Khẳng định chính mình/Giả bộ vất vả

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

 Mục lục - Lời nói đầu - Tự thuật

 

Chương: 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10 - 11 - 12 - 13 - 14 - 15 - 16 - 17 - 18 -19 - 20 - 21 - 22 - 23 - 24 - 25 - 26 - 27 - 28 - 29 - 30 - 31 - 32

GIẢ BỘ VẤT VẢ

Mấy hôm trước, một mình con đi đến ga tầu hỏa, lúc về con nói to, vẻ ấm ức: “Trời ạ, suýt nữa thì con lỡ tầu, ba có biết đường xa thế nào không, phải mất 25 phút đấy, con phải chạy mới kịp”. Nghe con nói vậy nên hôm nay lần đầu tiên đi tàu hỏa, ba phải đi từ sớm. Không ngờ, ba đi bộ mất có 20 phút! Ba phải đứng chờ gần nửa tiếng, đến lúc về nhà hỏi con, con mới nói: “Không phải con chạy cả đoạn đường, con còn vừa đi vừa nhẩn nha nhìn ngắm, đến lúc phát hiện ra có thể không kịp giờ tàu, con mới co cẳng chạy đấy chứ”.

Thế thì ba phải trách con rồi, một lần nữa lại đưa ra những tin không xác thực, lại còn giả bộ vất vả nữa…

Cái kiểu giả bộ này đâu chỉ có mình con, rất nhiều nguời lớn khác cũng mắc phải. Ví dụ, gần đây công ty đồ nội thất chuyển đến cho ba một cái bàn làm việc mà ba đã đặt hàng, mặc dù muộn hơn so với đặt hàng những hơn mười ngày nhưng lúc gọi điện cho ba thông báo hàng đến, ông chủ vẫn cứ giả bộ gấp gáp thở dốc: “Thật không dễ dàng gì, cuối cùng thì cũng xong”.

Ấy thế mà lúc hàng đến nơi, nhìn bên trong, gỗ vẫn chưa bào kĩ, keo dán đùn ra phía bên ngoài cũng chẳng được làm sạch, làm tội mấy nguời trong xưởng vẽ của ba phải một phen bận rộn. Xem bộ dạng của ông chủ mặt mũi đầy mồ hôi, như thể toàn bộ thời gian sức lực của ông ta đều dồn cả vào chiếc bàn mà ba đặt hàng vậy. Nhưng khi ba hỏi riêng mấy chú thợ thì mới biết, cái bàn mất mười mấy ngày công ấy, trên thực tế, nếu thực sự chuyên tâm thì hai nguời làm chỉ mất chừng bốn ngày công là cùng.

Vậy thì ông chủ kia cũng chẳng khác con, ra vẻ tạo ra cái bộ dạng khổ sở kia?

Ở Đài Loan, ba cũng thường gặp những trường hợp như thế. Ví như việc đặt khung tranh cũng vậy, mười mấy ngày trước đã mang tranh đến, yêu cầu bác thợ nên để tranh trên tường khô khoảng bảy ngày, tránh trường hợp bị biến hình. Ấy thế mà cách ngày lấy hàng khoảng 4 ngày đến xem, ba mới phát hiện ra rằng bác thợ chưa hề động đến.

Trách họ không làm sớm cho mình thì họ nói: “Biết làm thế nào được, có những nguời trước nữa, tranh của nguời khác cũng chậm mất bao nhiêu ngày, nếu làm của anh trước thì tranh của nguời khác lại không hoàn thành được".

Nghe qua thì có vẻ rất có lí, nhưng lại nghĩ: Nếu cửa hàng khung tranh nghỉ vài ngày không mở cửa hoặc tranh thủ làm nốt những khung tranh còn lại, không nghỉ lễ tết, hoàn thành trước ngày giao 3 ngày thì có phải toàn bộ số tranh đặt hàng của khách đều có thể hoàn thành rồi không?

Lí do không làm kịp của họ rất đơn giản, chỉ vì “khất lần”, mà khất lần cũng có quán tính của nó, tất cả mọi việc đều chờ đến một thời điểm, cuối cùng không thể hoàn thành thì khất lần đến một thời điểm nhất định nào đó, rồi đến lúc không thể khất được nữa. Chỉ có điều khi anh ta làm việc này đã là muộn rồi thì tự khắc cái việc sau đó cũng bị muộn theo.

Thế là đã trì hoãn một việc, kế đến là một loạt những việc khác cũng bị trì hoãn theo. Không thể bớt được công việc gì thì đành phải hoãn các công việc khác lại, phải hoàn thành chậm hơn dự định. Không làm đúng thời gian thì đành phải làm bộ vất vả trước mắt nguời khác. Vất vả thì đúng rồi, nhưng cái sự vất vả kia lại do cái việc khất lần mang lại chứ không phải do tính chất công việc.

“Khất lần” phải chăng là bản tính của con nguời? Nguyên nhân cơ bản của nó chính là sự lười nhác; một nguyên nhân khác nữa có thể là không biết cách vạch kế hoạch. Cách khắc phục hiệu quả là: Việc đến tay phải làm ngay, không nên do dự, bởi vì do dự chính là bạn đang lãng phí thời gian. Rất nhiều nguời do công việc quá nhiều, lại bị mất phương hướng, vừa muốn làm việc này trước vừa muốn làm việc kia trước, kết quả là lẽ ra có thể hoàn thành được vô khối việc, song anh ta vẫn chưa biết bắt tay vào làm việc gì…

Bắt tay vào việc ngay không chỉ giúp ta hoàn thành công việc có hiệu quả, và hơn thế nữa nó giúp ta tạo được một thói quen tốt, nghĩa là biết cách sắp xếp mọi việc theo trình tự, cái nào cần được ưu tiên trước làm trước và phải làm ngay.

Còn nhớ có nguời đã hỏi bà Thatcher - Cựu thủ tướng Anh: “Làm thế nào mà bận trăm công nghìn việc của chính phủ, song bà vẫn có thời gian chăm chút đến gia đình”. Câu trả lời của bà là: “Liệt kê những việc phải làm, làm xong đâu đấy, sau đó hãy tiếp tục những việc khác”.

Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng phương pháp ở đây là biết hành động một cách tích cực, biết vạch kế hoạch trước sau, biết căn cứ vào tình hình thực tế để điểu chỉnh công việc…

Mỗi lần con cảm thấy mình sao lúc nào cũng chậm lúc nào cũng muộn, lúc nào cũng vội vã thì xin con hãy nhớ lấy những lời của ba: Tranh thủ những lúc nghỉ ngơi, rảnh rỗi, liệt kê những việc mà mình buộc phải hoàn thành trong thời gian tới, khẩn trương hoàn thành những việc đã trót trì hoãn. Con phát hiện ra rằng mặc dù phải hi sinh một hai ngày nghỉ nhưng con sẽ làm cho những việc tiếp sau đi vào quĩ đạo.

Điều đặc biệt quan trọng là: Không được giả bộ vất vả nữa. Khi con trì hoãn công việc phía trước để sau đó phải vắt chân lên cổ, lo hoàn thành công việc tiếp theo thì xin đừng than thở làm gì!


Cái nguời giúp nguời khác cạo râu cũng chính là nguời đặt lưỡi dao kề vào cổ làm hại nguời khác.



Liên kết đến đây

Xem thêm liên kết đến trang này.