Ấn chương Việt Nam

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Ấn chương Việt Nam
Bìa sách
Tên nguyên tác
Năm xuất bản 2005
Tác giả Nguyễn Công Việt
Nhà xuất bản NXB Khoa học xã hội
ISBN-10
ISBN-13
Ngôn ngữ Tiếng Việt
Số trang

Ấn chương Việt Nam - một công trình khoa học có giá trị

ND- Ấn chương, ta thường gọi là "con dấu", là một phát minh của con người nhằm xác định tính trung thực, tính quyền lực, tính sở hữu và niên đại của những văn bản quan trọng trong hệ thống chính trị cũng như trong đời sống xã hội

Và như vậy nó là một cứ liệu lịch sử đặc biệt quan trọng, đặc biệt tin cậy để nghiên cứu văn bản, chế độ hành chính và các vấn đề khác của lịch sử.

Từ thời xa xưa, người cổ đại ở Trung Quốc đắp bùn vào đầu mối dây buộc của văn thư (thư từ, sách vở, công văn đều viết trên thẻ tre, cuộn tròn và buộc lại) để làm tin, đó là hình thức niêm phong đầu tiên, con dấu đầu tiên gọi là phong nê, sau bằng gốm, kim loại và đá quý (ngọc tỉ).

Ở Việt Nam truyền thống ấn chương cũng có từ lâu đời. Theo GS Hà Văn Tấn thì ở Quảng Nam đã tìm thấy các phong nê; các Lạc tướng có Ðồng ấn thao thụ (ấn đồng dây thao xanh). Năm 1977, hai nhà khảo cổ học Phạm Văn Kỉnh và Quang Văn Cậy, trong khi khai quật tại Hoa Lộc, Phú Lộc thuộc huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa), đã tìm ra những con dấu bằng đất nung dùng để in hình hoa văn trang trí có niên đại thế kỷ XV - XVI trước Công nguyên.

Tại di chỉ văn hóa Óc Eo, người ta cũng tìm thấy những con dấu mã não hoặc chì in chữ Pallava có niên đại từ thế kỷ VII đến thế kỷ IX.

Tương ứng với thời nhà Hán, các nhà khoa học đã phát hiện ra con dấu "Tư phố huyện ấn" hiện được cất giữ ở bảo tàng Bỉ. Hai con dấu sớm nhất của nước ta từ kỷ nguyên độc lập được tìm thấy là Bình Tường thổ châu chi ấn (1362) hiện ở Quảng Tây, Trung Quốc và Môn hạ sảnh ấn (1377).

Từ thế kỷ XV trở đi, trong nước còn tìm thấy và lưu giữ được nhiều loại con dấu.

Có bao nhiêu con dấu từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX ở Việt Nam và những con dấu đó nói lên điều gì, đó chính là đối tượng, mục đích nghiên cứu của nhà khoa học Nguyễn Công Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán - Nôm. Công trình này được công bố trong cuốn sách dày hơn 500 trang khổ 16x24 (NXB Khoa học xã hội, 2005), không chỉ giành giải cao trong hội chợ sách năm 2006 mà còn đưa tác giả của nó trở thành người có đóng góp mở đầu cho việc xây dựng bộ môn Ấn chương học (Sigillographie, Spharagistique) Việt Nam như nhận định của GS Hà Văn Tấn.

Ðể nói thêm về sự cần thiết và tính hữu ích của việc nghiên cứu ấn chương Việt Nam, chúng tôi xin giới thiệu một vài thí dụ nhỏ. Nếu như trên văn bản, giấy tờ nào đó bị rách nát, căn cứ vào con dấu, người ta có thể xác định được niên đại của nó. Chẳng hạn, với con dấu Quốc gia chi bảo trong tờ chiếu phong chức Hữu tham tri Bộ Lễ và tước Du Ðức hầu cho Nguyễn Du, ta có thể xác định đó là tờ chiếu của Gia Long.

Ðể sánh với Ðại Thanh, Minh Mệnh đổi quốc hiệu là Ðại Nam; năm 1832 cho khắc con dấu bằng vàng mười (kim tỉ) Hoàng đế chi bảo, Sắc mệnh chi bảo, Trị lịch minh thời chi bảo...

Sắc mệnh chi bảo, dùng để đóng trên các văn bản phong tặng các nhân thần và sắc cáo cho các quan văn võ công thần, nặng tới 395 lượng vàng, phải có một võ quan khỏe mạnh giúp việc đóng dấu. Ðó là kim tỉ lớn nhất. Mỗi loại ấn tỉ có công dụng khác nhau. Ðể đóng dấu trên những công văn cho người nước ngoài, Minh Mệnh dùng ngọc tỉ Ðại Nam thiên tử chi tỉ, thể hiện rõ tư tưởng độc lập và tinh thần tự hào dân tộc. Còn ngọc tỉ quý và lớn nhất được chế tác vào đời vua Thiệu Trị thứ 6 (năm 1846) gọi là Ðại Nam hoàng đế chi tỉ.

Nghiên cứu ấn chương từ thế kỷ XIX trở về trước, cũng là nghiên cứu văn bản Hán - Nôm. Căn cứ vào dấu đóng có thể xác định đó là loại văn bản nào (sắc phong, lệnh chỉ hay văn bản hành chính), nó là văn bản độc lập hay gồm nhiều tờ... Nếu tín chương in ở dưới chữ Nhật hoặc phía dưới, bên phải dòng ghi niên hiệu thì chắc chắn đó là văn bản Gia Long đến trước năm 1832; nếu dấu ấn, quan phòng, đồ ký đóng trên mặt chữ Nguyệt của dòng niên đại thì chắc chắn từ Minh Mệnh về sau.

Nghiên cứu ấn chương là một lĩnh vực chuyên sâu. Công trình của Nguyễn Công Việt mới là bước đầu. Ấn chương trong hệ thống hành chính Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX đến nay là một công trình có thể giúp ích trực tiếp cho chúng ta hiểu sâu về một giai đoạn nhiều biến động lịch sử; góp phần đắc lực cho công cuộc cải cách hành chính hiện nay, đang kêu gọi sự tập trung nghiên cứu của các nhà khoa học xã hội, sự triển khai của một đề tài có tính chất Nhà nước.

Nguyễn Sĩ Đại, Báo Nhân dân điện tử

Liên kết đến đây