Chương trình môn Khoa học/Giải thích và hướng dẫn thực hiện chương trình

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

1. Từ ngữ thể hiện mức độ các yêu cầu cần đạt[sửa]

Chương trình môn Khoa học sử dụng một số động từ để thể hiện mức độ yêu cầu cần đạt của học sinh. Một số động từ được sử dụng ở các mức độ khác nhau nhưng trong mỗi trường hợp thể hiện một hành động có đối tượng và yêu cầu cụ thể. Trong bảng dưới đây, đối tượng, yêu cầu cụ thể của mỗi hành động được chỉ dẫn bằng các từ ngữ khác nhau đặt trong ngoặc đơn.

Trong quá trình dạy học, đặc biệt là khi đặt câu hỏi thảo luận, ra đề kiểm tra đánh giá, giáo viên có thể dùng những động từ nêu trong bảng dưới đây hoặc thay thế bằng các động từ có nghĩa tương đương cho phù hợp với tình huống sư phạm và nhiệm vụ cụ thể giao cho học sinh.

Mức độ Động từ mô tả mức độ
Biết nêu được (một số tính chất của nước;...); kể được (tên một đến hai bệnh ở người do vi khuẩn gây ra;...).
xác định được (cơ quan sinh sản của thực vật có hoa;...).
Hiểu mô tả được (cấu tạo và hoạt động của mạch điện thắp sáng đơn giản;...); vẽ được (sơ đồ và ghi chú “Vòng tuần hoàn của nước trong tự nhiên”;...).
trình bày được (một số cách làm sạch nước; về khả năng của thực vật tự tổng hợp chất dinh dưỡng cần cho sự sống;...); nêu được ví dụ (về chuỗi thức ăn;...).
so sánh được (một số đặc điểm của chất khi tồn tại ở các trạng thái rắn, lỏng, khí;...); phân biệt được (hoa đơn tính và hoa lưỡng tính; đặc điểm sinh học và đặc điểm xã hội của nam và nữ;...).
Vận dụng nhận xét được (bữa ăn có cân bằng, lành mạnh không dựa vào sơ đồ tháp dinh dưỡng của trẻ em và đối chiếu với thực tế bữa ăn trong ngày ở nhà hoặc ở trường;...); đặt được câu hỏi (về việc sử dụng vật dẫn điện, vật

cách điện trong một số đồ vật, tình huống thường gặp; về sự sinh sản của thực vật có hoa và của động vật;...).

giải thích được (nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí; sự cần thiết phải giữ vệ sinh cơ thể, đặc biệt là ở tuổi dậy thì;...); vận dụng được (kiến thức về tính chất cho ánh sáng truyền qua của các vật để giải thích một số hiện tượng tự nhiên và ứng dụng thực tế; kiến thức về nhu cầu sống của thực vật và động vật để đề xuất việc làm cụ thể trong chăm sóc cây trồng và vật nuôi, giải thích được tại sao cần phải làm công việc đó;...); thực hiện được (và vận động những người xung quanh cùng bảo vệ nguồn nước và sử dụng nước tiết kiệm;...).
đưa ra được (giải pháp cho một số tình huống cần làm vật nóng lên hay lạnh đi; yêu cầu giúp đỡ khi bản thân hoặc bạn bè có nguy cơ bị xâm hại;...); đề xuất được (phương án thí nghiệm để xác định vật dẫn điện, vật cách điện;...); xây dựng được (nội dung và sử dụng cách trình bày phù hợp như dùng hình ảnh, sơ đồ,... để vận động mọi người cùng sống hoà hợp với thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học ở địa phương;...).

2. Thời lượng thực hiện chương trình[sửa]

Thời lượng thực hiện chương trình mỗi lớp là 70 tiết/năm học, dạy trong 35 tuần. Ước lượng tỷ lệ % số tiết dành cho các chủ đề ở từng lớp như sau:

Chủ đề Lớp 4 Lớp 5
Chất 18% 17%
Năng lượng 18% 17%
Thực vật và động vật 13% 15%
Nấm, vi khuẩn 10% 10%
Con người và sức khoẻ 21% 21%
Sinh vật và môi trường 10% 10%
Đánh giá định kì 10% 10%

3. Thiết bị dạy học[sửa]

Trong dạy học môn Khoa học, thiết bị dạy học không chỉ là phương tiện để minh hoạ kiến thức, gây hứng thú học tập cho học sinh mà còn là phương tiện để học sinh tìm hiểu, khám phá các sự vật, hiện tượng tự nhiên và cuộc sống xung quanh; rèn luyện, phát triển năng lực tư duy; rèn luyện năng lực thực hành

Các thiết bị dạy học của môn Khoa học bao gồm:

a) Các thiết bị dùng chung cả lớp:[sửa]

Tranh, video, mô hình về: các lớp đất; nguyên nhân, tác hại và biện pháp chống ô nhiễm, xói mòn đất, sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió, nước chảy; sơ đồ hệ thống làm sạch nước; nấm, vi khuẩn; dinh dưỡng, sinh sản và phát triển ở thực vật, động vật và người; sinh vật và môi trường.

b) Các thiết bị dùng để học sinh thực hành theo nhóm, cá nhân:[sửa]

- Các dụng cụ đo: nhiệt kế; kính lúp và (hoặc) kính hiển vi.

- Các dụng cụ thí nghiệm về: đối lưu không khí; không khí cần cho sự cháy; vai trò của ánh sáng đối với sự nhìn thấy vật; sự phát ra âm thanh; sự giãn nở vì nhiệt; sự biến đổi hoá học; lắp mạch điện đơn giản.

- Sơ đồ câm, mũi tên và ghi chú rời về: “Vòng tuần hoàn của nước trong tự nhiên”; dinh dưỡng, sinh sản và phát triển ở thực vật, động vật và người.

- Bộ tranh rời về: những việc nên làm và không nên làm để đảm bảo an toàn về điện; các chất dinh dưỡng có trong thức ăn; chuỗi thức ăn trong tự nhiên; chăm sóc sức khoẻ tuổi dậy thì; phòng tránh bị xâm hại; tác động của con người đến môi trường.

Ngoài ra, cần chú ý khai thác môi trường tự nhiên và xã hội xung quanh trong dạy học, đồng thời khuyến khích giáo viên tự làm thiết bị dạy học bằng những vật liệu sẵn có ở địa phương và sử dụng công nghệ thông tin cũng như những phương tiện dạy học hiện đại khác.

4. Tích hợp giáo dục các vấn đề có liên quan vào môn học[sửa]

Thực hiện tích hợp vào môn Khoa học một số nội dung như: giáo dục môi trường (bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu), giáo dục giới tính, phòng tránh bị xâm hại,...trên cơ sở bảo đảm các nội dung được tích hợp có chọn lọc, không gượng ép, không làm thay đổi đặc trưng của môn học và không gây quá tải cho học sinh.

Nguồn[sửa]

Liên kết đến đây