Điều gì xảy ra với phê bình nghệ thuật? (phần 3)

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Tiểu luận viết cho catalogue hẳn là dạng phê bình ít được đọc nhất trong bẩy dạng phê bình nghệ thuật, dẫu số lượng của nó có thể so sánh với các reviews trên báo chí. (Ở đây, tôi muốn nói tới các bài viết thông thường trong Brochure triển lãm chứ không phải các tiểu luận in trong vựng tập do các bảo tàng lớn ấn hành). Các tiểu luận viết cho catalogue không được coi là nghiêm túc bởi mọi người đều biết rằng đó là những bài viết do gallery đặt hàng. Tuy nhiên, trong thực hành, quá trình viết này lắm chuyện và phức tạp hơn vẻ bên ngoài của nó nhiều, bởi tôi biết rằng những người viết tiểu luận cho catalogue thường không hình dung về bất kỳ sức ép nào theo bất kỳ một cách thế nghiêm trọng nào. Họ viết những gì họ muốn, và hạnh phúc khi tìm thấy các chất lượng tốt trong tác phẩm. Các phê bình gia mà tôi biết không cảm thấy áp lực phải viết theo hướng tích cực hay phải bỏ đi các nhận xét tiêu cực và tôi được nghe rằng chẳng có bất kỳ sự kiểm duyệt nào ở đây.

Hình thu nhỏ có lỗi: Không thể lưu hình nhỏ vào đường dẫn đích
Một tác phẩm của Kate Shepherd

Tuy nhiên, kinh nghiệm riêng của tôi lại làm tôi nghi ngờ điều này. Tôi từng viết các tiểu luận catalogue cho bạn bè, và cũng từng được gallery hay giám tuyển đặt viết bài. Khi viết cho bạn bè, tôi không muốn nói bất kỳ điều gì tiêu cực, do đó, tiến trình công việc diễn ra rất thuận lợi. Tôi nghĩ các tiểu luận đó thực sự là phê bình nghệ thuật, tức những gì xuất hiện trong dáng vẻ hầu như tích cực. Viết cho các nghệ sỹ mà tôi không quen biết, hay cho các chủ gallery và giám tuyển thì lại khác hẳn. Trước hết, tôi từng đã rất ngạc nhiên với giọng điệu đậm vẻ thực tế mà chủ gallery hay các nghệ sỹ đưa ra cho tôi khi họ muốn thay đổi một số điều trong bài viết, như thể tiểu luận chỉ là thực đơn trong nhà hàng và nếu cần, ta có thể nấu lại. Tôi từng kết thúc một tiểu luận về một nghệ sỹ mà tôi đánh giá cao bằng một câu phức như sau: “ đó là một họa sỹ đáng yêu mến, muộn phiền, hấp dẫn, phức tạp, huyền bí và buồn bã.” (hẳn đây không phải là cách đặt câu tốt, song đó lại là vấn đề khác). Họa sỹ thậm chí còn không thèm hỏi tôi liệu có thể bỏ chữ “buồn bã’ đi không, mà chỉ đơn giản cắt béng chữ ấy đi, bởi, như sau này cô giải thích với tôi, cô không hề buồn bã. Song bài tiểu luận này sử dụng chữ đó để so sánh nữ họa sỹ với một nghệ sỹ của thế kỷ 18, và tôi đã và vẫn nghĩ thế, rằng chữ “ buồn bã” ở đây là hoàn toàn thích hợp cũng như có tính minh giải. Ở những trường hợp khác, tôi đã phải sửa đi sửa lại với chủ gallery và họa sỹ, hiệu chỉnh các bài viết từng chút một cho tới khi nó có giọng điệu tích cực như họ muốn. Từ quan điểm của tôi, một nghệ sỹ phức tạp và mâu thuẫn luôn thú vị hơn một nghệ sỹ lớn theo kiểu đơn giản, song các tiểu luận viết cho catalohue lại được đọc theo cách người ta đọc các lá thư tiến cử; tốt khoe xấu che, và người viết phải giấu đi mọi thái độ thiếu tôn trọng với người được họ tiến cử. Với trường hợp các triển lãm quy mô hơn, những người viết tiểu luận sẽ có được sự tự do nhiều hơn, song điều này không ngăn cản nghệ sỹ khỏi việc không đồng tình với bài viết, và một hồi phản tiêu cực từ phía nghệ sỹ cũng đồng nghĩa với việc phê bình gia nọ sẽ không được mời viết cho triển lãm sau. Tôi từng viết một tiểu luận dài cho một triển lãm tại bộ sưu tập Essl, thuộc Vienne, có tên là” Ungemalt/Un-painted” [những gì không được vẽ ra]. Tiểu luận được in trọn vẹn như tôi muốn, song một vài nghệ sỹ không đồng tình với những gì tôi viết về họ. Những sự không đồng tình ấy không hề mời gọi các thảo luận xa hơn. Trong một trường hợp, nghệ sỹ chỉ nói là tôi đã hiểu sai anh ta. Kiểu phản ứng này chỉ có thể hiểu được trong một nền văn hóa nghệ thuật nơi các nghệ sỹ thành đạt hiếm khi bộc bạch chân tình với các phê bình gia và sử gia, là những người đòi hỏi phải được đối đãi nghiêm túc. Và lẽ tự nhiên là, trong cái không khí bí nhiệm ấy, nghệ sỹ luôn tự giả định rằng họ là kẻ hiểu rõ tác phẩm của mình nhất. Rất ít người đọc các tiểu luận viết cho catalogue với một sự chăm chú có phê phán vào toàn cục. Một kinh nghiệm đọc điển hình mà dạng bài viết catalogue mời gọi, đó là việc lướt qua văn bản, tìm đến các câu và khái niệm biểu lộ tầm quan trọng của tác phẩm. Nhìn chung, các tiểu luận viết cho catalogue sẽ thành công khi nó thể hiện ra được giọng điệu thẩm quyền tuyệt đối, kèm với tham chiếu tới những cái tên và tác phẩm quan trọng. Bài tiểu luận thành cộng nhất cũng để lộ ra sự nồng nhiệt khi bàn về tầm quan trọng của họa sỹ. Các lập luận không nên quá phức tạp, bởi chúng cần bắc cầu được cho độc giả- là kẻ có lẽ chỉ đọc lướt văn bản mà thôi. Cùng lúc ấy, các lập luận cũng không nên lộ liễu quá, bởi chúng cũng cần giữ cho độc giả tâm trạng độc lập khi tự mình khảo dò tác phẩm . Nếu một tiểu luận quá đơn sơ, độc giả có thể đi đến kết luận rằng rốt cục tác phẩm này chả có gì để tìm kiếm: và việc tìm hiểu sâu hơn sẽ chỉ phí công. Cũng cần lưu ý đến sắc điệu, và các lập luận ngỏ, dành chỗ cho sự gợi gọi về sau.

Để minh họa một số điểm nói trên, tôi sẽ lấy một ví dụ gần như ngẫu nhiên từ giá sách (cái giá sách khốn khổ của tôi, trên đó trĩu nặng khoảng 3000 catalogue triển lãm); một catalogue từ một triển lãm hội họa của Kate Shepherd (sinh năm 1961) được in khi bà là nghệ sỹ thường trú tại Quỹ Lannan ở Santa Fe vào năm 1999. Theo như Kathleen Merrill, giám đốc, viết ở lời giới thiệu, hội họa của Shepherd miêu tả “ các khốp hộp, các khối hộp chưa hoàn tất, các đường kẻ, hay các đốm mầu lẻ loi đè lên hai mảng mầu đơn sắc”. Các khối hộp và những đường kẻ được vẽ rất khéo, tinh xác một cách hoàn hảo trong mầu đen. Các mảng mầu đơn sắc được dựng chính xác theo các hình chữ nhật. Tiểu luận cho catalogue là của Rob Weiner, người giờ đây là trợ lý giám đốc tại quỹ Chinati đặt ở Marfa, Texas. Ông bắt đầu bài tiểu luận bằng việc lưu ý về các tác phẩm biểu hình trước đây của Sepherd; bà đã vẽ những lá cờ, những chiếc giày, và những bông hoa “với sự thanh nhã và tinh tế”, trong một “phong cách sắc sảo” và “đạm lạnh”. So với các tác phẩm cũ, các tác phẩm mới vẫn có tính nhất quán bởi “ chúng được vẽ với từ vựng thị giác kiệm giản của các mô dạng hình học có tính chiết cất”, “ thiết tạo nên được “ một trò chơi duy nghiệm, nơi kẻ ra luật luôn sẵn sàng chuyển hướng”, và rốt cục đạt tới “ một sự quân bằng tinh vi”. Những câu văn mở này sản tạo ra ba hiệu ứng chung thuộc các bài viết cho catalogue đương đại; chúng gợi gọi về khát vọng đạt tới dạng nghệ thuật trí tuệ (high-art) qua việc ghép nối tác phẩm của Shepherd với một trào lưu nghệ thuật quan trọng (chủ nghĩa tối giản)[minimalism], chúng nhấn mạnh sự nghiêm túc của họa sỹ (nhờ việc chỉ ra mục đích và quỹ đạo nhất quán của họa sỹ), và chúng chẳng đưa ra kết luận cụ thể nào ngoài việc trình bày rằng tác phẩm của họa sỹ đạt tới sự cân bằng giữa các mục đích khác nhau. Phần sau của bài tiểu luận, Weiner tạo ra một liên kết xuyên thời gian nhằm nhấn mạnh thêm vào cảm giác về mối quan hệ giữa Shepherd với dạng hội họa nghiêm túc của quá khứ. Ông so sánh các bức tranh đứng của bà với “ các bức họa tuyệt đẹp mô tả chân dung toàn thân thuộc thế kỷ 17 của các họa sỹ Tây ban Nha,tức những chân dung luôn xuất hiện trong một không gian trung tính kiểu sân khấu: với những người mẫu quý phái, đạm lạnh và trang nghiêm.“. Suốt bài tiểu luận, ông đã tạo chế ra các phương cách ngôn từ giúp tạo cảm giác rằng hội họa của Shepherd có tính quân bằng, bí ẩn, và mơ hồ:

Thật ra, một vệt ngoáy cọ hay một đốm mầu không hẳn là một sự ngẫu nhiên tuyệt đối, mà là điều gì đó được cố tình giữ lại nhằm mục đích phản bác mọi mong chờ của công chúng. Và đây là cách tốt nhất để đảm bảo sự độc lập cho tiếp cận của họa sỹ. Các cách giải quyết thị giác nằm ngoài mong đợi của người xem đã tạo nên một hiện tượng tỉnh lược [ellipsis] trong trí tuệ họ – tức hiện tượng khi đột nhiên ta chợt quên mất một từ (ở đây, là một vết mầu) cần thiết trong cấu trúc câu, song trong một văn cảnh rộng hơn, ta vẫn có thể hiểu được câu đó. Các khối hình ngưng đọng được họa sỹ vẽ rất cẩn thật bằng những nét cọ đột ngột dừng lại nửa chừng . Chính một môn hình học mỏng manh và để ngỏ này đã cưỡng ép chúng ta tham gia vào các kết luận nửa chừng của nó”.

Không dễ dàng gì để tóm tắt các lập luận trong đọan trích trên, bởi thật ra, chả có lập luận nào ở đó cả. Weiner cố gắng nhận ra các bố cục mở ngỏ của họa sỹ, và mục đích của ông là kể lại việc chúng tinh tế ra sao, mà không cần phải tiến đến một kết luận xác quyết. Khi các bài tiểu luận theo kiểu Weiner thành công, chúng chứng minh sự xác tín vào di sản của nghệ sỹ; ở đây, bằng thủ pháp hàm ngụ, bài tiểu luận chứng minh rằng Sepherd là một nhà hậu tối giản [post-minimalism], và Weiner cho rằng nghệ sỹ cũng có huyết thống từ phong cách hội họa chân dung thuộc thế kỷ 17. Tuy nhiên, sự hạn chế của phong cách tiểu luận này là rất rõ rệt; nó hầu như chẳng đưa ra thông tin gì về hàng trăm hay hàng ngàn họa sỹ hậu tối giản khác, tức những người làm việc cùng phong cách với Shepherd, hay về các khả thể đương thời của dạng hội họa trừu tượng hình học, hay đưa ra được một khảo cứu sâu rộng trên chủ đề tác phẩm, hay thậm chí về các phản ứng đối với tác phẩm của Shepherd thời kỳ trước. Các thuật ngữ như kiểu “tỉnh lược” không thực sự hợp cảnh, và ở đây cũng chả có phân tích nhất quán về một hình ảnh riêng rẽ nào. Sẽ thú vị biết bao nếu ta biết được, chẳng hạn, chính xác là tại bức tranh nào trong các tác phẩm của Shepherd có một sự tĩnh lược diễn ra, và hiệu ứng của sự tĩnh lược trong hội họa sẽ khác với hiệu ứng ấy trong ngôn ngữ như thế nào. Qua tiểu luận của Weiner, tác phẩm của Shepherd trôi nổi trong một không gian gần như trống rỗng và thanh bình, thiếu hoàn toàn sức nặng của lịch sử hay sự phán đoán.

Tất cả các điều trên đều thuộc về các tiểu luận thông thường cho catalogue, đươc viết tại khoảng 10.000 gallery thương mại khắp thế giới. Cũng có thể có chút khác biệt khi các tiểu luận đó được các bảo tàng hay gallery lớn đặt hàng để in kèm với các triển lãm có chủ đề hay triển lãm hồi cố. Khó có thể phân biệt các tiểu luận dạng này, in trong các catalogue triển lãm ngoại cỡ, với các chuyên luận có tính lịch sử. Kiểu viết này đặt ra những câu hỏi thú vị về bản thân, đặc biệt bởi nó có thể trở nên bảo thủ đến mức sẵn sàng chấp nhận việc in ra mà không ai đọc, dù là khách xem, người bỏ tiền ra mua catalogues (ta đều biết rằng trong công nghiệp ấn loát, các catalogue do bảo tàng lớn in sẽ được người ta mua để trang hoàng cho phòng khách), hay thậm chí cộng đồng các sử gia nghệ thuật. May mắn thay, vấn đề này không thuộc phạm vi quan tâm của tôi hôm nay. Vấn đề cho tình trạng phê bình nghệ thuật hiện tại chính là việc một khối lượng thực sự khổng lồ các tiểu luận ngắn có chất lượng trung bình đang được sản tạo hằng năm, và sự thật là không hề có ai đọc chúng, hay thậm chí bỏ công để chúng vào các giá sách trong thư viện.

(còn tiếp)

Liên kết nội[sửa]

Tác giả[sửa]

  • “What Happened to Art Criticism”, James Elkins, Prickly Paradigm Press Chicago, 2003
  • Chuyển ngữ bởi nghệ sỹ thị giác Nguyễn Như Huy (tác giả đã đồng ý cho phép đăng lại bài dịch trên Thư viện Khoa học VLOS)