Điều trị đau mắt đỏ

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Viêm kết mạc, hay còn gọi là "đau mắt đỏ", là tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở màng kết lót mí mắt.[1] Viêm kết mạc thường là do các tác nhân từ bên ngoài như vi-rút, vi khuẩn, nấm, dị ứng hoặc vật lạ. Hầu hết các trường hợp đau mắt đỏ là do vi khuẩn hoặc vi-rút gây ra. Điều trị đau mắt đỏ do vi khuẩn hoặc vi rút thường dễ dàng và an toàn, nhưng chỉ chuyên gia mới có thể chẩn đoán và điều trị. Nếu bị đau mắt đỏ, bạn nên đi khám bác sĩ để xử lý nhiễm trùng. Mặt khác, bạn có thể thực hiện một số liệu pháp hỗ trợ giúp xoa dịu triệu chứng khó chịu của đau mắt đỏ.

Các bước[sửa]

Tiếp nhận sự trợ giúp y tế[sửa]

  1. Đi khám bác sĩ. Nếu nghĩ mình bị đau mắt đỏ, bạn nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán. Bác sĩ có thể xác định nguyên nhân gây đau mắt đỏ và khuyến nghị cách điều trị tốt nhất. Trong quá trình khám, bác sĩ sẽ kiểm tra các triệu chứng thường xuất hiện ở mắt bị đau và mí mắt như:[2]
    • Mạch máu đỏ tươi
    • Đổ ghèn
    • Kích ứng/ngứa
    • Sưng mí mắt
    • Mắt màu hồng hoặc đỏ nhạt
  2. Trình bày với bác sĩ về tất cả các triệu chứng. Hãy trình bày với bác sĩ nếu cảm thấy nóng mắt, nhói mắt như bị kim châm hoặc chảy nước mắt liên tục. Bác sĩ có thể kê đơn một số thuốc giúp đối phó các triệu chứng này. Thuốc điều trị đau mắt đỏ thường ở dạng nhỏ, tuy nhiên bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc kháng sinh cho bạn. [3]
  3. Điều trị cho trường hợp tiếp xúc với hóa chất. Viêm kết mạc cũng có thể là do mắt tiếp xúc với hóa chất. Viêm kết mạc do hóa chất có thể tự khỏi trong vòng 24 - 36 tiếng. Tuy nhiên, để an toàn bạn cũng nên đi khám bác sĩ.[4] Nếu mắt tiếp xúc với hóa chất bạn nên:
    • Rửa mắt bằng thuốc nhỏ mắt vô trùng ngay trong vòng 15 phút.
    • Gọi điện ngay cho bác sĩ để được tư vấn về viêm kết mạc do tiếp xúc với hóa chất.[5]
    • Khám bác sĩ ngay lập tức đối với trường hợp nghiêm trọng.[6] Nếu mắt tiếp xúc với một loại hóa chất nguy hiểm, bạn nên đi khám mắt càng sớm càng tốt ngay cả khi đã rửa sạch mắt.
    • Gọi cấp cứu nếu cần thiết. Trong một số tình huống, tốt nhất bạn nên gọi cấp cứu 115. Nhờ bất cứ ai ở bên cạnh gọi cấp cứu giúp bạn trong lúc bạn tập trung rửa mắt. Đến bệnh viện càng nhanh càng giúp bạn ngăn ngừa nguy cơ tổn thương mắt nghiêm trọng hoặc mù lòa.[6]
  4. Đánh giá mức độ nghiêm trọng của đau mắt đỏ. Một số người bị đau mắt đỏ nặng hơn những người khác. Nếu tình trạng đau mắt đỏ không quá nghiêm trọng, bạn có thể chờ cho mắt tự khỏi. Tuy nhiên, đối với trường hợp nặng, bạn không cố mở mắt ra. Rửa sạch mắt hết mức có thể và nhờ người đưa bạn đến bệnh viện. [6]

Điều trị và ngăn ngừa đau mắt đỏ[sửa]

  1. Làm theo kế hoạch điều trị của bác sĩ.[3] Phương pháp điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau mắt đỏ ban đầu, do đó, bạn nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán. Tùy thuộc vào loại mắt đỏ mà bạn mắc phải, bác sĩ có thể kê đơn hoặc giới thiệu một số thuốc nhỏ mắt chuyên biệt, đề nghị dùng thuốc kháng histamin hay khuyên bạn theo dõi và chờ đợi.
    • Dù bác sĩ có tư vấn gì, bạn cũng nên đảm bảo thực hiện theo hướng dẫn, sử dụng thuốc theo chỉ dẫn và tránh chạm vào mắt bị nhiễm trùng hết mức có thể.
  2. Sử dụng thuốc nhỏ mắt kê đơn theo chỉ dẫn. Viêm kết mạc do vi khuẩn có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh ở dạng nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ tra mắt.[7] Những thuốc này cần được bác sĩ kê đơn và không có loại không kê đơn bán sẵn.
    • Có rất nhiều thuốc nhỏ mắt khác nhau để bạn lựa chọn. Bác sĩ có thể giới thiệu thuốc nhỏ mắt tốt nhất cho bạn, tùy thuộc vào tiền sử bệnh, mức độ nhạy cảm với một số thuốc nhất định hoặc mức độ kháng thuốc kháng sinh trước đó của bạn.
  3. Dùng thuốc kháng histamin đối với trường hợp viêm kết mạc do dị ứng. Viêm kết mạc do dị ứng có thể được điều trị bằng thuốc chữa dị ứng như thuốc kháng histamine. Bác sĩ có thể khuyên bạn dùng các thuốc kháng histamin như Benadryl không kê đơn mỗi ngày để điều trị đau mắt đỏ.[8]
    • Trong một số trường hợp, nhiễm trùng do dị ứng sẽ tự khỏi nếu bạn tránh tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng.[8]
  4. Theo dõi và chờ đợi trong trường hợp viêm kết mạc do vi-rút. Viêm kết mạc do vi-rút thường tự khỏi sau 2-3 ngày và bạn không cần phải dùng thuốc kháng sinh hoặc thuốc kê đơn.[3] Nếu bị viêm kết mạc do vi-rút, bạn có thể chờ cho mắt tự khỏi theo lời khuyên của bác sĩ.
    • Nếu tình trạng không cải thiện hoặc các triệu chứng xấu đi, hãy gọi bác sĩ ngay lập tức.
  5. Xin nghỉ học hoặc nghỉ làm một thời gian. Nếu trường hợp đau mắt đỏ của bạn có thể lây nhiễm, bác sĩ sẽ khuyên bạn nghỉ học hoặc nghỉ làm một thời gian. Thời gian nghỉ học hoặc nghỉ làm có thể mất từ 1-5 ngày, tùy thuộc vào loại đau mắt đỏ mà bạn mắc phải.[9]
    • Viêm kết mạc do vi-rút thường sẽ khỏi sau 3-5 ngày.
    • Viêm kết mạc do vi khuẩn thường khỏi sau 24 tiếng uống thuốc kháng sinh.
  6. Thực hiện biện pháp giúp ngăn ngừa lây nhiễm đau mắt đỏ. Cách đối phó đau mắt đỏ tốt nhất là tránh bị lây nhiễm. Bạn có thể giảm nguy cơ đau mắt đỏ bằng cách áp dụng các phương pháp ngăn ngừa lây nhiễm. Viêm kết mạc có thể dễ dàng lây từ người này sang người khác, vì vậy hãy thực hiện các phương pháp tự bảo vệ sau:[7]
    • Tránh chạm vào mắt hoặc dụi mắt. Rửa sạch tay ngay sau khi chạm hoặc dụi mắt.
    • Tránh dùng chung dụng cụ trang điểm mắt, kính râm hoặc khăn với người khác.
    • Trẻ em rất dễ bị nhiễm trùng, do đó, tránh tiếp xúc trực tiếp với trẻ em.

Sử dụng liệu pháp hỗ trợ giúp xoa dịu triệu chứng[sửa]

  1. Vệ sinh thường xuyên mắt bị đau. Đau mắt đỏ thường kèm theo triệu chứng tiết ghèn. Ghèn tích tụ sẽ đóng thành vảy trên mắt. Vì vậy, bạn nên giữ cho mắt bị đau luôn sạch sẽ. Dùng khăn sạch, khăn ướt hoặc khăn giấy để lau sạch ghèn.
    • Sử dụng khăn giấy sạch hoặc phần sạch của khăn (vải) cho mỗi lần lau mắt.
    • Nên lau từ bên trong mắt (vị trí gần mũi) lau ra bên ngoài mắt.
    • Vứt bỏ khăn giấy hoặc giặt sạch khăn (vải) sau khi sử dụng.
  2. Chườm lạnh lên mắt để xoa dịu cảm giác khó chịu do đau mắt đỏ. Bạn có thể xoa dịu những khó chịu do nhiễm trùng bằng cách nhắm mắt lại và đắp gạc mát tiệt trùng lên mắt.[3] Tránh sử dụng gạc ấm để ngăn ngừa nhiễm trùng lây lan. Ngoài ra, bạn cũng phải sử dụng từng miếng gạc riêng cho mỗi mắt và dùng khăn sạch cho mỗi lần đắp gạc.[10] Bạn có thể đắp gạc lạnh bằng cách:
    • Cho đá lạnh vào một túi nhựa hoặc túi kín sạch.
    • Bọc túi bằng giấy thiếc để ngăn ngừa đá tan chảy do nhiệt độ cơ thể.
    • Quấn thêm một lớp khăn giấy hoặc khăn vải bên ngoài để đá không bị tan chảy. Cách này còn giúp cố định và tăng độ thoải mái.
    • Nhẹ nhàng đặt gạc lên một mắt và để trong 5 phút.
    • Lặp lại tương tự với con mắt còn lại trong 5 phút.
  3. Sử dụng thuốc nhỏ mắt nhân tạo không kê đơn. Thuốc nhỏ mắt nhân tạo có thể giúp xoa dịu triệu chứng bằng cách giảm cảm giác cộm như có cát bên trong mắt. Nếu đã sử dụng thuốc nhỏ mắt kê đơn, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc sử dụng thêm thuốc nhỏ bôi trơn.[11]
    • Dung dịch muối sinh lý vô trùng là thuốc nhỏ mắt không tương tác tiêu cực với thuốc kê đơn. Nhờ dược sĩ tìm giúp bạn tìm đúng thuốc nhỏ mắt này.

Lời khuyên[sửa]

  • Gọi bác sĩ ngay nếu các triệu chứng nặng hơn hoặc không cải thiện. Bạn có thể cần phải dùng thuốc mạnh hơn để chống nhiễm trùng.
  • Không trang điểm mắt khi bị đau mắt đỏ. Các dụng cụ trang điểm mắt như bút kẻ mắt, phấn mắt và mascara có thể gây kích ứng nặng hơn cho mắt bị đau. Nếu bạn thường hay trang điểm dày cho mắt và không muốn bị nhìn thấy trong diện mạo “mộc”, bạn có thể đeo kính râm để che đi.

Cảnh báo[sửa]

  • Đau mắt đỏ rất dễ lây nhiễm. Do đó, bạn nên nghỉ học/nghỉ làm một ngày để tránh lây nhiễm cho người khác.
  • Không dụi mắt. Ngứa mắt khiến bạn muốn dụi mắt nhưng như vậy sẽ khiến nhiễm trùng lây lan và thậm chí khiến tình trạng nặng hơn.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]