Chương trình tổng thể/Định hướng về nội dung giáo dục/Giáo dục nghệ thuật

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Giáo dục nghệ thuật góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung cho học sinh; đồng thời, thông qua việc trang bị những kiến thức cốt lõi, kĩ năng cơ bản về các lĩnh vực nghệ thuật, tập trung hình thành, phát triển năng lực thẩm mĩ và phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật cho học sinh; giáo dục thái độ tôn trọng, khả năng kế thừa và phát huy những giá trị văn hoá, nghệ thuật truyền thống của dân tộc trong quá trình hội nhập và giao lưu với thế giới, đáp ứng mục tiêu giáo dục hài hoà về đức, trí, thể, mĩ cho học sinh.

Giáo dục nghệ thuật được thực hiện thông qua nhiều môn học, mà cốt lõi là môn Âm nhạc và môn Mĩ thuật. Từ lớp 10 đến lớp 12, học sinh được lựa chọn môn học thuộc nhóm môn công nghệ và nghệ thuật phù hợp với định hướng nghề nghiệp, sở thích và năng lực của bản thân.

6.1. Môn Âm nhạc[sửa]

Giáo dục âm nhạc tạo cơ hội cho học sinh được trải nghiệm và phát triển năng lực âm nhạc biểu hiện của năng lực thẩm mĩ với các thành phần sau: thể hiện âm nhạc, cảm thụ và hiểu biết âm nhạc, ứng dụng và sáng tạo âm nhạc; góp phần phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu âm nhạc. Đồng thời, thông qua nội dung các bài hát, các hoạt động âm nhạc và phương pháp giáo dục của nhà sư phạm, giáo dục âm nhạc góp phần phát triển ở học sinh các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm, cùng các năng lực tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo để trở thành những công dân phát triển toàn diện về nhân cách, hài hoà về thể chất và tinh thần.

Nội dung giáo dục âm nhạc được phân chia theo hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.

Giai đoạn giáo dục cơ bản[sửa]

Âm nhạc là nội dung giáo dục bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 9, bao gồm những kiến thức và kĩ năng cơ bản về hát, nhạc cụ, nghe nhạc, đọc nhạc, lí thuyết âm nhạc, thường thức âm nhạc. Nội dung giáo dục âm nhạc giúp học sinh trải nghiệm, khám phá và thể hiện bản thân thông qua các hoạt động âm nhạc nhằm phát triển năng lực thẩm mĩ, nhận thức được sự đa dạng của thế giới âm nhạc và mối liên hệ giữa âm nhạc với văn hoá, lịch sử cùng các loại hình nghệ thuật khác; đồng thời hình thành ý thức bảo vệ và phổ biến các giá trị âm nhạc truyền thống.

Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp[sửa]

Âm nhạc là môn học được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh. Nội dung môn học bao gồm kiến thức và kĩ năng mở rộng, nâng cao về hát, nhạc cụ, nghe nhạc, đọc nhạc, lí thuyết âm nhạc, thường thức âm nhạc. Những học sinh có sở thích, năng khiếu hoặc định hướng nghề nghiệp liên quan có thể chọn học thêm một số chuyên đề học tập. Nội dung giáo dục âm nhạc giúp học sinh tiếp tục phát triển các kĩ năng thực hành, mở rộng hiểu biết về âm nhạc trong mối tương quan với các yếu tố văn hoá, lịch sử và xã hội, ứng dụng kiến thức vào đời sống, đáp ứng sở thích cá nhân và tiếp cận với những nghề nghiệp liên quan đến âm nhạc.

6.2. Môn Mĩ thuật[sửa]

Giáo dục mĩ thuật trong nhà trường phổ thông góp phần hình thành, phát triển ở học sinh các phẩm chất chủ yếu và các năng lực chung, trọng tâm là khơi dậy và phát triển năng lực mĩ thuật biểu hiện của năng lực thẩm mĩ với các thành phần sau: quan sát và nhận thức thẩm mĩ, sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ, phân tích và đánh giá thẩm mĩ; trên cơ sở đó giáo dục cho học sinh ý thức tôn trọng, kế thừa giá trị văn hoá, nghệ thuật dân tộc, tiếp cận giá trị thẩm mĩ thời đại, phát huy tinh thần sáng tạo phù hợp với sự phát triển xã hội.

Chương trình môn Mĩ thuật kết hợp cấu trúc tuyến tính và cấu trúc đồng tâm, mở rộng nội dung Mĩ thuật tạo hình, Mĩ thuật ứng dụng; lồng ghép, tích hợp hoạt động thảo luận và thực hành nghệ thuật; tạo cơ hội để học sinh được trải nghiệm và ứng dụng mĩ thuật vào đời sống thực tế; giúp học sinh nhận thức được tầm quan trọng của mĩ thuật, mối liên hệ giữa mĩ thuật với đời sống, văn hoá, lịch sử, xã hội và các môn học, hoạt động giáo dục khác, góp phần phát triển hài hoà về đức, trí, thể, mĩ cho mọi học sinh, đồng thời phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu.

Nội dung giáo dục mĩ thuật được phân chia theo hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.

Giai đoạn giáo dục cơ bản[sửa]

Mĩ thuật là nội dung giáo dục bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 9. Chương trình tạo cơ hội cho học sinh làm quen và trải nghiệm kiến thức mĩ thuật thông qua nhiều hình thức hoạt động; hình thành, phát triển ở học sinh khả năng quan sát và cảm thụ nghệ thuật, nhận thức và biểu đạt thế giới; khả năng cảm nhận và tìm hiểu, thể nghiệm các giá trị văn hoá, thẩm mĩ trong đời sống và nghệ thuật.

Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp[sửa]

Mĩ thuật là môn học được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh. Nội dung giáo dục mĩ thuật được mở rộng, phát triển kiến thức, kĩ năng mĩ thuật đã hình thành ở giai đoạn giáo dục cơ bản, tiếp cận các nhóm ngành nghề liên quan đến nghệ thuật thị giác và có tính ứng dụng trong thực tiễn; tạo cơ sở cho học sinh được tìm hiểu và có định hướng nghề nghiệp phù hợp với bản thân dựa trên nhu cầu thực tế, thích ứng với xã hội.

Rss.jpg
Mời bạn đón đọc các bài viết tiếp theo bằng cách đăng kí nhận tin bài viết qua email hoặc like fanpage Thuvienkhoahoc.com để nhận được thông báo khi có cập nhật mới.

Nguồn[sửa]

Liên kết đến đây