Thể hiện tình cảm với mèo

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Nhiều người, đặc biệt là những người không thích mèo, đều nghĩ rằng mèo sống tách biệt, xa cách và thờ ơ chứ không đáng yêu chút nào. Dù mèo ít thể hiện tình cảm hơn so với chó, mèo vẫn muốn được nhận và đáp lại tình cảm với chủ nuôi. Bằng cách đáp ứng nhu cầu của mèo, biết cách hiểu và đáp lại những biểu hiện của mèo, bạn có thể học được cách thể hiện tình cảm với chúng.

Các bước[sửa]

Nhận biết và đáp lại tình cảm[sửa]

  1. Hiện diện bên cạnh mèo. Nhiều chú chó đáp lại những thời điểm được chủ nhân chú ý bằng cách chạy nhảy, sủa và thè lưỡi một cách vui sướng. Mèo lại thích được tự quyết định mức độ và điều kiện thể hiện tình cảm, dù đôi lúc, chúng có thể muốn bạn là người khơi mào trước.[1]
    • Sẽ rất khó để mèo thể hiện tình cảm nếu bạn chẳng bao giờ có mặt, vì thế, bất kì khi nào có thể, hãy xuất hiện bên cạnh mèo. Chỉ cần ngồi cùng phòng với mèo để mèo có cơ hội được thể hiện tình cảm với bạn, cũng như biểu lộ những dấu hiệu muốn được bạn đáp lại.
    • Trò chuyện với mèo khi đang dành thời gian ở bên nhau. Dù mèo có thể hiểu những gì bạn nói hay không, việc trò chuyện sẽ mang lại cơ hội tương tác và mèo có thể sẽ đáp lại bạn theo cách ưa thích của chúng.
    • Nếu mèo phải trải qua một khoảng thời gian dài một mình, hãy chơi cùng mèo trước khi bạn ra ngoài, và tạo ra cho mèo một môi trường để chúng có thể tự tiêu khiển, ví dụ như đồ chơi và một chỗ đủ cao để mèo có thể quan sát cuộc sống bên ngoài. Sau đó, hãy chắc chắn là bạn sẽ chơi với mèo khi về nhà.
  2. Hãy để mèo chấp nhận bạn. Dù phần lớn loài mèo đều hài lòng khi ở một mình, điều đó không có nghĩa là mèo thích sống đơn độc. Một chú mèo muốn thu nạp bạn vào “vòng tròn” của nó cũng sẽ tìm kiếm những dấu hiệu đồng thuận từ phía bạn.[2]
    • Hành động cọ vào chủ phổ biến của loài mèo (hay còn gọi là đánh dấu”) - thường là cọ toàn thân từ đầu tới đuôi - là cách để mèo đánh dấu bạn bằng mùi của chúng. Mèo tiết ra pheromone từ các tuyến ở má, và dùng mùi này để đánh dấu việc sở hữu bạn. Chỉ cần bạn chấp nhận hành động đánh dấu này, bạn đã thể hiện tình cảm với mèo bằng cách đón nhận tình cảm của chúng.
  3. Trân trọng việc được mèo yêu. Cũng như con người, mèo thích tặng quà cho đối tượng mà chúng có cảm tình, dù những món quà đó có thể là xác chuột chết đặt trên gối - thay vì một bó hoa hồng. Nếu bạn may mắn, quà dành cho bạn có thể chỉ là một món đồ chơi mà mèo yêu thích.[3]
    • Nếu mèo ngủ trên người bạn hoặc gần bạn, đó cũng là dấu hiệu biểu lộ tình cảm. Mèo, cũng như nhiều loài động vật khác, trở nên dễ bị tấn công hơn khi đang ngủ, và chúng cần phải thực sự tin vào tình cảm và sự bảo vệ của bạn thì mới dám ngủ gần bạn đến thế. Vì vậy, dù bạn không thích chia sẻ giường với mèo nhưng việc này lại có thể giúp bạn bày tỏ sự trân trọng và tình cảm với mèo.[4]
  4. Để ý những dấu hiệu tin tưởng. Ngoài việc thể hiện sự tin tưởng bằng cách ngủ bên cạnh bạn, một chú mèo còn có thể biểu lộ tình cảm thông qua những hành động phơi bày điểm yếu của chúng, ví dụ như vươn dài người và để lộ phần bụng ra với bạn.[5]
    • Tuy nhiên bạn nên cẩn trọng, nhiều chú mèo ngửa bụng ra nhưng không thật sự muốn bạn vuốt ve ở đó. Hãy để ý những dấu hiệu cho thấy mèo muốn được vuốt ve, hoặc bạn có thể nhẹ nhàng vuốt bụng mèo để xem mèo có cào hoặc cắn bạn không.
    • Bạn vẫn nên nhớ rằng đôi khi cách tốt nhất để thể hiện tình cảm với mèo là để chúng thể hiện tình cảm với bạn và chấp thuận điều đó.
  5. Là người chủ động khi cần thiết. Dù nhiều chú mèo không ngại thể hiện tình cảm, vẫn có một số chú mèo rất thờ ơ bởi vì chúng muốn bạn là người thể hiện trước - hoặc ít nhất là bạn phải tự tìm ra cách hợp lý để chúng có thể bày tỏ tình cảm với bạn. Một vài chú mèo muốn bạn phải biểu lộ sự quan tâm trước.[1]
    • Xuất hiện trong dáng vẻ to lớn áp đảo là hành động khiến mèo lo sợ; đó là việc những con thú săn mồi thường làm trước khi tấn công. Hãy cúi xuống ngang tầm với mèo. Bạn có thể ngồi hoặc nhún người xuống để mèo có thể mặt-đối-mặt với bạn. Khi cưng nựng mèo, thay vì đưa tay từ trên cao xuống dưới (trông khá giống với diều hâu vồ mồi), hãy đưa tay từ bên cạnh sang hoặc từ dưới lên, và từ từ nâng tay lên phía trên người mèo.
    • Đừng đuổi theo một chú mèo đang sợ hãi. Nhiều chú mèo sẽ dễ tiếp cận hơn nếu bạn lờ chúng đi. Khi chúng tới gần bạn, hãy để chúng ngửi bạn trước khi bạn chạm vào chúng. Nếu tai mèo cụp về phía sau đầu có nghĩa là chúng không thích những gì bạn đang làm, vì thế hãy dừng lại và thử làm điều mà có thể chúng sẽ thích.
    • Luôn để mèo ngửi tay bạn, nếu mèo lẩn ra chỗ khác thì lúc đó đừng cưng nựng chúng. Nếu mèo cọ vào tay bạn, mèo đang muốn được vuốt ve.
  6. Nhận ra các dấu hiệu thể hiện tình cảm. Một vài chú mèo thích được cưng nựng, một số lại chịu đựng và một số lại hoàn toàn không thích. Cách tốt nhất để biết được điều đó là nhẹ nhàng vuốt ve mèo ở vị trí “an toàn” như dọc sống lưng và quan sát phản ứng của mèo. Ví dụ: rên gừ gừ là dấu hiệu tốt. Vuốt ve một chút mèo không thích được cưng nựng có thể khiến mèo căng thẳng và không coi hành động đó là tình cảm.[6]
    • Bạn có thể khuyến khích hành động “đánh dấu” bằng cách giữ ngón tay trỏ ngang tầm mắt mèo, cách đó một khoảng ngắn hoặc thậm chí là lúc bạn đang ở đầu bên kia căn phòng. Hầu hết những chú mèo sẽ coi đó là dấu hiệu bạn muốn được cọ người và đánh dấu.[2]
    • “Nụ hôn kiểu mèo” - chớp mắt chậm rãi hoặc mắt nhắm hờ - là dấu hiệu tiêu biểu cho tình cảm của mèo và bạn cũng rất dễ dàng đáp lại. Bạn cũng có thể tự làm như thế trước và đợi mèo của bạn phản hồi.[2]
  7. Chơi đùa với mèo. Cũng như với bất kì một người bạn nào khác, chia sẻ những khoảng thời gian chất lượng với nhau và cùng vui vẻ là một dấu hiệu điển hình của tình cảm. Mèo rất thích chơi đùa; hãy tìm ra những hoạt động mà mèo của bạn thích nhất và dành thời gian mỗi ngày để chơi cùng nhau.[7]
    • Hầu hết những chú mèo đều thích chơi đuổi bắt, vì thế, những món đồ chơi như chuột giả hoặc giấy vụn đều có thể trở thành một trò chơi thú vị. Một quả bóng bàn được đính vào một sợi dây, hoặc một cây bút lade chiếu lên sàn nhà (nhưng không được chiếu vào mắt mèo) có thể giúp mèo luyện tập một cách vui vẻ.
    • Mèo thích leo trèo và cào, vì thế, hãy mua cột mài móng cho mèo, có thể gắn đồ chơi hoặc mục tiêu ở trên đỉnh để thêm phần thử thách. Nhiều chú mèo thích trốn trong những thứ như hộp các tông để nhảy ra vồ đồ chơi.[8]
    • Mỗi lần, hãy chơi trong một khoảng thời gian ngắn, và phân bổ nhiều lần chơi trong ngày. Đừng ép mèo chơi hoặc tập luyện, nếu không, khoảng thời gian chơi đùa sẽ nhanh chóng mất vui. Mèo cũng có xu hướng nhanh chán, vì thế hãy thường xuyên pha trộn các trò chơi và kiểu chơi. Tuy nhiên, hãy luôn để ý tới phản ứng của mèo - không có hai chú mèo nào có sở thích chơi đùa giống nhau.
    • Dành thời gian chơi đùa không chỉ giúp ngăn ngừa những rủi ro bị thương ở mèo - ví dụ như bị hóc do nuốt phải những thứ như sợi dây - mà còn giúp huấn luyện mèo và tăng cường sự gắn bó giữa bạn và người bạn nhỏ của mình.
    • Cỏ mèo hoàn toàn không gây hại gì và mèo cũng rất thích chúng.

Thể hiện tình cảm với mèo thông qua việc chăm sóc[sửa]

  1. Nuôi dưỡng mèo đúng cách. Nếu người ta thường nói: đường ngắn nhất tới trái tim đàn ông là thông qua dạ dày, thì đó cũng là cách để bày tỏ sự yêu thương (và nhận lại điều đó) với mèo.
    • Tốt nhất là bạn nên trao đổi với bác sĩ thú y về nhu cầu dinh dưỡng của mèo, nhưng nói chung, hầu hết những chú mèo đều cần từ 3 tới 4 bữa ăn nhỏ mỗi ngày, tốt nhất là những thực phẩm dành cho mèo có chất lượng cao. Một số loại đồ ăn của người cũng hợp với mèo, nhưng một số lại không, vì thế, bạn nên hỏi bác sĩ thú y.[9]
    • Cho mèo ăn vặt một cách có trách nhiệm. Đừng cho mèo ăn đồ ăn vặt cung cấp quá nhiều calo để rồi phải giảm lượng ăn chính của mèo xuống để bù lại.
    • Không cho mèo uống sữa. Mèo không thể tiêu hóa sữa bò, và thay vào đó, bạn nên cho mèo uống nước sạch (nghĩa là luôn đổ đầy bát nước cho mèo 24/7).
  2. Cho mèo không gian riêng tư. Mèo thường thân thiện hơn những gì mọi người nghĩ, nhưng chúng vẫn thích được có vài nơi riêng tư.[7]
    • Dù mèo của bạn thường xuyên thích ngủ trên người bạn hoặc bên cạnh bạn, bạn vẫn nên chuẩn bị cho mèo một nơi nghỉ ngơi êm ái, dễ chịu và riêng tư. Chăn, ga giường và gối cũ (nhưng còn sạch) có thể rất hữu ích.
    • Tương tự, chậu cát vệ sinh của mèo cũng phải được đặt ở một nơi dễ tiếp cận nhưng yên tĩnh, và phải được dọn hàng ngày. Nếu bạn nuôi nhiều hơn một chú mèo, hãy mua thêm chậu cát (ba chiếc cho hai chú mèo, ví dụ thế) để ngăn việc chúng đánh nhau giành chủ quyền.
  3. Đưa mèo đi khám theo khuyến nghị. Mèo của bạn có thể không coi đây là hành động thể hiện tình cảm lúc này, nhưng về lâu dài, còn điều gì tình cảm hơn là việc làm mọi thứ để giúp mèo có cuộc sống hạnh phúc, khỏe mạnh và lâu dài?
    • Khuyến nghị cách chăm sóc mèo có thể khác nhau tùy theo các yếu tố như độ tuổi, tình trạng sức khỏe và sự ưu tiên của phòng khám, nhưng đi kiểm tra một tới hai lần một năm là việc phổ biến.
    • Từ khi mèo còn nhỏ, hãy đảm bảo bạn luôn cho mèo tiêm phòng đầy đủ.
    • Hãy tìm đọc những bài viết về chủ đề Cách Chăm sóc Mèo để biết thông tin chi tiết về chăm sóc sức khỏe và những dấu hiệu cảnh báo bệnh tật ở mèo.
  4. Chải chuốt cho mèo. Mèo rất thạo trong việc giữ gìn vệ sinh cơ thể và chải chuốt bản thân. Tuy nhiên, sự giúp đỡ đúng cách của bạn sẽ rất có ích và (ít nhất là đôi khi) sẽ được mèo biết ơn.[7]
    • Hầu hết những chú mèo sẽ cho phép bạn chải lông cho chúng nếu bạn làm nhẹ nhàng với dụng cụ thích hợp. Hãy dùng lược đầu tròn cho mèo lông dài và bàn chải lông cho mèo lông ngắn. Chải lông cho mèo để hạn chế tối đa tình trạng rối lông. Có những loại lược và dụng cụ chuyên dụng dành cho những khu vực nhạy cảm hơn như quanh mắt.
    • Chải lông cũng đem lại cơ hội tuyệt vời để kiểm tra rận và ve.
    • Dù không được coi trọng bằng, việc chải răng cho mèo và/hoặc mang mèo đi vệ sinh răng miệng tại trạm thú y cũng là một việc tốt. Những bài viết về chủ để Chăm sóc Mèo cũng có nhiều thông tin về vệ sinh răng miệng cho mèo.

Cảnh báo[sửa]

  • Dù mèo có thể thích nghịch chun và chun buộc tóc, chúng cũng có thể nuốt những món đồ này, việc đó rất nguy hiểm. Tránh cho mèo tiếp xúc với chúng.
  • Đảm bảo giám sát mèo chặt chẽ khi chúng chơi với đồ chơi có dây hoặc tương tự. Nếu bị nuốt phải, chúng sẽ gây tổn thương nghiêm trọng đến ruột của mèo. Nếu mèo của bạn đã nuốt chúng, đừng cố kéo dây ra khỏi mồm mèo.
  • Đừng chọc tức mèo. Nếu mèo bắt đầu nhe răng hoặc rít lên hoặc vẫy đuôi qua lại thật nhanh, hãy lùi lại và thay đổi cách tiếp cận. Bạn có thể thử lại với món đồ ít đe dọa hơn đối với mèo.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]