Xóa sẹo do mụn

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Mụn trứng cá không chỉ khó đối phó mà chúng còn có thể để lại sẹo nếu bạn cố nặn hoặc cậy ra, và tình trạng các đốm đỏ sau viêm sẽ tồn tại rất lâu sau tuổi dậy thì! Tuy nhiên, những vết sẹo mụn này có thể xóa được – bạn chỉ cần tìm một phương pháp có hiệu quả với mình. Lưu ý là nó không có tác dụng với tất cả mọi người. Các phương pháp điều trị sẹo mụn có thể rất đa dạng, từ các loại kem đơn giản đến phẫu thuật xâm lấn, và còn nhiều cách khác nữa.

Các bước[sửa]

Xóa các vết sẹo[sửa]

  1. Xác định loại sẹo trên da. Sẹo do mụn có 4 loại, và khi biết mình đang phải đối phó với loại sẹo nào, bạn có thể chọn cách điều trị thích hợp.[1]
    • Sẹo lõm chân đá nhọn (Icepick scars) là sẹo phổ biến nhất do mụn để lại. Đặc điểm của loại sẹo này là các vết lõm có đường kính tương đối hẹp trên bề mặt da.
    • Sẹo hình chân vuông (boxcar scars) chủ yếu xuất hiện trên thái dương hoặc trên má, có góc cạnh và lõm sâu, giống như sẹo do thủy đậu.
    • Sẹo lõm chân tròn (rolling scars) khiến da có dạng như làn sóng, các cạnh của sẹo nhỏ dần khi đi sâu vào da.
    • Sẹo lồi (keloid hoặc hypertrophic scars) là các sẹo dày và nổi trên da do hiện tượng tăng sinh collagen để sửa chữa tình trạng sẹo ban đầu.
  2. Thử các liệu pháp bôi tại chỗ để chữa sẹo teo (atrophic scars). Sẹo teo (hoặc bất cứ loại sẹo nào không phải sẹo lồi) có thể đáp ứng tốt với các sản phẩm bôi được điều chế để tăng cường sản xuất collagen. Bạn hãy tìm các hợp chất có chứa:
    • A-xít alpha-hydroxy (AHA). A-xít glycolic là một trong nhiều AHA. Để có hiệu quả, kem lột AHA có bán không cần toa bác sĩ phải có độ pH 3 hoặc 4.[2] Đảm bảo sử dụng vào ban đêm vì kem lột AHA khiến da nhạy cảm với ánh sáng. Dùng kem chống nắng và thận trọng khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nếu bạn dùng liệu pháp này. A-xít glycolic an toàn cho phụ nữ mang thai nếu có hàm lượng dưới 10%.
    • A-xít beta-hydroxy (BHA). BHA phải có độ pH thích hợp từ 3-4 để có thể tẩy da chết. A-xít salicylic là một loại BHA. Phụ nữ mang thai không nên dùng BHA trong suốt thai kỳ.
    • A-xít retinoic, hoặc vitamin A. Ở một số quốc gia như Mỹ, bạn cần phải có toa bác sĩ mới mua được Retin-A vì nguy cơ gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Tham khảo bác sĩ da liễu vì các thuốc kê toa có thể gây các tác dụng phụ.
  3. Thử dùng phương pháp mài da siêu dẫn (microdermabrasion) để chữa các sẹo teo.[3] Liệu pháp mài da siêu dẫn mài vùng da xung quanh sẹo, làm phẳng bề mặt da và làm mờ các vết sẹo lõm. Liệu pháp này lột da bằng các tinh thể li ti, không đau nhiều và thường không chảy máu. Phương pháp này cũng có thể giúp đẩy mạnh quá trình hình thành collagen trong da. Nhiều phòng khám của bác sĩ da liễu cung cấp dịch vụ mài da siêu dẫn.
    • Hỏi thăm mọi người để tìm lời khuyên. Nếu có thể, bạn hãy tham khảo những người đã từng sử dụng phương pháp mài da siêu dẫn để chữa sẹo mụn.
    • Một số người có sẹo sâu bỏ qua phần “siêu dẫn” và sử dụng liệu pháp mài da, cách xử lý mạnh hơn và đi sâu hơn vào da. Hỏi bác sĩ xem đó có phải là cách điều trị tốt nhất đối với bạn không.
    • Chuẩn bị cho thời gian hồi phục. Làn da của bạn sẽ đỏ và nhạy cảm sau khi điều trị. Tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp trong vài tuần và luôn dùng kem chống nắng.
  4. Sử dụng liệu pháp lột da bằng hóa chất. Liệu pháp này sẽ lột lớp da ngoài cùng (hoặc vài lớp da nữa), để tái tạo lớp da mới không có sắc tố sẫm màu hoăc sẹo. Quá trình lột da bằng hóa chất luôn luôn phải được thực hiện bởi bác sĩ hoặc chuyên gia thẩm mỹ phối hợp với bác sĩ, mặc dù liệu pháp này không gây đau nhiều - cảm giác chỉ như kim châm nhẹ hoặc nóng rát.
    • Hỏi bác sĩ xem bạn cần sử dụng loại hóa chất lột da nào. Có nhiều công thức khác nhau được điều chế cho nhiều vấn đề khác nhau của da cũng như nhiều mức độ thấm sâu vào da. Phương pháp lột da bằng hóa chất có hiệu quả nhất khi được áp dụng nhiều lần.
    • Tránh ánh nắng mặt trời và dùng kem chống nắng. Làn da của bạn sẽ rất nhạy cảm sau khi lột. Bạn đừng làm hỏng công sức của mình vì bỏng nắng!
  5. Dùng phương pháp điều trị laser.[4] Phương pháp laser có tác dụng với cả hai loại sẹo lồi và sẹo teo do mụn. Có nhiều liệu pháp laser, và bác sĩ da liễu sẽ giúp bạn xác định loại nào là thích hợp.
    • Tia laser sẽ xử lý các vết sẹo teo do mụn: Cũng như phương pháp mài da siêu dẫn, phương pháp laser mài vùng da xung quanh sẹo, làm mờ các vết lõm.
    • Liệu pháp laser xung động nhuộm màu (pulsed dye laser) để điều trị sẹo lồi và đỏ: Thủ thuật này có thể giúp cho quá trình apoptosis (hiện tượng tự chết theo chu trình của tế bào), làm mờ sẹo và giảm đỏ.[5]
    • Tia laser smoothbeam cũng cải thiện sẹo teo bằng cách giúp cơ thể sản xuất collagen mới.
  6. Hỏi bác sĩ về chất làm đầy. Đôi khi các sẹo mụn quá sâu và liệu pháp làm phẳng da không có hiệu quả. Trong trường hợp này, bạn có thể cân nhắc tiêm chất làm đầy, có tác dụng giúp các sẹo đầy lên và mờ đi.
    • Nhược điểm duy nhất của phương pháp tiêm chất làm đầy là vật liệu làm đầy sau một thời gian sẽ bị cơ thể hấp thụ, do đó trung bình cách mỗi 6-12 tháng bạn sẽ phải tiêm lại.[6]
  7. Thử tiêm steroid. Liệu pháp tiêm steroid hoặc cortisone có tác dụng làm mềm và sau đó thu nhỏ các sẹo cứng. Đây là liệu pháp đặc biệt hiệu quả để chữa sẹo lồi.[7] Bác sĩ sẽ tiêm vào mô sẹo để giúp giảm ngứa, đỏ hoặc bỏng rát, đồng thời làm mềm và thu nhỏ các mô sẹo.[7]
  8. Cân nhắc phương pháp phẫu thuật như một biện pháp cuối cùng.[8] Phẫu thuật là một liệu pháp hiệu quả nhưng cũng có rủi ro.
    • Bác sĩ sẽ rạch vào vùng da xung quanh vết sẹo, sau đó khâu lại để loại bỏ vết sẹo ban đầu.[9]
    • Với những sẹo nhỏ, bác sĩ sẽ khâu một đường rất nhỏ bên trên vết rạch; tuy nhiên, với các vết sẹo lớn hơn, có thể bạn cần phải ghép da từ bộ phận khác trên cơ thể, thông thường là da ở sau tai.[9]

Điều trị các đốm đỏ sau viêm[sửa]

  1. Hiểu các thuật ngữ. Mặc dù đều do mụn gây ra, nhưng các đốm đỏ sau viêm (PIE) và tăng sắc tố da sau viêm (PIH) không thực sự là sẹo mà là tình trạng da bị biến màu.[10]
    • PIE là các đốm màu hồng hoặc đỏ do viêm và mụn. PIH là các đốm màu nâu do sự tăng sinh quá mức của melanin.
    • Bạn có thể phân biệt giữa PIE và PIH dựa vào màu sắc và bằng cách ấn thử: PIE sẽ biến mất khi bạn ấn lên da, trong khi PIH thì không.
    • Thuật ngữ "sẹo" thực ra chỉ dùng để mô tả vết lõm trên da do mụn, mặc dù nhiều người bị mụn nghiêm trọng cũng quan tâm đến việc giảm PIE và cả PIH.
  2. Điều trị PIE and PIH. Không giống như sẹo, PIE sẽ mờ dần nhờ sự sản xuất chậm collagen. Tuy nhiên quá trình này có thể mất từ 6 tháng cho đến nhiều năm, do đó nhiều người muốn đẩy nhanh quá trình điều trị.
    • Các sản phẩm điều trị hiệu quả phải có các thành phần làm sáng da và sửa chữa màu sắc của da. Các loại lotion này thường được ưa chuộng ở các nước châu Á, nơi làn da trắng sáng thường được coi trọng.
    • Tìm các thành phần như a-xít kojic, vitamin C, arbutin, niacinamide, chiết xuất dâu tằm, a-xít azelaic, chiết xuất cam thảo. Các thành phần này đã được khoa học xác thực là chất làm sáng da, nói chung là có thể sử dụng an toàn và không gây phản ứng khi dùng đúng theo hướng dẫn.
    • Một số bác sĩ sẽ chỉ định kem có chứa hydroquinone, tuy nhiên loại kem này cần được sử dụng thận trọng và chỉ dùng trong thời gian ngắn do có các tác dụng phụ tiềm ẩn.
    • Các loại serum vitamin C giúp tái tạo collagen, làm đều màu sắc của da để chữa PIE. Điều quan trọng bạn cần lưu ý là nhiều sản phẩm vitamin C không kê toa có hàm lượng vitamin C không đủ để có hiệu quả. Serum vitamin C được bác sĩ da liễu kê toa là lựa chọn tốt nhất.
    • Thoa kem chống nắng. Kem chống nắng bảo vệ da khỏi tác hại của tia UVA và UVB, có thể rút ngắn thời gian tự lành của các đốm đỏ sau viêm.
  3. Thử dùng hóa chất lột da. Các sản phẩm không kê toa có chứa a-xít alpha hydroxy (AHA) có tác dụng lột da và giúp thay mới các tế bào da, chữa mụn và PIE.[2]
    • AHA là chất lột da hiệu quả – chúng giúp làm bong những lớp da ngoài cùng nhanh hơn để tái tạo lớp da mới không đốm sạm bên dưới. Bạn cần thoa kem chống nắng vì AHA gây ra tình trạng nhạy cảm với ánh sáng, có thể dẫn đến hiện tượng bỏng nắng.
    • Cân nhắc mua các sản phẩm tẩy da chết (trong đó có a-xít glycolic hoặc các loại a-xít AHA hoặc BHA khác) do bác sĩ da liễu kê toa. Sản phẩm này mạnh hơn các sản phẩm AHA không kê toa và thấm được vào các lớp sâu hơn của da, nhưng tất nhiên cũng đắt hơn và cũng khiến da đỏ và kích ứng nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần sau.
  4. Sử dụng retinoids. Retinoids là chất dẫn xuất vitamin A có tính a-xít, có hiệu quả cao trong việc điều trị một số vấn đề về da như các nếp nhăn li ti, nếp nhăn sâu, mụn và tình trạng biến màu.
    • Các loại kem retinoid sẽ giúp làm mờ các đốm tăng sắc tố da sau viêm (PIH) bằng cách đẩy nhanh quá trình thay mới tế bào, và retinoid cũng có thể giúp cải thiện tình trạng sẹo teo nhờ tác dụng kích thích sản xuất collagen.
    • Kem retinoid chủ yếu bán theo toa bác sĩ, vì vậy bạn cần hẹn gặp bác sĩ da liễu để áp dụng phương pháp điều trị này. Một điều quan trọng cần lưu ý là retinoids sẽ khiến da rất nhạy cảm với ánh nắng mặt trời, do đó bạn chỉ nên sử dụng ban đêm.
    • Một loại retinoid gọi là gel Differin (gel adapalene) hiện ở Mỹ có bán không cần toa bác sĩ. Sản phẩm này có hàm lượng kê toa, nhưng nhẹ hơn các sản phẩm có nhãn hiệu kê toa khác.
    • Một dạng nhẹ hơn gọi là retinol là thành phần không kê toa hiện diện trong nhiều sản phẩm chăm sóc da thông dụng. Các sản phẩm này được quảng cáo là có tác dụng tương tự như các loại kem retinoid, nhưng chúng không có hiệu quả như vậy.
  5. Cân nhắc dùng liệu pháp laser. Nếu các đốm PIH hoặc PIE không mờ đi sau nhiều tháng, bạn có thể cân nhắc dùng liệu pháp laser để xóa và làm mờ đáng kể các vết đốm.
    • Các phương pháp điều trị bằng laser mới nhất có thể làm phẳng da, từ đó loại bỏ các mảng PIH biến màu. Các tia laser cũng có thể đẩy mạnh sản sinh collagen để làm đầy các sẹo teo. Các liệu pháp laser khác như laser xung động nhuộm màu nhằm vào phần da đỏ và biến màu do mụn.
    • Nhược điểm duy nhất của phương pháp điều trị laser là đắt tiền; bạn phải trải qua 3 buổi trị liệu để hoàn toàn xóa hết các đốm PIH, ngoài ra nó có thể gây nhạy cảm và kích ứng. Tuy nhiên kết quả thường nhanh, công hiệu và lâu dài.[6]
  6. Thử nghiệm với các liệu pháp tại nhà. Các phương pháp điều trị y khoa có tỷ lệ thành công cao nhất, tuy nhiên bạn có thể thử dùng các liệu pháp tại nhà ít xâm lấn hơn và an toàn hơn.
    • Mặt nạ mật ong: Mật ong có chứa đường, các a-xít amin và a-xít lactic. Điều này nghĩa là mật ong sẽ hút ẩm và khóa độ ẩm bên trong da, đồng thời lột nhẹ và chữa mụn. Rót nước nóng vào bát và ghé mặt trên bát nước, trùm khăn tắm qua đầu và bát nước để hứng hơi nước. Hơi nước sẽ giúp lỗ chân lông hấp thụ mật ong tốt hơn. Sau vài phút, thoa mật ong loại A lên mặt và để yên 15 phút trước khi rửa sạch.
    • Lô hội: Lô hội là một sản phẩm dưỡng ẩm khác giúp làm dịu và trẻ hóa làn da bị tăng sắc tố. Bạn có thể mua các sản phẩm chăm sóc da có chứa lô hội, nhưng cây lô hội cũng sẵn có. Cắt một nhánh lô hội tươi và dùng gel bên trong thoa trực tiếp lên da. Nếu thích, bạn có thể trộn một giọt tinh dầu cây trà tinh khiết dùng trong y khoa (không nhiều hơn) với lô hội trước khi thoa lên da. Tinh dầu cây trà đậm đặc có thể gây tình trạng bỏng hóa chất nên cần được pha loãng. Cây trà có đặc tính kháng khuẩn và giúp làn da sạch hơn nhờ tác dụng trị mụn. Dầu neem pha loãng là một loại tinh dầu bổ sung khác cũng có tác dụng trị mụn.
  7. Biết các liệu pháp tại nhà nào nên tránh. Có rất nhiều các bài viết trên mạng khuyên dùng các sản phẩm nguy hiểm hoặc gây hại cho da. Bạn cần tìm hiểu và chỉ sử dụng những sản phẩm an toàn.
    • Không phải thứ nào "tự nhiên" cũng đều có nghĩa là “an toàn". Chắc chắn là bạn sẽ không bôi thủy ngân tự nhiên hoặc cây tường vi độc lên da, do đó hãy thận trọng với các thành phần được gắn mác là “tự nhiên”, dù là các liệu pháp tại nhà hay sản phẩm có thương hiệu. Tuy nhiên bạn có thể dùng các thành phần đã được kiểm chứng khoa học để chăm sóc da.
    • Không phải cứ là thực phẩm thì đều an toàn cho da. Độ pH của một số loại thực phẩm có thể làm hại da. Bạn cần nâng niu làn da mỏng mạnh của bạn chứ đừng đối xử với nó như đĩa đựng thức ăn!
    • Đặc biệt, tránh các công thức hoặc các liệu pháp tại nhà có nước cốt chanh hoặc muối nở. Cả hai chất này đều nên tránh dùng để chăm sóc da mặt do có thể làm bỏng da và khiến tình trạng đốm đỏ nặng thêm. Hơn nữa, nước cốt chanh khiến da nhạy cảm với ánh sáng. Cả hai thứ này có độ pH quá cách biệt so với độ pH 5.5 tự nhiên của làn da mạnh khỏe và thường không được khuyên dùng cho da.

Chăm sóc da[sửa]

  1. Dùng sữa rửa mặt có độ pH cân bằng. Hãy đối xử tốt với làn da của bạn và dùng sữa rửa mặt có độ pH cân bằng 5.5. Đây là môi trường a-xít tự nhiên của da và là độ pH tối ưu. Ở độ pH này da sẽ tạo thành một lớp a-xít thích hợp phủ bên ngoài để ngăn chặn sự phát triển của mụn trứng cá.
    • Đảm bảo sữa rửa mặt mà bạn chọn phải thích hợp với làn da của bạn, và có hiệu quả tối ưu cho làn da dễ nổi mụn hoặc da nhạy cảm.
    • Cẩn thận kiểm tra dị ứng áp da. Bạn cần cẩn thận thứ sản phẩm mới lên một phần nhỏ trên da trong một thời gian để kiểm tra phản ứng dị ứng. Ngưng sử dụng nếu có hiện tượng kích ứng. Bổ sung các sản phẩm mới một cách thận trọng. Đối với một số người, sữa rửa mặt có độ pH cân bằng cũng có thể gây kích ứng vì nhạy cảm với hương liệu. Bạn có thể thử dùng một sản phẩm khác hoặc chỉ cần dùng dầu dừa để làm sạch da.
    • Tránh rửa mặt bằng nước quá nóng (vì có thể làm khô da) và không dùng khăn mặt hoặc bọt biển thô ráp để tẩy da chết bằng cách cơ học vì có thể gây kích ứng và viêm da. Dùng nước hơi âm ấm và sữa rửa mặt có độ pH cân bằng.
  2. Tẩy da chết. Điều quan trọng là dùng hóa chất lột da có AHA hoặc BHA để điều trị mụn và đốm đỏ. Quá trình lột da làm bong các tế bào da chết, thông lỗ chân lông và chữa mụn.[2] Liệu pháp này cũng làm mịn da, giúp giảm sẹo mụn và các đốm đỏ.
    • Sản phẩm AHA và BHA phải có độ pH thích hợp 3-4 để có hiệu quả. Dùng BHA mỗi ngày 2 lần. Dùng AHA vào ban đêm vì việc sử dụng AHA vào ban ngày sẽ khiến da nhạy cảm với ánh sáng. Nếu dùng AHA ban ngày, bạn phải nhớ dùng kem chống nắng.
  3. Tẩy da chết nhẹ nhàng. Để tẩy da chết bằng cách cơ học, bạn có thể dùng miếng bọt biển Konjac hoặc khăn mềm ẩm. Nhẹ nhàng chà lên da với động tác xoay tròn.
    • Đối với phương pháp tẩy da chết cơ học, bạn có thể thực hiện mỗi tuần một lần hoặc theo nhu cầu mà bạn thấy cần thiết. Tuy nhiên, nếu da của bạn dễ bị khô hoặc căng, bạn cần giảm bớt.
    • Tránh tẩy da chết cơ học với các hạt vi nhựa (plastic micro-beads) hoặc vỏ quả óc chó, vì hạt vi nhựa làm hại môi trường, còn vỏ quả óc chó làm hại da và góp phần làm lão hóa da.
    • Nếu nhận thấy da trở nên quá đỏ hoặc kích ứng, bạn cần giảm tần suất tẩy da chết hoặc thử dùng sản phẩm khác.
  4. Dùng kem chống nắng và không làm nâu da. Bức xạ tia tử ngoại là nguyên nhân số một gây lão hóa sớm, hơn nữa còn có thể dẫn đến ung thư da. Việc tiếp xúc với các tia UVA và UVB sẽ làm tổn hại da và góp phần hình thành các đốm tăng sắc tố da sau viêm (PIH), vì ánh nắng mặt trời kích thích các tế bào sản sinh sắc tố, đồng thời cũng làm tăng thời gian hiện diện của các đốm đỏ sau viêm (PIE).
    • Ánh nắng mặt trời không những kéo dài thời gian tồn tại của PIE và tạo ra PIH mà còn có thể dẫn đến tình trạng lão hóa sớm, bao gồm các đốm nâu, các nếp nhăn li ti và nếp nhăn sâu. Kem chống nắng là mỹ phẩm cần thiết chống lão hóa cho mọi độ tuổi và ngăn ngừa ung thư da. Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Không có cách nào làm nâu da an toàn mà không tổn hại bởi ánh nắng mặt trời.
    • Thoa kem chống nắng hàng ngày với chỉ số chống nắng SPF 30.
    • Khi ra ngoài trời trong thời gian dài, bạn cần ở dưới bóng mát càng nhiều càng tốt, đội mũ rộng vành và mặc trang phục nhẹ, dài tay. Đeo kính mát, đặc biệt nếu mắt bạn có màu xanh. Cân nhắc đem theo dù. Ở châu Á, đây là một phụ kiện thời trang thông dụng.
  5. Uống nhiều nước hơn và áp dụng chế độ ăn lành mạnh. Mặc dù việc uống nhiều nước và ăn uống lành mạnh không trực tiếp loại bỏ sẹo mụn nhưng có thể giúp cơ thể hoạt động ở mức tốt nhất và hỗ trợ quá trình tái tạo da.
    • Nước giúp thải các chất độc khỏi cơ thể và làm ẩm da, đem lại làn da tươi mát, căng đầy và khỏe mạnh. Bạn nên cố gắng uống từ 6 đến 8 ly nước mỗi ngày.
    • Ăn nhiều hoa quả và rau để cung cấp các vitamin và chất dinh dưỡng cần thiết cho làn da khỏe mạnh. Chú ý nạp đủ vitamin A, C và E (có trong các loại rau củ như bông cải xanh, rau bina, cà rốt, cà chua, quả bơ và khoai lang) vì những vitamin này rất có lợi cho da.
  6. Tránh cậy các vết mụn hoặc sẹo trên mặt và chạm vào mặt. Điều này có thể khó, nhưng bạn nên cố cưỡng lại cám dỗ nặn, gãi, cậy hoặc sờ lên mặt – nó sẽ chỉ làm da mặt bạn càng xấu đi về lâu dài.
    • Quyết tâm chỉ chạm vào mặt mỗi ngày hai lần, khi rửa mặt buổi sáng và tối, thoa các sản phẩm chăm sóc da; thời gian còn lại bạn nên để da mặt được yên.
    • Thường xuyên thay áo gối vì vi khuẩn và dầu tích tụ trên áo gối có thể góp phần khiến bạn nổi mụn.
    • Nếu vẫn còn đang đối phó với mụn trứng cá, bạn có thể thử tìm hiểu các bài viết của wikiHow về cách ngăn ngừa mụn trứng cá.

Lời khuyên[sửa]

  • Độ ẩm có thể chữa lành sẹo, do đó bạn cần đảm bảo giữ ẩm cho da. Tránh dùng các lotion không có trong danh sách các sản phẩm không gây mụn (có thể gây ra mụn đầu đen).
  • Việc tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời mà không thoa kem chống nắng sẽ góp phần khiến da nhạy cảm với ánh sáng, làm các vết sẹo sẫm màu hơn và tồn tại lâu hơn. Luôn luôn thoa kem chống nắng có chất chống tia UVA và UVB.
  • Nhớ báo cho bác sĩ biết nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú. Không phải liệu pháp nào hoặc thuốc nào cũng an toàn cho phụ nữ mang thai và cho con bú.
  • Để xử lý bóng của các vết lõm trên mặt khiến các vết sẹo hiện rõ hơn, bạn có thể thử làm đều màu nước da bằng việc trang điểm. Đảm bảo mỹ phẩm phải không chứa dầu và không gây nổi mụn. Mỹ phẩm gốc khoáng chất thường là lựa chọn tốt.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]