Trồng hoa hướng dương từ hạt

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Hướng dương là loại cây một năm, có hoa màu vàng to hoặc nhỏ nở vào mùa hè. Hướng dương rất được yêu thích vì vẻ đẹp của nó và cũng vì dễ trồng. Quá trình gieo trồng hạt hướng dương vào mùa xuân rất thú vị đối với trẻ em và cả người lớn. Bạn có thể trồng hướng dương từ hạt mà chỉ cần dành thời gian và sự chuẩn bị ở mức tối thiểu.

Các bước[sửa]

Gieo hạt hướng dương[sửa]

  1. Kiểm tra nhiệt độ ngoài trời. Mặc dù bạn có thể bắt đầu gieo hạt trong nhà, nhưng hướng dương sẽ sinh trưởng tốt nhất khi được gieo trực tiếp xuống đất. Rễ hướng dương rất nhạy cảm với việc di chuyển, do đó cây có thể chết khi đánh ra trồng chỗ khác. Cây phát triển tốt nhất ở nhiệt độ 18–33ºC, nhưng bạn có thể trồng khi nhiệt độ ngoài trời thấp hơn một chút, khi đã hết đợt sương giá cuối cùng.[1]
    • Thông thường hướng dương phát triển hết mức và cho hạt sau 80-120 ngày, tuy từng giống cây.[2] Nếu mùa gieo trồng trong vùng ngắn hơn, bạn hãy trồng hướng dương trước đợt sương giá cuối cùng 2 tuần; hầu hết các hạt đều có thể sống sót.[2]
  2. Chọn giống hướng dương. Có rất nhiều giống hướng dương và các giống lai; phần lớn những người làm vườn sẽ chỉ để ý đến một vài thuộc tính của cây thường được mô tả trên bao bì đựng hạt giống hoặc trong danh sách trên mạng. Bạn cần chú ý đến chiều cao tối đa của cây, vì hướng dương có các giống tí hon chỉ cao dưới 30 cm và giống khổng lồ có thể cao trên 4,5 m. Ngoài ra bạn cũng cần quyết định trồng loại hướng dương mỗi cây chỉ có một cành và một hoa hoặc loại có nhiều cành chia thành các nhánh với nhiều hoa nhỏ hơn.
    • Hạt hướng dương đã rang thì không thể trồng được, nhưng bạn có thể gieo loại hạt hướng dương dùng làm thức ăn cho chim nếu vẫn còn vỏ bên ngoài.[3]
  3. Gói hạt trong khăn giấy ẩm. Làm ẩm tờ khăn giấy nhưng không để ướt sũng hoặc rỏ nước. Đặt hạt hướng dương vào nửa phần của tờ giấy, sau đó gấp lại để bọc kín hạt.
    • Nếu có nhiều hạt giống và không ngại tỷ lệ thành công thấp, bạn có thể bỏ qua bước trên và gieo hạt thẳng xuống đất. Hạt gieo trực tiếp xuống đất thường mất 11 ngày mới nảy mầm lên khỏi mặt đất.[1]
    • Nếu mùa trồng trọt trong vùng bạn ở dài hơn, bạn thử gieo hạt nhiều đợt, mỗi đợt cách nhau 2 tuần, như vậy bạn sẽ có một khu vườn đầy hoa trong thời gian lâu hơn.
  4. Để khăn giấy trong túi ni lông. Bỏ khăn giấy ẩm vào túi ni lông.[3] Kiểm tra mỗi ngày hoặc hai ngày một lần , và tiếp tục kiểm tra khi hạt đã bắt đầu nảy mầm. Thông thường bạn sẽ thấy mầm cây nhú ra trong vòng 48 tiếng.[4] Lúc này bạn có thể đem ra trồng.
    • Để có kết quả tốt nhất, bạn cần giữ khăn giấy ở nhiệt độ trên 10ºC.[1]
  5. Bấm mép vỏ hạt (nếu cần). Nếu hạt không nảy mầm sau hai hoặc ba ngày, bạn có thể thử dùng bấm móng tay để bấm đi phần mép vỏ.[3] Cẩn thận kẻo phạm vào phần hạt bên trong. Nhỏ thêm vài giọt nước nếu thấy khăn giấy quá khô.

Gieo hạt hướng dương[sửa]

  1. Chọn nơi có ánh nắng. Hướng dương phát triển tốt nhất khi nhận được ánh nắng mặt trời 6-8 tiếng mỗi ngày.[3] Chọn vị trí có ánh nắng mặt trời trực tiếp vào phần lớn thời gian trong ngày.
    • Trừ khi khu vườn của bạn thường bị gió mạnh thổi vào, bạn nên trồng hoa hướng dương cách xa cây cối, tường và các vật khác có thể chắn mất ánh sáng mặt trời.
  2. Kiểm tra độ thoát nước sâu trong đất. Rễ hướng dương mọc sâu xuống đất và có thể bị thối rữa nếu gặp đất úng nước. Đào một hốc đất sâu khoảng 60 cm để kiểm tra độ cứng và chặt của đất.[3] Nếu có thể, bạn nên thử dùng phân trộn bón vào nền đất để tăng khả năng thoát nước.
  3. Xem xét chất lượng đất. Hướng dương là loại cây không quá kén chọn và có thể sinh trưởng trong đất vườn trung bình mà không cần điều chỉnh nhiều. Nếu đất nghèo dinh dưỡng hoặc nếu muốn kích thích cho cây phát triển tốt hơn, bạn có thể bón thêm đất mùn màu mỡ vào khu vực trồng cây. Hiếm khi phải điều chỉnh độ pH trong đất, nhưng nếu có sẵn bộ thử độ pH, bạn có thể điều chỉnh độ pH trong khoảng 6.0 và 7.2.[1]
    • Đất màu mỡ nên dành cho các giống hướng dương khổng lồ, vì chúng cần nhiều dinh dưỡng hơn.[5]
  4. Gieo hạt hướng dương sâu khoảng 2,5 cm và cách nhau khoảng 15 cm. Gieo hạt vào các hốc đất hoặc các rãnh sâu 2.5 cm, hoặc sâu 5 cm nếu đất tơi xốp và có cát.[2] Gieo các hạt cách nhau ít nhất 15 cm để chúng có đủ không gian phát triển. Nếu chỉ có ít hạt giống và không muốn bỏ bớt những cây yếu, bạn nên trồng các cây cách nhau khoảng 30 cm hoặc 45 cm cho các giống hướng dương khổng lồ.[6] Phủ đất lên hạt sau khi gieo.
    • Nếu trồng theo kiểu đại trà, bạn nên gieo hạt vào các rãnh cách nhau khoảng 75 cm hoặc giữ khoảng cách thuận tiện để sử dụng máy nông nghiệp.[1][3]

Chăm sóc cây hướng dương[sửa]

  1. Giữ đất ẩm xung quanh cây non. Duy trì độ ẩm trong đất nhưng không để ướt sũng cho đến khi cây nảy mầm và trồi lên khỏi mặt đất.[7] Khi mầm cây còn nhỏ và mỏng manh, bạn cần tưới nước cách xa cây khoảng 7,5 -10 cm để kích thích rễ phát triển và tránh làm trôi cây con.[3]
  2. Bảo vệ cây khỏi loài gây hại. Chim, sóc và ốc sên rất thích hạt hướng dương và có thể đào hạt lên trước khi chúng kịp nảy mầm. Phủ lưới lên mặt đất để chống tình trạng này mà không cản trở cây nảy mầm. Đặt bả trừ ốc sên hoặc dùng chất xua đuổi ốc sên xung quanh để tạo rào chắn bảo vệ khu vực trồng cây.[8]
    • Nếu trong vùng có hươu nai, bạn nên dùng lưới mắt cáo rào lại khi cây bắt đầu trổ lá. Bạn có thể dùng tấm lưới mắt cáo khổ 90 cm rào xung quanh cây và dùng cây tre hoặc cọc gỗ cao 1,8 m để gắn lưới mắt cáo khi cây mọc cao. Như vậy hươu nai không thể phá được cây.[2]
  3. Tưới nước mỗi tuần cho cây trưởng thành. Khi thân cây đã hình thành và bén rễ, bạn cần giảm tần suất tưới còn mỗi tuần một lần. Mỗi tuần tưới đẫm nước và tăng lượng nước tưới khi thời tiết khô. Hướng dương cần nhiều nước hơn hầu hết các loại hoa một năm khác.[3]
    • Thời kỳ trước và sau khi cây ra nụ hoa là rất quan trọng, và việc thiếu nước có thể làm hỏng quá trình này.[9] Tiếp tục tưới cây mỗi tuần khi các nụ hoa bắt đầu hình thành.
  4. Loại bớt cây (tùy ý). Khi cây cao được khoảng 7,5 cm, bạn nên loại bỏ những cây hoa nhỏ và yếu hơn sao cho các cây còn lại cách nhau ít nhất 30 cm. Khoảng cách này giúp các cây to và khỏe mạnh hơn có thêm không gian và chất dinh dưỡng để mọc cao và nở hoa to hơn.
    • Bỏ qua bước này nếu bạn muốn có hoa nhỏ để xếp vào bó hoa hoặc nếu ngay từ đầu bạn đã trồng đúng khoảng cách.
  5. Bón ít phân hoặc không cần bón phân. Nếu bạn trồng hoa hướng dương chỉ vì ý thích thì không nên bón phân, vì cây có thể phát triển tốt không cần phân bón, hơn nữa cây có thể bị tổn hại nếu bón quá nhiều. Nếu muốn trồng những cây hướng dương mọc thật cao hoặc trồng nhiều để thu hoạch, bạn có thể pha loãng phân bón trong nước và rót vào “hào nước” xung quanh cây, cách xa gốc cây.[10] Phân bón cân bằng giàu ni tơ thường là lựa chọn tốt nhất.[1]
    • Một lựa chọn khác là bón phân một lần vào đất bằng loại phân bón tan chậm.
  6. Cắm cọc chống nếu cần. Khi hướng dương cao quá 90 cm hoặc đối với các giống cây có nhiều cành, có thể bạn cần cắm cọc để chống đỡ cho cây.[2] Dùng vải hoặc vật liệu mềm buộc lỏng thân cây vào cọc.
  7. Thu hoạch hạt hướng dương (tùy chọn). Hoa hướng dương thường tồn tại trong khoảng 30-45 ngày. Đến cuối giai đoạn này, đài hoa màu xanh sẽ bắt đầu chuyển sang màu nâu.[3] Nếu muốn thu hoạch hạt hướng dương để rang hoặc để dành trồng mùa sau, bạn hãy dùng túi giấy bọc hoa lại để phòng chống chim. Cắt vào khi hoa đã khô hoàn toàn.
    • Nếu được để tự nhiên, hạt hướng dương sẽ rơi xuống đất và mùa sau sẽ mọc lên. Tuy nhiên việc thu hoạch sẽ bảo vệ hạt khỏi loài gây hại.

Lời khuyên[sửa]

  • Hướng dương là loại cây một năm và sẽ chết sau khi hoa đã tàn.

Cảnh báo[sửa]

  • Hướng dương tiết ra các hóa chất có thể ức chế sự phát triển của khoai tây hoặc đậu và có thể diệt cả cỏ nếu được mọc tự nhiên. Tuy nhiên các hóa chất này không có hại.[2]
  • Không trồng hoa hướng dương dựa vào các công trình xây bằng gạch vì các thân cây có thể mọc chen vào giữa các viên gạch và làm hại công trình.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây