Giao thông Hà Nội qua cái nhìn của GS Seymour Papert

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Hình thu nhỏ có lỗi: Không thể lưu hình nhỏ vào đường dẫn đích
Người tham gia giao thông ở Hà Nội thường di chuyển thành từng đám đông, chẳng theo luật lệ nào, làn đường hay tín hiệu nào

GS Seymour Papert đã thấy ở giao thông Hà Nội những điểm thú vị có thể minh họa cho giả thuyết về "hành vi hợp trội", chủ đề liên quan mật thiết đến công trình nghiên cứu của ông, mô tả phương thức đám đông tuân theo các nguyên tắc đơn giản, không bị dẫn hướng, tạo ra các vận động và hệ thống phức tạp.

Tin Giáo sư Seymour Papert, 78 tuổi, đồng sáng lập viên của Phòng Thí nghiệm Trí tuệ nhân tạo, thuộc Viện Công nghệ hàng đầu thế giới Massachusetts (MIT) của Mỹ, rơi vào hôn mê sâu sau khi bị xe máy đâm tại Hà Nội hôm 5/12, đã khiến ngành giáo dục và khoa học máy tính thế giới đến giờ vẫn còn choáng váng.

Ông sang đây để tham dự một hội nghị quốc gia về phương pháp giảng dạy toán học bằng công nghệ thông tin được tổ chức tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Một điều kỳ lạ là ngay trước khi xảy ra vụ tai nạn, GS Papert còn đang thảo luận về dự án xây dựng một mô hình toán học mô tả tình trạng giao thông lộn xộn của Hà Nội.

Thật trớ trêu là ông lại bị xe đâm khi đang nghĩ đến kế hoạch mô tả tình trạng giao thông ở đường phố Hà Nội. Cứ như thể ông đã bị đâm bởi một trong những “con rùa” của mình.

Nhìn vào giao thông Hà Nội, GS Papert đã tìm thấy ở đó một minh họa sinh động cho chủ đề liên quan mật thiết đến công trình nghiên cứu của ông, đó là “hành vi hợp trội”, hay phương thức mà các đám đông, tuân theo các nguyên tắc đơn giản và không cần sự lãnh đạo, tạo ra các vận động và hệ thống phức tạp. Ví dụ minh họa gồm có những đàn cá, đàn kiến, đàn ong và… cả những người Việt Nam điều khiến xe gắn máy trên đường phố.

Công trình nghiên cứu về “hành vi hợp trội" (emergent behavior) của GS Papert bắt nguồn từ Logo - một ngôn ngữ lập trình thân thiện với trẻ nhỏ, do chính ông sáng tạo ra hồi thập niên 70, phục vụ cho công tác giảng dạy toán học. Ban đầu những đứa trẻ dùng Logo để điều khiển các món đồ chơi chạy điện - GS Papert gọi là “con rùa”. Để lập trình cho con rùa chạy được theo nhiều kiểu khác nhau, những đứa trẻ phải hiểu về hình học phẳng. Những con rùa Logo này đã trở thành ví dụ minh hoạ cho lý luận về giáo dục tương tác của GS Papert.

Cũng giống như mọi phát kiến vĩ đại khác, Logo đã có những ứng dụng vượt xa khỏi mục đích ban đầu, trong đó có ứng dụng minh họa cho “hành vi hợp trội”. Người ta có thể tạo ra hàng ngàn con rùa, sau đó lập trình để chúng đi tìm thức ăn và đi theo đường mà các con khác đã tìm thấy. Chẳng bao lâu sau sẽ có cả một đàn rùa.

Từ trò Logo này, GS Papert đã tạo ra trào lưu ứng dụng “hành vi hợp trội” hồi những năm 90. Nhiều người ham mê Internet bắt đầu nhìn nhận mạng trực tuyến toàn cầu như một dạng đám đông tự tổ chức của loài người.

Một trong những người đầu tiên sử dụng rùa Logo để mô tả giao thông là Mitchel Resnick, đồng sự của GS Papert tại MIT, tác giả cuốn “Rùa, Mối và Tắc nghẽn giao thông” nổi tiếng xuất bản năm 1994.

Giống như những con ong, người điều khiển xe gắn máy trên đường phố Hà Nội cũng di chuyển thành từng đám đông, chẳng theo luật lệ nào, làn đường quy định nào hay tín hiệu giao thông nào. Theo một cách nào đó, cả đám đông người điều khiển xe gắn máy vẫn tự tổ chức để có thể di chuyển mà hầu như không hề đâm vào nhau.

GS Papert đã thấy điều này vô cùng thú vị và trong mấy ngày đầu đến Hà Nội, ông suốt ngày trao đổi với Giáo sư điện toán Uri Wilensky, một người bạn và cũng là học trò cũ của ông, về dự án ứng dụng NetLogo (một biến thể của trò Logo, do GS Wilensky phát triển nên) để mô tả thực trạng giao thông của Hà Nội.

Giao thông ở Hà Nội cũng tương tự như một đám đông tự kiểm soát. Ít đèn giao thông, mà thậm chí nếu có người ta cũng “phớt lờ”. Sự phân cách giữa các làn đường chỉ là hình thức bằng các đường kẻ vạch trên đường, còn các phương tiện đi lại không hề theo làn đường quy định.

Sở dĩ tình trạng này có thể tồn tại là do có sự chấp nhận của đám đông. Những người mới đến Hà Nội thường loay hoay không biết làm thể nào để có thể qua đường, và được bày cho một cách duy nhất là cứ từ từ hòa vào dòng người. Sẽ có đủ chỗ!

Ngay cả khi có đèn giao thông, một người đã đến một trong những ngã tư đông đúc nhất và nhiều lần thử sang đường không theo tín hiệu đèn giao thông. Thật lạ lùng là lần nào cũng thành công. Vẫn có chỗ để anh ta qua đường, dù sai luật.

Tuy nhiên có một vấn đề là hiện nay mức sống của người Việt Nam đã cao hơn nhiều, lượng ô tô xe máy cũng tăng theo “chóng mặt”. Tất cả số xe mới này đổ ra đường trong khi hệ thống đường sá chưa mở rộng theo kịp nhu cầu. Những người điều khiển phương tiện giao thông ngày một “hung hăng” hơn, 9 tháng đầu năm nay, tổng số vụ tai nạn tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Và ngay cả khi đã đi theo “luật” bất thành văn ở đây, GS Papert vẫn không may. Ông đã từ từ đi bộ qua đường nhưng người đi xe máy lại không “nhường” đường. Khi “luật lệ” thay đổi thì đám đông không còn giữ được trật tự như trước. “Nếu bạn không có hệ thống nguyên tắc thống nhất thì mọi thứ sẽ nằm ngoài tầm kiểm soát”, GS Wilensky nói.

Nguồn[sửa]

  • Đặng Lê từ Dantri.com.vn theo Boston Globe