Luận về Lao động và Bóc lột/Chương IV:Lao động và sự di chuyển của giá trị sức lao động

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
CHƯƠNG IV
LAO ĐỘNG VÀ SỰ DI CHUYỂN CỦA GIÁ TRỊ SỨC LAO ĐỘNG

Giá trị sức lao động có quan hệ với sức lao động nhưng không gắn chặt và có quan hệ tuyến tính với sức lao động, vì vậy nó có thể di chuyển từ người này sang người khác, cộng đồng này sang cộng đồng khác, khu vực này sang khu vực khác. Sự di chuyển của giá trị sức lao động diễn ra theo nhiều chiều, có thể từ dưới lên hoặc từ trên xuống, từ trong ra ngoài hoặc từ ngoài vào trong, có thể hội tụ hoặc phân tán, có thể thành các dòng chảy hoặc có thể ngưng đọng. Xét trong toàn xã hội, có thể coi sự di chuyển của giá trị sức lao động là những dòng chảy rối. Sự di chuyển đó có thể là cố ý hoặc không định trước, có thể là do thoả thuận hoặc cưỡng bức di chuyển. Do sự di chuyển của giá trị sức lao động mà giá trị sức lao động có thể được hội tụ hoặc phân tán. Mỗi sự hội tụ hay phân tán của giá trị sức lao động có thể có ý nghĩa và hậu quả đối với sự phát triển kinh tế và xã hội. Sự di chuyển hợp lý đảm bảo được tính công bằng xã hội và sự tập trung cần thiết cho sự phát triển. Sự di chuyển bất hợp lý có thể tạo nên sự tập trung lớn giá trị và tạo nên sự tập trung sức mạnh của con người, nhưng đồng thời cũng tạo nên sự mất cân bằng trong sự phát triển. Sau đây là các ví dụ giả định về sự di chuyển của giá trị sức lao động : Ví dụ 1: Một nhà sản xuất và kinh doanh đồ lưu niệm thuê hai người thợ làm một loại tượng nhỏ. Công việc của mỗi người là phải hoàn thành một bức tượng trong một ngày. Tiền công mà nhà kinh doanh trả cho mỗi người thợ là 100.000đ cho mỗi ngày làm việc. Người thợ thứ nhất thực hiện được yêu cầu hoàn thành sản phẩm trong một ngày và được lĩnh 100.000đ tiền công. Nhưng do sản phẩm không được trau truốt nên tiêu thụ chậm, trung bình hai ngày mới bán được một bức với giá 1.000.000đ. Người thợ thứ hai không chỉ hoàn thành công việc đúng thời gian quy định mà còn trau truốt sản phẩm kỹ càng. Sản phẩm của người thợ thứ hai làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó và còn bán được với giá 1.050.000đ.

Trong ví dụ này, xét về sức lao động thì hai người thợ có sức lao động như nhau và được định giá là 100.000đ cho mỗi ngày làm việc, họ cùng có sự tiêu hao về thời gian và sức lực. Nhưng về mặt trình độ đã có sự chênh lệch. Sự chênh lệch về trình độ đã đem lại giá trị sức lao động cao hơn cho người thứ hai. Nếu như nhà kinh doanh định giá sức lao động bằng giá trị sức lao động thì phải định giá sức lao động của người thợ thứ hai là 150.000đ, còn người thợ thứ nhất chỉ là 50.000đ.. Nhưng sự định giá giá trị sức lao động đã không được thực hiện đúng. Người thứ nhất được định giá cao hơn giá trị thực khi anh ta được hưởng nhiều hơn cái anh ta tạo ra. Còn người thứ hai bị định giá thấp hơn giá trị thực khi anh ta làm tốt hơn người kia nhưng chỉ được hưởng ngang bằng người thứ nhất. Phần chênh lệch giá bán giữa hai sản phẩm là biểu hiện của sự gia tăng giá trị sức lao động do người thợ thứ hai tạo ra và thông qua nhà kinh doanh, nó đã được chuyển cho người thợ thứ nhất.. Như vậy giá trị sức lao động đã có sự di chuyển từ người thợ thứ hai sang người thứ nhất. Đây là sự di chuyển theo chiều ngang.

Chúng ta còn có thể thấy được sự chi phối của mối quan hệ tình cảm trong ví dụ này nếu nhà kinh doanh không thay đổi phương thức chi trả tiền công cho hai ngưới thợ và việc này tiếp diễn trong thời gian dài. Tình cảm đã buộc nhà kinh doanh trả công cao cho người thợ thứ nhất. Và để có điều kiện thực hiện được việc này, nhà kinh doanh đã không trả đủ giá trị sức lao động cho người thợ kia.

Ví dụ 2: Có hai nhà nông canh tác trên một thửa ruộng mà họ cùng góp tiền để giành quyền sử dụng. Mỗi vụ họ thu hoạch được 400kg thóc và họ chia đều cho cả hai. Sau vại vụ canh tác, một người trong họ nảy ra ý định thay đổi thời vụ canh tác và kết quả thật bất ngờ: với công sức và chi phí không đổi, họ thu được 500kg, mỗi người thu thêm được 50kg mỗi vụ.

Với một sáng kiến nhỏ, hai người nông dân đã làm gia tăng kết quả của lao động. Phần gia tăng này là biểu hiện cho sự gia tăng giá trị sức lao động của người nông dân có sáng kiến. Xét về sức lao động thì việc đề xuất sáng kiến không làm tổn hao nhiều thời gian và sức lực. Nhưng hiệu quả là rõ ràng. Giá trị sức lao động thực hiện bằng cơ bắp của người nông dân trong ví dụ này chỉ là 200kg, còn giá trị sức lao động trí óc thể hiện bằng sáng kiến là 100kg. Nhưng biểu hiện của lao động trí óc là không đáng kể cho nên nó không được tính đến khi hai người nông dân phân chia sản phẩm. Nó tiếp tục được người nông dân không có sáng kiến khai thác và hưởng lợi khi người nông dân có sáng kiến chuyển đi nơi khác và nhường lại phần quyền sử dụng đất cho anh ta. Sự hưởng lợi này chấm dứt khi anh ta không trồng lúa nữa mà chuyển sang trồng một loại cây khác có thể đem lại lợi ích cao hơn. Giá trị sức lao động lúc này thuộc về anh ta nếu quyết định chuyển đổi cây trồng là quyết định của anh ta.

Sự chuyển dịch giá trị sức lao động trong trường hợp này đã thực hiện đến hai lần. Lần thứ nhất là sự chuyển dịch một nửa giá trị sức lao động trí óc của người nông dân có sáng kiến sang người không có sáng kiến. Lần thứ hai là sự chuyển dịch hoàn toàn khi hai người không còn làm chung với một hình thức khác: người có sáng kiến không khai thác giá trị sức lao động của mình mà giá trị đó do người nông dân không có sáng kiến khai thác với một thao tác đơn giản là thay đổi thời vụ. Nói đúng hơn là anh nông dân không có sáng kiến không phải làm gì hơn là thực hiện đúng sáng kiến thay đổi thời vụ và được hưởng lợi. Người nông dân có sáng kiến không khai thác giá trị sức lao động của mình nên đã không được hưởng lợi. Sự dịch chuyển giá trị sức lao động ở đây cũng là sự di chuyển ngang.

Ví dụ 3: một nhà sản xuất kinh doanh phát minh ra một công nghệ mới để sản xuất một mặt hàng đang được tiêu thụ trên thị trường. Nhờ công nghệ mới mà sản lượng và chất lượng của sản phẩm do công ty của nhà kinh doanh tăng lên rất cao, giá thành hạ nên sản phẩm tiêu thụ mạnh, doanh số tăng lên nhiều lần. Nhà kinh doanh có điều kiện trả lương cho công nhân trong công ty cao hơn so với mức đang thịnh hành trong cùng một điều kiện lao động.

Đi cùng với đà tăng trưởng mạnh mẽ của nhà sản xuất có công nghệ mới là sự suy thoái và phá sản của nhiều nhà sản xuất mặt hàng đó theo công nghệ cũ. Để duy trì sản xuất, một số công ty đã phải hạ giá sản phẩm trên cơ sở hạ thấp tiền công trả cho người lao động. Sự sáng tạo nên giá trị sức lao động mới tiên tiến đã làm triệt tiêu khả năng thực hiện những giá trị sức lao động lạc hậu. Sức lao động của nhà phát minh trên đây không cao hơn nhiều so với sức lao động của các công nhân trong công ty, nhưng giá trị sức lao động là rất cao khi nó đem đến khả năng trả lương cho người lao động ở mức cao hơn mà không phải gia tăng sức lao động. Đồng thời người tiêu dùng cũng được hưởng phần giá trị sức lao động này khi họ được sử dụng những sản phẩm có chất lựơng cao và giá thành thấp. Sự di chuyển giá trị sức lao động không chỉ theo chiều dọc từ người quản lý đến người lao động mà con theo chiều từ trong ra khi nó lan toả đến người tiêu dùng. Chúng ta còn thấy được sự khác nhau trong việc định giá giá trị sức lao động khi những công nhân trong công ty của nhà phát minh được trả lương cao hơn những đồng nghiệp của họ làm việc trong các công ty khác, còn một số công nhân trong các công ty sản xuất cùng mặt hàng với nhà phát minh đã bị buộc phải nhận mức định giá thấp để tồn tại mặc dù giá trị sức lao động thực của họ không khác giá trị sức lao động của những đồng nghiệp của họ làm việc trong công ty của nhà phát minh. Họ buộc phải nhường lại một phần giá trị sức lao động của mình cho người tiêu dùng để người tiêu dùng chấp nhận sản phẩm của họ.

Ví dụ 4: Một thợ thủ công học được nghề làm một sản phẩm do một nghệ nhân cao tuổi sáng tạo nên. Do thị trường chưa có nhu cầu cao về sản phẩm này nên nghệ nhân già đã không làm được nhiều sản phẩm và cũng chỉ có người thợ thủ công nói trên là học trò duy nhất học cách làm sản phẩm này. Khi nghệ nhân đã cao tuổi và không còn khả năng lao động thì cũng là lúc thị hiếu của người tiêu dùng về sản phẩm của nghệ nhân tăng cao. Người thợ thủ công có điều kiện để hốt bạc.

Một sáng tạo giá trị sức lao động mới đã không được định giá cao ngay từ lúc ra đời mà chỉ được định giá cao ở thời đại sau. Lão nghệ nhân đã không thu được giá trị sức lao động của mình. Còn người thợ thủ công chỉ có sức lao động nhưng nhờ giá trị sức lao động được định giá cao khi anh ta thực hiện sản phẩm của nghệ nhân mà thu được rất nhiều lợi ích. Xét về bản chất thì giá trị sức lao động của anh thợ thủ công không bằng của lão nghệ nhân vì anh ta không có lao động trí óc hay có sự sáng tạo. Giá trị sức lao động nằm trong sản phẩm mà anh ta thực hiện bao gồm giá trị sức lao động của anh ta và giá trị sức lao động sáng tạo của nghệ nhân và anh ta đã hưởng phần giá trị sức lao động của nghệ nhân.

Ví dụ 5: Một người thợ sáng chế ra một chiếc máy giúp cho năng suất lao động tăng nhiều lần. Giám đốc nhà máy quyết định thưởng cho người thợ đó một khoản tiền trị giá ba tháng lương và cho chế tạo thêm một số máy như vậy để dùng cho sản xuất. Nhờ dàn máy mới này mà năng suất lao động của nhà máy tăng cao, chi phí sản xuất giảm, khả năng cạnh tranh tăng lên, vị thế của nhà máy ngày càng cao trên thị trường. Còn người thợ trở lại vị trí hưởng lương theo sản phẩm với định mức lao động mới được điều chỉnh sau khi công nghệ thay đổi.

Cùng là nhà sáng chế nhưng ở cương vị là chủ một cơ sở sản xuất, nhà sáng chế ở ví dụ 3 đã tự quyết định về việc sử dụng sáng chế của mình và phân phối giá trị do sáng chế đem lại, còn nhà sáng chế trong ví dụ này đã không quyết định được việc sử dụng sáng chế của mình cũng như tự quyết định về giá trị sức lao động. Giá trị sức lao động của nhà sáng chế đã chuyển thành lợi ích của nhà máy và người tiêu dùng, còn nhà sáng chế chỉ được hưởng một phần nhỏ trong đó. Giả thiết rằng người thợ không nhận tiền thưởng và giữ bản quyền sử dụng sáng chế của mình thì sự việc diễn ra là anh ta sẽ thu được nhiều tiền hơn số tiền mà giám đốc công ty thưởng cho anh ta, công ty sẽ không được lợi gì hoặc có thể giảm được một số chi phí nào đó, còn người tiêu dùng sẽ không hề biết đã có một sáng chế trong công nghệ sản xuất mặt hàng mà họ sử dụng. Nói cách khác, giá trị sức lao động của người thợ sáng chế không di chuyển khỏi anh ta và lượng giá trị mới tạo ra cho xã hội sẽ không cao. Sự cân đối lợi ích cho các bên từ một sự đổi mới cần có một sự hài hoà để lượng giá trị mới thu được là cao nhất.

Ví dụ 6: Ba người bạn cùng học một nghề nhưng làm việc ở ba công ty khác nhau. Nhân dịp nghỉ lễ, họ gặp nhau và kể cho nhau nghe về việc làm và thu nhập. Họ vui mừng vì cả ba cùng làm một loại sản phẩm và có thu nhập hàng tháng bằng nhau. Nhưng anh công nhân A làm việc ở công ty M thì than thở rằng công việc quá nặng nhọc, mỗi ngày anh ta phải hoàn thành 10 sản phẩm. Anh ta còn nói thêm: “ Cũng may là bọn tớ còn nghĩ ra được vài cái đồ gá giúp tăng năng suất lao động nên mới cầm cự được”. Anh công nhân B làm việc ở công ty K nói rằng anh ta hoàn thành 8 sản phẩm trong ngày là đạt yêu cầu. Còn anh C làm ở công ty H thì khoe rằng anh ta chỉ phải làm mỗi ngày 6 sản phẩm.

Sau vài năm, do lợi nhuận cao từ việc giảm thiểu chi phí sản xuất, công ty M đầu tư thêm dây chuyền sản xuất, thu hút thêm lao động và đẩy mạnh sản xuất. Công ty K ổn định được sản xuất nhưng lợi nhuận thấp nên không thể mở rộng sản xuất. Công ty H bị phá sản do chi phí sản xuất cao.

Việc định mức thời gian cho việc tạo ra một sản phẩm hay số lượng sản phẩm trong một đơn vị thời gian thực chất cũng là việc định giá sức lao động. Ba định mức lao động ở ba công ty trên đây, về mặt hình thức thì giống nhau vì có cùng một mức tiền công cho một ngày làm việc, nhưng nội dung thì khác nhau. Điều này thể hiện sự định giá không đúng về giá trị sức lao động của mỗi công nhân. Anh A bị định giá thấp nên một phần giá trị sức lao động của anh ta đã trở thành lợi nhuận của công ty. Giá cả sức lao động của anh B được xác định đúng bằng giá trị sức lao động của anh ta. Anh ta thu được toàn bộ giá trị sức lao động của mình sau khi đã bỏ ra một sức lao động tương ứng. Còn sức lao động của anh C được được trả giá cao hơn giá trị sức lao động của anh ta, vì vậy công ty H không những không thu được lợi nhuận từ sức lao động mà còn phải sử dụng nguồn vốn khác để trả công lao động dẫn đến thua lỗ trong sản xuất kinh doanh.

Ví dụ 7: Hai nhà nông cùng trồng một loại cây trong cùng một điều kiện về khí hậu, cùng thực hiện một chế độ chăm sóc nhưng điều kiện thổ nhưỡng là khác nhau. Anh A canh tác trên thửa ruộng màu mỡ nên năng suất thu hoạch đạt 3 tạ trên một sào, còn anh B chỉ thu được 2 tạ trên một sào đất bạc màu.

Do thu nhập cao nên anh A sẵn sàng trả giá cao cho mọi nhu cầu của anh ta. Việc đẩy giá này đã đưa anh B vào hoàn cảnh khó khăn hơn bởi anh ta phải chấp nhận trả giá cao hơn giá thực của các sản phẩm cho nhu cầu của mình.

Sự thu nhập cao của anh nông dân A có phải vì giá trị sức lao động của anh ta cao hơn anh B hay không? Câu trả lời là không bởi sức lao động của hai người là như nhau. Phần thu nhập tăng thêm là do giá trị tài nguyên thiên nhiên chuyển hoá thành. Anh B chỉ thu đủ so vói cái anh ta đã bỏ ra. Nhưng một tình thế thường xuất hiện là do thu được nhiều sản phẩm hơn nên vị thế của anh A thường được định giá cao hơn anh B trong xã hội.

Xét về sự di chuyển của giá trị sức lao động thì có hai sự di chuyển giống nhau về hình thức, đó là sự di chuyển từ hai người nông dân sang những người đáp ứng những nhu cầu của họ. Nhưng về tính chất thì hoàn toàn khác nhau, với anh A thì đó là tự nguyện, anh ta chia xẻ một phần giá trị mà anh ta thu được cho những người đáp ứng nhu cầu của anh ta dưới hình thức thoả thuận. Những người đáp ứng nhu cầu thu được thêm được lợi ích từ thoả thuận kiểu này. Đây là một biểu hiện của sự phân phối lại phần giá trị thu nhập gia tăng. Còn với anh B thì sự di chuyển giá trị sức lao động là sự cưỡng bức, sự cưỡng bức này còn xảy ra trong trường hợp anh B bị mất mùa do một nguyên nhân nào đó và khó khăn mà anh ta gặp phải tăng lên gấp bội. Anh ta không có phần gia tăng thu nhập nên việc anh ta phải chia sẻ phần giá trị của anh ta không thể gọi là sự phân phối lại, mặc dù quá trình chia xẻ diễn ra giống với anh A.

Việc một số cư dân ( trong một bộ phận dân cư ) có thu nhập cao sử dụng đồng tiền của mình một cách hào phóng đem lại lợi ích cho một bộ phận dân cư có các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của họ, nhưng cũng đồng thời đẩy một bộ phận dân cư khác có thu nhập thấp và sử dụng một số sản phẩm như họ vào con đường bần cùng là mặt trái của sự phát triển kinh tế. Những người có thu nhập cao bất kể từ nguồn nào luôn có xu hướng san xẻ một phần thu nhập của mình cho những người có một số sản phẩm đáp ứng nhu cầu của họ thông qua việc họ chấp nhận giá cao hơn bình thường cho những sản phẩm đó. Việc làm này của họ đã trực tiếp đẩy giá cả hàng hoá và dịch vụ lên. Giá cả leo thang trong nền kinh tế đang phát triển là sự điều tiết thu nhập tự nhiên trong trong xã hội, nhưng nó cũng là tai hoạ dành cho những người có thu nhập thấp và tốc độ thu nhập không theo kịp tốc độ tăng giá. Họ đã nghèo lại còn bị bần cùng hoá thêm bởi sự hào phóng nửa vời đó của những người có thu nhập cao. Nếu không có những chính sách điều chỉnh thích hợp thì đi cùng với sự phát triển kinh tế luôn là sự phân hoá giàu nghèo với tốc độ phân hoá ngày càng gia tăng. Điều này không hề phụ thuộc vào cách thức thu nhập có đúng hay không( về giá trị sức lao động).

Ví dụ 8 : Một ca sỹ đặt hàng cho một nhạc sỹ viết một bài hát với giá 500.00đ. Việc đặt hàng đúng vào dịp cảm hứng sáng tác của nhạc sỹ đang ở đỉnh cao của thời kỳ thăng hoa nên một tuyệt phẩm âm nhạc ra đời và nhanh chóng được công chúng đón nhận nhiệt liệt. Ca sỹ nhờ bài hát viết riêng cho mình nên nhận được rất nhiều lời mời biểu diễn và cũng thu được rất nhiều tiền cát xê.

Nhờ năng lực và trình độ cao nên nhạc sỹ đã không mất nhiều sức lực cho việc ra đời một bài hát hay. Sức lao động của nhạc sỹ trong việc sáng tác bài hát kết thúc khi bài hát được hoàn thành. Còn ca sỹ phải bỏ sức lao động không chỉ trong mỗi lần biểu diễn mà còn cả thời kỳ trước đó trong lúc luyện tập. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là giá trị sức lao động của nhạc sỹ là không có trong lúc bài hát được trình diễn. Giá trị của bài hát hay bao gồm cả của nhạc sỹ- người sáng tác bài hát và ca sỹ- người trình diễn bài hát. Mỗi lần bài hát được trình diễn là mỗi lần giá trị sức lao động của nhạc sỹ được phát huy. Ca sỹ thực hiện giá trị sức lao động của mình và phát huy giá trị sức lao động của nhạc sỹ. Nói cụ thể hơn, giá trị sức lao động của nhạc sỹ được thực hiện thông qua sức lao động của ca sỹ. Nhạc sỹ không thể tự thực hiện được giá trị sức lao động của mình nếu nhạc sỹ không biết hát và tự trình bày bài hát của mình. Giá trị sức lao động của nhạc sỹ trong bài hát sẽ kết thúc khi không còn có ai hát và không còn người muốn nghe bài hát đó nữa. Khi ca sỹ không thể sáng tác và nhạc sỹ không thể hát thì giữa họ cần có một mối quan hệ hợp tác. Sự hợp tác giúp cho giá trị sức lao động của cả hai mới được thực hiện. Cái giá 500.000đ trên đây thực chất chỉ là giá cả sức lao động của nhạc sỹ bởi nó là sự thoả thuận ban đầu, còn giá trị sức lao động của nhạc sỹ chưa được xác định vì bài hát chưa ra đời. Nếu nhạc sỹ chỉ mất một hoặc hai ngày cho sáng tác bài hát thì cái giá đó là chấp nhận được với ý nghĩa là giá cả sức lao động. Nhưng nếu nhạc sỹ phải ấp ủ cả tháng, cả năm mới cho ra đời một bài hát hay thì cái giá trên đây là quá rẻ. Nếu nhạc sỹ không được nhận thêm tiền từ việc bài hát của mình được trình diễn thì có nghĩa là giá trị sức lao động của nhạc sỹ đã chuyển sang ca sỹ, nhạc sỹ đã không được hưởng giá trị sức lao động của mình.

Mối quan hệ giữa ca sỹ và nhạc sỹ trong ví dụ này là mối quan hệ hợp tác lỏng lẻo. Nó có thể chấm dứt vào bất kỳ thời điểm nào, do đó sự di chuyển giá trị sức lao động có thể được điều chỉnh để duy trì hợp tác hoặc chấm dứt khi sự hợp tác đổ vỡ bởi quan hệ hợp tác trở nên bất bình đẳng đến mức nghiêm trọng. Đây là một điều khác với mối quan hệ chặt chẽ trong các tổ chức. Trong các tổ chức, sự định giá giá trị sức lao động và việc điều chỉnh sự định giá tuân theo các quy định đặt trước, vì vậy, về bản chất, sự định giá và điều chỉnh định giá cũng là sự áp đặt. Sự áp đặt không đúng sẽ tạo ra các dòng di chuyển của giá trị sức lao động theo những con đường ổn định trong suốt thời kỳ vận hành của tổ chức theo các quy định đó. Sự di chuyển này đương nhiên là sự di chuyển cưỡng bức, nó làm lợi cho người này và thiệt hại đến người khác. Chiêu bài hay lá chắn bảo vệ cho sự cưỡng bức này là các quy định đã được đặt trước đó.

Ví dụ 9: Một nhà khoa học giành nhiều thời gian và công sức để phát minh ra một sản phẩm rất có ích cho cuộc sống của con người. Vui mừng vì thành công, nhà khoa học đem phát minh của mình công bố rộng rãi trên báo chí mà không đăng ký bản quyền. Sau khi phát minh được công bố, nhiều nhà sản xuất đã dựa trên nguyên lý của sản phẩm do nhà phát minh đề ra để cải tiến cho phù hợp với công nghệ hiện có rồi tiến hành đăng ký bản quyền, tổ chức sản xuất và tung sản phẩm ra tiêu thụ trên thị trường. Sản phẩm được tiêu thụ mạnh, lợi nhuận của các nhà sản xuất tăng rất cao và họ có điều kiện mở rộng sản xuất, tăng lương cho công nhân. Còn nhà khoa học chỉ thu được tiền nhuận bút đủ để mua chiếc xe đạp điện thay cho chiếc xe đạp chân.

Lượng giá trị sức lao động của nhà khoa học không được xác định cụ thể, nhưng nó sẽ là một con số không hề nhỏ. Giá trị này đã lan toả tới các nhà sản xuất và cả người tiêu dùng. Nhưng sự định giá nó đã không được thực hiện đúng. Nhuận bút mà nhà khoa học nhận được cũng chỉ là sự trả giá sức lao động bởi việc tính nhuận bút không căn cứ vào chất lượng tác phẩm, không tính đến việc có những từ ngữ trong tác phẩm có thể so sánh với vàng. Và để có được những chữ vàng đó, người tạo ra tác phẩm có thể đã phải trả những giá rất cao, thậm trí là cả cuộc đời họ.

Ví dụ 10: Một nhà thầu xây dựng rất cần mẫn và chu đáo trong công việc của mình. Những công trình mà anh ta nhận thầu thi công luôn có chất lượng rất cao nên anh ta được chủ các công trình tin tưởng. Nhưng việc đảm bảo chất lượng công trình tốt đi cùng với cách quản lý thi công thiếu chặt chẽ cho nên lợi nhuận mà anh ta thu được là không cao. Điều này gây khó khăn cho anh ta trong việc nâng cao năng lực thi công. Anh ta không mua sắm được công cụ tốt, không đổi mới được công nghệ nên không thể nhận thầu được nhiều công trình xây dựng. Cho rằng mình thua kém người khác nên anh ta nảy ra ý định làm tăng lợi nhuận bằng cách rút bớt khối lượng, thay đổi chủng loại vật tư để lấy tiền chênh lệch giá. Thật không may cho anh ta, công trình mà anh ta nhận thi công lần này nằm trên nền đất yếu cho nên mới khánh thành chưa lâu đã đổ ụp. Anh ta phải vào ngồi nhà đá. Toàn bộ vốn liếng, tài sản mà anh ta tích cóp được trước đó phải dùng cho việc đền bù thiệt hại.

Một công trình xây dựng hoàn thành là sự kết tinh của rất nhiều các giá trị của thiên nhiên và của con người. Khi nó được xây dựng với chất lượng cao, nó sẽ phát huy được tất cả các giá trị đó. Khi nó được xây dựng với chất lượng thấp như công trình trên đây thì mọi giá trị đó tan thành mây khói. Việc làm mất các giá trị này lại được thực hiện bởi sức lao động. Điều này có nghĩa là sức lao động và thực hiện lao động có thể làm thay đổi lượng giá trị xã hội. Trong xã hội có những sức lao động động tạo ra rất nhiều giá trị, nhưng cũng tồn tại không ít sức lao động không những không tạo được giá trị sức lao động mới mà còn huỷ hoại các giá trị đã có. Đây là những sức lao động có giá trị âm. Các giá trị sức lao động hội tụ vào tay nhà thầu trên đây đã bị triệt tiêu.

Ví dụ 11: Nhà nước giao cho một số viên chức của mình thực hiện thu phí một loại dịch vụ bằng hình thức bán vé và kiểm soát vé. Có một số người không muốn mất nhiều tiền mà vẫn được hưởng đầy đủ dịch vụ nên đã thực hiện hành vi trả một nửa số tiền vé phải mua và không nhận vé khi sử dụng dịch vụ. Các viên chức nhà nước đã không ngăn chặn hành vi nói trên mà còn chấp nhận để được hưởng số tiền đó. Sự thông đồng không văn bản này đã làm cho nhà nước thất thu.

Đồng tiền trả cho việc sử dụng dịch vụ là đồng tiền mà người sử dụng dịch vụ thu được từ lao động của họ. Có nghĩa là người sử dụng dùng giá trị sức lao động của mình để đổi lấy sự phục vụ của nhà nước. Sự trao đổi này tạo ra hai dòng chảy: một dòng giá trị sức lao động từ người sử dụng dịch vụ đến nhà nước và một dòng giá trị dịch vụ chảy ngược lại. Nhưng chỉ có dòng dịch vụ là chảy thông, còn dòng giá trị sức lao động đã không đủ lưu lượng mà còn đổi hướng. Sự di chuyển này là không bình thường bởi nó ảnh hưởng đến nhiều giá trị trong xã hội.

Ví dụ 12: Một nhân viên trong công ty được giao nhiệm vụ mua vật tư, nguyên liệu cho công ty. Để duy trì khách hàng, các đơn vị cung cấp vật tư, nguyên liệu đã sử dụng hình thức khuyến mại cho nhân viên nói trên. Tiền khuyến mại tính vào giá bán hàng. Nhờ khoản khuyến mại mà thu nhập của nhân viên này cao hơn nhiều nhân viên khác có cùng cấp bậc trong công ty.

Việc nâng giá hàng của các đơn vị cung ứng vật tư, nguyên liệu để có khoản chi khuyến mại đã nâng cao chi phí sản xuất của công ty, giá thành sản phẩm tăng. Công ty phải lựa chọn nhiều biện pháp để duy trì sản xuất, hoặc là nâng giá bán hàng, hoặc là hạ thấp lợi nhuận của công ty để không nâng giá bán. Việc nâng giá bán hàng sẽ gây thiệt hại cho người tiêu dùng và do đó công ty sẽ mất khách hàng. Việc hạ thấp lợi nhuận làm cho công ty mất khả năng phát triển và thu nhập của người lao động trong công ty cũng giảm theo do không có quỹ phúc lợi từ lợi nhuận.

Khi thực hiện nhiệm vụ thu mua vật tư, nguyên liệu, người nhân viên được nhận giá trị sức lao động của mình thông qua tiền lương và các khoản chi phí theo quy định của công ty. Việc người nhân viên nhận thêm khoản tiền khuyến mại mà không nộp vào công ty có nghĩa là người đó đã được hưởng phần giá trị cao hơn giá trị sức lao động của mình. Phần giá trị tăng thêm này, hoặc là giá trị sức lao động của những người lao động khác trong công ty khi công ty không tăng được giá bán hàng, hoặc là giá trị của người tiêu dùng khi họ phải mua hàng với giá cao. Những phần giá trị này, thông qua các đơn vị cung ứng vật tư mà chảy vào túi của nhân viên mua vật tư.

Ví dụ 13: Nhận thấy trên thị trường đang có nhu cầu lớn về một loại sản phẩm, nhiều nhà sản xuất đã đổ xô vào sản xuất loại hàng đó. Việc tập trung vào sản xuất một loại sản phẩm đã khiến cho giá nguyên liệu tăng vọt, lợi nhuận của các nhà cung ứng nguyên liệu thu được tăng gấp bội. Khi các nhà sản xuất tung sản phẩm ra tiêu thụ, do lượng hàng hoá quá nhiều, cung vượt xa cầu nên giá bán của sản phẩm hạ xuống nhanh chóng. Nhiều nhà sản xuất phải chấp nhận bán sản phẩm của họ dưới giá thành để thu lại một phần vốn và chấp nhận thua lỗ nặng.

Do không xác định đúng nhu cầu thực tế và khả năng cung cấp hàng hoá nên các nhà sản xuất đã tự làm mất một phần giá trị sức lao động của mình. Trong phần giá trị này, có một phần chuyển sang cho các nhà cung ứng nguyên liệu khi nguyên liệu tăng giá, một phần chuyển sang người tiêu dùng khi giá bán sản phẩm hạ thấp dưới giá thành và một phần mất đi do sản phẩm không tiêu thụ được phải huỷ bỏ.

Ví dụ 14: Một bác sỹ tìm ra một phương pháp chữa bệnh mới có hiệu quả rất tốt. Nhưng do số lượng bệnh nhân là quá nhiều, vị bác sỹ không thể tự mình cứu chữa hết được mà phải vừa chữa bệnh cho bệnh nhân, vừa mở lớp đào tạo chữa bệnh theo phương pháp mới này. Do nhu cầu học cao nên một số học viên sau khi học xong đã mở ra các lớp đào tạo mới. Vị bác sỹ vừa chữa bệnh, vừa đào tạo và vừa dành thời gian cho nghiên cứu khoa học cho nên số lượng học viên theo học trực tiếp ít hơn rất nhiều lần số lượng học viên học gián tiếp qua một số học viên được đào tạo ban đầu. Tiền học phí mà những học viên đầu tiên thu được cao hơn nhiều lần số tiền học phí mà họ đã trả cho vị bác sỹ đã tìm ra phương pháp chữa bệnh.

Xét về mặt giá trị sức lao động thì rõ ràng giá trị sức lao động của vị bác sỹ tìm ra phương pháp chữa bệnh mới là rất cao và càng gia tăng khi phương pháp đó ngày càng lan rộng. Nhưng vị bác sỹ chỉ được hưởng một phần giá trị sức lao động của mình và còn thấp hơn một số học viên do mình đào tạo. Những học viên mở lớp đào tạo, xét về mặt hiện tượng thì họ là những người đáng được định giá giá trị sức lao động cao và thực tế họ được định giá cao khi họ đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Nhưng xét về bản chất, giá trị sức lao động đó thuộc về vị bác sỹ. Những học viên này chỉ có sức lao động và giá trị sức lao động của họ tương ứng với sức lao động ( cả quá khứ khi họ theo học cách chữa bệnh và hiện tại khi họ giảng dạy cách chữa bệnh). Giá trị sức lao động quá khứ của họ đã được họ thu lại từ người học viên đầu tiên do họ đào tạo. Giá trị họ thu được từ học viên thứ hai trở đi bao gồm giá trị sức lao động hiện tại của họ và giá trị sức lao động quá khứ của vị bác sỹ bởi phương pháp chữa bệnh mới là tri thức do vị bác sỹ tạo ra. Mà tri thức theo quan niệm trong cuốn sách này là một dạng tư liệu sản xuất.

Nếu so sánh với ví dụ 4 và ví dụ 8 thì sự di chuyển giá trị sức lao động trong ví dụ này có những điểm giống và khác với hai ví dụ trên. Điều này là biểu hiện của tính đa dạng của sự di chuyển giá trị sức lao động trong xã hội. Sự di chuyển càng phức tạp thì việc xác định nguồn gốc giá trị sức lao động càng khó khăn và do đó việc định giá giá trị sức lao động càng khó đúng đắn. Mức độ sai lệch trong định giá càng cao thì sự công bằng xã hội càng bị biến dạng, sự nhận diện lẽ công bằng sẽ mất đi sự rõ ràng. Để thấy được thêm về sự đa dạng của sự di chuyển giá trị sức lao động, xin hãy xét thêm các ví dụ sau:

Ví dụ 15: Một ca sỹ sử dụng công nghệ thông tin để điều chỉnh, thay đổi giọng hát của mình. Nhờ đó mà giọng hát của ca sỹ được nhiều người yêu thích. Khi biểu diễn trước người nghe, ca sỹ phải sử dụng hình thức hát nhép để dấu đi giọng hát thực của mình. Thu nhập của ca sỹ tăng cao khi sử dụng phương pháp trên.

Xét về mặt giá trị hưởng thụ thì người nghe đã được hưởng thụ nghệ thuật với chất lượng cao. Nhưng chất lượng này không hoàn toàn xuất phát từ lao động của ca sỹ mà có cả chất lượng được tạo bởi công nghệ. Điều này có nghĩa là giá trị sức lao động của ca sỹ bao gồm giá trị sức lao động của ca sỹ( hiện tại và quá khứ), giá trị sức lao động của những người điều khiển thiết bị âm thanh, giá trị sức lao động quá khứ do các thiết bị đó tạo ra, giá trị sức lao động của nhạc sỹ nếu ca sỹ không tự sáng tác bài hát và nhiều giá trị sức lao động phụ trợ khác nữa. Trong ví dụ này chỉ xét riêng giá trị tạo ra chất lượng âm nhạc, đó là chất lượng được tạo bởi ca sỹ, các thiết bị và những người điều khiển thiết bị điều chỉnh âm thanh. Ca sỹ sẽ không thu được nhiều giá trị nếu chỉ có giọng hát thực. Khi có sự hỗ trợ của thiết bị và những người điều khiển thiết bị có trình độ cao thì phần gia tăng giá trị mà ca sỹ thu được thực chất là thuộc về các thiết bị và những người điều khiển thiết bị. Dòng giá trị sức lao động được chia thành nhiều nhánh. Nếu xác định lưu lượng cho từng nhánh không hợp lý sẽ hình thành nên các giá trị giả tạo. Giá trị giả tạo là một giá trị ảo nhưng được nhận giá trị thực từ những sức lao động khác.

Ví dụ 16: Một đơn vị sản xuất đầu tư đổi mới công nghệ. Những thiết bị mới có một số tính năng tự động giúp cho việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhưng do không nâng cao được năng suất lao động nên chi phí về lao động không giảm.

Một bài toán khó đặt ra cho đơn vị là khi đưa thiết bị mới vào sản xuất sẽ làm tăng chi phí khấu hao. Nếu không giảm được các chi phí khác xuống với mức tương ứng thì giá thành sản phẩm sẽ tăng. Các chi phí khác như nguyên liệu, năng lượng không giảm được, nhưng chi phí nhân công cũng không thể cắt bớt bởi thiết bị mới không giúp tăng năng xuất lao động. Giá trị của sản phẩm thực tế đã tăng lên do chất lượng sản phẩm được nâng lên. Phần giá trị tăng thêm này là do thiết bị mới tạo ra và người tiêu dùng được hưởng khi đơn vị sản xuất không tăng giá bán hàng. Điều này có nghĩa là một dòng chảy của giá trị sức lao động khứ từ các thiết bị mới đưa vào sản xuất đã chảy đến người tiêu dùng. Người được hưởng lợi từ việc đổi mới thiết bị không phải là đơn vị sản xuất mà là người tiêu dùng. Mục đích của việc đầu tư đổi mới công nghệ mà đơn vị sản xuất đạt được là duy trì và có thể tăng được lượng khách hàng sử dụng sản phẩm của mình.

Ví dụ 17: Cũng là ví dụ về sự đầu tư đổi mới công nghệ. Nhưng sự đổi mới đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm và năng suất lao động. Việc tăng năng suất lao động đã dẫn đến tình trạng dư thừa lao động và đơn vị đầu tư phải giảm số lượng lao động trong biên chế. Số lao động ở lại vẫn làm việc bình thường nhưng thu nhập tăng cao hơn trước.

Với việc không thay đổi tình trạng làm việc thì có thể nói rằng giá trị sức lao động của những người lao động ở lại là không tăng thêm. Nhưng việc thu nhập tăng lên đã chỉ ra rằng giá trị sức lao động của họ đã được định giá cao hơn. Phần giá trị tăng thêm này do các thiết bị, máy móc mới mang lại và đó là giá trị sức lao động quá khứ. Nói cụ thể hơn, có một dòng giá trị sức lao động quá khứ không thuộc những người lao động đã chảy vào túi họ.

Ví dụ 18: Nhà nước thành lập hai đơn vị sự nghiệp ở hai địa bàn khác nhau có nhiệm vụ cung ứng một loại dịch vụ công cho công dân của mình. Hai đơn vị có tổ chức và trình độ chuyên môn nghiệp vụ giống nhau. Nhưng do thái độ làm việc của các viên chức ở hai đơn vị là khác nhau cho nên số lượng người đến sử dụng dịch vụ ở hai đơn vị là khác nhau. Ở đơn vị có các viên chức làm việc tận tình, chu đáo, niềm nở với khách hàng thì có rất nhiều người đến sử dụng dịch vụ, trong đó có cả những người dân không thuộc địa bàn phục vụ của họ. Các viên chức ở đơn vị này phải làm việc rất vất vả. Ngược lại, ở đơn vị có các viên chức làm việc với thái độ cửa quyền thì rất vắng khách hàng, các nhân viên làm việc nhàn hạ.

Theo quy định thì tiền lương của các viên chức ở hai đơn vị là như nhau. Có nghĩa là giá trị sức lao động của họ được định giá bằng nhau. Nhưng giá trị sức lao động thực tế của họ như diễn ra trên đây là hoàn toàn khác nhau. Nếu lượng dịch vụ cần được cung ứng được tính tương ứng với giá trị sức lao động của các viên chức trên hai địa bàn thì đã có một dòng giá trị sức lao động thường xuyên di chuyển từ các viên chức cần mẫn sang các viên chức lười nhác khi một số người dân không sử dụng dịch vụ được cung ứng tại địa bàn của mình mà chuyển sang sử dụng dịch vụ tại địa bàn của các viên chức cần mẫn. Mặt khác, sự cẫn mẫn của họ đem lại nhiều sự thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ và điều này cũng có nghĩa là người sử dụng dịch vụ cũng được hưởng lợi ích từ giá trị sức lao động của những viên chức cần mẫn này.

Ví dụ 19: Hai kỹ sư cùng học một khoá làm việc ở hai công ty khác nhau. Họ được giao thiết kế một loại sản phẩm có tính năng, tác dụng giống nhau. Nhưng sản phẩm được thiết kế với kết cấu khác nhau cho nên quy trình công nghệ chế tạo và chi phí sản xuất là khác nhau, giá thành sản phẩm cũng vì lẽ đó mà chênh lệch nhau. Công ty có giá thành sản phẩm thấp tiêu thụ được nhiều hàng hoá hơn, thu nhập của người lao động và lợi nhuận của công ty đó cao hơn. Còn công ty có sản phẩm với kết cấu phức tạp bán được rất ít sản phẩm.

Theo phương pháp xác định giá lao động bình quân ( hoặc theo một quy định nào đó) thì giá trị sức lao động hay bậc lương của hai kỹ sư trên được xác định là bằng nhau bởi họ có cùng một trình độ. Nhưng trong thực tế thì giá trị sức lao động của họ hoàn toàn khác nhau. Điều này xảy ra bởi năng lực cá nhân của hai kỹ sư là khác nhau. Kỹ sư có năng lực cao tạo ra được nhiều giá trị mới và có nhiều người được hưởng giá trị này. Trong điều kiện cạnh tranh thì giá trị sức lao động của những người có năng lực thấp dễ trở thành con số 0.

Ví dụ 20 : Một nông dân khai khẩn một khu đất hoang để trồng cây lương thực. Do đất cằn cỗi nên thu hoạch của anh ta cũng chỉ đủ nuôi sống bản thân và gia đình của anh ta mặc dù anh ta đã bỏ ra nhiều công sức lao động. Khu đất của anh ta trở nên có giá khi có một dự án quy hoạch phát triển được triển khai trên khu đất đó. Anh ta bán khu đất và thu được một khoản tiền gấp hàng trăm lần số tiền mà anh ta đã thu được từ việc canh tác.

Anh nông dân đã bỏ sức lao động để khai khẩn đất hoang và đã thu được rất nhiều tiền từ việc bán đất. Như vậy có phải là giá trị sức lao động của anh ta là rất cao? Câu trả lời với thái độ nghiêm túc nhất phải là câu trả lời không bởi vì đất cũng là một tài nguyên thiên nhiên. Cái mà anh ta thu được là giá trị tài nguyên thiên nhiên mà anh ta đã từng bỏ công sức ra để có quyền sở hữu. Anh ta đã không thu được nhiều giá trị khi bỏ công sức canh tác. Giá trị sức lao động của anh ta chỉ tương ứng với sức lao động mà anh ta đã bỏ ra. Giá trị tài nguyên của khu đất là thấp khi sử dụng cho việc canh tác và có giá trị rất cao khi nó được dùng cho mục đích khác trong quy hoạch phát triển và với người sử dụng khác. Phần giá trị tài nguyên mà anh nông dân thu được có thể có nguồn gốc từ giá trị tài nguyên thiên nhiên khác hoặc từ giá trị sức lao động. Nói chung đều là giá trị và chúng được chuyển đến cho anh nông dân với ý nghĩa là trao đổi quyền sở hữu chứ không phải là định giá giá trị sức lao động của anh nông dân. Cũng là giá trị tài nguyên, nhưng về chất thì giá trị tài nguyên thu được từ đất của anh nông dân trong ví dụ này và giá trị mà anh nông dân trong ví dụ 7 là hoàn toàn khác nhau. Giá trị mà anh nông dân trong ví dụ 7 thu được là giá trị về thổ nhưỡng, là giá trị tự nhiên mà con người khai thác được, còn trong ví dụ này là về vị trí, là giá trị do con người gán cho. Và để có cái trả giá cho việc gán đó, con người phải lấy những giá trị khác của mình để trao đổi. Điều này có nghĩa là giá trị thổ nhưỡng của đất có thể làm gia tăng giá trị cho xã hội, còn giá trị vị trí của đất không làm gia tăng giá trị cho xã hội. Giá trị của nó chỉ là sự dịch chuyển các giá trị từ nơi khác đến, trong đó có giá trị sức lao động.

Ví dụ 21: Một nông dân nuôi được một đàn gia súc. Do nhu cầu đột xuất phải chi dùng nên anh ta phải bán đi đàn gia súc đó. Lợi dụng tình thế này, một nhà buôn đã trả giá đàn gia súc với giá thấp. Biết rằng bị ép giá nhưng trong tình thế cấp bách, anh nông dân vẫn phải chấp nhận giá của nhà buôn. Với giá này, anh nông dân chỉ thu lại được số tiền mà anh ta đã chi cho mua giống và thức ăn chăn nuôi. Công sức mà anh ta bỏ ra cho việc chăn nuôi trở thành con số không.

Vậy có phải sức lao động của anh nông dân đã mất đi sau khi anh ta bán đàn gia súc của mình hay không? Có phải giá trị sức lao động của anh ta là con số không? Câu trả lời chung cho cả hai câu hỏi này là không. Sức lao động của anh ta đã dừng lại bởi anh ta không còn tiếp tục công việc chăn nuôi. Còn giá trị sức lao động của anh ta đã chuyển hoàn toàn sang cho nhà buôn dưới cái bóng của sự thoả thuận không công bằng. Nhà buôn đã hưởng trọn phần giá trị sức lao động này khi anh ta không hề giảm giá bán đàn gia súc đó cho những người sử dụng khác. Như vậy là đã có sự di chuyển toàn bộ giá trị sức lao động của người này sang người khác.

Ví dụ 22: Một người bán lẻ hàng hoá đã nói thách giá chiếc áo lên gấp 2 lần. Do không biết giá cả chính xác nên mặc dù biết là bị nâng giá, người mua vẫn phải mua chiếc áo đó với giá gấp rưỡi giá thực sau khi mặc cả.

Kết quả của thương vụ nói trên là người mua hàng đã mất một nửa chiếc áo và người lấy nó là người bán hàng. Với hành vi không minh bạch, người bán hàng đã chiếm hưởng nhiều hơn cái mà anh ta đáng được hưởng. Chúng ta không biết rõ nguồn gốc giá trị mà người mua hàng có để dùng vào việc mua hàng, quan hệ giữa anh ta với người bán hàng không phải là quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động nên phần giá trị của anh ta bị người bán hàng chiếm hưởng do gian dối trong mua bán không phải là giá trị thặng dư. Nhưng dù là gì đi chăng nữa thì người mua hàng vẫn chịu thua thiệt. Sự thoả thuận núp dưới chiêu bài thuận mua vừa bán trong trường hợp này vẫn là sự thoả thuận bất bình đẳng. Hậu quả của sự thoả thuận này là có một phần giá trị ( có thể là giá trị sức lao động) đã bị di chuyển cưỡng bức từ người này sang người khác.

Các tình huống di chuyển của giá trị sức lao động từ người này sang người khác diễn ra thường xuyên và ở mọi thời kỳ phát triển của xã hội. Những ví dụ trên đây chỉ là một số trong đó. Các hình thức di chuyển cũng rất đa dạng, có thể đơn giản hoặc phức tạp, có thể là đi thẳng hoặc vòng vèo; có thể chỉ là một bước di chuyển trực tiếp từ người sang người người khác, nhưng cũng có thể di chuyển qua nhiều người, nhiều thế hệ hoặc qua sự biểu hiện dưới dạng những giá trị khác. Các dòng di chuyển của giá trị sức lao động có thể là dòng chảy tự nhiên từ chỗ nhiều đến chỗ ít, nhưng cũng có thể là cưỡng bức để chảy theo hướng ngược lại hoặc theo ý muốn của những người nào đó. Những người ở vị trí tiếp nhận thành quả của giá trị sức lao động là những người có nhiều cơ hội được hưởng lợi nhiều hơn. Để có thể xác định được sự di chuyển của giá trị sức lao động, điều cần làm là phải định giá đúng giá trị sức lao động, phân biệt được giá trị sức lao động với những giá trị khác, xác định được phương thức và tính chất của sự di chuyển, và với một mức độ nào đó xác định được về mặt lượng của giá trị di chuyển.

Mục lục[sửa]

Luận về Lao động và Bóc lột/GT

Luận về Lao động và Bóc lột/ Chương I: Lao động, sức lao động và giá trị của sức lao động

Luận về Lao động và Bóc lột/ Chương II:Sự chuyển hoá các giá trị thành giá trị sức lao động

Luận về Lao động và Bóc lột/ ChươngIII: Định giá giá trị sức lao động

Luận về Lao động và Bóc lột/ Chương V: Lợi nhuận và nguồn gốc lợi nhuận

Luận về Lao động và Bóc lột/ Chương VI: Sự bóc lột

Liên kết đến đây