Ph.Ăngghen bàn về những điều kiện hình thành tư duy lý luận

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Một dân tộc muốn đứng vững trên đỉnh cao của khoa học thì không thể không có tư duy lý luận. Ph.Ăngghen đã viết như vậy về vai trò của tư duy lý luận. Song, theo Ph.Ăngghen, ở bất cứ thời đại nào, dân tộc nào cũng như con người nào, tư duy lý luận cũng chỉ là năng lực bầm sinh, "đặc tính bẩm sinh". Muốn để cho "đặc tính bẩm sinh" ấy chuyển thành tư duy lý luận thực sự, cần phải có những điều kiện đảm bảo cho nó. Ph.Ăngghen đã chỉ ra những điều kiện cơ bản sau:

Điều kiện thứ nhất[sửa]

Tư duy lý luận phải được hình thành trên cơ sở kinh nghiệm. Điểm xuất phát của tư duy lý luận là kinh nghiệm. Không có kinh nghiệm thì không có sự khám phá thực sự về nhưng quy luật tất yếu, nội tại của sự vật, hiện tượng. Ph.Ăngghen viết: "...Cái mà Hêgen coi là sự phát triển của hình thức tư duy của phán đoán với tính cách là phán đoán, thì ở đây, đã thành ra sự phát triển của những tri thức lý luận của chúng ta về bản chất của sự vận động nói chung, tri thức đưa trên một cơ sở kinh nghiệm. Chính cái đó chứng minh rằng những quy luật của tư duy và những quy luật của tự nhiên nhất trí với nhau một cách tất nhiên”. Theo Ph.Ăngghen, sở dĩ kinh nghiệm có thể đóng được vai trò là cơ sở cho tư duy lý luận là do:

Một là, kinh nghiệm được tích luỹ tự nó đã đòi hỏi phải có sự hệ thống hoá và phải tìm ra một liên hệ bên trong tất yếu của nó. Thực hiện được điều đó cũng có nghĩa là tư duy đã chuyển từ giai đoạn kinh nghiệm lên giai đoạn lý luận. “Khoa học tự nhiên kinh nghiệm đã tích lũy được một khối lượng tài liệu chính diện to lớn đến ngày nay tuyệt đối bức thiết phải sắp xếp những tài liệu ấy một cách có hệ thống và dựa vào mối liên hệ từ nội tại của chúng trong linh vực nghiên cứu riêng biệt. Người ta cũng thấy không kém cần thiết phải sắp xếp những lĩnh vực khác nhau của tri thức theo một liên hệ đúng đắn giữa lĩnh vực nọ với lĩnh vực kia. Nhưng làm như thế thì khoa học tự nhiên đã chuyển sang lĩnh vực lý luận và trong lĩnh vực này nhưng phương pháp kinh nghiệm trở nên bất lực, chỉ có tư duy lý luận mới có thể giúp ích được.

Hai là, bất cứ một dạng thức nào của tư duy kinh nghiệm cũng có chung một đặc tính là mang tính tiên đề, định đề. Theo Ph.Ăngghen có hai loại kinh nghiệm: "bên ngoài, vật chất và bên trong - các quy luật và hình thức của tư duy". Kinh nghiệm bên ngoài là kết quả của sự trải nghiệm cuộc sống hàng ngày, có thể là sự đúc rút từ lao động sản xuất, từ đấu tranh xã hội và hoạt động nghiên cứu khoa học. Còn kinh nghiệm bên trong, tức là kinh nghiệm tư duy, là sự đúc kết về các quy luật và hình thức tư duy, và đây chính là thể hiện tính độc lập tương đối của tư duy. Tóm lại, tuân thủ nhất quán mối quan hệ chặt chẽ của tư duy khoa học với hoạt động sản xuất và khi nhấn manh tính xã hội - lịch sử của nhận thức, Ph.Ăngghen cũng đồng thời thừa nhận tính độc lập tương đối trong sự phát triển của tư duy lý luận. Ở đây Ph.Ăngghen lưu ý, nhà bác học có quyền sử dụng tài liệu đã biết vào lĩnh vực khoa học mà mình nghiên cứu. Tài liệu đó đã được hợp thành một cách độc lập trong tư duy củ a các thế hệ trước và nó đã trải lụa con đường phát triển riêng, độc lập trong đầu óc con người từ thế hệ nghiên cứu này sang thế hệ nghiên cứu kia. Hơn nữa, theo Ph.Ăngghen, tính độc lập đó chỉ có thể được xem như là hệ quả trực tiếp của sự phản ánh tích cực về hiện thực nhờ các chủ thể xã hội chuyên biệt. Ngoài ra, tính độc lập đó còn được xem như là tính chủ quan của quá trình nhận thức khách quan. Như vậy, xuất phát từ kinh nghiệm và trên cơ sở kinh nghiệm mà tư duy con người khái quát hoá, trung gian hoá, trừu tượng hoá và trở thành tư duy lý luận.

Điều kiện thứ hai[sửa]

Phải có giả thuyết và sử dụng giả thuyết trong quá trình hình thành tư duy lý luận. Ph.Ăngghen cho rằng khi phân tích vai trò của giả thuyết trong quá trình phát triển tri thức, người ta xem xét nó ở hai mặt: giả thuyết như là phương pháp và giả thuyết như là bộ phận của lý thuyết. Đương nhiên. có sự khác nhau giữa giả thuyết như là phương pháp phát triển tri thức khoa học tư duy lý luận và giả thuyết như là yếu tố cấu trúc của lý thuyết khoa học. Giả thuyết có thể xuất hiện trong lý thuyết với tư cách là những ý kiến cơ bản và nhìn chung, chúng chưa được kiểm tra thậm chí còn mâu thuẫn với nhưng bằng cứ thực nghiệm. Tuy nhiên, chúng tạo ra những điều kiện để diễn dịch trong lĩnh vực tri thức đó và chúng chứa đựng những hệ quả tất yếu

Theo Ph.Ăngghen, trong lịch sử phát triển của nhận thức, giả thuyết với tư cách là phương pháp phát triển tri thức khoa học đã thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu, đặc biệt là ở những thời kỳ có tính bước ngoặt do hậu quả khủng hoảng của khuôn mẫu phương pháp luận mà đã được thừa nhận về tính khoa học: Về mặt lịch sử, việc xuất hiện phương pháp giả thuyết gắn liền với những giai đoạn sớm của sự phát triển toán học cổ đại. Các nhà toán học cổ Hy Lạp đã áp dụng rộng rãi với phương pháp chứng minh toán học, những thí nghiệm diễn dịch tưởng tượng vốn bao chứa việc đưa ra các giả thuyết và rút ra nhưng hệ quả từ các giả thuyết đó - nhờ diễn dịch phân tích với mục đích kiểm tra tính đúng đắn của nhưng phỏng đoán đầu tiên. Họ cho rằng, chỉ có giả thuyết mới có thể giúp họ đạt được tính chân lý của tri thức khoa học. Pácmênít là người đi tiên phong trong số họ. Cách tiếp cận mới về nguyên tắc đối với giả thuyết do Platôn đưa ra. Ông xem các giả thuyết như là những tiền đề của phương pháp chứng minh phân tích - tổng hợp, có khả năng đảm bảo tính chân lý tuyệt đối của các kết luận, vốn do ông tạo lập. Arixtốt là người phát hiện ra vai trò gợi mở của giả thuyết. Quan điểm của ông xuất phát từ chỗ cho rằng không thể sử dụng giả thuyết như là những tiền đề của chứng minh “tam đoạn luật”. Vì dựa vào tiền đề của chứng minh tam đoạn luận, người ta chỉ có thể hiểu được những chân lý cân thiết và khái quát chung chung.

Ph.Ăngghen cho rằng có lẽ chỉ trong phương pháp luận và triết học cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, trong quá trình lĩnh hội những thành tựu của các công trình nghiên cứu thực nghiệm, người ta mới dần dần bắt đầu ý thức được vai trò gợi mở của phương pháp giả thuyết. Tuy nhiên, cả hai khuynh hướng duy lý và kinh nghiệm trong phương pháp luận và triết học cận đại vẫn không đạt được việc lý giải tính tất yếu của giả thuyết trong nhận thức khoa học và vẫn chưa khắc phục được sự đối lập phản biện chứng giữa giả thuyết và quy luật. Vào những năm 70-80 của thế kỷ XIX, trên cơ sở sự hiểu biết mới về nguyên tắc, về quy chế nhận thức luận của các quy luật và các lý thuyết với tư cách là những khăng định chung có giới hạn, có tính chân lý tương đối. Ph.Ăngghen đã lý giải vai trò của giả thuyết khoa học không chỉ trong quá trình tích tụ và hệ thống hoá các tài liệu kinh nghiệm, mà cả trong những giai đoạn làm chính xác thêm, biến đổi và cụ thể hoá các quy vật là lý thuyết thực nghiêm. Xem giả thuyết như là hình thức phát triển của khoa học tự nhiên, trong chừng mực mà khoa học này tư duy. Ph.Ăngghen đưa ra luận điểm về mối quan hệ tương hỗ giữa giả thuyết với các quy luật và lý thuyết như là những hình thức của tri thức chân lý tương đối, cửa tư duy lý luận và coi giả thuyết chính là "công cụ tìm tòi của tư duy", mà nếu thiếu nó thì chúng ta không bao giờ có được quy luật.

Điều kiện thứ ba[sửa]

Phương pháp biện chứng duy vật như là điều kiện không thể thiếu để hình thành tư duy lý luận. Theo Ph.Ăngghen, tư duy biện chứng là hình thức cao nhất của tư duy lý luận. Do đó một cách tất yếu là trong quá trình hình thành quan điểm duy vật về lịch sử, thì song song và cùng với nó là cần phải sử dụng phương pháp nào để có thể hình thành được tư duy biện chứng duy vật. Phương pháp biện chứng của Hêgen hay phương pháp siêu hình của các nhà khoa học tự nhiên thế kỷ XVII~XVIII? Một sự thật hiển nhiên là trong lịch sử triết học trước Mác, phương pháp biện chứng và phương pháp siêu hình không những đối lập nhau mà còn là một sự “đánh đố” trớ trêu: phương pháp biện chứng thường gắn liền với chủ nghĩa duy tâm, còn chủ nghĩa duy vật lại thường gắn liền với phương pháp siêu hình. Để xây dựng tư duy biện chứng mới về nguyên tắc (tư duy biện chứng duy vật), vấn đề có tính chất phương pháp luận tiên quyết đối với Ph.Ăngghen là lựa chọn phương pháp nào hay xây dựng phương pháp nghiên cứu mới? Phương pháp siêu hình của chủ nghĩa duy vật thế kỷ XVII - XVIII đã có một giá trị đích thực nhất định, đã giữ một vai trò không nhỏ khi mà khoa học thực nghiệm mới thực sự bắt đầu phát triển. Đó là thời kỳ mà khoa học tự nhiên đi sâu vào phân tích, chia nhỏ giới tự nhiên ra thành những bộ phận riêng biệt cố định để nghiên cứu. Phương pháp nghiên cứu đó đã đưa đến những thành tựu vĩ đại trong việc phát triển khoa học. Song, khi việc nghiên cứu tiến từ giai đoạn sưu tập sang giai đoạn chỉnh lý, sang giai đoạn nghiên cứu về các quá trình, về sự phát sinh, phát triển của sự vật, thì phương pháp đó không còn đáp ứng được yêu cầu của nhận thức khoa học hiện đại nữa. Chính vì thế, như Ph.Ăngghen đã nhận xét, phương pháp siêu hình đó đã bị I.Cantơ Hêgen đập tan tành. Còn phương pháp biện chứng (điển hình là phương pháp biện chứng của Hêgen) đã đóng một vai trò cực kỳ to lớn trong sự giải thích và nhận thức thế giới khi chỉ ra sự vận động, biến đổi và phát triển của sự vật, của tự nhiên và của xã hội mà hiện thần là nhà nước Phổ với tư cách là hình thái xã hội cao nhất. Song, sự vận động, biến đổi và phát triển ấy, suy cho cùng, bắt nguồn từ sự tha hoá, sự tự vận động và phát triển của "ý niệm tuyệt đối", của "lý tính thế giới”. Do vậy, phương pháp biện chứng duy tâm đó đối lập hoàn toàn với quan niệm duy vật về lịch sử mà Mác đã phát hiệ ra. Theo Ph.Ăngghen, phương pháp biện chứng duy tâm đó rốt cuộc cũng không thể sử dụng được.

Như vậy, đối với Ph.Ăngghen, không tồn tại khả năng lựa chọn phương pháp mà chỉ còn khả năng sáng tạo ra phương pháp mới. Bởi lẽ, quan điểm duy vật về lịch sử đã đặt ra một đòi hỏi khách quan: cần có phương pháp mới về chất để có thể bao chứa được cả hai yếu tố "hợp lý" và "căn bản" - duy vật và biện chứng. Vậy để đi đến phương pháp mới về chất đó, cần xuất phát từ đâu? Theo Ph.Ăngghen, điểm xuất phát đầu tiên đó là đem lại câu trả lời đúng đắn, có cơ sở khoa học cho bản chất của ý thức và của trí tuệ. Vì chính ở đó biểu hiện tập trung nhất, rõ nét nhất, điền hình nhất cả hai đặc tính cơ bản của quan điểm thế giới quan (duy vật hay duy tâm) cũng như của phương pháp giải quyết (biện chứng hay siêu hình).

Chính nhờ phương pháp biện chứng duy vật mà tư duy lý luận được hình thành một cách tự giác, dễ dàng và được rút ngắn hơn nhiều. "Người ta có thể đạt đến quan điểm biện chứng đó do những sự kiện thực tế đang tích luỹ lại của khoa học tự nhiên bắt buộc, nhưng người ta có thể đạt tới nó một cách dễ dàng hơn nếu đưa nhận thức về những quy luật của tư duy biện chứng vào việc tìm hiểu tính chất biện chứng của nhưng sự kiện ấy".

Điều kiện thứ tư[sửa]

Tư duy lý luận phải được gắn liền với sự phát triển của khoa học bởi lẽ:

Thứ nhất, theo Ph.Ăngghen, việc gắn với sự phát triển của khoa học sẽ giúp cho tư duy nắm được các mối liên hệ bên trong của các sự vật hiện tượng. Khi đánh giá ý nghĩa của những thành tựu lớn nhất của khoa học tự nhiên thế kỷ XIX, đặc biệt là Định luật bảo toàn và biên hoá năng lượng, Học thuyết tế bào và Học thuyết tiến hoá của Đácuyn, Ph.Ăngghen đã chỉ ra: "Nhờ ba phát hiện vĩ đại đó và nhờ những thành tựu lớn lao khác của khoá học tự nhiên mà ngày nay chúng ta có thể chứng minh những nét lớn của mối liên hệ giữa các quá trình của tự nhiên không những trong các lĩnh vực riêng biệt, mà cả mối liên hệ giữa các lĩnh vực riêng biệt ấy nói chung và có thể trình bày một bức tranh bao quát về mối liên hệ trong tự nhiên, dưới một hình thức gần như có hệ thống, bằng những sự kiện do chính khoa học tự nhiên thực nghiệm cung cấp". Hơn nữa, khoa học còn giúp cho tư duy thấy được những quy luật của tự nhiên. Lẽ dĩ nhiên, Ph.Ăngghen viết, khi tôi tổng kết những thành tựu của toán học và khoa học tự nhiên như vậy thì vấn đề cũng là để thông qua những cái riêng, thấy rõ thêm cái chân lý mà nói chung tôi đã không nghi ngờ chút nào cả, cụ thê là cung những quy luật biện chứng ấy của sự vận động...những quy luật như sợi chỉ đỏ xuyên qua cả lịch sử phát triển của tư duy loài người đang dần dần đi vào ý thức của con người tư duy.

Thứ hai, khoa học tự nó cũng đã có sự tổng hợp biện chứng. Thêm vào đó, các thành tựu cửa khoa học tự nhiên đã đưa lại những cơ sở khách quan, những kết luận chung cho tư duy lý luận. Ph.Ăngghen chỉ rõ: Những thành tựu khoa học tự nhiên hiện đại đã chẳng bắt buộc bất kỳ một người nghiên cứu các vấn đề lý luận cũng phải thừa nhận chúng, bắt buộc với một sức mạnh khiến các nhà khoa học tự nhiên hiện đại dù họ muốn hay không phải tiến tới những kết luận lý luận chung, đó sao?".

Thứ ba, sự phát triển của khoa học nói chung và những phát minh mới trong khoa học nói riêng sẽ dẫn đến sự mất đi một số khái niệm và đồng thời xuất hiện một số khái niệm khác. Dĩ nhiên, điều đó không thể xem như là sự đổi mới thuật ngữ giản đơn của ngôn ngữ. Đó chính là quá trình làm sâu sắc thêm về tư duy nhờ đó được những hình thức diễn đạt bằng lời tương ứng. Và quá trình làm “sâu sắc" tư duy đó được gắn liền với việc mở rộng lĩnh vực áp dụng những hệ ngôn ngữ mới.

Như chúng ta đã biết, trong "Chống Đuyrinh", Ph.Ăngghen cũng đã thực hiện sự phân tích đó trong sự phát triển tri thức lý luận, đồng thời đã chỉ ra sự thay đổi về nghĩa và thay đổi lĩnh vực áp đụng của các giả thuyết, các mệnh đề lý luận, quan điểm…Theo Ph.Ăngghen, trong khoa học, mỗi một quan điểm mới đều kéo theo một cuộc cách mạng trong các thuật ngữ thực tế của nó. Rõ nhất về điều đó, có thể thấy qua ví dụ về hoá học mà toàn bộ hệ thuật ngữ được thay đổi về cơ bản khoảng 20 năm một lần. Thành thử, vị tất có thể tìm thấy dù chỉ một hợp nhất hữu cơ mà không trải qua hàng loạt những tên gọi khác nhau?

Điều kiện thứ năm[sửa]

Tư duy lý luận phải có “bà đỡ” là thực tiễn xã hội. Từ trước tới nay, Ph.Ăngghen lý giải, khoa học tự nhiên cũng như triết học đã hoàn toàn coi thường ảnh hưởng của hoạt động con người đối với tư duy của họ. Hai môn này một mặt chỉ biết có tự nhiên, mặt khác, chỉ biết có tư tưởng. Nhưng chính việc người ta biến đổi tự nhiên, chứ không phải chỉ một mình giới tự nhiên, với tính cách giới tự nhiên, là cơ sở chủ yếu nhất và trực tiếp nhất của tư duy con người và trí tuệ con người đã phát triển song song với việc người ta đã học cải biến tự nhiên.

Như vậy, ở Ph.Ăngghen, vấn đề tính chân lý của tri thức lý luận, của tư duy lý luận gắn liền với thực tiễn, với hoạt động cải tạo cách mạng của con người. Đó không phải là vấn đề thuần tuý của các phương pháp thu nhận hay trình bày tri thức. Khi nói về những trừu tượng khoa học cần cho việc tái tạo tiến trình lịch sử hiện thực của các sự kiện, Ph.Ăngghen nhấn mạnh: Nhưng trừu tượng tự chúng bị tách ra khỏi lịch sử hiện thực tuyệt nhiên không có giá trị nào cả. Chúng có thể có ích chỉ trong việc hiệu đính các tài liệu lịch sứ, để vạch ra tính logic nhất quán trong các lớp riêng biệt của nó. Khác với triết học, những trừu tượng này hoàn toàn không thể đưa ra những đơn thuốc hay những sơ đó mà theo đó, có thể làm cho vừa các thời đại lịch sử. Song ngược lại, nếu không có những trừu tượng đó thì sẽ xuất hiện khó khăn khi mà người ta chuyển sang xem xét và chỉnh lý tài liệu (nó thuộc về thời đại đã qua hay thuộc về đương đại?) và khi mà người ta bắt tay vào tái tạo hiện thực đó. Tóm lại, thực tiễn là mảnh đất mà từ đó, những vấn đề lý luận được rút ra, rồi chúng dần dần tạo thành hệ thống những luận điểm lý luận gắn bó với nhau một cách chặt chẽ và làm nên nội dung của tư duy lý luận.

Điều kiện thứ sáu[sửa]

Muốn có tư duy lý luận, phải có sự nghiên cứu nghiêm túc toàn bộ lịch sử triết học. Bởi vì tư duy lý luận, ở mỗi người chúng ta, chỉ tồn tại dưới dạng năng lực tiềm tàng và chính việc nghiên cứu một cách nghiêm túc, khoa học toàn bộ tư tưởng triết học của nhân loại sẽ giúp cho năng lực "ấy trở thành hiện thực". Tư duy lý luận, Ph.Ăngghen viết, chỉ là một đặc tính bẩm sinh dưới dạng năng lực của người ta mà thôi. Năng lực ấy cần phải được phát triển hoàn thiện, mà muốn hoàn thiện nó thì cho tới nay, không có một cách nào khác hơn là nghiên cứu toàn bộ triết học thời trước.

Sở đĩ như vậy là do "tư duy lý luận của môi thời đại, cũng có nghĩa là cả thời đại chúng ta, là sản phẩm lịch sử mang những hình thức rất khác nhau trong những thời đại khác nhau và do đó có một nội dung rất khác nhau. Thế cho nên cũng như bất kỳ khoa học nào khác, khoa học về tư duy là một khoa học lịch sử, là khoa học về sự phát triển lịch sử của tư duy con người". Hơn nữa, theo Ph.Ăngghen, lịch sử bắt đầu từ đâu tư duy bắt đầu từ đó. Do đó, việc nghiên cứu lịch sử triết học sẽ giúp cho chúng ta thấy được logic của tư duy; con đường đi của tư duy, cách thức, phương thức hình thành tư duy và cuối cùng là những điều kiện hình thành tư duy.

Tóm lại, những điều kiện để hình thành tư duy lý luận mà Ph.Ăngghen đã chỉ ra có một giá trị khoa học to lớn. Nó không chỉ có ý nghĩa trong thời đại của Ph.Ăngghen thời đại cần phải hiểu và nắm vững những điều kiện đó để hình thành một kiểu tư duy lý luận (tư duy biện chứng duy vật) mới về nguyên tắc so với mọi loại hình tư duy trước đó mà vẫn còn có ý nghĩa khoa học sâu sắc đối với thời đại ngày nay, đặc biệt là đối với nước ta hiện nay, khi mà chúng ta đã, đang và sẽ còn tiếp tục đổi mới và hoàn thiện tư duy lý luận để có thể đáp ứng được sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Nguồn[sửa]

Ngô Đình Xây, Tạp chí Triết học (Thứ năm, ngày 14 tháng 12, 2006)

Lời bình của người tải lên bài viết[sửa]

Đây là những phân tích sâu về điều kiện của tư duy lý luận. Nhưng với những điều kiện trên đây là chưa đủ. Cần bổ xung thêm những điều kiện sau:

  • Bổ xung cho điều kiện thứ nhất: Kinh nghiệm phải tích lũy đến một mức tối thiểu tùy theo yêu cầu của từng vấn đề cần tư duy lý luận. có nghĩa là người thực hành tư duy lý luận phải có một lượng kinh nghiệm, một lượng tri thức cần thiết. Không đủ kinh nghiệm thì không thể có tư duy lý luận hoặc dẫn đến các kết quả tư duy không đúng.
  • Điều kiện thứ bảy. Đây là điều kiện về bản thể luận, là điều kiện về khả năng của người thực hành tư duy lý luận. Nếu không có khả năng tư duy lý luận thì cũng không thể có tư duy lý luận. Tư duy lý luận là dạng tư duy phức tạp đòi hỏi người thực hành tư duy lý luận phải tự tìm ra được các mối quan hệ giữa các kinh nghiệm đã có. Do đó nếu chỉ thực hành tư duy theo các mối quan hệ đã được thiết lập thì không thể gọi là tư duy lý luận mà đó chỉ là tư duy kinh nghiệm. Để thực hành được tư duy lý luận, người thực hành tư duy phải có năng lực tư duy sáng tạo hay cao hơn là tư duy trí tuệ. (Phùng văn Hòa, ngày 07 tháng 9 năm 2008)

Liên kết đến đây