Cổ học tinh hoa. Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân/105

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

HÀ CHÍNH MÃNH Ư HỔ

Đức Khổng Tử khi sang nước Tề, đi qua núi Thái Sơn, thấy một người đàn bà khóc ở ngoài đồng, nghe thê thảm lắm. Ngài nói rằng: Người đàn bà này xem như trong nhà có trùng tang. Rồi, sai thầy Tử Cống đến hỏi. Người đàn bà thưa rằng.

"Ở đây lắm hổ, bố chồng tôi đã chết về hổ, chồng tôi đã chết về hổ, bây giờ con tôi lại chết về hổ nữa. Thảm lắm, ông ạ!”

- Thầy Tử Cống bảo: Thế sao không bỏ chỗ này đi ở chỗ khác?

- Người đàn bà nói: Tuy vậy nhưng ở đây chính sách quan trên không đến nỗi hà khắc như các nơi khác.

Thầy Tử Cống đem câu truyện lại thưa với đức Khổng Tử.

Đức Khổng Tử nói: "Các ngươi nhớ đây: Chính sách hà khắc hại hơn là hổ!"

LỄ KỶ

GIẢI NGHĨA[sửa]

- Khổng Tử: (xem bài số 1)

- Tử Cống: (xem bài số 8)

- Thái Sơn: (xem bài số 60)

- Thê thảm: khổ sở đáng thương sót lắm

- Trùng tang: nói trong nhà có hai người chết, hai cái tang liền nhau

- Chính sách: những cách thức xếp đặt để cai trị dân

- Tàn bạo: tàn nhẫn tai hại

- Hà khắc: ác nghiệt khắc khổ

NHỜI BÀN[sửa]

Người đàn bà ở một nơi lắm hổ, hổ ăn thịt mất bố chồng, mất chồng lại mất con, đáng nhẽ phải bỏ nơi ấy mà đi nơi khác. Nhưng không. Là tại làm sao? Tại người đàn bà cho chính sách các nơi khác hà khắc dữ tợn là hổ. Ôi! hổ có hại, chỉ hại một số ít người, chớ hà chính hại cả muôn dân; hổ có hại chỉ một phương, chớ hà chính lại cả toàn quốc, hổ lại còn có bẫy, cạm trừ bỏ được, chớ hà chính hại, trừ bỏ rất khó lòng. Ai là người có chút quyền chính trị trong tay, mà chẳng nên lấy câu "Hà chính mãnh ư hổ" để làm câu cảnh giới cho dân được nhờ ru!

Liên kết đến đây