Trồng Cà chua từ Hạt

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Làm vườn là một lựa chọn mỹ mãn để tiết kiệm tiền và cung cấp thực phẩm sạch cho căn bếp của bạn. Nếu bạn là người yêu thích cà chua và muốn làm phong phú thêm cho việc nấu nướng bằng cà chua tự trồng trong vườn, vậy thì hãy thử trồng cà chua bằng hạt. Quy trình trồng khá đơn giản nhưng đem lại cho bạn cảm giác mãn nguyện và cả một vườn cà chua tươi mát ngon lành.

Các bước[sửa]

Chọn Cà chua Tốt nhất[sửa]

  1. Hãy tìm hiểu khu vực của bạn. Cà chua, cũng như bất cứ loài thực vật nào, có một điều kiện môi trường lý tưởng để phát triển tốt nhất và cho quả ngon nhất. Một số loại cà chua là giống bản địa ở những vùng nhất định và không phát triển tốt ở bất cứ nơi nào khác. Hãy nghiên cứu những giống cà chua tốt nhất đối với môi trường và khu vực của bạn bằng cách liên hệ với văn phòng phát triển nông nghiệp địa phương. Có thể có những giống cây lai phát triển tốt trên loại đất và khí hậu nơi bạn định trồng, dù bạn chưa bao giờ nghe nói hoặc nghĩ đến.[1]
  2. Chọn giống cà chua. Có nhiều giống cà chua khác nhau, mỗi loại có màu sắc, kích cỡ và hương vị độc đáo. Cà chua có nhiều loại, từ loại có quả nhỏ bằng quả nho đến loại có quả to hơn quả cam, và có đủ màu sắc khác nhau, trừ xanh dương. Cách chế biến cà chua, hương vị cà chua bạn thích và dạng sinh trưởng của cây là các yếu tố bạn phải tính đến khi chọn giống cà chua để trồng.
    • Cây cà chua có hai dạng sinh trưởng khác nhau: Sinh trưởng hữu hạn và sinh trưởng vô hạn. Cây sinh trưởng hữu hạn mọc thẳng và mau cho quả, nhưng chỉ sống trong thời gian ngắn. Cây sinh trưởng vô hạn bò lan dạng cây leo và cho quả suốt mùa.
    • Cà chua đỏ hay cà chua beefsteak là loại cà chua truyền thống và thường được ăn nguyên quả hay cắt mỏng kẹp với bánh mì sandwich. Các loại cà chua bi (plump tomato), còn gọi là cà chua Roma dùng để nấu, đóng hộp và làm các loại nước sốt. Cà chua sơ ri hay cà chua nho (grape tomato) có nhiều hạt và nước, được dùng nguyên quả hoặc cắt đôi trong món salad hay các món mì.
    • Màu sắc có thể cho biết hương vị của cà chua. Nếu thích hương vị truyền thống, bạn hãy chọn loại cà chua to, đỏ. Cà chua tím hoặc nâu có vị đậm đà, trong khi cà chua vàng hay da cam có vị ngọt hơn. Cà chua xanh rất thích hợp khi nấu các món mặn.[2]
  3. Chọn một loại hạt yêu thích. Cà chua có thể trồng bằng hạt khô đóng gói, hạt tươi từ quả cà chua cắt ra, hoặc các cây con có bán ở các vườn ươm cây. Các hạt khô và tươi cần nhiều công sức gieo trồng, nhưng cũng cho cảm giác thích thú hơn. Dùng cây con là cách dễ nhất để trồng cà chua.
  4. Biết thời điểm trồng. Việc trồng cà chua phải được thực hiện vào thời điểm nhất định trong năm để cho kết quả tốt nhất. Cà chua là một loại cây ưa ánh sáng nên nó sẽ phát triển mạnh nhất vào cuối mùa xuân và mùa hè. Bạn nên trồng vào thời điểm ít nhất hai tuần sau đợt sương giá cuối cùng, hay lúc nhiệt độ ban đêm không xuống dưới 10 độ C và nhiệt độ ban ngày duy trì ở mức dưới 32 độ C.
    • Nếu định gieo hạt trong nhà, bạn hãy sắp xếp thực hiện từ 6-8 tuần trước ngày dự định đem ra trồng bên ngoài.
    • Nếu muốn, bạn có thể mua nhiệt kế đo nhiệt độ đất để kiểm tra đất trong vườn nhà bạn nhằm xác định thời gian trồng lý tưởng. Nhiệt độ lý tưởng của đất cho việc trồng cà chua là 10 độ C, nhưng điều này có thể không xảy ra khi thời tiết tốt hơn; do đó bạn nên kiểm tra vườn cho chắc ăn.
    • Lịch nhà nông là một công cụ cần thiết giúp bạn tìm ra thời gian gieo trồng tốt nhất. Bạn có thể xem lịch nhà nông trên mạng hoặc mua một cuốn có ghi vùng của bạn.

Phơi Khô Hạt Cà chua Tươi[sửa]

  1. Chọn cà chua. Hạt cà chua sẽ cho quả gần giống như cây bố mẹ. Nếu có một quả mọng nước và tuyệt ngon mà muốn để dành, bạn hãy cắt ra và để dành hạt của nó.
    • Đảm bảo quả cà chua bạn chọn phải khỏe mạnh; một quả cà chua kém ngon cũng sẽ cho quả giống như thế.
    • Đợi cho đến khi quả thật chín rồi mới cắt để dành.
  2. Cắt cà chua làm đôi. Dùng dao sắc cắt ngang quả cà chua. Bạn dùng thớt hoặc bát hứng bên dưới để dễ dàng thu được hạt và phần thịt bên trong quả và bảo quản.
  3. Múc phần bên trong quả cà chua ra. Dùng thìa múc toàn bộ hạt nhỏ li ti, nước và phần thịt mềm bên trong quả cà chua. Cho tất cả vào trong bát nhỏ hoặc cốc.
  4. Cho thêm nước. Hạt cà chua cần qua quá trình lên men trước khi phơi khô, và bạn hãy đem hỗn hợp này phơi dưới nắng. Thêm vài thìa súp nước vào trong hạt và thịt cà chua và bọc lại với màng bọc plastic. Chọc vài lỗ trên màng bọc cho không khí được lưu thông.
  5. Phơi hạt dưới nắng. Bây giờ hạt cần thời gian để lên men. Đặt đĩa bọc kín ở chỗ ấm áp, lý tưởng nhất là ở bệ cửa sổ, nơi có nhiều nắng. Để trong khoảng 2 đến 3 ngày.
  6. Rửa hạt. Sau nhiều ngày, bạn sẽ để ý thấy phần nước và thịt cà chua sẽ hình thành một lớp váng trên mặt nước, còn hạt thì chìm xuống đáy đĩa. Khi ấy bạn múc lớp váng nổi ở trên ra, sau đó đổ hạt và nước qua rây để sàng lấy hạt. Rửa hạt với nước ấm cho sạch.
  7. Phơi khô hạt. Sau khi rửa, xóc hạt trên rây để giũ bớt nước càng nhiều càng tốt. Sau đó bỏ hạt vào khay và đậy lại bằng giấy lọc cà phê hoặc giấy sáp. Đặt ở nơi ít qua lại để khỏi vấp phải khay, hoặc hạt bị phơi trực tiếp ra nắng. Giữ nhiệt độ trong khoảng 20 -30 độ C. Đảo hạt mỗi ngày một lần để hạt khỏi dính vào nhau hoặc dính vào giấy.
  8. Kiểm tra hạt. Khi sờ vào thấy khô hoàn toàn và không dính vào nhau, tức là hạt đã có thể sử dụng. Bạn nên cẩn thận đừng lấy hạt ra sớm quá, vì nếu hạt bị ẩm, nấm mốc và vi khuẩn có thể sẽ phát triển và làm hỏng hạt.[3]
  9. Tiệt trùng hạt. Việc tiệt trùng hạt sẽ giúp tiêu diệt vi khuẩn và các bệnh có thể sinh sôi, giúp cây khỏe mạnh hơn và cho nhiều quả hơn khi đem trồng ngoài trời. Ngâm hạt trong hỗn hợp gồm một thìa súp rượu giấm táo và 1 lít nước trong khoảng 15 phút.
    • Bạn có thể mua hạt giống đóng gói sẵn để đảm bảo cây không bị nhiễm bệnh và vi khuẩn.
  10. Phơi khô hạt lần nữa. Thực hiện quá trình như bước trước, rải hạt trên khay nhiều ngày để đảm bảo cho hạt được khô hẳn. Tách các hạt nếu thấy chúng dính vào nhau và đừng để hạt dính vào khay bằng cách dùng tay đảo đều.
  11. Cất giữ hạt. Sau khi đã phơi khô, bạn hãy cất giữ hạt trong một phong bì giấy cho đến khi sử dụng. Tránh cất giữ hạt trong túi ni lông hoặc vật đựng bằng nhựa, vì như thế không khí không được lưu thông, làm tăng khả năng mọc nấm mốc và vi khuẩn trên hạt giống.[4]

Ươm Hạt trong Nhà[sửa]

  1. Chuẩn bị khay. Mua khay ươm cây ở các vườn ươm và cho đất vườn vô trùng vào. Bạn hãy dùng loại đất được quảng cáo dành riêng cho việc ươm cây để có kết quả tốt nhất.
  2. Gieo hạt. Tạo các hàng đất để thả hạt vào. Các hạt nên cách nhau một khoảng 5cm. Lấp hạt bằng một nhúm đất mỏng và nhẹ nhàng tưới nước lên trên.
    • Nếu trồng nhiều loại khác nhau, bạn hãy gieo mỗi hàng một loại và đánh dấu từng hàng. Nếu không bạn sẽ rất khó phân biệt khi cây bắt đầu nảy mầm.
  3. Làm ấm hạt. Để nảy mầm, những hạt giống cần phải có ánh sáng và nhiệt độ. Bạn hãy đặt chúng ở hướng nam, đối diện cửa sổ hoặc dùng sức nóng của đèn huỳnh quang bằng cách để đèn bên trên khay hạt, cách khoảng 10 cm. Hạt giống cần ít nhất 6-8 tiếng ánh sáng và nhiệt độ mỗi ngày trước khi nảy mầm.
  4. Chăm sóc hạt. Tưới nước vào khay ươm mỗi ngày, đảm bảo đủ ánh sáng và nhiệt độ. Đặt nơi có nhiệt độ không dưới 21 độ C. Khi hạt nảy mầm và ra lá thật là lúc bạn có thể đem ra trồng bên ngoài. Hạt cà chua sẽ ra lá mầm sau khoảng một tuần, nhưng khoảng một tháng sau khi nảy mầm, lá thật mới xuất hiện.
  5. Bứng cây con ra. Trồng mỗi cây con vào một chậu riêng để chúng có không gian phát triển đầy đủ. Bạn hãy dùng một chiếc nĩa để múc đất dưới từng cây con và dùng đầu ngón tay nhẹ nhàng bứng chúng ra khỏi khay ươm.
  6. Trồng cây con. Đặt từng cây con vào riêng một chậu đất khoảng 1 lít. Những cây này vẫn cần mỗi ngày 8 tiếng ánh nắng mặt trời, nhiệt độ và nước.
  7. Tập cho cây cứng cáp. Sau khoảng hai tháng, những cây cà chua con của bạn sẽ bắt đầu lớn và trông giống như cây trưởng thành nhỏ. Trước khi đem ra vườn, chúng phải được “tập luyện” cho cứng cáp lên và làm quen với khí hậu ngoài trời. Hãy bắt đầu bằng việc đặt những chậu cây ra ngoài trời khoảng 2-3 tiếng rồi đem vào. Tiếp tục quá trình này bằng cách mỗi ngày đặt ra ngoài lâu hơn một chút trong khoảng một tuần. Khi hết một tuần, bạn có thể để chậu cây cả ngày và đêm ngoài trời.
  8. Chuẩn bị cây trước khi trồng. Khi cây của bạn đã cứng cáp và sẵn sàng ra ngoài trời, bạn hãy sửa soạn cho cây ra vườn. Những cây cao trên 15 cm cần phải tỉa bớt. Dùng kéo xén cây cắt những cành thấp nhất xung quanh cây. Nếu cây thấp hơn 15 cm thì bạn có thể đem đi trồng ngay mà không cần sửa soạn.[5]

Trồng Vườn Cà chua[sửa]

  1. Chọn một khoảnh đất. Tìm được một chỗ tốt nhất trong sân để trồng cà chua là một bước quan trọng trong quá trình trồng. Cà chua là loại cây ưa nắng, cần phải tắm nắng trực tiếp từ mặt trời 6-8 tiếng mỗi ngày. Nếu có thể, bạn tìm nơi có chỗ thoát nước tốt, vì nước đọng sẽ khiến môi trường trồng cà chua kém đi và cây sẽ cho quả èo uột.
  2. Chuẩn bị đất. Tạo điều kiện cho cà chua phát triển tốt nhất. Hãy thử độ pH của đất xem có cần bón thêm chất gì vào trong đất không. Cà chua thích hợp với độ pH từ 6 - 6,8. Bón thêm phân trộn để tăng dinh dưỡng cho đất và đánh tơi những hòn đất to. Cần làm tơi và trộn đều đất tới độ sâu khoảng 15 – 20 cm.
    • Nếu dự định trồng cà chua từ trước, bạn hãy bón phân trộn và điều chỉnh độ pH cho đất trước khi trồng vài tháng. Như vậy đất sẽ có thời gian ngấm mọi chất dinh dưỡng.
  3. Đào hố trồng cây. Trồng cách nhau một khoảng tùy phương pháp chăm cây bạn muốn áp dụng. Nếu muốn làm giàn hay lồng cho cây, bạn hãy đào các hố cách nhau từ 60 - 90 cm. Nếu bạn muốn cây mọc bò tự nhiên, khoảng cách giữa các cây cần xa hơn một chút, khoảng 1,2 m. Đào các hố sâu khoảng 20 cm để có thể chôn vừa bộ rễ và phần thân dưới của cây.
  4. Thêm chất dinh dưỡng. Rắc vào dưới mỗi hố một thìa súp muối epsom để tăng mức ma-giê giúp cây phát triển tốt. Lúc này bạn cũng có thể rắc một ít phân trộn xuống dưới mỗi hố.
  5. Trồng cà chua. Bạn chuyển từng cây cà chua từ chậu vào hố đã chuẩn bị. Làm lỏng đất và bầu rễ trong chậu và nhẹ nhàng nhấc cây ra bằng cách nhanh tay lật ngược cây qua tay kia. Trồng từng cây xuống đất, nén chặt để loại bỏ hết bong bóng khí. Lấp đất đến dưới tầng lá thấp nhất.
  6. Làm lồng cho cây. Nếu muốn bao quanh cà chua bằng lồng thì bây giờ là lúc bạn bạn đặt lồng. Hãy làm lồng bằng thép đổ bê tông, hoặc lưới thép thưa. Không nên buộc cây vào lồng hoặc vào các cọc cắm quanh cây cho đến sau khi cây ra hoa.
  7. Tưới cây. Hãy chăm cho cây khỏe mạnh bằng cách tưới nước hàng ngày. Tuy nhiên đừng “nhấn chìm” cây của bạn. Cây cà chua hấp thu hơn 1 hoặc 2 thìa súp nước mỗi ngày sẽ cho quả có vị nhạt. Nếu không có thời gian tưới hàng ngày, hãy nghĩ đến hệ thống tưới phun hoặc tưới nhỏ giọt trong vườn.[6]
  8. Chăm sóc cây. Khi cây đã lớn, bạn chăm sóc cho cây khỏe mạnh bằng cách cắt tỉa thường xuyên và thu hoạch quả. Dùng kéo xén cây cắt hết các chồi (các nhánh nhỏ mọc ra từ những chỗ giao nhau của nhánh chính) và các nhánh ẩn phía dưới, các nhánh nằm trong hoặc gần bóng râm của cây.[7]
  9. Thu hoạch quả. Khi cà chua bắt đầu cho quả, bạn có thể thu hoạch được rồi! Hái cà chua khi quả đã chín tới, thường tính bằng ngày. Bạn có thể hái sớm và để trong nhà cho chín nếu thấy thời tiết chuyển xấu, hay khi có quá nhiều quả. Bạn có thể ăn cà chua sống, đóng hộp hoặc đông lạnh nguyên quả để dành dùng sau này.

Lời khuyên[sửa]

  • Cà chua dễ sống nhưng rất mỏng manh, vì vậy khi di chuyển cây, bạn nhớ cẩn thận đừng để gãy hay làm cong thân hoặc làm rụng lá. Điều này có thể khiến cây bị chết.
  • Dự trù số hạt nhiều hơn 20% số cây mà bạn định trồng để cho quả. Việc này sẽ tăng khả năng có những cây khỏe mạnh và những quả cà chua ngon.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]