Sự ghi nhớ và lãng quên

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Sự ghi nhớ[sửa]

Các hình thức ghi nhớ[sửa]

Sự ghi nhớ trong hệ thần kinh được hình thành bởi sự chuyển hoá 1 của một số tế bào thần kinh.

Sự ghi nhớ được hình thành bởi sự chuyển hoá cơ bản 2 tạo nên sự ghi nhớ bản năng. Còn sự ghi nhớ được hình thành bởi sự tái chuyển hoá tế bào thần kinh là sự ghi nhớ mà mỗi cá thể tự ghi lại trong thời gian hoạt động sống của mình, nói một cách khác, sự ghi nhớ này là kết quả của sự tìm hiểu, sự học tập, rèn luyện kĩ năng của một cá thể trong một hoặc nhiều môi trường sống nào đó, hay gọi là sự ghi nhớ không bản năng. Sự ghi nhớ bản năng được hình thành và biến đổi cùng với sự hình thành và tiến hoá của loài, cho nên nó thuộc về loài, và do đó sự ghi nhớ bản năng của các cá thể trong nhiều thế hệ gần nhau của cùng một loại là giống nhau, còn mức độ thể hiện sự ghi nhớ bản năng này của các cá thể khác nhau trong cùng một loài, cùng thế hệ có thể có những sự khác nhau nào đó. Còn sự ghi nhớ tái chuyển hoá 3 là của riêng từng cá thể, do đó có thể có sự giống hoặc khác nhau giữa các cá thể khác nhau về sự ghi nhớ, về mức độ thể hiện sự ghi nhớ cùng một sự vật hoặc một sự kiện hoặc một hoàn cảnh. Sự khác nhau về ghi nhớ không bản năng, do việc lượng hoá sự vật hoặc sự việc đó để ghi nhớ ở mỗi cá thể có những mức khác nhau, vì vậy mà có tình trạng nhận thức về cùng một vấn đề của các cá thể khác nhau lại có sự dị biệt, nhiều khi còn đối lập nhau. Sự việc được đánh giá càng đúng, tức là mức lượng hoá càng cao thì khả năng ghi nhớ cũng được nâng lên.

Sự ghi nhớ bản năng giúp cho hệ thần kinh điều khiển hoạt động của cơ thể khi mọi chức năng trong cơ thể chưa được hoàn thiện, các bộ phận, các cơ quan chức năng trong cơ thể chưa được hình thành đầy đủ hoặc mức trưởng thành còn thấp. Trong các giai đoạn tiếp theo, sự ghi nhớ bản năng giúp hệ thần kinh điều khiển các hoạt động có tính nhịp điệu như điều khiển hoạt động của hệ hô hấp, tuần hoàn, di chuyển bình thường v.v...Sự hoạt động có tính nhịp điệu trong việc điều khiển hoạt động cơ thể của các tế bào thần kinh trong cơ thể động vật ngày nay được kế thừa từ phương thức hoạt động chức năng thần kinh của các tế bào thần kinh thuỷ tổ của loài, khi loài còn ở dạng tập đoàn động vật đơn bào và có một số đơn bào bị đói nằm ở phía trong của tập đoàn. Tính nhịp điệu được hình thành từ việc khi các đơn bào đói nêu trên bị cạn nguồn dinh dưỡng chúng hoạt động chức năng thần kinh rất mạnh thúc đẩy các đơn bào phía ngoài tìm kiếm và hấp thụ dinh dưỡng, tạo nên sự chênh lệch về nồng độ, thế là chúng có được sự cung cấp dinh dưỡng thông qua sự thẩm thấu. Khi đã được cung cấp dinh dưỡng, chúng no hơn, do đó hoạt động chức năng thần kinh giảm xuống hoặc ngừng lại để đến lúc khi đã dùng hết nguồn dinh dưỡng được cấp, chúng lại bắt đầu kêu lên "Tôi đang đói"để thúc đẩy hoạt động tìm kiến dinh dưỡng của tập đoàn. Điều này được lặp đi lặp lại và hình thành nên phương thức hoạt động theo nhịp điệu của các tế bào thần kinh, tạo nên "nhịp sinh học" cho các loài động vật.

Nói chung, sự ghi nhớ bản năng giúp cho cá thể duy trì được sự tồn tại ở mức thấp nhất của cá thể và duy trì sự tồn tại của loài (thông qua hoạt động sinh sản), giúp cho cá thể nhận biết được mối quan hệ với tự nhiên và mối quan hệ quần xã với mức thông tin thấp nhất, cho nên những tế bào thần kinh mang trách nhiệm ghi nhớ bản năng không được phép chuyển hoá, chúng thường là những tế bào thần kinh có mức trưởng thành cao, các ngưỡng thần kinh thu hẹp để tế bào thần kinh chỉ bị kích hoạt bởi một số rất hạn chế các dạng kích thích thần kinh. Sự biến đổi và hoàn thiện bản năng của mỗi loài động vật dựa trên cơ sở tăng số lượng tế bào ghi nhớ bản năng…Sự hình thành của các tế bào thần kinh bản năng kèm theo sự ghi nhớ bản năng và trong thực tế đã được quy định trong các hệ thống gien của loài, nếu một hoạt động bản năng cần thiết nào đó không được quy định trong hệ thống gien thì loài động vật đó không thực hiện được hoạt động bản năng. Con chim tu hú không biết làm tổ và nuôi con, mặc dù chúng vẫn thực hiện chức năng sinh sản để duy trì nòi giống, chúng không có bản năng làm tổ và ấp trứng, đến đời con cháu của chúng cũng vẫn vậy. Nhưng đa số các loài động vật, cùng với quá trình tiến hoá, các hoạt động bản năng cũng được hoàn thiện thêm. Điều này có nghĩa là các gien quy định về hoạt động bản năng cũng có sự biến đổi để làm tăng số lượng tế bào thần kinh bản năng, và cũng có nghĩa là bản năng cũng có thể thay đổi với những điều kiện nào đó. Nói cách khác đã có một sự chuyển đổi một cách từ từ các tế bào thần kinh ghi nhớ mới thành các tế bào ghi nhớ bản năng qua một số thế hệ nào đó ở một số loài động vật đa bào, và như vậy cũng đã xảy ra một quá trình bổ xung tế bào cho hệ thần kinh trong quá trình tiến hoá của động vật.

Với số lượng không nhiều về tế bào và các dạng kích thích thần kinh có thể tiếp nhận hoặc phát ra, nhóm tế bào thần kinh bản năng thực hiện nối mạng trực tiếp với nhau và với các cơ quan khác của cơ thể mà chúng có trách nhiệm điều khiển. Vì vậy các tế bào thần kinh bản năng hoạt động với các kích thích là xung điện. Khi có sự tham gia vào hoạt động điều khiển của các nhóm tế bào thần kinh khác, như trong các loài động vật bậc cao, thì các tế bào thần kinh đó cũng phải chuyển qua việc kích hoạt các tế bào thần kinh bản năng. Sự điều khiển hoạt động cơ thể của các tế bào thần kinh bản năng là trực tiếp, còn các tế bào thần kinh khác là gián tiếp. Kích hoạt các tế bào thần kinh bản năng thì dẫn đến hoạt động của cơ thể nhưng chỉ kích hoạt các tế bào thần kinh khác (điều khiển gián tiếp) thì không hoàn toàn nhận được sự hoạt động của cơ thể. Người ta có thể nghĩ mà không nói và ngược lại.

Sự ghi nhớ do tái chuyển hoá của tế bào thần kinh, gọi một cách ngắn gọn là sự ghi nhớ mới, giúp cho động vật làm quen với những môi trường mới, những nơi ở mới, những loại thức ăn mới, những cách hoạt động mới, hay nói chung là tạo cho các cá thể động vật có một sự thích nghi mới với môi trường sống mới, cách sống mới. Con ong mật biết đường tìm về tổ khi tổ của chúng được đặt ở một nơi khác. Một số loài cá nuôi, khi đã quen với cách người ta vừa cho ăn vừa gõ vào thành bể thì chỉ cần nghe tiếng gõ vào thành bể nó đã bơi đến chỗ người ta sẽ đưa thức ăn đến để chờ đợi. Con gấu trong rạp xiếc bỏ cách leo cây để ăn mật ong, nhưng lại thực hiện các động tác nhào lộn, đi xe v.v...mà người dạy thú huấn luyện cho chúng để được ăn kẹo. Dù leo cây hay nhào lộn, mục đích cuối cùng của con gấu vẫn là được ăn, trong đó phương thức nhào lộn là cách hoạt động kiếm ăn mới được hình thành trong môi trường sống mới.

Trong đời sống của mỗi cá thể động vật, sự biến đổi của môi trường sống, các mối quan hệ tự nhiên, các mối quan hệ quần xã liên tục tác động lên các cơ quan cảm giác của hệ thần kinh và kéo dài trong suốt cả quãng đời của mỗi cá thể, để sử lý được tất cả được những điều đó, đòi hỏi mỗi cá thể động vật phải ghi nhớ rất nhiều. Nhưng số lượng tế bào thần kinh là có hạn, không thể ghi được tất cả mọi thứ được truyền về từ các bộ phận thần kinh cảm giác được. Hệ thần kinh không có đủ các phần tử để ghi lại được toàn bộ màu sắc, hình khối, đường nét như chụp ảnh, vì khối lượng ảnh sẽ rất lớn, chỉ cần quay đầu hay bước một bước chân là đã có vô vàn hình ảnh của không gian được thu vào mắt. Không những chỉ ghi lại sự tác động của môi trường ngoài, mà hệ thần kinh còn phải ghi những biến đổi ngay trong cơ thể, và còn cao hơn nữa là ghi lại chính những thứ do hệ thần kinh tạo nên. Để tránh phải ghi lại tất cả những thứ vô ích, hệ thần kinh của mỗi loài động vật, của mỗi cá thể trong một loài đều có những điều kiện, những phương thức để cho một sự vật hay một sự việc được lưu lại trong hệ thần kinh dưới dạng ghi nhớ, và do đó cũng tạo nên nhiều đặc điểm của sự ghi nhớ về điều kiện để ghi nhớ, trong đặc điểm thứ 7, thứ 11, thứ 12 của các đặc điểm hình thành hệ thần kinh đã nêu, đó là sự chuyển hoá của tế bào thần kinh dưới sự biến đổi của môi trường. Trong việc thiết lập sự ghi nhớ thì quá trình thì diễn ra như sau:

Một (hoặc nhiều) kích thích thần kinh sơ cấp khi truyền đến các tế bào thần kinh có nhiệm vụ ghi nhớ (nếu nhiều kích thích sơ cấp, chúng sẽ kết hợp lại theo các tính chất của dao động điện từ hay sóng điện từ để trở thành một hoặc một phổ kích thích sơ cấp). Nếu chúng nằm trong phạm vi các giới hạn tiếp nhận kích thích và nếu tế bào thần kinh đó cũng vừa đạt một bậc chuyển hoá, thì kích thích sơ cấp đó làm cho tế bào thần kinh chuyển hoá ghi lại sự tác động của kích thích đó.

Nếu so sánh với sự ghi nhớ bằng đĩa từ, băng từ hoặc đĩa dạng CD-ROM với sự ghi nhớ của tế bào thần kinh thì có những sự giống và khác nhau sau:

Giống nhau: Đều phải có một sự tác động vật lý lên phần tử nhớ đối với đĩa và băng từ, đó là sự tác động của từ trường biến thiên của đầu từ, của đĩa dạng CD-ROM là chùm Laser, còn với tế bào thần kinh, đó là kích thích thần kinh dưới dạng xung điện hoặc sóng điện từ, một số tế bào thần kinh chịu trách nhiệm điều khiển sự định hướng còn chịu sự tác động của từ trường hoặc lực hút của trái đất.

Khác nhau: Sự khác nhau chủ yếu là sự thể hiện những gì mà phần tử ghi nhớ đã ghi được. Với đĩa CD-ROM là chùm Laser, với tế bào thần kinh là kích thích sơ cấp đã tạo nên sự ghi nhớ hoặc một kích thích gần với kích thích đó (kích thích nằm trong phổ kích thích sơ cấp của tế bào) và có khả năng kích hoạt tế bào thần kinh. Có nghĩa là phải có một kích thích ban đầu thì sự ghi nhớ mới thể hiện. Còn trong băng từ thì các phần tử ghi nhớ liên tục phát sự ghi nhớ bằng một từ trường yếu. Một sự khác nhau nữa là cường độ và thời lượng thể hiện sự ghi nhớ. Đĩa CD-ROM kết thúc sự thể hiện khi tắt kích thích, và cường độ thể hiện phụ thuộc vào nguồn kích thích. Phần tử từ thể hiện sự ghi nhớ là liên tục, nhưng cường độ rất nhỏ nên muốn đọc được sự ghi nhớ, đầu đọc phải để rất gần với phần tử từ. Còn các tế bào thần kinh lại là một bộ máy, cho nên sự thể hiện về thời lượng cũng như cường độ của sự ghi nhớ là các là các đại lượng không xác định được.

Một số đặc điểm của sự ghi nhớ mới[sửa]

Để hiểu rõ hơn sự ghi nhớ của hệ thần kinh chúng ta chúng ta hãy xem xét một số đặc điểm của sự ghi nhớ mới (ghi nhớ không bản năng) của hệ thần kinh sau:

  • Không ghi nhớ tất cả những thứ tác động lên các tế bào làm nhiệm vụ ghi nhớ mới của hệ thần kinh.

Đây là cách khắc phục tình trạng số phần tử ghi nhớ thì có hạn, trong khi đó những điều phải nhớ là vô hạn. Các loài vật có chỗ ở cố định (hang, tổ…) chúng nhận biết được nhờ đánh dấu bằng mùi vị hoặc một vài ký hiệu riêng do chúng tạo ra, nhận biết đồng loại, con cái qua hình dạng, màu sắc hoặc mùi vị. Trong hoạt động phòng vệ, nhiều loài vật hành động theo bản năng hơn là những gì chúng học được. Rất khó mô tả lại một cách chi tiết một bức tranh, một cảnh quan khi chỉ nhìn thấy một lần, nếu có thì cũng chỉ nêu lên được một vài chi tiết nào đó đáng chú ý. Nói tóm lại hệ thần kinh khi ghi nhớ sự vật hoặc sự việc, nó không ghi nhớ hình ảnh theo kiểu chụp ảnh, không ghi nhớ tiếng động, âm thanh theo kiểu máy ghi âm, trong một loạt các tác động lên hệ thần kinh, thì hệ thần kinh thường chọn những tác động có cường độ mạnh hơn, gây ấn tượng hơn để ghi nhớ, tức là chọn những cơ hội chuyển hoá ngoài phù hợp với cơ hội chuyển hoá tự thân hay cơ hội chuyển hoá trong của tế bào.

  • Một chi tiết của một sự vật có thể được ghi nhớ ở nhiều tế bào, nhiều khu vực thần kinh, và ngược lại, một hoặc một nhóm tế bào thần kinh giống nhau lại ghi nhớ một chi tiết của nhiều sự vật, sự việc khác nhau.

Hệ thần kinh càng phát triển thì đặc điểm này càng rõ nét bởi số lượng tế bào thần kinh lớn thì có nhiều tế bào thần kinh cùng đạt tới bậc chuyển hoá. Khi có sự tác động của sự ghi nhớ thì các tế bào có cơ hội chuyển hoá trong phù hợp sẽ cùng chuyển hoá, tạo nên nhiều phần tử ghi nhớ cho chi tiết đó. Nếu các tế bào là cùng nhóm, có nghĩa là chúng phát ra cùng kích thích thứ cấp thì khi biểu hiện sự ghi nhớ chi tiết đó, theo nguyên tắc cộng tác dụng, cường độ biểu hiện sẽ mạnh lên. Nếu các tế bào khác nhóm, thì chúng sẽ có sự biểu hiện sự ghi nhớ theo cách khác nhau nhưng vẫn mang cùng một ý nghĩa. Khi ghi nhớ màu đỏ, khu vực hình ảnh sẽ ghi lại màu đỏ, còn khu vực ngôn ngữ sẽ ghi lại từ đỏ, và sau đó, khi nhìn thấy màu đỏ, các tế bào ghi nhớ từ đỏ cũng có thể được kích hoạt, ngược lại khi sắc đỏ được ghi cùng từ "đỏ" thì chỉ cần nghe tiếng "đỏ" hoặc đọc chữ "đỏ" thì các tế bào ghi nhớ sắc đỏ cũng được kích hoạt để biểu thị màu đỏ.

Ở đây có sự kết hợp của các tác động ghi nhớ. Mỗi một nhóm tế bào thần kinh sẽ ghi lại một hoặc một số dạng chi tiết nhất định, có nhóm ghi nhớ về màu sắc, có nhóm ghi lại hình khối, đường nét. Các nhóm này nhận các kích thích thần kinh được truyền về từ mắt. Các nhóm ghi về âm thanh, tiếng động, lời nói nhận kích thích từ tai. Khi một sự vật được mô tả bằng nhiều yếu tố tác động lên các cơ quan cảm giác của hệ thần kinh cùng một lúc như ánh sáng, âm thanh, mùi vị...thì các tế bào chịu trách nhiệm ghi lại một chi tiết của một yếu tố (ví dụ màu đỏ của ánh sáng) thì không chỉ chịu sự tác động của kích thích truyền về từ mắt mà còn chịu sự tác động của kích thích truyền về từ tai hoặc các cơ quan cảm giác khác. Điều này là cơ sở của sự kích hoạt tế bào thần kinh khi không có yếu tố chính hay kích thích cùng dạng tạo nên sự chuyển hoá để ghi nhớ trong tế bào thần kinh. Chỉ nhìn thấy quả chanh hay quả khế chua, hoặc chỉ nghe người khác nói đến quả chanh hay quả khế chua là ta đã tiết nước bọt, chứ chưa cần phải cắn vào quả chanh hay quả khế chua, ở đây, yếu tố chính gây nên sự tiết nước bọt là vị chua của quả tranh hay của quả khế chua.

Cách ghi nhớ như vậy là cách ghi nhớ nhiều điểm mà ta có thể thấy ở các băng từ ghi hình và tiếng. Nhưng sự kích hoạt sự ghi nhớ thì khác nhau hoàn toàn. Một sự kích hoạt trong băng từ hay đĩa Laser chỉ kích hoạt một phần tử nhỏ, nhưng trong hệ thần kinh thì có thể kích hoạt nhiều phần tử cùng một lúc.

  • Ghi nhớ tiêu điểm.

Khác với cách ghi nhớ nhiều điểm nói trên là cách ghi nhớ tiêu điểm, tức là cách ghi nhớ mà một tế bào hay một số tế bào thần kinh giống nhau sẽ ghi nhớ một chi tiết của nhiều sự vật hay nhiều sự việc khác nhau. Màu đỏ khi kết hợp với một chiếc áo choàng ta có chiếc áo choàng đỏ, khi kết hợp với chiếc khăn ta có chiếc khăn đỏ. Trong sự ghi nhớ của hệ thần kinh, sẽ có một hoặc một số tế bào sẽ ghi lại sắc đỏ mà không cần biết nó là một chi tiết của chiếc áo hoặc của một cái khăn, còn các tế bào khác thì ghi những chi tiết khác như chiều dài, chiều rộng, khuy áo v.v...Khi kích hoạt các tế bào thần kinh ghi nhớ về chiếc áo choàng đỏ thì các tế bào thần kinh ghi sắc đỏ cũng hoạt động biểu thị cho màu đỏ của áo, và lúc này màu đỏ mà ta hiểu là màu đỏ của áo chứ không phải màu đỏ của bông hồng. Nhưng khi kích hoạt sự ghi nhớ về chiếc khăn quàng đỏ thì mặc dù các tế bào ghi sắc đỏ đã hoạt động biểu thị cho màu đỏ của chiếc áo choàng bây giờ cũng hoạt động để biểu thị màu đỏ, nhưng màu đỏ lúc này lại là của chiếc khăn quàng chứ không còn là của chiếc áo choàng nữa.

Trong ngôn ngữ nói và viết cũng vậy, khi ta nói các câu "Tôi đang đi", "Tôi sẽ đi", " anh ta đang đi" hoặc viết các chữ có sử dụng hệ thống chữ cái hoặc các bộ chữ thì trong các câu nói trên, tiếng "đi" được ghi nhớ chung cho các câu nói khác nhau, thể hiện những ý nghĩa khác nhau nhưng có một số chi tiết giống nhau. Các chi tiết giống nhau có thể được sử dụng chung.

Sự ghi nhớ tiêu điểm cũng mang nhiều ý nghĩa lớn sau:

  • *Tiết kiệm bộ nhớ. Việc sử dụng chung các chi tiết giống nhau khi biểu thị các ý nghĩa khác nhau làm cho hệ thần kinh không phải nhớ toàn bộ các chi tiết của một sự vật hay sự việc mới, mà chỉ cần ghi nhớ những chi tiết mới chưa có trong bộ nhớ, còn những chi tiết giống hoặc đã có sẵn trong hệ thần kinh thì có thể được hệ thần kinh mang ra sử dụng để ghi nhớ sự vật hay sự việc mới này. Trong nhà đã có một chiếc thùng đựng nước màu xanh nhỏ và một người mới mang đến một chiếc thùng đựng nước to màu trắng, chi tiết đã được nhớ trong hệ thần kinh là "Chiếc thùng đựng nước, còn chi tiết mới đó là "to" và "màu trắng", hệ thần kinh chỉ cần ghi thêm hai chi tiết mới này mà vẫn thể hiện được ý nghĩa "Chiếc thùng đựng nước to màu trắng" hoặc " chiếc thùng đựng nước nhỏ màu xanh" khi muốn nói về chiếc thùng nào.

Hệ thần kinh thực hiện được việc dùng một hoặc một số ít tế bào để ghi nhớ một chi tiết giống hoặc gần giống nhau của các sự vật, sự việc khác nhau là nhờ các tế bào thần kinh được kích hoạt không phải chỉ với một tần số kích thích duy nhất mà với một phổ tần số nhất định nào đó, điều này đã được nêu trong phần "Hoạt động của tế bào thần kinh". Nếu phổ tiếp nhận kích thích càng rộng thì khả năng ghi nhớ nhiều sự vật, sự việc khác nhau càng tăng, trong khi số lượng tế bào thần kinh không tăng.

    • Chuyển đổi một cách nhanh chóng sự thể hiện ghi nhớ về một sự vật, hoặc sự việc này sang sự vật hoặc sự việc khác có một hoặc một số chi tiết trong các sự vật, sự việc đó giống nhau.

Khi các sự vật hoặc sự việc có một chi tiết giống nhau và được ghi nhớ bởi một hoặc một số tế bào thần kinh, thì các tế bào này trở thành một nút giao thông để có thể đi về rất nhiều hướng, mà mỗi hướng là sự thể hiện các chi tiết tiếp theo của sự vật hoặc sự việc. Đây là cơ sở của việc xác lập nhiều giải pháp khác nhau, nhiều cách giải quyết khác nhau cho một vấn đề, hay nói cách khác, bằng phương pháp ghi nhớ tiêu điểm, hệ thần kinh đã nhận được sự thông minh. Sự ghi nhớ của hệ thần kinh khi được thể hiện lại qua ghi nhớ tiêu điểm có thể theo một lôgích được đưa vào từ trước, nhưng cũng có thể theo một lôgích mới mà hệ thần kinh tự tạo nên hoặc chọn lựa, và đó là tư duy, là trí tuệ.

    • Giúp cho hệ thần kinh nhận dạng được các sự vật, sự việc được biểu hiện ở nhiều dạng khác nhau, mà rõ nhất là ở sự nhận dạng âm thanh, tiếng nói, sau đó là hình khối. Cùng một câu nói, cùng một ý nghĩa, nhưng do nhiều người nói với giọng khác nhau, ngữ điệu khác nhau, nhưng hệ thần kinh vẫn có thể nhận ra được. Nếu phổ tiếp nhận tần số càng rộng thì hệ thần kinh càng tiếp nhận được nhiều giọng nói khác nhau, ngưỡng thế năng càng thấp thì hệ thần kinh càng dễ nhận ra âm sắc của giọng nói. Người ta nhận ra tác dụng chứa nước của một vật bất kỳ, miễn là nó thoả mãn hai điều kiện: Nó không để nước thấm qua nó, có đáy và thành xung quanh đáy gắn liền với nhau, do đó nó có thể là ca, là cốc, là thùng, là chum, vại v.v...Khi cần đựng nước, người ta có thể vận dụng được rất nhiều thứ cho việc chứa nước và tạo ra được thứ để đựng nước từ nhiều loại vật liệu khác nhau như đất nung, sắt thép, thuỷ tinh, nhựa, gỗ,v.v... Chữ viết của người này không giống chữ viết của người khác, chữ có thể cao gầy, to nhỏ, có thể in hoa hoặc in thường, được viết đơn giản hay cầu kỳ, hệ thần kinh vẫn có thể nhận ra được ngay cả trong trường hợp nó chưa ghi nhớ hoặc chưa biết gì về các chữ đó. Ở đây hệ thần kinh đã sử dụng sự ghi nhớ tiêu điểm để chọn lọc, để ghi nhớ những đặc điểm chính biểu hiện ý nghĩa của chữ. Cho nên đã dễ dàng nhận dạng được chữ. Ý nghĩa nhận thức định tính ở đây có giá trị hơn ý nghĩa nhận thức định lượng, nếu lượng hoá một cách cao độ để ghi nhớ chữ, như quy định phải biểu thị chữ về kích thước chữ, độ rộng của nét, hình dáng, màu sắc của chữ thì một điều chắc chắn là số kiểu chữ được nhận dạng sẽ giảm xuống rất nhiều.

Tái ghi nhớ[sửa]

Đây là hoạt động ghi nhớ của hệ thần kinh để ghi lại những biểu hiện hoạt động của các tế bào thần kinh, ghi lại những tác động, những kích thích thần kinh do các tế bào thần kinh tạo nên. Hoạt động này có ý nghĩa và thể hiện ở các điểm sau:

  • Tái ghi nhớ hay ghi nhớ lại tác động của môi trường bằng việc dịch chuyển hoặc thêm phần tử nhớ mới.

Khi một tế bào thần kinh đã chuyển hoá để ghi nhớ về một chi tiết nào đó, được kích hoạt, nó sẽ hoạt động và phát ra một kích thích thần kinh (kích thích thứ cấp) để biểu thị chi tiết đó, thì đối với một số tế bào thần kinh khác mà có khả năng ghi nhớ và phát ra kích thích cùng loại với tế bào đã chuyển hoá nói trên, kích thích đó là cơ hội ngoài của chuyển hoá, và nếu cơ hội chuyển hoá trong cũng xảy ra đồng thời thì nó sẽ chuyển hoá để ghi lại chi tiết đó một cách nguyên vẹn. Đây là hình thức chuyển vị trí nhớ đặc biệt do hệ thần kinh tự thực hiện và nó có những ý nghĩa sau:

  • Tăng độ rõ nét của sự ghi nhớ. Với việc tăng số lượng tế bào thần kinh ghi nhớ một chi tiết nguyên dạng bằng phương pháp trên (phương pháp cấp số nhân) thì khi kích hoạt ghi nhớ, số lượng tế bào tham gia vào việc thể hiện sự ghi nhớ sẽ tăng cao, làm cho cường độ thể hiện (kích thích thứ cấp) tăng mạnh và sự ghi nhớ được thể hiện một cách rõ ràng hơn ban đầu (lúc mới hình thành sự ghi nhớ chi tiết đó).
  • Bảo tồn nhớ và kéo dài sự ghi nhớ.

Do đặc điểm tế bào thần kinh có thể tái chuyển hoá nhiều lần nên có thể xảy ra tình trạng một tế bào thần kinh đã tái chuyển hoá để ghi nhớ một chi tiết, lại tiếp tục chuyển hoá lần nữa để thực hiện ghi nhớ một chi tiết khác của một sự vật khác, cho nên không thể thể hiện chi tiết mà nó đã nhớ trước đó (đây là một hình thức quên). Nhờ phương pháp chuyển vị trí nhớ, mà sự ghi nhớ chi tiết ban đầu trong hệ thần kinh được bảo tồn (trong một thời kỳ nào đó tuỳ thuộc vào sự tái chuyển hoá của tế bào thần kinh). Nếu thực hiện việc chuyển dịch vị trí nhớ nhiều lần trước khi tế bào nhớ bị tái chuyển hoá lần nữa thì có thể duy trì sự ghi nhớ trong một quãng thời gian dài. Đây là một hình thức "Văn ôn, võ luyện" để duy trì sự ghi nhớ.

Tái ghi nhớ đổi dạng[sửa]

Tái ghi nhớ đổi dạng là sự ghi nhớ lại một chi tiết, một sự vật hay một sự việc nhưng biểu hiện ở hình thức khác. Tái ghi nhớ đổi dạng chỉ thực hiện được ở các hệ thần kinh sử dụng hệ thống tiếng nói để ghi nhớ và biểu hiện sự ghi nhớ, và các chi tiết, các sự vật, sự việc, được mô tả không chỉ bằng hệ thống tiếng động, hình ảnh, màu sắc, mùi vị v.v..., mà còn được mô tả bằng tiếng nói và các dạng ghi nhớ khác,ở đây là ghi nhớ về các tiếng nói để mô tả sự vật, sự việc hoặc ghi nhớ chính những sự tác động của sự vật, sự việc đó lên hệ thần kinh thông qua các bộ phận cảm giác của hệ thần kinh. Sự ghi nhớ đổi dạng là sự ghi nhớ thay đổi từ dạng tiếng nói sang dạng hình ảnh cụ thể trong hệ thần kinh hoặc ngược lại.

Một người lần đầu tiên nhìn thấy một chiếc ô tô, trong hệ thống từ vựng của người đó chưa có các từ nói về ô tô thì người đó không thể mô tả được chiếc ô tô đó bằng tiếng nói, nhưng nếu người đó có khả năng vẽ thì anh ta có thể vẽ ra được hình chiếc ô tô, thậm chí cả màu sắc hoặc một số chi tiết. Ở đây, trong hệ thống ghi nhớ của anh ta chỉ mới ghi được dạng hình ảnh của chiếc ô tô, và mô tả lại được cũng chỉ bằng hình ảnh. Nhưng nếu anh ta đã có một trình độ hiểu biết nhất định về ô tô thì anh ta không chỉ nhớ được hình ảnh của chiếc ô tô đó, mà còn mô tả được nó bằng hệ thống tiếng nói, và lúc này, người nghe, tuỳ vào trình độ, năng lực của hệ thần kinh người nghe, mà chiếc ô tô được hình dung dưới dạng nào đó. Với người đã nhìn thấy ô tô thì trong hệ thống ghi nhớ của hệ thần kinh, chiếc ô tô đã được ghi nhớ ở cả hai dạng tiếng nói và hình ảnh. Nhưng với người nghe chiếc ô tô đó chỉ được ghi nhớ dưới dạng tiếng nói bởi sự mô tả của người đã nhìn thấy ô tô, sau đó bằng sự tưởng tượng trên cơ sở những lời nói mô tả đó, anh ta hình dung ra hình dạng, màu sắc, các chi tiết, loại vật liệu làm nên chiếc ô tô đó và ghi lại hình ảnh đó vào bộ nhớ của mình. Như vậy, sự ghi nhớ đã được chuyển dạng từ tiếng nói sang hình ảnh.

Sự chuyển dạng ghi nhớ theo chiều ngược lại, từ hình ảnh sang tiếng nói cũng được thực hiện trong hệ thần kinh đã có khả năng ghi nhớ bằng tiếng nói. Một người khi nhìn thấy một vật thì có thể xẩy ra sự ghi nhớ bằng hình ảnh. Sau đó, người này mới hình dung lại (thể hiện sự ghi nhớ bằng hình ảnh) và thực hiện mô tả bằng tiếng nói và ghi lại thì sự ghi nhớ đã chuyển từ dạng hình ảnh sang dạng tiếng nói.

Tái ghi nhớ đổi dạng, ngoài việc mang các ý nghĩa của chuyển vị trí nhớ, nó còn tạo cho hệ thần kinh một khả năng mới, đó là sự tưởng tượng. Nếu suy nghĩ là hoạt động tư duy ở khu vực tiếng nói, âm thanh thì sự tưởng tượng là hoạt động của tư duy ở khu vực hình ảnh, cảm giác. Nhờ sự đổi dạng mà suy nghĩ có thể chuyển thành tưởng tượng và ngược lại, từ tưởng tượng có thể chuyển thành suy nghĩ. Sự kết hợp của hai yếu tố này một cách nhịp nhàng, nhuần nhuyễn, kịp thời sẽ thúc đẩy một cách mạnh mẽ hoạt động tư duy. Tưởng tượng tốt sẽ giúp cho suy nghĩ chắc chắn và chính xác. Suy nghĩ tốt sẽ làm cho việc tưởng tượng phong phú. Suy nghĩ tốt sẽ làm giàu cho đời sống vật chất. Tưởng tượng tốt làm giàu có cho đời sống tinh thần. Nếu chỉ có suy nghĩ mà không có tưởng tượng, hoạt động tư duy sẽ trở thành khô khan, nhưng nếu chỉ có tưởng tượng mà không suy nghĩ thì hoạt động tư duy trở nên hão huyền.

Sự khác nhau về khả năng ghi nhớ giữa các cá thể động vật[sửa]

Điều này bắt nguồn từ việc mỗi hệ thần kinh được hình thành trong những hoàn cảnh khác nhau, những thời điểm khác nhau, do đó mỗi hệ thần kinh, kể cả các cá thể cùng loài, có một khả năng ghi nhớ nhất định biểu hiện ở những điểm sau:

  • Dễ nhớ và nhớ nhanh. Đây là biểu hiện của đặc tính dễ chuyển hoá của các tế bào thần kinh. Cá thể nào có đặc tính dễ biến đổi cao thì dễ ghi nhớ, cá thể nào mang đặc tính dễ biến đổi thấp thì khó ghi nhớ hơn. Nếu trong hệ thần kinh không có tế bào có khả năng tái chuyển hoá thì sự ghi nhớ mới không thể thực hiện được, mọi hoạt động của cơ thể được thực hiện bởi sự điều khiển của các tế bào thần kinh ghi nhớ bản năng.
  • Phổ tác động của kích thích thần kinh lên các tế bào ghi nhớ phù hợp với phổ tiếp nhận kích thích của tế bào sẽ làm cho tế bào dễ ghi nhớ hơn.

Số lượng các tác động từ các môi trường lên hệ thần kinh là rất nhiều, các tế bào thần kinh chịu trách nhiệm ghi nhớ những sự tác động đó có thể nhận trực tiếp. hoặc nhận gián tiếp thông qua các cơ quan cảm giác, các tế bào thần kinh cảm giác và truyền dẫn thần kinh. Do số lượng tế bào là có hạn và để đảm bảo sự sống của tế bào thần kinh, mà cơ thể đã tạo cho tế bào thần kinh một hàng rào bảo vệ để chống lại vô số tác động của môi trường, chỉ để lại một ô cửa cho một số tác động của môi trường có thể đi qua, tạo nên phổ tiếp nhận kích thích thần kinh, điều này đã được trình bày trong phần "Hoạt động của tế bào thần kinh". Riêng đối với các tế bào ghi nhớ, thì các tác động của môi trường không chỉ kích hoạt hoạt động chức năng thần kinh của các tế bào này, mà trước đó có thể nó đã làm chuyển hoá tế bào để ghi nhớ sự tác động của nó (cũng có thể có một tác động khác làm chuyển hoá tế bào nhưng nó vẫn kích hoạt được tế bào này) tuỳ theo vị trí của ô cửa, độ mở của cánh cửa mà phổ tiếp nhận kích thích rộng hay hẹp, tế bào tiếp nhận được nhiều hay ít các tác động của môi trường hay các kích thích thần kinh, loại kích thích thần kinh. Điều này đã dẫn đến hiện tượng mỗi người, mỗi cá thể có khả năng ghi nhớ về một lĩnh vực nào đó dễ dàng hơn so với các lĩnh vực khác. Có người nhớ được sự rắc rối của các công thức toán học rất nhanh, nhưng lại rất vất vả khi học thuộc lòng một bài thơ. Có người chỉ nhìn thoáng một bức tranh đã cảm nhận được rất nhiều sắc màu của nó. Với các nhạc sĩ thì việc ghi lại một bản nhạc thì lại là một điều dễ ràng...

Việc dễ ghi nhớ về một lĩnh vực nào đó (hay một phổ kích thích nào đó) tạo nên thiên hướng của hoạt động thần kinh. Thiên hướng bộc lộ rõ tạo nên năng khiếu bẩm sinh. Nói cách khác sự ghi nhớ cũng như thiên hướng hoạt động của hệ thần kinh đã có phần nào đó được xác định từ khi cơ thể đang ở trong giai đoạn hình thành.

Không chỉ khác nhau về khả năng ghi nhớ giữa các hệ thần kinh khác nhau, mà ngay trong cùng một hệ thần kinh, giữa các nhóm tế bào khác nhau cũng có những mức độ ghi nhớ và phổ kích thích (phổ ghi nhớ hay lĩnh vực ghi nhớ) khác nhau. Nếu phần lớn các tế bào ghi nhớ chỉ tập trung ghi nhớ về một lĩnh vực nào đó thì hoạt động thần kinh sẽ đơn điệu, có khi là máy móc giáo điều. Nếu hệ thần kinh có nhiều nhóm khác nhau và các nhóm ghi nhớ được nhiều lĩnh vực khác nhau thì hoạt động thần kinh sẽ phong phú hơn, và nhờ sự tác động qua lại giữa các nhóm mà nảy sinh hoạt động sáng tạo bởi nó chống được sự đơn điệu, giáo điều.

  • Mức độ ghi nhớ khác nhau về từng lính vực.

Sự khác nhau về khả năng ghi nhớ còn thể hiện về mức độ ghi nhớ về từng lĩnh vực của các hệ thần kinh khác nhau, điều này xảy ra bởi những nguyên nhân sau:

    • Khác nhau về mức độ khó hay dễ chuyển hoá.
    • Khác nhau về sự tác động của môi trường hay sự kết hợp của các cơ hội chuyển hoá trong và chuyển hoá ngoài.

Mức độ dễ hay khó chuyển hoá của các tế bào thần kinh nói riêng và của các tế bào sinh vật nói chung là một đặc tính sinh học của sự sống. Mỗi loài sinh vật, mỗi cá thể sinh vật đều có một mức độ dễ hay khó chuyển hoá nhất định. Và điều này, như các phần trước đã nêu, có ảnh hưởng lớn đến sự tiến hoá, sự thích nghi, tồn tại và diệt vong của từng loài, từng cá thể. Vấn đề này sẽ được bàn đến trong một phần riêng sau này.

Một số phương pháp tác động để ghi nhớ về một chi tiết, một sự vật hay một sự việc[sửa]

Đây là hệ quả trực tiếp từ các đặc điểm 1, 2, 3 của sự ghi nhớ mới được nêu ở trên. Mắt ta chưa từng được nhìn thấy một vật nào đó, nhưng thông qua sự mô tả của người khác bằng lời nói hay bằng những câu viết với một mức độ cần thiết đủ cho ta hình dung ra nó thì sự hình dung này sẽ được ghi lại trong khu vực hình ảnh, để rồi sau đó ta nhận đúng được vật mà ta đã được nhận sự mô tả khi nhìn thấy nó. Con cá được ăn cùng lúc với việc nghe tiếng động ở thành bể thì sau đó chỉ cần nghe tiếng động ở thành bể nó sẽ nhớ đến việc được ăn.Lợi dụng điều này ta có thể làm tăng khả năng ghi nhớ bằng cách tác động cùng một lúc lên nhiều bộ phận cảm nhận của hệ thần kinh. Khi học thuộc bài để nhanh ghi nhớ, không chỉ nhìn bằng mắt vào chữ viết, mà kết hợp với việc đọc bài thành tiếng, tay viết chữ theo âm thanh phát ra khi đọc, kết quả ghi nhớ sẽ được thực hiện nhanh hơn là chỉ nhẩm bài học trong đầu. Thực tế ở đây là ta lợi dụng đặc điểm ghi nhớ ở nhiều vị trí trong hệ thần kinh khi ghi nhớ một chi tiết và khả năng đổi dạng ghi nhớ.Nếu sự ghi nhớ tiêu điểm đã có trong hệ thần kinh thì sự ghi nhớ này cũng có thể được sử dụng trong trường hợp này.

Sự ghi nhớ chậm[sửa]

Đây là sự ảnh hưởng do chuyển đổi từ tác động của các yếu tố vật lý sang tác động của các yếu tố hoá học. Dưới tác động của các yếu tố vật lý (xung điện sinh học hay sóng điện từ sinh học), các yếu tố hoá học (các prôtêin trong tế bào thần kinh) sẽ sắp xếp, liên kết với nhau theo một trật tự nào đó. Nhưng không phải lúc nào các yếu tố hoá học cũng có sẵn hoặc phù hợp với yêu cầu (thiếu cơ hội trong). Mặt khác các phản ứng, các tác động hoá học thường có tốc độ thấp hơn các yếu tố vật lý, cho nên sự ghi nhớ của hệ thần kinh không nhanh bằng các hình thức ghi nhớ vật lý hay sử dụng các yếu tố vật lý để ghi nhớ.

Sự ghi nhớ kém bền vững[sửa]

Nguyên nhân chính của vấn đề này là tế bào thần kinh là một thực thể sống, nó chỉ giữ được sự ghi nhớ khi nó còn sống và không bị tái chuyển hoá để ghi nhớ về vấn đề khác. Do sống trong sự liên kết với các tế bào khác cho nên nó luôn phải thực hiện sự liên hệ với các tế bào khác, và tiếp xúc liên tục với môi trường cơ thể cũng như một số tác động khác, cho nên khả năng tái chuyển hoá hay thay đổi sự ghi nhớ là cao. Nói một cách khác các phần tử ghi nhớ của hệ thần kinh là không thể đưa vào bảo quản, cất giữ được, sự bền vững cho ghi nhớ chỉ còn trông chờ vào khả năng tự thân của tế bào thần kinh và các hình thức chuyển đổi ghi nhớ của hệ thần kinh.

Sự ghi nhớ liên kết và ghi nhớ không liên kết[sửa]

Sự ghi nhớ liên kết giúp cho hệ thần kinh có thể tái hiện được những sự kiện, những vấn đề những chi tiết hoặc những hình ảnh có liên quan đến nhau hoặc không có sự liên quan nhưng được đưa vào hệ thần kinh theo một trình tự thời gian. Các thông tin từ bên ngoài được hệ thần kinh tiếp nhận bằng hệ thống cảm giác theo trật tự thời gian hoặc không theo trật tự thời gian nhưng có những mối quan hệ nào đó sẽ liên kết với nhau thành chuỗi thông tin. Khi có một kích thích tác động lên một thành phần trong chuỗi thông tin thì một phần hoặc toàn bộ chuỗi thông tin đó được kích hoạt để thể hiện sự ghi nhớ. Ưu điểm của hình thức ghi nhớ này là nó giúp cho hệ thần kinh dễ tái hiện được những cái mà nó đã nhớ, những vấn đề có liên quan đến nhau, những chủ đề thường được tái hiện nhanh. Những điều này tạo được sự tự tin cho hệ thần kinh. Nhưng nhược điểm của nó là dễ tạo nên sự giáo điều, bảo thủ, nhiều khi rườm rà vì những vấn đề không hoặc ít liên quan cũng xen vào chủ đề chính làm mất sự tập trung, khả năng sáng tạo thấp.

Sự ghi nhớ không liên kết là việc hệ thần kinh không tạo ra các mối liên hệ hoặc chỉ tạo ra các mối liên hệ mang tính tạm thời giữa các vấn đề, các chi tiết, các hình ảnh mặc dù chúng có liên quan đến nhau hoặc được hệ thần kinh tiếp nhận theo trật tự thời gian, sự liên kết yếu nhiều lúc cũng có biểu hiện này. Do các thông tin đó không được liên kết thành chuỗi cho nên việc thể hiện những cái có liên quan đến nhau là khó khăn, chúng không được hệ thần kinh tái hiện đầy đủ trong một lần nhớ lại, nhiều vấn đề, nhiều chi tiết không được thể hiện khi có kích thích không phải vì hệ thần kinh không nhớ mà có thể do các tế bào thần kinh ghi nhớ đã chuyển đổi phổ tiếp nhận kích thích thần kinh hoặc tái chuyển hoá,v.v...Do việc thể hiện sự ghi nhớ không được đầy đủ vào lúc cần thiết nên hệ thần kinh dễ gặp lúng túng trong việc sử lí thông tin, do đó nó dễ mất đi sự tự tin. Nhưng ưu điểm của nó là làm cho hệ thần kinh có khả năng sáng tạo. Tính sáng tạo được thể hiện khi hệ thần kinh xoá bỏ những mối liên hệ cũ của sự ghi nhớ và tạo lập những mối liên hệ mới hợp lí hơn, cô đọng và xúc tích hơn.

Sự lãng quên[sửa]

Sự lãng quên là sự mất đi sự ghi nhớ về một chi tiết ,một sự việc hoặc sự vật nào đó của hệ thần kinh. Sự lãng quên có một số biểu hiện sau:

Sự lãng quên do chưa kịp ghi nhớ[sửa]

Ta đã biết rằng phần lớn các tác động lên các tế bào ghi nhớ của hệ thần kinh đều là gián tiếp thông qua các bộ phận cảm giác và truyền dẫn kích thích thần kinh. Khi các tế bào truyền dẫn cuối cùng được kích hoạt để truyền kích thích cho các tế bào ghi nhớ thì sự hoạt động của nó sẽ thể hiện giống như các tế bào ghi nhớ, điều này xảy ra tương tự như sự lưu hình của các tế bào thị giác trong võng mạc mắt. Có thể nói nhờ các tế bào này mà hệ thần kinh thực hiện được sự ghi nhớ tạm thời (hay giữ lại cơ hội chuyển hoá ngoài) để chờ sự ghi lại của các tế bào ghi nhớ (chờ cơ hội chuyển hoá trong). Nhưng vì là bộ phận truyền dẫn nên các tế bào này lại tiếp tục phải nhận các kích thích mới từ các tế bào thần kinh cảm giác. Cho nên chúng không được phép lưu lại quá lâu những gì chúng ghi nhớ. Sự ghi nhớ tạm thời kết thúc khi có nhu cầu ghi nhớ mới. Trong thời kì ghi nhớ tạm, các tế bào này có thể được kích hoạt để thể hiện sự ghi nhớ (nếu kích thích cùng dạng với kích thích hay tác động ban đầu) và nếu lúc đó các tế bào ghi nhớ chuyển hoá kịp, thì sự ghi nhớ chính thức được thực hiện. Hết thời hạn ghi nhớ tạm thời mà không có tế bào ghi nhớ nào thực hiện được việc ghi nhớ thì hệ thần kinh có sự lãng quên do chưa hoặc không kịp ghi nhớ.

Các tế bào thần kinh truyền dẫn kích thích làm nhiệm vụ ghi nhớ tạm thời cũng chịu ảnh hưởng của đặc tính dễ hay khó chuyển hoá mà thực hiện việc ghi nhớ tạm thời cũng phải có sự tác động của yêú tố cần ghi nhớ lặp đi lặp lại một số lần mới thực hiện được, nhưng sự ghi nhớ tạm thời này lại lưu lại được trong một quãng thời gian đáng kể. Trong thực tế, các tế bào này làm nhiệm vụ ghi nhớ mới trong các hệ thần kinh bậc thấp, chưa có tế bào làm nhiệm vụ ghi nhớ mới chính thức, và trong quá trình tiến hoá, các tế bào này là khởi thuỷ của các tế bào ghi nhớ của hệ thần kinh và chuyển dần sang từ các tế bào màu trắng- là các tế bào không hoặc khó tái chuyển hoá sang các tế bào thần kinh màu xám dễ chuyển hoá hơn. Còn trong các hệ thần kinh bậc cao có các tế bào thần kinh dễ chuyển hoá, sự ghi nhớ tạm thời diễn ra nhanh, nhiều khi tạo nên cảm giác là sự ghi nhớ đã được ghi lại tức thời vì có thể tái hiện ngay chi tiết hay sự vật, sự việc sau khi kết thúc sự tác động của chi tiết hay sự vật, sự việc đó để ghi nhớ, mà thực tế chỉ là sự hoạt động dạng lưu hình của các tế bào thần kinh ghi nhớ tạm. Vì vậy để có sự ghi nhớ chính thức một cách chắc chắn phải kích hoạt sự ghi nhớ tạm thời nhiều lần để chuyển từ hình thức ghi nhớ tạm sang hình thức ghi nhớ chính thức.

Sự lãng quên do cường độ thể hiện sự ghi nhớ quá yếu[sửa]

Trong trường hợp này, sự ghi nhớ chính thức đã được thực hiện, nhưng khi kích hoạt để thực hiện sự ghi nhớ thì do mức trưởng thành của tế bào thần kinh còn thấp, hoặc do số lượng tế bào tham gia vào việc ghi nhớ chi tiết hoặc sự vật, sự việc đó là quá ít, cho nên cường độ phát kích thích thứ cấp yếu, sự ghi nhớ không thể hiện ra được, hoặc hiện ra một cách mờ nhạt, không đầy đủ. Đặc điểm này thường có khi hệ thần kinh còn non yếu hoặc do nguyên nhân nào đó mà tốc độ trưởng thành của các tế bào thần kinh còn thấp. Sau một quãng thời gian nào đó, các tế bào thần kinh đạt một mức trưởng thành, cường độ hoạt động chức năng mạnh lên thì sự ghi nhớ đó được thể hiện một cách rõ ràng hơn. Khi ta ở vào lứa tuổi trung niên, ta sẽ cảm thấy những ký ức hoặc những sự kiện xảy ra khi ta đang ở trong trưởng thành được tái hiện rõ ràng, mạch lạc, điều mà trước đó, dù cố gắng hồi tưởng lại, ta cũng thấy khó khăn, có những việc tưởng chừng ta không nhớ, hoặc đã quên cũng có khả năng được tái hiện, điều này cũng có ý nghĩa là hệ thần kinh của ta thực tế đã ghi nhớ được nhiều điều hơn ta tưởng, vấn đề là ở chỗ làm kích hoạt được sự ghi nhớ đó. Điều này thường gọi là tiềm thức của hệ thần kinh.

Sự lãng quên do tái chuyển hoá[sửa]

Đây thực sự là việc xoá bỏ những gì mà hệ thần kinh đã ghi nhớ, nhưng cũng là một hoạt động bình thường của hệ thần kinh. Các tế bào thần kinh đã được tái chuyển hoá để ghi nhớ về một vấn đề gì đó, do ít hoặc không được kích hoạt để thể hiện sự ghi nhớ, hay chúng không phải thực hiện hoạt động chức năng thần kinh, do đó chúng có cơ hội để thực hiện hoạt động sinh trưởng mạnh. Mặt khác do không hoạt động thể hiện sự ghi nhớ, cho nên chúng không chuyển dịch sự ghi nhớ cho tế bào thần kinh khác được. Cho nên khi chúng đạt tới một bậc chuyển hoá và có cơ hội chuyển hoá ngoài, chúng tiếp tục thực hiện tái chuyển hoá, từ bỏ sự ghi nhớ trước hay chức năng thần kinh trước để nhận việc ghi nhớ mới, và khi chúng hoạt động với sự ghi nhớ mới này, có nghĩa là chúng thực hiện một chức năng thần kinh mới.

Trong trường hợp này, muốn ghi lại điều ghi nhớ trước đó, chỉ có cách duy nhất là cho điều cần ghi nhớ tác động trở lại hệ thần kinh, hay nói cách khác là thực hiện việc học lại điều cần ghi nhớ đó và để cho một tế bào thần kinh khác thực hiện việc ghi nhớ thay cho tế bào đã từng đảm nhận ghi nhớ này.

Lãng quên do các tế bào ghi nhớ không hoạt động[sửa]

Đây là sự lãng quên xảy ra sau khi các tế bào thần kinh chịu một sự tác động lớn, cường độ thần kinh kích thích quá mạnh vượt quá ngưỡng tiếp nhận kích thích, trong trường hợp này, để tự bảo vệ, các tế bào thần kinh thu hẹp phổ tiếp nhận kích thích thần kinh. Do đó, sau khi chấm dứt sự tác động của kích thích với cường độ cao, tế bào thần kinh không kích hoạt được với những kích thích thần kinh bình thường, không thực hiện được việc thể hiện sự ghi nhớ. Dạng phản xạ tự bảo vệ này giống như hình thức kết bào xác của một số vi khuẩn khi gặp điều kiện sống khó khăn, có nghĩa là các tế bào thần kinh kinh vẫn sống, vẫn giữ được những gì đã ghi nhớ, do đó chúng có khả năng phục hồi lại được hoạt động chức năng thần kinh. Dạng lãng quên này được gọi là sự lãng quên có phục hồi.

Quên do các tế bào thần kinh ghi nhớ bị chết[sửa]

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cái chết của tế bào thần kinh như bệnh lý, các tế bào thần kinh bị vi rút phá hoại, thiếu dưỡng khí hoặc các chất dinh dưỡng, bị nhiễm độc do độc tố hoặc chấn thương cục bộ v.v...Sự ghi nhớ trong trường hợp này không phục hồi lại được, nhiều khi còn xảy ra các trường hợp nhớ lẫn lộn, chi tiết của sự vật này lại được gắn vào sự vật khác, tính lô gích đã được thiết lập trong quá trình ghi nhớ bị phá vỡ, cho nên việc kích thích hoạt để thể hiện sự ghi nhớ đầy đủ về một sự vật hoặc một sự việc là khó khăn hoặc không thể thực hiện được.

Quên do các tế bào thần kinh đang ở trong trạng thái ức chế[sửa]

Khi tế bào thần kinh đang ở trong trạng thái ức chế (sẽ được nói rõ hơn ở phần sau) thì mặc dù các kích thích sơ cấp nằm trong phạm vi tiếp nhận kích thích của tế bào thần kinh đó tác động lên chúng thì chúng cũng không thực hiện hoạt động chức năng thần kinh. Sự ghi nhớ không thể hiện được với sự lãng quên này, nhưng không có điều gì đáng ngại vì sau đó các tế bào thần kinh vẫn thể hiện lại được sự ghi nhớ. Nhưng trong nhiều trường hợp nhất thời lãng quên này mà ta có thể bị làm vào hoàn cảnh khó xử hoặc bỏ lỡ một cơ hội tốt. Sự ghi nhớ có thể tái hiện được ngay sau khi giải thoát các tế bào ghi nhớ khỏi trạng thái ức chế.

Quên do chưa tạo ra hoặc đứt liên kết ghi nhớ[sửa]

Các tế bào dưới sự tác động của các đối tượng ghi nhớ đã chuyển hoá để ghi nhớ, nhưng giữa chúng chưa thiết lạp được liên kết hoặc liên kết bị đứt do một nguyên nhân nào đó thì khi tế bào trước hoạt động, chúng không kích thích các tế bào ghi nhớ tiếp theo. Đối tượng được ghi nhớ sẽ không thể hiện đầy đủ như khi nó tác động lên hệ thần kinh. Sự ghi nhớ được thể hiện rời rạc, không rõ ràng hoặc khó khăn.

Quên và hiện tượng nhớ lại của tuổi già[sửa]

Chứng quên của tuổi già rất đa dạng và do nhiều nguyên nhân. Nhưng có thể kể đến các hình thái sau:

  • Quên do không thể ghi nhớ được.

Trường hợp này gần giống với trường hợp quên thứ nhất tức là không ghi nhớ được, nhưng có khác ở chỗ trong hệ thần kinh không còn tế bào thần kinh thực hiện sự ghi nhớ chính thức mà chỉ còn có các tế bào thực hiện sự ghi nhớ tạm thời, điều này có nghĩa là hệ thần kinh đã sử dụng hết các phần tử nhớ của mình và các phần tử này không còn khả năng tái chuyển hoá để thực hiện sự ghi nhớ mới. Do đa số các trường hợp đều xảy ra khi người hoặc động vật đã có thời gian sống lâu, cho nên có thể gọi chứng quên này là của tuổi già, nhưng cũng không loại trừ các trường hợp ít tuổi nhưng đã sử dụng hết bộ nhớ của hệ thần kinh và mức độ dễ tái chuyển hoá thấp. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định số lượng những vấn đề cần ghi nhớ cho một hệ thần kinh, tránh được việc sử dụng bộ nhớ vào những vấn đề không cần thiết, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả bộ nhớ sẽ giúp cho việc nâng cao năng lực hoạt động tư duy. Nếu không làm được điều này ngay từ khi con người còn ít tuổi thì sẽ có thể dẫn đến sự lãng phí lớn cho một số hệ thần kinh có mức trưởng thành cao từ sớm, có năng lực tư duy bộc lộ ra ngay từ khi còn ít tuổi, nhưng do mức trưởng thành cao, các tế bào thần kinh trở nên khó tái chuyển hoá mà các hệ thần kinh này dần dần mất đi năng lực sáng tạo, trở nên giáo điều và bảo thủ bởi không còn khả năng tiếp thu những điều mới mẻ. Nói cách khác, tận dụng hết công suất nhớ của hệ thần kinh quá sớm cũng không phải là một điều hoàn toàn hay.

  • Quên do các tế bào ghi nhớ không còn khả năng thực hiện hoạt động chức năng thần kinh.

Khi tuổi cao, các cơ quan chức năng khác làm các nhiệm vụ cung cấp dinh dưỡng. điều hoà môi trường trong cơ thể không còn hoàn thành được nhiệm vụ của mình, các tế bào thần kinh không còn nhận được đủ dinh dưỡng cho hoạt động chức năng thần kinh thì mặc dù chúng vẫn chịu sự tác động để thể hiện sự ghi nhớ nhưng không thực hiện được do không có năng lượng được giải phóng từ hoạt động phân giải từ dinh dưỡng và ô xi. Sự lãng quên này nhiều khi có biểu hiện giống với trường hợp lãnh quên thứ 5.

  • Sự nhớ lại của tuổi già.

Đây là biểu hiện của sự thoái triển của hệ thần kinh xảy ra trong trường hợp chức năng dinh dưỡng của cơ thể giảm sút mạnh, nhưng hô hấp và tuần hoàn vẫn duy trì tốt hoặc ở mức cao làm cho các tế bào thần kinh không nhận được các chất dinh dưỡng, nhưng lại nhận được đủ ô xi cho hoạt động chức năng thần kinh. Vì vậy, khi có kích thích để kích hoạt hoạt động chức năng thần kinh, các tế bào thần kinh sử dụng luôn các bào quan (là các bộ phận thực hiện các hoạt động chức năng thần kinh) của mình làm nguồn năng lượng cho kích thích thần kinh thứ cấp. Nếu các tế bào thần kinh này thực hiện tái chuyển hoá nhiều lần để ghi nhớ nhiều sự việc, sự vật khác nhau thì các bộ phận các bào quan được biến đổi phục vụ cho việc ghi nhớ, khi bị sử dụng vào việc phân giải để có năng lượng cho kích thích thứ cấp (thể hiện sự ghi nhớ) chúng sẽ bị phân giải lần lượt từ những bộ phận ghi nhớ mới nhất, khi các bộ phận này bị phân giải hết thì các bộ phận được chuyển hoá trước đó để ghi nhớ một sự kiện trước đó sẽ có thể hoạt động để thể hiện sự ghi nhớ này và tạo nên hiện tượng nhớ lại của tuổi già. Đây là hiện tượng của nhiều người cao tuổi thường gặp phải, những sự kiện hiện tại thì không thể nào nhớ được, nhưng những kí ức trước đây lại được thể hiện. Quá khứ trở lại với người già. Nhưng do các kích thích để thể hiện sự ghi nhớ mà các tế bào nhận được đã khác đi, nói cách khác sự gợi nhớ một đằng, nhưng sự nhớ lại thể hiện một nẻo, nên các kí ức được nhớ lại ít có khả năng đầy đủ, hay tính lôgích trong sự ghi nhớ bị rối loạn. Sự nhớ lại không đúng với hoàn cảnh hiện tại nhiều khi làm người ta hoang mang, không biết được hoàn cảnh hiện tại là thật hay là mơ. Sự nhớ lại càng rõ thì sẽ lấn át sự ghi nhớ tạm thời, do đó sự nhận thức hiện tại không thực hiện được, người ta quên ngay những gì đang xảy ra nhưng lại ghép những sự kiện những chi tiết của quá khứ cho những sự kiện đang xảy ra. Điều này tạo nên sự lẫn lộn trong hành vi. Với người có biểu hiện nhớ lại của tuổi già thì biểu hiện hoạt động tư duy vẫn còn nhưng ở dạng lầm lẫn, còn với những người không còn khả năng hoạt động chức năng thần kinh thị biểu hiện là đờ đẫn, thẫn thờ. Trong trường hợp nhớ lại, có nhiều khả năng dẫn đến teo não, còn trong trường hợp không hoạt động thần kinh não vẫn có thể giữ nguyên được khối lượng của nó nếu nó vẫn nhận được một lượng dinh dưỡng và ô xi tối thiểu để duy trì sự tồn tại của các tế bào thần kinh.

Thực ra, trong đời sống của mỗi cá thể, luôn diễn ra hai quá trình cùng một lúc, đó là sự phát triển và sự thoái triển, giai đoạn nào mà sự phát triển chiếm ưu thế thì người ta thấy được sự lớn lên. Giai đoạn nào mà sự thoái triển chiếm ưu thế thì cơ thể có biểu hiện nhỏ lại.Hai trạng thái này đạt sự cân bằng thì cơ thể không phát triển. Hệ thần kinh là một bộ phận của cơ thể cho nên cũng nằm trong các trạng thái đó. Nhưng do đặc điểm của riêng mình mà hệ thần kinh phát triển chậm hơn nhưng sự thoái triển có thể diễn ra nhanh hơn (tuỳ theo từng cá thể) so với sự phát triển và thoái triển chung của cơ thể.

Sự thoái triển của hệ thần kinh tuổi già thường dẫn đến sự nhớ lại kí ức, nhưng sự thoái triển của các tế bào thần kinh có mức trưởng thành thấp (hệ thần kinh trẻ) thường dẫn đến giảm cường độ thể hiện sự ghi nhớ, và đó là sự lãng quên thứ 2. Sự thoái triển ở tuổi trẻ thường xảy ra khi hệ tiêu hoá kém hoặc yếu tim, thiếu máu..., nói chung là thiếu dinh dưỡng, điều này làm cho sự ghi nhớ của hệ thần kinh giảm sút, dễ quên. Sự thoái triển còn xảy ra trong trường hợp các tế bào hoạt động chức năng thần kinh quá mạnh làm cho các bào quan bị phá huỷ, hoặc tính bền được tạo lập cho cấu trúc chức năng của tế bào là yếu, dễ bị tan rã nên cùng dẫn đến sự quên lãng.

Vai trò của sự ghi nhớ và lãng quên trong hoạt động thần kinh[sửa]

Sự ghi nhớ và lãng quên giữ vai trò quan trọng trong hoạt động của hệ thần kinh. Đặc biệt là vai trò của sự ghi nhớ mới. Sự lãng quên cũng có vai trò của nó và nếu không nhận ra điều này thì có thể làm hạn chế hoạt động của hệ thần kinh.

Cơ sở quan trọng nhất của hoạt động thần kinh cao cấp là sự ghi nhớ mới. Nếu hệ thần kinh không ghi nhớ được thì hoạt động thần kinh mang tính bản năng. Tác dụng của ghi nhớ chịu sự chi phối của khả năng ghi nhớ, hình thức ghi nhớ và thể hiện sự ghi nhớ. Khả năng ghi nhớ tốt giúp hệ thần kinh ghi nhớ được nhiều tác động của môi trường sống, giúp hệ thần kinh có nhiều tài nguyên để tư duy. Nhưng nếu ghi nhớ quá nhiều mà không có phương thức thể hiện ghi nhớ phù hợp thì nhiều khi kết quả lại ngược lại. Nhiều sự ghi nhớ cùng xuất hiện sẽ khiến cho hệ thần kinh phải thực hiện sự lựa chọn và do đó tốc độ phản ứng thần kinh sẽ bị chậm. Trong những trường hợp khẩn cấp đòi hỏi có sự quyết đoán nhanh thì việc mất quá nhiều thời gian cho lựa chọn phản ứng sẽ đem lại bất lợi. Nếu đã có nhiều sự ghi nhớ thì việc quên một số ghi nhớ lại mang ý nghĩa tích cực. Khả năng ghi nhớ tốt, ghi nhớ được nhiều không phải là điều kiện tiên quyết hay điều kiện quan trọng nhất trong hoạt động thần kinh cao cấp. Cái quan trọng nhất là cái cách mà hệ thần kinh thể hiện được những cái đã ghi nhớ. Có những cái đã ghi nhớ chỉ được thể hiện khi có tác động của các yếu tố làm nên sự ghi nhớ đó hoặc các yếu tố tương tự, có những cái ghi nhớ lại được thể hiện khi chịu tác động của các tế bào thần kinh khác đang hoạt động, có những cái được thể hiện khi có tác dụng của các chất kích thích. Trường hợp thể hiện thứ ba thường có tác dụng hỗ trợ cho hai trường hợp trước. Trường hợp thứ nhất thể hiện khả năng hạn chế về tư duy. Hệ thần kinh chỉ hoạt động khi có tác động tư bên ngoài, còn trường hợp thứ hai giúp cho hệ thần kinh có khả năng tư duy và nếu mức độ thể hiện được càng nhiều thì năng lực tư duy càng cao, các ý nghĩ, các hình ảnh của sự tưởng tượng xuất hiện càng nhiều và giúp cho hệ thần kinh tìm được các giải pháp tốt nhất cho phản ứng thần kinh. Khi hệ thần kinh ghi nhớ nhiều và liên kết ghi nhớ là bền chắc thì các ghi nhớ được thể hiện đúng những cái đã làm nên sự ghi nhớ. Sự liên kết ghi nhớ là không có thì các ghi nhớ sẽ không thể hiện đúng như những gì đã xảy ra, câu nói, hình ảnh bị xáo trộn, bị hoán đổi, bị thay thế. Điều này có thể thấy trong các giấc mơ. Một đặc điểm của tư duy sáng tạo là việc làm biến đổi các lời nói, các hình ảnh hay đơn giản là làm khác đi những cái đã có. Sự liên kết không bền giữa các tế bào ghi nhớ có thể giúp cho điều này được thực hiện. Có nghĩa là để có tư duy sáng tạo thì mối liên kết giữa các tế bào thần kinh ghi nhớ dễ bị đứt và thay thế bằng mối liên kết mới với các tế bào ghi nhớ khác. Liên kết ghi nhớ bị đứt thì việc thể hiện ghi nhớ khó được thực hiện (nếu không thiết lập được liên kết mới). Đây là một hình thức quên. Như vậy, liên kết ghi nhớ bền vững và tư duy sáng tạo là hai kẻ đối nghịch nhau. Nếu rèn luyện để hệ thần kinh ghi nhớ tốt (theo nghĩa sự ghi nhớ sẽ thể hiện đúng với những cái làm ghi nhớ hay còn gọi là học thuộc lòng ) thì năng lực tư duy sáng tạo sẽ bị thu hẹp hoặc mất đi, hệ thần kinh chỉ còn là một bộ từ điển hay băng cát-sét. Rèn luyện sự ghi nhớ theo hướng tích cực nhất là rèn luyện bằng hoạt động tư duy của hệ thần kinh chứ không phải bằng cách ôn lại những cái đã ghi nhớ. Rèn luyện bằng cách này sẽ làm cho các ghi nhớ không bị mất đi nhưng liên kết giữa chúng luôn thay đổi và do đó năng lực tư duy sáng tạo được nâng lên, những ghi nhớ chưa được kích hoạt trong trường hợp nào đó sẽ trở thành tiềm thức, chúng tạm thời bị lãng quên và có thể trở thành những cái có giá trị rất cao khi xuất hiện đúng lúc.

Nguồn[sửa]

Trích từ công trình nghiên cứu khoa học mang tên “Điều gì sau những giấc mơ” đã đăng ký bản quyền, công trình chưa công bố. Tác giả có bổ xung thêm. Chân thành cảm ơn Phạm Kim Long với công cụ chuyển mã trong Unikey đã giúp chuyển mã của bài viết từ TCVN3 sang Unicode.

Chú thích[sửa]

 1 Chuyển hoá là sự chuyển đổi hay xác định chức năng của tế bào.

 2 Chuyển hoá cơ bản là sự chuyển hoá tế bào gốc thành tế bào chức năng của cơ thể.

 3 Tái chuyển hoá là sự chuyển hoá sau chuyển hoá cơ bản để xác lập chức năng cụ thể hay chuyển sang chức năng khác. Với tế bào thần kinh thì tái chuyển hoá không làm mất chức năng thần kinh mà chỉ giúp tế bào thực hiện một nhiệm vụ cụ thể trong hệ thần kinh.

Liên kết đến đây