Phương pháp luận

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Có 2 phương pháp xây dựng lý thuyết cổ điển. Diễn dịch của Rene Descartes và quy nạp của Francis Bacon.

Diễn dịch của Rene Descartes (1596-1650)[sửa]

Rene Descartes (1596-1650)

Ta hẳn biết triết học và toán học hiện đại khởi đầu bằng công trình của Rene Descartes. Phương pháp phân tích về suy luận tập trung vào vấn đề nhận thức luận (epistemology, nghĩa là chúng ta biết như thế nào), vốn là mối ưu tư của các triết gia từ đó. Descartes đã theo học ở trường nổi tiếng Jesuit of La Fleche, đã thụ huấn về triết, khoa học và toán. Ông có một chứng chỉ luật và sau đó tình nguyện gia nhập quân đội để có phương tiện cũng như cơ hội nới rộng kinh nghiệm. Khi nghĩa vụ quân sự cho phép, ông tiếp tục nghiên cứu về toán và khoa học. Rốt cuộc, ông không hài lòng với những phương pháp không hệ thống dùng bởi các giới chức tiền nhiệm trong khoa học, bởi ông kết luận: chúng không sản xuất được bất kỳ điều gì mà không gây tranh cãi và kế tiếp là nghi hoặc, ngoại trừ trong lãnh vực toán học mà ông tin đã được xây dựng trên một nền tảng vững chắc. Mặt khác, khoa học thời Trung Cổ, phần lớn đặt căn bản trên các tín điều của các khoa học gia trong quá khứ hơn là sự khảo sát trong hiện tại. Vì thế Descartes quyết định phát động một phương án nghiên cứu riêng cá nhân. Nhưng theo ông, ngay cả sự quan sát cá nhân trong cuốn sách Thiên Nhiên cũng không đủ vượt qua sự nghi hoặc bởi vì sự quan ngại của ông về "sự lừa gạt của giác quan". Sau khi nhận xét tất cả các phương pháp điều tra cũ mới hiện có, Descartes quyết định rằng phải có một phương thức tốt hơn, và trong bài thuyết trình về phương pháp (Discourse on Method ), ông viết, "Cuối cùng tôi quyết định nghiên cứu tự mình tôi, và chọn con đường đúng".

Descartes tỏ nguyện vọng tái thiết một hệ thống chân lý mới đặt nền tảng trên một nguyên lý bất khả phản bác, giống như điểm tựa của Archimedes, cho phép ông "dời trái đất ra khỏi quỹ đạo của nó và đặt nó trong một quỹ đạo khác". Các bạn còn nhớ câu : "hãy cho tôi một điểm tựa, tôi có thể nâng quả đất" không? Nguyên lý đầu tiên ông cảm thấy hiển nhiên được tóm gọn trong phát biểu : Cogito ergo sum (I think therefore I am). Descartes tin rằng từ đấy, ông ta có thể dùng phương pháp lý luận mới xây dựng trên nguyên lý đầu tiên này, cuối cùng dẫn đến sự thống nhất mọi kiến thức. Phương pháp của Descartes đặt trên những quy tắc sau :

1- Quy tắc đầu tiên là không bao giờ chấp nhận bất cứ cái gì là đúng trừ phi tôi nhận ra một cách tỏ tường những điều này : cẩn thận tránh sự vội vã và tiên kiến (đánh giá quá sớm), và không kết luận điều gì trừ khi nó tự hiển thị rõ ràng, minh bạch trong đầu tôi rằng không còn một mảy may ngờ vực nào nữa.

2- Quy tắc thứ hai là chia sự khó khăn thành nhiều phần càng nhỏ càng tốt, và vì nhỏ, đáp án dễ tìm hơn.

3- Thứ ba là suy nghĩ trong một cung cách thứ tự, bắt đầu với những sự việc dễ và đơn giản nhất và từ từ tiến sâu vào những nan đề phức tạp hơn, coi như các tài liệu theo thứ tự không nhất thiết phải thế.

4- Cuối cùng là hoàn chỉnh các liệt kê, tổng quát các ghi chép sao cho không còn gì bỏ sót.

Tóm lại, phương pháp của ông đòi hỏi (1) chấp nhận là đúng chỉ khi ý tưởng ấy rõ ràng, không thể ngờ vực, (2)chia vấn đề thành nhiều phần nhỏ, (3)đúc kết, rút tỉa kết luận từ kết luận khác và (4) thực hiện một tổng hợp có hệ thống của toàn vấn đề. Descartes đặt toàn thể phương thức triết lý về khoa học của ông trên phương pháp lý luận diễn dịch.

Descartes đã rất lạc quan về kế hoạch tái thiết một thực thể tri thức mới đáng tin cậy. Ông ta còn băn khoăn nếu trong "mọi sự có thể hiểu được với con người", có thể không là một ứng dụng thích hợp phương pháp của ông mà "không thể có bất cứ những mệnh đề quá khó hiểu đến nỗi không thể chứng minh hoặc quá tối nghĩa mà chúng ta không thể khám phá".

Phạm vi tổng quát rõ rệt của Descartes có thể dẫn đưa đến kết luận rằng khoa học về nhận thức của ông (epistemology) đòi hỏi sự bác bỏ mọi thẩm quyền kiến thức, kể cả thánh kinh. Về dữ kiện, ông tự xem ông là một tín đồ Công giáo và để tôn trọng "chân lý mặc khải" (truths of revelation), ông bày tỏ :" Tôi không dám đặt những chân lý này vào những nhược điểm lý luận của tôi."

Rốt cục vì đức tin tôn giáo mà ông tự giam hãm trong cái vỏ kén của sự tự xét mình. Tuy nhiên, Descartes đã gieo trồng những hạt mầm chống đối quan điểm duy thần của thế giới để cho phép con người lệ thuộc vào chính lý trí mình chứ không phải lệ thuộc vào thần linh như xưa. Phần còn lại cho những nhà nhân bản chủ nghĩa theo đuổi để dành một chủ nghĩa duy lý toàn diện như phương tiện chính thiết lập chân lý.

Quy nạp của Francis Bacon (1561-1626)[sửa]

Francis Bacon (1561-1626)

Francis Bacon được gọi là vị tiên tri chính của cuộc cách mạng khoa học. Mới 12 tuổi, Francis Bacon theo học ở trường đại học Ba Ngôi (Trinity College, Cambridge), sau đó tốt nghiệp luật và cuối cùng được phép vào các tiệm bán rượu (1582, như thế, ông thành tài trước 21 tuổi). Ra trường, ông hoạt động chính trị với hy vọng nó giúp ông thực hiện những ý tưởng về sự tiến bộ khoa học. Khoảng thời gian ấy, ông được bầu làm dân biểu, phong chức hiệp sĩ (một đẳng cấp quý phái trong xã hội hơn là một chức vị), nắm giữ chưởng lý và tước vị Baron Verulam, Viscount St. Albans. Ông nổi tiếng là phát ngôn viên cho quốc hội Anh và như một chuyên gia luật Anh quốc cho vài vụ án nổi tiếng thời đó. Với tư cách một triết gia xuất chúng, Bacon động viên chính mình viết về những lĩnh vực sâu xa như khoa học và luật dân sự trong cuộc tranh đấu chống lại những lề luật xưa cũ của kinh điển chủ nghĩa (scholasticism) với sự lệ thuộc một cách nô dịch vào những điều nhà chức trách chấp nhận.

Ông biện hộ cho quan điểm rằng :"bất kỳ điều gì trí tuệ nhận thức và tin tưởng với mãn nguyện xưa nay đều được đánh giá là khả nghi". Sự đam mê vào viễn ảnh sự tiến bộ của triết lý thiên nhiên mọc rễ trong niềm tin của ông rằng khoa học lệ thuộc vào tiến bộ kỹ thuật và cũng là nhân tố chính của tiến bộ kỹ thuật. Hầu hết công trình triết lý của ông được áp dụng vào the Novum Organum, cuốn sách nói về suy luận theo phương pháp quy nạp dùng cắt nghĩa thiên nhiên.

Bacon phê phán rất gay gắt những kẻ kinh điển chủ nghĩa chỉ muốn nhảy từ một vài khảo sát tiểu tiết sang những định lý xa vời, rồi thì loại suy những định lý ấy qua chứng minh tam đoạn luận .(Nói dễ hiểu hơn là chỉ cần quan sát sơ sơ rồi hấp tấp kết luận). Ông cũng bày tỏ mối bi quan của những người thuộc học phái kinh nghiệm chủ nghĩa, lầm lạc với những thí nghiệm bất cần tham khảo những hiện tượng liên hệ, vì chúng đã bị coi như vô lý trong sự tổng hợp của họ. Theo Bacon, có 4 phạm trù (nôm na thể loại) về tri thức sai, hay Quan niệm sai lạc (Idols), gọi theo cách của ông, đã chiếm ngự trong đầu óc con người thời đó . Bốn quan niệm sai lạc kiểu đó là :

1- Sai lầm bộ tộc (Idols of the tribe)[sửa]

Là niềm tin sai lầm trong đầu óc con người. Chúng ta có khuynh hướng phóng đại, xuyên tạc và thiên vị. Khi chúng ta nhìn ngắm bầu trời, chúng ta không dừng lại ở chỗ ghi nhận trung thực cái gì đã mục kích. Chúng ta đem ý kiến riêng, thêm thắt vô số những bản chất tưởng tượng vào các thiên thể. Lâu dần những tưởng tượng này trở nên có uy tín và lẫn lộn với các sự kiện khoa học cho đến khi thực giả quyện thành một khối không thể tách rời. Gọi là bộ tộc vì chúng nằm sâu trong bản chất con người. Ví dụ thuyết địa cầu là trung tâm vũ trụ phát sinh từ những hạn chế của hiểu biết nhân loại. Vì tất cả nhận thức chúng ta, cả cảm giác và trí tuệ là những phản ảnh con người, không phải vũ trụ, quan niệm sai lạc kiểu bộ tộc bắt rễ trong sự bất toàn thiên bẩm của con người.

2- Sai lầm hang động (Idols of the cave)[sửa]

Cắt nghĩa chủ quan vì bịa đặt cá nhân hay khuynh hướng cá nhân. Ví dụ khái niệm Thế giới quan từ trường của Gilbert. Ông cho rằng từ lực là linh hồn của trái đất. Xin tìm Gilbert's "magnetic world view." trong http://chem.ch.huji.ac.il/~eugeniik/history/gilbert.html để đọc thêm. Trí tuệ con người giống như một hang động. Tư tưởng của mỗi cá nhân lần mò trong hang thẳm và được sửa đổi bởi tính khí, giáo dục, thói quen, môi trường và may rủi. Vì vậy, một người dốc tâm nghiên cứu vấn đề nào đó nô lệ vào chính sự quan tâm của ông ta và chuyển dịch mọi hiểu biết khác theo công trình nghiên cứu của mình. Nhà hóa học cho rằng hóa học là chủ chốt mọi sự, nhà vật lý cho rằng vật chất là tất cả.

3- Sai lầm mậu dịch (Idols of the market-place)[sửa]

Trở ngại ngôn ngữ và sự lẫn lộn giữa ngôn từ và thuật ngữ. Ví dụ vấn đề định nghĩa các từ lại lệ thuộc vào chính các từ. Ta không thể định nghĩa chữ bằng cách dùng chữ cũng như không thể lấy thước đo sự chính xác của thước khác hay dùng một quả cân để nghiệm nặng nhẹ quả cân khác. Con người uốn nắn tư tưởng thành ngôn ngữ để tiện trao đổi nhưng ngôn ngữ thường thay thế tư tưởng và con người nghĩ rằng họ thắng thế trong một tranh luận vì họ nói hay nói giỏi hơn đối phương. Ảnh hưởng của sự vận dụng ngôn ngữ bất cần lưu ý đến ý nghĩa xác thực của nó chỉ bóp méo sự hiểu biết và nảy sinh sai lạc. Ngôn ngữ thường phản bội mục đích của nó, làm lu mờ tư tưởng nó được dùng để diễn tả.

4- Sai lầm kịch nghệ (Idols of the theatre)[sửa]

Những giáo điều triết lý được nhận thức từ những quy luật chứng minh sai. Nó liên quan đến kết quả phương pháp lý luận tam đoạn luận của Aristote. Chúng rất nguy hiểm vì tính hoang đường và hoàn toàn không thể kiểm chứng. Chúng gồm ngụy biện, duy nghiệm và mê tín dị đoan trong lãnh vực lý thuyết, triết lý và khoa học.Khi triết lý sai lầm được khai thác và đạt được uy tín trong thế giới của các nhà trí thức, con người sẽ không dám ngờ vực nữa. Vì triết lý trực tiếp kế thừa một tiến trình cá biệt và con đường của đời sống, và cả 2 thành phần này được lãnh hội qua học hỏi, không phải bẩm sinh. Vì thế, quan niệm sai lạc kiểu kịch nghệ dùng để chỉ sự việc không thể lý luận, không thể hiểu thấu. The Phaedo của Plato là một thí dụ. Đề mục là vấn đề linh hồn sau khi chết. Vì không ai chết đi, sống lại để kể lại cuộc du hành của linh hồn, Plato bắt đầu cắt nghĩa bằng nhận thức của mình. Tuy nhiên, sự hiểu thấu và lý luận của ông bị giới hạn rằng cho đến lúc ông ta kể câu chuyện của ông, ông chưa hề chết. Vì vậy The Phaedo là một quan niệm sai lạc kiểu sân khấu kịch nghệ vì cái được diễn giải là hoang đường và đòi hỏi một niềm tin mãnh liệt để có thể tin được.

Trái với những quan niệm sai lạc kiểu trên (xin hiểu quan niệm sai lạc theo ông là nhược điểm trong suy luận con người) Bacon nói rằng một khoa học đích thực tiến hóa trong những bậc thang đi lên và bằng những nấc thang kế nhau không gián đoạn hay hư gẫy, chúng ta tiến từ những hiện tượng riêng biệt đến những định lý sơ khởi và rồi những định lý trung gian, cái này bao gồm những cái trước, và cuối cùng hình thành cái định luật quán triệt tất cả. Tóm lại, phương pháp của ông yêu cầu:

(1) Thu thập những quan sát riêng biệt (những hiện tượng đơn lẻ thuộc kinh nghiệm).

(2) Bằng quy nạp, suy ra những định lý sơ khởi.

(3) Cuối cùng đề xuất những ý tưởng quán triệt nhất, theo từng bước tiệm tiến.

Nếu chúng ta đọc ý nghĩa hiện đại thành ngôn ngữ Bacon dùng, chúng ta có thể thấy một điềm báo của ý tưởng một giả thuyết trong từ "định lý sơ khởi". Định lý sơ khởi chính là giả thuyết vậy. Xin đừng trách Bacon, thời đó chữ nghĩa cầu kỳ khó hiểu lắm. Sự kiện này giúp phương pháp của ông thích hợp với khái niệm đã trưởng thành của khoa học ngày nay, tuy nhiên, ngữ cảnh (context) chỉ rõ rằng ý tưởng của ông vẫn chưa được phát triển toàn diện. Bacon cũng lý giải rằng phương pháp quy nạp này "phải được áp dụng không những trong việc khám phá các định lý mà còn ngay cả trong việc đúc kết thành định luật cuối cùng nữa", có lẽ phù hợp với khái niệm của một hệ khuôn thước, nhưng một lần nữa, nó có thể văn bản hóa. Trong cả 2 trường hợp, rõ ràng quan điểm của Bacon về phương pháp khoa học là tiệm tiến và tích trữ dữ kiện khảo sát.

Sự chấp hành táo bạo kinh nghiệm chủ nghĩa của Bacon có thể ám chỉ trong vài trường hợp ông không chấp nhận bất kỳ kiến thức nào không được nhận ra từ sự quan sát cá nhân. Điều này là một sự hiểu lầm hẹp hòi quan điểm triết lý thiên nhiên của Bacon, lĩnh vực ông cho rằng là một nô tỳ trung thành nhất của tôn giáo.

Bacon thực sự thấy phương pháp mới của ông về lãnh hội kiến thức là một thể hiện sự linh ứng lời tiên tri trong Thánh Kinh về ngày tận thế " Sẽ có nhiều người đến và đi và kiến thức sẽ tăng thêm". Thêm vào đó, ông thấy sự tiến bộ khoa học kỹ thuật chính là sự phục hồi sứ mệnh thống trị . Ông viết :"Loài người ngã xuống từ sự vô tội cùng một lượt với sự thống trị của mình trước đấng sáng tạo. Cả hai sự mất mát này có thể được sửa chữa một phần trong cõi tạm; sự sạch tội thì bằng tôn giáo và đức tin, sự thống trị thế giới bằng nghệ thuật và khoa học". Tuy thế, có lý do tin rằng quan điểm của Bacon sẽ gây quan ngại cho các nhà nhân loại bản chủ nghĩa, vì ông tin rằng phương pháp quy nạp "sẽ đẩy lùi cái hạn chế của quyền năng và sự vĩ đại của con người", và một ngày nào đó sẽ "nắm tất cả". Với những người ủng hộ quan điểm thế giới khoa học, sự dự đoán này được công bố là đã linh nghiệm.

Nói thêm về sai lầm thuộc về nhân tính của Bacon[sửa]

Meta định chấm dứt phần Bacon tại đây nhưng khi đọc lại, Meta thấy chưa được rõ ràng lắm. Xin mổ xẻ thêm về 4 sai lầm nhân tính của Bacon.

1- Sai lầm bộ tộc[sửa]

nói rằng chúng ta thu nhận thông tin bên ngoài bằng giác quan như nhìn, ngửi, nếm, nghe ...và lý học tác động lên giác quan ảnh hưởng đến nhận thức của chúng ta. Nó cũng ngụ ý rằng bản chất vật chất của chúng ta tác động nhiều vào cách chúng ta thu nhận thông tin hơn là chúng ta thường biết.

Ví dụ, vì chiều cao giới hạn của chúng ta, vị trí của chân trời tuỳ theo cái nhìn của chúng ta. Tấm hình trái là cái nhìn của người lùn, tấm hình bên phải là cái nhìn của người cao.

Nói cách khác, chiều cao của chúng ta làm cho chúng ta đọc (hay nhìn) thông tin thành hình ảnh. Trong thực tại, hình ảnh chỉ là những đơn vị màu trên máy vi tính nhưng chúng ta "dịch" sự khác biệt giữa những tấm hình để biểu trưng cho một thay đổi vị trí người xem trong không gian.

Một sai lầm bộ tộc khác nữa thường sơ xuất là nhận thức về thời gian của con người. Bởi vì chúng ta là những sinh vật nhìn dòng thời gian như một tiến trình liên tục chảy về tương lai, sự hiểu biết về vũ trụ của chúng ta có lẽ bị sai lệch.. Dù thế, nhiều nhà bác học quả quyết rằng có vài phương án hợp lý đối với sự hiểu biết thông thường của chúng ta về thời gian, chúng ta vẫn khó tạo khái niệm bất cứ cái gì bên ngoài bản chất của chúng ta - Chúng ta không thể mường tượng được một vũ trụ có 2 chiều thời gian, nơi con người chỉ việc quay đầu đi ngược về quá khứ. Sai lầm bộ tộc đóng vai trò gì trong sự trao đổi thông tin của chúng ta? (Xin hiểu là sự học và sự dạy học.) Có phải chúng ta bị ép buộc để lãnh hội thông tin và thiết lập sự hiểu biết theo một tiến trình liên tục theo thời gian? Rất khó trả lời vì chúng ta không có cái thời gian đa chiều để so sánh. Với vị trí nhìn và đường chân trời, chúng ta có thể chứng nghiệm lý thuyết bằng cách leo lên một tòa nhà cao nhìn ra cửa sổ, tức là tách ra khỏi cái nhìn thông thường để có cái nhình khách quan hơn, nhưng chúng ta không thể tách mình ra khỏi dòng thời gian để quan sát hiện tại. Hồ Chí Minh có thể là một vị thánh trong thời đại chúng ta nhưng nếu chúng ta có thể tách mình khỏi dòng thời gian, Hồ Chí Minh cũng chỉ là một con người bình thường hoặc kém hơn con người bình thường.

Thêm vào cái khiếm khuyết thể chất của chúng ta, Bacon cũng gồm luôn cái bản chất tinh thần vào sai lầm bộ tộc. Dù có nhiều ý kiến khác nhau về bản chất tinh thần là gì, bất kể cái hiểu biết cá biệt của những người không hề nói dối, ai cũng nhìn nhận rằng bản chất tinh thần góp phần vào việc "tô màu" cái nhận thức của mình khi nhìn vào thế giới quanh ta và nó sẽ ảnh hưởng đến sự cắt nghĩa bất cứ sự trao đổi thông tin nào mình tham dự vào. Nhắc lại sự trao đổi thông tin đây là sự học và dạy học.

Các nhà khoa học về nhận thức học và ký hiệu ngôn ngữ học(semiologist) ngày nay cũng quan tâm đến sai lầm bộ tộc của Bacon. Khi chúng ta thường nghĩ các quan sát cận đại của chúng ta về thiên nhiên là tân kỳ, là "vô tiền khoáng hậu", 400 năm trước Bacon quan ngại về ảnh hưởng của sinh lý và sự diễn giải cá biệt của mỗi người.

2- Sai lầm hang động[sửa]

đề cập đến vấn đề diễn giải cá biệt của mỗi con người. Bacon liệt kê những sai lầm như những sự việc chúng ta đọc, kinh nghiệm chúng ta từng trải, và phẩm tính của mỗi cá nhân. Đọc ngụ ngôn cái hang động của Plato, Bacon ám chỉ rằng nhận thức của chúng ta về thế giới chỉ là những cái bóng của thực tại, không phải vì chúng ta không thể thấy vật đang tỏa bóng nhưng bởi vì tư tưởng và kinh nghiệm của chúng ta như những bộ phận lọc bên trong làm mờ mịt thực tại. Nói cách khác, chúng ta chính là cái hang của chúng ta. Một thí dụ về điều này là chữ bacon. Chữ bacon ai cũng biết vì chúng ta ăn thịt ba chỉ mỗi ngày (bacon = thịt ba chỉ), nhưng trừ phi chúng ta đọc những sách Anh ngữ thời Phục Hưng hay đọc nhiều sách về triết lý cổ, chúng ta nghĩ đến việc thịt ba chỉ cuốn bánh tráng, rau sống hơn là một triết gia sống vào thế kỷ 17. Cái sai lầm này là tại kinh nghiệm, một trong những nguyên nhân sai lầm trong phương pháp luận Bacon.

3- Sai lầm mậu dịch[sửa]

là sai lầm về ngữ nghĩa học hay ký hiệu ngôn ngữ học. Bacon liệt kê cái sai lầm thứ ba này là những chữ chúng ta trao đổi với nhau và cảnh giác sức ảnh hưởng của nó đến hiểu biết của chúng ta. Một thí dụ về điều này là những thuật ngữ dùng xác định nơi chốn khi Meta viết bài này. Nếu Meta nói rằng Meta viết trên bàn, hình ảnh cái bàn hiển hiện trong đầu óc các bạn. Nhưng nếu Meta nói Meta viết ở nơi làm việc, các bạn có lẽ có một hình ảnh khác. Trường hợp này, cái đồ vật Meta đặt vi tính và cốc cà phê không thay đổi một ly ông cụ nào, nhưng nhận thức về sự việc trong đầu óc các bạn thay đổi chỉ vì Meta dùng chữ khác nhau.

Một thí dụ nữa về chính trị có thể thấy trong thời đại của chúng ta khi người ta thay đổi tên gọi chủ nghĩa tư bản thành Kinh tế thị trường định hướng XHCN, với hy vọng tên gọi khác đi sẽ gợi hình ảnh sự việc khác đi. Thực ra, Kinh tế thị trường định hướng XHCN vẫn chính là tư bản chủ nghĩa, chẳng gì khác, chỉ khác tên gọi. Người ta tránh dùng chữ tư bản vì nó gián tiếp tố cáo cái chủ nghĩa Cộng Sản non một thế kỷ theo đuổi và tôn sùng là một thất bại hoàn toàn. (Xin đừng cho rằng Meta nói chính trị vì thực ra chính trị chi phối mọi sự trong đời sống, không nói không thể viết bài được.) Một thí dụ rõ rệt khác cũng về chính trị khi chúng ta đổi mới. Chữ đổi mới khiến chúng ta liên tưởng đến cái xấu xa tồi tệ của thời kỳ chưa đổi mới. Nó xấu đến độ chúng ta phải thay đổi. Đồng thời nó gây ảo tưởng cái mới tốt hơn cái cũ. Thực ra, nếu so sánh thời kỳ cũ và thời kỳ đổi mới, chưa chắc cái nào tốt hơn cái nào. Ngày nay, chúng ta no đủ hơn trước nhưng bù lại, cái phẩm giá phụ nữ, phẩm giá con người ngày càng kém đi.

4- Sai lầm kịch nghệ[sửa]

là sai lầm thứ tư theo Bacon. Đây là sai lầm về giáo điều triết lý. Nói đến thuật ngữ Bacon khó hiểu hơn là dùng thuật ngữ hiện đại. Meta gọi là sai lầm của hệ tư duy (models hay paradigms)

Dù Bacon nhắm vào tư tưởng Aristote và những triết gia khác khi đả kích sai lầm kịch nghệ, một ví dụ điển hình cái tư duy ảnh hưởng đến nhận thức của chúng ta trong công trình của Sigmund Freud. Theo Freud, cá tính của chúng ta gồm 3 phần. Dục Vọng, Bản Ngã và Siêu Ngã. Ý tưởng này phổ biến trong xã hội cho đến nỗi sách hoạt hình của trẻ con cũng có nhân vật Ác (Dục Vọng), nhân vật Thiện (Siêu Ngã) đứng trên 2 vai của nhân vật chính (Bản Ngã). Khi nhân vật chính đối diện với 1 quyết định, Thiện và Ác ra sức tranh giành ảnh hưởng để xúi bẩy, thúc đẩy nhân vật chính hành động. Bởi vì hệ tư duy này quá phổ biến, chúng ta thường nhận xét thế giới qua kiểu mẫu này.

Chẳng hạn, ta thường cho rằng cái Thiện luôn thắng cái Ác nhưng trong thực tế, cái ác thường thắng cái thiện vì nó vận dụng toàn lực để thắng trong khi cái Thiện bị cản trở bởi đạo đức. Trường hợp Nguyễn Việt Tiến là một thí dụ. Ông ta và phe nhóm ông ta thắng vì không đếm xỉa đến dư luận và nguyên tắc đạo đức. Thiện Ác đáo đầu chung hữu báo. Các bạn tự an ủi rốt cuộc Thiện cũng thắng. Sai lầm nốt. Thiện chỉ có thể thắng ác một khi Thiện hội đủ yếu tố Thời và Thế, bằng không muôn đời Thiện bị khống chế.

Bốn sai lầm trên hạn chế cái nhận thức của chúng ta về thế giới quanh ta. Nhận ra nó chúng ta có thể tháo gỡ gông xiềng thuộc về bản chất con người để đánh giá sự phán đoán và nhận thức của chúng ta. Ngoài ra, nó trang bị cho chúng ta một quan điểm khách quan hơn trên mọi lãnh vực. Điểm bất lợi là nếu thiếu cẩn thận, chúng ta luẩn quẩn trong một chuỗi dài vô tận tự phân tích, tự giải đoán ý tưởng của chúng ta tới mức chúng ta mất hẳn tự tin, và bắt đầu thấy rằng không thể hiểu biết được bất cứ chuyện gì trên đời.

Xin chuyển sang phân tích dị đồng trong phương pháp luận của Bacon và Descartes.

Dị đồng trong phương pháp luận của Descartes và Bacon[sửa]

Sự khác biệt giữa Descartes và Bacon rất nhiều và sâu xa, nhưng cũng có nhiều điểm giống nhau. Mỗi vị tiền phong này rao truyền sự phế bỏ mọi phương pháp cổ truyền và mọi kết quả của các công trình nghiên cứu trước. Cả hai đòi hỏi một tiêu chuẩn chính xác mới vì có quá nhiều thí dụ về lý luận tuỳ tiện và quan sát chủ quan trên con đường khoa học trong quá khứ.

Cũng có một niềm tin chung giữa 2 vị là mối hoài nghi về "sự dối gạt của giác quan". Thêm vào đó, họ tin vào sự lược giảm những vấn đề thành những thành phần nhỏ nhất, đơn giản nhất như một nguyên tắc tổng quát. Descartes và Bacon mỗi người tự thấy mình chủ yếu trong vai trò hiển dương khoa học và do đó họ đóng góp rất ít vào bất cứ lãnh vực riêng biệt nào đó trong khoa học thực nghiệm. Cuối cùng, cả hai đều là những thiên tài thăng tiến các lãnh vực của khoa học mà sau đó trở nên điều kiện phải có để tiến bộ.

Khác biệt rõ ràng nhất trong phương pháp luận của Descartes và Bacon liên hệ đến quá trình lý luận. Descartes bắt đầu với những nguyên lý rút ra bằng trực giác làm tiền đề trong phương pháp luận diễn dịch chuẩn, nhưng Bacon bắt đầu bằng quan sát duy nghiệm, áp dụng quy nạp pháp suy luận ra những định lý cao hơn. Phương pháp của Descartes là phương thức từ trên đi xuống, còn Bacon là từ dưới đi ngược lên . Sự khác biệt này rõ rệt đến nỗi có những lúc Bacon chỉ trích nặng nề phương pháp của Descartes là thí dụ điển hình cho những gì sai lầm trong khoa học. (Hehehe dĩ nhiên Bacon không tố cáo Descartes phản cuốc, phản xẻng như Việt Cộng). Một khác biệt cốt yếu trong học trình của 2 người là Descartes am hiểu một cách quán triệt về toán học và Bacon thì không chuyên về toán. Descartes được ghi nhận về những thành công trong đại số và hình học và Bacon thì ít đề cập về toán vì ông chuyên môn về luật.

Học trình có thể giải thích những tương tự trong phương pháp của Descartes luôn song song với chứng minh toán học. Riêng Bacon, sự quan sát duy nghiệm trong khoa học có thể tương ứng với "nhân chứng" cần có để chuẩn bị cho một vụ án vì ông là một luật gia. Dựa vào học trình của Descartes, nó có vẻ rõ rệt rằng cái méo mó nghề nghiệp của ông có thể thấy trong các nhà toán học, ông nói :"các toán học gia đã có thể tìm ra vài chứng minh, vài vài lý do chắc chắn và minh bạch", vì vậy, ông quyết định "bắt đầu với những gì họ đã làm". Dù sự nghiệp xuất chúng của Bacon, ông ta đã thực sự rất thực dụng chủ nghĩa trong việc theo đuổi một mẫu mã tìm thấy trong cơ khí học. Nghệ thuật cơ học đặt nền tảng trên thiên nhiên và ánh sáng của kinh nghiệm.

Vì sự quan sát này ông đã bị ấn tượng sâu xa về sự khám phá ngành in ấn, thuốc súng và từ lực. Trong quan điểm "không đế quốc, giáo phái hay thiên thể nào có vẻ áp đặt quyền lực và ảnh hưởng trong công việc của con người hơn những khám phá cơ học này". Một lưu ý quan trọng là dù phương pháp của Bacon và Descartes khác nhau, khi các mẫu mã của họ được tổng hợp thành một, chúng ta có một sự đoán trước về toán học thực nghiệm hiện đại. Hiện nay, ta có thể thấy khi gộp chúng lại với nhau, phương pháp của Rene Descartes và Francis Bacon là phôi thai của phương pháp khoa học hiện đại.

Phương pháp tổng hợp[sửa]

Hoài nghi là một phần không thể thiếu của khoa học, được xác định là một bộ phương pháp mô tả, diễn dịch những hiện tượng quan sát hay ước tính, quá khứ hay hiện tại và nhằm xây dựng một vật thể kiến thức có thể thử nghiệm được để bác bỏ hay khẳng định nó. Nói cách khác, khoa học là một cách thức cá biệt dùng để phân tích thông tin với mục đích trắc nghiệm các lý thuyết. Định nghĩa phương pháp khoa học không đơn giản như ta tưởng. Triết gia khoa học chiếm giải Nobel, Sir Peter Medawar nhận xét: Hỏi một khoa học gia ông dùng phương pháp gì trong công trình nghiên cứu của mình thì ông ta sẽ bối rối ngay vì chẳng biết nói như thế nào cả.

Có rất nhiều tài liệu nói về phương pháp khoa học, nhưng khó tìm thấy sự nhất trí trong số các tác giả. Điều này không có nghĩa là các khoa học gia không biết họ làm gì. Làm và cắt nghĩa có lẽ là 2 việc khác nhau. Tuy nhiên, họ đều công nhận rằng có 4 yếu tố trong việc suy luận một cách khoa học:

- Quy nạp: Lập giả thuyết bằng kết luận tổng quát từ những dữ kiện sẵn có.

- Diễn dịch: suy diễn và tiên đoán đặt cơ sở trên giả thuyết ấy.

- Quan sát: Thu thập dữ kiện, dựa vào giả thuyết để tìm dữ kiện trong thiên nhiên.

- Chứng nghiệm: Thử nghiệm những tiên đoán bằng những quan sát thêm nữa để khẳng định hay phủ định giả thuyết ban đầu.

Dĩ nhiên khoa học không cứng ngắc như thế; và không khoa học gia nào cố ý theo những bước ấn định rõ rệt. Tiến trình nghiên cứu là một chuỗi phản ứng tương tác và không ngừng, rút tỉa kết luận, tiên đoán và đối chiếu với chứng cớ. Giả thuyết sẽ đẽo gọt các loại quan sát bạn thu thập trong thiên nhiên, và giả thuyết tự nó cũng bị đẽo gọt bởi giáo dục, văn hóa và thiên kiến riêng của người quan sát.

Tiến trình này làm nòng cốt cái mà những triết gia khoa học gọi là phương pháp Diễn Dịch Giả Thuyết (Hypothetico-deductive), được cuốn tự điển Lịch Sử Khoa Học (Dictionary of the History of Science) cắt nghĩa như sau:

a) Lập giả thuyết.

b) Nối kết giả thuyết ấy với một phát biểu về tình trạng tiên khởi.

c) Từ giả thuyết và phát biểu, suy ra một tiên đoán.

d) Tìm xem tiên đoán ấy đúng hay sai. (trang 196 Bynum, Browne và Porter 1981).

Khó mà nói sự quan sát hay giả thuyết cái nào đến trước, vì chúng tương ứng lẫn nhau một cách mật thiết. Nhưng những quan sát thêm sẽ làm sung mãn tiến trình Diễn Dịch Giả Thuyết và chúng làm nhiệm vụ thẩm phán tối hậu để hiệu lực hóa các tiên đoán. Sir Arthur Stanley Eddington chú giải:" Về tính chân thực của những kết luận khoa học, thì sự quan sát chính là tối cao pháp viện của mọi kháng án." Qua phương pháp khoa học, chúng ta có thể tổng quát:

Giả thuyết: Một phát biểu khả chứng giải thích một chuỗi quan sát liên hệ.

Lý thuyết: Một giả thuyết hay một hệ thống giả thuyết được thử nghiệm và được quan sát nâng đỡ toàn diện.

Một sự kiện khoa học: Một kết luận được khẳng định đến mức nó trở thành nguyên lý.

Một lý thuyết có thể mâu thuẫn với một bịa đặt hay tạo dựng (construct). Tạo dựng đây có nghĩa một phát biểu không thể chứng nghiệm, nôm na là dựng chuyện. Sinh vật trên Trái Đất có thể được giải thích : "Chúa sáng tạo" hay phát biểu: "Chúng tự phát triển theo luật tiến hóa." "Chúa sáng tạo" là một phát biểu loại kiến tạo, vì không thể chứng minh. Phát biểu thứ nhì là lý thuyết vì có thể chứng minh bằng quan sát và thí nghiệm. Hầu hết các nhà sinh vật học gọi sự tiến hóa là một sự kiện khoa học.

Qua phương pháp khoa học, chúng ta nhắm vào tính khách quan: đặt nền tảng sự kết luận trên chứng nghiệm ngoại tại. Và chúng ta tránh huyền hoặc: nền tảng sự kết luận trên tri thức cá nhân không thể kiểm chứng.

Tri thức cá nhân không có gì sai ở khởi điểm. Nhiều khoa học gia vĩ đại đã nhờ vào tri thức cá nhân, trực giác và những đột phá trí tuệ khó xác định khác. Alfred Russel Wallace nói rằng ý tưởng sự chọn lọc thiên nhiên chợt lóe lên trong đầu trong một cơn sốt rét. Nhưng những ý tưởng trực giác và tri thức huyền hoặc không trở nên khách quan cho tới khi được bên ngoài kiểm chứng.

Khoa học dẫn chúng ta về hướng duy lý chủ nghĩa: đặt nền tảng sự kết luận trên luận lý và chứng cớ. Ví dụ, làm thế nào ta biết Trái Đất tròn? Nó là một kết luận hợp lý rút ra từ quan sát:

- Bóng Trái Đất tỏa lên Mặt Trăng trong nguyệt thực thì tròn.

- Ngọn cột buồm là hình ảnh cuối ta thấy được trước khi khuất chân trời.

- Chân trời cong.

- Hình chụp từ không gian.

Và khoa học giúp ta tránh khỏi giáo điều chủ nghĩa: Đặt nền tảng sự kết luận trên nguồn thẩm quyền thay vì luận lý và chứng cớ. Ví dụ, Yêu nước là phải yêu đảng vì:

- Đảng nói thế.

- Bác dạy thế.

Kết luận một cách giáo điều không hẳn luôn luôn sai nhưng nó gợi ra những câu hỏi khác: Làm thế nào Đảng quả quyết thế là đúng? Họ được khoa học hướng dẫn hay bằng những phương tiện nào?

Một kiểu mẫu nghiên cứu khoa học[sửa]

- Đặt vấn đề.

- Tìm tài liệu

- Lập thuyết

- Thử nghiệm thuyết vừa lập

- Phân tích kết quả thử nghiệm và kết luận

- Phổ biến

Một kiểu mẫu nghiên cứu khoa học

Đặt vấn đề: Phương pháp khoa học bắt đầu khi bạn nêu câu hỏi về vấn đề bạn quan sát: Như thế nào, Cái gì, Lúc nào, Ai, cái nào, Tại sao, Ở đâu?

Tìm tài liệu: Thay vì bắt đầu từ bàn tay trắng, bạn dùng thư viện, Internet (bao gồm google) để đỡ mất thì giờ và để tránh sai lầm.

Lập thuyết: Một lý thuyết là một ước đoán tri thức để cắt nghĩa sự việc. Nếu blah blah blah thì Blah blah blah sẽ xẩy ra. Bạn phải trình bày sao cho dễ đo lường và dĩ nhiên nó phải được kiến tạo để giúp bạn trả lời câu hỏi ban đầu.

Thử nghiệm thuyết vừa lập: Bạn phải thử xem thuyết của bạn đúng hay sai. Phải công bằng trong thử nghiệm. Lỗi thườngmắc phải là non-random-sampling, tức là chọn nơi hay chọn vật thử nghiệm (Nghiên cứu về ngôn ngữ bằng cách vào Chợ Lớn rồi kết luận dân VN 90/100 nói tiếng Tàu). Cách thử nghiệm thường áp dụng là chỉ thay đổi hoặc lấy đi một yếu tố mỗi lần trong khi giữ nguyên mọi yếu tố khác. Lập lại để tránh may rủi.

Phân tích kết quả thử nghiệm và kết luận: Khi thử nghiệm xong, gom góp sự đo lường và phân tích để xem lý thuyết của bạn đúng hay sai. Các khoa học gia thường thấy lý thuyết của họ sai. Trường hợp này họ sẽ lập thuyết mới và bắt đầu lại từ đầu. Ngay cả khi họ thấy đúng, họ cũng thử lại bằng những cách khác với cách cũ.

Phổ biến: Để hoàn tất, bạn phải phổ biến kết quả trong một tường trình khoa học. Những khoa học gia luôn làm như thế bằng cách ấn hành tường trình của họ trong một tờ báo khoa học hay trình bày kết quả của họ trong một cuộc hội thảo khoa học.

Hy vọng nó giúp phần nào trong việc viết một nghiên cứu khoa học cũng như luận án.

Metamorph

Đọc thêm[sửa]

Liên kết đến đây