Lập ngân sách bằng phong bì

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Sau khi đã lập kế hoạch tài chính, thử thách tiếp theo của bạn là thực hiện nó. Rủi ro tiềm ẩn trong việc sử dụng thẻ tín dụng chính là bạn có thể dễ dàng quẹt thẻ và tiêu tiền mà không suy nghĩ kỹ càng về ngân sách đã được thiết lập của bản thân. Và kết quả là sẽ khó để bạn theo dõi số tiền còn lại cho mọi thứ. Một chiến thuật mà nhiều người cảm thấy khá hữu ích là quay về với "thời xưa" và sử dụng tiền mặt. Trông thấy tiền rời khỏi tay bạn và có thể nhanh chóng xác định khoản tiền bạn có là cách tuyệt vời để tập trung vào việc chi tiêu.

Các bước[sửa]

  1. Lập ngân sách. Điều này có nghĩa là phân chia khoản tiền bạn có thành nhiều danh mục khác nhau. Tránh hình thành danh mục "Linh tinh", vì bạn cần phải nắm rõ chi tiêu của mình. Một vài gợi ý bao gồm:
    • Tiền thuê nhà hoặc tiền nợ thế chấp
    • Tiền thuê người trông trẻ
    • Tiền xe: xăng, bảo hiểm, sửa chữa, v.v.
    • Tiền chợ
    • Tiền câu lạc bộ (hoặc một vài tổ chức nào đó): Phòng tập Thể dục, Nữ thiếu sinh Hướng đạo, Phòng tập Yoga, v.v
    • Chi phí dịch vụ chung
    • Thuế (nếu khoản tiền này không được thanh toán tự động hoặc bạn cần phải trả lại vì một lý do nào đó).
    • Tiền tiết kiệm (cần phải được chuyển vào tài khoản ngân hàng của bạn)
    • Chi phí giải trí: Ăn tiệm, Xem ca nhạc, Xem phim, Đi chơi, v.v
  2. Cung cấp một chiếc phong bì cho từng danh mục. Bạn sẽ cho khoản tiền đã được phân chia rõ ràng vào những phong bì này. Bạn có thể sử dụng bất kỳ kích cỡ phong bì nào phù hợp nhất với bạn. Số tiền mà bạn sẽ sử dụng bên ngoài cần phải được chứa trong phong bì vừa vặn với ví tiền hoặc túi xách của bạn. Ban nên đánh dấu bằng bút lông để dễ nhận biết.
    • Phong bì bằng nhựa sẽ tốt hơn để cất trong túi xách hoặc cặp xách, vì loại phong bì bằng giấy có xu hướng bị phân hủy.
    • Ví đựng phiếu giảm giá hoặc bìa đựng giấy tờ nhiều ngăn loại nhỏ cũng khá hữu ích.
  3. Chia nhỏ thu nhập của bạn và cho vào từng phong bì khác nhau. Tất cả mọi danh mục mà bạn cần phải chi tiêu từng chút một (có nghĩa là không phải thanh toán toàn bộ cùng một lúc) phải được thanh toán bằng tiền mặt. Bạn có thể để trống phong bì tiền thuê nhà, tiền nợ thế chấp, hoặc bất kỳ một khoản chi phí nào mà bạn cần phải thanh toán dứt điểm cùng một lúc, hoặc bạn có thể viết một tấm séc và cho vào trong phong bì, hay là bạn cũng có thể loại bỏ phong bì đó hoàn toàn. Tuy nhiên, phong bì còn lại cần phải có tiền mặt bên trong. Ví dụ, nếu ngân sách tiền chợ của bạn là $500 (hơn 10 triệu đồng) cho đến kỳ nhận lương tiếp theo, hãy cho $500 vào phong bì tiền chợ.

    • Tùy chọn: Dùng bút chì để viết vào mặt sau của phong bì số tiền bạn đã bỏ vào. Phương pháp này sẽ giúp bạn rèn luyện cách duy trì sự cân bằng.
  4. Rút tiền từ phong bì dành riêng cho danh mục cụ thể để chi tiêu khi cần. Tính toán số tiền còn lại, và viết nó vào mặt sau của phong bì để có thể nhanh chóng xem lại nó. Nếu bạn tiêu hết tiền cho một danh mục nào đó, bạn có hai phương án:

    • Khi hết tiền, bạn không thể sử dụng thêm tiền dành riêng cho danh mục đó; bạn đã tiêu hết tiền. Đây sẽ là lời nhắc nhở bạn rằng nếu bạn tiêu toàn bộ quỹ dành cho giải trí, bạn thật sự sẽ không còn tiền để tiêu.
    • Sử dụng tiền dành cho danh mục khác. Tất nhiên, điều này có nghĩa là bạn sẽ còn ít tiền để tiêu hơn cho danh mục đó.
  5. Hiểu rõ Ranh giới của Hệ thống Lập Ngân sách bằng Phong bì. Đây là công cụ huấn luyện tuyệt vời, và đối với nhiều người, nó thật sự rất hữu hiệu. Tuy nhiên, nó cũng có một số nhược điểm:
    • Không an toàn: Nếu túi xách hoặc xe của bạn bị đánh cắp, hoặc người bạn cùng phòng trở thành tội phạm trộm tiền của bạn, cất tiền mặt thật sự không an toàn. Ít ra, thẻ ghi nợ cũng còn có số thẻ, số PIN và nếu nó bị đánh cắp hoặc sử dụng, tài khoản của bạn sẽ bị "bị đóng băng" để ngăn người khác không thể tiếp tục dùng nó. Tiền mặt sẽ không cung cấp cho bạn loại hình bảo vệ này.
    • Thiếu Thuận tiện: Sử dụng tiền mặt cho mọi thứ có nghĩa là bạn sẽ không thể chi trả trực tuyến. Bạn không thể chuyển tiền cho vợ/chồng của bạn trong trường hợp khẩn cấp hoặc thanh toán chi phí tự động trực tuyến. Hoặc nếu xe của bạn bị hư, và bạn cần phải sửa chữa gấp, bạn sẽ không có cách nào để chi trả. Nó sẽ gây khó khăn cho bạn.
    • Hình thành Tình huống Tài chính Phức tạp: Hệ thống này sẽ rất hữu ích cho những người sở hữu tình hình tài chính tương đối đơn giản. Nó sẽ khá hiệu quả cho cô gái độc thân 23 tuổi đang lần đầu học cách lập ngân sách. Tuy nhiên, trong tình hình tài chính phức tạp hơn, hệ thống này không thật sự hữu hiệu. Một người cha 62 tuổi làm chủ một doanh nghiệp làm đẹp cho vật nuôi và có tài khoản tiết kiệm hưu trí sẽ không sử dụng nhiều tiền mặt.
    • Có thể phương pháp này sẽ không phải là giải pháp lâu dài. Đối với nhiều người, đây là cách tốt nhất để sắp xếp ngân quỹ. Tuy nhiên, hệ thống lập ngân sách bằng phong bì thường sẽ được sử dụng tốt nhất như là hệ thống chuyển tiếp. Cuối cùng thì bạn cũng cần phải học được cách để kiểm soát chi tiêu mà không cần phải sử dụng đến những chiếc phong bì này.

Ví dụ[sửa]

Bạn nhận tiền lương hai lần mỗi tháng. Tiền lương của bạn là $1300 (hơn 26 triệu đồng). Sau đây là hóa đơn đến hạn thanh toán trước kỳ lương tiếp theo của bạn:

  • Tiền thuê nhà - $600 (hơn 12 triệu đồng)
  • Tiền chi phí dịch vụ, tiền nước, tiền phí vệ sinh - $150 (hơn 3 triệu đồng)
  • Tiền điện - $80 (hơn 1,6 triệu đồng)
  • Thanh toán khoản vay dành cho sinh viên - $100 (hơn 2 triệu đồng)
  • Tổng cộng: $930 (hơn 18 triệu đồng)

Giả sử bạn biết rõ kỳ lương tiếp theo sẽ giúp bạn thanh toán toàn bộ hóa đơn và thêm một vài hóa đơn khác cho đến kỳ lương sau đó, bạn có thể phân chia số tiền còn dư ($370 - hơn 7 triệu đồng) như sau:

  • Tiết kiệm - $70 (hơn 1,4 triệu đồng), chuyển vào tài khoản tiết kiệm
  • Tiền chợ (thực phẩm, đồ dùng cá nhân, v.v) - $100 (hơn 2 triệu đồng), cho tiền mặt vào phong bì
  • Tiền xăng - $60 (hơn 1,2 triệu đồng), cho tiền mặt vào phong bì
  • Giải trí - $70 (hơn 1,4 triệu đồng), cho tiền mặt vào phong bì
  • Ăn tiệm - $70 (hơn 1,4 triệu đồng), cho tiền mặt vào phong bì.

Lời khuyên[sửa]

  • Nếu bạn đang dành một phong bì cho chi phí tiền mua xe và bạn đã thanh toán đủ tiền, bạn nên tiếp tục cố gắng dành dụm ít nhất một nửa số tiền đó để mua chiếc xe mới hoặc để tiết kiệm chung. Bởi vì bạn đã quen với số tiền này, bạn sẽ không quên mất nó, và khi bạn cần phải mua xe mới, bạn sẽ không phải vất vả quá nhiều trong việc thanh toán chi phí. Nếu sẽ phải tốn một khoảng thời gian khá dài trước khi bạn dự định đổi xe mới, bạn nên gửi tiền vào ngân hàng hoặc quỹ tương hỗ nào không có nhiều rủi ro.
  • Lập ngân sách bằng phong bì vô cùng hiệu quả trong việc theo dõi chi tiêu tiền mặt. Trả tiền mặt, đặc biệt là khi bạn có chỉ số phân tích rõ ràng về số tiền mà bạn đã phân chia, bạn sẽ giảm tiêu tiền tổng thể.
  • Cân nhắc tái sử dụng phong bì cũ. Chắc chắn bạn sẽ nhận được khá nhiều thư từ mỗi tháng. Nếu bạn mở thư một cách gọn gàng, bạn sẽ có thể tận dụng chiếc phong bì được gửi đến nhà bạn hằng tháng.
  • Nếu bạn thiếu tiền để chi tiêu cho một danh mục nào đó, và bạn nghĩ rằng bạn sẽ cần thêm tiền, bạn có thể sử dụng tiền từ phong bì khác. Điều cuối cùng mà bạn muốn thực hiện là dùng đến chiếc thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ của mình.
  • Bạn nên sử dụng tờ tiền có mệnh giá lớn hơn. Ngay cả khi số tiền mà bạn phải chi trả có giá trị như nhau, bạn sẽ ít bị muốn tiêu nó hơn (đặc biệt là một phần nhỏ của nó) nếu bạn phải chia nhỏ tờ tiền mệnh giá lớn hơn để thực hiện điều này.
  • Nhiều người thường giữ lại hóa đơn của mọi chi phí, và cho hóa đơn vào phong bì. Phương pháp này sẽ giúp bạn giám sát cách bạn tiêu tiền (cũng như khoản tiền mà bạn có thể cắt giảm). Nó cũng sẽ khá hữu ích trong quá trình tính thuế.
  • Có lẽ bạn sẽ cảm thấy rằng sở hữu một phong bì dành riêng cho "ngân hàng" hoặc "thẻ tín dụng" sẽ khá cần thiết, vì vậy, ví dụ như bạn muốn mua vé xem ca nhạc trực tuyến, bạn có thể sử dụng thẻ ngân hàng của mình và thay thế khoản tiền đó bằng cách lấy tiền từ phong bì của danh mục phù hợp và cho vào phong bì ngân hàng. Số tiền này sẽ ở nguyên trong phong bì cho đến cuối tháng hoặc kết thúc chu kỳ dự thảo ngân sách, và bạn có thể gửi lại nó vào tài khoản của mình. Đây là biện pháp khá hay để tránh tiêu tiền quá tay, và bạn sẽ cảm thấy tốt hơn khi có thể gửi lại tiền vào tài khoản!
  • Không bao giờ được rút thêm tiền mặt từ tài khoản ngân hàng của bạn, hoặc sử dụng thẻ ghi nợ hay là thẻ tín dụng, nếu bạn không muốn vượt quá ngân sách. Không có bất kỳ một hệ thống lập ngân sách nào có thể đem lại hiệu quả trừ khi bạn theo sát thông số mà bạn đã thiết lập. Đôi khi, bạn sẽ tiêu nhiều tiền hơn mức quy định, nhưng cảm giác không thoải mái sẽ giúp bạn nỗ lực giám sát chi tiêu tốt hơn trong tương lai.
  • Cân nhắc sử dụng thiết bị kỹ thuật số để theo dõi số dư còn lại trong phong bì, bạn có thể dùng ứng dụng như Envelopes 2 trên iPhone hoặc Evelopes (budget system) trên android.
  • Tiết kiệm tiền cho bản thân trước tiên. Mục tiêu của hệ thống lập ngân sách không chỉ giúp bảo đảm rằng bạn sẽ không tiêu tiền quá tay, mà nó còn là phương pháp tuyệt vời để bạn tiết kiệm tiền. Cách tốt nhất là bạn nên để dành tiền trước khi tiến hành thiết lập ngân sách. Điều này có nghĩa là gửi tiền lương của bạn vào ngân hàng và chỉ rút ra đủ số tiền mà bạn sẽ sử dụng trong tháng hoặc trong khoản thời gian chờ tiền lương. Hãy gửi số tiền còn lại vào ngân hàng.

Những thứ bạn cần[sửa]

  • Phong bì, bất kỳ kích cỡ nào phù hợp
  • Bút lông
  • Tiền mặt
  • Ngân sách

Nguồn và Trích dẫn[sửa]