Giao hưởng

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Tập tin:Hòa nhạc.jpg
Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam trong buổi hòa nhạc tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội

Nhạc Giao hưởng (symphony) là các tác phẩm viết cho dàn nhạc giao hưởng ở các thành phần cấu trúc lớn nhỏ, đa dạng gồm các nhạc cụ chính: bộ dây (violin, viola, cello, contrabass), bộ gỗ (sáo, oboe, clarinet, bassoon), kèn đồng (trumpet, trombone, tuba, fagotte) và bộ gõ (trống nồi). Nói một cách dễ hiểu nhất, nhạc giao hưởng là một dạng sonata viết cho cả dàn nhạc. Tức là cả dàn nhạc giao hưởng được xem như một chủ thể thống nhất, không chia thành chính, phụ, đệm...

Symphony được ghép từ 2 chữ Hy Lạp: syn (συν, cùng nhau) và phone (φωνή, phát âm). Symphony đầu tiên được dùng để chỉ sự hòa hợp giữa các âm thanh phát ra đồng thời, sau đó, nó được dùng để chỉ các bản nhạc có nhiều bè. Dường như Giovanni Gabrieli là người đầu tiên dùng chữ này đặt tên cho bản nhạc của ông.

Lịch sử[sửa]

Thể loại âm nhạc này bắt đầu hình thành từ thập niên 1730, phát triển từ các bài Italian overture, hoặc từ các bản Ripieno concerto.

Nói đến ý nghĩa và tầm quan trọng của giao hưởng trong âm nhạc người ta thường ví với kịch tiểu thuyết trong văn học. Đó là hình thái cao nhất của khí nhạc, trong đó bao hàm mọi ý tưởng âm nhạc với mọi khả năng biểu cảm phong phú và đa dạng ở bất kỳ nội dung nào từ chất trữ tình cho đến chất anh hùng ca, từ niềm lạc quan yêu đời cho đến nét bi thương thảm khốc.

Hình thức sáng tác[sửa]

Các bản giao hưởng đầu tiên thường cũng có 3 chương (movement): nhanh-chậm-nhanh như các concerto hay các overture. Điểm khác biệt so với Ripieno concerto là chương đầu tiên của giao hưởng thường có dạng binary form tương tự như các sonata, trong khi các Ripieno concerto hồi đó dùng dạng ritornello; còn điểm khác biệt so với overture là các bản giao hưởng được viết để trình tấu độc lập trong khi overture chỉ dùng để mở màn các vở opera (vào thế kỉ 18, hai từ symphony overture thường được dùng lẫn lộn).

Tiếp đó, vào cuối thế kỷ 18 giao hưởng 4 chương được hình thành, trong đó chương cuối được sáng tác ở hình thức sonata hoặc rondo-sonata. Các chương chậm (chương 2 hoặc chương 3) thường mang nội dung trữ tình biểu hiện sự tương phản với các chương còn lại. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, thể loại giao hưởng đã có những tác phẩm ngoài quy luật kinh điển như giao hưởng từ 5 chương trở lên hoặc chỉ có 2 hoặc thậm chí 1 chương duy nhất ví dụ như giao hưởng thơ (symphonie poème).

Ngoài các tác phẩm chỉ dành cho dàn nhạc giao hưởng - thành phần chính, có nhiều tác phẩm giao hưởng còn kết hợp cả với lĩnh xướng và hợp xướng (như giao hưởng số 9 - "Niềm vui" của Betthoven) và đặc biệt phải kể đến giao hưởng kết hợp với nhạc cụ độc tấu (concerto - symphony).

Ngoài ra, thể loại âm nhạc này còn liên kết với các thể loại khác để tạo nên những tác phẩm mang hình tượng nghệ thuật tổng quát như: giao hưởng chiêu hồn, giao hưởng ballet, giao hưởng thanh xướng kịch v.v. Điều quan trọng nhất trong giao hưởng là sự phát triển và mối liên kết các ý tưởng âm nhạc theo logic kết hợp sự tương phản giữa các chương nhằm tạo nên sự phong phú về hình tượng nghệ thuật và kịch tính âm nhạc sâu sắc.

Nhạc sĩ[sửa]

Người sáng lập ra nghệ thuật giao hưởng cổ điển là nhạc sĩ thiên tài người Áo Joseph Haydn (17321809), người được mệnh danh là "cha đẻ của giao hưởng".

Nghệ thuật giao hưởng đạt đến đỉnh cao trong các tác phẩm của các nhạc sĩ thuộc trường phái âm nhạc cổ điển Viên (Haydn, W. A. Mozart, L. Beethoven).

Các bản giao hưởng Es-dur (số 39), g-moll (số 40), C-dur (số 41) của Mozart là sự hiển diện của một năng lực sáng tạo huyền thoại. Giới âm nhạc gọi đó là "Sức mạnh Apôlông", "Sức mạnh quỷ thần", "... vượt lên trên khả năng của con người".

Với các bản giao hưởng "Anh hùng ca" - số 3, "Định mệnh" - số 5, "Đồng quê" - số 6 và "Niềm vui" số 9 của Beethoven đã làm nên kỳ tích trong lịch sử giao hưởng và mở ra bước ngoặt phát triển mới cho loại hình nghệ thuật này. Từ giao hưởng của ông, đã hình thành thể loại giao hưởng mang nội dung và tên gọi cụ thể được phát triển mạnh mẽ ở thế kỷ XIX, XX trong sự nghiệp sáng tạo của các thiên tài Franz Schubert, P. Tchaikovsky, H. Berlioz, Franz Liszt, C. Debussy, S. Prokofiev và D. Shostakovitch v.v...

Nhạc giao hưởng ở Việt Nam[sửa]

Nghệ thuật giao hưởng non trẻ có mặt trong dòng nhạc hàn lâm Việt Nam đã cống hiến những tác phẩm đặc sắc như giao hưởng "Quê hương" (Hoàng Việt), "Đồng khởi" (Nguyễn Văn Thương),"Ngày hội" của Đặng Hữu Phúc (Đã được Dàn nhạc GH Nhạc viện Hà nội trình diễn 3 đêm tại Pháp dưới sự chỉ huy của Xavier Rist)[1]. "Trăm sông đổ về biển đông" (Trần Ngọc Sương), "Rhapsody Việt Nam" (Đỗ Hồng Quân) v.v...[2]

Một số bản nhạc giao hưởng nổi tiếng[sửa]

BEETHOVEN

Symphony no.3 in E flat Major "Eroica"

Symphony no.5 in C minor

Symphony no.6 in F Major "The Pastoral"

Symphony no.9 in D minor "Choral"

MOZART

Symphony no.25 in G minor

Symphony no.39 in E flat Major

Symphony no.40 in G minor

Symphony no.41 in C Major

SCHUBERT

Symphony no.8 in B minor (Unfinished symphony)

DVORAK

Symphony no.9 in E minor (From the new world)

Chú thích[sửa]

  1. Lần đầu đi lưu diễn ở châu Âu
  2. Theo Giáo dục và Thời đại số 41 năm 1998

Tham khảo[sửa]

Liên kết ngoài[sửa]

Liên kết đến đây

Xem thêm liên kết đến trang này.