Nhận biết dấu hiệu cảnh báo đột quỵ

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Theo Hiệp hội Đột quỵ Quốc gia[1], mỗi năm có khoảng 800.000 người bị đột quỵ. Cứ mỗi bốn phút sẽ có một người tử vong do đột quỵ nhưng 80% trường hợp đột quỵ có thể phòng tránh được. Đột quỵ xếp thứ năm trong danh sách các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và là nguyên nhân chính gây khuyết tật ở người trưởng thành tại Mỹ.[2] Có ba loại đột quỵ với những triệu chứng giống nhau nhưng cách điều trị khác nhau. Đột quỵ xảy ra khi lượng máu cung cấp cho một phần của não bộ đột nhiên bị chặn lại và các tế bào không thể nhận được oxy. Nếu không được hồi phục cung cấp máu tức thời, các tế bào não sẽ bị chết, dẫn đến khiếm khuyết về thể chất hoặc tinh thần.[3] Việc nhận biết các triệu chứng và yếu tố rủi ro là vô cùng thiết yếu để có thể được can thiệp y tế kịp thời khi bị đột quỵ.

Ảnh minh họa

Các bước[sửa]

Phát hiện dấu hiệu và triệu chứng[sửa]

  1. Cơ mặt hoặc tứ chi yếu. Có thể người đó không thể cầm được đồ vật hoặc đột nhiên mất thăng bằng khi đang đứng. Tìm xem có dấu hiệu nào cho thấy một bên mặt hoặc một phần cơ thể của người đó trở nên yếu đi. Một phần miệng có thể bị rũ xuống khi cười hoặc người đó không thể giơ cả hai tay lên qua đầu.[4]
  2. Nhầm lẫn hoặc gặp vấn đề khi phát âm hoặc nghe hiểu. Khi một phần nhất định của não bộ bị ảnh hưởng, người đó sẽ gặp vấn đề trong việc phát âm cũng như nghe hiểu lời nói của người khác. Có thể người đó sẽ khá bối rối khi nghe những điều bạn nói, phản ứng theo cách chứng tỏ rằng họ không hiểu, nói ngọng hoặc nói những lời khó hiểu không liên quan đến cuộc hội thoại. [5] Biểu hiện này có thể rất nghiêm trọng. Hãy gọi đến số cấp cứu khẩn cấp, sau đó cố gắng giúp người đó bình tĩnh lại.
    • Cũng có trường hợp người đó không thể nói được gì.
  3. Hỏi xem liệu người đó có gặp vấn đề về thị lực ở một bên mắt hoặc cả hai bên hay không. Khi bị đột quỵ, thị lực sẽ đột nhiên bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Một bên mắt hoặc cả hai bên không nhìn thấy gì hoặc nhìn một thành hai (nếu người đó không nói được hãy bảo họ gật hoặc lắc đầu nếu có thể).[4]
    • Có thể bạn sẽ nhận thấy người đó quay sang bên trái để nhìn những gì đang xảy ra trong phạm vi nhìn của mắt trái bằng mắt phải.
  4. Để ý tình trạng mất phối hợp hoạt động hoặc mất thăng bằng. Khi chân hoặc tay của một người bị mất sức, bạn có thể nhận thấy người đó gặp khó khăn với việc giữ thăng bằng và phối hợp. Có thể người đó sẽ không nhặt được bút, hoặc đi bộ do một chân không thể hoạt động đúng chức năng.[5]
    • Có thể bạn sẽ thấy họ bị mất sức hoặc đột nhiên trượt chân hoặc ngã.
  5. Đột nhiên đau đầu dữ dội. Đột quỵ còn được gọi là “brain attack” và có thể dẫn đến cơn đau đầu đột ngột, được xem như cơn đau đầu dữ dội nhất mà một người từng trải qua. Nó có thể đi kèm với tình trạng buồn nôn và nôn mửa do áp lực trong não tăng.[5]
  6. Lưu ý tới triệu chứng thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA). TIA xảy ra tương tự với đột quỵ (thường được gọi là “đột quỵ nhẹ”) nhưng chỉ kéo dài trong chưa đến năm phút và không để lại tổn thương lâu dài. Tuy nhiên, nó vẫn là một tình trạng khẩn cấp cần được đánh giá và chữa trị để giảm nguy cơ phát triển thành đột quỵ. Đột quỵ sẽ có nguy cơ cao xảy ra trong vòng vài giờ hoặc vài ngày sau triệu chứng TIA xuất hiện. [6] Các bác sỹ cho rằng những triệu chứng này bị gây ra do sự tắc nghẽn một động mạch não trong một khoảng thời gian ngắn.
    • Khoảng 20% bệnh nhân có TIA sẽ bị đột quỵ trong vòng 90 ngày sau đó và khoảng 2% nhóm đột quỵ này sẽ xảy ra trong vòng 2 ngày.
    • Qua thời gian, TIA có thể dẫn tới Sa sút trí tuệ nhồi máu đa dạng (MID) hoặc mất trí nhớ.
  7. Ghi nhớ cụm từ viết tắt FAST. FAST tượng trưng cho Face (gương mặt), Arm (cánh tay), Speech (Lời nói) và Time (thời gian), cụm từ này nhắc bạn những biểu hiện cần kiểm tra khi bạn nghi ngờ ai đó có nguy cơ bị đột quỵ cũng như tầm quan trọng của thời gian. Nếu bạn nhận thấy những dấu hiệu trên, bạn cần gọi ngay tới số cấp cứu khẩn cấp của địa phương. Việc chữa trị và hiệu quả chữa trị của người đó sẽ phụ thuộc vào từng phút.[4]
    • Gương mặt: Đề nghị người đó cười để xem liệu một bên mặt của họ có bị rũ xuống hay không.
    • Cánh tay: Đề nghị người đó giơ cả hai tay lên. Họ có làm được không? Một tay của họ có hướng xuống không?
    • Lời nói: Người đó có bị nói nhịu không? Họ có thể nói không? Người đó có bị bối rối khi được yêu cầu nhắc lại một câu ngắn hay không??
    • Thời gian: Gọi ngay đến số khẩn cấp của địa phương trong trường hợp có những triệu chứng này. Đừng chần chừ.

Chữa trị đột quỵ[sửa]

  1. Thực hiện hành động thích hợp. Nếu bạn hoặc một người nào đó xung quanh bạn trải qua những triệu chứng trên, bạn nên tìm đến điều trị y tế khẩn cấp ngay lập tức. Tất cả những triệu chứng trên đều là tín hiệu chứng tỏ nguy cơ đột quỵ.
    • Bạn vẫn nên gọi cho trung tâm y tế gần nơi bạn ở cho dù những triệu chứng này biến mất nhanh chóng hoặc không gây đau đớn.
    • Lưu ý thời gian bạn phát hiện triệu chứng lần đầu đề giúp nhân viên y tế xác định đúng phương pháp chữa trị.
  2. Cung cấp toàn bộ thông tin từ tiền sử sức khỏe và kết quả kiểm tra sức khoẻ cho bác sỹ. Cho dù trong trường hợp cấp cứu khẩn cấp, bác sỹ sẽ vẫn kiểm tra kỹ lưỡng và nhanh chóng toàn bộ bệnh sử và kết quả kiểm tra sức khỏe trước khi tiến hành xét nghiệm và chữa trị. Dưới đây là một số xét nghiệm y khoa có thể được áp dụng:[7]
    • Chụp cắt lớp vi tính (CT), một loại kỹ thuật chụp X quang cho phép chụp ảnh chi tiết của não bộ sau đột quỵ.
    • Cộng hưởng từ (MRI) xác định vùng bị tổn thương của não và có thể được sử dụng thay cho hoặc cùng với chụp CT.
    • Siêu âm động mạch cảnh, một thủ tục không gây đau đớn cho người bệnh, được dùng để kiểm tra sự thu hẹp của động mạch cảnh. Phương pháp này sẽ vô cùng hữu ích sau TIA khi không để lại tổn thương cho não bộ. Nếu bác sỹ nhận thấy mức tắc nghẽn 70%, người bệnh sẽ cần được phẫu thuật để phòng tránh đột quỵ.
    • Chụp X-quang động mạch cảnh (Carotid angiography) được thực hiện bằng cách sử dụng ống luồn tĩnh mạch được tiêm thuốc nhuộm và tia x-quang để ghi nhận hình ảnh động mạch cảnh.
    • Siêu âm nhịp tim (EKG), sẽ cho phép bác sỹ đánh giá độ khỏe mạnh của tim và các yếu tố rủi ro đối với đột quỵ.
    • Xét nghiệm máu sẽ được sử dụng để kiểm tra dấu hiệu mức đường trong máu thấp, một dấu hiệu của đột quỵ và khả năng đông máu, dấu hiệu thể hiện nguy cơ rủi ro cao của đột quỵ chảy máu não.
  3. Xác định các loại đột quỵ. Mặc dù triệu chứng cũng như tác động của đột quỵ là như nhau nhưng vẫn có các loại đột quỵ khác nhau. Cách chúng xảy ra và phương pháp điều trị cũng hoàn toàn khác nhau. Bác sỹ sẽ xác định loại đột quỵ dựa trên các kết quả xét nghiệm.
    • Đột quỵ chảy máu não:[8] Đột quỵ chảy máu não xảy ra khi các mạch máu trong não bộ bị vỡ hoặc rò rỉ. Máu sẽ tràn vào trong hoặc xung quanh não bộ, tùy thuộc vào vị trí của mạch máu, gây áp lực và phình động mạch não. Điều này sẽ làm tổn thương các tế bào và mô. Xuất huyết trong não là loại đột quỵ chảy máu não phổ biến nhất và xảy ra bên trong mô não khi một mạch máu bị vỡ. Xuất huyết khoang dưới nhện xảy ra do máu chảy ra xung quanh não và mô bao bọc quanh não. Đây được gọi là khoang dưới nhện.
    • Đột quỵ thiếu máu cục bộ: Loại đột quỵ thường gặp nhất và chiếm khoảng 83% các ca được chẩn đoán đột quỵ. [9] Đột quỵ thiếu máu cục bộ xảy ra khi máu đông (còn gọi là huyết khối) làm tắc động mạch não hoặc xơ vữa động mạch cản trở máu và oxy lưu thông lên các tế bào và mô não, khiến lượng máu lên não không đủ (thiếu máu não).[10]
  4. Phương pháp điều trị khẩn cấp đối với đột quỵ chảy máu não. Trong trường hợp đột quỵ chảy máu não, bác sỹ sẽ nhanh chóng kiểm soát máu chảy. Dưới đây là một số phương pháp điều trị: [11]
    • Phẫu thuật kẹp cổ túi phình mạch hoặc can thiệp nội mạch bít túi phình để ngăn chảy máu dưới đáy phình mạch nếu đó là nguyên nhân gây ra đột quỵ.
    • Phẫu thuật để dẫn lưu máu chưa được lưu thông vào mô não và để giải tỏa áp lực trong não bộ (thường là những trường hợp nghiêm trọng).
    • Phẫu thuật loại bỏ chỗ dị dạng động tĩnh mạch (AVM) nếu AVM nằm ở khu vực có thể tiếp cận được. Xạ phẫu đích (Stereotactic radiosurgery) là một phương pháp tiên tiến hạn chế tối thiểu xâm lấn và được sử dụng để loại bỏ AVM.
    • Phẫu thuật bắc cầu động mạch trong não để tăng lưu lượng máu trong một vài trường hợp cụ thể.
    • Ngay lập tức ngừng sử dụng các loại thuốc làm loãng máu bởi nó sẽ khiến cho việc cầm máu trong não trở nên khó khăn hơn.
    • Chăm sóc y tế hỗ trợ khi máu tái lưu thông khắp cơ thể, giống như sau khi bị tụ máu.
  5. Thuốc và phương pháp chữa trị cho các trường hợp đột quỵ thiếu máu cục bộ. Thuốc và điều trị y khoa có thể sẽ được sử dụng để ngăn chặn đột quỵ hoặc các tổn thương cho não bộ. Một vài trong số đó có thể kể tới như:[12]
    • Chất hoạt hóa plasminogen mô (TPA) để làm tan máu đông trong động mạch não. Chất thuốc này sẽ được tiêm vào cánh tay của người bị đột quỵ do huyết khối. Thuốc phải được sử dụng trong vòng bốn giờ kể từ khi bắt đầu đột quỵ; thời gian càng sớm sẽ càng mang lại kết quả tích cực hơn.
    • Thuốc chống kết dính tiểu cầu để ngăn chặn huyết đông và tổn thương cho não. Tuy nhiên, thuốc này cần được sử dụng trong vòng 48 giờ và nó có thể đặt người bệnh vào tình trạng nguy hiểm hơn nếu đó là đột quỵ chảy máu não, vì vậy cần phải có chẩn đoán chính xác trước khi dùng.
    • Cắt bỏ áo trong hoặc tạo hình động mạch cảnh nếu người bệnh bị bệnh tim. Trong quy trình này, bác sỹ phẫu thuật sẽ loại bỏ áo trong hoặc động mạch cảnh nếu nó bị tắc do màng hoặc trở nên dày và xơ cứng. Thủ thuật này sẽ giúp mở động mạch cảnh và cung cấp thêm máu đã nhận oxy cho não khi mức tắc nghẽn đạt ít nhất 70%.
    • Sử dụng Trị liệu tan huyết khối bằng đường động mạch, theo đó bác sỹ phẫu thuật sẽ đưa một ống thông catheter vào vòm họng và luồn lên não bộ để bơm thuốc trực tiếp vào khu vực gần với huyết khối cần được loại bỏ.

Xác định các nguy cơ rủi ro[sửa]

  1. Xem xét đến yếu tố tuổi tác. Tuổi tác là một nguy cơ rủi ro quan trọng nhất khi xác định nguy cơ đột quỵ. Nguy cơ đột quỵ sẽ tăng gần gấp đôi mỗi mười năm sau tuổi 55. [13]
  2. Lưu ý đến những lần đột quỵ hoặc TIA trước. Một trong những nguy cơ rủi ro lớn nhất đối với đột quỵ đó là nếu một ngươi đã từng bị đột quỵ hoặc TIA (“đột quỵ nhẹ”) trong quá khứ.[14] Hãy làm việc cùng với bác sỹ để giảm thiểu tối đa các yếu tố rủi ro khác nếu bạn từng trải qua một trong hai trường hợp đó trước đây.
  3. Lưu ý rằng phụ nữ thường có nguy cơ tử vong vì đột quỵ cao hơn. Mặc dù nam giới thường có tỷ lệ bị đột quỵ lớn hơn nhưng tỷ lệ tử vong vì đột quỵ ở nữ giới lại cao hơn. Sử dụng thuốc tránh thai cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ đối với nữ giới.[13]
  4. Cảnh giác với rung tâm nhĩ (AF). Rung tâm nhĩ là tình trạng nhịp tim đập nhanh và yếu một cách bất thường ở tâm nhĩ trái của tim. Bác sỹ có thể chẩn đoán AF bằng điện tâm đồ (ECG).[15]
    • Triệu chứng của AF bao gồm cảm giác dao động trong lồng ngực, đau ngực, hoa mắt, khó thở và mệt mỏi.[15]
  5. Lưu ý sự hiện diện của chỗ dị dạng động tĩnh mạch (AVM). Những dị dạng này khiến các mạch máu trong hoặc xung quanh não bỏ qua mô bình thường, làm tăng nguy cơ bị đột quỵ. Hầu hết AVM là do di truyền (nhưng không phải do di truyền), và chỉ xảy ra với chưa đến 1% dân số. Tuy nhiên AVM thường gặp ở nam giới hơn là nữ giới.[16]
  6. Xét nghiệm kiểm tra bệnh động mạch ngoại biên. Bệnh động mạch ngoại biên là tình trạng hẹp động mạch dẫn đến đông máu và làm giảm lưu lượng máu lưu thông khắp cơ thể.[17]
    • Động mạch chân thường sẽ là nơi bị ảnh hưởng.
    • Bệnh động mạch ngoại biên là nguy cơ rủi ro chính dẫn đến đột quỵ.
  7. Cẩn thận với huyết áp. Huyết áp cao sẽ tạo áp lực quá mức lên động mạch và các mạch máu khác. Điều này có thể tạo ra các điểm yếu có thể bị vỡ dễ dàng (đột quỹ chảy máu não) hoặc những điểm mỏng chứa đầy máu và phình ra ngoài tường động mạch (được gọi là phình mạch).[18]
    • Tổn thương đối với động mạch có thể dẫn đến hình thành máu đông và tuần hoàn máu kém gây ra đột quỵ thiếu máu cục bộ.
  8. Biết được nguy cơ tiểu đường. Nếu bạn bị tiểu đường, bạn sẽ có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn do các vấn đề sức khỏe liên quan đến tiểu đường. Nếu bạn bị tiểu đường bạn sẽ có thể bị một số vấn đề sức khỏe khác như lượng cholesterol cao, huyết áp cao và các bệnh về tim. Tất cả những vấn đề đó sẽ làm tăng nguy cơ bị đột quỵ của bạn.[18]
  9. Giảm lượng cholesterol. Lượng cholesterol cao cũng là một nguy cơ rủi ro lớn đối với đột quỵ. Lượng cholesterol sẽ dẫn đến hình thành mảng bám trong động mạch và có thể cản trở việc lưu thông máu gây ra đột quỵ. Duy trì chế độ ăn uống ít chất béo chuyển hóa (trans fats) để đảm bảo lượng cholesterol phù hợp.[18]
  10. Tránh hút thuốc lá. Hút thuốc là có thể ảnh hưởng tới cả tim và mạch máu. Thêm vào đó, chất ni-cô-tin sẽ làm tăng huyết áp. Tất cả những yếu tố này có thể làm tăng nguy cơ bị đột quỵ của bạn.[14]
    • Thậm chí tiếp xúc với khói thuốc lá từ người khác cũng có thể làm tăng nguy cơ bị đột quỵ của những người không hút thuốc.[14]
  11. Giảm thiểu đồ uống có cồn. Uống quá nhiều đồ uống có cồn có thể gây ra rất nhiều vấn đề sức khỏe như huyết áp cao, tiểu đường, những vấn đề khiến bạn có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn.
    • Đồ uống có cồn sẽ khiến các tiểu cầu kết thành khối, điều này có thể dẫn đến đột quỵ hoặc đau tim. Sử dụng đồ uống có cồn quá mức cũng sẽ gây ra bệnh tim kinh niên (cơ tim suy yếu) và nhịp tim bất thường, như rung tâm nhĩ, điều này có thể dẫn đến hình thành máu đông và gây ra đột quỵ.[14]
    • Trung tâm phòng chống bệnh tật Hoa Kỳ khuyến nghị mỗi ngày phụ nữ chỉ nên uống nhiều nhất một cốc đồ uống có cồn và tối đa 2 cốc đối với nam giới. [14]
  12. Kiểm soát cân nặng để tránh béo phì. Béo phì có thể dẫn đến một số tình trạng sức khỏe như tiểu đường và huyết áp cao, những vấn đề làm gia tăng nguy cơ bị đột quỵ. [19]
  13. Tập thể dục để duy trì sức khỏe tốt. Tập thể dục thường xuyên sẽ có thể giúp phòng tránh một số vấn đề đã kể trên như huyết áp cao, lượng cholesterol cao và tiểu đường.[14] Hãy cố gắng thực hiện các bài tập làm tăng nhịp tim (cardio exercise) ít nhất 30 phút mỗi ngày.
  14. Cân nhắc đến tiểu sử gia đình. Một số nhóm sắc tộc có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn so với những dân tộc khác. Điều này là do hàng loạt các yếu tố về thể chất và di truyền. Người da đen, người Hispanic (người gốc Tây Ban Nha), người Mỹ bản xứ, và người bản xứ Alaska sẽ có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn do bẩm chất.[13]
    • Nhóm người da đen và người Hispanic cũng có nguy cơ bị mắc bệnh hồng cầu hình liềm cao hơn so với những nhóm người khác. Khi mắc bệnh này, các tế bào hồng cầu của người bệnh sẽ có thiên hướng mang hình dạng bất thường khiến cho chúng bị mắc kẹt trong mạch máu và có thể gây ra nguy cơ bị đột quỵ thiếu máu cục bộ cao hơn.[18]

Lời khuyên[sửa]

  • Ghi nhớ FAST để đánh giá tình hình nhanh chóng và tìm đến sự hỗ trợ chuyên môn ngay lập tức trong trường hợp bị đột quỵ.
  • Những người bị đột quỵ thiếu máu cục bộ sẽ có kết quả tốt hơn khi được chữa trị trong giờ đầu tiên xuất hiện triệu chứng. Phương pháp chữa trị có thể bao gồm cả thuốc và/hoặc can thiệp y tế.

Cảnh báo[sửa]

  • Mặc dù TIA không để lại tổn thương lâu dài nào nhưng nó là tín hiệu cảnh báo rằng đột quỵ hoặc suy tim có thể sắp xảy ra. Nếu bạn hoặc người bạn yêu thương trải qua các triệu chứng giống với đột quỵ nhưng biến mất chỉ trong một vài phút, bạn cần tìm đến sự chăm sóc và chữa trị y tế để giảm thiểu nguy cơ bị đột quỵ nghiêm trọng.
  • Mặc dù bài báo này cung cấp một số thông tin y học về đột quỵ nhưng độc giả không nên xem đây như lời khuyên của bác sỹ. Hãy tìm đến sự hỗ trợ chuyên môn ngay lập tức nếu bạn nghĩ rằng bạn hoặc người bạn yêu có nguy cơ bị đột quỵ.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Xem thêm[sửa]

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này