Cổ học tinh hoa. Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân/196

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

TU TẠI GIA

Dương Phủ, lúc nhỏ nhà nghèo, nhưng hết sức cày cấy để phụng dưỡng song thân.

Một hôm, ông nghe bên đất Thục có ông Vô Tế đại sĩ, ông bèn nói với song thân xin từ biệt ít lâu về đến hầu bực Vô Tế.

Đi được nửa đường, ông gặp một vị lão tăng bảo ông rằng:

Được gặp bực Vô Tế chẳng bằng được gặp Phật.

- Ông hỏi: Phật ở đâu?

- Lão Tăng nói: Nhà ngươi cứ quay giở về gặp người nào mặc cái áo sắc như thế này, đi đôi dép kiểu như thế này, thì chính là Phật đấy.

Dương Phủ nghe nhời quay về, đi đường chẳng gặp ai như thế cả. Khi ông tới nhà, đêm khuya giời tôi, ông gõ cửa, mẹ ông nghe tiếng mừng quá, tức thì vội vàng khoác chăn, đi dép ngược ra, mở cửa cho ông. Bấy giờ ông trông ra, thì y như hình dáng Phật, lão tăng đã nói chuyện cho nghe.

Từ đấy, ông biết cha mẹ trong nhà tức là Phật, chẳng phải cầu kỳ đi mộ Phật đâu xa nữa.

LÝ NGUYÊN ĐƯƠNG

GIẢI NGHĨA[sửa]

- Dương Phủ: người đời nhà Minh đỗ tiến sĩ làm ngự sử có tiếng là một ông quan thanh và liêm.

- Phụng dưỡng: hết lòng kính mến hầu nuôi cha mẹ.

- Song thân: Hai đứng thân, hai cha mẹ.

- Thục: tên đất ở vào tỉnh Tứ Xuyên bây giờ.

- Vô Tế đại sĩ: một nhà tu hành đắc đạo vô cùng.

- Từ biệt: từ giã xin đi xa vắng mặt.

- Lão tăng: người tu đạo Phật đã nhiều tuổi.

- Cầu kỳ: tìm một cách cao xa khác thường để làm cho lạ mắt, lạ tai thiên hạ.

NHỜI BÀN[sửa]

Bài này cốt dạy ta về chữ ‘Hiếu' ví cha mẹ như Phật, con phải phụng thờ cha mẹ như phụng thờ Phật vậy. Phật là một vì sáng lập nên được một tôn giáo, thiên hạ thành kính thờ phụng rất phải. Nhưng cha mẹ là người sinh thành ra thân mình, thì há mình lại không nên thờ phụng cho thành kính hay sao! Phật xa, cha mẹ gần, con cái hãy nên một niềm thành kính mà thờ phụng lấy mẹ cha trước.

Thứ nhất thì tu tại gia,

Thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa

Tu đâu bằng tu tại gia,

Thờ cha, kính mẹ, mới là chân tu.

Nghĩa những câu phong dao cổ ấy thực là đúng với nghĩa trong bài này.

Liên kết đến đây