Chuẩn bị cho việc thử máu

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Chuyên gia y tế yêu cầu xét nghiệm máu vì nhiều lý do. Từ theo dõi nồng độ thuốc đến đánh giá kết quả nhằm chẩn đoán bệnh, xét nghiệm máu có thể là phần thiết yếu trong chương trình chăm sóc sức khỏe của bạn. Đặc biệt, xét nghiệm máu được tiến hành để đánh giá chức năng một số bộ phận như gan hay thận, chẩn đoán bệnh, xác định những yếu tố gây nguy hiểm, kiểm tra các loại thuốc đang dùng và đánh giá khả năng đông máu.[1] Tùy loại xét nghiệm được yêu cầu, bạn cần lấy máu ngay tại phòng khám hay ở phòng thí nghiệm khác trong vùng. Dưới đây là một số điều bạn có thể làm để chuẩn bị, cả về thể chất lẫn tinh thần, cho xét nghiệm máu.

Các bước[sửa]

Chuẩn bị xét nghiệm máu về mặt thể chất[sửa]

  1. Trao đổi với bác sĩ. Bạn cần biết loại xét nghiệm cụ thể mà bác sĩ yêu cầu. Một số xét nghiệm đòi hỏi chuẩn bị đặc biệt để có kết quả chính xác, trong đó, phổ biến gồm:
    • Xét nghiệm dung nạp Glucose cần nhịn ăn trước khi đến phòng thí nghiệm. Bạn cũng cần ở lại phòng thí nghiệm và được lấy máu mỗi 30 - 60 phút. Thời gian này có thể lên đến 5 giờ.
    • Xét nghiệm đường huyết đói được thực hiện khi bạn nhịn ăn và không uống gì trừ nước lọc trong vòng 8 đến 12 giờ. Xét nghiệm này thường được tiến hành vào buổi sáng để bạn không phải nhịn ăn cả ngày.
    • Xét nghiệm lipid huyết thanh, hay còn gọi là xét nghiệm cholesterol, đôi khi đòi hỏi bạn nhịn ăn từ 9 đến 12 giờ trước khi lấy máu.[2]
    • Xét nghiệm sinh hóa Cortisol trong máu đòi hỏi dừng tập luyện ngày trước đó, nằm xuống 30 phút và nhịn ăn uống trong 1 giờ trước khi xét nghiệm.[3]
  2. Trao đổi về các loại thuốc đang dùng. Một số chất có thể làm ảnh hưởng đến xét nghiệm máu và do đó, có thể bạn sẽ cần dừng dùng trước khi xét nghiệm. Tùy mục đích xét nghiệm, thuốc kê đơn, thuốc có tác dụng tiêu khiển, lượng cồn nạp vào, vitamin, thuốc làm loãng máu hay thuốc không kê đơn có thể làm thay đổi kết quả thu được.[2]
    • Bác sĩ sẽ quyết định liệu bạn nên chờ 24 - 48 giờ trước khi tiến hành hay thuốc bạn dùng sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến kết quả xét nghiệm.
  3. Dừng một số hoạt động. Tùy hoạt động của bạn, một số xét nghiệm có thể không duy trì được tính chính xác. Chúng có thể bị ảnh hưởng bởi những hoạt động thể chất hay tập thể thao ở cường độ cao được thực hiện gần đó, tình trạng thiếu nước, hút thuốc lá, uống trà thảo mộc hay hoạt động tình dục.
    • Có thể bạn sẽ được yêu cầu tạm ngừng một trong số những hoạt động trên trước khi tiến hành xét nghiệm máu.[2]
  4. Xin chỉ dẫn của bác sĩ. Nhiều xét nghiệm không cần chuẩn bị đặc biệt trước khi lấy máu. Tuy nhiên, nếu nghi ngờ, hãy hỏi. Trong trường hợp bác sĩ không đưa ra bất kỳ chỉ dẫn đặc biệt nào, chủ động hỏi để giảm thiểu nguy cơ không chuẩn bị đầy đủ khi tiến hành xét nghiệm là điều quan trọng cần làm.[2]
  5. Uống đủ nước. Đủ nước giúp lấy máu dễ dàng hơn. Tĩnh mạch lớn và dễ tìm hơn, máu không đặc và do đó, dễ dàng di chuyển vào ống. Nếu cũng cần nhịn uống, hãy đảm bảo cơ thể thật đủ nước vào ngày hôm trước.
    • Điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ cần rời giường, đi vệ sinh giữa đêm. Tuy nhiên, thật sự đủ nước sẽ giúp xét nghiệm máu trở nên dễ dàng hơn.[4]
  6. Giữ ấm vùng lấy máu. Trước khi sẵn sàng để lấy máu, hãy làm ấm điểm lấy máu. Hãy phủ gạc ấm từ 10 đến 15 phút để tăng cường lưu thông máu đến vùng đó.
    • Mặc ấm hơn trang phục thông thường khi vào lấy máu. Nó làm tăng nhiệt độ da, lưu thông máu đến vị trí lấy máu và giúp việc tìm tĩnh mạch trở nên dễ dàng hơn.[5][4]
  7. Trao đổi với nhân viên lấy mẫu máu. Nếu đi chệch chỉ dẫn chuẩn bị trước khi lấy máu, bạn cần thông báo với nhân viên lấy mẫu máu ngay khi đến. Nếu sự sai phạm đủ lớn để ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm, có thể bạn sẽ phải quay lại lấy máu vào ngày khác.[2]
    • Hãy thông báo nếu bị dị ứng hay nhạy cảm với latex. Latex có trong nhiều loại găng tay và băng cá nhân - được dùng khi lấy máu. Một số người dị ứng hay nhạy cảm với latex và chúng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Nếu biết rằng bản thân bị dị ứng hay nhạy cảm, bạn cần thông báo với bác sĩ và nhân viên lấy máu để được sử dụng thiết bị không chứa latex.[6]

Chuẩn bị tinh thần cho xét nghiệm máu[sửa]

  1. Ổn định tình trạng căng thẳng của bạn. Xét nghiệm máu có thể khiến bạn vô cùng căng thẳng hay lo lắng. Thật không may, điều đó sẽ làm tăng huyết áp, co thắt tĩnh mạch và khiến việc lấy máu trở nên khó khăn hơn.[4]
    • Biết cách giảm căng thẳng có thể cải thiện công tác chuẩn và làm tăng khả năng tìm thấy tĩnh mạch ngay lần đầu của nhân viên lấy máu.
    • Bạn có thể thử các bài tập hít thở sâu hoặc lặp lại những lời trấn an như: "Việc này sẽ qua nhanh thôi. Rất nhiều người đã lấy máu. Mình cũng có thể". Tham khảo phần "Kỹ thuật Giảm Căng thẳng" trong bài viết này để được hướng dẫn kỹ hơn.
  2. Thừa nhận nỗi sợ hãi của bản thân. Trước khi đến gặp bác sĩ, hãy thừa nhận rằng có thể bạn đang lo lắng về việc lấy máu. Cũng có thể bạn sợ kim tiêm. Từ 3 đến 10 phần trăm dân số sợ kim (hội chứng sợ kim tiêm) hoặc chích (hội chứng sợ bị chích hoặc kim tiêm).[7]
    • Thú vị là 80% người sợ kim tiêm có người thân trong gia đình (bố mẹ, anh chị, con cái) cũng bị ám ảnh bởi kim tiêm. Có thể chứng sợ này phần nào có tính di truyền.
  3. Hỏi về EMLA. Nếu từng lấy máu và biết việc này gây đau đớn đặc biệt cho bạn, hãy hỏi bác sĩ về việc sử dụng EMLA. Đây là thuốc gây tê cục bộ được đắp lên vị trí lấy máu từ 45 phút đến 2 giờ trước khi tiến hành.
    • Nếu dễ bị đau, hãy hỏi liệu EMLA có là giải pháp dành cho bạn hay không.[8]
    • EMLA được sử dụng rộng rãi cho trẻ em nhưng lại ít được dùng ở người lớn bởi để có tác dụng, thuốc cần nhiều thời gian.[9]
    • Bạn cũng có thể hỏi về "Numby Stuff", sự kết hợp giữa lidocaine, epinephrine và dòng điện nhẹ để gây tê. Nó có tác dụng trong khoảng 10 phút.[9]
  4. Hiểu cách bắt đầu của quy trình. Để chuẩn bị tinh thần tốt hơn cho việc lấy máu, bạn cần hiểu quy trình thực hiện. Nhân viên lấy máu sẽ đeo đai cao su quanh cánh tay, phía trên khuỷu tay và yêu cầu bạn nắm tay lại. Với xét nghiệm máu thông thường, máu thường được lấy từ tĩnh mạch tay hoặc trích máu từ ngón tay.
    • Đai cao su làm tăng lượng máu ở vùng cánh tay vì lúc này, máu có thể di chuyển xuống tay qua động mạch nằm sâu bên trong nhưng chỉ lượng ít hơn có khả năng đi ra. Nhờ đó, làm tăng kích cỡ tĩnh mạch, giúp việc tìm kiếm và lấy máu trở nên dễ dàng hơn.[10]
  5. Biết cách máu được lấy ra. Bất kể thực hiện ở đâu, máu cũng được lấy bằng những cách tương tự nhau. Kim tiêm, thường được kết nối với một ống nhỏ, được đưa vào tĩnh mạch. Khi đủ máu, ống được tháo ra và niêm phong tự động.
    • Nếu cần nhiều ống hơn, kim tiêm sẽ được giữ nguyên tại vị trí lấy máu và ống khác được gắn vào phần cuối của kim. Một khi toàn bộ ống cần thiết cho xét nghiệm của bạn đã được làm đầy, nhân viên lấy máu sẽ rút kim và đắp gạc nhỏ lên vết chích. Họ sẽ yêu cầu bạn dùng tay đè chặt trong lúc chuẩn bị đưa ống máu vào phòng thí nghiệm.
    • Có thể bạn cần dán băng cá nhân lên gạc để vết chích dừng chảy máu.
    • Toàn bộ quá trình thường chỉ kéo dài 3 phút hoặc ít hơn.[10]

Sử dụng kỹ thuật giảm căng thẳng[sửa]

  1. Hít thở sâu. Nếu không thoải mái khi nghĩ về việc lấy máu, bạn cần thư giãn. Hít thở sâu và đặt toàn bộ chú ý vào hơi thở. Hít thở sâu kích hoạt phản ứng thư giãn của cơ thể. Hít vào chậm rãi và đếm đến bốn trước khi từ từ thở ra, cũng đếm từ một đến bốn.[11]
  2. Thừa nhận rằng bạn đang lo lắng. Lo lắng chỉ là một cảm giác như mọi cảm giác khác. Cảm giác chỉ nắm kiểm soát khi bạn trao quyền cho chúng. Khi thừa nhận, bạn đã tước bỏ sức mạnh của cảm xúc đó. Nếu cố loại bỏ, chúng sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.[11]
  3. Nhận biết rằng tâm trí có thể đang đánh lừa bạn. Lo lắng là sự lừa gạt đem lại hậu quả thể chất thực tế của tâm trí. Đủ lo lắng có thể dẫn đến cơn hoảng loạn với những triệu chứng tương tự như đau tim. Hiểu rằng lo lắng, dù nhiều hay ít, chỉ là trò chơi khăm của trí óc sẽ góp phần giảm bớt sức ép và trách nhiệm chăm sóc bản thân. [11]
  4. Tự đặt câu hỏi. Khi lo lắng, hãy đặt cho chính mình vài câu hỏi để xác định chính xác độ nghiêm trọng thực sự của tình huống. Lo lắng có thể gia tăng suy nghĩ thái quá còn đặt câu hỏi cụ thể cần đến câu trả lời thực tế có thể làm tăng nhận thức của bạn. Hãy tự hỏi những câu tương tự như:
    • Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra khi lấy máu là gì?
    • Những điều lo lắng của mình có thực tế không? Điều gì thật sự có thể xảy ra với mình?
    • Khả năng phát sinh tình huống tệ nhất là bao nhiêu? [11]
  5. Tự nhủ một cách tích cực. Bạn sẽ nghe theo những điều tự nói với chính mình, kể cả khi không nghĩ bản thân có thể làm điều đó. Hãy nói thành tiếng và lặp lại rằng bạn mạnh mẽ, bạn có thể đương đầu với tình huống và sẽ không có gì tồi tệ xảy ra. Nhờ đó, làm giảm cảm giác căng thẳng trong bạn.

Biết theo sau xét nghiệm máu là gì[sửa]

  1. Ăn nhẹ. Nếu nhịn ăn trước khi lấy máu, bạn nên mang theo một phần ăn nhẹ để dùng sau đó. Đồng thời, hãy mang một bình nước cùng phần ăn nhẹ không cần bảo quản trong tủ lạnh. Nó sẽ giúp bạn cầm cự cho đến khi có thể dùng bữa chính.
    • Bánh quy bơ đậu, bánh mì kẹp phết bơ đậu, một nắm hạnh nhân hay óc chó hoặc whey protein đều dễ dàng mang theo và sẽ cho bạn lượng protein và calo nhất định cho đến khi dùng bữa chính.
    • Nếu quên mang theo gì đó để ăn, hãy hỏi nhân viên ở nơi vừa lấy máu. Có thể bánh quy được lưu trữ ở đó chỉ vì mục đích này.
  2. Hỏi thời gian chờ kết quả. Một số xét nghiệm hoàn thành trong 24 giờ đồng hồ, một số khác có thể cần cả tuần hoặc hơn nếu máu phải được chuyển đến phòng thí nghiệm đặc biệt. Trao đổi với bác sĩ về quá trình chuyển kết quả xét nghiệm. Ở một số trường hợp, phòng khám không thông báo gì khi kết quả đều bình thường. Nếu kết quả được gửi về, hãy hỏi thời gian để phòng khám nhận được kết quả từ phòng xét nghiệm là bao lâu.
    • Yêu cầu thông báo, kể cả khi kết quả bình thường. Nhờ đó, đảm bảo kết quả của bạn không "bị thất lạc" - dẫn đến không được thông báo dù có kết quả kiểm tra khác thường.
    • Nếu theo lịch trình, kết quả đã có và bạn vẫn chưa được thông báo, sau khoảng 36 đến 48 giờ, hãy gọi đến văn phòng bác sĩ.
    • Hỏi văn phòng bác sĩ về hệ thống thông báo trực tuyến. Có thể bạn sẽ được cho thông tin website để đăng ký và kết quả sẽ được gửi đến bạn qua đường điện tử.
  3. Lưu ý vết thâm tím. Tác dụng phụ phổ biến nhất của lấy máu là vết thâm tím hay khối tụ máu ở vị trí đâm kim. Vết thâm tím có thể xuất hiện ngay lập tức hoặc trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm lấy máu. Một số yếu tố góp phần dẫn đến khối tụ máu, bao gồm rò máu ở vị trí tiếp xúc khi kim đi vào tĩnh mạch, dẫn đến máu thoát ra phần mô xung quanh. Chúng cũng có thể là do rối loạn chảy máu hoặc thuốc chống đông máu - dược phẩm làm tăng nguy cơ hình thành vết thâm hay khối máu tụ khi lấy máu.
    • Ép lên vị trí lấy máu trong năm phút hoặc lâu hơn nếu cần để dừng chảy máu ra ngoài và thường làm giảm nguy cơ hình thành khối tụ hay tập hợp máu bên ngoài mạch máu.[12][13]
    • Rối loạn đông máu là rối loạn chảy máu được biết đến nhiều nhất nhưng lại tương đối hiếm gặp. Nó có hai dạng - A & B.
    • Bệnh Von Willebrand (VWD) là rối loạn chảy máu phổ biến nhất và ảnh hưởng đến khả năng đông máu.[14]
    • Khi lấy máu, người bị bệnh nên báo trước về tình trạng rối loạn chảy máu với bác sĩ và nhân viên lấy máu.
  4. Hỏi về khả năng kết quả không chính xác. Một số tình huống có thể dẫn đến sự sai lệch trong kết quả xét nghiệm máu. Dùng garô quá lâu có thể dẫn đến tích tụ quá nhiều máu tại vị trí lấy máu. Điều này làm tăng sự tập trung của máu và khả năng dẫn đến sai lệch trong kết quả tích cực hoặc tiêu cực của xét nghiệm.
    • Để tránh tích tụ hay còn gọi là sự cô máu, garô nên được dùng không quá một phút.
    • Nếu cần hơn một phút để định vị mạch được chọn, garô nên được tháo và dùng lại sau hai phút, chỉ ngay trước khi đâm kim vào. [15]
  5. Trao đổi về dung huyết với nhân viên lấy máu. Dung huyết không là biến chứng xảy ra ở bạn mà là vấn đề với mẫu máu. Dung huyết xảy ra khi tế bào máu đỏ bị phá vỡ và những thành phần khác tràn vào huyết thanh. Khi đó, máu không được chấp nhận cho việc xét nghiệm và cần lấy mẫu máu khác để thay thế. Dung huyết thường xảy ra khi:
    • Ống bị lắc mạnh sau khi lấy khỏi kim tiêm.
    • Máu được lấy từ mạch nằm gần một khối tụ máu.
    • Sử dụng kim tiêm nhỏ, làm tổn hại tế bào máu khi kéo vào ống.
    • Nắm tay quá chặt trong lúc lấy máu.
    • Dùng garô nhiều hơn một phút.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]