Một số lời bình sau khi đọc “Vũ trụ trong một nguyên tử” của Đạt Lai Lạt Ma/5: Ý thức là gì?

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Ý thức là gì?[sửa]

Tôi không biết đã có bao nhiêu người,bao nhiêu thế hệ đã suy tư về ý thức, bao nhiêu quan điểm, bao nhiêu nỗ lực nhằm tìm câu trả lời thoả đáng cho câu hỏi Ý thức là gì?. Là một người nghiên cứu về hoạt động thần kinh cao cấp tôi cũng trăn trở với câu hỏi này (trong bài Những câu hỏi chưa có trả lời về ý thức., cũng cố gắng tự tìm câu trả lới và truy tìm câu trả lời từ những người đi trước. Nhưng có vẻ càng đi tìm thì những hiện tượng ý thức càng nhiều và do đó những câu trả lời đã có thể hiện sự không phù hợp với các hiện tượng đó. Phật giáo quan niệm chỉ có chúng sinh hữu tình mới có ý thức và đương nhiên các loài thực vật được coi là không có ý thức. Nhưng như thế thì làm sao mà nhiều loài cây biết ra hoa rực rỡ và mật ngọt quyến rũ để thu hút và trả công cho các loài côn trùng giúp chúng thụ phấn? Thậm trí có loài cây còn kén chọn riêng một loài vật giúp thụ phấn cho chúng. Có những cây biết đâm ra gai nhọn tua tủa để bảo vệ mình trước các loài vật ăn lá, một số loài thực vật ăn thịt còn hình thành cơ quan thụ cảm nhận biết được con mồi đã rơi vào bẫy của nó để sập bẫy bắt mồi....và còn nhiều hiện tượng khác, ví dụ khác thể hiện như là cỏ cây cũng có ý thức.

Tôi đồng ý với Đạt lai lạt ma khi ngài đưa ra quan điểm cần nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề sử dụng ngôn ngữ khi nói về ý thức. Mỗi hệ thống ngôn ngữ đem đến cho ý thức một bao hàm nội dung và ý nghĩa riêng và do đó có thể dẫn đến cách hiểu và định nghĩa về ý thức khác nhau. Bạn đọc có thể tìm hiểu vấn đề này trong bài viết của Đạt lại lạt ma. Tôi xin bổ xung thêm để bạn đọc hiểu rõ hơn vấn đề. Tôi lấy ví dụ: Phật giáo chia các hiện tượng tinh thần làm sáu thức: Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức và ý thức, trong đó năm thức đầu tương ứng với hệ thống thụ cảm, còn ý thức bao gồm một dãy rộng các trạng thái tinh thần từ ghi nhớ, mong muốn, tác ý, tưởng tượng..., còn triết học Mác –Lê nin lại coi ý thức là hình ảnh tinh thần phản ánh thế giới khách khách quan. Quan niệm này của triết học Mác –Lê nin bao hàm được năm thức mà Phật giáo nêu ra nhưng lại không bao hàm được phần tác ý hay tưởng tượng là hai phần quan trọng nhất của ý thức và nó cũng loại trừ luôn cả phần cảm xúc. Nếu Phật giáo đề ra phạm vi của ý thức chỉ có trong phạm vi các chúng sinh hữu tình ( thế giới động vật) thì triết học Mác –Lê nin thu hẹp phạm vi ý thức chỉ có trong loài người. (Ý thức là thuộc tính của một dạng vật chất có tổ chức cao là bộ óc con người). Sự khác nhau trong quan niệm về ý thức hay nội hàm của ý thức có thể làm cho sự tranh luận về ý thức khó đi đến kết quả cuối cùng. Nhưng dù sao thì cũng vẫn cần có cách hiểu gần nhau về ý thức. Để hiểu rõ ý thức là gì chúng ta dùng phương pháp loại trừ. Những câu hỏi cho phương pháp này :Ý thức có phải là vật chất hay không? Ý thức có ở đâu? Bản năng có phải là ý thức?....

Câu hỏi đầu tiên cần trả lời về ý thức theo tôi không phải là ý thức có trước hay có sau vật chất, nó như thế nào, nó có ở đâu và dùng để làm gì, mà đó là câu hỏi ý thức có phải là vật chất hay không? Chỉ khi trả lời được câu hỏi này thì mới có thể trả lời được các câu hỏi tiếp theo. Tôn giáo đã cho ý thức là một hiện tượng tinh thần, có nghĩa ý thức không phải là vật chất, ý thức có trước, vật chất có sau. Triết học Mác –Lê nin không nói rõ ý thức có phải là vật chất hay không. Theo quan niệm của triết học này thì bản chất của thế giới khách quan là vật chất, do đó, bản chất của ý thức cũng là vật chất. Mặt khác, theo định nghĩa của Lê nin về vật chất thì ý thức cũng là vật chất bởi ý thức chứa đựng đầy đủ các nội dung vật chất theo định nghĩa này. Nhưng cũng chính triết học này lại làm cho ý thức được hiểu theo nghĩa nó không phải là vật chất khi cho rằng vật chất có trước, ý thức có sau. Đây là điều bất ổn trong một hệ thống lý luận. Ý thức là vật chất theo lý giải xuất phát từ định nghĩa vật chất của Lê nin thì đương nhiên ý thức cũng vật chất chứ không có chuyện cái có trước cái có sau. Khi coi ý thức là có sau và nó là thuộc tính của một tổ chức vật chất ( hình thành rất muộn sau sự hình thành của trái đất là bộ óc con người) thì quan niệm này xác định rằng ý thức không phải là vật chất. Còn về khoa học thì câu trả lời khá rõ ràng: không thể tìm thấy ý thức ở dạng vật chất trong giải phẫu thần kinh. Như vậy sự hội tụ của các câu trả lời ý thức có phải là vật chất hay không cuối cùng vẫn thiên về phía ý thức không phải là vật chất. Tác giả bài viết này cũng nghiêng về quan niệm ý thức không phải là vật chất.

Khi đã xác định rằng ý thức không phải là vật chất thì chúng ta có thể đi tiếp đến vấn đề ý thức có trước hay vật chất có trước. Có hai quan niệm phổ biến như trên đây đã nêu đó là quan niệm của tôn giáo phương tây cho rằng ý thức có trước và vật chất có sau, còn triết học Mác –Lênin thì cho rằng vật chất có trước, ý thức có sau. Có một điểm chung giữa hai quan niệm này : đó là cả hay thứ ( vật chất và ý thức) đều đã không có trước khi một cái được tạo ra. Tôn giáo quan niệm rằng ý thức có trước vật chất và quyết định mọi hình thái và sự vận động vật chất thì câu hỏi đặt ra là cái gì , thế lực nào đã tạo ra ý thức? Còn Triết học Mác-Lê nin cho rằng ý thức có sau và gán cho nó là thuộc tính của bộ não con người (do đó dễ dàng chứng minh ý thức là cái có sau). Nếu câu hỏi này là quá khó để trả lời thì còn có một tình huống thứ ba nữa không? Đó là tình huống không có một thế lực nào tạo ra ý thức và vật chất. Ý thức và vật chất là cái đã có sẵn, trong đó vật chất là một bản thể của vũ trụ, còn ý thức là kết quả của các quá trình vận động của các cấu trúc vật chất hoặc chỉ có vật chất là cái có sẵn còn Ý thức, cũng giống như sự sống là cái tiềm ẩn, chỉ khi có điều kiện nào đó mới phát lộ?. Những quan niệm trên đây không dữa vào cơ sở chắc chắn nào nên sự tranh luận này sẽ chẳng bao giờ kết thúc. Để có câu trả lời đúng thì biện pháp hay hơn là trả lời câu hỏi ý thức có ở đâu trước> khi trả lời được câu hỏi này thì cầu hỏi ý thức có trước hay vật chất có trước sẽ tự khắc được trả lời. Nhưng vấn đề căn bản nhất là trả lời cho được câu hỏi Ý thức là gì.

Triết học duy vật biện chứng đã đã xây dựng hai nguyên lý căn bản cho sự nhận thức. Đó là nguyên lý về mối liên hệ phổ biến và nguyên lý biện chứng về sự phát triển. Nguyên lý biện chứng về sự phát triển là sự mô tả, sự phản ánh thế giới khách quan. Sự sống xuất hiện và phát triển, ý thức hình thành cũng xuất phát từ hai nguyên lý này của tự nhiện. Tuy vậy, khi cho rằng sự phát triển của sự vật, sự việc nằm trong chính sự vật, sự việc đó và là quá trình giải quyết mâu thẫn trong chính sự vật, sự việc đó thì quan điểm này mâu thuẫn với nguyên lý về mối liên hệ phổ biến. Có thể khẳng định rằng chỉ thông qua mối liên hệ phổ biến thì các mâu thuẫn nội bộ trong từng sự vật, sự việc mới tìm được hướng giải quyết để mở đường cho sự phát triển. Hướng giải quyết đúng thì sự phát triển được thực hiện, còn ngược lại là sự thoái triển ( Sự đấu tranh giữa cái đảng, các phe phái để tranh giành quyền lực và quyền lợi kinh tế có thể dẫn đến sự đổi thay và phát triển nhưng cũng có thể làm cho nền kinh tế của quốc gia suy tàn). Có một điểm chung giữa nguyên lý phát triển biện chứng và luật nhân quả của Phật giáo, đó là sự đề cập đến nguyên nhân của các kết quả. Triết học duy vật biện chứng cho rằng việc giải quyết mâu thuẫn trong nội tại của mỗi sự vật, sự việc sẽ dẫn đến sự phát triển. Như vậy mâu thuẫn nội tại là nguyên nhân, còn sự phát triển là kết quả. Luật nhân quả của Phật giáo không xác định nguyên nhân bên trong của riêng mỗi sự vật, sự việc mà mỗi sự vật, sự việc là nguyên nhân hoặc tạo ra nguyên nhân cho các sự vật hay sự việc khác và kết quả thay đổi không chỉ cho các sự vật, sự việc bị tác động tới mà còn có sự tác động ngược lại tới chính sự vật, sự việc là nguyên nhân hoặc tạo ra nguyên nhân. Còn có những thực tế khác nữa là mặc dù đã có nguyên nhân nội tại, nhưng cần có điều kiện bên ngoài thì kết quả mới được thực hiện (Cách mạng tháng 8 của Việt nam thành công bởi các nhà cách mạng đã nắm được thời cơ chiến tranh thế giới thứ hai sắp kết thúc).Trong nhiều trường hợp sự phát triển là kết quả của sự kết hợp hay hợp tác. Nhiều sự sống bắt đầu từ một phôi thai phát triển thành một cơ thể với rất nhiều bộ phận, nhiều tế bào khác nhau và sự phát triển này chỉ có thể là sự kết hợp của các nhiễm sắc thể, của các gen trong hệ thống di truyền chứ không thể là sự đấu tranh giữa các tế bào, các bộ phận trong cơ thể. Quan niệm sự phát triển là kết quả của việc giải quyết các mâu thuẫn nội tại là rấy phiến diện. Trong nhiều trường hợp chỉ có nguyên nhân là chưa đủ mà cần có thêm điều kiện cho sự đổi thay và phát triển. Điều kiện ở đây chính là duyên trong Phật giáo. Nguyên nhân và kết quả là cái chung, nhưng phạm vi lại là cái riêng, còn phạm vi thực tế của thế giới tự nhiên bao hàm cả hai phạm vi của nguyên lý phát triển biện chứng và luật nhân quả. Sự phát triển của mỗi sự vật, sự việc có thể có nguyên nhân từ bên ngoài chứ không nhất thiết chỉ là việc giải quyết mâu thuẫn nội tại của sự vật, sự việc đó. Sự kết hợp nguyên lý phát triển của triết học duy vật biện chứng với luật nhân quả và mởi rộng với điều kiện ( duyên) sẽ là cơ sở lý luận sắc bén cho việc khám phá bí ẩn của thế giớí tự nhiên. Tôi mở rộng thêm vấn đề mà chưa đi ngay vào việc tìm trả lời cho câu hỏi Ý thức là gì là một tạo một cơ sở cho câu trả lời. Đạt lai lạt ma đã nêu ý tưởng kết hợp giữa khoa học và Phật giáo trong nghiên cứu về ý thức. Tôi bổ xung thêm cần kết hợp với triết học duy vật biện chứng. Sự kết hợp này không có nghĩ là lắp ghép mà cần xác định được phạm vi giá trị và hạn chế của từng lý thuyết và sự kết hợp này cũng không chỉ giới hạn trong nghiên cứu về ý thức.

Trở lại với vấn đề ý thức. Tôi phân tích rõ sự hạn chế trong quan niệm về ý thức của triết học Mác –Lê nin. Lê nin đã định nghĩa ý thức là thuộc tính của một dạng vật chất có tổ chức cao là bộ óc người. Trong định nghĩa này có hai điểm yếu : thứ nhất đó là sự mơ hồ của quan niệm bộ óc người là dạng vật chất có tổ chức cao. Tiêu chí nào, hình thái tổ chức như thế nào để một dạng vật chất có tính tổ chức cao? Tại sao năng lực hoạt động thần kinh không có sự giống nhau giữa mọi người? Nếu đã là thuộc tính của bộ não thì tại sao có người thông minh có người ngu độn?. Đã là thuộc tính thì tại sao con người phải học hỏi mới có mà không phải ý thức là cái đã có sẵn từ khi bộ não được hình thành? Mặt khác, tổ chức cao thường đi cùng với sự chặt chẽ và do đó là bền chắc, ít hoặc không thay đổi. Không thay đổi là mâu thẫn của sáng tạo bởi sáng tạo là sự thay đổi. Vì vậy sự thay đổi, sự sáng tạo sẽ không có trong những cơ cấu có tổ chức cao, còn bộ não người có một đặc tính là sáng tạo. Tôi đã đề cập đến vấn đề này trong bài Bàn về nhiệm vụ của triết học trong thế kỷ XXI. Điểm yếu thứ hai là sự giới hạn phạm vi ý thức chỉ có trong loài người. Quan điểm này dễ dàng bị những quan sát khoa học bác bỏ. Không chỉ có con người mà nhiều loài vật cũng có ý thức, thậm trí trong loài người cón có nhiều cá nhân không có ý thức.

Vậy ý thức là gì?

Để trả lời cho câu hỏi này chúng ta đi từ các thí nghiệm khoa học. Trước hết là thí nghiệm về phản xạ có điều kiện. Khi cho cá nuôi ăn kết hợp với việc gõ vào thành bể cá. Sau nhiều lần như vậy, trong não cá hình thành phản xạ có điều kiện: chỉ cần nghe tiếng gõ vào thành bể là cá đã bơi đến chỗ thức ăn được thả xuống. Như vậy là trong nào cá đã có một tác ý khi nghe tiếng gõ. Nhưng lặp lại nhiều lần việc gõ vào thành bể mà không thả thức ăn thì cá sẽ không còn bơi đến nữa, tác ý điều khiển cơ thể bơi đến nơi thức ăn được thả xuống không còn. Có hai sự việc được cá nhận ra và hành động: đầu tiên là nghe tiếng gõ vào thành bể là có thức ăn và lần sau có tiếng gõ những chẳng có ít thức ăn nào. Hai phản ứng khác nhau của cá với tiếng gõ vào thành bể chứng tỏ trong hệ thần kinh của cá đã hình thành ý thức và ý thức có thể mất đi. Đây là ý thức này hình thành trong đời của một cá thể và điều này khác với nhiều hành vi của các loại động vật được truyền lại qua nhiều thế hệ ví dụ như việc tìm về nơi được sinh ra của cá hồi để thực hiện chu kỳ sinh sản. Những hành vi được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác không qua con đường dạy và học được gọi là bản năng. Trong bài Những câu hỏi chưa có trả lời về ý thức. tôi có đặt câu hỏi những hành động bản năng có phải là ý thức? Để tiếp tục làm rõ vẫn đề này, chúng ta hãy quan sát các hành vi của những con gà mái từ lúc được sinh ra đến khi đẻ trứng và nuôi con trong một số trường hợp.

Gà con được nở ra từ trứng. Chúng ta so sánh hai trường hợp: gà con được mẹ nuôi và nuôi và do người nuôi.

Gà con do gà mẹ ấp nở, nuôi dưỡng và bảo vệ. Gà con sống với gà mẹ sẽ được gà mẹ day cho nhiều thứ: từ cách chọn lựa thức ăn qua việc gà mẹ dùng mỏ ghắp thức ăn, cất tiếng gọi con và thả xuống cho con ăn đến việc bới tìm thức ăn khi chúng quan sát mẹ chúng kiếm mồi. Những tiếng kêu cánh báo khi có hiện tượng lạ giúp cho gà con hình thành thói quen cảnh giác. Gà con mới nở không được gà mẹ nuôi theo bản năng sẽ mổ và nếm thử mọi thứ hợp với mỏ của nó và loại thức ăn sẽ được lựa chọn thông qua vị giác. Không được mẹ nuôi, gà con sẽ không hoặc ít có phản ứng trước các mối đe doạ nguy hiểm. Sự phụ thuộc vào thức ăn có sẵn mà không phải bới tìm khiến cho gà con có thể mất đi kỹ năng đào bới. Như vậy là đã có sự khác nhau về hành vi giữa những con gà con do gà mẹ nuôi và do người nuôi. Điều này thể hiện rằng có những hành vi của gà hình thành không theo con đường di truyền mà do con đường học hỏi.

Tiếp tục với quá trình sinh trưởng của gà. Gà con sinh trưởng sẽ trải qua các giai đoạn lớn lên, thể hiện giới tính, thực hiện chức năng sinh sản...Xét đối tượng là gà mái. Khi trưởng thành và chuyển sang giai đoạn thực hiện chức năng sinh sản, gà mái xuất hiện nhu cầu tìm bạn tình thông qua tiếng kêu mời gọi. Tiếng kêu được thực hiện bởi sự điều khiển của hệ thần kinh. Nhưng có một yếu tố tác động lên hệ thần kinh làm xuất hiện tiếng kêu này, đó là hooc môn sinh dục hay hoóc môn giới tính do buồng trứng tiết ra, được máu đưa đến các bộ phận có tác động đến sự phát triển và hoạt động của nhiều cơ quan trong cơ thể. Chất này chỉ được tạo ra khi buồng trứng của gà phát triển đạt đến độ chín sẵn sàng cho việc thụ tinh và giảm tiết dần khi gà đã đẻ trứng và hết khi gà thực hiện ấp trứng. Khi chất này không còn tác dụng lên hệ thần kinh thì nhu cầu tìm bạn tình chấm dứt và gà không còn cất tiếng kêu mời gọi bạn tình. Nhưng sự xuất hiện của chất này và sau đó chấm dứt lại làm xuất hiện một chất khác điều khiển hành vi của gà đó là hành vi ấp trứng. Hành vi ấp trứng được thực hiện trong một giai đoạn và gà thực hiện ngay cả khi trong ổ bị lấy hết trứng . Điều này có nghĩa là ngoài các hành vi được thực hiện do tác động từ môi trường ngoài lên hệ thần kinh qua các giác quan, hệ thần kinh còn thực hiện các hành vi do tác động từ các kích thích bên trong, từ các chất hoá học do các bộ phận, các cơ quan trong cơ thể tiết ra. Mở rộng hơn điều này, hệ thần kinh còn chịu tác động của nhiều hoá chất đưa từ bên ngoài vào cơ thể. Các hành vi được thực hiện khi hệ thần kinh chịu tác động của các hoá chất do các bộ phận trong cơ thể tiết ra trong quá trình sinh trưởng là các hành vi bản năng và đây là trả lời cho câu hỏi cái gì sinh ra bản năng trong bài Những câu hỏi chưa có trả lời về ý thức. Do các chất tạo ra trong quá trình sinh trưởng giống nhau trong các thế hệ ( có thể có sự khác nhau về mức độ) cho nên các hành vi của các thế hệ là giống nhau, các hành vi bản năng mang tính bẩm sinh và thể hiện như là được di truyền. Hệ thống di truyền không hoàn toàn tác động trực tiếp lên hệ thần kinh mà tác động gián tiếp thông qua việc điều khiển sự hình thành và phát triển các cơ quan trong cơ thể. Trong nhiều trường hợp, các hành vi bản năng không phải được thực hiện hoàn toàn độc lập mà có thể kết hợp với những hành vi được hình thành do tác động từ bên ngoài như việc lựa chọn bạn tình. Nhu cầu tìm bạn tình xuất phát từ nhu cầu sinh sản, nhưng sự lựa chọn bạn tình do thực tế cho phép có nhiều sự lựa chon. Gà mái cần bạn tình nhưng nó đánh đuổi những con gà trống mới lớn và chỉ chấp nhận những con gà trống trưởng thành trong đàn. Với loài người, do thời gian sinh trưởng kéo dài, cơ quan sinh sản phát triển chậm nên biểu hiện giới bộc lộ sớm không hoàn toàn do các chất hoóc môn sinh dục mà còn do nhiễm sắc thể quy định giới tính tác động. Chúng ta thấy sự khác nhau về hành vi giữa trẻ em nam và trẻ em nữ qua nhiều hành vi như lựa chọn đồ chơi, trò chơi, sở thích khi không có một sự hướng dẫn, giáo dục nào dành riêng cho từng giới. Các hành vi bản năng do bị chi phối bởi kích thích từ bên trong cơ thể lên hệ thần kinh nên nếu không có sự can thiệp của con người sẽ là những hành vi khó hoặc không kiểm soát được. Sự can thiệp của con người trong những trường này thường phải sử dụng đến hoá chất.

Sự khám phá của khoa học về các loại hoá chất được sinh ra trong quá trình sinh trưởng chi phối hoạt động thần kinh kết hợp với các hành vi quan sát được trong các giai đoạn sinh trưởng tương ứng đã cho câu trả lời bản năng có phải là ý thức hay không. Hành vi bản năng, nếu không kết hợp được với các hành vi được hình thành trong quá trình sinh trưởng, thường không kiểm soát được và có thể không phù hợp với hiện tại, chúng không phải là các hành vi đáp ứng lại tác động từ môi trường hiện tại, do đó chúng không phải là ý thức hay bản năng không phải là ý thức. Các loài động vật có hệ thần kinh đều thực hiện các hành vi bản năng, còn các hành vi do học hỏi được trong quá trình sống thì không phải loài động vật nào cũng thực hiện được mà chỉ có những loài động vật có hệ thần kinh phát triển thực hiện được, thậm trí trong các loài động vật bậc cao có những cá thể do khiếm khuyết trong hệ thần kinh cũng không có được những hành vi mang tính ý thức mà chỉ thực hiện được một vài hành vi bản năng để duy trì sự sống. Trong thực tế thì các hành vi bản năng và các hành vi mang tính ý thức thường được kết hợp với nhau tạo nên trạng thái bán ý thức trong hoạt động thần kinh. Để thấy điều này, chúng ta làm thí nghiệm sau: đổi nửa số trứng của hai gà mái ấp trứng cùng thời điểm cho nhau. Gà mẹ sẽ nuôi gà con được nở ra từ những quả trứng do nó ấp và đánh đuổi những gà con do gà mái khác ấp mặc dù những gà con đó được nở ra từ những quả trứng do nó đẻ. Gà mẹ nhận ra gà con qua tiếng kêu mà nó ghi nhớ được từ khi gà con cất tiếng kêu lúc còn trong trứng. Hành vi nuôi và chăm sóc, bảo vệ con là hành vi mang tính bản năng, nhưng nhận ra con qua tiếng kêu lại là hành vi mang tính ý thức. Tiếng kêu của gà con đã có một tác động rõ rệt tới hệ thần kinh của gà mẹ, buộc gà mẹ thực hiện những hành vi có thể nguy hiểm đến tính mạng để bảo vệ đàn con mà những hành vi này trong trường hợp không nuôi con thì gà mẹ thường né tránh. Khi gà con lớn lên, tiếng kêu của nó thay đổi khiến gà mẹ dần không nhận ra con mình. Sự thay đổi tiếng kêu của gà con kết hợp với sự phục hồi của cơ thể gà mẹ sau thời kỳ ấp trứng và nuôi con, buồng trứng hồi phục và tăng tiết hooc môn khiến gà mẹ đánh đuổi những gà con mà trước đó nó đã nuôi dưỡng và bảo vệ. Ý thức về sự nhận biết con mình của gà mẹ đã mất đi. Nói cách khác, ý thức có thể hình thành và mất đi, có thể thay đổi, còn bản năng không mất đi mà hoạt động của nó mang tính quy luật.

Các hành vi mang tính ý thức chỉ được hình thành trong các loài động vật phát triển. Mà các loài động vật phát triển chỉ có ở giai đoạn sau của sự phát sinh và phát triển của sự sống. Điều này cho câu trả lời rõ ràng là ý thức có sau. Đồng thời cũng cho thấy là không phải bất kỳ chúng sinh hữu tình nào cũng có ý thức. Nhưng còn một câu hỏi nữa là một số loài thực vật có phản ứng nhanh trước tác động của môi trường ngoài, thậm trí là có thể thông tin được cho nhau (khoa học còn khám phá ra rằng một số loài vi khuẩn gây bệnh với cấu trúc cơ thể chỉ có một tế bào cũng phát thông tin ( dưới dạng hóa học để chúng nhận biết về số lượng của chúng trong cơ thể vật chủ nhằm đảm bảo khả năng gây bệnh cho vật chủ) có phải là do chúng có ý thức hay không. Chúng ta xem xét cách thức mà cây bắt kiến, cây trinh nữ cụp lá khi có con mồi hoặc một tác động từ bên ngoài. Cơ cấu xòe lá của lá cây bắt kiến và cây trinh nữ là do tại cuống lá có những bao nước. Khi những bao nước này đầy nước chúng sẽ đẩy cho lá mở ra và khi nước trong đó bị thoát đi thì lá sẽ cụp lại. Các bao nước có cơ cấu van. Khi có một tác động nào đó như côn trùng tác động vào các lông cảm biến trên lá cây bắt kiến hay cành lá bị rung mạnh, các van nước sẽ mở ra làm cho nước thoát nhanh, lá cụp lại. Đây là một cơ cấu mang tính cơ học hay cơ cấu hoạt động theo hiệu ứng “đôminô” chứ không phải do một sự điều khiển phức tạp nào và nó phản ứng với mọi tác nhận gây ra các tác động giống nhau, không phân biệt đối tượng tác động như trong hoạt động thần kinh .Câu trả lời là các loài thực vật không có ý thức. Điều này còn đúng ngay cả trong trường hợp một số loài thực vật có thể thông tin cho nhau khi có một sự tấn công từ các laoì động vật ăn lá. Điều này được hiểu đơn giản là khi một cây bi tấn công, cành lá của nó sẽ bị phá hủy và làm thoát ra một số chất hóa học. Chất này được các cây khác hấp thụ và có thể có phản ứng lại như sự tăng tiết chất độc để tự vệ.

Như vậy, ý thức là hoạt động của hệ thần kinh trên cơ sở những ghi nhớ mới được hình thành trong quá trình động vật sinh trưởng nhằm đáp ứng lại các tác động từ bên ngoài biểu hiện ở dạng phản xạ có điều kiện và các phương thức hoạt động thần kinh cao hơn. Các phản ứng thần kinh dưới dạng các phản xạ không điều kiện không được đưa vào nội dung của ý thức bởi các phản xạ không điều kiện, mặc dù được điều khiển bởi hệ thần kinh, nhưng chúng vẫn mang tính chất cơ học hoạt động theo hiệu ứng đôminô bởi chúng không có sự phân biệt đối tượng tác động lên hệ thần kinh, các đối tượng khác nhau gây nên các tác động giống nhau sẽ được hệ thần kinh phản ứng giống nhau, còn ý thức sẽ phân biệt đối tượng tác động và tạo ra các phản ứng thần kinh thích hợp với từng đối tượng, từng hoàn cảnh. Đây sẽ là một trong các tiêu chuẩn để phân biệt các hành vi có ý thức và hành vi không có ý thức. Ý thức không phải là một thuộc tính của một tổ chức vật chất nào. Ý thức chỉ hình thành và phát triển trong những điều kiện nào đó và nó là kết quả của một số quá trình hình thành và vận động của một số tổ chức vật chất. Do ý thức hình thành từ sự ghi nhớ mới cho nên ý thức của các cá thể, các thế hệ trong cùng một loài là khác nhau, mức độ thể hiện của ý thức cũng khác nhau tùy theo hoàn cảnh thực tế, còn bản năng chỉ có sự khác nhau về mức độ thể hiện giữa các cá thể cùng giới tính.

Có một câu hỏi cũng rất quan trọng khác về ý thức, đó là các cảm xúc có phải là ý thức? Khoa học đã xã nhận rằng khi gặp trường hợp sợ hãi hay căng thẳng, trong não bộ có nhiều chất ađrênalin đồng thời hệ thần kinh có sự tập trung xử lý cao độ để thoát khỏi sự nguy hiểm. Chúng ta cũng thấy rằng trong nhiều trường hợp cảm xúc là không hoặc khó kiểm soát, sau khi cảm xúc đi qua thì cơ thể có được trạng thái bớt đi sự khó chịu hay căng thẳng. Như vậy có thể xác định sơ bộ rằng cảm xúc có liên quan đến các chất hóa học được sinh ra và các chất này có những ảnh hưởng nào đó tới cơ thể và hệ thần kinh. Nhu cầu tăng tiết hoặc loại bỏ các chất đó đã dẫn đến việc thực hiện các hành vi thể hiện cảm xúc ( ví dụ như cười hay khóc) giống như việc hệ thần kinh thực hiện các phản xạ không điều kiện giống như bản năng. Vì vậy cảm xúc không phải là ý thức. Tuy nhiên, trong thực tế một số cảm xúc có thể gắn với những điều ghi nhớ mới như những sự kiện gây ấn tượng mạnh, cảm xúc sẽ xuất hiện khi các sự kiện đó được gợi lên. Đây là sự kết hợp giữa trạng thái ý thức và không ý thức thành trạng thái bán ý thức và nó biểu hiện cho mối quan hệ giữa ý thức và bản năng. Ý thức phát triển có thể kiểm soát được bản năng và các hành vi vô ý thức. Nếu bản năng quá mạnh thì ý thức có thể bị hạn chế thể hiện. Ý thức được rèn luyện nhiều khi cũng có biểu hiện như bản năng. Chúng ta rèn luyện một số kỹ năng nào đó thì trong những hoàn cảnh tương tự, các kỹ năng đó tự động đượ thực hiện mà hầu như không phải trải qua một quá trình hoạch định nào. Nguyên nhâm của hiện tượng này là sự hình thành các kết nối thần kinh mới để tạo cho hệ thần kinh có phản xạ giống như phản xạ không điều kiện và tạo nên các hành vi vô thức.

Bàn về ý thức là câu chuyện dài. Nhưng về cơ bản, cần xác định được các đặc điểm, tính chất của nó, xây dựng các tiêu chí để phân biệt các hành vi được ý thức điều khiển và các hành vi không được ý thức điều khiển, từ đó chúng ta sẽ nhận thức được ý thức là gì.

Mục lục[sửa]

Một số lời bình sau khi đọc “ Vũ trụ trong một nguyên tử” của Đạt Lai Lạt Ma/1

Một số lời bình sau khi đọc “ Vũ trụ trong một nguyên tử” của Đạt Lai Lạt Ma/2

Một số lời bình sau khi đọc “ Vũ trụ trong một nguyên tử” của Đạt lai Lạt ma/3

Một số lời bình sau khi đọc “Vũ trụ trong một nguyên tử” của Đạt Lai Lạt Ma/4‎

Những câu hỏi chưa có trả lời về ý thức

Một số lời bình sau khi đọc “ Vũ trụ trong một nguyên tử” của Đạt Lai Lạt Ma/6: Các quan niệm về ý thức

Một số lời bình sau khi đọc “Vũ trụ trong một nguyên tử” của Đạt Lai Lạt Ma/7: Thiền và Ý thức?

Liên kết đến đây