Kỷ nguyên của ánh sáng là ở trong đêm tối và sương mù

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

ĐỌC SÁCH

KỶ NGUYÊN ÁNH SÁNG LÀ Ở TRONG ĐÊM TỐI VÀ SƯƠNG MÙ

(Edgar Morin: Phương pháp 3 – Tri thức về tri thức – Nhân học về tri thức, Lê Diên dịch, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội 2006)

“Người ta có thể ăn mà không cần biết tới các quy luật tiêu hoá, thở mà không cần biết tới các quy luật hô hấp, có thể suy nghĩ mà không cần biết tới các quy luật và bản chất của tư duy, có thể nhận thức mà không cần biết về tri thức”. Những dòng nhập đề đầu tiên của của cuốn sách Phương pháp 3: Tri thức về tri thức gợi một suy nghĩ có vấn đề: chúng ta có cần phải tư duy về tư duy của chúng ta hay không? Trước hết, đó là kiểu tư duy có phương pháp, nhìn lại quá trình tư duy với một sự tỉnh táo cần thiết. Như vậy có thể tránh được nhận thức sai lầm, vì như R.Descartes nói: “Sai lầm là ở chỗ nó không hiện ra như sai lầm và ảo tưởng”.

Kế tục truyền thống duy lý của triết học Pháp và triết học Tây Âu, Edgar Morin (*) viết một công trình đồ sộ gồm 5 tập trong suốt 15 năm (đặt tên là Phương pháp 1,2,3,4,5) với mục đích khảo sát lại nền tảng của vấn đề tri thức. Trong đó cuốn Phương pháp 3 (**) này giới thiệu với người đọc cái nhìn phản tư về tri thức con người. Việc nghiên cứu tri thức dễ đi theo một lối mòn mà chân lý đã tìm thấy thường được xem là hiển nhiên. E.Morin thấy “cần phải đặt lại thành vấn đề tất cả những gì chúng ta coi là hiển nhiên và phải xem xét lại tất cả những gì làm cơ sở cho những chân lý của chúng ta”. Kỷ nguyên tri thức đã bắt đầu với sự phát triển vũ bão của khoa học công nghệ và loài người đang tiến tới các xã hội tri thức. Vì vậy, “tự tra vấn lại tri thức của chúng ta” là một nhu cầu sống còn để tồn tại và phát triển. “Không ngừng lặn xuống dòng nước hoài nghi” là nhắc nhở hữu ích của Wittgenstein được Morin chọn làm một trong các đề từ cho cuốn sách. Đây không phải là sự hoài nghi tri thức đơn thuần, mà là hành trình vô tận đầy lạc quan tìm “Kỷ nguyên ánh sáng ở trong Đêm tối và Sương mù”. Nhận thức của con người có sự tiềm tàng, giống như một con chim chích, “tuy chưa bao giờ bay xa vẫn định được chuyến di cư của nó theo các vì sao, từ Brême đến nguồn sông Nil, mang theo bầu trời trong cái đầu nhỏ bé của nó”. Hãy đánh thức tiềm năng tri thức có lẽ là một thông điệp sáng sủa.

Phần lớn cuốn sách là sự phân tích và trình bày tư tưởng khá “khô khan” nhưng bên cạnh đó cũng có những trang viết thú vị về huyền thoại, ma thuật, cấm kỵ và nhẫn nhục… với tính cách là một dạng tư duy. Theo Morin, huyền thoại không phải là tư duy lỗi thời mà là “một tư duy cổ xưa luôn sống động”, khi mà “biểu tượng còn lẫn với vật được biểu tượng” và “ngôn ngữ chưa tách rời trong bản thân nó sự cầu khấn và gọi hồn”. Có người từng nói: “Mỗi cuốn sách là một thách thức”. Nếu vượt qua được giới hạn của con chữ thì cuốn sách này sẽ rất hữu ích đối với bạn đọc quan tâm đến lĩnh vực nghiên cứu nhân văn.


(*) Edgar Morin sinh năm 1921, giám đốc danh dự Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học Pháp (CNRS), Chủ tịch Hiệp hội Tư duy phức hợp Paris. Ông được đánh giá “là cha đẻ của tư duy phức hợp và là nhà cải cách lý trí con người”. Ông nổi tiếng vì chủ trương khước từ kiểu tư duy máy móc nhốt tri thức vào các ngăn biệt lập, bảo vệ kiểu tư duy liên kết mọi tri thức.

(**) Cuốn sách được Hiệp hội UNESCO Việt Nam - Chương trình Tầm nhìn UNESCO hợp tác xuất bản với sự giúp đỡ của Trung tâm Văn hoá thuộc Đại sứ quán Pháp (L'Espace de Hanoi).

HÀ HUY TUẤN