Phát triển các kỹ năng giao tiếp

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Trong suốt cuộc đời chắc hẳn bạn phải trải qua nhiều hoàn cảnh đòi hỏi sự tương tác. Cho dù đang trả lời phỏng vấn xin việc làm, thiết lập một mối quan hệ mới hay trao đổi với các thành viên trong nhóm, kỹ năng giao tiếp vẫn luôn quan trọng. Có lẽ bạn đã nhận thấy rằng nhiều thành công của bạn tùy thuộc vào các kỹ năng giao tiếp, và rằng một số cách tương tác có hiệu quả hơn các cách khác. Để cải thiện kỹ năng giao tiếp, bạn hãy rèn luyện cách giao tiếp không lời, cách tương tác và chăm sóc hình ảnh của mình.[1]

Các bước[sửa]

Cải thiện cách giao tiếp không lời[sửa]

  1. Tìm hiểu những yếu tố trong giao tiếp không lời. Đó là biểu cảm trên nét mặt, sự đụng chạm và giọng điệu của bạn (không phải những từ ngữ bạn nói ra mà là âm sắc trong giọng nói).[1] Trong quá trình diễn giải và truyền đạt, các tín hiệu hình ảnh đóng vai trò quan trọng hơn so với tín hiệu âm thanh. Với những gợi ý hình ảnh, người ta thường thành công hơn khi đọc biểu cảm trên gương mặt so với việc đọc ngôn ngữ cơ thể.[2]
    • Ví dụ, nếu muốn tỏ ra hạnh phúc, việc biểu cảm qua nét mặt, chẳng hạn như mỉm cười, sẽ dễ hơn là đẩy nhanh tốc độ nói chuyện hay ra điệu bộ. Đôi khi bạn cũng có lợi khi giấu những cảm xúc trong lòng (chẳng hạn như đang sợ hãi) mà bạn không muốn lộ ra.
  2. Hiểu được tầm quan trọng của việc giao tiếp không lời. Ước tính việc giao tiếp không lời biểu đạt 60% ý nghĩa trong giao tiếp giữa mọi người.[1] Để thành công trong giao tiếp không lời, bạn cần thể hiện cảm xúc sao cho người khác có thể hiểu và cảm nhận đúng.
    • Bắt đầu suy nghĩ về các tín hiệu không lời mà cả hai cùng phát khi giao tiếp. Ngoài ra cũng cần suy nghĩ về những thông điệp không lời mà bạn cảm nhận từ những người khác.
  3. Tìm hiểu về ngôn ngữ cơ thể. Nói chung trong văn hóa phương Tây, nếu muốn thể hiện thái độ nhiệt tình với ai đó, bạn hãy tập trung vào các cử chỉ sau: nghiêng người về phía trước, mặt và cơ thể đối diện với người kia. Dùng cử chỉ, thay đổi âm sắc, tốc độ và âm lượng trong giọng nói. Lắng nghe một cách tích cực bằng cách gật đầu, mỉm cười và không ngắt lời. Hãy thoải mái nhưng không quá buông lỏng.
    • Nói cách khác, không rũ vai xuống nhưng tránh căng các cơ. Nếu thấy mình đang tập trung quá nhiều vào ngôn ngữ cơ thể, bạn hãy hướng sự tập trung của mình vào những điều người kia đang nói.
  4. Nhận biết về những chuẩn mực văn hóa. Mặc dù biểu hiện nhiệt tình qua ngôn ngữ cơ thể đem lại hiệu quả ở một số nền văn hóa, nhưng có thể lại không hiệu quả ở một số nền văn hóa khác. Những kỹ năng tốt trong giao tiếp có được từ sự hiểu biết về những quy tắc thể hiện cảm xúc. Ví dụ như ở Phần Lan việc tiếp xúc bằng mắt được xem là tín hiệu có thể tiếp cận, trong khi văn hóa Nhật Bản lại coi tiếp xúc bằng mắt lại là dấu hiệu của sự giận dữ.[3]
    • Góc nhìn toàn cầu cho thấy nhiều biểu hiện trong quy tắc giao tiếp không lời mang tính bản năng khi bạn thuộc nền văn hóa nào đó. Nếu đang giao tiếp trong một nền văn hóa khác, bạn hãy quan sát những người khác để biết ý nghĩa hành vi không lời của họ.
  5. Hiểu sự khác biệt giới tính ảnh hưởng như thế nào đến việc giao tiếp không lời. Hiểu biết về sự khác biệt giới tính sẽ giúp ích cho bạn trong việc truyền đạt và diễn giải các thông điệp không lời.[1] Nam giới và nữ giới có những biểu hiện không lời khác nhau. Nói chung, phụ nữ thường sử dụng sự tiếp xúc bằng mắt và nụ cười nhiều hơn nam giới. Phụ nữ dường như cũng cho và nhận những đụng chạm cơ thể nhiều hơn.[4]
    • Nữ giới cũng thường hay ngắt lời hơn, lắng nghe nhiều hơn và diễn giải những biểu cảm trên nét mặt chính xác hơn nam giới.[4]
  6. Điều hòa tín hiệu cảm xúc. Đây là phần quan trọng cho sự thành công trong giao tiếp. Khi cảm thấy chìm ngập trong cảm xúc, bạn cần hít một hơi sâu và tìm lại cảm giác bình tĩnh. Lưu ý bất cứ các dấu hiệu căng thẳng mà bạn đang biểu hiện ra ngoài và thả lỏng: Buông nắm tay, không nghiến răng và thư giãn các cơ khác.
    • Một nghiên cứu trong bảng xếp hạng Fortune 500 cho thấy, những người có khả năng kiềm chế cảm xúc một cách thích hợp (ví dụ như cố gắng không khóc khi bị chỉ trích) thường lấy được lòng tin của người khác.[5]

Cải thiện cách tương tác[sửa]

  1. Đặt ra các mục tiêu. Bạn có đạt được kết quả mong muốn khi nói chuyện với những người khác không? Dành thời gian suy nghĩ về cuộc tương tác gần đây của bạn. Bạn có thu được điều mà bạn muốn từ cuộc trò chuyện đó không (ví dụ bạn có sức thuyết phục không)? Bạn có cảm giác người đó có thực sự hiểu bạn không? Nếu câu trả lời là không, bạn hãy suy nghĩ về các chiến lược có thể sử dụng để đạt được kết quả mong muốn.[6] Sau đây là một số chiến lược hiệu quả:
    • Có tính thuyết phục: Tập trung vào khía cạnh lý lẽ của người kia. Ví dụ, nếu muốn bạn cùng phòng của mình đem rác ra ngoài, bạn hãy giải thích rằng cả hai bạn phải chia sẻ việc nhà như nhau, và lần trước bạn đã làm việc đó rồi. Vì vậy lần này đến lượt cô ấy đem rác đi đổ.
    • Dùng ngôn ngữ cơ thể nhiệt tình: nếu bạn nhận được phản ứng lạnh lùng khi thỉnh cầu điều gì đó, đầu tiên bạn hãy thử thiết lập mối quan hệ nồng ấm bằng ngôn ngữ cơ thể bằng cách nghiêng người ra phía trước khi nói chuyện với họ và áp dụng phương pháp lắng nghe tích cực.
    • Lắng nghe: Đừng đơn điệu trong đối thoại. Thay vào đó, bạn hãy quan sát các phản ứng của mình và lắng nghe người kia nói. Tạo khoảng lặng và ra dấu hiệu rằng bạn đang lắng nghe như “anh nói tiếp đi”, “ờ, ờ” hoặc “thật à?”
    • Khẳng định một cách có chiến lược: dùng “câu có chủ ngữ ở ngôi thứ nhất”, như “Tôi cảm thấy...”.[7] Cẩn thận không dùng quá nhiều những câu như vậy hoặc “câu có chủ ngữ ở ngôi thứ hai” như “Anh đang khiến tôi nổi điên.”[7]
  2. Dùng lối truyền đạt có hiệu quả. Dùng lối nói đơn giản, trực tiếp để đạt được điều bạn muốn thay vì dùng cách nói phức tạp và gián tiếp.[6] Nếu có thể, bạn hãy lập dàn ý và thực hành những điều sẽ nói để bày tỏ mong muốn của mình với tốc độ vừa phải và thoải mái. Sự truyền đạt hiệu quả không chỉ giúp người khác hiểu được bạn, mà còn cho phép bạn nói được nhiều ý hơn trong cùng khoảng thời gian.[1]
    • Ví dụ như bạn muốn đề nghị sếp giao thêm việc cho bạn, thay vì nói: “Này anh, nếu anh thấy đây là ý kiến hay, tôi nghĩ rằng tôi muốn có cơ hội nhận thêm trách nhiệm và các công việc ở công ty”, bạn hãy nói: “Tôi hy vọng được nhận thêm nhiệm vụ nếu anh thấy phù hợp”.
  3. Cho người kia cơ hội để nói. Mọi người đều muốn đóng góp ngang bằng vào cuộc trò chuyện.[1] Để người kia nói nghĩa là bạn cố gắng thoải mái với những khoảng im lặng, nhưng không để kéo dài quá vài giây.[1] Khả năng tập trung vào người đối thoại trong khi trò chuyện khiến người đang giao tiếp dường như có sức thuyết phục hơn.[8]
    • Ví dụ, bạn thử chú ý thời lượng nói của bạn trong cuộc trò chuyện là bao lâu. Câu chuyện của bạn có kéo dài lắm không? Tóm tắt câu chuyện của mình và dừng lại để ra hiệu đến lượt người kia nói.
  4. Biết những điều làm nên cuộc giao tiếp tốt. Nói chung, có năm nguyên tắc biểu hiện cho việc truyền đạt có hiệu quả: cung cấp thông tin, có tính liên quan, tính trung thực, sự lịch thiệp và tính khiêm nhường.[9] Khi nghe bạn nói, người ta thường chờ đợi lời nói của bạn phải:
    • cung cấp thông tin mà họ không biết
    • có tính liên quan và gây chú ý cho mọi người trong cuộc
    • trung thực (trừ khi bạn dùng lối châm biếm và mỉa mai)
    • tuân theo phép lịch sự, chẳng hạn như dùng những từ ngữ như “làm ơn” hoặc “cảm ơn"
    • tránh khoe khoang khoác lác hoặc coi mình là trung tâm

Điều khiển cảm giác của người khác về bạn[sửa]

  1. Tìm ra điểm chung. Điều này có thể giúp bạn và người cùng trò chuyện đạt đến mục đích của bạn.[10] Tìm ra những tính chất cả hai cùng có và xây dựng các hiểu biết chung. Ví dụ, dù bất đồng về việc chọn nhà hàng, nhưng cả hai đồng ý rằng mình đang đói, vậy thì bạn nên tập trung vào việc cả hai cùng đói để đi đến quyết định.
    • Nếu nhận thấy người kia phải vất vả để hiểu hoặc miễn cưỡng chấp nhận điểm chung giữa hai bên, bạn hãy tạm dừng cuộc đối thoại và quay lại sau. Ví dụ, bạn có thể nói, “cậu và tớ đều đang đói, vậy thì tại sao không để lần này tớ chọn nhà hàng, và lần sau đến lượt cậu chọn?”
  2. Không phỏng đoán hoặc đưa ra giả định. Tốt nhất là bạn phải hoàn toàn trực tiếp và rõ ràng khi giao tiếp với người khác.[1] Việc phỏng đoán hoặc giả định có thể dẫn đến hiểu lầm và gây căng thẳng trong các mối quan hệ.[6] Ví dụ, tưởng tượng bạn đang nói chuyện với một người lớn tuổi và bà hỏi lại điều bạn vừa nói. Bạn đừng cho rằng bà lãng tai do đã già nên chỉ đơn giản lặp lại bằng cách nói to hơn.
    • Nếu bối cảnh không rõ ràng, bạn hãy cố gắng đoán nhu cầu của người kia trước khi tiếp tục nói. Bạn có thể nói, “Xin lỗi, tôi nói như vậy có nhỏ quá không ạ?”
  3. Không ép buộc cuộc đối thoại. Không ai muốn có cảm giác mình không có quyền lựa chọn. Nếu bạn cảm thấy như mình đang dùng “vũ lực” trong cuộc đối thoại, hoặc đang cố ép người kia làm điều bạn muốn bằng cách thô bạo, bạn hãy xem xét lại chiến lược của mình. Cố gắng đạt được mục đích bằng sự thuyết phục và truyền đạt trực tiếp. Bằng cách tiếp cận này, bạn có thể giữ gìn mối quan hệ lâu dài và sẽ thành công hơn về tổng thể.
    • Ví dụ, tưởng tượng bạn muốn đi du lịch dài ngày bằng xe hơi với một người bạn, nhưng người bạn đó lại phải cấp cứu thú cưng của cô ấy đúng vào ngày lên đường nên không đi được. Thay vì làm cho cô bạn cảm thấy day dứt vì đã bỏ lỡ chuyến đi, bạn nên nói rằng bạn rất tiếc và ngỏ ý giúp đỡ. Tỏ ra thông cảm với hoàn cảnh của cô ấy.

Lời khuyên[sửa]

  • Không phải tất cả các câu có chủ ngữ là “tôi” đều dễ được chấp nhận trong cuộc đối thoại. Các nghiên cứu đã cho thấy những câu như vậy có thể được coi là thù địch nếu đi kèm với những tuyên bố giận dữ như “Tôi đang tức giận đây”.[7]
  • Bạn có thể diễn đạt sự buồn phiền thay vì giận dữ với những câu có chủ ngữ là “tôi”, như “tôi cảm thấy thật thất vọng” hoặc “tôi đang rối trí”, vì những câu như vậy có thể kêu gọi sự hợp tác từ người kia.[7]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 1,2 1,3 1,4 1,5 1,6 1,7 Greene, J. O., & Burleson, B. R. (Eds.). (2003). Handbook of communication and social interaction skills. Psychology Press.
  2. Ekman, P., & Friesen, W. V. (1969). Nonverbal leakage and clues to deception.Psychiatry, 32(1), 88-106.
  3. Akechi H, Senju A, Uibo H, Kikuchi Y, Hasegawa T, et al. (2013). Attention to Eye Contact in the West and East: Autonomic Responses and Evaluative Ratings. PLoS ONE 8(3): e59312.
  4. 4,0 4,1 Hall, J. A., Carter, J. D., & Horgan, T. G. (2000). Gender differences in nonverbal communication of emotion. Gender and emotion: Social psychological perspectives, 97-117.
  5. Goleman, D. (1998). Working with emotional intelligence. Bantam.
  6. 6,0 6,1 6,2 Berger, C. R. (1997). Planning strategic interaction. Lawrence Erlbaum Associates.
  7. 7,0 7,1 7,2 7,3 Kubany, E. S., Bauer, G. B., Muraoka, M. Y., Richard, D. C., & Read, P. (1995). Impact of labeled anger and blame in intimate relationships. Journal of social and clinical psychology, 14(1), 53-60.
  8. Rubin, R. B., & Martin, M. M. (1994). Development of a measure of interpersonal communication competence. Communication Research Reports,11(1), 33-44.Rubin, R. B., & Martin, M. M. (1994). Development of a measure of interpersonal communication competence. Communication Research Reports,11(1), 33-44.
  9. Grice, H. P., Cole, P., & Morgan, J. L. (1975). Syntax and semantics. Logic and conversation, 3, 41-58.
  10. Clark, H. H. (1994). Discourse in production.

Liên kết đến đây