thư phổi của vitamin D ở những người có nguy cơ ung thư phổi cao[9].

Chúng tôi vẫn đang theo dõi những dự án này và sẽ cập nhật thông tin sớm nhất có thể.

Kết luận[sửa]

- Vitamin D là chất cần thiết cho cơ thể, nhưng chỉ cần một lượng rất nhỏ mỗi ngày.

- Có bằng chứng khoa học về khả năng ức chế ung thư của vitamin D, trên tế bào nuôi cấy trong ống nghiệm và trên động vật, nhưng vẫn chưa đủ bằng chứng trên nguời để kết luận về khả năng phòng và chống ung thư của vitamin D (liều thấp lẫn liều cao).

Lưu ý[sửa]

Bài viết này chỉ có mục đích tham khảo, hoàn toàn không nhằm mục đích chữa trị bất cứ bệnh tật nào. Xin vui lòng trao đổi trực tiếp với bác sĩ hay điều trị viên có kiến thức và hiểu rõ về bệnh tình của bạn để được tư vấn thêm.

Tác giả[sửa]

  • Chịu trách nhiệm thông tin: Tee Nguyễn
  • Cố vấn khoa học: Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ, Viện nghiên cứu City of Hope, California, USA.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. 1,0 1,1 Barry M, Vries E, English D, et al. Vitamin D and cancer. International Agency for Research on Cancer, World Health Organization, IARC 2008. Web. 10 May 2016. < https://www.iarc.fr/en/publications/pdfs-online/wrk/wrk5/Report_VitD.pdf>
  2. 2,0 2,1 2,2 Vitamin D and cancer prevention. National Cancer Institute, 2013. Web. 10 May 2016. < http://www.cancer.gov/about-cancer/causes-prevention/risk/diet/vitamin-d-fact-sheet>
  3. Misra M, Pacaud D, Petryk A, et al. Vitamin D deficiency in children and its management: review of current knowledge and recommendations. Pediatrics 2008; 122:398. < http://www.uptodate.com/contents/overview-of-vitamin-d/abstract/27>
  4. Bouillon R, Eelen G, Verlinden L, Mathieu C, Carmeliet G, Verstuyf A. Vitamin D and cancer. J Steroid Biochem Mol Biol 2006; 102(1-5): 156-162.
  5. Fleet JC. Molecular actions of vitamin D contributing to cancer prevention. Mol Aspects Med 2008.
  6. Manson JE, Bassuk SS, Lee IM, et al. The Vitamin D and OmegA-3 TriaL (VITAL): rationale and design of a large randomized controlled trial of vitamin D and marine omega-3 fatty acid supplements for the primary prevention of cancer and cardiovascular disease. Contemporary Clinical Trials. 2012;33(1):159-171.
  7. Mason J, Buring J. The Vitamin D and Omega 3 Trial (VITAL). Web. 10 May 2016. <http://www.vitalstudy.org/>
  8. Baron J. Vitamin D/Calcium polyp prevention study. National Institute of Health 2015. Web. 10 May 2016. <https://clinicaltrials.gov/ct2/show/NCT00153816>
  9. Adjei A. Calcitriol in Preventing Lung Cancer in High-Risk Patients. National Institute of Health. Web. 10 May 2016. <http://www.cancer.gov/about-cancer/treatment/clinical-trials/search/view?cdrid=596506&version=HealthProfessional&protocolsearchid=10985133>
Rss.jpg
Mời bạn đón đọc các bài viết tiếp theo bằng cách đăng kí nhận tin bài viết qua email hoặc like fanpage Thuvienkhoahoc.com để nhận được thông báo khi có cập nhật mới.

Nguồn[sửa]

Liên kết đến đây

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này