Học

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Khi ngồi học, làm thế nào để chuyển lượng lớn kiến thức từ sách vở trước mặt vào một góc đáng tin cậy trong trí óc? Bạn sẽ cần tạo cho mình những thói quen học tập tốt. Ở thời điểm khởi đầu, thay đổi cách học cần rất nhiều nỗ lực có ý thức. Thế nhưng, sau một thời gian, nó sẽ trở thành bản năng thứ hai và học tập sẽ là một nhiệm vụ dễ dàng hơn.

Các bước[sửa]

Chuẩn bị cho việc học[sửa]

  1. Quản lý thời gian của bạn. Lên lịch tuần và dành lượng thời gian nhất định mỗi ngày cho việc học. Điều này sẽ giúp cải thiện điểm số của bạn. Lượng thời gian này có thể khác nhau, tùy thuộc vào việc bạn đang ở cấp ba hay đại học và cũng không đồng nhất giữa các ngành học. Hãy chắc là bạn sẽ kiên trì với lịch đề ra nhiều nhất có thể, đồng thời, cũng không ngần ngại đi chệch kế hoạch lúc này hay lúc khác để học nhiều hơn cho những kỳ kiểm tra cận kề. Đồng thời, đảm bảo kế hoạch này thực tế và khả thi. Đừng quên lên lịch mọi thứ, từ ăn mặc, đi lại đến phòng thực hành và các lớp học theo thời khóa biểu.[1]
    • Bạn cần cân bằng trường lớp, công việc và các hoạt động ngoại khóa. Nếu thực sự khó khăn với lớp học, có thể bạn nên từ bỏ công việc ngoài giờ hay hoạt động ngoại khóa cho đến khi điểm số được cải thiện. Bạn cần xác định thứ tự ưu tiên cho thời gian của mình. Nhớ rằng: học là điều quan trọng nhất.[2]
    • Ở đại học, thời gian dành cho mỗi môn nên dựa trên độ khó và số tín chỉ của nó. Ví dụ, nếu bạn có lớp học vật lý dài 3 tiếng và thật sự khó, bạn nên học 9 tiếng một tuần (3 tiếng x 3 vì độ khó cao). Nếu khóa văn học dài 3 giờ và tương đối khó, có thể bạn sẽ muốn học 6 tiếng một tuần (3 tiếng x 2 cho độ khó trung bình).
  2. Đừng vội vã. Tìm tốc độ học phù hợp nhất với bạn và điều chỉnh theo đó. Một số khái niệm hay môn học sẽ đến với bạn một cách tự nhiên hơn và nhờ đó, bạn có thể học chúng một cách nhanh chóng hơn. Một số khác có thể khiến bạn phải dùng gấp đôi thời gian. Hãy dùng thời gian bạn cần và điều chỉnh tốc độ mà bạn cảm thấy thoải mái.
    • Nếu học chậm hơn, nhớ rằng bạn sẽ cần nhiều thời gian hơn để học[3]
  3. Ngủ đủ giấc. Dành đủ thời gian trong lịch để ngủ đủ giấc. Ngủ ngon mọi tối và bạn sẽ tận dụng tốt thời gian học của mình. Điều này quan trọng khi chuẩn bị cho kỳ kiểm tra và đặc biệt quan trọng ngay trước khi bước vào kiểm tra. Nghiên cứu cho thấy ngủ tác động tích cực đến thi cử nhờ tăng cường trí nhớ và khả năng tập trung. Thoạt nghe, thức học cả đêm có vẻ là một ý kiến hay. Thế nhưng, hãy bỏ qua những đêm trắng nhồi nhét kiến thức. Dù sao thì, nếu đã học trong cả tuần, bạn sẽ không cần làm điều đó. Một giấc ngủ đêm ngon sẽ giúp bạn làm bài tốt hơn.[4]
    • Nếu đến sau cùng vẫn thiếu ngủ dù đã nỗ lực hết sức, hãy ngủ một chút trước khi bắt đầu học. Giới hạn thời gian ngủ trong từ 15-30 phút. Sau khi dậy, thực hiện một vài hoạt động thể chất (tương tự như khi giải lao) ngay trước khi bắt đầu học.
  4. Loại bỏ bất kỳ điều gì không liên quan đến chủ đề đang học ra khỏi đầu. Nếu có quá nhiều thứ trong đầu, trước khi bắt đầu học, hãy dành chút thời gian viết cho chính mình một vài ghi chú về việc bạn đang nghĩ gì và cảm nhận của bạn ra sao. Nó sẽ giúp đầu óc được thông thoáng và có thể tập trung mọi suy nghĩ vào việc bạn làm.
  5. Loại bỏ yếu tố gây phân tâm có tính điện tử. Một trong những yếu tố gây sao nhãng tồi tệ nhất cho học tập là thiết bị điện tử. Chúng kết nối với phương tiện truyền thông xã hội, bạn nhận tin nhắn qua điện thoại và máy tính xách tay được kết nối với internet. Hãy để điện thoại ở chế độ im lặng hoặc cất trong túi để nó không còn ngay đó, làm phân tâm khi ai đó gọi hay nhắn tin cho bạn. Nếu có thể, đừng mở máy tính xách tay hay kết nối nó với internet.
    • Nếu dễ dàng bị phân tâm bởi các mạng xã hội như YouTube, Facebook và những trang tương tự khác, hãy tải một trong những ứng dụng sẵn có để khóa ngay một số trang gây sao nhãng trên máy tính của bạn. Khi đã hoàn thành công việc, bạn có thể mở khóa truy cập vào mọi trang như trước đó.[5]

Sắp xếp không gian học của bạn[sửa]

  1. Tìm một vị trí học tập tốt. Nắm quyền kiểm soát với không gian học tập của bạn. Bạn nên cảm thấy thoải mái để việc học trở nên dễ chịu hơn. Nếu ghét ngồi tại bàn trong thư viện, hãy tìm nơi nào đó thoải mái hơn, chẳng hạn như sofa hay ghế túi đậu trên sàn. Cố học trong trang phục thoải mái như một chiếc áo nỉ rộng rãi hoặc quần tập yoga.[6] Nơi học nên tương đối yên tĩnh và tránh xa mọi sự phân tâm.[1]
    • Đừng chọn nơi quá thoải mái đến mức khiến bạn lăn ra ngủ. Bạn cần được thoải mái chứ không phải là ngủ quên. Giường không phải là nơi thật sự tốt để học khi mệt mỏi.
    • Xe cộ ngoài cửa sổ và những trao đổi tĩnh lặng trong thư viện là tiếng ồn trắng và chúng hoàn toàn ổn. Tuy nhiên, sự quấy rầy từ anh chị em trong gia đình hoặc âm nhạc dội vào từ phòng bên thì không. Có lẽ bạn nên đi đâu đó, tránh xa khỏi những người có thể làm bạn phân tâm.
  2. Chọn nhạc nền một cách cẩn thận. Một số người thích yên tĩnh khi học, một số khác lại muốn có nhạc nền. Âm nhạc có thể hữu ích bởi chúng giúp bạn tĩnh tâm, cải thiện tâm trạng và thêm động lực. Khi nghe nhạc, chỉ dùng khí nhạc - nhạc không lời như cổ điển, nhạc phim, trance hay baroque (Ba rốc).[7]
    • Nếu không bị phân tâm, hãy nghe những bản nhạc có lời quen thuộc. Loại bỏ mọi thứ khiến bạn mất tập trung trong việc học. Có thể không phải nhạc nhẹ mà nhạc rock có lời mới là thể loại dành cho bạn. Hãy tìm hiểu điều gì hiệu quả với bạn.
    • Đảm bảo âm lượng được điều chỉnh ở mức trung bình đến thấp. Nhạc lớn có thể khiến bạn phân tâm trong lúc nhạc với âm lượng vừa phải có thể hỗ trợ bạn trong việc học.
    • Đừng nghe đài. Quảng cáo và giọng DJ (người chỉnh nhạc) có thể kéo bạn khỏi trạng thái học tập.[7]
  3. Nghe âm thanh nền. Âm thanh nền có thể giúp bạn có được trạng thái tốt và tập trung học tập mà không bị phân tâm. Âm thanh tự nhiên như thác nước, mưa rơi, sấm và âm thanh núi rừng có thể cho bạn đủ tiếng ồn trắng để duy trì tập trung và đồng thời, lấn át những âm thanh khác. Có rất nhiều địa chỉ trực tuyến, trong đó có Youtube, cung cấp loại âm thanh này.[7]
  4. Tắt ti vi. Nhìn chung, mở ti vi khi đang ngồi học là một ý tưởng tồi. Nó có thể khiến bạn phân tâm rất nhiều và thay vì sách vở, bạn sẽ tập trung vào các chương trình truyền hình. Thêm vào đó, giọng nói vô cùng gây sao nhãng bởi nó tương tác với trung tâm ngôn ngữ của não.[5]
  5. Ăn vặt một cách thông minnh. Dùng thực phẩm giàu dinh dưỡng, lành mạnh khi học thay vì những thứ đầy đường và chất béo. Hãy chọn thực phẩm bổ sung năng lượng như trái cây hay thực phẩm đem lại cảm giác no như rau và hạt. Nếu cần đồ ngọt, hãy dùng sô cô la đen. Uống nước để giữ cơ thể đủ nước và uống trà nếu cần tăng cường cafein.
    • Tránh thực phẩm với lượng đường và carbohydrate cao như mỳ ăn liền, khoai tây chiên và kẹo. Đừng dùng nước tăng lực và soda có đường: chúng có hàm lượng đường cao, có thể khiến bạn choáng váng. Nếu dùng cà phê, đừng dùng với nhiều đường.[5]
    • Chuẩn bị sẵn món ăn vặt trước khi bắt đầu buổi học để không bị đói và chạy lục tung tìm thức ăn.

Sử dụng kỹ thuật học hiệu quả[sửa]

  1. Dùng SQ3R. SQ3R là phương pháp học tập liên quan đến đọc chủ động để hiểu và bắt đầu học tư liệu. Với phương pháp này, bạn xem trước tài liệu và đọc một cách chủ động, nhờ đó, chuẩn bị tốt hơn khi đọc một chương hay bài viết.
    • Bắt đầu với Điều tra (Survey), nghĩa là nhìn qua toàn bộ chương, tìm kiếm bảng biểu, số liệu, đề mục và bất kỳ chữ in đậm nào.
    • Tiếp đến Hỏi (Question) bằng cách biến mỗi đề mục thành một câu hỏi.
    • Đọc (Read) chương trong lúc cố gắng trả lời câu hỏi được đặt ra từ đề mục mỗi phần.
    • Lặp lại (Recite) thành tiếng phần trả lời cho những câu hỏi và thông tin quan trọng mà bạn nhớ được từ chương.
    • Xem lại (Review) chương để chắc rằng toàn bộ nội dung chính đã được bao gồm. Tiếp đến, nghĩ về lý do tại sao chúng quan trọng.[8]
  2. Dùng chiến thuật THIEVES. Khi bắt đầu học một chương mới, xem trước bằng chiến thuật THIEVES sẽ giúp thông tin chứa đựng trong chương trở nên có ý nghĩa và dễ học hơn.
    • Bắt đầu với tiêu đề (title). Tiêu đề cho bạn biết điều gì về phần/bài /chương? Bạn đã biết điều gì về chủ đề đó? Bạn nên nghĩ về điều gì khi đọc? Điều này sẽ giúp bạn định hình việc đọc của mình.
    • Chuyển đến giới thiệu (introduction). Phần giới thiệu cho bạn biết điều gì về bài đọc?
    • Lướt qua phần đề mục và đề mục con (subheading). Những đề mục và đề mục con này cho bạn biết điều gì khi đọc? Chuyển mỗi đề mục và đề mục con thành câu hỏi sẽ giúp dẫn dắt việc đọc của bạn.
    • Đọc câu đầu tiên của mỗi đoạn (first sentence of every paragraph). Chúng là những câu chủ đề khái quát và giúp bạn nghĩ về nội dung mà đoạn muốn truyền tải.
    • Nhìn vào hình ảnh và từ vựng (visuals and vocabulary). Nó bao gồm bảng, đồ thị và biểu đồ. Quan trọng hơn, hãy nhìn vào những từ in nghiêng hay in đậm, những từ được gạch chân, từ hay đoạn có màu khác và danh sách số hiệu.
    • Đọc câu hỏi cuối chương (end of chapter questions). Bạn nên biết khái niệm nào khi hoàn thành chương? Hãy giữ những câu hỏi đó trong đầu khi đọc.
    • Nhìn vào tóm tắt chương (chapter summary) để có ý niệm tốt về những gì chương muốn truyền tải trước khi bắt đầu đọc toàn bộ nội dung.
  3. Đánh dấu những chi tiết quan trọng. Dùng bút dạ quang hoặc gạch chân những điểm quan trọng nhất trong văn bản để có thể dễ dàng tìm thấy khi xem lại tài liệu.[9] Đừng đánh dấu mọi thứ - điều đó sẽ làm mất mục đích của hành động. Thay vào đó, chỉ đánh dấu những cụm và từ quan trọng nhất.[10] Ghi chú bằng bút chì ở lề sách bằng ngôn từ của chính bạn để tóm tắt hay nhận xét về những điểm quan trọng cũng sẽ có ích.
    • Bạn cũng có thể chỉ đọc những phần này để có thể xem lại nhanh tài liệu vừa học, khi mà chúng vẫn còn tươi mới trong tâm trí và khắc sâu những ý chính.
    • Nếu giáo trình là của nhà trường, bạn có thể dùng miếng dán đánh dấu hoặc miếng dán ghi chú thông thường. Ghi nhanh những ghi chú của bạn vào tờ dán và dán nó ngay bên đoạn văn bản.
    • Khi cần nhớ một lượng lớn kiến thức trong một thời gian dài, chẳng hạn như cho kỳ thi cuối khóa, thi sát hạch toàn diện của ngành, thi vấn đáp tốt nghiệp hoặc thi đầu vào của một chuyên ngành, xem lại theo cách này một cách định kỳ cũng là một cách tốt để nội dung chính của những điều đã học được tươi mới trong tâm trí.
  4. Tóm tắt hay lên đề cương tài liệu. Viết lại tư liệu học phần trong ghi chép và giáo trình bằng ngữ từ của chính bạn là một cách học tốt. Bằng cách đó, bạn có thể nghĩ về nó với từ ngữ của chính mình thay vì ngôn ngữ giáo trình. Kết hợp tóm tắt với ghi chép nếu có sự liên kết giữa chúng. Bạn cũng có thể lập đề cương. Sắp xếp chúng theo ý chính và chỉ những ý con quan trọng nhất.[2]
    • Nếu có đủ không gian riêng tư, tự đọc to lại tóm tắt để nhận thức nhiều hơn cũng sẽ có ích. Nếu là người học bằng tai hoặc tiếp thu tốt hơn khi đọc to, phương pháp này có thể hỗ trợ bạn.
    • Nếu gặp khó khăn trong việc tóm tắt tư liệu để nó có thể bám sâu trong trí óc, hãy thử dạy lại cho ai khác. Vờ như bạn đang dạy cho ai đó không hề biết gì về chủ đề hoặc tạo một trang wikiHow về điều đó! Chẳng hạn như, Cách để Tìm Mẫu số Chung Nhỏ nhất được tạo như là hướng dẫn học tập dành cho học sinh cấp một.
    • Khi tóm tắt, sử dụng những màu sắc khác nhau. Não nhớ thông tin dễ hơn khi gắn chúng với màu sắc.
  5. Làm thẻ ghi nhớ. Chúng thường được từ các tấm thẻ ghi thông tin. Câu hỏi, thuật ngữ hay ý tưởng được ghi ở một mặt và câu trả lời được đặt ở mặt còn lại. Chúng thuận tiện bởi bạn có thể mang theo khi di chuyển và học khi chờ xe buýt, chờ đến giờ vào lớp hay những khi rảnh rỗi.[1]
    • Bạn cũng có thể tải chương trình máy tính để có thể giảm không gian và chi phí thẻ thông tin. Bạn cũng có thể chỉ dùng những mảnh giấy thông thường được gấp làm hai (theo chiều dọc). Đặt câu hỏi ở mặt bạn có thể nhìn thấy khi gập giấy và mở ra để xem đáp án bên trong. Tiếp tục tự kiểm tra cho đến khi trả lời đúng mọi câu hỏi một cách chắc chắn. Nhớ rằng: "Trăm hay không bằng tay quen".
    • Bạn cũng có thể chuyển ghi chú thành thẻ ghi nhớ, sử dụng hệ thống ghi chép Cornell - liên quan đến việc nhóm các ghi chú quanh từ khóa mà bạn có thể tự kiểm tra về sau bằng cách che lại ghi chú và cố gắng nhớ những gì đã viết chỉ từ việc nhìn thấy từ khóa.
  6. Tạo liên kết. Cách ghi nhớ thông tin hiệu quả nhất là gắn liền chúng với những thông tin đã có sẵn trong trí óc. Kỹ thuật kí ức có thể giúp bạn nhớ lượng thông tin lớn hoặc khó.
    • Phát huy lợi thế phong cách học của bạn. Nghĩ về những gì bạn đã học và có thể dễ dang ghi nhớ--lời bài hát? vũ đạo? hình ảnh? Đưa điều đó vào thói quen học tập của bạn. Nếu gặp khó khăn khi cần ghi nhớ một khái niệm, hãy viết một câu vè bắt tai về nó (hoặc viết lại lời cho bài hát mà bạn yêu thích), dàn dựng một điệu nhảy thể hiện nội dung, vẽ truyện minh họa. Càng ngớ ngẩn và kỳ quái càng tốt - hầu hết mọi người đều có khuynh hướng nhớ những thứ ngớ ngẩn hơn là những điều nhàm chán.
    • Dùng biện pháp hỗ trợ trí nhớ. Sắp xếp lại thông tin theo thứ tự có nghĩa với bạn. Chẳng hạn như, nếu ai đó muốn ghi nhớ thứ tự dãy hoạt động hóa học của kim loại, họ có thể ghi nhớ câu Khi Nào Cần May Áo Giáp Sắt Nhớ Sang Phố Hỏi Cửa Hàng Áo Phi Âu = K Na Ca Mg Al Zn Fe Ni Sn Pb H Cu Hg Ag Pt Au. Câu sẽ dễ nhớ hơn nhiều so với dãy chữ cái ngẫu nhiên.[9] Bạn cũng có thể xây dựng một lâu đài trí nhớ hoặc phòng La mã để nhớ những danh sách như mười ba thuộc địa gốc ở Mỹ, theo thứ tự thời gian. Nếu danh sách ngắn, hãy liên kết các mục với nhau bằng hình ảnh trong tâm trí.
    • Sắp xếp thông tin với bản đồ tư duy. Sản phẩm cuối cùng của việc vẽ bản đồ sẽ là một cấu trúc giống mạng nhện của từ và ý tưởng, liên kết với tâm trí người viết cách này hay cách khác.
    • Dùng kỹ năng hình ảnh hóa. Dựng trong trí óc một bộ phim minh họa khái niệm mà bạn đang cố nhớ và để phim chạy vài lần. Tưởng tượng mọi chi tiết nhỏ. Dùng giác quan của bạn--nó có mùi gì? hình dáng? cảm giác? âm thanh? vị?
  7. Chia mọi thứ thành những phần nhỏ hơn. Chia nhỏ thành những phần nhỏ hơn là một cách để học.Nhờ đó, bạn học thông tin từng chút một thay vì cố hiểu mọi thứ cùng một lúc. Bạn có thể nhóm chúng bằng chủ đề, từ khóa hay bất kỳ thứ gì có lý với bạn. Điểm then chốt ở đây là giảm bớt lượng thông tin cần dung nạp mỗi lần, nhờ đó, bạn có thể tập trung vào chúng trước khi tiếp tục chuyển sang nội dung mới.[3]
  8. Tạo danh sách học. Cố thu gọn thông tin bạn cần trong một trang hoặc hai nếu thật sự cần thiết. Đem chúng bên người và lấy ra nhìn mỗi khi có thời gian rỗi trong những ngày gần thi. Sử dụng ghi chú và các chương, sắp xếp chúng thành những chủ đề liên quan và rút ra những khái niệm quan trọng nhất.[2]
    • Nếu đánh máy, bạn có thể kiểm soát cách trình bày tốt hơn bằng cách thay đổi kích cỡ chữ, chỉnh lề và cách đánh dấu đầu dòng. Sẽ có ích nếu bạn là người học trực quan.

Học hiệu quả hơn[sửa]

  1. Nghỉ ngơi. Nếu học vài giờ một lúc, hãy giải lao 5 phút mỗi nửa tiếng hay tương tự. Nhờ đó, các khớp xương được cử động sau khi ngồi trong một thời gian dài. Đồng thời, tâm trí được thư giãn, giúp bạn nhớ bài hiệu quả hơn. Nó cũng sẽ giúp bạn không bị mất tập trung.
    • Thực hiện hoạt động thể chất để giúp máu lưu thông và thêm tỉnh táo. Hãy thực hiện một vài bật nhảy, chạy quanh phòng, đùa giỡn với cún cưng, làm vài động tác squat hoặc bất cứ điều gì cần thiết. Chỉ thực hiện đủ để cảm thấy phấn chấn mà không bị mệt mỏi.
    • Thử kết hợp đứng khi học. Điều này có thể là đi quanh bàn khi đọc lại những thông tin vừa học cho chính mình hoặc đứng dựa vào tường khi đọc ghi chép.[5]
  2. Dùng từ khóa để tái tập trung. Tìm một từ khóa liên quan đến những gì bạn đang học và mỗi khi mất tập trung, cảm thấy bị phân tâm hoặc có điều gì khác lởn vởn trong tâm trí, hãy bắt đầu lặp lại từ khóa này trong trí óc cho đến khi bạn quay lại với chủ đề hiện tại. Từ khóa trong kỹ thuật này không phải là một từ cố định mà có thể thay đổi theo bài học hay công việc của bạn. Không có luật lệ nào cho việc chọn từ khóa và bất kể từ nào mà một người cảm thấy sẽ đem sự tập trung trở lại cho họ cũng có thể được dùng làm từ khóa.
    • Ví dụ, khi đọc bài về ghi-ta, từ khóa ghi-ta có thể được dùng. Khi đọc, mỗi lần cảm thấy bị sao nhãng hoặc không có khả năng hiểu hay tập trung, hãy bắt đầu nói từ khóa ghi-ta, ghi-ta, ghi-ta, ghi-ta, ghi-ta cho đến khi tâm trí quay trở lại với bài viết và lúc này, bạn có thể tiếp tục đọc.
  3. Ghi chép tốt trên lớp. Trong giờ học, hãy đảm bảo rằng bạn đã ghi chép tốt nhất có thể. Điều này không có nghĩa là ghi chép gọn gàng hay viết mọi thứ bằng câu đầy đủ. Bạn muốn nắm giữ được mọi thông tin quan trọng. Đôi khi, bạn có thể viết xuống một thuật ngữ mà giáo viên đã nói rồi về nhà và chép lại định nghĩa từ giáo trình. Cố viết lại nhiều nhất có thể.
    • Ghi chép tốt trên lớp sẽ khiến bạn duy trì tỉnh táo và chú ý mọi thứ đang diễn ra trong lớp học. Nó cũng sẽ giúp bạn không ngủ gục.
    • Viết tắt. Điều này giúp bạn có thể viết nhanh chóng mà không phải đánh vần bất cứ điều gì. Cố xây dựng hệ thống viết tắt của chính bạn hoặc dùng những lối viết tắt phổ biến như ko cho không, h2o cho nước h cho giờ.
    • Đặt câu hỏi trên lớp ngay khi chúng xuất hiện trong não hoặc đóng góp vào thảo luận trong giờ học. Một cách khác để đặt câu hỏi và tạo kết nối là ghi chú ở lề tập ghi chép. Bạn có thể tìm câu hỏi khi về nhà hoặc lắp ráp lại liên kết khi học vào ngày đó.[2]
  4. Viết lại ghi chép ở nhà. Khi ghi chép, tập trung vào việc ghi nhận thông tin hơn là hiểu hay sạch đẹp. Viết lại ghi chép càng sớm sau giờ học càng tốt, khi mà bài học vẫn còn tươi mới trong tâm trí. Nhờ đó, bạn có thể lấp đầy hoàn toàn bất kỳ lỗ hổng nào trong trí nhớ. Quá trình viết lại này là phương pháp học chủ động hơn bởi nó khiến bạn chủ động tương tác tâm trí với thông tin. Bạn có thể dễ dàng mất tập trung khi đọc đơn thuần. Viết lại khiến bạn nghĩ về thông tin.[2]
    • Đó không có nghĩa là bạn hoàn toàn không nên cố hiểu hoặc sắp xếp ghi chép của mình. Chỉ là đừng phí thời gian trên lớp để làm những điều mà bạn có thể tìm hiểu hoặc sắp xếp lại tại nhà. Xem ghi chép trên lớp như một "bản nháp thô".
    • Có thể bạn sẽ cảm thấy dễ dàng hơn khi duy trì hai vở ghi chép--một cho "bản nháp thô" và một cho những phần ghi chép được viết lại.
    • Một số người đánh máy lại ghi chép của họ nhưng số khác lại nhận thấy viết tay giúp tăng cường khả năng ghi nhớ của họ.
    • Tự diễn đạt lại càng nhiều càng tốt. Tương tự với vẽ. Chẳng hạn như khi học giải phẫu, hãy "vẽ lại" hệ thống từ trí nhớ.
  5. Khiến mọi thứ trở nên thú vị. Lập luận lo-gic sẽ cho bạn động lực học. Suy nghĩ "nếu học tập chăm chỉ, mình sẽ vào được đại học hàng đầu và có một công việc tốt" sẽ không hấp dẫn bạn. Hãy tìm gì đó thú vị trong những gì bạn học. Cố tìm vẻ đẹp của mọi chủ đề và quan trọng nhất là liên kết chúng với những sự kiện trong cuộc sống và những điều hấp dẫn bạn.
    • Đó có thể là sự liên kết có ý thức như thực hiện phản ứng hóa học, thực nghiệm vật lý hay tính toán toán học để chứng minh một công thức hoặc vô thức như đến công viên, nhìn vào những chiếc lá và nghĩ: "Ừm, thử xem qua những phần của lá mà mình đã học trong giờ sinh tuần trước nào".
    • Dùng sự sáng tạo của bạn để dựng lên những câu chuyện. Cố xây dựng câu chuyện dựa trên thông tin đang học. Ví dụ, thử viết một câu chuyện với tất cả chủ ngữ bắt đầu bằng C, tất cả bổ ngữ bắt đầu bằng B và không động từ nào có chữ Đ. Thử tạo nên một câu chuyện với từ vựng, số liệu lịch sử hay những từ khóa khác.[11]
  6. Học chủ đề khó trước. Bắt đầu buổi học với những chủ đề hay khái niệm khó nhất. Bằng cách đó, bạn có đủ thời gian để nghiên cứu chúng và bạn cũng tràn đầy sinh lực và tỉnh táo hơn. Hãy dành phần dễ cho lúc sau.[2]
    • Học những nội dung quan trọng nhất trước. Đừng chỉ đọc tư liệu từ đầu đến cuối. Dừng lại để ghi nhớ mỗi thông tin mới khi tiếp cận. Chúng được tiếp thu dễ dàng hơn khi bạn có thể liên kết với những gì đã biết. Đừng tốn thời gian học những điều sẽ không được kiểm tra. Tập trung toàn bộ sức lực vào những thông tin quan trọng.
  7. Học từ vựng quan trọng. Nhìn vào danh sách từ vựng hoặc từ được in đậm trong chương. Kiểm tra liệu giáo trình của bạn có phần từ vựng, bảng chú giải hay danh sách thuật ngữ hay không và đảm bảo rằng bạn hoàn toàn hiểu chúng. Không cần nhớ nhưng bất kỳ khái niệm quan trọng nào trong một lĩnh vực nhất định cũng thường có một thuật ngữ đặc biệt đi kèm với nó. Học và có thể sử dụng những thuật ngữ này một cách dễ dàng, bạn đã đi được một chặng đường dài trong việc làm chủ chính những chủ đề đó.
  8. Lập nhóm học tập. Tập hợp 3-4 người bạn hoặc bạn cùng lớp và để mỗi người mang theo thẻ ghi nhớ của họ. Chuyển thẻ và kiểm tra lẫn nhau. Nếu ai đó không rõ về một khái niệm, thay phiên giải thích cho nhau. Tuyệt hơn, bạn có thể biến buổi học thành một trò chơi, chẳng hạn như tròTrivial Pursuit.
    • Phân khái niệm giữa các thành viên và mỗi người sẽ dạy hay giải thích khái niệm đó cho số còn lại của nhóm.
    • Chia bài giảng giữa các nhóm và mỗi nhóm sẽ tóm tắt những khái niệm quan trọng. Họ có thể thuyết trình hoặc tạo đề cương hay tóm tắt trong một trang cho những nhóm còn lại.[12]
    • Lập nhóm học hàng tuần. Dành mỗi tuần nghiên cứu một chủ đề mới. Bằng cách đó, bạn học xuyên suốt thay vì chỉ làm điều đó ở giai đoạn cuối của học kỳ.
    • Hãy chắc rằng đó là những người thực sự hứng thú với việc học.

Lời khuyên[sửa]

  • Thay vì chỉ ghi nhớ những gì vừa học, bạn cũng nên đảm bảo mình hiểu đủ để có thể giải thích cho người chưa biết gì về nội dung đó.
  • Học cùng đồng đội, người nghiêm túc với môn học như bạn, có thể tạo động lực để trở nên chuyên cần hơn. Tổ chức buổi học thành từng phần: xem lại ghi chép, tóm tắt chương và thảo luận các khái niệm (Cố dạy chúng cho nhau để chắc rằng cả hai đều đã hiểu).
  • Đừng trì hoãn - bắt đầu học sớm để tránh căng thẳng. Làm quen với việc không trì hoãn. Đó là một thói quen không tốt. Bạn sẽ hạnh phúc vì đã học ngay lập tức thay vì chờ đợi đến phút chót.
  • Hầu hết giáo trình đều có phần ôn tập ở cuối mỗi chương. Bạn nên tận dụng chúng và đó là cách tốt để tự kiểm tra. Đồng thời, một số giáo viên cũng dùng chính những câu hỏi đó trong đề thi.
  • Đảm bảo rằng bạn hiểu khái niệm của điều đang học. Bằng không, nó có thể sẽ khó khăn hơn cho việc hiểu những gì đang học.
  • Khi ghi chép trên lớp, hãy làm điều đó một cách rõ ràng và đầy màu sắc. Nhờ đó, nghiên cứu lại chúng ở nhà sẽ thú vị hơn.
  • Sắp xếp không gian của bạn và có mọi thứ cần thiết bên mình để không phải đứng dậy hay tốn thời gian tìm kiếm chúng.

Cảnh báo[sửa]

  • Cẩn thận với khuynh hướng trì hoãn. Chẳng hạn như, bạn có đọc bài viết này thay cho việc học? Mọi nỗ lực sẽ không dẫn đến thành công và khi trì hoãn, cuối cùng bạn sẽ đổ lỗi cho những công cụ của mình.
  • Nếu không thể học bởi chỉ đơn giản là bạn quá căng thẳng hoặc điều gì đó khiến bạn lo lắng, kiểm soát cảm xúc có thể là điều cần làm trước khi có thể luôn thành công trong việc học. Nếu không thể tự mình làm được điều đó, có thể bạn cần trao đổi với cán bộ tư vấn học đường.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây