Hướng dẫn giáo viên dạy học các chủ đề tích hợp liên môn

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Để giáo viên có thể tổ chức tốt các hoạt động học cho học sinh, cần hướng dẫn cụ thể để giáo viên tổ chức các hoạt động học tương ứng đã được biên soạn trong kế hoạch dạy học mỗi chủ đề như sau:

Hướng dẫn chung[sửa]

Làm rõ về tiến trình sư phạm của phương pháp dạy học tích cực được sử dụng trong chủ đề, giúp cho giáo viên hiểu rõ nội dung, ý nghĩa của từng hoạt động học trong cả chuỗi hoạt động học của chủ đề.

Hướng dẫn cụ thể cho mỗi hoạt động học của học sinh[sửa]

- Hướng dẫn về kĩ thuật học tích cực được sử dụng trong tổ chức hoạt động (động não, khăn trải bàn, các mảnh ghép, phòng tranh...) thể hiện trong kế hoạch dạy học các chủ đề đã được biên soạn; gợi ý về các kĩ thuật dạy học khác có thể được sử dụng để giáo viên có thể lựa chọn, điều chỉnh kế hoạch dạy học các chủ đề cho phù hợp với điều kiện thực tiễn.

- Hướng dẫn về kĩ thuật sử dụng các thiết bị dạy học, học liệu được sử dụng trong hoạt động học của học sinh (nếu có) đã được biên soạn trong kế hoạch dạy học chủ đề; gợi ý những thiết bị dạy học, học liệu có thể thay thế.

- Hướng dẫn để làm rõ về cách chuyển giao nhiệm vụ cho học sinh đã được biên soạn trong kế hoạch dạy học mỗi chủ đề qua: lời nói; tài liệu, thiết bị dạy học, học liệu; cách quan sát hoạt động học của học sinh, những khó khăn mà học sinh có thể gặp...; các biện pháp giúp học sinh vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ học tập; biện pháp theo dõi, giúp đỡ học sinh hoạt động học ở ngoài lớp, ở nhà và cộng đồng; biện pháp tổ chức cho học sinh báo cáo và thảo luận về sản phẩm học tập;...

- Hướng dẫn phương án đánh giá kết quả hoạt động học của học sinh đã được thể hiện trong kế hoạch dạy học mỗi chủ đề (đánh giá bằng quan sát, nhận xét; cách biên soạn câu hỏi/bài tập/nhiệm vụ học tập; cách đánh giá sản phẩm học tập của học sinh; xây dựng bảng tự đánh giá (rubric); cách tổ chức cho học sinh tự đánh giá, đánh giá đồng đẳng; cách ghi nhật kí dạy học...); gợi ý các phương án đánh giá khác có thể sử dụng.

Với việc tổ chức tiến trình dạy học như trên, có thể hình dung mỗi chủ đề dạy học bao gồm một số nhiệm vụ học tập được thiết kế thành các hoạt động kế tiếp nhau. Lớp học có thể được chia thành từng nhóm nhỏ. Tùy mục đích, yêu cầu của vấn đề học tập, các nhóm được phân chia ngẫu nhiên hay có chủ định, được duy trì ổn định hay thay đổi trong từng phần của tiết học, được giao cùng một nhiệm vụ hay những nhiệm vụ khác nhau. Trong nhóm nhỏ, mỗi thành viên đều phải làm việc tích cực, không thể ỷ lại vào một vài người hiểu biết và năng động hơn. Các thành viên trong nhóm giúp đỡ nhau tìm hiểu vấn đề nêu ra trong không khí thi đua với các nhóm khác. Kết quả làm việc của mỗi nhóm sẽ đóng góp vào kết quả học tập chung của cả lớp. Các kỹ thuật dạy học tích cực như: khăn trải bàn, các mảnh ghép, động não, bản đồ tư duy, XYZ, ổ bi... sẽ được sử dụng trong tốt chức hoạt động nhóm trên lớp để thực hiện các nhiệm vụ nhỏ nhằm đạt mục tiêu dạy học. Trong mỗi hoạt động, giáo viên có thể sử dụng một kĩ thuật nào đó để giao cho học sinh giải quyết một nhiệm vụ học tập được giao. Kết quả hoạt động của các nhóm học sinh được đưa ra thảo luận, từ đó nảy sinh vấn đề cần giải quyết và đề xuất các giải pháp nhằm giải quyết vấn đề đó. Hoạt động giải quyết vấn đề của học sinh có thể được thực hiện ngay trong giờ học trên lớp nhưng thường thì phải thực hiện ở nhà, giữa hai giờ lên lớp kế tiếp nhau mới đạt được hiệu quả cao.

Giai đoạn này, các phương pháp quan sát, ôn tập, nghiên cứu độc lập cần được hướng dẫn cho học sinh sử dụng. Các kĩ thuật dạy học tích cực sẽ được tiếp tục sử dụng trên lớp trong giờ học sau đó để tổ chức các hoạt động trao đổi, tranh luận của học sinh về vấn đề đang giải quyết nhằm đạt được mục tiêu dạy học. Trong quá trình tổ chức hoạt động dạy học như trên, vấn đề đánh giá của giáo viên và đánh giá của học sinh về kết quả hoạt động (bao gồm tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng) được quan tâm thực hiện. Trong toàn bộ tiến trình tổ chức hoạt động dạy học như trên, các phương pháp truyền thống như thuyết trình, đàm thoại, trực quan, thực hành... vẫn còn nguyên giá trị của chúng và cần phải được khai thác sử dụng một cách hợp lí, đúng lúc, đúng chỗ để đạt được hiệu quả cao nhất.

Tham khảo, nguồn[sửa]

  • Trường học kết nối

Liên kết đến đây