Đặt mục tiêu đọc để hoàn thành các mục tiêu khác

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Hầu như ai trong chúng ta cũng đều có các mục tiêu trong cuộc sống. Đó có thể là các mục tiêu về công việc, về sức khỏe hoặc tài chính. Đó cũng có thể là các mục tiêu trong những lĩnh vực sáng tạo hoặc mối quan hệ. Dù coi mục tiêu nào là quan trọng nhất, bạn cũng đừng quên học hỏi, phát triển trí tuệ và tự hoàn thiện bản thân. Việc nắm rõ các kiến thức liên quan sẽ giúp bạn đạt được các mục tiêu của mình.

Các bước[sửa]

Xác định kiến thức cần đọc[sửa]

  1. Cân nhắc khối lượng cần đọc. Lượng kiến thức để giúp bạn vươn tới mục tiêu sẽ tùy thuộc vào mục tiêu của bạn là gì. Để khởi đầu, bạn hãy phác thảo ý tưởng chung về khối lượng cần đọc. Điều này sẽ quyết định phần còn lại trong kế hoạch của bạn.
    • Ví dụ, nếu mục tiêu của bạn là nhận biết các loài cây ăn được trong vùng thì có lẽ một hoặc hai cuốn sách đã là đủ. Ngược lại, nếu có dự định bắt đầu sự nghiệp mới là trở thành nhà thực vật học, bạn sẽ phải đọc về thực vật học càng nhiều càng tốt, bao gồm tất cả những cuốn sách nổi tiếng nhất trong lĩnh vực này cũng như nhiều bài viết trên tạp chí và các ấn phẩm định kỳ khác.
    • Một số mục tiêu đòi hỏi bạn phải đọc nhiều chủ đề. Chẳng hạn như nếu muốn mở một doanh nghiệp sản xuất rượu vang, tất nhiên là bạn phải đọc một số sách về sản xuất rượu vang. Tuy nhiên bạn cũng cần đọc sách hướng dẫn điều hành một doanh nghiệp nhỏ. Ngoài ra bạn cũng phải tham khảo các luật lệ trong vùng về việc sản xuất và kinh doanh các thức uống có cồn.
  2. Tìm sách cần đọc. Không phải tài liệu nào cũng có giá trị như nhau. Trước khi bắt đầu đọc, bạn cần dành thời gian xác định những thứ quan trọng nhất. Bạn hãy nghiên cứu và tìm ra những cuốn sách cần đọc nhất liên quan đến mục tiêu của mình.
    • Có nhiều cách để tìm sách liên quan đến mục tiêu của bạn. Bạn có thể ra hiệu sách và lục tìm các kệ hoặc nhờ nhân viên hiệu sách giới thiệu. Thư viện ở địa phương cũng có thể cho bạn vài gợi ý.
    • Nhiều nhà bán sách online cũng đưa ra các đề nghị dựa trên các sách mà bạn tìm kiếm.[1] Đó có thể là các gợi ý hữu ích cho bạn trong việc chọn sách, cho dù bạn không mua trên mạng.
    • Nếu biết người nào sành sỏi với đề tài bạn cần đọc, bạn có thể nhờ họ giới thiệu.[2]
  3. Chọn đọc các ấn phẩm định kỳ. Nếu mục tiêu chính của bạn cần nhiều thông tin cập nhật, bạn cũng có thể đưa vào mục tiêu đọc của mình các ấn phẩm định kỳ như tạp chí và báo.
    • Ví dụ, nếu mục tiêu của bạn là nắm vững kiến thức về mua bán chứng khoán, bạn sẽ phải đọc các thông tin cập nhật về sự lên xuống của các loại cổ phiếu khác nhau. Trong đó có thể bao gồm mục kinh doanh của báo ra hàng ngày và một số tờ tạp chí trong vô vàn các tạp chí về đầu tư và tài chính.
    • Cũng như trên, bạn có thể tìm mua ấn phẩm định kỳ ở các hiệu sách hoặc sạp báo. Bạn cũng có thể tìm kiếm trên mạng với từ khóa về chủ đề bạn cần tìm và từ “tạp chí” hoặc “báo”. Ví dụ như “tạp chí sản xuất rượu vang”.
    • Các thư viện trong trường đại học thường lưu lại các danh sách tạp chí khoa học với nhiều lĩnh vực chuyên sâu.
  4. Cố gắng đọc nhiều bài viết khác nhau. Đối với các chủ đề đòi hỏi phải đọc nhiều, việc tìm đọc các quan điểm khác nhau về cùng một vấn đề sẽ là một ý hay. Điều này càng đúng hơn nếu chủ đề bạn muốn đọc khơi lên nhiều ý kiến tranh luận hoặc có nhiều luồng tư tưởng khác nhau.
    • Sự hiểu biết toàn diện về các đề tài đang đọc có vai trò quan trọng đối với những người muốn thực sự nổi trội trong các mục tiêu của họ. Điều này đặc biệt đúng đối với các mục tiêu phức tạp và dài hạn.
    • Ví dụ, tưởng tượng mục tiêu của bạn là trở thành nhà kinh tế học. Bạn sẽ nhanh chóng nhận thấy rằng trường phái kinh tế học tân cổ điển hiện đang thống trị lĩnh vực này. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là bạn chỉ tập trung đọc kinh tế học tân cổ điển. Còn có nhiều luồng tư tưởng khác về kinh tế học như Keynes, Marxist, và New Classical.[3]

Sắp xếp quá trình đọc[sửa]

  1. Lập danh sách đọc. Một khi đã xác định khối lượng cần đọc và những tài liệu có ích nhất cho các mục tiêu của mình, bạn hãy lập một danh sách đọc.
    • Ở thời điểm này, danh sách của bạn nên bao gồm tất cả những tài liệu mà bạn cho rằng có thể giúp bạn đạt được các mục tiêu.
  2. Xếp hạng danh sách. Việc xếp thứ tự theo mức độ quan trọng khi đặt ra các mục tiêu là một ý kiến hay. Điều này sẽ giúp bạn xác định thứ tự ưu tiên khi phấn đấu vươn tới các mục tiêu đó.[4] Điều này cũng đúng đối với mục tiêu đọc của bạn.
    • Bạn có thể xếp hạng danh sách đọc dựa trên các tài liệu mà bạn cho là quan trọng nhất hoặc được khuyến nghị đọc nhiều nhất.[2] Nếu đề tài cần đọc khá mới mẻ đối với bạn, hãy bắt đầu bằng các bài viết căn bản, có tính chất giới thiệu. Sau đó bạn có thể dần dần đọc các tài liệu nâng cao.
    • Ví dụ, tưởng tượng mục tiêu trong đời của bạn là trở thành đạo diễn phim, tuy nhiên bạn chưa biết nhiều về việc làm phim. Có lẽ điểm xuất phát tốt ở đây là một cuốn sách viết về các khái niệm và kỹ thuật cơ bản của nghề đạo diễn. Ngược lại, một cuốn sách mô tả thật chi tiết về nguyên lý của tác giả nhưng không bàn về các đề tài khác có thể để đọc sau.
  3. Lên lịch đọc. Một khi đã xếp thứ tự danh sách đọc, bây giờ là lúc bạn đặt ra mục tiêu đọc gì và vào lúc nào. Bạn hãy lên lịch đọc những cuốn sách và/hoặc các ấn phẩm mà bạn nghĩ là quan trọng nhất.
    • Có kế hoạch cụ thể về những gì cần đọc và thời gian đọc, đặt thời hạn hoàn thành cho từng cuốn sách, hoặc thậm chí cho từng chương. Việc đặt ra thời hạn cuối sẽ giúp bạn có trách nhiệm với lịch đọc của mình.[5]
    • Có cái nhìn thực tế về khả năng đọc của bạn. Nếu mỗi tháng bạn có thể đọc bốn cuốn sách và theo dõi đều đặn các ấn phẩm quan trọng trong lĩnh vực bạn cần thì thật là tuyệt. Tuy nhiên phần lớn mọi người không có đủ thời gian để thực hiện được như vậy. Cân nhắc về tốc độ đọc và thời gian có thể dành cho việc đọc của bạn, từ đó đặt ra các mục tiêu mà bạn có thể hoàn thành.
    • Các mục tiêu quá tham vọng có thể làm bạn thất vọng và nản chí. Điều này có thể làm suy giảm động lực hướng tới mục tiêu tiếp theo, thậm chí phá hỏng mục đích của việc đặt mục tiêu ngay từ ban đầu.[6]
  4. Ghi chú. Một ý kiến hay là ghi chép lại những gì bạn vừa đọc một cách khoa học. Điều này sẽ có ích khi bạn cần xem lại thông tin nào đó. Lý tưởng nhất, ghi chú của bạn phải bao gồm các thông tin cần thiết để bạn khỏi phải đọc lại bản gốc.
    • Khi ghi chú, bạn nên cố gắng nắm bắt các ý chính thay vì các chi tiết nhỏ. Những ý này thường được lặp đi lặp lại trong bài đọc. Bạn cũng có thể dùng các dấu hiệu thị giác như tô đậm hoặc in nghiêng, tiêu đề chương, hoặc sử dụng biểu đồ, đồ thị và các con số.[7]
    • Đề cương, thẻ ghi chú, bìa hồ sơ có dán nhãn hoặc các công cụ sắp xếp khác sẽ giúp bạn xác định vị trí của thông tin dễ dàng hơn sau này.[7]
    • Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc ghi chú một cách hiệu quả cũng giúp bạn hiểu và nhớ tốt hơn những điều đã đọc.[8]

Hoàn thành mục tiêu đọc của bạn[sửa]

  1. Chọn thời gian đọc. Dành ra một khoảng thời gian cụ thể mỗi ngày để đọc. Thời gian đọc có thể là 15 phút hoặc một tiếng, nhưng bạn nên cố gắng đọc vào cùng giờ giấc mỗi ngày.
    • Việc đọc sách khi được đưa vào thời gian biểu hàng ngày sẽ giúp bạn hình thành thói quen đọc . Chẳng bao lâu, đọc sách theo giờ giấc ít nhiều sẽ trở thành tự động trong sinh hoạt hàng ngày của bạn.[9]
    • Ví dụ, nhiều người đọc hàng đêm trước khi đi ngủ. Một số người khác có thói quen đọc trên xe buýt hoặc tàu hỏa trên đường đến chỗ làm và từ chỗ làm về nhà. Cũng có người thích đọc sách ngay vào buổi sáng như một việc làm đầu tiên trong ngày.
  2. Trung thành với lịch đọc. Trừ trường hợp bất khả kháng, bạn đừng bỏ qua thời gian đọc đã định. Nếu bỏ lỡ giờ đọc sách vì lý do nào đó, bạn hãy cố gắng sắp xếp lại vào thời gian khác. Bạn không nên phá vỡ thời gian biểu.
    • Đừng quên rằng muốn đạt được bất cứ mục tiêu nào, bạn đều phải dành thời gian và công sức vào đó.[10] Bạn không có cách nào khác hơn thế. Một khi đã nghiêm túc với mục tiêu đọc, bạn cần phải đọc thường xuyên.
  3. Đánh giá tính hiệu quả. Trong quá trình đọc theo danh sách mà bạn đã đặt ra, thỉnh thoảng bạn hãy dừng lại và đánh giá xem liệu những gì bạn đang đọc có đóng góp cho mục tiêu của bạn không. Nếu không, bạn hãy xem xét lại bản danh sách!
    • Bạn có thể nhận thấy một trong những quyển sách đã chọn không đem lại điều gì mới mẻ cho hiểu biết hoặc kiến thức của bạn. Trong trường hợp này, bạn có thể bỏ qua cuốn sách đó, và có lẽ cả những cuốn tương tự. Ví dụ, đến một lúc nào đó bạn cảm thấy đã nắm vững được các khái niệm kinh tế học, như vậy việc đọc thêm sách về đề tài này sẽ không còn là ưu tiên hàng đầu của bạn.
    • Trái lại, bạn cũng có thể phát hiện ra rằng nhiều tài liệu đã chọn có đề cập đến chủ đề khác mà bạn còn mơ hồ. Có lẽ bạn cần bổ sung thêm nếu danh sách bạn chọn không có chủ đề đó. Ví dụ, khi gặp các khái niệm hóa học mà bạn không hiểu trong lúc đang đọc về sản xuất rượu vang, bạn nên cân nhắc đưa thêm một cuốn sách hóa học cơ bản vào danh sách đọc.
    • Điều cuối cùng, có thể bạn cảm thấy một vấn đề nào đó trong danh sách đã chọn vượt quá khả năng hiện tại của bạn. Thay vì cố gắng đọc và không hiểu phần lớn nội dung, bạn hãy dời tài liệu đó xuống cuối danh sách và xem lại sau. Có thể nó sẽ tỏ ra có ích hơn sau khi bạn đã học được nhiều hơn về chủ đề liên quan.
  4. Duy trì động lực. Động lực và tính kiên trì chính là chìa khóa để đạt được bất cứ mục tiêu nào. Việc giữ động lực là điều rất quan trọng trong suốt quá trình hướng đến mục tiêu.[11]
    • Lên kế hoạch trước với những biện pháp giúp duy trì động lực và vượt qua những thời khắc nản lòng mà bạn có thể phải đối mặt cũng là một ý kiến hay. Kế hoạch này có thể bao gồm những người bạn bên cạnh biết nói lời động viên đúng lúc, hoặc một “hệ thống phần thưởng” khi bạn đạt được các cột mốc nào đó.
    • Dùng phương pháp củng cố để nâng cao động lực. Mỗi khi đạt tới một cột mốc nào đó như đọc xong một cuốn sách (hoặc thậm chí chỉ là một chương khó), bạn hãy tự trao cho mình phần thưởng nho nhỏ. Ví dụ, bạn có thể tự đãi mình một món tráng miệng ngon lành, một buổi đi xem phim hoặc một đôi giày mới để thưởng cho việc đọc xong một cuốn sách. Điều này giúp tạo sự liên kết tích cực với việc đạt được mục tiêu và khích lệ bạn hướng tới những cột mốc tiếp theo.[12]
    • Bạn có thể điều chỉnh lại kế hoạch trong trường hợp xảy ra những việc đột xuất cản trở lịch trình của bạn. Giả dụ nếu người thân của bạn phải đi cấp cứu, có lẽ trong một gian bạn sẽ khó có thể tập trung vào các cuốn sách về sản xuất rượu vang. Khi mọi việc bắt đầu ổn thỏa, bạn hãy quay trở lại và tiếp tục đọc. Bạn có thể lên kế hoạch hợp lý để theo kịp lịch trình của mình bằng cách thêm vài phút vào thời gian đọc hàng ngày. Tuy nhiên nếu bạn bị tụt lại quá xa so với dự định thì việc điều chỉnh lại hạn cuối cùng cũng không có nghĩa là bạn thất bại.
  5. Theo dõi tiến triển của bạn. Thường xuyên theo dõi tiến triển trong kế hoạch đọc của mình cũng là một cách tuyệt vời để nâng cao động lực. Bạn hãy ghi chú về các cuốn sách đã đọc xong hoặc đã đọc được đến đâu so với lịch trình đã đặt ra.
    • Hạn cuối đặt ra trong lịch trình sẽ giúp tạo ý thức trách nhiệm và sự cấp thiết trong việc hoàn thành các mục tiêu của bạn, vì chẳng ai muốn trải qua cảm giác thất bại.[13]
    • Dùng nhật ký, lịch hoặc các ứng dụng để theo dõi và thường xuyên cập nhật tiến triển của bạn.

Lời khuyên[sửa]

  • Sự phong phú có thể giúp bạn duy trì cảm hứng trong việc đọc sách. Bạn có thể chọn một vài cuốn sách nhẹ nhàng hơn hoặc khám phá chủ đề ở một góc độ khác. Ví dụ, nếu mục tiêu của bạn là trở thành đạo diễn phim, bạn hãy đưa vào danh sách đọc các cuốn tiểu sử của những đạo diễn mà bạn yêu thích. Điều này có thể bổ sung cho các cuốn sách về kỹ thuật đạo diễn và ngành điện ảnh, đồng thời tạo nên sự phong phú trong kế hoạch đọc của bạn.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]