Vũ trụ trong một nguyên tử/Chương 3 (tiếp theo)

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này
Chương 3: Tính Không, Thuyết Tương Đối và Vật lý Lượng tử (tiếp theo)



Mặc dù tôi đã nghe nói về lý thuyết tương đối hẹp của Einstein từ lâu, David Bohm lần đầu tiên giải thích lại kèm theo đó với một số ý tưởng triết học cho tôi. Vì không có căn bản toán học, nên việc giảng dạy cho tôi về vật lý hiện đại, đặc biệt là các đề tài bí hiểm như thuyết tương đối, thực sự không dễ dàng. Khi nghĩ đến sự nhẫn nại của Bohm, giọng nói êm dịu, cử chỉ thanh lịch, và sự cẩn thận, để chắc chắn là tôi theo kịp được lời giảng của ông, tôi thiệt nhớ ông ta.

Như bất cứ người thường nào đã thử tìm hiểu về lý thuyết này đều biết rằng ngay cả một sự nắm bắt cơ bản về nguyên lý của Einstein đều cần có một mong ước vượt qua các ý tưởng thông thường. Einstein đưa ra hai định đề: vận tốc ánh sáng là không đổi và nguyên lý tương đối của ông, cho rằng mọi định luật vật lý phải tác động chính xác như nhau cho tất cả người quan sát trong chuyển động tương đối. Với hai tiền đề này, Einstein đã cách mạng hóa sự hiểu biết khoa học về không và thời gian.

Lý thuyết tương đối của ông ấy cho ta một phương trình nổi tiếng về vật chất và năng lượng, E=mc2, phải thừa nhận là phương trình khoa học duy nhất mà tôi biết (ngày nay chúng ta có thể thấy nó ngay cả trên các áo thun), và nó là nguồn của các thí nghiệm suy tưởng có tính thách đố và giải trí. Nhiều thí nghiệm trong đó, như là nghịch lý trẻ sinh đôi về lý thuyết tương đối hẹp, thời gian giản nở, hay sự thu nhỏ của các vật thể ở vận tốc cao, giờ đây đã được xác nhận một cách thực nghiệm. Nghịch lý trẻ sinh đôi, trong đó một người anh em bay đi trong một tàu không gian ở vận tốc gần ánh sáng đến một vì sao cho là cách xa 20 năm ánh sáng và sau đó trở về trái đất, ông ta sẽ thấy rằng người anh em song sinh già hơn mình, đã gợi nhớ cho tôi về câu chuyện về ngài Vô Trước[1] bằng cách nào đó đã đến được cõi trời của đức Di Lặc[2], nơi đó ông nhận được 5 bản kinh, là một bộ kinh luận Đại thừa quan trọng trong của ngài Di Lặc, tất cả xảy ra trong khuôn khổ của thời gian nghĩ uống trà. Nhưng khi ngài trở về trái đất thì 50 năm đã trôi qua.

Việc đánh giá được toàn bộ bản chất của nghịch lý trẻ sinh đôi sẽ dính dáng đến hiểu biết về một số tính toán phức tạp mà tôi e rằng sẽ quá sức tôi[3]. Theo như tôi hiểu thì ý tưởng quan trọng nhất của lý thuyết tương đối của Einstein là quan điểm về không gian, thời gian, và khối lượng không thể được xem như là tuyệt đối, tự tồn tại trong chúng như là những thực thể hay những bản thể trường cửu, không đổi. Không gian thì không độc lập, 3 chiều, và thời gian thì không là một thực thể đứng riêng, đúng hơn chúng tồn tại cùng nhau như là một dòng tương liên 4 chiều của "không-thời gian". Một cách cô đọng, lý thuyết tương đối hẹp của Einstein bao hàm rằng trong khi vận tốc ánh sáng không đổi, thì không có khuôn khổ tuyệt đối, ưu tiên của sự tham chiếu và mọi vật, kể cả không gian và thời gian là tương đối hoàn toàn. Đây là phát hiện thật đáng ghi nhớ.

Trong thế giới triết học Phật giáo thì quan điểm về thời gian tương đối thì không xa lạ. Trước đây ở thế kỉ thứ hai trường phái Kinh Lượng Bộ[4] đã bài bác quan điểm về thời gian tuyệt đối. Trong việc phân chia tiến trình thời gian thành quá khứ, hiện tại, và tương lai, Kinh Lượng bộ đã biểu thị sự phụ thuộc lẫn nhau của cả ba và luận rằng bất kỳ quan điểm nào về quá khứ, hiện tại, và tương lai [tam thời] thực sự độc lập đều không thể đứng vững. Họ chỉ ra rằng thời gian không thể được nhận thức như là một thực thể tự tính tồn tại độc lập với các hiện tượng thời gian mà phải được hiểu như là một tập hợp của các quan hệ giữa các hiện tượng thời gian. Ngoài các hiện tượng thời gian mà ta cấu trúc nên khái niệm về thời gian nói trên, không có thời gian thực mà bằng cách nào đó nó là một bình chứa vỹ đại như một sự tuyệt đối tự tồn, mà trong đó các sự vật và hiện tượng xảy đến.

Những luận điểm về tính tương đối của thời gian này, sau đó được ngài Long Thụ phát triển, chủ yếu là trong triết học, nhưng sự thật còn lại là thời gian đã được nhận thức có tính tương đối trong truyền thống triết học Phật giáo gần hai ngàn năm. Mặc dù tôi đã được bảo rằng một số nhà khoa học xem không-thời gian bốn chiều của Einstein như là một bình chứa vỹ đại với tính năng tồn tại tự tính trong đó các hiện tượng xảy ra; đối với một người nghiên cứu Phật giáo quen thuộc với các luận điểm của Thánh giả Long Thụ thì biểu thức của Einstein về tính tương đối của thời gian, đặc biệt thông qua các thí nghiệm suy tưởng nổi tiếng của ông trở nên vô cùng hữu ích trong việc đào sâu hiểu biết về bản chất tương đối của thời gian.

Sự nắm bắt của tôi về thuyết lượng tử, thành thật mà nói, thì chẳng có gì hay ho ... mặc dù tôi đã cố gắng rất nhiều!  Tôi được nghe về một trong những lý thuyết gia lượng tử vỹ đại nhất, Richard Feynman[5] đã viết "Tôi nghĩ tôi có thể nói một cách an toàn rằng không ai hiểu nổi vật lý lượng tử", như vậy thì ít nhất tôi cảm thấy mình đồng hội đồng thuyền.  Nhưng ngay cả với một người nào đó như tôi đây không thể theo dõi các chi tiết toán học phức tạp của lý thuyết này – thực ra, toán học là một lãnh vực của khoa học hiện đại mà dường như tôi không có duyên nghiệp với nó chút nào – thì hiển nhiên là ta không thể nói về các hạt sơ cấp như là các thực thể xác định được, độc lập, hay tương quan loại trừ nhau.  Các cấu trúc cơ sở của vật chất và các photon (đó là các vật liệu cơ bản lần lượt của vật chất và của ánh sáng) có thể hoặc có tính hạt hay tính sóng hay có cả hai [lưỡng tính sóng-hạt]. (Sự thật là người đoạt giải Nobel vì đã chỉ ra điện tử có tính sóng George Thomson[6], là con của một người cũng đã nhận giải thưởng này do công chứng tỏ rằng điện tử có tính hạt, tức là J.J. Thomson).  Cho dù người ta nhận thức các điện tử cách nào sóng hay hạt thì tôi được nghe rằng thì điều đó phụ thuộc vào hành vi của người quan sát và các lựa chọn dụng cụ thí nghiệm và đo đạc.

Mặc dù đã từ lâu tôi nghe về bản chất mâu thuẫn của ánh sáng, chỉ đến năm 1997 khi mà nhà vật lý thực nghiệm Anton Zeilinger giải thích cho tôi với các minh họa chi tiết – tôi đã cảm thấy cuối cùng thì cũng nắm bắt được vấn đề.  Anton chỉ ra cách mà thí nghiệm tự nó xác minh được khi nào một điện tử hành xử như là một hạt hay một sóng. Trong thí nghiệm khe hở đôi nổi tiếng, chùm điện tử được bắn từng đợt qua một tấm chắn có hai khe hở (song song) và được ghi ảnh lên vật liệu như là bề mặt ảnh chụp ở phiá sau của tấm chắn.  Nếu chỉ có một khe hở được mở ra, mỗi điện tử sẽ ghi lại dấu vết trên bề mặt ảnh chụp theo kiểu cách của một hạt. Mặc dù vậy, nếu cả hai khe hở được mở ra, khi lượng lớn điện tử được bắn ra thì dấu vết trên bề mặt ảnh chụp cho thấy rằng chúng đã đi qua cả hai khe hở cùng lúc, để lại một dạng tựa như sóng. 

Anton đã đem đến dụng cụ có thể lập lại thí nghiệm này trên một kích cở nhỏ, và tất cả mọi người tham gia đã thật vui vẻ. Anton thích coi trọng các khía cạnh thực nghiệm của cơ học lượng tử, toàn bộ hiểu biết của ông ta có nền tảng trên những điều mà ta có thể học trực tiếp từ các thí nghiệm. Điều này khác nhiều với cách tiếp cận của David Bohm, người chủ yếu hứng thú trong lý thuyết và ý nghĩa triết học của cơ học lượng tử. Sau này tôi biết thêm là Anton đã và giữ vững lập trường cổ vũ cho điều được gọi là diễn dịch Copenhagen[7] về cơ học lượng tử, trong khi David Bohm lại là người phê phán nó mãnh liệt nhất.

Phải thừa nhận là tôi cũng không biết chắc toàn bộ các ý nghiã triết học và nhận thức về nghịch lý lưỡng tính sóng-hạt có thể là gì. Tôi không gặp trở ngại trong việc chấp nhận ý nghĩa triết học cơ bản mà ở mức nhỏ hơn nguyên tử thì chính ý niệm về thực tại không thể tách rời khỏi các hệ thống đo đạc được dùng bởi người quan sát, và do đó, không thể nói rằng hoàn toàn khách quan.  Dầu sao, thì nghịch lý này cũng dường như nói lên rằng – ngoại trừ người ta đính kèm theo một loại khả năng thu thập thông tin nào đó từ các điện tử – thì ở mức thấp hơn nguyên tử, hai nguyên lý quan trọng nhất của lô-gíc, là luật mâu thuẫn và luật loại trừ trạng thái trung gian, dường như bị vi phạm[8].  Trong một thí nghiệm thông thường, chúng ta sẽ đoán rằng đã ở dạng sóng thì không thể nào là hạt, nhưng ở mức độ lượng tử, ánh sáng thể hiện mâu thuẫn với điều này vì nó hành xử như là cả hai dạng.  Tương tự trong thí nghiệm khe hở đôi, có sự thể hiện như một số photon đã đi qua cả hai khe hở đồng thời, do đó vi phạm luật loại trừ trạng thái trung gian, mà được dự đoán là chúng chỉ đi qua hoặc một trong hai khe hở mà thôi.

Ảnh Minh Họa cho thấy bản chất sóng của ánh sáng qua thí nghiệm khe hở đôi.

Đối với ý nghĩa nhận thức của các kết quả của thí nghiệm khe hở đôi, tôi nghĩ rằng vẫn còn có điều đáng bàn thảo ở đây, nguyên lý bất định nổi tiếng của Heisenberg phát biểu rằng sự đo đạc vị trí của một nguyên tử càng chính xác bao nhiêu thì càng không thể biết rõ được trạng thái moment chuyển động của nó, và ngược lại, càng đo đạc chính xác trạng thái moment của nó thì càng không thể tìm rõ được vị trí của nó.  Một lần nữa điều này cho thấy người quan sát có vai trò nền tảng:  khi chọn nghiên cứu moment chuyển động của điện tử, thì ta bị loại trừ khỏi việc tìm hiểu vị trí của nó; và khi chọn nghiên cứu vị trí thì lại bị loại trừ việc tìm hiểu moment chuyển động của nó. Vậy người quan sát là một thành phần tham gia một cách hiệu quả trong thực thể đang được quan sát.  Tôi nhận ra rằng vấn đề vai trò của người quan sát là một trong những câu hỏi gai góc nhất của cơ học lượng tử.  Quả vậy, tại hội nghị Mind and Life trong năm 1997, nhiều thành viên khoa học có những quan điểm mang sắc thái khác nhau. Một số cho rằng vai trò của người quan sát giới hạn trong việc lựa chọn các thiết bị đo đạc, trong khi số khác chấp nhận tầm quan trọng to tát của người quan sát như là mộ thành tố cấu trúc trong thực thể được quan sát.

Vấn đề này từ lâu đã được chú ý bàn thảo trong hệ tư tuởng Phật giáo.  Một thái cực là những nhà "duy vật"[9] Phật giáo là những người tin rằng thế giới vật chất được hợp thành bởi các hạt tử bất khả phân mà chúng có một thực tại khách quan độc lập với tâm thức.  Thái cực khác là những nhà "duy tâm", được gọi là trường phái Duy Thức[10], họ bác bỏ bất kỳ mức độ nào của thực tại khách quan trong thế giới bên ngoài. Trong phân tích cuối cùng, họ nhận thức thế giới vật chất bên ngoài là một sự mở rộng của tâm thức quán tưởng.  Tuy nhiên, có một quan điểm thứ ba, là lập trường của trường phái Trung Quán Cụ Duyên[11], được kính trọng nhất bởi truyền thống Tây Tạng.  Theo quan điểm này, thì mặc dù thực tại của thế giới bên ngoài thì không bị bác bỏ, nó phải được hiểu với tính tương đối.  Nó còn tùy thuộc vào ngôn ngữ của chúng ta, vào tập quán xã hội, và các nhận thức được chia sẽ chung.  Ý niệm về thực tại độc lập với người quan sát thì không thể đứng vững. Như trong vật lý hiện nay, vật chất không thể được nhận thức hay được mô tả tách rời khỏi người quan sát – vật chất và tâm thức là hai thành phần phụ thuộc nhau.

Sự thừa nhận bản chất phụ thuộc một cách nền tảng của thực tại trong Phật giáo được gọi là "duyên khởi" – là tâm điểm của hiểu biết Phật giáo về thế giới và về bản chất sự tồn tại của con người chúng ta.  Một cách tinh yếu, nguyên lý duyên khởi có thể hiểu được theo ba cách sau đây.  Thứ nhất, tất cả các sự vật và hiện tượng duyên sinh [pháp hữu vi] đều chỉ được hình thành như là kết quả sự tượng tác của các nguyên nhân [nhân] và các điều kiện [duyên]  chúng không tự hình thành, hay được tạo ra hoàn bị.  Thứ nhì, có một sự phụ thuộc tương hỗ giữa các thành phần và toàn thể; thiếu các thành phần thì không thể có toàn thể, không có toàn thể thì nói về các thành phần là điều vô nghĩa. Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các thành phần và toàn thể này áp dụng trong cả khuôn khổ về không gian và thời gian. Vật bất kỳ chỉ tồn tại và là một tập hợp của các đặc trưng[12] bên trong mạng lưới tổng thể của mọi vật mà chúng có một mối quan hệ tiềm năng hay khả dĩ với vật đó. Không có hiện tượng nào tồn tại với tập hợp đặc thù độc lập hay tự tính của mình.

Và thế giới thì được tạo thành bởi mạng lưới phức tạp của các mối quan hệ lẫn nhau.  Ta không thể nói về một thực tại của một thực thể cách biệt bên ngoài nội dung của chuỗi các mối quan hệ lẫn nhau của nó với môi trường và các hiện tượng khác, kể cả ngôn ngữ, các khái niệm, và các tập quán khác. Do đó, không thể có các chủ thể mà không có các đối tượng mà bởi đó chúng được định nghĩa; không thể có các đối tượng mà không có các chủ thể để nhận thức chúng; không thể có những người làm mà không có các sự vật được làm [tức các đối tượng của việc làm].  Không thể có các chiếc ghế mà không có các chân, chỗ để ngồi, lưng ghế, gỗ, các đinh ốc, nền mà trên đó nó đặt lên, các bức tường để xác định gian phòng mà nó nằm bên trong, những người chế tạo ra nó, và những cá nhân nào đã đồng ý để gọi tên nó là ghế và công nhận nó là vật để ngồi lên.  Theo nguyên lý này thì các sự vật và hiện tượng không chỉ hoàn toàn tương thuộc mà mỗi một đặc trưng của chúng đều phụ thuộc một cách xuyên suốt vào những sự vật và hiện tượng khác.

Trong vật lý, bản chất phụ thuộc sâu xa của thực tại đã được nhấn mạnh sắc bén bởi nghịch lý được gọi là EPR - là tên gợi ý bởi những người tạo ra nó, Albert Einstein, Boris Podolsky, và Nathan Rosen[13] – nguyên, nó được tạo thành để thử thách cơ học lượng tử.  Giả sử một cặp hạt sơ cấp được tạo thành và sau đó bị tách rời, chuyển động ra xa theo hai hướng ngược nhau – cho là đến những vị trí cách nhau rất xa, chẳn hạn Dharamsala, nơi tôi sống và New York.  Một trong những thuộc tính của cặp hạt này là spin[14] [sự quay] của chúng phải ngược nhau – tức là nếu một hạt đo được chiều hướng "lên" thì hạt kia sẽ có chiều "xuống". Theo cơ học lượng tử thì mối tương quan của sự đo lường (chẳng hạn khi một hạt spin lên thì hạt kia spin xuống) phải tồn tại ngay cả khi các thuộc tính của từng hạt chưa được xác định cho đến khi những người làm thí nghiệm tiến hành đo kiểm một trong các hạt, thí dụ như hạt tại New York.   Tại thời điểm đó một người ở New York sẽ thu được một giá trị – giả sử là lên – trong trường hợp này thì hạt kia phải đồng thời trở thành xuống.  Những sự xác định của lên và xuống là tức thì, ngay cả đối với hạt ở Dharamsala, chưa hề được đo kiểm.  Bất chấp sự phân cách giữa chúng, hai hạt này trình hiện như là một thực thể quấn quít nhau.  Theo cơ học lượng tử, dường như có một sự nối kết lẫn nhau sâu sắc và đáng ngạc nhiên trong trọng tâm của môn vất lý này.

Tại một buổi diễn thuyết công cộng ở Đức, tôi đã gây được sự chú ý lớn trong giới khoa học gia nghiêm túc khi nói đến tuệ giác về thế giới của các truyền thống thiền định.  Tôi đã nói về nền tảng gặp gỡ giữa truyền thống Phật giáo của chính tôi và khoa học hiện đại – đặc biệt là trong các luận điểm của Phật giáo về tính tương đối của thời gian và bác bỏ chủ trương thực tính[15].  Sau đó tôi nhận thấy von Weizsäcker trong các thính giả, và khi nói đến món nợ tôi mang đối với ông ta bởi một ít hiểu biết về vật lý lượng tử thì Weizsäcker lịch sự rào đón rằng nếu vị thầy của ông ấy là Werner Heisenberg có mặt ở đó, thì ông ấy sẽ rất hứng khởi khi được nghe về sự song song cộng hưởng giữa triết học Phật giáo và sự thấu suốt khoa học của ông ấy.

Một loạt các vấn đề quan trọng khác trong cơ học lượng tử quan tâm đến câu hỏi về sự đo kiểm.  Tóm lại, tôi thấy thật ra toàn bộ lãnh vực nghiên cứu đều dành cho điều này. Nhiều khoa học gia cho rằng hành vi đo kiểm gây ra sự "sụp đổ" của một trong hai tính năng sóng hay hạt của hạt sơ cấp , tùy thuộc vào hệ thống đo kiểm được sử dụng trong thí nghiệm;  chỉ có sự đo kiểm này có tiềm năng làm điều đó xảy ra. Nhưng ta sống trong thế giới của các đối tượng thường ngày.  Vậy nên câu hỏi là: Làm thế nào từ quan điểm của vật lý, chúng ta dung hợp được giữa một bên là các ý niệm thông thường về thế giới thường ngày của các đối tượng và các đặc tính của chúng, với phía bên kia là thế giới kỳ lạ của cơ học lượng tử?  Có thể nào cả hai tầm nhìn này dung hợp được với nhau?  Phải chăng ta bị tuyên án là không thích nghi để sống với điều dường như là một quan điểm phân liệt về thế giới?

Trong hai ngày tu học về các vấn đề nhận thức luận có liên quan đến nền tảng của cơ học lượng tử và triết học Trung đạo Phật giáo tại Innsbruck, nơi mà tôi, Anton Zeilinger và Arthur Zajone gặp gỡ để đối thoại, thì Anton đã nói với tôi về một đồng nghiệp nổi tiếng của ông ta đã có lần nhận xét rằng hầu hết các nhà vật lý lượng tử liên hệ đến lãnh vực của họ trong một kiểu cách phân liệt. Khi ở trong phòng thí nghiệm, họ và đùa nghịch với các đồ vật, họ là những người duy vật. Họ nói về các photon và các điện tử dịch chuyển đây đó. Mặc dù vậy, ở thời điểm mà bạn chuyển sang bàn thảo về triết học và hỏi họ về nền tảng cơ học lượng tử, thì hầu hết họ sẽ nói rằng không có gì thực sự tồn tại nếu không có thiết bị để định nghĩa chúng.

Một số nghi vấn tương tự đã xuất hiện trong triết học Phật giáo liên hệ đến sự phân cực giữa quan điểm thông thường của chúng ta về thế giới và tầm nhìn được gợi lên bởi triết lý của ngài Long Thụ về tính Không.  Thánh giả Long Thụ viện dẫn quan điểm về hai chân lý [nhị đế] bao hàm tục đế [thông thường] và chân đế [tối hậu], tương ứng với kinh nghiệm về thế giới thường ngày, và sự vật và hiện tượng trong dạng thức tối hậu, tức là ở mức độ của tính Không.  Trong mức độ thông thường, ta có thể nói về một thế giới đa nguyên của sự vật và hiện tượng với các đặc trưng riêng biệt và tiến trình nguyên nhân.  Đây là giới mà ta có thể trông đợi luật nhân quả, và các luật về lô-gic – như là các nguyên lý xác định, mâu thuẫn, và luật loại trừ trung gian – tác động mà không có sự vi phạm.  Thế giới kinh nghiệm thực nghiệm thì không phải là một ảo tưởng, cũng không phải không thật. Nó là thật mà trong đó ta thể nghiệm. Một hạt lúa có sản sinh thành cây lúa, mà nó cuối cùng hình thành lúa chín hạt.  Sử dụng độc tố có thể gây tử vong, và tương tự dùng thuốc có thể chữa được bệnh. Mặc dù vậy, trong tầm nhìn của chân đế, sự vật và hiện tượng không chiếm hữu các thực tại độc lập riêng biệt.  Thể trạng tối hậu của chúng là "thiếu vắng" trong đó không có gì chiếm hữu bất kỳ một bản chất thực tính hay tự tính.  

Tôi có thể hình dung điều tương tự với nguyên lý nhị đế này khi áp dụng vào của vật lý. Chẳng hạn, ta có thể nói rằng mô hình Newton là một áp dụng cho thế giới thông thường như là chúng ta biết về nó, trong khi thuyết tương đối Einstein – cơ bản dựa trên những giả định khác về gốc rể – điển hình cho việc cộng thêm vào mô hình xuất sắc của một phạm vi nội hàm khác biệt hay lớn hơn.  Mô hình Einstein mô tả các khía cạnh của thực tại trong trường hợp mà các trạng thái chuyển động tương đối là thiết yếu nhưng không thực sự ảnh hưởng đến hình ảnh thông thường của chúng ta trong hầu hết các tình huống.  Tương tự, các mô hình vật lý lượng tử về thực tại thể hiện các hoạt động trong một nội hàm khác – hầu như "suy diễn" thực tại của các hạt sơ cấp, đặc biệt trong thế giới vi mô.  Mỗi một trong các mô hình trên đều vượt trội trong lãnh vực của mình và trong các mục tiêu mà nó được thiết kế, nhưng nếu chúng ta tin vào một mô hình bất kỳ nào trong chúng là được cấu trúc bởi các sự vật thực sự tự tính thì chúng ta lọt vào tầm mức của sự thất vọng.

Tôi thấy rằng thật hữu ích khi quán chiếu lên một sự phân biệt quan trọng được miêu tả bởi ngài Nguyệt Xứng[16] (thế kỉ thứ 7) trong mối quan hệ giữa các nội hàm của luận đàm về tục đế và chân đế của sự vật.  Nguyệt Xứng luận rằng, khi hệ thống hóa hiểu biết về thực tại, người ta phải nhạy cảm với nội dung và các tham biến của một phương thức truy cứu đặc thù. Chẳng hạn, ngài cho rằng sự bác bỏ các đặc trưng, nhân quả, và nguồn gốc riêng biệt trong thế giới thường ngày, như một số luận giả về triết học tính Không đã nêu lên, sẽ thiết lập nên một sai lầm có tính phương pháp.

Trên mức độ thông thường, ta luôn nhìn thấy nguyên nhân và hậu quả.  Khi cố tìm xem ai có lỗi trong một tai nạn, thì ta lại không đào sâu nghiên cứu vào bản chất cửa thực tại, nơi mà dòng tương tục vô tận của các sự kiện khiến cho tai nạn đó không thể nào có chỗ để quy lỗi.  Khi ta chấp thuận những đặc tính như thế như là các nhân và quả trong thế giới thực nghiệm, ta đã không làm việc trên cơ sở của một phân tích siêu hình điều tra đến tận trạng thái bản thể tối hậu của các sự vật và các tính chất của chúng.  Ta chỉ làm nội trong giới hạn của tập quán, ngôn ngữ, và lập luận thường ngày. Ngược lại, Nguyệt Xứng luận rằng các định đề siêu hình của các trường phái triết học, như là khái niệm về Thượng Đế hay kinh hồn vĩnh cửu có thể bị bác bỏ thông qua phân tích về trạng thái bản thể tối hậu của chúng.  Điều này có được là vì những thực thể này được đặt trên cơ sở của một sự tìm hiểu vào cơ chế tối hậu về sự có mặt của sự vật.

Một cách tinh yếu, Long Thụ và Nguyệt Xứng đề xuất rằng:  Khi liên hệ đến thế giới thực nghiệm của kinh nghiệm, chừng nào chúng ta vẫn không khoác lên các sự vật tính tồn tại tự tính độc lập, thì các quan điểm về nhân quả, đặc trưng, và phân biệt cũng như là các nguyên lý của lô-gíc sẽ vẫn còn đứng vững. Dẫu sao thì hiệu lực của chúng bị giới hạn trong một khuôn khổ tương đối của tục đế[17].  Việc tìm kiếm đến các ý niệm nền tảng như là đặc trưng, sự tồn tại, và nhân quả trong một sự tồn tại độc lập khách quan thì sẽ vượt quá biên giới của lô-gíc, ngôn ngữ, và thường tục.  Ta không nhất thiết phải mặc nhiên chấp nhận sự tồn tại độc lập khách quan của sự vật, bởi vì chúng ta có thể nhận thức được thực tại không xác định riêng lẽ, thiết thực của các sự vật và hiện tượng – thực tại đó không chỉ xác lập các chức năng thường ngày mà ngay cả cung cấp một cơ sở vững chắc cho các hành vi tinh thần và đạo đức. Thế giới theo triết học tính Không, được cấu hình bởi một mạng lưới của những thực tại có nguồn gốc phụ thuộc và liên hệ lẫn nhau, trong đó, nguồn gốc phụ thuộc tạo nên sự hình thành các hậu quả có nguồn gốc phụ thuộc tương ứng theo luật duyên khởi về nhân quả.  Những gì ta làm và suy nghĩ trong các kiếp sống, sau đó, trở nên cực kỳ quan trọng khi nó ảnh hưởng đến mọi thứ mà ta kết nối tới.

Bản chất nghịch lý của thực tại biểu lộ trong cả triết học Phật giáo về tính Không và vật lý hiện đại điển hình cho một thách thức đối với các giới hạn hiểu biết của con người.  Cốt lõi của vấn đề là ở tri thức luận:  Làm thế nào ta định danh hoá và hiểu biết thực tại một cách mạch lạc? Các luận sư Phật giáo về tính Không không những đã phát triển một hiểu biết toàn vẹn về thế giới dựa trên việc loại bỏ sự cuốn hút tận thâm căn xem thực tại như là sự kết thành của các thực thể khách quan chân thật một cách tự tính, mà họ cũng phấn đấu để nuôi sống các tuệ giác này trong đời sống thường nhật của mình.  Giải pháp Phật giáo cho điều có vẻ như là mâu thuẫn về tri thức luận này bao gồm việc hiểu biết thực tại trong các nội dung về thuyết lý của Nhị Đế.  Khoa vật lý cần phát triển một ngành tri thức học nhằm giúp giải quyết hố sâu ngăn cách có vẻ như không thể bắt được nhịp cầu nối giữa bản vẽ của thực tại trong thế giới vật lý cổ điển và kinh nghiệm thường ngày với bản vẽ đối chiếu của họ trong vật lý lượng tử.  Điều áp dụng của nhị đế trong vật lý ra sao, thì tôi thật không có ý kiến. Ở tận gốc rễ, vấn đề triết học mà vật lý đang đối đầu do sự đánh thức của vật lý lượng tử chính là quan điểm về thực tại – được định nghĩa trong nội dung của các cấu trúc thực một cách cốt lõi – liệu [quan điểm đó] có đứng vững được hay không?  Điều mà triết học Phật giáo về tính Không có thể dâng hiến là một mô hình chặt chẽ của việc hiểu biết về thực tại, đó là đặc tính phi bản thể. Điều này có thể chứng tỏ lợi ích hay không thì chỉ có thời gian mới trả lời được.

Chú thích[sửa]

  1. Vô Trước (sa. asaṅga, nghĩa là "không bị ô nhiễm, vướng mắc"), cũng được dịch âm là A-tăng-già, khoảng thế kỷ 4, là một Đại luận sư của Phật giáo Ấn Độ, người sáng lập Duy thức tông (sa. vijñānavādin). Sư khước từ quan điểm của Long Thụ (sa. nāgārjuna) về tính Không và thiết lập giáo pháp của mình dưới ảnh hưởng của Thuyết nhất thiết hữu bộ (sa. sarvāstivādin). Tương truyền Sư được Bồ Tát Di-lặc trực tiếp giáo hoá. “Vô Trước”. Wikipedia. Truy cập 14/01/2010 <http://vi.wikipedia.org/wiki/V%C3%B4_Tr%C6%B0%E1%BB%9Bc>.
  2. Di-lặc (sa. maitreya, pi. metteyya là cách phiên âm, dịch nghĩa là Từ Thị (慈氏), "người có lòng từ", cũng có tên khác là Vô Năng Thắng (sa. ajita), phiên âm Hán-Việt là A-dật-đa, là một vị Bồ Tát và cũng là vị Phật cuối cùng sẽ xuất hiện trên trái Đất. Trong Phật giáo Tây Tạng, Bồ Tát Di-lặc được thờ cúng rất rộng rãi. Cõi giáo hóa của Bồ Tát hiện nay là trời Đâu-suất (sa. tuṣita). Theo kinh điển, Bồ Tát Di-lặc sẽ giáng sinh trong khoảng 30.000 năm nữa. “Maitreya”. Wikipedia. Truy cập 14/01/2010 <http://en.wikipedia.org/wiki/Maitreya>.
  3. Xem thêm chi tiết tính toán: <http://en.wikipedia.org/wiki/Twins_paradox>.
  4. Kinh lượng bộ (sa. sautrāntika), là một nhánh của Tiểu thừa xuất phát từ Thuyết nhất thiết hữu bộ (sa. sarvāstivādin) khoảng 150 năm trước Công nguyên. Như tên gọi cho thấy (sautrāntika xuất phát từ sūtrānta, có nghĩa là Kinh phần, chỉ Kinh tạng của Tam tạng), bộ này chỉ đặt nền tảng trên Kinh tạng (sa. sūtrapiṭaka) và phản bác Luận tạng (sa. abhidharmapiṭaka) cũng như quan điểm “Nhất thiết hữu” (tất cả đều hiện hữu, đều có) của Thuyết nhất thiết hữu bộ. “Sautrantika”.Wikipedia. Truy cập 17/02/2009 <http://en.wikipedia.org/wiki/Sautrantika>.
  5. Richard Phillips Feynman (1918 - 1988 -- Nobel vật lý 1965) là nhà Vật lý Hoa Kỳ, giáo sư đại học Caltech. Ông được biết đến bởi công thức tích phân đường của cơ học lượng tử, lý thuyết về điện động học lượng tử, vật lý siêu lỏng của helium lỏng siêu lạnh, và vật lý hạt. Ông cũng đã đưa ra mô hình toán học mô tả ứng xử của các hạt cấp nhỏ hơn nguyên tử được mang tên "giản đồ Feynman".  “Richard Feynman”. Wikipedia. Truy cập 17/02/2009 <http://en.wikipedia.org/wiki/Richard_Feynman>.
  6. Sir George Paget Thomson (1892 - 1975 -- Nobel Vật lý 1937) nhà vật lý người Anh có công phát hiện (cùng với Clinton Davission) các đặc tính sóng của điện tử . “George Paget Thonmpson”. Nobelprize.org. Truy cập 15/01/2010 <http://nobelprize.org/nobel_prizes/physics/laureates/1937/thomson-bio.html>.
  7. Diễn dịch Copenhagen (Copenhagen interpretation) là một cách giải thích cơ học lượng tử trong đó ý tưởng chính cho rằng trạng thái của mỗi hạt sơ cấp được mô tả bởi một phương trình sóng được dùng để tính xác suất tìm thấy hạt đó tại một địa phương.  Một cách hệ quả thì hành vi đo đạc khiến cho tập hợp các tính toán về sác xuất bị "sụp đổ" vào trong giá trị được định nghĩa bởi phép đo đạc.  Tính năng biểu thị toán học này đưọc gọi là hàm sóng sụp đổ.  “Copenhagen_interpretation”. Wikipedia. Truy cập 15/01/2010 <http://en.wikipedia.org/wiki/Copenhagen_interpretation>.
  8. Đây là hai tiền đề quan trong nhất của lô-gíc toán học. Luật [loại trừ] mâu thuẫn cho rằng một mệnh đề chỉ có thể có đúng một giá chân lý. Trong khi luật loại trừ trạng thái trung gian cho rằng ngoài hai trạng thái đúng và sai thì không có mệnh đề não có giá trị nằm giữa hai mức này hay có cả hai giá trị.
  9. Có lẽ đức Dalai Lama ám chỉ những người ủng hộ chủ trương của phái Tì-bà-sa.
  10. Duy thức (sa. vijñāptimātratā), đồng nghĩa với danh từ Duy tâm (sa. cittamātra, cittamātratā), nghĩa là "chỉ có thức", các pháp đều từ Thức mà sinh ra, không có gì nằm ngoài thức. Giáo lí này chủ trương tất cả mọi sự hiện hữu đều do tâm, và vì vậy, không một hiện tượng nào tồn tại ngoài tâm. Duy thức là một tư tưởng chủ đạo của Duy thức tông. Các học giả Duy thức giải thích quy luật và sự liên kết của các giác quan nhờ vào tàng thức hay A-lại-da thức (sa. ālaya-vijñāna), Mạt-na thức và từ tập hợp của sáu giác quan trước (tiền ngũ thức). “Duy Thức”. Wikipedia. Truy cập 14/02/2009 <http://vi.wikipedia.org/wiki/Duy_th%E1%BB%A9c>.
  11. Trung Quán Cụ Duyên (sa. Prasaṅgika) là các quan điểm chủ yếu theo các luận giải của ngài Nguyệt Xứng và cũng như của ngài Phật Hộ về các pháp giảng của thánh giả Long Thụ. Ngài Long thụ sử dụng các hệ quả lập luận để bác bỏ các quan điểm sai lầm chủ yếu là phương pháp Quy mậu biện chứng (tức là mượn chính lập luận của đối phương dẫn đến các hậu quả mâu thuẫn) nhằm xác lập chẩn đế bên trong vòng hiểu biết của học thuyết nhị đế. “Prasangika”. Wikipedia. Truy cập 14/02/2009.<http://en.wikipedia.org/wiki/Prasangika>.
  12. Chữ nguyên văn là "identity" ở đây có tức là một bộ các đặc tính và ứng xử hay hành vi mà qua đó một sự vật có thể được nhận biết.
  13. Xem thêm chi tiết <http://en.wikipedia.org/wiki/EPR_paradox>. Boris Podolsky (1896 - 1966) (Борис Подольский) là nhà vật lý Nga gốc Do Thái. “Boris_Podolsky”. Wikipedia. Truy cập 14/02/2009. <http://en.wikipedia.org/wiki/Boris_Podolsky >. Nathan Rosen (1909-1995) là nhà vật lý Do Thái. Năm 1935 ông là người phụ giảng của Albert Einstein tại Institute for Advanced Study (Học viện Nghiên cứu Cao cấp) thành phố Princeton bang New-Jersey cho đến 1945.  Ông là đồng tác giả với Einstein và Boris Podolsky về nghịch lý EPR trong vật lý lượng tử về mối quan hệ giữa các giá trị vật lý quan sát được của các đại lượng vật lý và các giá trị mà có thể được tính đến bởi một lý thuyết vật lý. Ông là nhà sáng lập Học viện Vật lý ở Technion, Hailfa Do Thái. Ông cũng là Hiệu trưởng Đại Học Ben-Gurion tại Negrev trong thập niên 1970. “Nathan_Rosen”. Wikipedia. Truy cập 14/02/2009 <http://en.wikipedia.org/wiki/Nathan_Rosen>. Nghịch lý EPR là tên viết tắt của 3 người tìm ra nó có nội dung nói về quan hệ giữa các giá trị quan sát của các đại lượng vật lý và các giá trị mà có thể tính được cho bởi một lý thuyết vật lý:
    1. Kết qủa của sự đo đạc tiến hành trên một bộ phận A của một hệ thống lượng tử sẽ có một hiệu ứng "phi địa phương" lên thực tại vật lý một bộ phận cách xa B khác, trong ý nghĩa cơ học lượng tử về việc khả dĩ dự đoán những kết qủa logic của các đo đạc nào đó từ B; hay là   ...
    2. Cơ học lượng tử thì không hoàn thiện trong ý nghĩa rằng một phần tử vật lý thực tại nào đó tương ứng với B sẽ không thể tính được bởi cơ học lượng tử (nghĩa là, cần có thêm những biến số nào khác để tính toán nó).
  14. Trong cơ học lượng tử, spin là thuộc tính nền tảng của hạt nhân nguyên tử, của các hạt hadron, và các hạt cơ bản (tức là đặc tính quay).  Đối với các hạt có spin khác không, thì chiều quay là một độ tự do bản chất.   “Spin (physics)”. Wikipeida. Truy cập 14/02/2009. <http://en.wikipedia.org/wiki/Spin_(physics)>.
  15. Trong triết học thì chủ trương thực tính là quan điểm cho rằng với mọi loại thực thể đặc thù, tồn tại một tập hợp các đặc trưng hay thuộc tính mà với thực thể bất kỳ của loại đó phải có đủ.  Quan điểm này trái ngược với quan điểm phi thực tính cho rằng với một loại thực thể bất kỳ cho trước thì không tồn tại dấu vết nào để các thực thể thuộc loại đó phải có. “Essentialism”. Wikipedia. Truy cập 14/02/2009. <http://en.wikipedia.org/wiki/Essentialism>.
  16. Nguyệt Xứng (sa. candrakīrti, bo. zla ba grags pa), (thế kỉ k. 6/7), được xem là luận sư quan trọng nhất trong tông Trung quán sau Long Thụ. Sư quê ở Nam Ấn, xuất gia từ lúc nhỏ tuổi. Nhân lúc đọc trứ tác của Long Thụ, sư bỗng liễu ngộ. Sau, sư trở thành viện trưởng của Nalanda và viết nhiều bài luận chú giải về các tác phẩm của Long Thụ. Các tác phẩm quan trọng của Sư là Minh cú luận, còn nguyên bản Phạn ngữ), Nhập trung quán luận . “Nguyệt Xứng”. Wikipedia. Truy cập 14/02/2009. <http://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%87t_X%E1%BB%A9ng>.
  17. Theo Bát Nhã Ba-la-mật-đa Tâm kinh, một trong những bản kinh rất quan trọng của Đại thừa Trung Quán Tông thì ở mức tối hậu các khái niệm như sắc tướng, cảm xúc, tư duy, hành động, ý thức, …thậm chí đến Tứ Diệu Đế và không có cả sự chứng đắc đều không thể xác lập. Xem thêm “Bát-nhã-ba-la-mật-đa tâm kinh”. Wikipedia. Truy cập 15/01/2009 <http://vi.wikipedia.org/wiki/B%C3%A1t-nh%C3%A3-ba-la-m%E1%BA%ADt-%C4%91a_t%C3%A2m_kinh>

Mục lục[sửa]

Liên kết đến đây

Xem thêm liên kết đến trang này.
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này