Dạy và học ngoại ngữ chuyên ngành khoa học theo phương pháp giao tiếp

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Dẫn nhập[sửa]

Vấn đề giảng dạy ngoại ngữ và liên tục cải tiến phương pháp dạy và học ngoại ngữ ở Việt Nam để đáp ứng nhu cầu xã hội trong giao lưu quốc tế luôn được đặc biệt quan tâm trong hơn hai thập kỉ qua, kể từ khi Việt Nam bắt đầu thực hiện chính sách "mở cửa".

Có thể nói rằng dạy ngoại ngữ chuyên ngành khoa học mang tính đặc thù của việc dạy ngôn ngữ nước ngoài và truyền đạt văn hóa, kiến thức khoa học được diễn đạt bằng ngôn ngữ đó. Thực tế cho thấy rằng dạy và học ngoại ngữ chuyên ngành khoa học phải dựa trên các nguyên tắc phương pháp luận về dạy và học ngoại ngữ nói chung, cũng như phương pháp tiếp nhận kiến thức của ngành khoa học trên cơ sở ngoại ngữ được lựa chọn. Hiện nay, phương pháp giao tiếp là phương pháp được sử dụng phổ biến trong giảng dạy ngoại ngữ ở các cấp độ.

Dạy và học ngoại ngữ chuyên ngành khoa học như một quá trình[sửa]

Trong phương pháp dạy và học ngoại ngữ nói chung, vấn đề dạy và học lời độc thoại và đối thoại được coi là quan trọng nhất ở giai đoạn đầu tiên của việc dạy và học tiếng nước ngoài. Trong đó, phương pháp giao tiếp được đặc biệt coi trọng ở mọi cấp độ dạy và học bất kì ngoại ngữ nào.

Giao tiếp bằng đối thoại là loại hình giao tiếp đặc trưng nhất để thể hiện chức năng giao tiếp của ngôn ngữ. Ở giai đoạn cơ bản của quá trình dạy và học tiếng nước ngoài, phương pháp dạy giao tiếp qua đối thoại đòi hỏi người học phải tiếp nhận, nắm vững và tham gia được vào các tình huống giao tiếp cơ bản. Ở giai đoạn nâng cao của quá trình dạy và học ngoại ngữ phương pháp dạy giao tiếp qua đối thoại đòi hỏi người học phải biết cách sử dụng các phương tiện ngôn ngữ để tham gia vào các cuộc thảo luận, đàm thoại về các vấn đề nhất định của cuộc sống, trong đó bao gồm cả các vấn đề về khoa học và thời sự khoa học.

Lời độc thoại là thành phần của quá trình giao tiếp ở tất cả các mức độ giao tiếp. Đây là thông báo luôn hướng tới địa chỉ nhất định với nội dung nhất định. Ở giai đoạn cơ bản của quá trình dạy và học tiếng nước ngoài, phương pháp dạy giao tiếp qua độc thoại đòi hỏi người học phải tiếp nhận và nắm vững được cách thành lập các loại câu từ đơn giản đến phức tạp, cách diễn đạt nội dung của các thể loại văn bản. Ở giai đoạn nâng cao của quá trình dạy và học ngoại ngữ phương pháp dạy giao tiếp qua độc thoại đòi hỏi người học phải biết cách sử dụng các phương tiện ngôn ngữ để viết báo cáo, tổng kết khoa học, khóa luận bằng ngôn ngữ nước ngoài đang học. Ở đây, phong cách ngôn ngữ khoa học đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Ví dụ, trên cơ sở phong cách ngôn ngữ khoa học tự nhiên và các khoa học ứng dụng tiếng Anh, các chuẩn tiếng Anh văn bản với các đặc điểm đặc trưng đã được xác lập, bao gồm:

a) Từ vựng. Phần lớn thuật ngữ chuyên ngành không có nguồn gốc Anglo-Xăcxông. Các từ được sử dụng trong lĩnh vực khoa học được lựa chọn rất cẩn thận để chuyển tải nghĩa chính xác một cách tối đa.

b) Ngữ pháp. Chỉ sử dụng các chuẩn ngữ pháp của văn bản. Sử dụng phổ biến các cấu trúc bị động, vô nhân xưng và vô chủ. Tham gia chủ yếu vào thành phần câu là danh từ, tính từ và dạng vô nhân xưng của động từ. Trong các văn bản khoa học kĩ thuật có thể tồn tại các thể loại liệt kê, minh họa, sơ đồ, bảng biểu, trong đó có thể vắng vị ngữ (liệt kê dữ liệu).

c) Phương thức biểu đạt nội dung văn bản. Trong văn bản khoa học thông tin được biểu đạt một cách rõ ràng, chính xác, không sử dụng các loại từ và cụm từ cảm thán, nhân cách hóa. Phương thức này được gọi là phương tức lôgích - hình thái (Pumpyanski A.L.).

Dạy và học ngoại ngữ chuyên ngành khoa học theo phương pháp giao tiếp là cả một quá trình đòi hỏi chi phí đáng kể thời gian và sức lực của người dạy và người học. Một số quan niệm cho rằng chỉ có các cán bộ có chuyên môn khoa học và biết ngoại ngữ (dù ở mức độ nào) mới có thể đảm trách được việc dạy và dịch ngoại ngữ chuyên ngành khoa học. Về vấn đề này, chúng tôi đã có các nghiên cứu được trình bày trong các bài báo (Tài liệu tham khảo: 12, 13, 14, 15). Ở đây, chúng tôi cho rằng để dạy và học tốt ngoại ngữ chuyên ngành khoa học cần kết hợp giảng dạy đồng thời ngôn ngữ nước ngoài và kiến thức về các lĩnh vực khoa học cần thiết.

Khả năng giao tiếp của người học là một trong các mục tiêu cơ bản của quá trình dạy và học ngoại ngữ. Người học ngoại ngữ khi tham gia giao tiếp với những người nói bằng ngôn ngữ khác luôn có xu hướng giải quyết các vấn đề nẩy sinh trong hoạt động lời nói bằng ngoại ngữ được học. Hiện tượng này được thể hiện rất rõ trong hoạt động khoa học do mang tính quốc tế rất cao và là đặc trưng của phương pháp dạy và học ngoại ngữ chuyên ngành khoa học. Thuật ngữ "giao tiếp" trong dạy và học ngoại ngữ chuyên ngành cần được hiểu một cách rộng hơn, không chỉ đơn giản là sự hỏi thăm, nói chuyện thông thường. Ở đây, phương pháp giao tiếp đòi hỏi người học phải nắm vững các kĩ năng, kĩ xảo trong hoạt động lời nói khoa học, có khả năng báo cáo, thảo luận các vấn đề khoa học tại các hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế, các buổi sinh hoạt chuyên đề bằng ngoại ngữ được học.

Theo quan sát của chúng tôi, dạy và học ngoại ngữ chuyên ngành khoa học theo phương pháp giao tiếp có đặc điểm đặc thù và các nguyên tắc đặc trưng.

Các nguyên tắc dạy và học ngoại ngữ chuyên ngành khoa học theo phương pháp giao tiếp[sửa]

Hoạt động lời là quá trình giao tiếp tích cực, có mục đích thông qua ngôn ngữ và được chế định bởi tình huống nhất định. Thực tế cho thấy, hoạt động lời nói chính là quá trình giao lưu giữa con người trong các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống. Trong lĩnh vực khoa học, hoạt động lời được thể hiện qua giao tiếp giữa các nhà khoa học về các vấn đề khoa học bằng các ngôn ngữ được lựa chọn và sử dụng. Theo nghiên cứu của chúng tôi, dạy và học ngoại ngữ chuyên ngành khoa học theo phương pháp giao tiếp cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

  • Nguyên tắc dạy giao tiếp theo tình huống trong các lĩnh vực khoa học từ đơn giản đến phức tạp trên lớp. Ở đây, có thể sử dụng các bài tập tình huống như thảo luận theo chuyên đề, thảo luận tại hội thảo khoa học v.v. Các bài tập tình huống có thể sử dụng khi dạy và học ngoại ngữ chuyên ngành là các bài tập hỏi - đáp, "nhập vai" các nhà khoa học để thảo luận theo các chủ đề nhất định.
  • Nguyên tắc dạy giao tiếp ngoại khóa theo chủ đề khoa học. Quá trình dạy và học ngoại ngữ chuyên ngành ở đây được thực hiện trực tiếp tại các nơi sản xuất, trong phòng thí nghiệm, tại các buổi sinh hoạt khoa học theo chuyên đề, các hội thảo trong nước và quốc tế v.v.
  • Nguyên tắc dạy giao lưu theo phong cách ngôn ngữ khoa học. Nguyên tắc này giúp người học nắm vững được phong cách ngôn ngữ của các nhà khoa học khi giao tiếp về các vấn đề khác nhau trong cuộc sống.
  • Nguyên tắc dạy trao đổi thông tin bằng thư điện tử về các vấn đề khoa học. Giao lưu trong lĩnh vực khoa học bằng thư điện tử đòi hỏi người học phải biết cách sử dụng Internet. Nguyên tắc này giúp người học rèn luyện các kĩ năng nói, nghe, đọc, viết, dịch.

Trong quá trình dạy và học ngoại ngữ chuyên ngành khoa học, cần kết hợp sử dụng các nguyên tắc trên để đạt mục tiêu và hiệu quả về tiếp nhận và nắm vững các kiến thức ngôn ngữ chuyên ngành khoa học bằng tiếng nước ngoài, cũng như sử dụng thành thạo ngoại ngữ đó trong các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống.

Tài liệu tham khảo[sửa]

1. Колкер М. (2000). Практическая методика обучения иностранному языку. Москва.

2. Зимняя И.Н. (1985). Психологические аспекты обучения говорению на иностранном языке. Москва.

3. Леонтьев А.А. (1971). Теория речевой деятельности. Москва.

4. Pumpyanski A.L. (2002). Dịch văn bản khoa học và kỹ thuật sang tiếng Anh. Đào Hồng Thu dịch. Hà Nội, nxb. Khoa học và kỹ thuật.

5. Christison, M. (1998). Applying multiple intelligences theory in preservice and inservice TEFL education programs. English Teaching Forum, 36 (2), 2-13.

6. Gardner, H. (1983). Frames of mind. New York: Basic Books.

7. Howatt, A. (1984). A history of English language teaching. Oxford: Oxford University Press.

8. Larsen-Freeman, D. (2000). Techniques and principles in language teaching. Oxford: Oxford University Press.

9. Pawley, A., & Syder, F. (1983). Two puzzles for linguistic theory: Native-like selection and native-like fluency. In J. Richards & R. Schmidt (Eds.), Language and communication. London: Longman.

10. Richards, J., & Rodgers, T. (2001). Approaches and methods in language Teaching (2nd ed.). Cambridge: Cambridge University Press.

11. James Flood (2005). Methods of Research on Teaching the English Language Arts. Routledge

12. Đào Hồng Thu (2002). Về vấn đề phát triển ngoại ngữ chuyên ngành trong quá trình hội nhập quốc tế. Tạp chí Nga ngữ học Việt Nam. Số 12, tr.97-103.

13. Đào Hồng Thu (1996). Dạy và học ngoại ngữ ở môi trường không chuyên ngữ. Tạp chí Khoa học và Công nghệ. Số 12, tr.81-82.

14. Đào Hồng Thu, Nguyễn Thị Quỳnh Giang (2005). Phát triển ngôn ngữ khoa học – công nghệ trong giai đoạn Việt Nam hội nhập toàn cầu – hiện trạng và giải pháp. Kỉ yếu Hội thảo khoa họa Ngữ học trẻ 2004, tháng 4/2004, tr.151-154, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Hà Nội.

15. Đào Hồng Thu (2001). Ngoại ngữ chuyên ngành kĩ thuật – công nghệ với việc đào tạo giáo viên phổ thông ngoại ngữ thập kỉ đầu thế kỉ XXI – Cơ sở lí luận và thực tiễn. Kỉ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Đào tạo giáo viên ngoại ngữ phổ thông cho thập kỉ đầu thế kỉ XXI, 27-28 tháng 2/2001, tr.54-58, Hà Nội.

Bản quyền[sửa]

TS.ĐÀO Hồng Thu

Kỷ yếu Hội thảo khoa học "Phương pháp dạy-học ngoại ngữ", Học viện Kỹ thuật Quân sự, Hà Nội 12 - 2007