Một số lời bình sau khi đọc “ Vũ trụ trong một nguyên tử” của Đạt Lai Lạt Ma/2

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Truy tìm sự tương đồng và dị biệt giữa khoa học và Phật giáo thể hiện trên hai bình diện: nhận thức và phương pháp...

Truy tìm sự tương đồng và dị biệt giữa khoa học và Phật giáo[sửa]

Được sinh ra và giáo dục trong môi trường tôn giáo, với nhiều người thì các giáo lý tôn giáo sẽ là định hướng không thay đổi của nhận thức. Nhưng sự hiện diện của các thành quả khoa học biểu thị bằng các sản phẩm công nghệ đã tác động tới tâm trí của một người có ham muốn tìm hiểu về bản chất thực tại. Tôi muốn nhấn mạnh rằng không phải bất kỳ người nào khi tiếp xúc hay thụ hưởng các thành quả của khoa học đều nảy sinh trong tâm trí ý muốn tìm hiểu đến gốc rễ của các thành quả đó. Sự hiện diện của các sản phẩm công nghệ tiên tiến là một yếu tố quan trọng, thậm trí là có tính quyết định thúc đẩy sự say mê nghiên cứu khoa học và tạo ra các nhà khoa học. Ở đâu đó trên trái đất này có thể có những người có năng lực tư duy khoa học, nhưng không được tiếp xúc với các sản phẩm khoa học, được giáo dục trong môi trường khoa học thì năng lực đó sẽ bị thui chột dần và nhân loại có thể sẽ mất đi những bộ óc vĩ đại, nhưng với nhiều người thì điều đó như là vốn dĩ nó là như vậy và không hề có ý định tìm hiểu tại sao nó lại thế. Để có thể thực hiện được sự diệt khổ, Phật giáo cũng phải tìm hiểu được bản chất của khổ, có nghĩa là Phật giáo cũng phải truy tìm bản chất của thực tại. Đây là điểm tương đồng cơ bản giữa Phật giáo và khoa học. Nhưng về phương pháp thì không có sự tương đồng hoàn toàn.. Truy tìm sự tương đồng và dị biệt giữa khoa học và Phật giáo thể hiện trên hai bình diện: nhận thức và phương pháp. Trong cuốn sách của mình, Đạt lai Lạt ma chủ yếu tìm sự tương đồng và dị biệt (hay sự tương phản) về mặt phương pháp bởi đây là yếu tố quan trọng giúp cho nhận thức thu được kết quả sớm hay muộn, đúng hay sai. Lẽ đương nhiên là để làm được điều này thì cần phải có sự hiểu biết về cả về khoa học và Phật giáo. Cuốn sách này là một cơ hội cho những người biết một trong hay hoặc không biết cả hai tìm hiểu về phương pháp của Phật giáo và khoa học trong việc tìm hiểu bản chất thực tại.

Nét cơ bản của sự tương đồng giữa khoa học và Phật giáo, theo đạt lại lạt ma, là từ các hiện tượng thực tế (kinh nghiệm), trải qua một quá trình tư tưởng (lập luận) để tổng quát hoá thành lý thuyết (trong khoa học) và kinh điển (trong Phật giáo). Quá trình tư tưởng này trong khoa học gọi là suy luận. Từ nét tương đồng này dẫn đến một nét tương đồng khác, đó là “thẩm quyền kinh điển trong Phật giáo không thể có nhiều giá trị hơn một hiểu biết dựa trên lập luận và kinh nghiệm”. Trong khoa học, các lý thuyết cũng luôn được kiểm nghiệm và điều hợp lại. Điều này đảm bảo cho tính đúng đắn của các lý thuyết khoa học. Tuy vậy thì trong thực tế tính kinh điển trong Phật giáo được sử dụng nhiều hơn trong khoa học như Đạt lai Lạt ma thừa nhận: “ Tương phản với tôn giáo, một đặc tính của khoa học thiếu vắng một phương sách tới thẩm quyền kinh điển như là một nguồn các luận điểm chân lý hiệu lực “ . Đây là một trong các nguyên nhân khiến khoa học phát triển và mở rộng nhanh hơn Phật giáo. Mặc dù vậy thì ở một tầng mức nhận thức nào đó trong khoa hoc, nhiều lý thuyết khoa học vẫn được một số (có thể là rất nhiều) người coi là kinh diển và có thẩm quyền trong việc nâng cao nhận thức khoa học của họ. Đề cao một lý thuyết khoa học quá mức nhiều khi là một cản trở trong sự phát triển. Tôi tán đồng quan điểm cần có chủ trương nghi ngờ lành mạnh trong tâm thức mỗi người làm khoa học. Sự nghi ngờ tính đúng đắn của một lý thuyết khoa học thúc đẩy sự kiểm nghiệm lại. Tất nhiên điều này là không dễ dàng, nhiều khi còn khó khăn hơn việc xây dựng lý thuyết đó. Để có thể tin vào điều gì thì trước hết hãy nghi ngờ chúng. Chỉ tin khi mọi sự nghi ngờ đã được xoá hết.

Một sự tương đồng khác mà Đạt lai Lạt ma đưa ra, đó là hai phương pháp nhận thức: cái được nhận thức là hiện tượng hay được suy luận. Nói cách khác là nhận thức trực tiếp hay nhận thức gián tiếp. Nhận thức trực tiếp là nhận thức sự vật, hiện tượng thông qua các giác quan (tri giác), còn nhận thức gián tiếp là nhận thức một sự vật, một hiện tượng hay bản chất của các hiện tượng ẩn sau và trong các sự vật, các hiện tượng đã và đang hiện diện bằng các suy luận. Các suy luận được sử dụng là các kinh nghiệm của bản thân người suy luận hay đã được đúc kết trong quá trình phát triển. Sự suy luận trong khoa học có tính logic cao do khoa học sử dụng kinh nghiệm đã được tổng quát hoá thành các lý thuyết, trong đó toán học là phương pháp suy luận mang tính khái quát (đến mức trừu tượng) và chặt chẽ nhất, cho kết quả chính xác rất cao. Nhưng toán học cũng xuất phát từ các mô hình giả định nên độ chính xác trong suy luận của nó phụ thuộc vào sự giống nhau giữa thực tế và mô hình. Mức độ chính xác càng cao khi diễn biến thực tế càng giống với mô hình. Sự suy luận Phật giáo mà Đạt lai Lạt ma mô tả gần với suy luận triết học hơn so với khoa học và chủ yếu mang tính chất định tính và không có tính định lượng như trong khoa học.

Có thể thấy một dị biệt nhỏ trong phương pháp nhận thức thứ hai. Đó là trong khoa học chia ra suy luận quy nạp và suy luận diễn dịch. Suy luận quy nạp để xây dựng lý thuyết, còn suy luận diễn dịch là sử dụng lý thuyết để tìm hiểu thực tại ở mức cao hơn hay trong các điều kiện khác. Trong suy luận Phật giáo thì không phân chia rõ hai loại suy luận này.

Các hiện tượng không phải luôn phản ánh đúng mọi cái thúc đẩy sự hình thành và diến biến của chúng, cho nên sự suy luận cũng có thể dẫn đến sai lầm hay trong các suy luận ẩn chứa các sai lầm. Vết thâm trên quả táo có thể do con sâu tạo nên, nhưng cũng có thể do nấm mốc tạo nên. Sự co dãn của thời gian được suy luận từ thí nghiệm của Michelson-Morley và giả thuyết ánh sáng di chuyển dưới dạng hạt với tốc độ 300.000km/s trong chân không. Nhưng với giải thuyết về sự truyền ánh sáng khác đi (Xem Những lý giải mới về thời gian và bản chất của ánh sáng từ thí nghiệm của Michelson-Morley, phần II) thì thời gian lại được chứng minh là không hề có sự co dãn nào và do đó cũng không tồn tại nghịch lý anh em sinh đôi (một nghich lý được suy luận ra từ thuyết cho rằng thời gian có sự co dãn). Sự suy luận rất cần khả năng đề cập đến nhiều hiện tượng có liên quan và có thể có liên quan. Có không dưới một tác nhân không phải thời gian ảnh hưởng đến sự nhanh chậm của đồng hồ chỉ thời gian. Bỏ qua các tác nhân này trong các thí nghiệm kiểm chứng thời gian đã dẫn đến sự nhận thức rằng thời gian thực sự co dãn còn thực tế thì thời gian không hệ co dãn.

Nhận thức khoa học về thế giới tự nhiên là sự nhận thức đúng dần. Có nghĩa là có thể có sai lầm trong nhận thức khoa học. Có tri thức khoa học hôm nay được coi là đúng, nhưng do sự kiểm chứng liên tục về sau mà được xác nhận là sai và ngược lại. Sự phát hiện sai lầm trong nhận thức khoa học và sửa chữa nó là con đường đúng đắn cho sự phát triển khoa học. Điều này cũng cần và nên trở thành một nhận thức khoa học. Trong khi chưa thể tìm được ranh giới giữa sự đúng đắn tuyệt đối và sai lầm trong các lý thuyết khoa học thì luận thuyết “khả phản bác” của Popper về các lý thuyết khoa học cũng nên được coi là một tiêu chuẩn của các lý thuyết khoa học để xác định ranh giới đối tượng nghiên cứu khoa học và các giả thuyết có tính khoa học. Điều này sẽ giúp gạt bỏ ảo tưởng là khoa học có thể biết được tất cả và đã làm được rất nhiều trong khi khoa học đang trong thời kỳ phát triển. Nhưng cũng cần phải xác định rằng các ranh giới này không phải là cố định mà nó sẽ tiến dần đến chỗ thu nạp tất cả các đối tượng. Thế giới tâm linh cũng dần trở thành đối tượng nghiên cứu của khoa học khi nhân loại sáng chế ra các phương tiện kỹ thuật phù hợp. Sự nhận thức thực tại khách quan còn quá nhiều bí ẩn sẽ tạo nên động lực cho đam mê khoa học và nhiệt tình khám phá. Tôi đã từng trải qua một thời kỳ buồn chán ghê gớm khi cho rằng khoa học đã khám phá được hết mọi thứ và chẳng còn gì giành cho sự đam mê của mình. Nhưng từ khi tìm được cho mình một hướng nghiên cứu thì lại cảm thấy cuộc đời là quá ngắn so với những điều mình muốn khám phá.

Suy luận là phương pháp chủ yếu đề nhận thức sâu sắc hơn thực tại. Cơ sở của nhận định này là thực tại rất đa dạng và phức tạp và không thể thực hiện được hoàn toàn bằng nhận thức tri giác. S ự nhận thức bằng tri giác là có giới hạn mặc dù giới hạn đó đã và có thể bị đẩy lùi bởi các phương tiện kỹ thuật. Suy luận không chỉ dùng trong khoa học hay Phật giáo như Đạt lai Lạt ma đề cập trong cuốn sách mà Triết học cũng sử dụng suy luận trong tìm hiểu thực tại khách quan, Giữa Phật giáo và Triết học có điểm chung là suy luận gắn với nội dung của đối tượng, còn khoa học có thể sử dụng các công cụ khác không gắn với đối tượng như toán học. Ngoài ra, để nhận thức về một đối tượng cụ thể thì khoa học còn dụng dùng phương pháp phân tích hoặc sử dụng các phương tiện kỹ thuật. Triết học và Phật giáo không dùng giải phẫu để hiểu về cơ thể người như khoa học tiến hành. Vì vậy mặc dù không hạn chế nhưng số đối tượng của Phật giáo vẫn bị giới hạn hơn so với khoa học. Công cụ suy luận của Triết học duy vật là phép biện chứng duy vật. Triết học nghiên cứu đối tượng trên cơ sở nghiên cứu mối quan hệ giữa các đối tượng, và so sánh các đối tượng để nhận thức về chúng , còn công cụ dùng để suy luận trong Phật giáo tôi không thấy Đạt lai Lạt ma đưa ra, có thể là bằng kinh điển. Triết học cũng sử dụng phương pháp phân tích để nhận thức về đối tượng cụ thể. Nhưng sự phân tích triết học dựa trên sự biểu hiện bên ngoài và các mối quan hệ với các đối tượng khác. Đây là điểm khác nhau giữa triết học và khoa học. Triết học giữ nguyên các mối quan hệ của đối tượng với môi trường xung quanh còn khoa học, để phân tích đối tượng thường thực hiện việc cô lập đối tượng hoặc loại bỏ những mối quan hệ không quan trọng của đối tượng với môi trường xung quanh, tìm ra các mối quan hệ nội tại của đối tượng. Hai phương pháp phân tích này dẫn đến hai kết quả nhận thức khác nhau. Khoa học phân tích sâu hơn về đối tượng về mặt chi tiết và định lượng, triết học không phân tích được chi tiết đối tượng nhưng xác định được các mối quan hệ và ảnh hưởng qua lại của đối tượng với môi trường và có khả năng thấu suốt được bản chất của hiện tượng thông qua các quan sát về sự thay đổi biểu hiện bên ngoài khi thay đổi các mối quan hệ. Một điểm rất mạnh nhưng đồng thời cũng là một điểm yếu của khoa học trong nhận thức là việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật và lý thuyết khoa học. Hai công cụ này giúp cho khoa học có những nhận thức rất sâu sắc nhưng sự phụ thuộc vào công cụ khi các công cụ đó có giới hạn và không toàn diện khiến nhận thức không thể thấu suốt hoặc có thể sai lầm. Thuyết tương đối cho hạt ánh sáng có hai trạng thái: hoặc không vận động hoặc di chuyển với tốc độ 300.000km/s. Câu hỏi đặt ra là hạt ánh sáng có thể tồn tại ở trạng thái di chuyển với tốc độ dưới 300.000km/s hay không? Rõ ràng là khi ánh sáng là hạt tồn tại cả ở trạng thái dừng và di chuyển với tốc độ cao nhất thì nó phải tồn tại ở trạng thái trung gian là di chuyển với tốc độ nhỏ hơn 300.000km/s. Nhưng các thiết bị khoa học hiện nay không thể nhận biết được các trạng thái này. Và khi hạt ánh sáng tồn tại ở trạng thái trung gian này thì chúng sẽ có những tính chất và tác dụng khác. Một vấn đề khác nữa là khoa học hiện nay chưa giải thích được tại sao muối thì mặn còn đường thì ngọt, nước hoa thì tjhơm còn trứng thối thì không ai muốn ngửi. Các chất tác động theo cơ chế nào lên các tế bào thần kinh cảm giác để hệ thần kinh nhận ra các mùi vị khác nhau? Ở mức độ nhận thức sâu sắc thì những sai lầm trong nhận thức có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng và lâu dài.

Có một phương pháp nhận thức khác mà tôi muốn đề cập đến, đó là nhận thức qua truyền dạy và học tập. Phương pháp nhận thức này vừa có thể được coi là gián tiếp bởi người nhận thức không trực tiếp với các đối tượng nhận thức nhưng cũng có thể coi là trực tiếp bởi sự nhận thức này được thực hiện thông qua các giác quan chứ không thông qua quá trình suy luận diễn ra trong não của người nhận thức. Kết quả nhận thức theo phương pháp này phụ thuộc vào kinh nghiệm của người truyền dạy và do đó nó dễ bị thẩm quyền kinh điển (hoặc được coi là kinh điển) chi phối. Khối lượng tri thức của nhân loại ngày càng nhiều nên phương pháp nhận thức qua truyền dạy trở thành phương pháp nhận thức chủ yếu.

Có thể thấy rằng có nhiều phương pháp nhận thức thực tại khách quan. Tìm ra các phương pháp, tìm ra các ưu nhược điểm của các phương pháp để phát huy thế mạnh của từng phương pháp là một công việc bổ ích. Những điều Đạt lai Lạt ma nêu trong cuốn sách và tôi nêu thêm trên đây chỉ là một số trong đó. Điều quan trọng là sự lựa chọn phương pháp phù hợp với đối tượng và điều kiện nghiên cứu. Sự lựa chọn phù hợp sẽ khắc phục được sự thiếu thốn về phương tiện vật chất và kỹ thuật trong nghiên cứu khoa học.

Tôi không nêu phần bình luận này dành cho phần nào trong cuốn sách của Đạt lai Lạt ma. Nhưng bạn đọc có thể dùng phương pháp suy luận để có câu trả lời.

Mục lục[sửa]

Một số lời bình sau khi đọc “ Vũ trụ trong một nguyên tử” của Đạt Lai Lạt Ma/1

Liên kết đến đây