Kiểm soát sức khỏe bản thân

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bất kể bạn đang ở trong tình trạng sức khỏe như thế nào; tình hình tài chính, tinh thần, kinh tế hoặc địa vị xã hội của bạn ra sao, bạn vẫn có cách để kiểm soát tốt hơn sức khỏe của mình. Mọi người dù ở bất kỳ lứa tuổi nào cũng đều có thể tập thói quen sống tốt và lành mạnh.

Các bước[sửa]

Kiểm soát sức khỏe thể chất[sửa]

  1. Trao đổi với bác sĩ về việc duy trì sức khỏe. Việc chăm sóc sức khỏe tổng quát và chú trọng đến sức khỏe sẽ giúp bạn kiểm soát được sức khỏe của mình.[1] Nhờ bác sĩ xếp lịch kiểm tra sức khỏe để đánh giá rủi ro mắc một số bệnh. Điều này đặc biệt quan trọng đối với người lớn tuổi, người đồng tính, phụ nữ mang thai, bệnh nhân ung thư và người bị bệnh tiểu đường. Trong khi chờ đợi đến lịch hẹn, bạn hãy cân nhắc chuẩn bị như sau:
    • Viết ra những lý do khiến bạn muốn lập kế hoạch duy trì sức khỏe. Như vậy bạn sẽ có điểm khởi đầu để trao đổi với bác sĩ.
    • Liệt kê một danh sách các mục tiêu về sức khỏe. Ví dụ, có thể bạn muốn giảm huyết áp, giảm cân hoặc kiểm soát bệnh tiểu đường.
  2. Làm việc với bác sĩ để lên kế hoạch. Việc có một kế hoạch khả thi là cực kỳ hữu ích; qua đó bạn có thể đặt ra các mục tiêu trước mắt để phấn đấu tạo động lực cho mình. Nhờ bác sĩ giúp bạn chia từng mục tiêu thành những bước dễ thực hiện để bạn có thể bắt đầu ngay.
    • Tùy theo điểm khởi đầu, kế hoạch kiểm soát sức khỏe của bạn có thể là khoảng thời gian một đến năm năm phấn đấu. Kế hoạch của bạn nên bao gồm các mục tiêu cụ thể mà bạn muốn đạt được trong một đến năm năm đó và nên chia thành những mục tiêu nhỏ hơn, dễ kiểm soát hơn để đạt được trong một tháng hoặc một quý.
    • Kế hoạch của bạn là một điểm khởi đầu và không hoàn toàn cứng nhắc. Nếu có những điều bất ngờ xảy ra hoặc nếu cuộc sống của bạn thay đổi, bạn có thể điều chỉnh lại kế hoạch cho phù hợp.
    • Ghi nhật ký để theo dõi các mục tiêu ngắn hạn, mục tiêu dài hạn và khả năng đạt được các mục tiêu đó. Nếu không có khả năng thực hiện, bạn cần hiểu nguyên nhân và đặt ra các mục tiêu mới thay vào đó.
  3. Kiểm tra định kỳ để theo sát các vấn đề về sức khỏe. Kế hoạch sức khỏe của bạn nên bao gồm việc kiểm tra định kỳ, khám tầm soát tim mạch, cao huyết áp và ung thư. Trao đổi với bác sĩ về việc khám sàng lọc và tần suất khám.[2]
    • Cần khám và đánh giá bệnh tim mạch khi bạn được 20 tuổi và nên thực hiện lại sau mỗi mười năm. Một công cụ phân tầng hữu hiệu là thang điểm Framingham. Những yếu tố nguy cơ chủ yếu gây bệnh tim mạch bao gồm chế độ dinh dưỡng không tốt, hút thuốc lá, cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, béo phì, hoạt động thể chất và tiểu đường.
    • Xét nghiệm cao huyết áp được khuyến nghị thực hiện ở người lớn trên 18 tuổi.
    • Xét nghiệm tiểu đường thường được khuyên thực hiện ở những người rối loạn mỡ máu và cao huyết áp.
    • Bác sĩ có thể đề nghị bạn khám và xét nghiệm sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư đại trực tràng, tùy theo các yếu tố nguy cơ của bạn. Các biện pháp ngăn ngừa ung thư bao gồm tránh hút thuốc lá, tích cực hoạt động thể chất, duy trì cân nặng khỏe mạnh, ăn hoa quả và rau, hạn chế các thức uống có cồn, phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục và tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
    • Ngoài ra, bạn cần đảm bảo tiêm phòng đầy đủ và trao đổi với bác sĩ về các nhu cầu riêng của bạn.
    • Chăm sóc sức khỏe tinh thần là điều quan trọng; trao đổi với bác sĩ về việc khám sàng lọc những căn bệnh như trầm cảm và lo âu.
    • Cuối cùng bạn cần lưu tâm tới các vấn đề như bệnh loãng xương và bệnh về mạch máu.
  4. Loại trừ các nguồn gây tác động tiêu cực. Ai cũng mong muốn trở nên khỏe mạnh hơn, nhưng rồi những dự định tốt đó đi lạc hướng bởi những ảnh hưởng tiêu cực trong đời sống của chúng ta, ngăn cản chúng ta đạt đến mục tiêu cuối cùng. Nếu muốn kế hoạch của mình có hiệu quả, bạn cần phải dần dần thoát khỏi những ảnh hưởng tiêu cực đó.[1]
    • Liệt kê một danh sách các sự việc xảy ra trong cuộc sống mà bạn cho là có tác động tiêu cực, nhất là khi chúng ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.
    • Xem xét danh sách đó và sắp xếp các mục từ dễ đến khó để loại bỏ.
    • Tiếp theo, cố gắng dần dần loại ra khỏi cuộc sống các tác động tiêu cực ghi trong danh sách.
    • Bạn không phải ngăn chặn mọi ảnh hưởng đó ngay lập tức. Cố gắng dần dần loại bỏ chúng ra khỏi cuộc sống của bạn càng nhiều càng tốt.
    • Một số ví dụ về những ảnh hưởng tiêu cực có thể đưa vào danh sách của bạn bao gồm: Khi ở nhà vẫn ăn các thức ăn không lành mạnh, thường xuyên tạt qua cửa hàng tiện lợi để mua chocolate, thường ghé cửa hàng thức ăn nhanh, thức quá khuya, sống vô tổ chức, một đồng nghiệp hay đem bánh rán tới nơi làm việc, một người bạn không tôn trọng các mục tiêu của bạn, v.v…
  5. Uống đủ nước và chất lỏng. 60% cơ thể con người là nước. Như vậy, nước là thành phần sống còn của một cơ thể khỏe mạnh. Nước giúp thải chất độc ra khỏi các cơ quan và vận chuyển dưỡng chất thiết yếu đến các tế bào. Việc uống không đủ nước có thể dẫn đến tình trạng mất nước, khiến bạn mệt mỏi và ảnh hưởng tiêu cực đến các hệ cơ quan. Nam giới cần uống 13 ly (3 lít) chất lỏng, nữ giới cần 9 ly (2,2 lít) chất lỏng mỗi ngày.[3]
    • Đây là số lượng của tất cả các loại thức uống bạn tiêu thụ trong một ngày, không chỉ là nước. Mọi loại chất lỏng đều giúp bổ sung cho cơ thể theo cách nào đó, nhưng một số loại (như nước) vẫn có tác dụng tốt hơn và nhanh hơn.
    • Bạn không cần phải đong đếm cụ thể lượng chất lỏng nạp vào mỗi ngày, chỉ cần uống đủ chất lỏng để không cảm thấy khát.
    • Nhớ rằng nước sẽ mất đi qua hơi thở, mồ hôi và khi tắm. Nếu các hoạt động đó xảy ra nhiều hơn, hoặc trong khoảng thời gian dài (chẳng hạn như khi bị bệnh hoặc tập thể dục), bạn cần uống nhiều chất lỏng hơn để bù vào lượng nước đã mất.
  6. Ngủ đủ giấc. Người lớn từ 18 đến 64 tuổi cần ngủ từ 7-9 tiếng mỗi đêm. Người lớn trên 65 tuổi cần ngủ 7-8 tiếng mỗi đêm. Thời lượng giấc ngủ có tác động đến tâm trạng, năng lượng và sức khỏe lâu dài của bạn. Có một số “nguyên tắc” cơ bản về giấc ngủ ngoài việc ngủ đủ giấc mà bạn có thể áp dụng như sau:[4]
    • Tuân theo một lịch trình ngủ giống nhau mỗi ngày, kể cả các ngày cuối tuần.
    • Tạo giờ đi ngủ nhất định mỗi đêm, không có ngoại lệ.
    • Giữ phòng ngủ tối, yên tĩnh và mát mẻ.
    • Nếu ngủ không ngon giấc, bạn nên suy nghĩ đến việc mua nệm hoặc gối mới.
    • Không uống bất cứ thức uống nào có caffeine vài tiếng trước khi ngủ.
    • Chỉ dùng phòng ngủ để ngủ (và “yêu”).
  7. Tập thể dục thường xuyên. Để có lợi ích về sức khỏe, người trưởng thành nên tập luyện với cường độ trung bình ít nhất 150 phút (2 ½ tiếng) mỗi tuần, hoặc với cường độ cao ít nhất 75 phút (1 ¼ tiếng) mỗi tuần. Tất nhiên là sự kết hợp tập luyện với cường độ cao và trung bình mỗi tuần cũng rất tốt.[5]
    • Hoạt động này cần được thực hiện trong khoảng thời gian ít nhất 10 phút và rải ra tất cả các ngày trong tuần.
    • Để đạt được lợi ích lớn hơn nữa từ hoạt động thể chất, bạn hãy tăng hoạt động cường độ trung bình lên 300 phút (5 tiếng) mỗi tuần, hoặc hoạt động cường độ cao lên 150 phút (2 ½ tiếng) mỗi tuần.
    • Ngoài các bài tập vận động aerobic, người trưởng thành cũng nên có các hoạt động tăng cường sức mạnh cơ bắp ít nhất hai lần một tuần.
  8. Thưởng thức món ăn. Đôi khi chúng ta ăn quá nhiều chỉ vì không để ý. Thông thường đó là vì chúng ta ăn trong lúc đang làm việc khác hoặc xem ti vi. Thay vì ăn một cách lơ đãng, bạn hãy dành thời gian tận hưởng bữa ăn. Tránh xa các thứ gây xao lãng và thưởng thức món ăn, và ăn một cách chậm rãi.[6]
    • Khi ăn chậm hơn, bạn có thể “đọc” lời nhắn của cơ thể mình tốt hơn. Khi được cơ thể báo lại rằng đã no, bạn hãy ngừng ăn.
    • Dần dần bạn sẽ biết lượng thức ăn đủ cho một bữa ăn của bạn là bao nhiêu và bạn chỉ lấy đủ chừng ấy lên đĩa của mình. Đến lúc ấy, bạn hãy dành phần còn lại cho bữa sau hoặc cho người khác.
  9. Khám mắt định kỳ hàng năm. Việc kiểm tra mắt thực ra có thể phát hiện ra nhiều vấn đề khác ngoài vấn đề về thị lực, trong đó có thể bao gồm các triệu chứng của bệnh tiểu đường, cao huyết áp và viêm khớp. Việc khám mắt thường niên sẽ đảm bảo rằng bạn được hỗ trợ đúng cách (ví dụ như kính mắt, kính áp tròng) và theo đúng toa thuốc để có kết quả tốt nhất.[7]
    • Việc không đeo kính khi cần thiết hoặc dùng tròng kính không đúng có thể gây ra những vấn đề sức khỏe khác như bệnh đau đầu. Đừng quên cập nhật toa mua kính thuốc để ngăn chặn những vấn đề về sức khỏe.
    • Ngoài việc khám mắt định kỳ, bạn cũng nên bảo vệ mắt hàng ngày bằng cách thực hiện các việc sau:[8]
      • Đeo kính râm khi ra ngoài trời vào tất cả mọi ngày trong năm. Đội mũ có lưỡi trai trước trán để tránh ánh sáng chói.
      • Luôn đeo kính bảo hộ khi làm công việc độc hại.
      • Đeo thiết bị bảo vệ mắt khi chơi thể thao.
  10. Khám răng định kỳ hàng năm. Cơ thể khỏe mạnh có nghĩa là sức khỏe răng miệng cũng phải tốt. Việc đến nha sĩ ít nhất mỗi năm một lần sẽ đảm bảo răng và lợi ở tình trạng tốt nhất. Việc này cũng giúp phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe. Cũng như việc khám mắt, nhiều căn bệnh có thể được phát hiện qua việc khám răng trước khi các triệu chứng khác xuất hiện.[7]
    • Sức khỏe răng miệng tốt cũng bao gồm việc đánh răng và dùng chỉ nha khoa thường xuyên.
    • Lý tưởng nhất là đánh răng sau mỗi bữa ăn, nhưng ít nhất là đánh răng mỗi ngày một lần trước khi đi ngủ.[9]
    • Bạn nên dùng chỉ nha khoa ít nhất mỗi ngày một lần, có thể sau khi đã đánh răng và ngay trước khi ngủ.
  11. Ngừng hút thuốc lá. Nếu bạn là người hút thuốc thì một trong những điều tốt nhất mà bạn có thể làm cho mình là bỏ thuốc lá. Cai thuốc lá không bao giờ là muộn cả. Cho dù bạn ở bất cứ lứa tuổi nào thì việc bỏ thuốc cũng sẽ nhanh chóng đem lại lợi ích.[10]
    • Bỏ thuốc lá có thể ngay lập tức tác động tích cực đến sức khỏe như giảm nguy cơ bị bệnh tim, ung thư và các vấn đề về hô hấp.
    • Tùy vào số lượng thuốc lá bạn hút là bao nhiêu, bạn có thể tiết kiệm được một số tiền để dùng vào việc khác.
    • Hầu hết các bang và các thành phố ở Mỹ đều có các chương trình miễn phí giúp bạn bỏ thuốc lá, do đó bạn sẽ không đơn độc.

Chăm sóc sức khỏe tinh thần[sửa]

  1. Tạo dựng và duy trì những mối quan hệ lành mạnh. Việc kết nối với mọi người đem lại lợi ích cho sức khỏe tâm thần của bạn. Bạn bè và gia đình có thể giúp bạn giảm mức căng thẳng và tăng cảm giác hạnh phúc nói chung. Những mối gắn kết như vậy giúp bạn cảm thấy được ủng hộ và có giá trị, khiến bạn hạnh phúc hơn và bớt cô đơn.[11]
    • Những mối quan hệ cá nhân thường có lợi cho sức khỏe của bạn. Ví dụ, sự cô đơn có thể làm tăng huyết áp, và mối gắn bó với người khác thực sự có thể kéo dài tuổi thọ.
    • Những mối quan hệ hiện tại của bạn với gia đình và bạn bè phải là mối quan hệ hỗ trợ, nếu không nó sẽ không có lợi cho bạn. Bạn nên có ít nhất một vài người bạn hoặc người thân trong gia đình, những người cho bạn cảm giác thoải mái khi ở gần, để bạn có thể tâm sự mọi điều mà không bị phán xét, có thể nhờ giúp đỡ giải quyết các rắc rối, cảm thấy mình có giá trị và được đối xử một cách tôn trọng.
    • Nếu đang muốn tìm người để kết bạn, bạn hãy cân nhắc một trong các hoạt động như đăng ký một lớp học lý thú, gia nhập câu lạc bộ sách, tham gia vào câu lạc bộ dã ngoại, làm công việc thiện nguyện ở các tổ chức phi lợi nhuận.
  2. Giúp đỡ mọi người. Giúp đỡ người khác rõ ràng là đem lại lợi ích cho những người đó, nhưng hành động này cũng có tác động tích cực lên chính bạn. Khi giúp đỡ mọi người, bạn có thể nâng cao mức hạnh phúc; cảm thấy may mắn được là chính mình; được kết nối với mọi người, có cảm giác là người hữu dụng và có giá trị, bớt lo lắng; cảm nhận được ý nghĩa và mục đích trong cuộc sống.[12]
    • Không thiếu những hội từ thiện và các tổ chức thiện nguyện phi lợi nhuận cần người tình nguyện làm bất cứ việc nào mà bạn có thể nghĩ đến. Tuy nhiên việc giúp đỡ người khác cũng không nhất thiết phải có tổ chức. Đó có thể chỉ là việc xách hộ túi thực phẩm cho người hàng xóm hoặc dọn tuyết trên vỉa hè nhà hàng xóm sau cơn mưa tuyết.
  3. Tự thưởng cho mình. Thỉnh thoảng bạn nên cho bản thân cơ hội cảm nhận sự vui sướng, hạnh phúc và thỏa mãn. Ví dụ, tiếng cười được biết là có thể giúp giảm đau, thư giãn cơ bắp, giảm lo âu, đồng thời có lợi cho tim và phổi. Có một số cách để đem lại niềm vui trong cuộc sống như:[13]
    • Đọc truyện cười khi cảm thấy buồn hoặc chán.
    • Đặt hình ảnh ở nơi mà bạn dễ nhìn ngắm để cảm thấy được tiếp thêm năng lượng.
    • Xem phim hài trên ti vi hay ở rạp chiếu phim, hoặc nghe trên radio khi đang lái xe.
    • Tìm các bức ảnh ngộ nghĩnh trên các trang web như I Can Has Cheezburger!
    • Tự trêu đùa mình và tình huống ngớ ngẩn bạn đang lâm vào.
    • Tô màu trong sách tô màu cho người lớn hoặc tham gia các buổi tiệc tô màu với bạn bè.
    • Ghi tên học một lớp hoặc hoạt động mà bạn luôn muốn thử như làm gốm hay làm thủy tinh màu.
    • Đi spa làm móng tay, mát-xa hoặc chăm sóc da mặt (hoặc cả ba!)
  4. Lưu tâm đến đời sống tinh thần. Đời sống tinh thần không hẳn mang ý nghĩa tổ chức tôn giáo. Đó có thể là thấu hiểu (hoặc cố gắng hiểu) mục đích hoặc ý nghĩa của bản thân trong cuộc sống. Nói chung, đời sống tinh thần có thể giúp bạn tin tưởng vào sự tồn tại của một quyền năng hay thực thể lớn lao hơn; cho bạn cảm nhận về mục đích và ý nghĩa; giúp bạn hiểu sự chịu đựng; giúp bạn kết nối với mọi người; và nhắc bạn rằng điều tốt đẹp thực sự tồn tại trên thế giới này.[14]
    • Đời sống tinh thần có thể bao gồm việc gia nhập hoặc duy trì đức tin tại một tổ chức tôn giáo nào đó, hoặc có thể là việc tập trung vào ý niệm về đấng tối cao của riêng bạn.
    • Các kiểu thiền như thở sâu, chú tâm, quán tưởng và thần chú có thể giúp bạn tập trung năng lượng và tăng cảm giác bình an.
  5. Học các chiến thuật đối phó. Cuộc sống không phải lúc nào cũng tươi đẹp và hạnh phúc. Kiểm soát sức khỏe cũng có nghĩa là học cách xử trí trong những giờ phút khó khăn bằng cách phát triển các chiến thuật có thể giúp bạn hiểu, đương đầu và cuối cùng là cảm thấy khá hơn. Có nhiều thói quen mà bạn có thể phát triển để đương đầu với những điều tiêu cực trong cuộc sống, bao gồm:[15]
    • Viết ra các suy nghĩ và cảm giác của bạn về một sự kiện không vui. Dùng cơ hội này để giãi bày về tình huống đó (trên giấy). Khi đã đặt bút viết ra, bạn sẽ cảm thấy khá hơn vì bạn đã có thể sắp xếp các ý nghĩ và giải tỏa áp lực mà bạn cảm nhận về tình huống đó. Lý tưởng nhất là bạn có thể đi tiếp từ khó khăn đó và quên rằng nó đã xảy ra.
    • Nếu vấn đề mà bạn đang trải qua có tính logic hơn là cảm xúc, bạn hãy xử trí nó như mọi vấn đề khác. Viết ra vấn đề đó và tất cả các giải pháp mà bạn có thể nghĩ đến. Đánh giá những ưu điểm và nhược điểm của từng giải pháp. Chọn cách giải quyết nào có hiệu quả nhất đối với bạn và củng cố cho những lý do tích cực khiến bạn chọn cách đó. Thực hiện giải pháp.
    • Đôi khi chúng ta lo lắng quá mức cần thiết về một vấn đề nào đó. Không phải vì bạn muốn thế, mà là vì bạn không thể điều khiển. Khi thấy lo lắng về một tình huống nào đó, bạn hãy lùi lại một bước và tự hỏi điều lo lắng của bạn thực đến mức nào. Liệu có phải bạn đang phóng đại sự việc không?
    • Hiểu rằng bạn không thể ngày nào cũng dành cả ngày để lo lắng. Do đó nếu phải lo lắng, bạn hãy sắp xếp thời gian nhất định mỗi ngày để làm việc đó. Khi đã có thời gian để lo lắng rồi, bạn hãy ngừng âu lo và nghĩ về những điều tốt đẹp đang đến trong cuộc sống của mình để nhắc nhở bản thân rằng sự việc có thể không đến nỗi tệ như bạn tưởng.

Khỏe mạnh khi có tuổi[sửa]

  1. Thường xuyên kiểm tra lại thuốc đang dùng.Thường xuyên trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ để chắc chắn thuốc của bạn còn tác dụng. Ngoài ra bạn cũng cần kiểm tra lại với bác sĩ hoặc dược sĩ mỗi khi mua theo toa thuốc mới hoặc các loại thuốc không kê toa để đảm bảo không có tương tác thuốc.[16]
  2. Kiểm tra thính lực hàng năm. Hẹn gặp với bác chuyên về tai để kiểm tra thính lực ít nhất mỗi năm một lần. Nếu khả năng nghe của bạn thay đổi kể từ sau lần khám trước, bạn cần nâng cấp thiết bị trợ thính cho phù hợp.[16]
  3. Kiểm tra những mối nguy trong nhà. Kiểm tra khắp nhà và loại bỏ mọi mối nguy hại có thể gây thương tích hoặc té ngã. Đảm bảo mọi nơi trong nhà phải đủ sáng. Lan can cầu thang phải chắc chắn và an toàn. Lắp đặt những thanh vịn và tay vịn ở những nơi trơn trượt và có thể ngã (như phòng tắm, bồn tắm,v.v…)[16]
  4. Tham gia chương trình Tự Kiểm soát Bệnh mãn tính (CDSMP). CDSMP do trường đại học Stanford phát triển và nay được các phòng y tế công cộng và các cơ quan sức khỏe trên toàn Bắc Mỹ và châu Âu áp dụng. Chương trình này sẽ giúp bạn phát triển các chiến thuật đối phó với bất cứ bệnh mạn tính nào như tiểu đường, viêm khớp hoặc bệnh tim.[17]
    • Nếu sống ở Mỹ, bạn có thể lên website của phòng y tế tiểu bang để tìm thông tin về chương trình trong khu vực mình ở. Hầu hết các khu vực đều có chương trình miễn phí.

Hỗ trợ con cái[sửa]

  1. Giúp con thay đổi thái độ đối với việc ăn uống. Chỉ 20% trẻ em trung học ở Mỹ hàng ngày ăn ít nhất 5 loại rau và hoa quả. Trẻ ở tuổi thiếu niên cần được khuyến khích ăn không chỉ rau và hoa quả mỗi ngày mà còn phải ăn các thức ăn “đích thực” thường xuyên hơn. Hết sức tránh thức ăn nhanh và thức ăn chế biến sẵn. Khuyến khích thức ăn nấu tại nhà và các món ăn làm từ nguyên liệu tươi.[18]
    • Một trong những cách nhanh nhất để điều chỉnh chế độ ăn uống cho lành mạnh hơn là giảm lượng calorie từ các loại thức uống như nước ngọt, nước quả, nước năng lượng, sữa lắc, v.v…
  2. Khuyến khích hoạt động thể chất. Để khỏe mạnh, trẻ em cần ít nhất 60 phút hoạt động thể chất mỗi ngày. Tuy nhiên trẻ không cần hoạt động liên tục 60 phút mà có thể chia thành các khoảng thời gian 10-15 phút.[19]
    • Dù vào mùa nào hoặc thời tiết thế nào, bạn cũng nên cho trẻ ra chơi ngoài trời càng thường xuyên càng tốt.
    • Cha mẹ nên tham gia vào các hoạt động cùng với trẻ, không chỉ vì sự gắn kết gia đình mà còn vì việc vận động cũng có lợi cho cả người lớn.
    • Đặt ra các mục tiêu hoạt động thể chất để cả nhà cùng nhau thực hiện. Tham gia các sự kiện gây quỹ từ thiện như chạy marathon hoặc đi bộ từ thiện với cả gia đình.
  3. Đảm bảo trẻ phải ngủ đủ giấc. Trẻ em cần ngủ từ 9 đến 10 tiếng mỗi đêm để các chức năng hoạt động tốt. Trẻ ngủ không đủ thời gian trên có thể bị ảnh hưởng về khả năng suy nghĩ, học tập và ra quyết định đúng. Việc thiếu ngủ cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ do gia tăng rủi ro béo phì, tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim và trầm cảm.[20]
    • Giúp con ngủ đầy đủ bằng cách đặt ra giờ đi ngủ và thông lệ ngủ. Đặt ra giờ đi ngủ mà trẻ cần tuân theo mỗi đêm, kể cả những ngày cuối tuần. Tránh dùng máy tính và xem ti vi trước khi ngủ một tiếng. Thời gian một tiếng trước khi ngủ cần dành cho các hoạt động thư giãn như đánh răng hoặc đọc sách.
    • Trẻ em và cả người lớn cần căn phòng tối để có giấc ngủ ngon. Phòng ngủ của trẻ phải tối và giường chỉ dùng để ngủ.
    • Tránh ăn no ngay trước khi ngủ. Điều này không những giúp ngăn ngừa chứng rối loạn dạ dày khiến trẻ không ngủ được mà còn giúp trẻ không gặp ác mộng. Trẻ cũng không nên uống quá nhiều nước trước khi ngủ để khỏi phải dậy đi vệ sinh ban đêm.
  4. Giới hạn thời gian dùng thiết bị điện tử. Mọi loại thiết bị công nghệ như ti vi, máy vi tính, điện thoại, v.v… đều phải giới hạn thời gian sử dụng mỗi ngày. Khi đã chạm mức giới hạn, bạn nên khuyến khích trẻ vận động bằng các hoạt động thể chất không bao gồm các thiết bị công nghệ.[21]
    • Các khu vực trong nhà như quanh bàn ăn cần phải được coi là “vùng không công nghệ”, nơi không được dùng các thiết bị điện tử - cho CẢ cha mẹ và con. Thay vào đó, nên khuyến khích trò chuyện trực tiếp (theo kiểu cũ).
  5. Dạy con về phép xã giao trên mạng. Nhiều trẻ em không bao giờ biết đến thế giới không có internet. Chúng tương tác, chơi và học trên mạng. Tuy nhiên trẻ cũng có thể tận dụng được ưu điểm của internet và cần biết cách cư xử khi giao tiếp trong cộng đồng mạng.[21]
    • Cha mẹ phải làm gương tốt trong việc giao tiếp trên mạng. Trẻ em thường thích bắt chước người lớn, do đó nếu bạn nói tục hoặc hành động thô lỗ trên mạng, chúng có thể làm theo như vậy. Nếu thấy bạn có thái độ đúng mực, trẻ cũng sẽ noi theo.
    • Dạy con về tình trạng bắt nạt trên mạng. Đừng giấu những câu chuyện trẻ em bị bắt nạt trên mạng mà hãy chia sẻ và trao đổi với trẻ. Thảo luận về cách phản ứng nên có ở những tình huống tương tự (ví dụ như nói với cha mẹ hay thầy cô giáo, không đăng hình ảnh hoặc thông tin cá nhân, v.v…).
    • Tìm hiểu về các phần mềm và ứng dụng mà trẻ sử dụng khi đang online hoặc trên điện thoại của trẻ để biết chúng dùng vào việc gì. Đừng trông chờ con “dạy” cho bạn biết chúng làm gì trên mạng.

Lời khuyên[sửa]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 https://my.clevelandclinic.org/ccf/media/files/Health/health_maintenance_guidelines.pdf
  2. http://www.aafp.org/afp/topicModules/viewTopicModule.htm?topicModuleId=64
  3. http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/nutrition-and-healthy-eating/in-depth/water/art-20044256
  4. https://sleepfoundation.org/how-sleep-works/how-much-sleep-do-we-really-need
  5. http://health.gov/paguidelines/pdf/paguide.pdf
  6. http://www.helpguide.org/articles/healthy-eating/healthy-eating.htm
  7. 7,0 7,1 http://www.tcyh.org/lifestyle/lifestyle.shtml
  8. http://www.tcyh.org/lifestyle/resources/vision_protect_eyes.shtml
  9. http://www.cda-adc.ca/en/oral_health/cfyt/dental_care/flossing_brushing.asp
  10. http://www.hc-sc.gc.ca/hc-ps/pubs/tobac-tabac/orqa-svra/index-eng.php
  11. http://www.mentalhealthamerica.net/connect-others
  12. http://www.mentalhealthamerica.net/help-others
  13. http://www.mentalhealthamerica.net/create-joy-and-satisfaction
  14. http://www.mentalhealthamerica.net/take-care-your-spirit
  15. http://www.mentalhealthamerica.net/deal-better-hard-times
  16. 16,0 16,1 16,2 https://www.ncoa.org/healthy-aging/falls-prevention/preventing-falls-tips-for-older-adults-and-caregivers/take-control-of-your-health-6-steps-to-prevent-a-fall/
  17. https://public.health.oregon.gov/DiseasesConditions/ChronicDisease/LivingWell/Documents/programfactsheet.pdf
  18. https://www.healthiergeneration.org/live_healthier/eat_healthier/
  19. https://www.healthiergeneration.org/live_healthier/get_moving/
  20. https://www.healthiergeneration.org/live_healthier/everyday_health/
  21. 21,0 21,1 https://www.healthychildren.org/English/family-life/Media/Pages/Tips-for-Parents-Digital-Age.aspx