Luận về Lao động và Bóc lột/ Chương V: Lợi nhuận và nguồn gốc lợi nhuận

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
CHƯƠNG V
LỢI NHUẬN VÀ NGUỒN GỐC LỢI NHUẬN

Một đặc tính quan trọng đã làm cho con người vượt lên trên các loài sinh vật trong việc đáp ứng các nhu cầu cuộc sống của mình, đó là con người có lao động, và lao động của con người không chỉ là sức mạnh của cơ bắp, mà còn có lao động trí óc. Hình thức và tính chất của lao động ngày càng đa dạng, trình độ lao động ngay càng được nâng cao. Nhưng dù trình độ lao động được nâng cao đến đâu đi chăng nữa thì con người vẫn không thể tách khỏi thế giới tự nhiên nơi con người sinh ra và tồn tại. Con người vẫn phải khai thác từ tự nhiên những sản phẩm cho sự sinh tồn của mình. Từ việc tìm kiếm, khai thác, chế biến các sản phẩm sẵn có trong tự nhiên thành các sản phẩm phù hợp với mục đích sử dụng, loài người đã hình thành nền sản xuất. Nền sản xuất ban đầu mang tính tự cung tự cấp , các sản phẩm được tạo ra chủ yếu phục vụ cho cá nhân, gia đình hay một cộng đồng. Sự phát triển của kỹ năng lao động đã làm cho lượng sản phẩm không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu mà còn có tích luỹ và đem trao đổi để lấy những sản phẩm khác. Sự trao đổi phát triển dần thành sự mua bán, các sản phẩm đem trao đổi chuyển thành hàng hoá. Sự mua bán phát triển thúc đẩy sự phân hoá và phân công lao động. Sự phân hoá và phân công lao động càng sâu sắc thì việc trao đổi, mua bán càng phát triển bởi con người ngày càng phải lệ thuộc vào các sản phẩm của nhau, xu hướng muốn đổi hoặc mua được nhiều sản phẩm của người khác từ số ít sản phẩm của mình (về mặt giá trị) cũng xuất hiện và ngược lại, do nhu cầu cấp thiết mà có nhiều người sẵn sàng đem nhiều cái mình có để đổi lấy một ít cái mình cần. Điều này có nghĩa là có nhiều người thu được nhiều hơn và có nhiều người thu được ít hơn những cái mà sức lao động của họ mang lại. Nói cách khác, sự trao đổi, mua bán không công bằng ra đời từ quá trình phân hoá và phân công lao động.

Việc thu hoạch và khai thác tài nguyên thiên nhiên, sự tích luỹ các giá trị và chuyển giao các giá trị từ người này sang người khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác và sự nỗ lực của lao động hiện tại đã làm cho tổng giá trị xã hội ngày càng gia tăng. Cùng với sự gia tăng giá trị là sự gia tăng nhu cầu, đồng thời mối quan hệ trong lao động và phân phối các giá trị ngày càng phức tạp. Sự kết hợp của các yếu tố trên với các quy định được xác lập trong xã hội trong từng thời kỳ đã định hướng cho việc định giá và sự di chuyển các giá trị mà loài người thu được thông qua lao động. Tùy thuộc vào tính chất của sự định hướng mà độ sai lệch trong định giá các giá trị là nhiều hay ít, sự di chuyển các giá trị là tập trung hay phân tán, mức độ tập trung hoặc phân tán là cao hay thấp. Các giá trị mà loài người thu được có thể từ tự nhiên, nhưng cũng có thể từ chính khả năng của con người. Vì vậy các sản phẩm do lao động của con người tạo ra có thể chứa đựng giá trị tài nguyên thiên nhiên hoặc giá trị sức lao động của con người, hoặc chứa đựng cả hai. Giữa hai giá trị đó cũng có thể hoán đổi cho nhau thông qua việc định giá các giá trị. Có những người có nguồn thu lớn từ giá trị tài nguyên thiên nhiên và cũng có những người thu được giá trị từ chính giá trị sức lao động của họ. Bên cạnh những người thu được nhiều giá trị thì cũng có không ít người thu được rất ít hoặc chẳng thu được gì từ bất kỳ nguồn nào. Để thu được giá trị, người lao động phải hao phí sức lực và các nguồn hỗ trợ khác, nói chung là chi phí lao động. Tuỳ theo năng lực, tuỳ theo phương thức hỗ trợ và điều kiện môi trường lao động, phương thức định giá mà kết quả thu được cao hơn hay thấp hơn chi phí lao động. Sự chênh lệch này là biểu hiện cho hiệu quả của phương thức lao động và nó có thể được lượng hoá bằng giá trị và được đo bằng đồng tiền. Nhưng do các điều kiện cho lao động, nhu cầu và thị hiếu của con người luôn thay đổi cho nên giá trị kết quả của lao động đã được lượng hoá không phải là bất biến. Điều này dẫn đến sự ra đời của một phương thức thu hút và làm gia tăng giá trị là kinh doanh. Kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu của mọi người nhưng mục đích chính của nó là thu hút các giá trị để đạt đến sự tập trung cao của các giá trị. Với mục đích chính như vậy, kinh doanh có thể thực hiện sản xuất hoặc lưu thông sản phẩm hàng hoá, thông qua việc sản xuất và lưu thông, kinh doanh sẽ thu hút giá trị thể hiện ở dạng lượng tiền thu được. Nhu cầu của con người rất đa dạng nên kinh doanh cũng có rất nhiều loại hình tương ứng. Có thể nói rằng việc kinh doanh có thể tiến hành được trong bất kỳ lĩnh vực nào trong đời sống của loài người. Cũng như lao động, để kinh doanh thì các nhà kinh doanh phải có những hao phí trước khi thu được kết quả kinh doanh. Giá trị kết quả thu được của kinh doanh so với các hao phí cho kinh doanh là biểu hiện của hiệu quả kinh doanh và được gọi là lợi nhuận. Về hình thức, lợi nhuận được biểu thị bằng giá trị giống như giá trị sức lao động hoặc một số giá trị khác. Nhưng về mặt nội dung thì có sự khác nhau. Giá trị có thể khai thác từ thiên nhiên, nhưng cũng có thể là từ lao động của con người, những sản phẩm được tạo ra từ thiên nhiên bằng sức lao động chứa đựng cả hai giá trị thiên nhiên và sức lao động, còn các sản phẩm đơn thuần là sản phẩm của trí tuệ hay các sản phẩm tinh thần thì chỉ mang giá trị sức lao động hoặc có rất ít giá trị tài nguyên thiên nhiên. Lợi nhuận là hiệu số giữa giá trị thu được và giá trị đã hao phí, vì vậy giá trị của lợi nhuận có thể là giá trị tài nguyên thiên nhiên hoặc giá trị sức lao động. Lợi nhuận là hiệu quả của kinh doanh. Kinh doanh cũng là một loại hình lao động. Do đó, nếu chỉ nhìn bên ngoài có thể cho rằng lợi nhuận đơn thuần là hiệu quả của lao động. Nhưng nếu nhìn sâu hơn thì lợi nhuận có những tính chất khác với hiệu quả của lao động. Lao động nhằm tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu của con người do đó hiệu quả của lao động tạo ra giá trị mới, hiệu quả lao động là số dương làm gia tăng tổng giá trị xã hội, còn kinh doanh có mục đích chính là thu hút giá trị do đó kinh doanh có thể làm gia tăng giá trị xã hội khi kinh doanh thực hiện sản xuất hàng hoá, hoặc nó chỉ dịch chuyển các giá trị khi nó thực hiện lưu thông hàng hoá, vì vậy kinh doanh không hoàn toàn làm gia tăng giá trị, lợi nhuận cũng vì thế mà không phải là hiệu quả của lao động mà nó là kết quả của sự thu hút giá trị thông qua kinh doanh. Khi lợi nhuận là số âm cũng không hoàn toàn có nghĩa là giá trị xã hội bị mất đi mà có thể giá trị đó đã chuyển đến nơi khác, đến tay người khác. Những điều này nói lên rằng về bản chất, giữa lợi nhuận và hiệu quả lao động, giữa lợi nhuận và giá trị sức lao động là khác nhau. Hiệu quả của lao động cao thì giá trị mới được tạo ra nhiều và khả năng tập trung giá trị trở nên dễ dàng. Khi giá trị được tập trung với mức cao thì khả năng kinh doanh mở rộng và thu hút được nhiều giá trị hơn, lợi nhuận cũng có cơ hội tăng lên. Như vậy hiệu quả lao động là cơ sở của lợi nhuận, là nguồn gốc của lợi nhuận. Nói cụ thể hơn, lợi nhuận có nguồn gốc từ tài nguyên thiên nhiên và sức lao động của con người. Làm tăng hiệu quả của lao động có thể làm tăng lợi nhuận. Nhưng sự gia tăng lợi nhuận không phải luôn là từ hiệu quả lao động khi nhà kinh doanh sử dụng nhiều phương thức và thủ đoạn kinh doanh hoặc sự tác động của môi trường kinh doanh. Giá trị sức lao động là giá trị mới mà sức lao động đem lại, còn lợi nhuận không hoàn toàn là giá trị mới mà nó có thể chỉ là sự di chuyển và tập trung các giá trị đã có, vì vậy lợi nhuận không hoàn toàn là giá trị sức lao động của nhà kinh doanh. Nói cách khác, lợi nhuận chứa đựng giá trị sức lao động của nhà kinh doanh; trong nhiều trường hợp cụ thể thì nhà kinh doanh chỉ có một phần giá trị sức lao động trong lợi nhuận mà họ thu được.

Giá trị sức lao động, giá trị tài nguyên thiên nhiên và lợi nhuận đều được biểu thị bằng giá trị và có thể được lượng hoá bằng đồng tiền. Điều này rất dễ gây nên sự nhầm lẫn trong nhận thức về chúng. Sự nhầm lẫn sẽ dẫn đến sự định giá sai lạc về ý nghĩa và giá trị của từng khái niệm và trong một số trường hợp chúng có thể bị lợi dụng để chuyển đổi vai trò của của từng khái niệm, tạo ra sự nhận thức không đúng để che dấu những hành vi không đúng đắn trong kinh doanh và thu nhập không chính đáng. Giá trị sức lao động và giá trị tài nguyên thiên nhiên được dùng làm tấm lá nguỵ trang cho lợi nhuận không lành mạnh khi nhà kinh doanh sử dụng chiêu bài tài năng kinh doanh hoặc thiên nhiên ưu đãi. Phân biệt rõ nội dung của ba khái niệm này có một ý nghĩa quan trọng bởi chúng liên quan dến việc định giá đúng giá trị sức lao động, tránh cho giá trị sức lao động bị định giá thấp, tránh việc chuyển phần chênh lệch thành lợi nhuận và không trả cho người lao động. Để thấy rõ về vấn đề này, xin quay trở lại một số ví dụ đã nêu trong chương III của cuốn sách này.

Trong ví dụ 7, Anh nông dân canh tác trên thửa ruộng màu mỡ nên anh ta thu được nhiều những cái mà anh ta bỏ ra. Phần chênh lệch này là giá trị tài nguyên thiên nhiên mà anh ta khai thác được và nó chính là lợi nhuận. Lợi nhuận này có nguồn gốc tài nguyên thiên nhiên. Anh nông dân đã san xẻ một phần lợi nhuận này cho những người cung cấp hàng hoá, dịch vụ cho anh ta với giá cao hơn bình thường. Nói cách khác, những người không trực tiếp khai thác tài nguyên thiên nhiên cũng có thể được hưởng lợi nhuận từ tài nguyên thiên nhiên thông qua việc cung cấp hàng hoá, dịch vụ cho những người trực tiếp khai thác các giá trị tự nhiên với một giá nào đó. Điều này không chỉ giới hạn trong việc sử dụng đất cho canh tác như trong ví dụ này mà còn đúng với mọi tài nguyên thiên nhiên khác. Mở rộng ra, mọi cư dân sinh sống trong một khu vực, một quốc gia có thể được hưởng lợi từ nguồn tài nguyên thiên nhiên mặc dù không trực tiếp khai thác nguồn tài nguyên đó. Nhưng điều này chỉ là có thể bởi nó phụ thuộc vào mối quan hệ giữa người trực tiếp khai thác và những người không trực tiếp khai thác. Trong nhiều trường hợp, để sự chia xẻ này trở thành hiện thực thì còn phải có sự can thiệp của quyền lực. Nhưng trong thực tế cũng không ít trường hợp ngược lại lợi nhuận tài nguyên thiên nhiên không thuộc về những người trực tiếp khai thác mà do những người cung cấp hàng hoá, dịch vụ hoặc người sở hữu chiếm hưởng. Việc này xảy ra khi những người trực tiếp khai thác phụ thuộc chặt chẽ vào hàng hoá, dịch vụ của những người cung cấp và phải chịu sự áp đặt giá của họ hoặc những người sử hữu định ra những quy định khắt khe về phân chia lợi nhuận. Điều này có nghĩa là lợi nhuận từ tài nguyên thiên nhiên, xét về mặt hình thức, thuộc về những người trực tiếp khai thác, còn nội dung thì phải xét trong từng trường hợp cụ thể.

Lợi nhuận của nhà kinh doanh trong ví dụ 3 không có nguồn gốc từ tài nguyên thiên nhiên mà từ giá trị sức lao động trong phát minh của ông ta. Còn lợi nhuận mà nhà máy sự dụng sáng chế của người thợ trong ví dụ 5 thu được phần lớn từ giá trị sức lao động sáng tạo của người thợ. Có nhiều ví dụ để nói lên rằng giá trị sức lao động càng cao thì lợi nhuận thu được càng lớn. Sở dĩ điều này xảy ra là do hiệu quả của việc khai thác giá trị sức lao động thường cao hơn hiệu quả khai thác giá trị tài nguyên thiên nhiên. Điều này ngày càng thường xuyên hơn và sẽ giữ vai trò chủ đạo trong sự phát triển kinh tế xã hội vì nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, chi phí cho khai thác tài nguyên thiên nhiên ngày càng cao so với giá trị thu được.

Cũng giống như lợi nhuận thu được từ tài nguyên thiên nhiên, lợi nhuận từ giá trị sức lao động cũng có thể được san xẻ, cũng có thể di chuyển từ người này sang người khác và do vậy nó cũng có thể tạo nên hiệu ứng bần cùng hoá những người có thu nhập thấp. Sự tăng giá và tăng giá liên tục của hàng hoá, dịch vụ trong quá trình kinh tế phát triển là một tất yếu và là một trong những hình thức san xẻ và phân phối lại lợi nhuận trong xã hội. Điều này có hai mặt, mặt thứ nhất: nó làm giảm đỉnh cao của những người có thu nhập cao và do đó có một bộ phận dân cư sẽ được hưởng lợi; mặt thứ hai: nó hạ thấp giá trị thực trong thu nhập của những người có thu nhập thấp và đây là mặt trái của vấn đề. Xét trên cái nền chung thì kinh tế phát triển sẽ đem lại lợi ích cho mọi người và do đó mục tiêu ưu tiên là phát triển kinh tế, và để hạn chế mặt trái thì cần có những chính sách thích hợp.

Trong thực tế kinh tế có nhiều hình thức phân phối lại lợi nhuận. Bản thân những người có lợi nhuận cao có thể tự nguyện san xẻ bằng hình thức chấp nhận giá hàng hoá và dịch vụ cao hơn giá hợp lý và nếu họ là nhà sản xuất thì có thể áp dụng hình thức giảm giá bán sản phẩm với chất lượng không đổi hoặc nâng cao chất lượng sản phẩm mà không tăng giá bán. Những hình thức khác của việc phân phối lại lợi nhuận là giúp đỡ tài chính hoặc làm từ thiện. Mỗi hình thức phân phối lại lợi nhuận đều có những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực đến sự phát triển kinh tế và xã hội khác nhau. Nghiên cứu và hiểu rõ những tác động này sẽ tìm được những biện pháp thích hợp nhằm phát huy tốt nhất những ảnh hưởng tích cực, hạn chế tiêu cực của từng hình thức trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế và đảm bảo công bằng xã hội. Trong một số trường hợp, Nhà nước có thể áp dụng các hình thức cưỡng bức quá trình phân phối lại bằng các chính sách thích hợp. Điều này là cần thiết bởi chờ đợi sự tự nguyện hoặc lòng hảo tâm sẽ không thu được nhiều kết quả mà có khi phải chạy theo để giải quyết hậu quả. Hậu quả xấu nhất là việc những người có thu nhập thấp bị đẩy vào con đường bần cùng hoá khi sự hảo tâm của những người có thu nhập cao được dùng vào việc đẩy giá hàng hoá lên cao. Một bộ phận dân cư bị hạn chế khả năng tiêu dùng sẽ kéo theo sự hạn chế mức độ sản xuất và do đó tốc độ phát triển kinh tế sẽ bị giảm hoặc bị kéo lùi. Từ đây những hậu quả dây chuyền sẽ làm mất đi sự ổn định xã hội.

Để thấy rõ hơn những biểu hiện của lợi nhuận, xin xét thêm một số ví dụ nữa. Nếu lợi nhuận mà nhà kinh doanh trên đây là từ giá trị sức lao động của ông ta, từ người sử dụng lao động thì lợi nhuận của công ty M có được từ việc hạ thấp mức tiền lương của công nhân so với mặt bằng tiền lương chung. Lợi nhuận này cũng có nguồn gốc từ giá trị sức lao động, nhưng là giá trị sức lao động của người lao động chứ không phải là từ người sử dụng lao động. Nói cách khác, mặc dù đã phân chia lợi nhuận có nguồn từ tài nguyên thiên nhiên và giá trị sức lao động, nhưng khi xét trong những trường hợp cụ thể thì vẫn có thể xác định được một cách cụ thể và rõ ràng hơn và như trên đây đã nêu thì việc xác định rạch ròi nguồn gốc lợi nhuận là một việc làm rất cần thiết cho sự minh bạch trong hoạt động kinh tế. Bản chất của lợi nhuận là sự di chuyển và tích tụ các giá trị, nó là một hình thức thể hiện của giá trị mà nội dung của nó là giá trị tài nguyên thiên nhiên và giá trị sức lao động. Nhưng sự san xẻ, sự di chuyển các giá trị nhiều lần, đến nhiều nơi khác nhau và trải qua nhiều thời kỳ khiến cho các dòng giá trị dễ hoà lẫn vào nhau và chuyển hoá cho nhau. Giá trị mà người này thu được là lợi nhuận nhưng với người khác thì nó là giá trị sức lao động. Một nhà khai thác và kinh doanh khoáng sản thu được lợi nhuận từ tài nguyên thiên nhiên, nhưng những người làm công cho nhà kinh doanh này chỉ thu được giá trị sức lao động mặc dù cả hai giá trị đó đều xuất phát từ việc bán nguồn khoáng sản được họ khai thác.

Lợi nhuận là một hiện tượng kinh tế. Điều này có nghĩa nó là một tất yếu. Tính tất yếu của nó yêu cầu loài người, trong sự phát triển kinh tế và xã hội cần có sự nhận thức đúng đắn và sâu sắc về lợi nhuận, thấy được vai trò, ý nghĩa của nó trong quá trình phát triển kinh tế và những mặt trái của nó trong sự phát triển xã hội. Mục đích của sự nhận thức này cũng cần được xác định đúng và điều này cũng quan trọng không kém việc nhận thức. Một người buôn bán nhỏ tính toán rằng để mình có thu nhập hàng ngày ở mức trung bình trong khu vực thì mỗi ngày anh ta phải bán được mười món hàng. Nhưng do kinh tế khu vực phát triển nên khả năng tiêu thụ hàng hoá của dân cư trong khu vực tăng lên, lượng người mua tăng nên mỗi ngày nhà buôn bán được hai mươi món hàng và số tiền thu được là gấp đôi. Xét về mặt giá trị sức lao động thì chỉ có cường độ lao động của nhà buôn tăng lên hai lần, còn thời gian không tăng, có nghĩa là hao phí sức lao động tăng lên 1,5 lần (nếu coi hao phí về thời gian bằng hao phí cường độ lao động). Thu nhập tăng lên gấp hai trong khi hao phí tăng gấp rưỡi. Phần chênh lệch này là lợi nhuận và sự xuất hiện của nó biểu thị tính tất yếu trong sự phát triển kinh tế. Nếu nền kinh tế trong khu vực không phát triển thì nhà buôn sẽ không bán được nhiều hàng và do đó sẽ không thể có lợi nhuận. Điều này thể hiện rõ hơn ở những người, những nơi, những nhà trực tiếp khai thác tài nguyên thiên nhiên, những cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng những người lao động có trình độ và năng lực cao. Lợi nhuận là phần chênh lệch tăng lên giữa giá trị thu được và những hao phí bắt buộc. Vì vậy lợi nhuận có thể được tích lũy dần. Sự tích luỹ lợi nhuận là sự tích luỹ giá trị. Khi lợi nhuận được tích luỹ đến những mức độ nào đó thì nó giúp cho người sở hữu nó thực hiện được nhiều công việc, đạt được nhiều mục đích, trong đó có việc gia tăng khả năng tích luỹ lợi nhuận thông qua đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Nói cách khác, lợi nhuận có nhiều ý nghĩa và vai trò trong phát triển kinh tế xã hội. Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh nhằm thu được nhiều lợi nhuận và sử dụng lợi nhuận vào những mục đích tốt là góp phần thúc đẩy sự phát triển xã hội. Lợi nhuận cải thiện và góp phần năng cao cuộc sống, vì vậy lợi nhuận trở thành mục đích của lao động.

Mục lục[sửa]

Luận về Lao động và Bóc lột/GT

Luận về Lao động và Bóc lột/ Chương I: Lao động, sức lao động và giá trị của sức lao động

Luận về Lao động và Bóc lột/ Chương II:Sự chuyển hoá các giá trị thành giá trị sức lao động

Luận về Lao động và Bóc lột/ ChươngIII: Định giá giá trị sức lao động

Luận về Lao động và Bóc lột/Chương IV:Lao động và sự di chuyển của giá trị sức lao động

Luận về Lao động và Bóc lột/ Chương VI: Sự bóc lột

Liên kết đến đây